Abraham quay trở lại.
– Một cà phê và một cô nhắc, – Weatherspoon nói cụt lủn.
– Nhà bếp ở đây nấu ăn khá lắm, – tôi nói. – Hình như ông định mua khách sạn này khi ông Wyatt qua đời?
– Tôi vẫn còn chưa quyết định.
Abraham mang cà phê và cô nhắc tới.
– Cứ tính tiền thanh toán cho tôi, ông Abraham ạ. – Tôi nói.
Ông già gật đầu rồi lui ra.
Tôi tiếp tục ăn và Weatherspoon nhấm nháp ly cô nhắc.
– Công việc điều tra của anh phát triển tốt chứ? – Đột nhiên ông ta hỏi.
– Cũng tà tà vậy thôi. Tôi đã gặp đại tá Jefferson Haverford.
Tôi đột ngột ngẩng mặt lên và nhìn ông ta. Ông ta chớp mắt, nhưng vẻ mặt không thể hiện gì.
– Đại tá có khỏe không? – Ông ta hỏi.
– Ông đã nói dối tôi khéo lắm, ông Weatherspoon ạ. Ông nói rằng ông không biết Mitch Jackson.
– Thì ông có nói thật với tôi đâu. (Weatherspoon mềm hẳn). Thôi thế là hòa.
– Đúng vậy, – tôi mỉm cười. – Đại tá Haverford có nói với tôi rằng ông có đầy đủ bằng chứng về việc Mitch bán ma túy và ông cũng đã có lệnh bắt anh ta.
– Đúng thế. Tôi đang định bắt thì Jackson lại có một hành động anh hùng. Tôi báo cáo việc này với đại tá Haverford và ông quyết định cho qua. Chúng tôi đã giữ bí mật này suốt bao nhiêu năm, thế mà bây giờ anh lại bới tung ra.
– Nhiệm vụ của tôi là tìm con trai của Jackson. Nếu có thể đạt được mục đích mà không phải lần lại quá khứ của anh ta, thì tôi cũng chẳng đào bới làm gì.
Weatherspoon nhìn tôi và gật đầu.
– Có Chúa mới biết thằng bé hiện giờ ở đâu.
– Công chứng viên của ông đã cho đăng báo tìm kiếm thằng bé. Có thể điều đó có kết quả cũng nên.
– Tôi nghe nói là anh đã tới gặp ông ta.
– Tôi đã gặp cả đống người. Một cuộc điều tra như thế này đòi hỏi mất nhiều thời gian và gặp nhiều người.
Ông ta uống cạn ly cà phê và chuyển sang nhấm nháp ly cô nhắc.
– Để tìm thằng bé mà phải tốn nhiều công sức nhỉ.
– Tôi được trả tiền để làm việc đó mà. Xét cho cùng, ông quan tâm tới điều đó làm gì, phải không ông Weatherspoon?
– Bây giờ thì không. Tôi đã có ý định mua trang trại đó, nhưng giờ tôi thay đổi ý kiến. Tôi đã nói điều này với Benbolt. Tôi không muốn làm phức tạp thêm cuộc sống và lại tốn kém nữa.
– Thế có nghĩa là ông không quan tâm tới việc tìm Johnny nữa?
– Đúng thế. (Ông ta đứng dậy). Đã đến lúc tôi phải đi rồi.
– Gượm đã. Mitch Jackson chắc đã hốt nhiều tiền nhờ buôn bán ma túy. Ai cung cấp cho anh ta vậy?
– Làm sao tôi biết được. (Khuôn mặt ông trở nên lạnh như đá).
– Thế làm sao ông vạch mặt được anh ta. Làm sao ông có được lệnh bắt anh ta?
– Tôi không thảo luận công việc của quân đội với một người dân sự, – ông ta lạnh nhạt nói. – Chào anh.
Ông ta bước ra tiền sảnh và đi khuất.
Tôi ra hiệu cho Abraham mang cà phê tới. Tôi uống chậm rãi và suy nghĩ. Rồi tôi để lại tiền boa cho Abraham và đi ra cabin điện thoại ở tiền sảnh.
Bob Wyatt ngủ gật ở quầy tiếp tân. Ông ta chớp mắt khi nhìn thấy tôi. Tôi mỉm cười và khép cửa cabin lại. Tôi quay số của Chick đã cho. Terry ÓBrien trả lời ngay lập tức, cứ như anh ta ngồi chờ sẵn cú điện thoại của tôi.
Terry ÓBrien là một trong những tay học việc trẻ của đại tá Parnell.
– Terry hả. Wallace đây. Cậu đã tìm được gì chưa?
– Chào Dirk. Phyllis Stobart, đúng vậy không?
– Đúng, – tôi nói. – Cậu đã tìm được chưa?
– Mình bỏ ra hai giờ đào bới trong lưu trữ của tờ Herald. Fan đã giúp mình rất nhiều, nhưng không thấy được gì đáng kể.
Fanny Batley là cô nhân viên da đen chuyên trực đêm các kho lưu trữ của tờ Paradise City Herald. Cô ta lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Khi các thám tử của Parnell cần biết ai đó trong thành phố, họ đều tự động nhờ đến cô.
– Thế cậu tìm được gì rồi?
– Phyllis Stobart là vợ của Herbert Stobart. Bà ta trạc ngoài bốn mươi, còn ông ta khoảng bốn nhăm bốn sáu. Ông ta mua một vila rất xịn ở đại lộ Broadhurst, trị giá cỡ nửa triệu đô. Hình như ông ta làm xuất nhập khẩu gì đó ở Viễn Đông, đâu như Sài Gòn thì phải. Ông ta đã bán toàn bộ sản nghiệp trước khi Sài Gòn thất thủ và ôm về cả đống tiền. Ở đây họ chỉ giao du với những kẻ giàu có xuất thân từ tầng lớp dưới. Ngôi nhà của họ rất đẹp. Ba ôtô: Một chiếc Rolls và một chiếc Jaguar cho ông chồng và chiếc TR 7 cho bà vợ. Bốn người hầu. Tay chồng không làm gì hết, chỉ có chơi golf và đánh bài poker. Còn vợ thì đánh bridge. Những điều đó có nói với cậu điều gì không?
– Hiện tại thế là tuyệt rồi. Nhưng mình muốn thông tin chi tiết hơn về người đàn bà đó. Mình cũng muốn biết bà ta từ đâu tới và họ có con không?
Terry khẽ rên rỉ.
– Thôi được, mai mình sẽ lo vụ đó.
Tôi gác máy,bước ra khỏi cabin và thấy Bob Wyatt mặt đang lơ đãng nhìn đi đâu, tôi tiến lại gần.
– Peggy ốm ra sao, ông Wyatt? – Tôi hỏi.
Ông nhìn tôi.
– Nó đang nằm viện.
– Rất tiếc phải nghe tin buồn này. Thế có nghiêm trọng lắm không?
– Nó có vấn đề. (Ông ta nhún vai). Chuyện làm ăn đang khấm khá, nhưng tôi không thể tiếp tục được nữa. Chỉ mong sao Peggy không chết đói. Ông Weatherspoon có ý định sẽ hiện đại hóa khách sạn này. Ông ta sẽ đuổi hết nhân viên ở đây, chỉ trừ có bà đầu bếp. Xét cho cùng, đời là thế mà.
– Xem ra ông Weatherspoon mua đủ thứ ở Searle này nhỉ, – tôi nhận xét.
Ông ta gật đầu và đưa chìa khóa cho tôi.
– Anh đi ngủ chưa, Wallace?
Tôi cầm chìa khóa, mỉm cười và đi ra thang máy.
Tôi ngồi suy nghĩ về những điều diễn ra trong ngày và những điều Terry cho biết. Rồi khi thấy công việc chưa đâu vào đâu, tôi bèn đi tắm, rồi lên giường ngủ.
***
Wally Watkins đang ngồi tỉa những bông hoa tàn trong những chậu hồng đặt dọc hai bên con đường nhỏ dẫn vào nhà. Nhìn thấy xe tôi, ông đứng dậy và ra tận cổng đón.
Vẫn rất nghiêm chỉnh trong bộ vest trắng, đầu đội chiếc mũ rộng vành.
– Tôi vẫn cứ tự hỏi khi nào tôi mới có cơ may gặp lại anh, – ông nói. – Một chút cà phê nhé.
– Không, cám ơn bác. Cháu vừa ăn sáng xong. (Lúc đó khoảng mười giờ năm). Cái gối của bác thế nào rồi.
– Lúc đỡ lúc không. Những khi đỡ tôi tranh thủ làm vườn chốc lát.
Tôi dừng lại ngắm nghía những bông hồng.
– Chưa bao giờ cháu thấy những bông hồng đẹp như thế này.
– Anh biết đấy, đó là do tôi hay trò chuyện với chúng. (Ông cười). Hoa nó cũng hiểu người đấy.
Chúng tôi ngồi trong hai chiếc ghế phô-tơi đu đưa trong bóng râm. Ông châm tẩu và tôi châm thuốc lá.
– Này, anh bạn trẻ. Anh đã tìm thấy Johnny chưa? – Ông hỏi.
– Một thời gian nữa cháu nhất định sẽ tìm ra. Này, bác Watkins, cháu tới đây quấy rầy bác vì cháu rất cần nói chuyện với con trai bác.
Mặt ông già hơi sầm lại.
– Nó thì có liên quan gì tới vụ này? – Ông hỏi.
– Cháu không biết. Cháu như người đi câu ấy mà. Cứ thả mồi xuống nước và hy vọng giật được con gì đó. Bác có tin gì từ anh ấy không?
– Chẳng có tin tức gì, từ khi nó nhập ngũ. Chục năm rồi còn gì và nói thực lòng, tôi cũng chẳng muốn gặp nó nữa. Nó đã gây cho vợ chồng tôi bao nhiêu phiền muộn. Không có nó và những hành vi tồi tệ của nó thì Kitty có lẽ chưa rời cõi đời này.
– Theo như cháu nghe nói thì Mitch là bạn rất thân với con của bác.
– Đúng là hai thằng khốn. Tôi nghĩ là thằng Syd nhà này đã lôi kéo Mitch. Syd là thằng thông minh. Tôi không nhầm đâu. Nó là đứa có đầu óc. Nhưng tính nết thì quá ư tồi tệ. (Ông bỏ tẩu xuống và lắc đầu). Cả Kitty lẫn tôi không bao giờ hiểu được tại sao lại như vậy. Chúng tôi đã hết lòng yêu thương nó. Nhưng nó xấu xa từ trong xương tủy. Ngay từ lúc bốn tuổi, nó đã ăn cắp ở cửa hiệu của tôi. Mà nó có thiếu thứ gì đâu, nhưng nó cứ thích ăn cắp hơn. Sau này, nó ăn cắp cả từ két của tôi. Tôi bắt tại chỗ và đánh một trận ra trò, nhưng tật đâu vẫn hoàn đấy. Sau đó nó và Mitch phóng môtô của Mitch tới Paradise City. Và chúng đi ăn cắp ở đó. Tôi biết được là nhờ theo dõi nó và biết được tiền mua thuốc lá và quần áo của nó là từ một nguồn khác. Và mọi chuyện cứ thế tiếp diễn. Kitty buồn vì nó mà qua đời.
– Thật là tồi tệ, – tôi nói. Hồi ở Việt Nam Syd có viết thư cho bác không?
– Nó chỉ gửi cho Kitty một cái bưu ảnh báo rằng nó đã tới nơi. Sau đó thì bặt vô âm tín.
– Bác có giữ chiếc ảnh nào của Syd không?
– Ảnh ấy à? Có. Bây giờ tôi mới nhớ ra. Nó có gửi cho tôi một bức ảnh trước khi xuống tàu. Anh có muốn xem không?
– Nếu không quá làm phiền bác, tôi mỉm cười đáp.
Ông già ngẫm nghĩ một lát rồi khó nhọc đứng dậy.
– Ta vào nhà đi, tôi sẽ lấy cho anh xem.
Chúng tôi đi vào căn phòng ngủ hết sức ngăn nắp của ông già. Rồi ông tới lục tìm trong một chiếc ngăn kéo trong khi tôi đứng nhìn ngôi vườn qua cửa sổ. Có một bãi cỏ được cắt tỉa công phu và những bụi hồng. Nhưng đây là những bông hồng có sắc đỏ như máu, bán rất đắt ở các cửa hàng hoa.
Tôi liếc nhìn căn phòng. Có một cái máy đánh chữ xách tay đặt trên cái bàn nhỏ.
– Bác còn đánh máy nữa kia à, bác Watkins?
– Chữ tôi xấu lắm. Đôi khi vẫn phải liên lạc. (Ông đứng thẳng dậy và đưa tôi một phong bì). Đây là ảnh của Syd.
Tôi lấy ra bức ảnh được in trên giấy bóng. Trong ảnh là một thanh niên mặc bộ quần áo nhiệt đới.
Thì ra đây là Syd Watkins: vai hẹp, tóc đen, hai mắt sát nhau, cái miệng gần như không có môi, mũi ngắn tẹt và một vết sẹo chạy từ mắt phải tới hàm. Đúng là chân dung của một gã du đãng.
– Tôi không bao giờ xem bức ảnh này, – ông nói và lùi ra xa. – Trông diện mạo nó chẳng khác gì ngoài đời. Thật không thể chịu nổi.
– Sao lại có vết sẹo trên mặt Syd hả bác?
– Từ năm nó mười lăm tuổi kia. Chắc nó đánh nhau bằng dao. Tôi cũng chẳng buồn hỏi. Chúng tôi vừa đau lòng vừa sợ tới mức chẳng hỏi tại sao nữa. Chúng tôi biết có hỏi cũng vô ích, tốn thời gian.
– Gần đây bác có gặp Johnny không? – Tôi đột ngột hỏi.
Wally co rúm người lại và nhìn tôi.
– Anh nói sao?
– Cháu hỏi bác từ hôm ông Jackson mất đến giờ bác có gặp Johnny không?
Ông già quay mặt đi.
– Tại sao anh lại hỏi thế?
– Có ai đó đặt những bông hoa hồng đỏ ở vườn bác trên mộ Jackson và đánh máy dòng chữ “Cầu cho ông nội từ nay yên giấc ngàn thu Johnny”. Dòng chữ đó có thể đánh từ máy đánh chữ của bác cũng nên. Johnny gọi điện nhờ bác hay anh ta đến đây?
Ông quờ tay tìm cái tẩu và lảng không nhìn tôi.
– Giả thuyết của anh ranh ma lắm, Wallace ạ, nhưng anh lầm rồi. Chính tôi làm việc đó. Ông già Fred và tôi vốn là bạn thân mà. Tôi hoàn toàn không hài lòng để người ta mai táng ông mà không có hoa. Tôi cắt hoa trong vườn và gõ dòng chữ đó. Đó là điều Johnny sẽ làm nếu nó có ở đây. (Ông gượng cười).
Tôi nhìn Wally. Ông già tốt bụng đâu có biết nói dối. Ông đã cố che giấu nhưng tôi thừa biết là ông nói dối.
– Ý nghĩ của bác thật cảm động, – tôi nói. – Thế bác không gặp Johnny và cũng không có tin tức từ khi nó bỏ đi ạ?
Ông lưỡng lự.
– Không.
Tôi biết chắc ông già nói dối.
– Cám ơn bác Watkins. Có thể cháu còn quay lại phiền bác.
Tôi chia tay ông già. Rồi tôi lên xe quay về Searle. Tôi châm thuốc và suy nghĩ về bản báo cáo gửi cho đại tá Parnell khi ông trở về từ Washington. Không còn nhiều thời gian nữa. Tôi gần như chắc chắn rằng khi đọc báo cáo của tôi, ông sẽ cho dừng vụ này.
Trước hết, về mặt tiền bạc, sẽ chẳng kiếm thêm được gì ở vụ này. Hai nữa, báo cáo của tôi phanh phui chuyện người ta che đậy cái chết của Mitch bằng chiếc lá nho. Và chắc chắn Parnell không cho người ta buộc tội người anh hùng là kẻ buôn bán ma túy.
Nhưng tôi nhất định phải biết.
Rất nhiều câu hỏi vẫn còn chưa được trả lời, và tôi chưa tiến được bước nào trong việc tìm kiếm Johnny.
Tôi nhớ đến lời khuyên của cha tôi: “Nếu con thấy bế tắc, kệ nó, hãy quay trở về những dữ liệu ban đầu và suy nghĩ cho thật kỹ, có thể con sẽ tìm ra một đầu mối quan trọng mà trước đó con đã bỏ qua”.
Bế tắc đúng là tình trạng của tôi hiện nay, đành quay trở về dữ liệu ban đầu vậy.
Fred Jackson là người chuyên nuôi ếch, đề nghị đại tá Parnell tìm đứa cháu đích tôn là Johnny. Ông trả một trăm đô và nhắn đại tá rằng Mitch Jackson là cha của Johnny. Parnell nhận nhiệm vụ này và giao cho tôi.
Tôi đã phát hiện ra các sự kiện sau: người ta giết Fred Jackson. Để bảo vệ viên cảnh sát trưởng sâu rượu và không để cảnh sát bang điều tra, bác sĩ Steed đã kết luận Fred tự sát. Dưới giường Fred , tôi thấy một cái hố trống và nhiều khả năng ông già giấu tiền để dành ở đó. Có ai đó đã lấy sạch mọi thứ trong nhà, kể cả tấm Huân chương Danh dự của Mitch và tiền để dành của Fred. Theo lời đồn thì Mitch và Syd Watkins đã gây ra nhiều chuyện tai tiếng trong làng. Rồi cả hai đều nhập ngũ.
Ít lâu sau khi Mitch đi lính, một thằng bé tám chín tuổi tới Searle tìm ông nội nó là Fred Jackson. Thằng bé có tên Johnny nhờ người bưu tá gửi hộ bức thư cho bà Stella Costa. Thằng bé ở lại với ông nó và đi học tới lúc nó mười bốn tuổi. Những người tới nhà Fred không ai thấy thằng bé cả. Trong suốt sáu năm sau khi Mitch chết, tháng nào Fred cũng nhận được một bức thư từ Miami.
Nếu mọi sĩ quan đều đánh giá cao Mitch, thì một người lính da đen tên Hank Smith lại nói rằng Mitch bán ma túy và đã chết khi cứu những tên lính trẻ, nguồn thu nhập béo bở của anh ta. Smith đã bị giết. Tôi cũng bị một gã nhọ và hai thằng du đãng tấn công. Và Harry Weatherspoon nguyên là nhân viên cơ quan phòng chống ma túy của quân đội, muốn mua lại cơ ngơi của Fred. Ông yêu cầu luật sư của mình là Edward Benbolt cho đăng thông báo tìm Johnny trên báo chí. Bây giờ ông ta không quan tâm nữa.
Stella rõ ràng là mẹ của Johnny, bà ta làm việc trong một hộp đêm mờ ám do gã Mêhicô tên Edmundo Raiz cai quản. Một cô vũ nữ thoát y tên Bêbê Mansel cho biết Stella chết vì tiêm ma túy quá liều và Johnny là một gã đồng tính sống cùng một gã da đen. Bêbê dùng chiếc xe mang biển đăng ký theo tên bà Phyllis Stobart, vợ một thương nhân từ Sài Gòn trở về có tên Herbert Stobart.
Wally Watkins, cha của Syd nói đã đặt hoa ở mộ Jackson và khẳng định đó là điều mà Johnny muốn làm. Nhưng ông già rõ ràng là nói dối. Tôi biết chắc chắn Wally vẫn đang liên lạc với Johnny.
Tôi suy ngẫm tất cả các yếu tố đó, nhưng chưa có kết luận rõ ràng. Lúc này tôi cách trang trại nuôi ếch của Fred chỉ hơn một cây số. Tôi quyết định tới đó xem xét lần nữa. Biết đâu có chi tiết nào mà tôi bỏ sót. Một sự lục soát không có sự mất tập trung do có mặt Anderson, có thể sẽ có yếu tố mới mẻ.
Tôi lên đường tới trại nuôi ếch. Tôi cho xe chạy theo con đường hẹp, tới chỗ ngoặt rộng, tôi dừng xe và đi bộ. Tôi quan sát ngôi nhà. Cửa vẫn hé mở. Bầu không khí vẫn như trước kia: hơi nóng ẩm, tiếng ộp oạp của lũ ếch và vẻ tiêu điều của ngôi nhà.
Theo bản năng, tôi mở cúc áo vét để có thể rút nhanh khẩu 38 ly. Tôi đến ngôi nhà và đẩy cửa.
Tôi đứng khá lâu để quan sát căn phòng mờ tối. Người ta có cảm giác như có kẻ nào đó đã đến đây đập phá. Một chiếc bàn gãy hết chân, những chiếc ghế mất lưng, những chiếc thảm bụi bặm lật lên hết. Các bức vách bị rìu chém nham nhở tạo thành những lỗ hổng to tướng. Hai chiếc ghế phô-tơi cũ bị rạch lung tung, lòi ra những thứ nhồi bẩn thỉu.
Tôi đi ngang qua đống hỗn độn đó và bước vào phòng Fred. Ở đây cũng thế, mọi thứ đều bị đập phá. Chiếc giường cũng như chăn đệm đều bị phá nát. Cửa tủ quần áo cũng mở toang và bị giật sắp rời khỏi bản lề. Quần áo bẩn của Fred rắc đầy sàn nhà. Căn phòng còn lại cũng ở tình trạng như vậy. Tất cả đều bị rìu bằm nát. Có kẻ đã tới đây tìm gì đó, và đã quyết tâm phải tìm bằng được.
Tình trạng thê thảm của ngôi nhà và cảnh hỗn độn ở đây mách bảo tôi rằng lục soát tiếp ở đây chỉ mất thời gian vô ích.
Tôi bước ra khỏi nhà trong cái nắng chói chang. Tiếng ộp oạp của lũ ếch khiến tôi không sao tập trung suy nghĩ được. Tôi quyết định nói với cảnh sát trưởng Mason về những điều diễn ra ở đây. Một kẻ nào đó đã tới đây tìm kiếm tiền của Jackson.
Tôi quay lại con đường nhỏ dẫn tới chỗ đỗ xe, nhưng rồi chợt dừng lại. Không hiểu sao tôi lại nảy ra ý muốn ngó lại cái đầm nuôi ếch một lần nữa. Đôi khi tôi hay có những trực giác rất lạ, mà lần này lại rất mạnh.
Tôi đi xuống theo con đường hẹp và càng tới gần khu đầm thì tiếng ộp oạp của lũ ếch càng làm tôi ù tai. Tôi cảm thấy đơn độc và hơi rờn rợn, bèn đặt tay lên bao súng, nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì.
Tôi rón rén đi tới mép đầm. Chắc có tới hàng trăm con ếch trên bờ đang giáp mặt với tôi. Chúng tạo thành một đội quân, giương những đôi mắt xanh nhìn tôi. Tôi vẫn lặng lẽ tiến lên.
Đầm lõng bõng bùn và mọc đầy cỏ lác, phản chiếu hơi nóng mặt trời đến ngột ngạt. Giữa đầm, tôi nhìn thấy hình như có một cái bè có hàng chục con ếch ngồi trên đó. Tôi tiến tới gần hơn và nín thở khi nhận thấy một cánh tay người. Thì ra đó không phải là bè! Mà là một xác người!
Tôi vỗ tay. Ngay lập tức lũ ếch biến hết. Tôi đi xuống mép đầm và nhìn cái xác nổi lềnh bềnh.
Một con ếch lớn vẫn ngự trên đầu cái xác. Nó nhìn tôi không mấy thiện cảm, kêu mấy tiếng rồi nhảy đại xuống nước.
Cái xác đó là thi thể của Harry Weatherspoon.