Vợ Phi Công

Chương 12



MƯA RƠI NHƯ TRÚT NƯỚC NGOÀI KHUNG CỬA SỔ KHỔNG LỒ CỦA khán phòng. Gian phòng cũ kỹ và dốc, xây từ những năm 1920, đến nay chưa được sửa chữa. Tường được ốp gỗ, trên đó khắc chi chít những câu tuyên ngôn tình yêu và tên viết tắt của học sinh. Những bức rèm nặng nề màu mận chín dường như không bao giờ hoạt động chính xác treo ở hai bên sân khấu. Chỉ có ghế ngồi, bị đâm bằng bút và lột bằng dao bỏ túi sau nhiều năm, là được thay mới. Bây giờ ghế ngồi của khán giả là ghế tháo ra từ Rạp chiếu bóng Ely Falls sau khi tòa nhà đó bị phá sập để xây một ngân hàng.

Khán phòng từ từ được các vị phụ huynh lấp đầy trong khi ban nhạc nỗ lực hết sức để chơi bản “Pomp and Circumstance.” Chỉ huy từ hốc nhạc trưởng ngay dưới sân khấu, Kathryn cố gắng làm cho phần trình diễn của hai mươi ba nhạc công trung học thể hiện vừa đủ bản giao hưởng quen thuộc tại lễ tốt nghiệp. Susan Ingalls, trong đội kèn clarinet, đang chơi lạc tông nghiêm trọng, còn Spence Closson, phụ trách trống bass, trông có vẻ đặc biệt căng thẳng vào tối hôm nay, chùn tay một chút trước mỗi nhịp.

Quá giờ, Kathryn tự nhủ. Trong bất kỳ công việc nào khác, đây sẽ được gọi là làm việc quá giờ.

May là hôm nay không phải lễ tốt nghiệp, chỉ là Lễ Trao Giải. Kathryn có năm học sinh cuối cấp trong ban nhạc, trong đó có hai em có khả năng đoạt giải thưởng học thuật. Đó là một trong số ít lợi thế của một ngôi trường nhỏ. Lễ Trao Giải thường rất ngắn gọn.

Vẫn cầm gậy chỉ huy trong tay, cô ngồi xuống cạnh Jimmy DeMartino, chơi kèn tuba. Cô nghĩ ngợi thiệt hơn nếu đưa Susan Ingalls ra sau sân khấu để chỉnh lại kèn clarinet của cô bé. Thầy hiệu trưởng bắt đầu bài phát biểu, sau đó sẽ là bài trình bày của thầy hiệu phó và đại diện học sinh của cấp cuối lên đọc diễn văn tốt nghiệp. Kathryn cố gắng tập trung, nhưng tâm trí cô cứ dán vào việc phải chấm điểm bài vở tối nay sau khi về đến nhà. Những tuần cuối cùng của niên học luôn gây khó chịu và đầy cảm xúc. Mỗi ngày trong suốt năm ngày qua, cô đã phải tổng dượt với ban nhạc trong giờ ăn trưa để các em học sinh cuối cấp – tổng cộng hai mươi tám em – có thể tập dượt bài “Pomp and Circumstance” cho lễ tốt nghiệp. Chưa lần nào trong tuần này bài nhạc đó, dù được chơi rất dở, lại không khiến người nghe rơi nước mắt. Nhưng đến đêm tốt nghiệp, Kathryn biết, sẽ chẳng còn em nào có tâm trạng để khóc, nỗi buồn khi phải rời trường sẽ được thể hiện tốt, và các em học sinh cuối cấp sẽ chỉ còn nghĩ đến cảnh tiệc tùng thâu đêm trước mắt. Năm nào cũng thế.

Các bài phát biểu đã kết thúc, hiệu trưởng bắt đầu công bố giải thưởng. Kathryn nhìn đồng hồ. Nửa giờ ở bên ngoài, cô tính toán. Sau đó ban nhạc sẽ chơi bài “Trumpet Voluntary”, mọi người sẽ về nhà, và cô có thể bắt đầu nhập điểm cho lớp lịch sử của mình. Mattie có bài kiểm tra toán cuối kỳ vào ngày mai.

Cô nghe tiếng vỗ tay, tiếng thốt lên mừng rỡ khi một cái tên được xướng lên, thêm một tràng pháo tay, thỉnh thoảng có tiếng huýt sáo từ đám đông. Các em học sinh cuối cấp ngồi ở hàng đầu tiên của khán phòng lần lượt lên sân khấu và quay về với những tờ giấy khen cuộn tròn được buộc ruy băng, đôi khi có em đem về một chiếc cúp. Jimmy DeMartino ngồi cạnh cô nhận một giải thưởng vì thành tích xuất sắc trong môn vật lý. Cô giữ chiếc kèn tuba cho cậu trong khi cậu lên sân khấu lĩnh thưởng.

Ba mươi phút đã trôi qua, Kathryn đợi nghe tiết mục trao giải từ từ lắng xuống, tín hiệu của việc buổi lễ tối nay đã kết thúc. Để chuẩn bị, cô đứng dậy đi về phía bục chỉ huy dàn nhạc, khẽ dùng tay ra dấu để nhắc các nhạc công cầm nhạc cụ lên. Cô thay đổi âm nhạc trên bục, khoanh tay chờ đợi đến phút bắt đầu.

Nhưng cô đã nhầm lẫn. Thầy hiệu trưởng chưa đi xuống. Còn một giải thưởng nữa chưa trao.

Kathryn nghe những từ điểm số cao nhất và lớp mười một. Một cái tên được xướng lên. Một nữ sinh đứng lên, đưa chiếc kèn clarinet cho Kathryn. Cô bé mặc áo thun trắng, váy đen ôm sát, mang giày bốt đế bằng, tiến lên sân khấu. Khán giả, trong cảm giác hòa lẫn giữa ngưỡng mộ vì thành tích của cô bé và nhẹ nhõm vì buổi lễ đã kết thúc, vỗ tay nhiệt liệt. Kathryn kẹp chiếc kèn clarinet của Mattie dưới cánh tay và vỗ tay không kém họ.

Jack nên có mặt ở đây, Kathryn nghĩ.

Sau đó, trong phòng của ban nhạc, Kathryn ôm chặt Mattie đến ngạt thở.

– Mẹ tự hào lắm, cô nói.

– Mẹ ơi, Mattie nói không ra hơi, – con có thể gọi điện cho bố để báo tin không? Con thực sự rất muốn gọi.

Kathryn nghĩ ngợi một lúc. Jack đang ở London và sắp đi ngủ để chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo, nhưng cô biết anh sẽ không phiền lòng nếu bị đánh thức vì tin này.

– Đương nhiên rồi, Kathryn nói với Mattie. – Sao lại không chứ? Chúng ta sẽ dùng điện thoại trong phòng thầy hiệu trưởng.

Dùng số thẻ gọi quốc tế, cô gọi đến căn hộ phi hành đoàn, nhưng không có người trả lời. Cô gác máy và gọi lại lần nữa. Qua cửa sổ, cô thấy gió đang quất từng trận mưa xuống đường. Kathryn thử gọi lần thứ ba, nghĩ rằng việc gọi đi gọi lại cũng đủ để báo cho Jack biết cô đang cố gắng gọi cho anh. Bấy giờ là một giờ ba mươi sáng ở London. Anh ở đâu nhỉ?

– Chúng ta sẽ gọi khi về nhà, cô nói với Mattie với một nụ cười trên môi.

Nhưng ở nhà, khi cô gọi đến số ở London, vẫn không có người nhấc máy. Kathryn gọi ba lần, trong đó có hai lần Mattie không thấy. Cô để lại lời nhắn trong hộp thư thoại. Cảm thấy sự hào hứng và hãnh diện của buổi tối hôm đó bắt đầu giảm, Kathryn không còn cố gắng gọi cho Jack nữa, và để ăn mừng thành tích của Mattie, cô nướng một mẻ bánh chocolate. Mattie quá phấn khích đến nỗi không thể tập trung ôn bài môn toán, ngồi ở bàn nhà bếp trong lúc mẹ trộn bột. Lần đầu tiên trong đời, họ bàn bạc về chuyện học cao đẳng, và Kathryn nghĩ đến những trường mà cô chưa xem xét đến trước đây. Cô nhìn con gái theo một cách mới.

Khi Mattie đi ngủ, niềm vui gượng ép của Kathryn bắt đầu tiêu tan. Cô thức khuya để nhập điểm. Cô gọi đến số điện thoại ở London vào nửa đêm, lúc đó là năm giờ sáng giờ London, và phát cáu khi phải nghe tiếng điện thoại reo trong căn hộ phi hành đoàn mà không có ai nhấc máy. Jack sẽ phải ra sân bay trong một giờ nữa để bay đến Amsterdam và Nairobi. Lúc đó cô bắt đầu lo rằng có chuyện nghiêm trọng đã xảy ra với anh. Suốt một lúc, cô dao động giữa giận và lo, cho đến khi ngủ thiếp đi trên sofa với sổ điểm và máy tính đặt trên đùi.

Anh gọi lúc một giờ kém mười lăm. Sáu giờ kém mười lăm, giờ chỗ anh. Giọng anh đánh thức cô với những cơn bùng nổ ngắt quãng.

– Kathryn, có chuyện gì? Chuyện gì xảy ra vậy? Em có sao không?

– Anh đi đâu vậy? cô lảo đảo hỏi, ngồi dậy.

– Ở đây, anh đáp. – Anh ở đây mà. Anh vừa kiểm tra hộp thư thoại.

– Sao anh không nghe điện thoại?

– Anh tắt tiếng chuông. Anh mệt quá chỉ muốn ngủ thôi. Chắc là anh bị cảm rồi.

Cô nghe sự nghẹn ngào trong giọng nói của anh. Các hãng hàng không nổi tiếng là nơi truyền mầm bệnh cảm cúm.

– Cũng may là không có gì khẩn cấp, cô đáp, giọng tỏ chút hờn dỗi.

– Nghe này, anh thành thật xin lỗi. Nhưng anh quá mệt, anh nghĩ ngủ quan trọng hơn. Vậy có chuyện gì nào? Em có tin gì à?

– Em không thể nói được. Mattie muốn đích thân báo với anh.

– Không phải tin xấu chứ?

– Không, không. Là tin tốt.

– Gợi ý cho anh đi.

– Không, em không thể. Em đã hứa rồi.

– Chắc là em không định gọi con dậy bây giờ chứ hả?

– Không, sáng mai con có bài thi toán.

– Anh sẽ gọi điện cho con trên đường bay, anh nói. – Anh sẽ hẹn giờ để gọi khi con đã thức.

Kathryn dụi mắt. Đầu dây bên kia im lặng. Cô muốn gặp mặt chồng ngay lúc này. Cô muốn chui vào chiếc giường trong căn hộ phi hành đoàn với anh. Cô chưa bao giờ nhìn thấy căn hộ phi hành đoàn. Sạch bong, anh đã mô tả như thế. Như phòng gia đình trong khách sạn.

– Vậy…

– Kathryn à, anh thật sự xin lỗi. Anh sẽ bảo hãng hàng không lắp một hệ thống để báo tin trong trường hợp khẩn cấp. Anh sẽ mua máy nhắn tin.

Cô thở dài trong điện thoại. – Jack, anh còn yêu em chứ?

Trong một khoảnh khắc, anh im lặng.

– Sao em hỏi vậy?

– Em không biết, cô đáp. – Em nghĩ chắc vì lâu rồi em không nghe anh nói câu đó.

– Dĩ nhiên là anh yêu em rồi, anh đáp. Anh hắng giọng. – Anh yêu em thật lòng. Giờ em đi ngủ đi. Anh sẽ gọi lại lúc bảy giờ.

Nhưng anh không gác máy, cô cũng vậy.

– Kathryn?

– Em đây.

– Có chuyện gì vậy em?

Cô không biết chính xác có chuyện gì. Cô chỉ có một cảm giác yếu đuối mơ hồ, cảm giác bị bỏ rơi quá lâu. Có lẽ chỉ là vì cô đã quá mệt.

– À, không có gì, cô đáp, mượn cách nói của Mattie.

– Không có gì thật chứ, Jack lặp lại.

– Vâng, không có gì.

Cô có thể thấy được chồng mình đang mỉm cười.

– Nói với em sau nhé, anh nói rồi gác máy.

– Nói với anh sau, cô đáp, cầm ống nghe lặng thinh trong tay.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.