#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết
ĐÊM THỨ HAI MƯƠI LĂM: HIẾU THÁNH HIẾN HOÀNG HẬU NỮU HỖ LỘC THỊ
Nữu Hỗ Lộc Thị (Niuhuru Hala) là một trong tám dòng họ quý tộc Mãn Châu, đồng thời cũng là dòng họ cổ xưa nhất tộc Mãn, sống chủ yếu ở lưu vực sông Tùng Hoa, sông Mẫu Đơn và núi Trường Bạch. Khi nhắc đến cái tên này, chắc chắn rằng rất nhiều mọt phim Thanh đấu hẳn đều rất quen thuộc, ví như đại tham quan Hoà Thân cũng là họ Nữu Hỗ Lộc, rất nhiều hoàng hậu đời Thanh cũng họ Nữu Hỗ Lộc. Vì vậy họ này được xếp vào hàng “bát đại gia”, là một danh môn chính hiệu!
Chúng ta thường nghe nói mẹ của vua Càn Long có họ là Nữu Hỗ Lộc, nhiều người vừa nghe liền khẳng định rằng bà xuất thân danh môn. Thực ra nhận định này cũng đúng nhưng không hẳn. Chúng ta nói Nữu Hỗ Lộc là một trong “bát đại gia” là ý chỉ thế hệ sau của công thần khai quốc Ngạch Diệc Đô, song mẹ của Càn Long chỉ là họ hàng xa, xa tới mức dù bắn đại bác cũng không tới. Nhà Nữu Hỗ Lộc có rất nhiều nhân vật nổi bật, ngoại trừ Hòa Thân thì còn có cả đại trọng thần Ngạch Diệc Đô, Át Tất Long,…Bên cạnh đó, kể từ thời Hoàng Thái Cực đến tận đời vua Hàm Phong, trải qua sáu triều vua tất cả, dòng tộc này đã có công “góp” mười hai vị phi tần, quyền lực đến mức người có tước vị thấp nhất cũng chỉ dừng lại ở mức phi. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về một vị hoàng hậu nức tiếng một thời, từng xuất hiện với hình tượng đầy mạnh mẽ trên sóng truyền hình, lấy đi nước mắt và sự tán thưởng của biết bao người – Hiếu Thánh Hiến Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị – tức Sùng Khánh Hoàng thái hậu.
Hiếu Thánh Hiến Hoàng hậu sinh ngày 5 tháng 11 năm 1692 thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, phụ thân là Lăng Trụ, ông là quan điển nghi hàm tứ phẩm, được gia phong làm nhất đẳng thừa ân công, song phải đến đời Càn Long ông mới được gia phong. Chúng ta phân tích một chút về chức quan này – điển nghi hàm tứ phẩm, thoạt nghe thì thấy to tát nhưng thực ra đây chỉ là một chức quan mà khi hoàng thất cử hành lễ gì đó thì đứng hô “khẩu hiệu” mà thôi, là một kiểu quan khá nhàn, được phong cho người nhà của các phi tử. Điều này chứng tỏ, chức quan này cũng không phải do Lăng Trụ tự mình có được mà là nhờ con gái nên mới có.
Cuộc đời của vị hoàng hậu nức tiếng trong lịch sử Trung Hoa được tóm tắt như sau (có một số phần An dịch lại dựa theo Baike Trung, nhưng vì thông tin ở Wiki Việt cũng được dịch từ Baike nên độ giống nhau về mặt nội dung là 100%, song An chỉ tóm lược, nếu muốn đọc cụ thể hơn, các bạn có thể qua Wiki để tìm hiểu với từ khóa là Hiếu Thánh Hiến Hoàng hậu): Năm Khang Hy thứ bốn mươi ba (1704), Nữu Hỗ Lộc thị (13 tuổi) được chỉ hôn cho Tứ A Ca Dận Chân lúc này đã 26 tuổi. Tuy bà thuộc gia tộc danh giá nhưng gia đình bà cũng chỉ là họ hàng xa, cả chức quan của phụ thân Lăng Trụ cũng không cao, cộng thêm tước vị của Dận Chân lúc ấy chỉ dừng ở mức Bối Lặc nên khi nhập Ung bối lặc phủ, thân phận của bà cũng chỉ dừng ở mức Cách Cách, dù hạ sinh Hoằng Lịch nhưng địa vị của bà vẫn không hề tăng, mười năm ròng vẫn chỉ ở phong hào Cách Cách. Dừng! Mọi người dừng ở đây, theo sách sử thì bà cưới Ung Chính lúc 13 tuổi, đến hai mươi tuổi thì sinh ra Càn Long, ở giữa còn cách tận bảy năm nhưng không một sách sử nào ghi chép lại, vậy trong bảy năm ấy có gì, đây vẫn là một câu đố, song có một điều chắc chắn là sau khi sinh Càn Long (lúc ấy bà gần 20), mãi đến khi Khang Hy triệu kiến thì bà tròn 30 tuổi, suốt 12 năm đó bà cũng không hoài thai thêm lần nào nữa, có thông tin là Ung Thân Vương khá lãnh cảm với bà trong chuyện phòng the, chỉ vì bà sinh Hoằng Lịch nên Ung Chính mới để tâm đến bà. Song điều cần nói đến là cái phong hào Cách Cách này, thực ra trong tiếng Mãn, hai chữ Cách Cách cũng kiểu như “tỷ tỷ (chị gái) vậy, cũng không phải dùng để chuyên chỉ công chúa các kiểu. Đời Thanh có một cuốn từ điển Mãn văn rất uy tín được đích thân triều đình khâm định tên là “Thanh văn giám”, trong đó có giải thích hai chữ “cách cách” này có nghĩa là tỷ tỷ. Thực ra thì An chỉ giải thích thêm cho vui thế thôi chứ cũng không có ý gì, chúng ta tiếp tục.
Hồi thời Khang Hy, Ung Chính tức Tứ A Ca Dận Chân mắc bệnh dịch nặng suýt chết. Nữu Hỗ Lộc thị ân cần chăm sóc chu đáo. Sau khi Ung Chính bình phục, vì cảm động trước sự săn sóc ấy nên đã yêu quý bà hơn. Lúc Hoằng Lịch 10 tuổi thì được theo cha đến Mẫu Đơn Đài ở Viên Minh Viên tham dự yến tiệc, Khang Hy thấy hoàng tôn Hoằng Lịch thông minh hơn người nên rất yêu mến bèn đón vào cung học tập, tự tay nuôi nấng, lại khen Nữu Hỗ Lộc thị có phúc, từ đó bà càng nhận Ung Chính ân sủng hơn. Wiki thì cũng ghi tương tự thế nhưng sau khi mình tìm hiểu thì theo như ghi chép trong “Thanh Cao Tông thực lục”, khi Khang Hy nhìn thấy Càn Long thì rất yêu mến bèn muốn nhìn mặt mẹ đẻ của Càn Long, khi Nữu Hỗ Lộc thị quỳ gối trước mặt Khang Hy, Khang Hy đã cảm thán rằng: “Quả là người có phúc, người có phúc!”, kể từ đó địa vị của bà và con trai có sự thay đổi tốt đẹp. Sau khi Ung Chính đăng cơ đã phong cho bà làm Hi phi, sau đó phong tiếp lên Hi quý phi. Tháng tám năm 1723, Ung Chính bí mật lập hoàng trữ (người sẽ lên nối ngôi vua), ông đã đề tên Hoằng Lịch lên di chiếu sau đó đặt sau tấm biển Chính Đại Quang Minh ở cung Càn Thanh. Thực ra thì trong chuyện tình cảm, nhất là gia đình đế vương, chuyện yêu hay không yêu rất mơ hồ, chỉ người trong cuộc mới biết rõ, song có một điều chắc chắn rằng, bất kể Ung Chính có yêu Nữu Hỗ Lộc Thị hay không thì ông quả thật rất trân trọng và yêu thương cậu con trai Hoằng Lịch của mình. Tứ hoàng tử được mẹ thương yêu, lại có cha và ông nội quyền khuynh thiên hạ hết mực chở che, thêm cả thông minh sáng sủa, đặc biệt là con đường lên ngôi cửu ngũ đã được trải sẵn, quả là quá phúc khí!
Năm 25 tuổi, Hoằng Lịch kế vị ngôi vua, lấy hiệu là Càn Long, sau đó phong Hi quý phi làm hoàng thái hậu, hết sức cung kính và tôn trọng bà. Trong khoảng thời gian Càn Long tại vị, cả ba lần Nam tuần, ba lần Đông tuần, ba lần tuần du Ngũ Đài, một lần tuần du Trung Châu, viếng Đông Lăng, hái mộc lan, đều đưa thái hậu đi cùng. Thường ngày cũng không rời xa, mỗi ngày đều ghé thăm mẹ, đến lễ mừng thọ đều dẫn quan viên đại thần đến hành lễ chúc mừng. Đại thọ sáu mươi, bảy mươi, tám mươi của thái hậu, mỗi một lần đại thọ đều long trọng và hoành tráng hơn lần đại thọ trước. Đặc biệt vào lúc đại thọ tám mươi của mẹ, Càn Long lúc này đã sáu mươi tuổi vẫn nhảy múa cho mẹ xem, cực kỳ hiếu kính.
Có một đoạn nói về chữ hiếu của Càn Long khiến An cảm thấy rất cảm động, nhất định phải dịch ra cho mọi người cùng đọc: “Càn Long nghĩ lúc hoàng thái hậu 90 tuổi thì mình cũng đã là một ông già 71 tuổi rồi, đến lúc đó nhất định càng phải chúc mừng hoàng thái hậu long trọng hơn nữa”, quả đúng như Khang Hy từng nói, Sùng Khánh Hoàng thái hậu có được một người con như Càn Long là đại phúc khí, mọi bà mẹ trên thiên hạ cũng chỉ mong có được một đứa con hiếu thảo đến thế mà thôi. Theo như ghi nhận của lịch sử, “thành tựu” của Sùng Khánh Hoàng thái hậu là: sinh hạ Càn Long, hoàng thái hậu trường thọ và hưởng phúc nhất Đại Thanh. Phải nói thêm một chút là Càn Long cũng là một vị vua sống rất thọ. Trước Càn Long, tuổi thọ bình quân của các vị hoàng đế không quá cao, từ Nỗ Nhĩ Cáp Xích (cha của Hoàng Thái Cực) đến Ung Chính, thọ mệnh đều không quá cao, chỉ tầm năm mươi mà thôi, thế mà Càn Long sống đến tận tám mươi chín tuổi, trong các anh em huynh đệ thì ông cũng là người có tuổi thọ cao nhất. Huynh đệ của Càn Long tổng cộng mười người, đều cùng cha khác mẹ, trong đó sáu người chết yểu, bốn người may mắn sống sót, ngoại trừ Càn Long thì người sống lâu nhất cũng chỉ tầm sáu mươi tuổi. Tố chất sức khỏe của Càn Long rất tốt, phải nói là cực kỳ tốt, cái này hẳn là do di truyền từ mẹ vì Sùng Khánh Hoàng thái hậu cũng sống rất thọ, bà sống đến tám mươi sáu tuổi, sức khỏe tốt, được mệnh danh là “lão thái hậu thích du lịch”. Quả là cả hai mẹ con đều rất có phúc khí.
Đã nói đến đây thì sẵn tiện nói luôn, một trong những bộ phim truyền hình tái hiện lại hình tượng Sùng Khánh Hoàng thái hậu được lòng khán giả nhất là bộ phim truyền hình dài tập Hậu Cung Chân Hoàn Truyện được cải biên từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lưu Diễm Tử. Thực ra thì trong phim người ta cải lại gần hết rồi, drama hóa hơn, nói chính xác hơn là chỉ mượn hình tượng nhân vật mà thôi. Một ví dụ cụ thể là trong phim, Chân Hoàn nhập cung qua đợt tuyển tú dưới thời Ung Chính, lúc đó chính Ung Chính cũng đã lập hậu, khác hoàn toàn so với lịch sử. Bên cạnh đó, Ung Chính sở hữu hơn hai mươi phi tần, trong đó có Trung Cung Hoàng hậu tức Hiếu Kính Hiến hoàng hậu Ô Lạp Na Thị. Trong phim, Ô Lạp Na Thị được miêu tả là một vị hoàng hậu nội tâm âm hiểm và luôn mưu tính hãm hại những phi tử mang thai. Song thực ra trong lịch sử, Hiếu Kính Hiến hoàng hậu là một người rất nhã nhặn, tuy đứng đầu lục cung nhưng mối quan hệ giữa bà và các phi tần đều rất thuận hòa, ngay cả Ung Chính cũng rất tin tưởng bà.
Trong hậu cung của Ung Chính còn tồn tại một nhân vật cực kỳ quan trọng, đó là Đôn Túc Hoàng quý phi Niên thị, bà là con gái của nhất đẳng công Niên Hà Linh, là em gái của Phủ Viễn đại tướng quân Niên Canh Nghiêu, cũng chính là nhân vật Hoa phi Niên Thế Lan trong phim. Trong Chân Hoàn Truyện, Hoa phi được xây dựng với hình tượng một người phụ nữ lòng dạ nhỏ mọn, kiêu căng hống hách, song trong lịch sử, đích thân Ung Chính đã đánh giá bà như sau: “Bản tính nhu hòa, quản lý việc hậu cung cẩn trọng,… tấm lòng khoan hậu bao dung”, mỗi một câu đều là ngợi khen, có thể thấy được sự coi trọng của Ung Chính dành cho bà.
Ung Chính là một người cuồng công việc, ông dành phần lớn tinh lực vào việc trị quốc vì thế không có nhiều thời gian dành cho hậu cung. Nếu nói trong lòng ông người phụ nữ nào quan trọng nhất, chỉ e người xếp ở vị trí đầu hẳn là Niên quý phi. Ngày 23 tháng Mười Một năm Ung Chính thứ ba, Niên quý phi chết vì bạo bệnh, lần đầu tiên trong đời Ung Chính nghỉ thiết triều (5 ngày), đích thân tổ chức tang lễ cho Hoàng quý phi (Ung Chính phong hào này cho bà vào ngày 15 cùng tháng). Trong tang lễ, Ung Chính cực kỳ đau buồn, tâm trạng kích động đến mức nghẹn ngào. Theo như ghi chép mà Wikipedia dịch lại thì: “Những người con do Niên thị sinh ra, chỉ có Phúc Huệ. Ung Chính Đế tư niệm đó là cốt nhục duy nhất của Niên phi nên thập phần sủng ái, đối đãi khác với các hoàng tử khác. Nhưng ở năm Ung Chính thứ 6 (1728), Phúc Huệ cũng bất hạnh qua đời. Ung Chính Đế đau buồn, lấy lễ Thân vương mà mai táng Phúc Huệ. Đến thời Càn Long, Hoàng đế từng nói về Phúc Huệ:“Trẫm đệ tám a ca, tố vì hoàng khảo sở yêu tha thiết”, chứng minh việc Ung Chính Đế yêu quý Phúc Huệ là các anh em trong hoàng tộc đều biết.”
Vậy rốt cuộc nàng “Chân Hoàn” Nữu Hỗ Lộc Thị có vị trí như thế nào trong lòng Ung Chính? Thực ra trong lịch sử, dung mạo của Hi phi chỉ thường thường bậc trung. Tuy thời Ung Chính còn tại vị đã sắc phong bà làm phi tử nhưng chỉ ở tước vị phi. Song Nữu Hỗ Lộc thị lại là một người có phúc, tuy bà không nhận được sủng ái của Ung Chính nhưng lại may mắn hạ sinh được tứ hoàng tử Hoằng Lịch. Lại tuy bà không có được tình yêu của Ung Chính nhưng con trai bà từ lâu đã là người được Ung Chính xác định sẽ kế thừa ngai vị. Sau khi Ung Chính qua đời, Hoằng Lịch nối ngôi, mẹ quý nhờ con, Nữu Hỗ Lộc thị được suy tôn làm Hoàng thái hậu, hưởng hết mọi vinh hoa phú quý, sống thọ đến gần chín mươi tuổi.
Hình dưới lần lượt là hình vẽ của Sùng Khánh Hoàng thái hậu – nhân vật Nữu Hỗ Lộc Chân Hoàn do Tôn Lệ thủ vai trong Hậu Cung Chân Hoàn Truyện – nhân vật Sùng Khánh Hoàng thái hậu do Ô Quân Mai thể hiện trong Hậu Cung Như Ý Truyện.