Có ai từng thấy một con mèo lao động vất vả hay chưa? Câu trả lời là chưa
đúng không. Vì vậy nhiệm vụ mỗi ngày của tôi là ăn no rồi nằm ngủ, như
vậy mới giống mèo. Chỉ cần đừng ra khỏi phạm vi tầm mắt của thiếu gia,
muốn làm gì cũng được. Ăn mỗi bữa sáu tô cơm, được. Thích ăn táo, có.
Muốn chơi bong bóng, được luôn. Mèo tôi vui vẻ, thiếu gia vui vẻ. Thiếu
gia chịu uống thuốc, ông chủ vui vẻ. Ông chủ thưởng tiền, mèo tôi lại
vui vẻ. Nói chung cái vòng lẩn quẩn vui vẻ đó kéo dài một tháng, cho đến khi tôi ngồi bên cửa sổ chép miệng.
– Lá cây rụng hết rồi kìa. Muốn ra ngoài chơi quá!
– Vậy thì đi! – Lục Bảo đột nhiên nói.Câu nói này khiến tôi ngạc nhiên muốn rớt cằm xuống. Lục Bảo mà chịu ra ngoài vào lúc ban
ngày ư? Chuyện lạ khó tin. Tôi chỉ biết ngoài việc cậu ta ban ngày ngủ,
ban đêm thức; thì kỵ nhất là đi ra ngoài lúc có nhiều người. Cậu ta
không thích gặp con người, kể cả cha mình cũng thế. Đặc biệt là phái nữ, Lục Bảo ghét cay ghét đắng. Chỉ có tôi là ngoại lệ, vì tôi không phải
con người, cũng không phải phụ nữ. Tôi là con mèo.
– Không đi nữa hả? Lục Bảo đứng bên giá áo khoát chờ đợi.Tôi ngay lập tức tung người ra khỏi chỗ ngồi, chụp lấy áo khoát mặc vào,
cài nút áo giùm Lục Bảo, lấy khăn quấn cho cậu ta. Mỗi lần nhìn bàn tay
vẫn còn bó bột kia, tôi lấy làm áy náy lắm. Thật ra hôm đó là do tôi
phản ứng mạnh trước. Mấy hôm nay tôi không bỏ trốn thì cậu ta vô cùng
dịu dàng. Lục Bảo không hề nhắc gì đến trận náo loạn hôm đó. Cậu ta chỉ
toàn nói về thời gian chúng tôi cùng đi học thôi. Thời gian bốn năm trôi qua Lục Bảo không còn nhớ gì hết. Đối với cậu ta, chúng tôi vẫn là đôi
bạn học như thuở nào.
Lục Bảo muốn sống ngây thơ như vậy, tôi cũng sẽ cùng vứt bỏ hết tất cả
để trở về tuổi thơ của mình. Chúng tôi cùng ca hát những bài đồng dao,
lấy bút màu tô lên những hình vẽ trắng đen trong sách. Chúng tôi đọc to
bài cưủ chương, lo lắng buổi hôm nay trường sẽ cho ăn món gì. Tôi vẫn sẽ là người chạy đi lấy thức ăn trưa cho hai đứa. Lục Bảo sẽ đọc những gì
thầy viết trên bảng cho tôi chép vào tập. Mà phải chép cả hai cuốn cùng
một lúc nhé, vất vả vô cùng.
Khi hai chúng tôi ra ngoài sân, luôn nắm tay nhau như lời cô giáo dặn
khi đi công viên. Bất cứ ai nhìn thấy chúng tôi đều quay đầu bỏ chạy.
Thứ nhất vì Triệu gia bảo thế, thứ nhì vì người trước giờ đến gần Lục
Bảo mà không bị thương chỉ có mỗi mình tôi.
Tôi biết họ đang vô cùng ngạc nhiên, vì cậu chủ nhốt mình suốt ba năm
nay lại đột nhiên xuất hiện ngoài vườn. Bàn tán xôn xao vì một người cực kỳ ghét phụ nữ lại có một cô gái đi bên cạnh. Tôi không hề để ý khi một cô hầu gái hoảng quá phải trốn vội xuống gầm bàn. Tôi cũng không cười
khi hai tay vệ sĩ không biết chạy đâu, bèn leo lên cây núp.
Tôi bắt đầu suy nghĩ đơn giản như Lục Bảo, nhìn cuộc sống theo cách nhìn của cậu ta. Đó là thời gian duy nhất tôi buông xuôi tất cả, quên hết
mọi thứ. Thế rồi một buổi sáng thức dậy, nhìn vào tờ lịch trên tường,
nhớ ra ngày giỗ của mẹ mình, tôi bật khóc.
Lục Bảo hoảng sợ kinh khủng. Cậu ta nhảy nhót xung quanh, gào lên tôi
không được khóc nữa. Đã lâu lắm rồi, nên tôi quên mất Lục bảo có thể trở nên đáng sợ như thế nào. Tôi ngay lập tức nín khóc ngay, lấy áo chùi
hết nước mắt không chừa lại một giọt. Thấy tôi hết khóc rồi, Lục Bảo mới xìu xuống. Cậu ta lấy tay ôm lấy ngục mình, ngồi gục xuống sàn như lên
cơn đau tim. Tôi lo lắng chạy lại gần cậu ta. Lục Bảo liền nắm lấy tay
tôi, run rẩy nói.
– Không được khóc.Tôi gật đầu, ghi nhớ không bao giờ được khóc trước mặt cậu ta nữa.
Chúng tôi cùng ngồi trên sô pha, co ro đắp chung một cái chăn. Tôi nghĩ
rằng làm như vậy sẽ khiến cậu ta bớt run hơn. Cơn run rẩy không phải do
thời tiết bên ngoài, mà xuất phát từ nỗi sợ sâu thẳm bên trong nội tâm.
– Thiếu gia đại nhân?
– Cái gì? – Lục Bảo vẫn gục đầu trên vai tôi không nhúch nhích.
– Còn đau trong ngực không?
– Hết rồi. – Cái đầu lúc lắc trả lời. – Đừng bao giờ khóc nữa!
– Vâng!
– Đừng bỏ tôi đi!Im lặng, không biết nói sao. Tờ lịch nhắc
nhở tôi nhớ vẫn còn nhiều việc phải làm trên đời này. Không thể nào suốt đời là con mèo nhỏ trước mặt cậu ta mãi.
– Thiếu gia đại nhân?
– Hả?
– Ai đã khóc trước đó vậy?
– Mẹ tôi. – Lục Bảo rùng mình một cái rồi mới nói tiếp. – Bà ấy rất đáng sợ. Lúc nào cũng chỉ toàn khóc và khóc. Ngực tôi rất đau. Nhưng bà ấy
không chịu dừng lại, cứ tiếp tục khóc và kể lể …Cứ như
thế, Lục Bảo bắt đầu miêu tả lại hết sự khủng bố của mẹ mình. Tôi im
lặng lắng nghe, nắm tay cậu ta thật chặt mỗi khi Lục Bảo kể đến chi tiết đáng sợ. Thật ra tôi không biết rằng sự hành hạ tinh thần còn ghê gớm
hơn đau đớn về thể xác. Nếu nói rằng lần tôi té xuống sông là chết đi
sống lại, thì mỗi ngày ở nhà Lục Bảo đều bị mẹ mình đâm một nhát vào
tim. Chúng tôi khi mười hai tuổi đều đã từng trải qua sinh tử.
Đến buổi trưa, khi lấy cơm, tôi kể hết mọi chuyện cho Triệu gia. Chỉ ông ta mới có khả năng mời bác sĩ đến điều trị cho Lục Bảo. Đã biết vấn đề ở chỗ nào, thì sẽ dễ dàng kê đơn thuốc hơn. Cậu ta sớm khỏi bệnh, tôi
cũng có thể sớm an tâm rời đi. Chúng tôi không thể ở mãi trong ký ức
tuổi thơ được. Cả hai chúng tôi đều phải trưởng thành mà bước về phía
trước.
^_^
Ngoại trừ thuốc uống của hội đồng bác sĩ, tôi còn phải đóng vai trò tư
vấn giải toả tình cảm cho cậu ta. Lương của mèo kiêm thùng rác là một
ngàn ba một tháng. Thật đơn giản, hãy làm một con mèo biết lắng nghe.
Giai đoạn điều trị tiếp theo, tập cho cậu ta quen dần với cuộc sống. Mèo + thùng rác + bảo mẫu có lương tháng là một ngàn rưỡi.
Tôi làm một con mèo cưng luôn miệng đòi hỏi nhiều điều. Tôi thích ngủ
ban đêm và đi chơi vào ban ngày. Vì vậy Lục Bảo cũng phải điều chỉnh
thói quen sinh hoạt của mình cho phù hợp với tôi. Chúng tôi ra ngoài
nhiều hơn, nói về những chuyện hiện tại chứ không phải nói về quá khứ.
Ít nhất chúng tôi có cùng một mối quân tâm là âm nhạc. Những bài hoà tấu hiện đại và những khúc hát cổ cũng không phải là một khoảng cách lớn
lắm. Tôi đã mừng rỡ, vỗ tay rối rít khi Lục Bảo kéo xong bài ‘Vọng Kim
Lang’ bằng vĩ cầm. Nghe rất hay, không khác đàn cò là bao. Bù lại tôi
phải học hát bằng một thứ ngôn ngữ kỳ lạ không hiểu nỗi.
– Thiếu gia đại nhân, cậu học hát mấy bài này ở đâu?
– Trong sách.Bây giờ tôi mới biết, sách vở cũng có thể ghi
lại giai điệu. Vậy là tôi được học cách ghi, và xướng âm. Không còn
những xàng-xê-cống mà là đồ-rê-mi. Chẳng bao lâu tôi đã có thể hát bằng
thứ ngôn ngữ đó, đọc được những bài hát mà Lục Bảo ghi ra.
– Thiếu gia đại nhân, mấy bài này của tác giả nào vậy?
– Của tôi.Lại tiếp tục là một phát hiện mới. Cậu ta có thể
gọi là một dạng thiên tài không? Không có ai chỉ dẫn mà cũng có thể
luyện được một thân bản lãnh hiện nay. Với trình độ của một Mai tử, tôi
có thể khẳng định cậu ta rất tài năng. Đúng là thiên tài và kẻ tâm thần
chỉ cách nhau một sợi chỉ.
Mùa đông năm đó, tôi đã thành công kéo Lục Bảo ra khỏi nhà.
– Chúng ta sẽ đi đến một nơi tràn đầy âm nhạc.
– Không có ai khóc chứ? – Lục Bảo e dè hỏi tôi.
– Bọn họ chỉ toàn cười.Tôi dẫn cậu ta về quán Hoa Mãn Lâu, nơi mọi người bán nụ cười kiếm sống.