Tối hôm sau, cả hai kĩ sư lên đường đi Carô. Tại đó, họ sẽ tới thăm thống sứ Anh và vào yết kiến phó vương. Xtas tính rằng, có thể chuyện đó sẽ khiến họ mất chừng hai ngày, và quả thật, những tính toán của em rất chính xác, vì chiều hôm thứ ba, em nhận được một bức điện của cha, đánh từ Mê-đi-nét, với nội dung như sau: “Lều trại đã sẵn sàng. Các con, hãy đi ngay sau khi con bắt đầu được nghỉ. Báo cho Phát-ma thông qua Kha-đi-gi biết là chúng ta không làm gì được cho chị ta…”. Cô O-li-vi-ơ cũng nhận được một bức điện tương tự, và với sự giúp đỡ của bà da đen Đi-na, cô bắt đầu tiến hành việc chuẩn bị để lên đường.
Chỉ riêng cảnh chuẩn bị thôi cũng đã làm cho trái tim bọn trẻ náo nức vui sướng. Bỗng nhiên một chuyện không lành xảy ra suýt nữa khiến cho mọi dự định đều bị đảo lộn, thậm chí có thể chuyến đi phải đình lại. Vào hôm kì nghỉ của Xtas bắt đầu, ngay trước hôm ra đi, khi đang chợp mắt ban trưa trong vườn, cô O-li-vi-ơ bị một con bọ cạp đốt. Thông thường, những con vật có nọc độc này ở Ai Cập không mấy nguy hiểm, nhưng lần này vết đốt lại rất có thể nguy đến tính mạng. Con bọ cạp đã bò lên chỗ tựa đầu của chiếc ghế vải và đốt vào cổ cô O-li-vi-ơ khi cô tựa đầu vào đó. Và vì rằng trước đây cô đã có lần bị nổi ban đỏ trên mặt, nên người ta e rằng bệnh ấy lại tái phát. Người ta lập tức cho mời bác sĩ, song mãi hai giờ sau ông ta mới tới, vì ông bận việc ở một nơi nào khác.
Khi ấy, cả cổ lẫn mặt cô đã bị sưng vù lên, cô bị sốt và có những triệu chứ ng thường có của sự nhiễm độc. Trong những điều kiện như thế, bác sĩ cho rằng không thể nói tới chuyện đi đâu được cả, và ra lệnh đặt bệnh nhân vào giường. Vì vậ y bọn trẻ bị đe doạ bởi triển vọng sẽ phải nghỉ lễ Thiên Chúa giáng sinh tại nhà. Nói cho công bằng, trong những phút đầu tiên, quả tình Nen lo lắng nhiều tới nỗi đau đớn của cô giáo hơn là nghĩ ngợi về những điều sung sướng bị mất đi tại Mê-đi-nét. Em chỉ khóc thầm ở góc phòng khi nghĩ rằng em sẽ không được gặp mặt cha trong mấy tuần lễ liền.
Tuy nhiên, Xtas không dễ dàng chấp nhận điều không may đến thế, em lập tức gửi đi một bức điện, rồi tiếp đó, một bức thư, hỏi xem chúng cần làm gì.
Hai ngày sau có điện trả lời. Trước đó, ông Rô-li-xơn đã trao đổi với bác sĩ, và sau khi được biết rằng nguy hiểm đã qua, và giờ đây chỉ còn lo bệnh ban đỏ tái phát nên không thể để cho cô O-li-vi-ơ rời khỏi Port Xai-đơ được. Ông bèn chỉ thị trước hết phải lo lắng theo dõi và chăm sóc cô, rồi sau đó mới gửi cho bọn trẻ, cho phép chúng được lên đường cùng với bà Đi-na. Bà Đi-na, mặc dù vô cùng gắn bó với Nen nhưng không thể đảm đương chuyện tàu xe và khách sạn, nên người dẫn đường và thủ quỹ của chuyến đi sẽ là Xtas. Dễ dàng có thể hiểu được cậu bé tự hào đến thế nào về cương vị ấy, và với lòng can trường của một hiệp sĩ, cậu bé đã bảo đảm với Nen rằng sẽ không kẻ nào động được đến một sợi tóc của Nen, cứ hệt như là trong thực tế, đường đến Cai-rô và Mê-đi-nét có biết bao hiểm nguy và gian khó vậy.
Vì mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, nên ngay hôm ấy, bọn trẻ lên đường đến I-dơ-mai-lơ theo kênh đào, rồi từ I-dơ-mai-lơ đi tàu hoả tới Cai-rô, tại đó chúng nghỉ đêm, rồi hôm sau tới Mê-đi-nét. Khi rời khỏi I-dơ-mai-lơ, chúng trông thấy hồ Tim-xa mà Xtas đã từng được biết, vì ông Ta-rơ-cốp-xki, vốn là một thợ săn hăng hái trong những lúc rảnh rỗi, thỉnh thoảng có đưa em tới đây săn chim nước. Sau đó, con đường chạy dọc theo lũng Va-đi Tu-mi-lat, gần con kênh nước ngọt chảy từ sông Nin tới I-dơ-mai-lơ và Xuê. Người ta đào con kênh này trước khi khởi công đào kênh Xu-ê, vì nếu không thì công nhân làm việc cho cái công trình vĩ đại của ông Lec-xép hẳn sẽ không có nước ngọt để uống. Tuy nhiên, việc đào con kênh này còn có thêm một tác dụng tốt nữa: vùng đất trước kia vốn là một sa mạc cằn cỗi nay lại được hồi sinh bởi có được dòng nước ngọt to lớn và đầy sức sống chảy ngang qua.
Từ cửa sổ toa tầu, về phía bên trái, bọn trẻ có thể nhìn thấy một dải xanh mênh mông gồm những đồng cỏ – trên có ngựa, lạc đà và cừu đang gặm cỏ – và những cánh đồng trồng ngô, kê, có linh lăng cùng những thứ cỏ chăn nuôi khác xen lẫn nhau. Trên bờ kênh là đủ mọi loại công cụ lấy nước, từ những bánh xe nước có gầu múc đến những cần vọt thông thường, mà những nông dân đang cần cù lấy nước vào các thửa ruộng hoặc chở đi trong những thùng chứa đặt trên các xe trâu. Trên những ruộng ngũ cốc mới nẩy mầm dày đặc hàng đàn bồ câu, thỉnh thoảng một đàn chim cun cút lại bay vọt lên. Dọc bờ kênh lũ cò và sếu long trọng dạo bước. Phía xa xa, trên những túp nhà bằng đất sét của nông dân, những tán cây chà là vươn lên cao trông như những chiếc mũ cắm lông chim.
Ngược lại, phía Bắc đường tàu trải dài một sa mạc mênh mông, nhưng không giống cái sa mạc nằm phía bên kia kênh đào Xu-ê. Sa mạc kia trông như một đáy biển bằng phẳng mà nước đã chảy đi hết, chỉ còn lại mặt cát gợn sóng, còn ở đây, cát vàng hơn, dường như được đổ thành từng gò đống lớn, trên sườn gò mọc đầy các bụi cây màu xám. Giữa các gò đống ấy – những gò thỉnh thoảng nhô lên thành những quả đồi cao – là những thung lũng rộng; trên đó đôi khi có thể trông thấy những đoàn thương khách kéo dài.
Từ cửa sổ toa tàu, bọn trẻ có thể nhìn thấy những con lạc đà thồ nặng hàng đi thành một dãy dài, con nọ nối con kia, đi trên con đường cát. Trước mỗi con lạc đà là một người Ả Rập mặc áo khoác đen và đội một vành khăn trắng trên đầu. Nen chợt nhớ lại những bức tranh trong quyển kinh thánh mà cô bé được xem ở nhà vẽ cảnh những người dân I-xra-en tiến vào đất Ai Cập từ thời thánh Du-xép. Chúng giống hệt nhau. Tiếc một điều là cô bé không thể ngắm được đoàn thương khách kĩ hơn, bởi có hai sĩ quan người Anh đứng ở phía bên ấy của toa tàu chắn mất tầm nhìn của cô bé.
Song khi cô bé vừa nói với Xtas điều đó, thì cậu bé liền quay sang các sĩ quan, đặt một ngón tay lên vành mũ phớt và nói với vẻ mặt rất long trọng:
– Thưa các quý ông, không rõ các quý ông có vui lòng nhường chỗ cho tiểu thư đây chăng, bởi tiểu thư rất muốn được nhìn kĩ đoàn lạc đà?
Cả hai vị sĩ quan, cũng có vẻ trang trọng như vậy, chấp nhận lời đề nghị, và một người không những chỉ nhường chỗ cho cô tiểu thư đang tò mò mà còn nhấc bổng cô bé lên, đặt vào chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ.
Thế là Xtas bắt đầu giảng bài:
– Đây là đất nước Gô-sen cổ xưa, mà vua Pha-ra-on đã nhường cho thánh Du-xép để dành cho những người anh em I-xra-en của ông ta. Ngày xưa, vào thời cổ đại, đây cũng đã từng có một con kênh nước ngọt, nên con kênh mới này chỉ là làm lại con kênh cũ mà thôi. Song sau đó, con kênh ấy bị cạn đi và đất đai biến thành sa mạc. Giờ đây, một lần nữa, đất đai sẽ trở lại phì nhiêu.
– Vì sao quý anh biết điều đó? – Một trong hai sĩ quan hỏi.
– Ở lứa tuổi tôi, ai cũng biết những điều đó. -Xtas đáp. – Thêm nữa cách đây không lâu, giáo sư X-tơ-ling vừa giảng cho chúng tôi nghe về lũng Va-đi Tu-mi-lat.
Mặc dù Xtas nói tiếng Anh rất thạo, nhưng cách phát âm của em hơi lơ lớ, nên người sĩ quan thứ hai để ý và hỏi:
– Hình như quý anh trẻ tuổi không phải là người Anh?
– Cô đây là tiểu thư Nen, mà cha cô giao phó cho tôi chăm sóc lúc đi đường, còn tôi không phải là người Anh, tôi là người Ba Lan và là con của một kĩ sư làm việc tại kênh đào.
Người sĩ quan mỉm cười khi nghe câu trả lời của cậu bé và nói:
– Tôi rất trọng người Ba Lan. Tôi thuộc trung đoàn kỵ binh từ thời Na-po-le-on đã vài lần được chiến đấu cùng với khinh kị binh Ba Lan, và cho tớ i nay, truyền thống đó trở thành niềm tự hào và vinh dự của trung đoàn.
– Rất hân hạnh được làm quen với ông, – Xtas đáp.
Và thế là câu chuyện diễn ra rôm rả, bởi rõ ràng hai viên sĩ quan rất thích thú. Hoá ra, cả hai cũng đi từ Port Xai-đơ đến Cai-rô để yết kiến đại sứ Anh quốc, nhận các chỉ thị cuối cùng về chuyến đi tiếp theo đang chờ đợi họ. Người trẻ hơn trong số hai người là bác sĩ quân y, còn người nói chuyện với Xtas là đại uý G-len. Đại uý được lệnh của chính phủ đi từ Cai-rô qua Xuê tới Mom-ba-xa để phụ trách toàn bộ khu vực kế cận với hải cảng này và kéo dài mãi tới tận vùng đất chưa được biết là Xam-bu-ru. Vốn rất say mê đọc sách về những cuộc thám hiểm châu Phi, Xtas biết rõ rằng, Mom-ba-xa nằm ở vài độ vĩ tuyến phía bên kia xích đạo và các đất nước kế cận với nó, mặc dù đã được tính vào phạm vi những vùng thuộc quyền lợi của Anh quốc, nhưng thực ra vẫn rất ít được biết đến, hoàn toàn hoang dã, đầy voi, hươu cao cổ, tê giác, trâu và các loài linh dương mà các đoàn quân, các đoàn truyền giáo cũng như các đoàn khách thương thường xuyên đụng độ với chúng. Với cả tấm lòng, em ghen thầm với đại uý Glen và nói rằng em phải đến Mom-ba-xa thăm ông ta và cùng ông ta săn sư tử hoặc trâu rừng.
– Hay lắm, nhưng khi đến thăm xin hãy đi cùng với cô tiểu thư bé nhỏ này, – đại uý Glen vừa cười vừa đáp và trỏ sang Nen, cô bé lúc nãy vừa rời cửa sổ đến ngồi bên ông.
– Tiểu thư Rô-li-xơn còn có cha, – Xtas đáp, – còn tôi chỉ là người đỡ đầu tiểu thư trong khi đi đường mà thôi.
Nghe thấy thế, viên sĩ quan kia liền quay lại hỏi:
– Rô-li-xơn? Có phải đó là một trong các giám đốc của kênh đào và có anh trai ở Bom-bay hay không?
– Ở Bom-bay hiện có bác tôi. – Nen vừa đáp vừa đưa một ngón tay nhỏ bé lên.
– Thế thì bác của em, cô bé thân mến, lấy chị tôi làm vợ. Tôi là Cle-ry. Chúng ta là bà con với nhau đấy, và tôi rất mừng là đã được gặp và quen biết với em, con chim bé bỏng ạ.
Quả thực bác sĩ rất vui mừng. Ông nói rằng, ngay sau khi tới Port Xai-đơ ông đã hỏi thăm ông Rô-li-xơn, nhưng ở Văn phòng ban giám đốc người ta nói với ông rằng ông Rô-li-xơn đã đi nghỉ lễ. Ông cũng tiếc rằng chiếc tàu mà ông đã cùng với ông Glen đi Mom-ba-xa sẽ rời Xu-ê sau vài ngày nữa, nên ông không thể tạt qua Mê-đi-nét được.
Ông yêu cầu Nen chuyển lời chúc sức khoẻ tới cha em và hứa sẽ viết thư về cho cô bé từ Mom-ba-xa. Bây giờ hai sĩ quan chủ yếu chỉ nói chuyện với Nen, khiến Xtas hơi đứng ra ngoài rìa.Để bù lại, cứ đến ga là lại xuất hiện hàng tá quýt, chà là tươi, thậm chí cả quả thanh lương trà rất tuyệt nữa. Ngoài Xtas và Nen, cả bà Đi-na cũng được thưởng thức những thứ quả ấy. Bên cạnh tất cả các đức tính của mình, bà nổi bật lên với tính phàm ăn ít gặp.
Nhờ thế, con đường đi Cai-rô đối với bọn trẻ nhanh chóng trôi qua. Lúc chia tay, các sĩ quan hôn bàn tay và mái đầu bé nhỏ của Nen, bắt chặt tay Xtas. Đại uý Glen, người rất thích cậu bé tháo vát và bạo dạn này, nói nửa đùa nửa thật:
– Anh bạn trẻ của tôi! Trong cuộc đời nào ai biết được khi nào, tại đâu và trong hoàn cảnh nào chúng ta lại có thể gặp nhau.
Tuy nhiên xin anh hãy nhớ rằng, bao giờ anh cũng có thể dựa vào tấm lòng và sự trợ giúp của tôi.
– Và cả ông cũng vậy! – Xtas đáp lại và em cúi chào đầy vẻ tự trọng.
— —— —-
1. Trung đoàn kị binh Anh từng gặp gỡ kị binh Ba Lan trong thời Na-po-le-on, cho tới nay vẫn còn tự hào về điều đó, và mỗi sĩ quan, khi nói về trung đoàn mình thường bảo: “Chúng tôi đã được cùng chiến đấu với người Ba Lan” (Chú thích của tác giả).