— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— ——–
Viên tù trưởng già Ha-tim đã giữ lời hứa với ông lão người Hy Lạp và cố gắng chăm sóc bọn trẻ. Con đường lên thượng nguồn sông Nin thật là gian khó.Họ đi qua Kê-tai-na, Et Đu-chim và Ca-na, sau đó vượt qua Áp-ba, một hòn đảo giữa sông Nin phủ đầy rừng, trên đó, hồi trước chiến tranh, Ma-hơ-đi đã từng sống trong một thân cây rỗng lòng với tư cách một thầy tu – ẩn sĩ. Đoàn người thường phải đi vòng quanh những vùng nước ngập rộng lớn mọc đầy cây cói giấy, những vùng nước ngập này thường được gọi là các xu-da, từ đó, gió mang về hơi độc của các thứ lá mục bị dòng nước cuốn đi. Hồi trước, các kĩ sư người Anh đã từng phá bỏ các đập chắn tự nhiên này(1), những con tàu chạy bằng hơi nước có thể chạy từ Khác-tum tới tận Pha-sô-đa và xa hơn nữa. Song giờ đây, dòng sông lại bị tắc nghẽn, không thể chảy tự do, nên tràn ra hai bên bờ. Vùng lân cận bờ tả và hữu ngạn phủ đầy rừng cây cao vút, trong đó nhô lên những chiếc tổ mối và những cây gỗ khổng lồ đứng đơn độc. Nhiều nơi, rừng lan sát tận bờ sông. Những chỗ khô ráo hơn một chút mọc những bụi cây xiêm gai. Trong những tuần lễ đầu tiên, họ thường gặp các làng mạc và thị trấn Ả Rập, gồm những chiếc nhà mái lợp cuộng kê có hình chum khum khum kì lạ, song kể từ sau Áp-ba trở đi, từ làng Gô-dơ A-bu Gu-ma, họ đi vào vùng đất của người da đen. Đó là một vùng đất hoàn toàn hoang vắng, vì các tín đồ Hồi giáo đã bắt gần như cạn sạch cư dân da đen trong vùng đem bán tại các chợ ở Khác-tum, Om-đu-a-man, Đa-ra, Pha-se-rơ, Em O-bai-đơ và những thành phố khác của Xu-đan, Đác-phua và Coóc-đô-phan. Những thổ dân khác kịp trốn tránh kiếp đời nô lệ trong bụi rậm hay trong rừng sâu, bị chết dần chết mòn bởi cái đói và bệnh đậu mùa, bệnh dịch này đang lan tràn với một sức mạnh chưa từng thấy dọc theo sông Nin Trắng và Nin Xanh.
Chính các tín đồ Hồi giáo cũng phải nói rằng, hàng “dân tộc” phải chết rụi vì bệnh dịch này. Những cánh đồng cao lương trước kia, những nương sắn và vườn chuối bị ngập trong rừng. Chỉ có những loài dã thú, không bị ai săn đuổi, là sinh sôi nảy nở rất nhiều.
Nhiều hôm, trong ráng chiều, bọn trẻ nhìn ở phía xa xa những đàn voi, trông giống như những khối đá di động, đang chậm rãi bước về phía những nguồn nước quen thuộc đối với chúng. Nhìn thấy chúng, ông Ha-tim vốn trước là một tay chuyên buôn ngà voi, liền tắc lưỡi, thở dài và tâm sự với Xtas:
– Trời ơi! Bao nhiêu là của cải ở đây. Nhưng bây giờ có săn bắn cũng chẳng ích gì, vì Ma-hơ-đi cấm các thương nhân Ai Cập đi lại Khác-tum nên chẳng biết bán ngà cho ai nữa, ngoài việc bán cho các vị ê-mia làm tù và um-bai.
Ngoài voi, họ cũng gặp cả hươu cao cổ, bọn này khi trông thấy đoàn người liền bỏ chạy bằng một thứ nước kiệu nặng nề, lắc lư những chiếc cổ dài ngoẵng, trông như bị thọt. Từ Gô-đơ A-bu Gu-ma trở đi, ngày càng xuất hiện nhiều trâu rừng và hàng đàn linh dương. Những người trong đoàn, khi bị thiếu thịt tươi, liền săn chúng, song gần như bao giờ cũng không có kết quả gì, vì những con vật cảnh giác và lanh lẹn này chẳng bao giờ cho phép người ta tiến đến gần hay bao vây chúng.
Nói chung lương ăn của họ rất ít ỏi, vì vùng đất này không người nên không thể tìm được kê hay chuối cùng các loại cá, thứ sản vật mà ngày trước những cư dân da đen thuộc các bộ lạc Sin-lúc và Đin-ca thường vui lòng đổi cho các khách thương lấy chuỗi hạt thuỷ tinh và những chiếc vòng đồng. Tuy nhiên, ông Ha-tim không để cho bọn trẻ bị chết đói, hơn nữa, ông còn khống chế Ghe-bơ-rơ rất chặt, và một lần, trong mộ t dịp nghỉ đêm, khi tên này đánh Xtas lúc em tháo yên cương lạc đà, ông đã ra lệnh nọc hắn ra đất, nện vào mỗi gót chân ba mươi hèo bằng roi tre. Tên Xu-đan hung bạo suốt hai ngày liền chỉ có thể đi nhón trên đầu ngón chân mà nguyền rủa cái giây phút hắn rời khỏi Phai-um, đồng thời trút cơn hận lên đầu một người nô lệ trẻ mà người ta tặng cho hắn, tên là Ca-li.
Ban đầu Xtas gần như vui sướng vì được thoát khỏi thành Om-đu-a-man ngạt thở và được trông thấy những vùng đất mà từ lâu em hằng mơ ước. Cho đến nay, cơ thể cường tráng của em chịu đựng nổi mọi nỗi nhọc nhằn trên đường, và việc ăn uống được cải thiện hơn đã trả về cho em nguồn nghị lực. Nhiều lần trên đường đi và tại những chỗ dừng chân tạm nghỉ, em thì thầm vào tai cô em gái rằng ở vùng sông Nin Trắng cũng vẫn có thể chạy trốn, và rằng em hoàn toàn không từ bỏ ý định này. Song em lo ngại về sức khoẻ của cô bé. Ba tuần sau khi rời khỏi Om-đu-a-man, tuy Nen vẫn chưa bị bệnh sốt rét, nhưng mặt cô bé gầy hẳn, và thay vì rám nắng, cô bé mỗi lúc một trong suốt đi, đến nỗi hai bàn tay của cô trông cứ như được nặn bằng sáp. Cô bé không thiếu những cố gắng săn sóc, thậm chí cả những tiện nghi mà Xtas và bà Đi-na – với sự giúp đỡ của ông Ha-tim có thể tạo ra, nhưng cô bé thiếu đi cái khí trời lành mạnh của vùng sa mạc. Khí hậu ẩm ướt và nóng nực cộng với nỗi nhọc nhằn khi đi đường đã khiến cho sức khoẻ của đứa trẻ vốn yếu ớt thêm mòn mỏi.
Kể từ Gô-dơ A-bu Gu-ma trở đi, hàng ngày Xtas cho cô bé uống nửa viên kí ninh, và em rất lo ngại khi nghĩ rằng thứ thuốc này chẳng còn đủ dùng cho em được bao lâu nữa, mà sau đó cũng chẳng biết kiếm thêm ở đâu được. Tuy nhiên, chẳng có cách nào khác, vì trước hết cần phải phòng bệnh sốt rét cái đã. Thỉnh thoảng em lại cảm thấy tuyệt vọng. Em chỉ tự đánh lừa mình bằng hi vọng, rằng Xmai-nơ, nếu muốn đánh đổi hai đứa trẻ lấy con hắn, sẽ phải tìm cho chúng một địa điểm nào khác có khí hậu khá hơn Pha-sô-đa.
Song dường như nỗi bất hạnh cố tình đeo đẳng theo để săn đuổi các nạn nhân của nó. Một ngày trước khi tới Pha-sô-đa, trong khi đang tháo cái gói chứa những thứ đồ dùng của Nen mang theo từ Phai-um, bà Đi-na, vốn ngay từ hồi ở Om-đu-a-man đã cảm thấy người rất yếu, bỗng nhiên bị ngất xỉu và ngã từ trên lưng lạc đà xuống đất. Xtas và Kha-mix khó khăn lắm mới làm cho bà hồi tỉnh lại. Tuy nhiên, bà vẫn không hoàn toàn tỉnh táo, hay nói cho đúng hơn, chỉ tỉnh lại được một lúc vào chiều tối để ứa lệ từ giã cô chủ thân yêu của bà, rồi tắt nghỉ. Sau khi bà qua đời, Ghe-bơ-rơ cứ nằng nặc muốn cắt tai bà để sau này đưa cho Xmai-nơ làm bằng chứng rằng bà đã bị chết dọc đường, hòng đòi thêm tiền về chuyện đã bắt cóc được bà. Người ta vẫn thường làm như vậy đối với những nô lệ bị chết trong khi đi đường. Song ông Ha-tim, thể theo lời khẩn cầu của Xtas và Nen, không đồng ý cho hắn làm việc đó. Do vậy, họ chôn cất bà đầy thương tiếc, rồi dùng đá và gai bảo vệ mộ bà khỏi bị lũ linh cẩu phá. Bọn trẻ càng trở nên cô đơn hơn, vì mất bà, chúng mất đi cái tâm hồn gần gũi và gắn bó duy nhất với chúng.
Đó là một đòn rất tàn khốc đối với Nen, khiến Xtas tuy cố gắng an ủi cô bé suốt đêm hôm ấy và ngày hôm sau nhưng cũng không kết quả.
Đã qua ngày đi đường thứ sáu. Trưa hôm sau cả đoàn tới Pha-sô-đa, song chỉ thấy một nơi bị đốt trụi. Các tín đồ của Ma-hơ-đi sống ngoài trời hay trong những túp lều dựng vội bằng cành cây và cỏ. Ba ngày trước đó cả làng này bị cháy trụi. Chỉ còn lại những bức tường đất sét ám khói của những túp lều hình tròn và một căn lều lớn bằng gỗ dựng sát bờ sông, căn lều từ thời Ai Cập vốn dùng để chứa ngà voi, và hiện là nơi viên thủ lĩnh của đám quân lính của Ma-hơ-đi đang ở. Viên thủ lĩnh đó là ê-mia Xê-ki Ta-ma-la. Đó là một người nổi tiếng trong số quân binh của Ma-hơ-đi, một kẻ thù giấu mình của thống lĩnh Áp-đu-la-hi, ngược lại, là người bạn thân của ông Ha-tim. Y đón tiếp nhiệt tình viên tù trưởng già cùng bọn trẻ, song ngay câu mở đầu đã báo cho họ tin chẳng lành.
Đó là việc họ sẽ không gặp được Xmai-nơ ở Pha-sô-đa. Hai ngày trước đây y đã lên đường đi săn bắt nô lệ về phía Đông và phía Nam sông Nin, và chẳng biết đến bao giờ y mới trở về, vì những vùng lân cận đã sạch người nên cần phải tìm món hàng sống này ở rất xa. Tuy gần Pha-sô-đa là quốc gia A-bi-xi-ni-a, quân Ma-hơ-đi hiện đang có chiến cuộc với nước này, nhưng trong tay chỉ có vẻn vẹn ba trăm người, Xmai-nơ không dám vượt qua biên giới hiện đang bị canh phòng nghiêm ngặt bởi các cư dân thiện chiến trong vùng và quân của vua Giăng.
Vì vậy, Xê-ki Ta-ma-la và Ha-tim bắt đầu suy nghĩ xem phải làm thế nào đối với bọn trẻ. Cuộc bàn bạc diễn ra chủ yếu trong bữa ăn tối mà viên ê-mia mời cả Xtas và Nen cùng tham dự.
– Chẳng bao lâu nữa, – y nói với Ha-tim, – tôi cũng sẽ đưa tất cả mọi người lên đường tiến hành một cuộc tiễu phạt chống lại pa-sa E-min(2), kẻ hiện đang chiếm giữ La-đô, trong tay có cả tàu thuỷ và quân đội. Chính ông đã mang đến cho tôi cái mệnh lệnh ấy đấy, ông bạn Ha-tim ạ… Ông thì phải quay trở lại Om-đu-a-man, nghĩa là chẳng còn mống nào ở lại Pha-sô-đa nữa cả. Ở đây chẳng biết ở vào đâu, chẳng có gì ăn mà bệnh tật lại đang hoành hành. Tôi cũng biết là người da trắng không mắc bệnh đậu mùa, nhưng bệnh sốt rét thì chắc chắn sẽ giết bọn trẻ trong vòng một tháng.
– Người ta ra lệnh cho tôi đưa chúng tới Pha-sô-đa, – ông Ha-tim đáp – tôi đã đưa tới nơi và có thể không cần phải bận tâm về chúng nữa. Nhưng bạn tôi là ông Ka-li-o-pu-li, người Hy Lạp, gửi gắm chúng cho tôi, nên tôi không muốn hai đứa phải chết.
– Thế nhưng chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra đấy.
– Vậy tôi phải làm gì bây giờ?
– Thay vì để chúng ở lại Pha-sô-đa trống rỗng, ông hãy gửi chúng tới chỗ Xmai-nơ cùng với bọn người đã đưa chúng tới Om-đu-a-man. Ngài Xmai-nơ đi về phía núi, tới vùng đất cao và khô ráo hơn, nơi bệnh sốt rét không giết người nhiều như ở vùng sông.
– Nhưng làm sao tìm được Xmai-nơ chứ?
– Cứ theo vết lửa mà tìm. Ông ta sẽ đốt rừng, thứ nhất là để xua thú rừng vào những khu núi đá, nơi có thể dễ dàng bao vây và giết chúng, sau nữ a, để lùa bọn ngoại đạo ra khỏi vùng cây cối rậm rạp, nơi chúng ẩn náu trá nh khỏi bị săn bắt… chẳng khó gì không tìm ra Xmai-nơ đâu.
– Nhưng liệu họ có đuổi kịp ông ta không?
– Thỉnh thoảng ông ta lưu lại các địa phương một tuần liền vì ông ta phải sấy thịt cho khô đi. Cho nên dù hai ba ngày nữa mới lên đường, chắc chắn họ sẽ đuổi kịp ông ta.
– Nhưng sao họ lại phải đuổi theo ông ta làm gì? Thế nào rồi ông ta chẳng phải quay trở lại Pha-sô-đa.
– Không đâu. Nếu như việc săn bắt nô lệ thành công, ông ta sẽ đưa chúng ra chợ bán tại các thành phố chứ…
– Làm gì bây giờ nhỉ?
– Nên nhớ là khi cả hai chúng ta rời khỏi Pha-sô-đa, thì nếu như bệnh sốt rét không giết bọn trẻ, chúng cũng sẽ chết đói tại đây.
– Lạy Đấng tiên tri. Quả có thế thật!
Và quả thực không có cách nào khác ngoài cách đưa bọn trẻ dấn thân vào một cuộc lang bạt mới.Ông Ha-tim, vốn là người rất tốt bụng, chỉ lo lắng về việc liệu Ghe-bơ-rơ, kẻ mà ông đã biết là tàn bạo trong khi đi đường, có hành hạ bọn trẻ hay không. Song Xê-ki Ta-ma-la, người rất hung tợn, khiến cho ngay cả đám lính của y cũng phải kinh sợ, liền cho gọi tên Xu-đan đến và ra lệnh cho hắn phải giao bọn trẻ sống nguyên vẹn đến tận tay Xmai-nơ, đồng thời phải đối xử tốt với chúng, nếu không thì sẽ bị treo cổ. Ông Ha-tim nhân hậu còn yêu cầu viên ê-mia cấp thêm cho Nen một nữ nô lệ để phục vụ và chăm sóc cô bé dọc đường cũng như ở trong trại của Xmai-nơ. Nen rất sung sướng vì món quà này, nhất là khi nô tì lại là một thiếu nữ thuộc bộ tộc Đin-ca, có nét mặt dễ thương và dáng vẻ ngọt ngào.
Xtas biết rằng Pha-sô-đa là đất chết, nên em không yêu cầu ông Ha-tim đừng đưa chúng vào một chuyến đi thứ ba này nữa.
Tận đáy lòng em còn nghĩ rằng, khi tiến về phía Đông và phía Nam, càng ngày em càng tiến dần tới biên giới phía Nam của A-bi-xi-ni-a và có thể sẽ trốn ngay. Em hi vọng rằng, trên những cao nguyên khô ráo, Nen có thể tránh khỏi bệnh sốt rét, và vì tất cả những lí do đó, em vui lòng và nhiệt thành đảm nhiệm việc chuẩn bị lên đường.
Ghe-bơ-rơ, Kha-mix cùng bọn Bê-đu-in cũng không chống lại việc đi tiếp, vì chúng tính rằng, bên cạnh Xmai-nơ, chúng có thể sẽ săn bắt được nhiều nô lệ, rồi đem bán họ với giá hời tại các chợ.
Chúng biết rõ rằng việc buôn bán nô lệ nhiều khi có thể mang lại những tài sản khổng lồ, và dù sao, chúng thà lên đường hơn là ở lại tại đây dưới trướng Ha-tim và Xê-ki Ta-ma-la.
Tuy nhiên việc chuẩn bị cũng mất khá nhiều thời gian, nhất là vì bọn trẻ cần phải nghỉ ngơi. Lũ lạc đà không còn có thể sử dụng làm phương tiện đi đường nữa, nên bọn Ả Rập cùng với Xtas và Nen sẽ đi ngựa, còn Ca-li – nô lệ của Ghe-bơ-rơ – và Mê-a – cô hầu mới của Nen, theo tên gọi mà Xtas đề nghị – sẽ đi bộ theo sau ngựa. Ông Ha-tim còn cố gắng kiếm thêm một con lừa để chở theo cái lều dành cho cô bé Nen và lương ăn cho bọn trẻ trong ba ngày đường. Xê-ki Ta-ma-la không thể chia thêm được gì nữa cho cô bé.
Người ta làm riêng cho Nen một thứ yên theo kiểu dành cho đàn bà bằng vải chăn, chiếu cọ và các thanh tre.
Bọn trẻ được nghỉ ngơi ba ngày tại Pha-sô-đa, song hằng hà sa số muỗi kéo từ sông đến khiến cho chuyện sống ở đây trở nên không thể nào chịu đựng nổi. Ban ngày xuất hiện hàng đàn nhặng xanh to tướng, chúng không đốt, nhưng khó chịu vô cùng, chúng chui vào tai, đậu lên mắt và thậm chí đậu vào miệng. Ngay từ hồi còn ở Port Xai-đơ, Xtas đã từng nghe nói rằng muỗi và ruồi truyền bệnh sốt rét và bệnh dịch đau mắt, nên cuối cù ng em yêu cầu Xê-ki Ta-ma-la cho phép được lên đường càng sớm càng tốt, nhất là khi mùa mưa xuân đang tiến lại gần.
— —— —.
1 Sau khi cuộc khởi loạn bị dẹp, giao thông lại được thông suốt (chú thích của tác giả).
2 Pa-sa Emin, vốn là người Do thái gốc Đức, là thống đốc Equatoria, sau khi Ai Cập chiếm vùng đất nằm cạnh hồ An-be Ni-an-da. Quân Ma-hơ-đi tấn công ông ta vài lần.
Ông được Xtan-lây cứu thoát cùng với phần lớn quân đội và đưa tới Ba-ga-môi-ô nằm trên bờ Ấn Độ dương.