“Vì sao con lại không có ca ca ruột ạ?”
Đến bữa tối, Lục Nghi Trinh đột nhiên hỏi rầu rĩ.
Lục phu nhân bất ngờ với thái độ của nàng, dò hỏi khéo léo mới biết được nguyên nhân bên trong, thì ra là tiểu cô nương bị ảnh hưởng bởi những chuyện ở lớp học.
“Cơ thể của mẹ không được tốt, khó khăn lắm mới sinh được một mình con, mẹ và cha con cũng không muốn sinh thêm nữa. Nếu Trinh Nhi muốn ca ca thì đợi qua một thời gian nữa mẫu thân sẽ viết thư gọi các biểu ca ở Dương Châu đến thăm con, được không?”
Tiểu cô nương buồn rầu, lắc đầu.
“Vậy Trinh Nhi muốn thế nào?”
Nếu không tức giận thì phần lớn thời gian Lục phu nhân đều nói chuyện dịu dàng uyển chuyển, vương nét yêu kiều duyên dáng của nữ tử Giang Nam, giống như hiện tại.
Lục Nghi Trinh thích nhất mẫu thân như vậy.
Nàng vươn tay ôm Lục phu nhân, vùi mặt vào vòm ngực thơm ngát của người phụ nữ xinh đẹp. Mặc dù biểu cảm vẫn còn buồn rầu nhưng đã không còn nặng nề như trước.
“Muốn mẹ cơ”.
Giọng nói lí nhí của tiểu cô nương trước ngực truyền đến.
Lục Khương thị vừa nghe, vẫn chưa thể lĩnh hội toàn bộ ý tứ trong lời nói của con gái.
Lại nghe thấy nàng nói tiếp: “Không cần ca ca”.
…
Lục Tông trở về nhà, vừa thay xong triều phục đã nghe được Lục phu nhân kể lại nỗi buồn phiền của cô nương nhà mình.
Ông an ủi tâm trạng của Lục Khương thị, sau đó nhân lúc trời vừa tối bèn đi đến trước cửa phòng Lục Nghi Trinh.
Tất cả các nữ sử trong viện đều đang bận việc, thậm chí ngay cả Bảo Khấu xưa nay thân cận với tiểu chủ nhân nhất cũng ở bên ngoài.
Lục Tông thấy tình hình này, đại khái đã đoán được bảy tám phần sự tình.
Ông không hỏi nhiều, lập tức đưa ngón tay gõ vang ngoài cửa phòng.
“Tiểu bảo bối, cha về rồi đây, sao con không chịu ra nhìn một cái vậy?”
Không lâu sau, cửa gỗ mở ra từ bên trong, lộ ra một cái đầu tóc tai tán loạn.
Những lúc ở nhà, tiểu cô nương không vấn tóc, vì thế mái tóc suôn mềm buông xuống bên vai, thoạt nhìn khiến người ta cảm thấy rất dễ chịu.
Lục Tông duỗi tay xoa đỉnh đầu nàng.
“Cha”.
“Hôm nay tiểu bảo bối của cha thi thế nào rồi?” Lục Tông vừa hỏi, vừa ôm tiểu cô nương nhẹ bẫng, mềm mại như bông vào lòng.
“Chỉ thi hai môn, thi văn thơ được điểm Giáp, kinh sử được được điểm Ất”.
“Ừm, cũng không tệ lắm”.
Lục Nghi Trinh được ôm tới đình viện.
Tối nay, một nửa vầng trăng ẩn náu sau những rặng mây mờ. Gió đưa những đám mây lay động, đường cong của mảnh trăng cũng thay đổi theo. Ánh trăng sáng rõ lả lướt rồi đậu trên cây hương xuân trước đình viện, tựa như bao phủ thêm một lớp sương mù mờ ảo.
Lục Tông thuận miệng kiểm tra vài câu về thơ ca vịnh nguyệt, tiểu cô nương đối đáp trôi chảy.
“Tiểu bảo bối thông minh như cha lúc còn nhỏ vậy”.
“Cha căn bản không phải khen con mà là muốn khen chính mình đúng không?”
Lục Tông cười ha hả, ngay sau đó đã giảo hoạt thay đổi chủ đề: “Mấy ngày gần đây cha đều đi sớm về muộn, tiểu bảo bối có biết cha đang làm gì không?”
Lục Nghi Trinh ngẫm nghĩ mới đáp: “Bận công việc ở Lễ bộ”.
“Ồ, đúng rồi. Thế tiểu bảo bối có biết cha đang bận chuyện gì không?”
“… Chuyện gì ạ?”
“Là cuộc thi lục nghệ của Quốc Tử Giám”.
Lục Nghi Trinh: “…!”
Thấy tiểu cô nương cực kỳ bất ngờ, ánh mắt thoáng chốc đã trở nên sáng ngời, Lục Tông thầm nghĩ dường như ông đã bắt đúng bệnh của nhóc con nhà mình.
“Cuộc thi mỗi năm của Quốc Tử Giám đều do Lễ bộ toàn quyền lo liệu, trùng hợp cha con lại làm một chức quan không nhỏ ở Lễ bộ…”
“Đúng lúc tiểu bảo bối cũng đang nghỉ đông, suốt ngày trốn trong nhà khó tránh khỏi buồn chán. Ba ngày sau, con có muốn đi cùng cha xem các
tiểu ca nhi*
của kinh thành đánh mã cầu không?”
* Cách gọi chung các thiếu niên thời Tống. Nếu gọi riêng một người sẽ gọi tên + ca. Ví dụ: Ý ca nhi.
“Muốn đi muốn đi!”
Đối phương vừa dứt lời, tiểu cô nương gấp gáp không chịu nổi mà gật đầu lia lịa.
Lục Tông thấy dáng vẻ đã được dỗ dành của nàng bèn ôm nàng lên vài cái, cho đến khi gió đêm lạnh lẽo cuốn theo lá cây thổi tới, lúc này ông mới tươi cười thả tiểu cô nương về phòng.
…
Ngày tổ chức Ngự khảo của Quốc Tử Giám là ngày thời tiết sáng sủa hiếm có của đầu đông.
Ánh nắng giòn rụm như đĩnh vàng chiếu xuống những con phố tấp nập người ngựa lui tới, tăng thêm mấy phần ấm áp.
Phố Khải Thánh Viện nằm gần cổng Tây Hoa của hoàng cung, phía Nam còn có
Thượng thư tỉnh*
và Quốc Tử Giám tọa lạc. Ngày thường vẫn luôn lặng lẽ trang nghiêm.
* Thượng thư tỉnh: nằm trong quan chế Tam tỉnh Lục bộ của Trung Quốc cổ đại. Tam tỉnh là Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh và Thượng thư tỉnh; lục bộ trực thuộc Thượng thư tỉnh, gồm có Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ. Mỗi bộ đều chia làm 4 ty, tổng cộng 24 ty.
Chỉ vì hôm nay tất cả các tiểu ca nhi đến độ tuổi của các nhà thế gia trong kinh thành đều tụ hội ở Quốc Tử Giám đánh mã cầu. Ngay cả bá quan văn võ quyền quý cũng muốn đến xem náo nhiệt, vì thế mới tạo ra cảnh tượng người xe náo nhiệt rầm rộ vào sáng sớm ở phố Khải Thánh Viện như lúc này.
Lục Nghi Trinh được Lục Tông đưa đến cửa lớn Quốc Tử Giám, dặn dò vài câu, sau đó cho nàng tự do vui chơi.
Làm Lễ bộ Thị lang, công việc của Lục Tông ngày hôm nay chắc chắn không ít.
Hơn nữa, khán đài xem thi đấu mã cầu sẽ tách nam nữ ra ngồi, nhưng hôm nay Lục phu nhân đã hẹn sư phụ của chùa Hiển Kính giảng pháp nên không đi cùng, chỉ phái hai nữ sử thân cận và mấy hộ vệ chăm sóc cho nàng.
Bảo vệ chu đáo chặt chẽ như vậy, thiết nghĩ sẽ không xảy ra vấn đề gì quá lớn.
Lục Tông cũng không muốn con gái nhỏ phải theo kè kè bên người mình nên cũng để nàng tự do.
Đi theo Bảo Khấu và các nữ quyến khác vào chỗ ngồi, Lục Nghi Trinh chỉ cảm nhận được một làn gió thơm táp vào mặt.
Trên khán đài râm mát, nhóm phu nhân quyền quý của kinh thành tụm năm tụm ba trò chuyện với nhau rất vui vẻ.
Chiếc bàn nhỏ trước những chiếc nệm ngồi trang trí bình hoa rất trang nhã, trái cây theo mùa, còn có những món điểm tâm rất đáng yêu.
Đầu tiên, Lục Nghi Trinh nhìn thấy tỷ muội Từ gia và Hầu phu nhân đang bụng mang dạ chửa.
Nàng tiến đến chào hỏi bọn họ.
“Tiểu cô nương Lục gia. Nhà ngươi cũng có đường ca biểu ca đang học ở Quốc Tử Giám sao? Có quen biết với Đại Lang nhà ta không?” Hầu phu nhân hỏi.
Lục Nghi Trinh lắc đầu: “Cha ta đưa ta đến đây”.
“Thì ra là Lục đại nhân, chẳng trách…”
Nàng nói chuyện với Hầu phu nhân, vài vị phu nhân khác cũng nghe thấy, lặng lẽ đánh giá nàng.
“Đó là thiên kim của Lục Tông đại nhân phải không?”
“Nhìn là biết có cốt mỹ nhân rồi, nhìn xem khuôn mặt kia, giống Lục gia Tam Lang năm đó biết nhường nào!”
“Còn phải nói? Năm đó, sau khi Lục Tam Lang đỗ Trạng Nguyên, cưỡi ngựa từ trung tâm kinh thành đến cổng Chu Tước, lúc đó ta cũng đứng trên gác mái nhìn thấy từ xa. Khí độ, tướng mạo đó đều khiến các nữ nhi khuê các phải đỏ mặt chứ chẳng đùa!”
“Đáng tiếc, hắn chỉ làm
bí thư lang*
một năm ở
sử quán*
, sau đó đến Giang Nam làm quan. Khi nghe nói hắn cưới một cô nương Dương Châu, A Như… chính là tỷ muội gả đi Phúc Châu của ta còn chạy đến chỗ ta khóc lóc mất mấy ngày đó”.
* Bí thư lang: một chức quan được Tào Ngụy đặt ra từ thời Tam quốc, phụ trách quản lý sách bảo kinh thư của hoàng gia.
* Sử quán: cơ quan phụ trách chép sử của hoàng gia.
…
Dù sao cũng là sự tích phong lưu của cha mình khi còn trẻ.
Lục Nghi Trinh xấu hổ đứng im nghe một lúc lâu, sau đó mới liếc mắt nhìn hai tiểu cô nương Từ gia gần đó.
Từ Uyển Âm thấy ánh mắt nàng, cũng lộ ra nụ cười. Từ Uyển Trúc không biểu hiện gì cả, chỉ gật đầu với nàng rồi quay sang chỗ khác.
Lục Nghi Trinh nhìn theo tầm mắt của nàng ta, nhìn thấy thảm cỏ xanh vàng đen xen bên dưới khán đài.
Ngự khảo vẫn chưa bắt đầu nên đồng cỏ vẫn rất trống trải. Chỉ có mấy tay chạy vặt bố trí sân bãi là ở trên đó.
Lục Nghi Trinh mơ màng không có mục tiêu dưới khán đài râm mát, nàng hơi ngơ ngẩn. Nàng thầm nghĩ, lúc cha còn làm Trạng Nguyên có nhiều cô nương thích như vậy, mà mẹ lại đều hơn bọn họ, đúng là quá lợi hại.
“Đây không phải Nghi Trinh đó sao? Sao lại ở đây một mình? Mẫu thân ngươi đâu?”
Một âm thanh khiến nàng bỗng chốc hoàn hồn.
Lục Nghi Trinh ngẩng đầu lên, chỉ thấy một phu nhân dịu dàng ưu nhã cười nhìn nàng.
Là phu nhân phủ Quốc công, mẫu thân của Ý ca ca!
Lục Nghi Trinh hơi hoảng, đảo mắt nhìn lên, bên cạnh Tùy phu nhân còn có một vị lão phu nhân tóc bạc phơ trông rất trang nghiêm điềm tĩnh… đó là mẹ ruột của Tĩnh Quốc công, Tùy lão thái thái.
Nàng từng gặp vị lão thái thái này vài lần ở phủ Quốc công.
Lão thái thái ăn chay, thích thanh tịnh nên rất nặng quy củ. Hơn nữa, lão nhân gia còn được phong
cáo mệnh*
, cũng là ngoại cô tổ mẫu của Quan gia đương triều, một nhân vật lớn như Phật tổ vậy.
* Cáo mệnh phu nhân: là một tước hiệu được vua ban cho phu nhân của quan lại trong triều vào thời Tống.
Ngoại cô tổ mẫu: dì của mẹ. Em gái của bà ngoại.
Trước mặt Tùy lão thái thái, nàng còn không dám thở mạnh.
Lục Nghi Trinh hành lễ quy củ với lão thái thái và Tùy phu nhân, xong mới trả lời: “Mẫu thân ta đến chùa Hiển Kính nghe sư phụ giảng pháp, hôm nay là phụ thân đưa ta đến đây”.
“Lục đại nhân là Lễ bộ Thị lang, chắc là công việc quá bận rộn nên không thể trông nom ngươi”. Tùy phu nhân cười tự nhiên, vẫy tay với nàng: “Lại đây ngồi nào, Ngự khảo sắp bắt đầu rồi. Ta thấy ngày thường ngươi và Ý ca rất thân thiết, đợi lát nữa nếu thấy ngươi cũng cổ vũ trên khán đài, chưa biết chừng còn ra sức đánh mã cầu hăng hơn nữa đấy”.
Vừa nói, Tùy phu nhân vừa rót một tách trà cho vị lão thái thái bên cạnh, động tác lấy lòng đẩy sang đó: “Hiếm có mẫu thân ra ngoài một chuyến, mặc dù nói Ý ca đánh mã cầu quan trọng, nhưng cũng không thể không lo đến sức khỏe, đừng để bị mệt”.
Tùy lão thái thái không nhận trách trà mà chỉ phất tay áo.
Lão ma ma hầu hạ phía sau hết sức thức thời, hiểu được ánh mắt của chủ nhân, lão ma ma tiến đến lấy một chiếc tách sứ mới, nâng ấm trà nên rót đầy tách.
Lão thái thái nâng tách trà ấm, nhấp một ngụm, nói: “Ngươi cứ yên tâm, bộ xương già của ta còn cứng lắm. Nhất định phải chứng kiến Ý ca bình an trưởng thành, lấy vợ sinh con, bên cạnh không có ai gây khó dễ… lúc đó ta mới cam tâm nhắm mắt ra đi”.
Dường như Tùy phu nhân đã trải qua những chuyện tương tự như vậy, cũng không hề lộ vẻ xấu hổ, nhẹ nhàng đặt tách trà không ai tiếp nhận trên bàn gỗ, giọng điệu dịu dàng ai oán: “Mẫu thân nói gì vậy? Hôm qua đại sư chùa Hiển Kính đến phủ còn nói mẫu thân phúc thọ ngang trời, đừng vội nói mấy lời không may mắn”.
Tùy lão thái thái chỉ dùng khăn gấm lau khóe miệng, không nhìn Tùy phu nhân.
Thật kỳ lạ.
Lục Nghi Trinh cảm thấy có lẽ nàng cũng không thích hợp ngây ngốc ở đây.
Nhưng nàng không nhịn vẻ mặt hiền dịu và khuyên bảo của Tùy phu nhân, cuối cùng cũng chọn ngồi xuống một chiếc bàn con bên cạnh.
Tùy phu nhân xinh đẹp hiền lành, rất được lòng các mệnh phụ trong kinh thành.
Lục Nghi Trinh ngồi cạnh bà ấy, chẳng mấy chốc đã có bốn năm đại phu nhân y phục quý phái đến chào hỏi.
Mấy phu nhân đó vừa thấy Tùy phu nhân còn đưa theo một tiểu cô nương lạ mặt, ai nấy đều muốn đến hỏi thăm.
Vừa nghe được là con gái của Lục Tông đại nhân, mọi người đều không khỏi cảm khái giống Hầu phu nhân ban nãy vậy.
May mà Ngự khảo cũng sắp bắt đầu.
Các vị phu nhân dừng tán gẫu, tất cả đều đưa mắt xuống thềm cỏ bên dưới khán đài.
Lục Nghi Trinh cũng ngẩng cổ nhìn xung quanh bãi cỏ.
Xa xa, hơn mười con tuấn mã “lộc cộc” từ từ đi vào bãi cỏ.
Nhóm thiếu niên cưỡi trên ngựa cao đều mặc trang phục tối màu, đầu đeo
mạt ngạch*
hai màu đỏ và xanh để phân biệt hai đội khác nhau.
* Mạt ngạch: là một dải lụa, gấm… được gấp lại hoặc cắt, sau đó quấn quanh trán. Đây là một loại phục sức của Trung Quốc cổ đại.
Vừa tiến vào sân và mà đã có vài thiếu niên tính tình hiếu thắng quất ngựa hăng hái vọt thẳng vào thảm cỏ xanh mướt trống trải, kéo theo rất nhiều tiếng hô của các nữ quyến trên khán đài.
Chủ phán*
vừa cao giọng đọc quy tắc cuộc thi, lần Ngự khảo này có tổng tổng ba trận đấu mã cầu. Sau hai trận đầu sẽ chọn ra hai đội xuất sắc, trận thứ ba sẽ xác định đội chiến thắng cuộc thi.
* Chủ phán: là cách gọi một quan viên có chức cao thời Tống, đồng thời kiêm nhiệm những chức vụ thấp hơn.
Trong trận thi đấu thứ nhất, Lục Nghi Trinh nhìn thấy Từ gia Đại Lang.
Hắn ta ở đội đỏ.
Trên bãi cỏ, đợi sau khi hai đội xếp hàng đầy đủ, chủ phán giơ chùy gõ một tiếng vang vọng vào chiếc chiêng lớn.
Theo tiếng rung vang lên, các thiếu niên kẹp bụng ngựa, quất ngựa như bay.
Bụi đất và mồ hôi hòa lẫn với không khí khô ráo đầu đông mang đến hương vị hừng hực sức sống.
Đội đỏ thua sát nút.
Chỉ kém đội xanh một lá cờ.
Lục Nghi Trinh thấy Từ gia Đại Lang mướt mải mồ hôi, vẻ mặt chán nản thất vọng, hai chân kẹp bụng ngựa, quay đầu chạy khỏi bãi cỏ.
Nàng nghĩ bụng, lần đầu thấy Từ gia Đại Lang, hắn ta ném tên vào bình thua Ý ca ca; lần thứ hai gặp, hắn lại thua mã cầu. Người này đúng là không có số thắng.
Một lúc sau, hai đội thi của trận mã cầu thứ hai cũng bước vào sân.
Lục Nghi Trinh cẩn thận tìm kiếm, nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng Tùy Ý…
Điều này không đúng lắm.
Trong hai trận đầu tiên, tất cả học sinh tham gia Ngự khảo của Quốc Tử Giám đều phải xuất diện. Chẳng lẽ Ý ca ca vướng chuyện gì rồi?
Tùy phu nhân bên cạnh hiển nhiên cũng có nghi ngờ này.
Bà gọi tên người hầu trong phủ: “Ngươi đi hỏi
Tế tửu*
xem Ý ca đi đâu vậy? Sao không thấy ra thi?”
* Tế tửu: là một chức quan từ sau thời Hán – Ngụy. Chức Tế tửu ở Trung Quốc xuất hiện từ thời nhà Hán. Theo sách Từ nguyên của Trung Quốc, Tế tửu vốn là danh hiệu để chỉ người lớn tuổi nhất, có địa vị cao nhất trong buổi tiệc được chọn làm người dâng rượu tế đất trước khi uống. Về sau, lấy đó đặt chức quan. Ở đây Tế tửu chính là người đứng đầu Quốc Tử Giám.
Người hầu nhận lệnh, vội vã rời đi.
Tùy lão thái thái cũng nhăn mày, nhưng vẻ mặt vẫn có vẻ bình tĩnh.
Còn Tùy phu nhân, sau khi sai người đi nghe ngóng tình hình, bản thân bà còn lo lắng và nhấp vài ngụm trà, không nhịn được mà nói chuyện với nữ sử phía sau, mấy câu đều là:
“Ngươi nói xem Ý ca chẳng lẽ bị thương chỗ nào rồi hay sao? Sao lại không sai người đến báo lại cho ta?”
“Ngươi cũng đừng chờ ở đây nữa, đi đi, hỏi thăm mấy bạn học thân thiết với Ý ca xem”.
…
Những phu nhân gần đó lên tiếng an ủi, khuyên nhủ nhẹ nhàng.
Có vậy thì biểu cảm của Tùy phu nhân mới có thể dịu đi một chút.
Đợi khoảng một khắc, trận đấu đang diễn ra trên đồng cỏ, người hầu được phái đến chỗ Tế tửu nghe ngóng hấp tấp chạy về.
Hắn ta thở hổn hển, hoảng loạn nói:
“Phu nhân, không hay rồi! Tế tửu nói, sớm nay Thế tử gia trộm vò rượu chỗ Hạ phu tử, sau đó vẫn luôn không thấy bóng dáng đâu, thiết nghĩ… đang say chỗ nào rồi. Quốc Tử Giám đang phải người đi tìm đấy ạ!”
—–