NHỮNG LỜI CÁO PHÓ
Chỉ có hãng UPI mới cạnh tranh với AP ở từng câu chuyện. Các tờ báo và các tạp chí khác thường có ít người hơn. Văn phòng AP Sài Gòn có một nhân viên trọng yếu và chúng tôi thay nhau viết về những lính thuỷ đánh bộ ở Đà Nẵng. Mặc dù chúng tôi vượt quá ngân sách thì New York cũng đồng ý các nhiệm vụ tới Anh Khê và Plâycu ở Tây Nguyên nơi có hai sư đoàn lính bộ Mỹ đóng doanh trại. Sau này AP là hãng tin lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong kinh doanh tin tức vượt ra ngoài nước Mỹ vươn tới năm châu với hàng triệu bạn đọc, người nghe đài bằng những thứ tiếng phổ biến nhất.
Đó cũng là trách nhiệm xen lẫn hành động và quan điểm. Chúng tôi thách đố số phận nhưng mất thăng bằng bởi những cái chết của đồng nghiệp. Chúng tôi cần bào chữa cho mất mát của họ – cho chính chúng tôi, cho gia đình đau thương của họ và cho những người tin rằng sự mạo hiểm chúng tôi đang dấn thân là điên rồ. Khi một người lính chết trong chiến trường thì những người sống sót an ủi sự hy sinh của anh ta là vì nhiệm vụ, danh dự và đất nước. Cái chết của một người lính được đánh dấu bằng lòng tôn kính, quan tài đắp quốc kỳ kéo qua hàng lính danh dự ở sân bay và một đám tang theo nghi lễ quân sự ở nhà.
Không có lá cờ nào cho những nhà báo ở chiến trường Việt Nam và không có bất kỳ vòng hào quang nào. Chúng tôi tự tổ chức những đám tang và gửi họ về nhà bằng máy bay vận chuyển hàng hoá. AP có một danh sách danh dự treo trên tường ở tiền sảnh chính của văn phòng trung tâm ở New York, một danh sách bằng kim loại ghi tên những người đã ngã xuống – đó chỉ là một sự công nhận hữu hình. Chỉ những người lính chiến trường chúng tôi đi cùng và chia sẻ nguy hiểm cùng họ mới đo được điều đó. Họ luôn tò mò vì sao chúng tôi lại chọn hành trình nguy hiển như vậy và sau đó chỉ để kết luận khi họ nhìn thấy công việc của chúng tôi là ghi lại tư liệu sống của họ trong chiến tranh.
Những an ủi động viên thường xuyên từ trụ sở của chúng tôi nhằm tránh những nguy hiểm nghiêm trọng là đặt trách nhiệm lên chúng tôi khi một đồng nghiệp bị giết hoặc bị thương. Trong chúng tôi luôn có xu hướng giải thích số phận như sự ngẫu nhiên đã định hoặc lỗi lầm đánh giá hoặc chỉ đơn thuần là sự ngu ngốc. Chúng tôi cảm thấy thông cảm cho những gia đình của những đồng nghiệp đã chết, những người không chỉ chống chọi với nỗi đau mà cả cố gắng đem lại công lý cho người đã khuất – Nhà Trắng đang cố gắng tạo ra tự do báo chí.
Bernard Kolenberg tham gia cùng chúng tôi vào cuối tháng 9 -1965. Tôi nhớ anh ta nhảy cẫng trong văn phòng Sài Gòn buổi sáng anh ta tới, ném phịch túi máy ảnh nặng xuống và thét lên: “Thật tuyệt vì được trở lại”. Tay phóng viên ảnh cao lênh khênh đó đã dành cả tuần ở Việt Nam trong mùa hè chụp ảnh cho tờ Thời báo Albany Union và giờ tình nguyện với nhiệm vụ vô thời hạn cùng AP.
Anh ta thuyết phục Horst cho ra chiến trường ngay sáng hôm sau và sau đó nằm sóng soài ra chiếc ghế trường kỷ của văn phòng thay vì thuê một phòng khách sạn, ngủ đủ 10 tiếng hồi sức sau chuyến đi không nghỉ qua Thái Bình Dương. Bernard là người đàn ông có biệt tài tới được những chỗ cần bằng những câu chuyện cười mà đội bay và nhân viên mặt đất không thể nhịn nổi.
Tôi gặp lại anh ta ba ngày sau tại thị trấn thung lũng bị bao vây cô lập của Bồng Sơn dọc bờ biển miền Trung. Anh ta đang nói chuyện với cố vấn quân sự cấp cao Mỹ về khu vực Quân đoàn 2. Anh ta có hai máy ảnh Nikon đeo quanh cổ và chiếc mũ tai bèo trên đầu. Chiếc áo vét ngoài nhiều túi chứa đầy phim, anh ta nhìn lên bầu trời. Anh ta chỉ cho tôi những quả đồi gần đó. “Tôi đã ra đó sáng nay ở đèo Phu Cu”.
Tôi đã chụp một lính thuỷ đánh bộ chết được mang đi trong cuộc di chuyển máy bay, có thể anh cần sử dụng chúng”, anh ta nói rồi đưa tôi hộp phim. Anh ta muốn ở lại Bồng Sơn vài ngày vì “Tôi thích ở đây, lực lượng đặc nhiệm rất tốt với tôi. Tôi đang bay cùng nhiều trực thăng y tế và tôi không phải cạo râu thường xuyên”, anh ta cười, búng tay vào chiếc cằm lởm chởm của mình.
Khi khởi hành về sài Gòn, Kolenberg nói cho tôi về kế hoạch của anh ta cuối tuần đó. Anh ta sẽ trở lại Quy Nhơn bay cùng những người bạn cũ, những phi công nhảy dù A-1E người Mỹ, những người đánh bom vị trí Việt Cộng trên núi trong nhiều tuần.
Bức tranh di tản đau thương như anh ta miêu tả và được đánh điện bằng rađio về New York tối hôm đó. Đó cũng là đầu tiên và cuối cùng của anh ấy mà chúng tôi nhìn thấy. vào thứ Bảy, Bernie giữ cuộc hẹn với những lính nhảy dù, đi cùng máy ảnh của mình ở ghế sau máy bay ném bom chiến đấu diễn tập cho một cuộc tấn công tốt xa hơn vào vị trí Việt Cộng ở vùng núi Bình Định thì bất ngờ lao vào chiếc máy bay khác. Kolenberg là người đầu tiên của AP chết trong chiến tranh và cái chết của anh ta làm chúng tôi sợ. Anh ta mới thực hiện nhiệm vụ được một tuần trong khi chúng tôi đã dấn thân vào những mạo hiểm tương tự trong nhiều năm và chúng tôi vẫn còn sống.
Horst luôn tìm kiếm những tân binh cho những gì chúng tôi gọi là “quân đội của Fass”, một nhóm cộng tác viên dũng cảm có mặt trên những con đường bị tấn công tan tác và những trận chiến nóng bỏng chỉ để lấy vài đô la cho một bức ảnh kèm với tin tức hàng ngày của AP chuyển về New York. Cương lĩnh của Horst là bạn không thể có quá nhiều người chụp quá nhiều ảnh. Anh ta đặc biệt ấn tượng với một trong những cộng tác viên của chúng tôi, kỹ thuật viên âm thanh của CBS Huỳnh Công La, và Horst dụ dỗ thành công, thuê anh ta làm nhân viên chính thức đã làm cho nhân viên âm thanh người Việt Nam khác tên là Hà Thúc Cần rất phẫn nộ (người sau này trở thành người quay phim ưa thích của Morley Safer). Công La có thân hình nhẹ nhàng, đặc trưng của những người đàn ông Việt Nam: bề ngoài mềm yếu nhưng ẩn chứa năng lượng dồi dào. Tôi thích đi vào chiến trường cùng anh ta vì anh ta có khiếu hài hước và giành được sự tin tưởng của quân đội Việt Nam và nhân viên dân sự. Anh ta dũng cảm hơn tôi nhiều. Anh ta băng qua rừng cùng người dẫn đầu đại đội trong khi tôi ở vị trí khá an toàn của đội chỉ huy và những cố vấn Mỹ. Đôi khi anh ta bò trở lại chỗ chúng tôi trong suốt trận bắn phá khốc liệt để nói “Có quá nhiều đạn ở đằng đó” và lại bò về vị trí cũ trong thời gian ngừng bắn. Horst huấn luyện anh ta công việc chụp ảnh và phân tích những bức ảnh của anh ta. Dần dần cùng những lời khuyên về cách đặt khung máy và nội dung, anh ta nhanh chóng tiến bộ trong kỹ năng của mình.
Những bức hình chiến trường của Công La và sự khốc liệt luôn giúp chúng tôi tạo ra một khoảng cách cạnh tranh với UPI. Một ngày anh ta nhặt được chiếc mũ sắt méo mó từ chiến trường, vẽ chữ AP đằng trước bằng mực đen và luôn đội nó mỗi khi vào chiến trường, nhiều khi nó lắc lư trên đầu anh ta. Công La có cuộc sống thú vị với bốn năm làm tin chiến trường cho CBS và AP mà không một vết xước trên cơ thể. Nhưng Công La đã nếm mùi chết chóc trong một ngày tháng 5 bùn lầy ở Đồng Bằng sông Cửu Long khi bị một tay bắn tỉa hạ gục. Anh ta bò lên bờ ruộng chụp hình, những viên đạn lao vào bắn nát cánh tay của anh. Trước khi bất tỉnh, anh ta yêu cầu một người lính chụp lại nơi anh ta nằm. Cuốn phim đó được rửa trong văn phòng ngày hôm sau, đó là tấm hình Công La bất tỉnh trong vũng máu của mình trên nền xanh non của ruộng lúa quê hương. Điều đó có thể làm chùn bước một người đàn ông khác, nhưng mối quan tâm lớn nhất của Công La là những bài báo về vết thương của anh ta sẽ thu hút sự chú ý của ban quân dịch mà anh ta đã tránh trong nhiều năm làm công việc văn phòng. Anh ta đổi tên mình thành Huỳnh Thành Mỹ. Truyện “Từ Chiến Trường Khốc Liệt (Live from the battlefield) ” Truyện “Từ Chiến Trường Khốc Liệt (Live from the battlefield) ”
CBS đề nghị trả gấp ba mức lương 100 đô la 1 tuần hiện tại để anh ta trở lại với họ làm người quay phim nhưng Thành Mỹ từ chối. “Tôi cũng không thích máy quay phim, quá to”, anh ta nói với chúng tôi, thích thú gõ vào những chiếc máy ảnh nhỏ 35mm của AP mà anh ta mang. Anh ta được nghỉ xả hơi một ngày tháng 10 và tự hào khoe những bức hình về đứa con trai bảy tháng tuổi khi Eddie Adams phải bỏ nhiệm vụ đi cùng Tiểu đoàn Đặc nhiệm 44 Việt Nam để làm những công việc văn phòng. Thành Mỹ nài nỉ được viết câu chuyện đó, nói rằng tiểu đoàn đó có những người bạn của mình và sau đó anh ta về lấy mũ sắt và nhảy lên một chiếc máy bay đi Cần Thơ.
Horst trở về văn phòng từ chuyến đi thực tế trước đó hai ngày khi chúng tôi nghe những lời đồn đại gây sốc rằng Thành Mỹ có thể đã bị thương nặng và thậm chí còn tệ hơn nữa là anh ta đã chết trên chiến trường đầy bùn phía nam Cần Thơ. Trong khi Horst đi an ủi gia đình Thành Mỹ, Ed White tới thành phố Cần Thơ để hỏi về xác của anh ta. Ed thuật lại sụ việc cho chúng tôi khi về. Lính đặc nhiệm 44 bị tấn công dữ dội đầu buổi chiều và Thành Mỹ bị thương vào vai, di chuyển về phía sau chờ máy bay y tế tới chuyển đi. Vào buổi tối, trước khi có sự giúp đỡ tới, Việt Cộng mở một trận tấn công lớn, chiếm đóng điểm tập kết và Thành Mỹ bị bắn chết bởi một viên đạn vào cổ. Cả văn phòng buồn rầu trong nhiều ngày, đặc biệt là Horst. Anh ta không ngừng nói “Chúng ta phải có được những bức hình, đó là nhiệm vụ của chúng ta nhưng cách duy nhất tôi có thể cho các phóng viên ra ngoài nếu tôi cũng tiếp tục tự mình đi”.
Đám tang của Thành Mỹ đưa anh ta rời khỏi căn nhà vào cuối buổi sáng, đi qua ngõ theo yêu cầu của mẹ anh ta và theo con đường ba làn mà anh ta thường đi trên đường tới văn phòng AP, dừng lại một lúc bên ngoài văn phòng trong sự tưởng nhớ 17 tháng làm việc với tư cách là phóng viên ảnh chiến trường. Toàn bộ văn phòng AP ở đó, cùng với Ed White, Hugh Mulligan, George McArthur và Horst và tôi. Rất nhiều người bạn khác đi đưa tiễn anh vì những ngày đó giới báo chí còn chưa rộng nên cảm nhận sự mất mát của đồng nghiệp vô cùng sâu sắc.
Các nhà sư trong những bộ áo nâu bước đi cùng chúng tôi, tụng kinh gõ mõ và đốt hương. Người goá phụ 19 tuổi của phóng viên ảnh bị giết mặc áo xô truyền thống, vịn tay sau xe tang. Những thành viên khác trong gia đình theo sau đều đội khăn tang trắng trên đầu, một người họ hàng cầm khung hình Thành Mỹ trong tư thế tự hào nhất, mặc bộ đồ kiểu phóng viên chiến trường với tên trên áo khoác và chữ “AP” đính dưới tên.
Gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, một trong những người em gái của anh ta thả tiền giấy trên đường theo nghi thức đạo Phật để linh hồn anh ta có thể tìm đường về nhà một ngày nào đó. Tại nơi chôn, một đĩa thức ăn, một chai nước và một bát cơm được đặt trên một chiếu tre tiễn anh ta trên hành trình về với tổ tiên. Người vợ đau buồn hôn bức ảnh của chồng ba lần khi những que hương cuối cùng bốc cháy, sau đó cô ta bị ngăn lại khi muốn lao mình theo chồng xuống mộ khi quan tài hạ huyệt.
Khi chuông buổi trưa rung lên ở nghĩa trang thì một thanh niên trẻ mặc quân phục chạy lao qua đám đông những người chia buồn, quỳ gối trước mộ. Người mẹ và người vợ lại thổn thức khi họ an ủi, người em trai đang ở chiến trường và không biết đến số phận của trai mình tới khi đọc báo sáng hôm đó. Người bạn ở CBS trước đây là Hà Thúc Cần đẩy tôi sang một bên và thầm lặng rủa Horst “Hắn giết anh ta, hắn giết anh ta. Nếu Công La ở lại với tôi thì hôm nay anh ta vẫn còn sống”. Tôi nhớ đến Thúc Cần về sự bí ẩn của anh ta và nghĩ một người lính có thể may mắn biết bao khi họ có thể trả thù cho cái chết của người bạn còn chúng tôi chỉ tìm thấy sự an ủi.
Horst đã làm hết sức mình để an ủi người góa phụ đau đớn. Một thanh niên trẻ có đôi mắt u buồn giật tay áo anh ta và giới thiệu tên anh ta là Út, em của Thành Mỹ. Horst nói với anh ta “Tốt nhất là cậu nên về nhà” nhưng anh ta đáp lại dứt khoát: “Bây giờ AP là gia đình của tôi, tôi cũng muốn chụp hình” và Horst quay về phía tôi với cái lắc đầu và nói với anh ta: “Đi, lớn lên rồi sau đó tới gặp tôi”. Út thường hay lui tới văn phòng, nhắc cho chúng tôi nhớ tới người anh trai hay cười trong bức hình ở trên tường. Chúng tôi gọi cậu bé là Nick Út và cậu ta bắt đầu với những công việc lạ kỳ trong phòng tối cho Horst. Năm tháng trôi qua, Horst dạy cậu ta cách sử dụng máy ảnh và cử đi một vài nhiệm vụ trong thành phố và cuối cùng để cậu ta vào chiến trường vì sau này Nick Út là gã thanh niên khoẻ mạnh và Horst không thể cản anh ta được nếu anh ta muốn.
Một buổi chiều xuân muộn năm 1972, tôi ở trong văn phòng cùng với Horst thì Nick Út đầy mồ hôi lái xe trở về từ Củ Chi cùng những tấm hình về một ngôi làng bị đánh bom napan, những con ngưòi hoảng loạn và một cô bé trần truồng, quần áo đã bị bốc cháy khỏi cơ thể, la hét chạy trốn trên con đường làng. Nick Út nhận giải thưởng Pulitzer cho những bức ảnh của anh ta trong năm đó