Trên Sa Mạc Và Trong Rừng Thẳm

Chương 16



— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —— —

Họ dừng lại ở rìa thành phố, trong căn nhà trước kia vốn thuộc về một thương nhân Italia giàu có. Nhưng sau khi ông ta bị giết trong trận công thành thì Ta-thin thu được ngôi nhà trong khi chia những của cải cướp được. Các bà vợ của viên ê-mia tiếp đón khá nhân hậu cô bé Nen sống dở chết dở vì quá mệt nhọc, và mặc dù toàn thành Khác-tum đang cảm thấy thiếu lương thực, họ vẫn tìm được cho cô jan(1) nhỏ bé một ít chà là khô và một ít cơm chan mật, sau đó đưa cô bé lên tầng trên và đặt cô vào giường. Ngủ qua đêm giữa đám lạc đà và ngựa trên sân, Xtas phải tạm hài lòng với một chiếc bánh khô độc nhất, ngược lại, nước uống thì em không thiếu vì cái đài nước phun trong vườn, không hiểu vì một sự may mắn nào đó, đã không bị phá hoại. Mặc dù rất mệt mỏi, rất lâu em không thể chớp mắt được, trước hết là đang nằm, sau nữa, vì sự bất an vô cùng do việc em bị tách khỏi Nen và không thể trực tiếp chăm lo cô bé. Rõ ràng cả Xa-ba cũng chia sẻ nỗi lo lắng này, con chó cứ đánh hơi chung quanh, thỉnh thoảng lại tru lên, khiến cho bọn lính tức giận. Xtas cố gắng yên ủi nó vì lo bọn lính sẽ trị con chó. May thay, con chó ngao khổng lồ này đã khiến cho cả viên êmia lẫn bọn lính kinh ngạc đến nỗi không một tên nào dám vung tay lên hành hạ nó.

Cả gã I-đrix cũng không ngủ. Từ hôm qua hắn đã cảm thấy người không được khoẻ, thêm nữa, sau cuộc nói chuyện với Nu-rơ En Ta-thin, hắn bị tan vỡ khá nhiều ảo tưởng, và hắn nhìn về tương lai cứ như qua một tấm màn chắn dày. Hắn mừng vì sáng ngày mai bọn chúng sẽ vượt sang Om-đu-a-man, thành phố chỉ cách một dòng sông Nin trắng mà thôi, hắn hi vọng rằng, tại đó hắn sẽ tìm thấy Xmai-nơ, nhưng rồi sao nữa? Trong khi đi đường, mọi chuyện đối với hắn rõ ràng và tuyệt diệu hơn rất nhiều. Hắn đã tin tưởng một cách chân thành vào Đấng tiên tri, trái tim hắn càng lôi kéo hắn đến với Người hơn còn vì lẽ cả hai cùng xuất thân từ cùng một bộ tộc. Song cũng như mọi người Ả Rập khác, hắn vốn tham lam và kiêu ngạo. Hắn mơ tưởng rằng người ta sẽ rắc vàng lên người hắn và sẽ phong hắn ít nhất cũng là tước ê-mia, hắn mơ tưởng đến những cuộc chinh chiến chống lại bọn “Thổ”, đến những thành phố sẽ chiếm và những của cải cướp được. Giờ đây, sau những điều được nghe Ta-thin nói, hắn bắt đầu lo lắng không hiểu liệu tất cả những điều hắn làm có phải cũng nhỏ nhoi như một giọt nước mưa chìm trong biển lớn so với những sự kiện vĩ đại hơn nhiều hay chăng. Cũng có thể – hắn chua xót nghĩ – chẳng một ai quan tâm đến những gì ta đã thực hiện, thậm chí cả Xmai-nơ cũng sẽ không chút vui mừng về việc ta mang những đứa trẻ này tới cho ông ta. Hắn bị dằn vặt bởi ý nghĩ đó. Ngày mai sẽ xua tan hoặc sẽ khẳng định nỗi lo sợ của hắn, vì thế hắn vô cùng nóng ruột chờ đợi ngày mai.

Sáu giờ sáng, mặt trời lên, đội ngũ quân lính bắt đầu náo nhiệt. Chẳng bao lâu sau Ta-thin xuất hiện và ra lệnh cho chúng chuẩn bị lên đường. Hắn báo trước rằng cả bọn sẽ đi bộ tới bến theo ngựa của hắn. Xtas vui mừng khôn xiết khi bà Đi-na đưa Nen từ tầng trên xuống, rồi cả đoàn lên đường đi theo bờ thành suốt dọc thành phố tới chỗ bến đò ngang. Ta-thin cưỡi ngựa đi phía trước, Xtas cầm tay Nen,theo sau là I-đrix, Ghe-bơ-rơ và Kha-mix cùng bà Đi-na, và Xa-ba, với ba mươi tên lính của viên ê-mia. Những người khác ở lại Khác-tum.

Xtas nhìn quanh, không thể hiểu vì sao cái thành phố có tường thành bao bọc vững chắc chung quanh như thế này, hơn nữa lại nằm ở chỗ hội lưu của sông Nin Trắng và Xanh – nghĩa là có nước bao bọc cả ba phía, trừ phía Nam là có thể vào được mà lại bị thất thủ. Mãi về sau này, em mới được các nô lệ là tín đồ Thiên Chúa cho biết rằng, khi ấy, nước sông rất cạn, những bãi cát rộng nhô ra, khiến cho người ta có thể dễ dàng tiếp cận các tường thành. Quân binh trong thành mất hi vọng về đạo viện binh giải vây và bị cái đói làm cho mòn mỏi, đã không thể đánh lui nổi cuộc tấn công của những kẻ hoang dã đang hăng máu, và thế là thành phố bị thất thủ, rồi sau đó diễn ra cuộc tàn sát những cư dân trong thành. Mặc dù cuộc công thành đã xảy ra được chừng một tháng, những dấu vết của cuộc chiến đấu vẫn còn rõ nét dọc theo tường thành, trong thành ngổn ngang những đống đổ nát của các ngôi nhà bị phá sập, vốn là đối tượng của cơn cuồng nộ đầu tiên của những kẻ chiếm được thành, còn trong đường hào bên ngoài thành đầy xác người chết, những xác chết mà không có ai nghĩ tới chuyện chôn cất. Trước khi ra tới bến đò, Xtas tính được chừng hơn bốn trăm xác người. Tuy nhiên những xác chết đó không làm cho bầu không khí ở đây bị ô uế, bởi lẽ mặt trời vùng Xu-đan đã sấy chúng thành xác khô. Tất cả các xác chết đều có màu giấy da cừu xám xịt và giống nhau đến nỗi không thể nào phân biệt nổi người Âu, người Ai Cập với người da đen. Giữa đám xác người có rất nhiều thằn lằn nhỏ bé, nhanh nhẹn ẩn dưới những mảnh thây khi có người đi tới gần, thông thường là lẩn vào miệng hay vào giữa những cái xương sườn đã khô cong của các xác chết.

Xtas dắt Nen, gắng che đi cái cảnh kinh khủng đó, em bảo cô bé nhìn sang phía khác, phía thành phố. Song về phía thành phố lại diễn ra những chuyện khiến đôi mắt và tâm hồn cô bé đầy nỗi kinh hoàng. Cảnh bọn trẻ con “người Anh” bị bắt làm nô lệ và con chó Xa-ba bị Kha-mix cầm cổ dề dắt đi thu hút theo những đám đông, và đoàn người càng đi tới gần bến đò thì những đám đông ấy mỗi lúc càng thêm lớn. Đám người tụ tập đông đến nỗi họ phải dừng lại. Khắp nơi vang dội những tiếng kêu thét dữ tợn. Những bộ mặt xăm chàm dữ dằn nhòm chòng chọc xuống Xtas và Nen.

Một số kẻ trong những người hoang dã này bật lên tiếng cười sằng sặc và sung sướng vỗ tay vào đùi khi nhìn thấy hai trẻ, những kẻ khác chửi mắng chúng, một số bọn lại rống lên như dã thú, nhe ra những hàm răng trắng nhởn và đảo đảo hai tròng mắt, cuối cùng, người ta bắt đầu đe doạ chúng, chĩa dao vào chúng. Nửa tỉnh nửa mê trong cơn sợ hãi, Nen cứ bám chặt vào Xtas, cậu bé cố hết sức che chở cho cô bé và nghĩ rằng giờ tận số của cả hai đứa đã đến.

May thay, sức cản của đám người say máu này khiến cho cả gã Ta-thin cũng phải phật ý. Theo lệnh của hắn, hơn chục tên lính liền vây quanh hai trẻ, những tên khác bắt đầu vung roi quật không thương tiếc vào đám người đang hú hét. Phía trước, người chạy toán loạn, rồi lại tụ tập kéo nhau sau toán lính và đưa họ xuống tận thuyền trong tiếng huyên náo hoang dã.

Bọn trẻ thở phào nhẹ nhõm trong khi đi thuyền vượt sông.

Xtas an ủi Nen rằng khi đám tín đồ này quen dần với chúng, họ sẽ thôi không đe doạ chúng nữa, và em cam đoan rằng, gã Xmai-nơ sẽ che chở và bảo vệ cho cả hai, đặc biệt là đối với Nen, vì nếu có chuyện gì không hay xảy ra cho chúng, thì gã sẽ không còn có ai để đánh đổi lấy con gã. Đó là sự thật, nhưng cô bé quá khiếp sợ trước đợt tấn công vừa rồi đến nỗi nắm chặt tay Xtas, không muốn rời ra một giây nào hết và lặp đi lặp lại như trong cơn mê sảng: “Em sợ!

Em sợ!”. Còn Xtas, em hết lòng mong sao lọt vào tay gã Xmai-nơ thật nhanh, gã biết bọn trẻ từ lâu, và trong thời gian ở Port Xai-đơ, gã đã tỏ ra – hoặc ít nhất cũng giả vờ – rất thân thiết với bọn trẻ.

Dù sao đi nữa, gã cũng không phải là kẻ quá ư hoang dại như những người Dan-gan, Xu-đan khác, và kiếp sống nô lệ trong nhà gã hẳn là dễ thở hơn…

Vấn đề là làm sao tìm được gã trong thành Om-đu-a-man. Cả Iđrix cũng trò chuyện với Nu-rơ En Ta-thin về chuyện ấy; khi đó tên này mã i sau mới chợt nhớ ra rằng, một năm trước đây, khi y đang ở Coóc-đô-phan, một nơi cách xa Khác-tum, theo lệnh của thủ lĩnh Áp-đu-la-hi, y đã từng nghe nói tới một tay Xmai-nơ nào đó, kẻ đã dạy quân lính bắn các loại súng đại bác thu được từ tay quân Ai Cập, rồi sau đó đã trở thành một tay trùm trong nghề săn nô lệ.

Nu-rơ bày cho I-đrix cách sau đây để tìm viên ê-mia nọ:

– Khi nào anh nghe thấy tiếng tù và um-bai(2) về buổi chiều, anh hãy cùng với lũ trẻ đi tới quảng trường cầu nguyện, nơi Đấng tiên tri ngày nào cũng tới để nêu gương sáng cho các tín đồ về lòng sùng đạo và kiên tín cho họ. Tại đó, ngoài Đức Ma-hơ-đi thánh thiện, anh sẽ thấy mặt tất cả những người “tôn quý” khác, cùng với ba vị thủ lĩnh, các vị pa-sa và ê-mia, trong số đó anh có thể sẽ tìm thấy ông Xmai-nơ.

– Tôi biết làm gì và ở đâu cho tới buổi nguyện chiều cơ chứ?

– Anh sẽ ở lại với đám lính của tôi.

– Còn ông, thưa Nu-rơ En Ta-thin, ông rời bỏ chúng tôi sao?

– Tôi phải tới gặp ngài thủ lĩnh Áp-đu-la-hi theo lệnh.

– Có phải đó là vị thủ lĩnh lớn nhất hay chăng? Tôi từ xa tới, nên mặc dù tên tuổi các vị thủ lĩnh đã vang dội đến tai tôi, nhưng phải đến ông mới có thể chỉ bảo cho tôi biết rõ hơn về họ.

– Ngài Áp-đu-la-hi, thủ lĩnh của tôi, là thanh kiếm của đức Ma-hơ-đi đấy.

– Cầu đức A-la khiến cho ngài ấy trở thành con trai của thần chiến thắng.

Suốt một hồi lâu những con thuyền trôi trong im lặng. Chỉ nghe thấy tiếng kẽo kẹt của những mái chèo nghiến vào mạn thuyền, và thảng hoặc có tiếng đuôi cá sấu quẫy nước. Rất nhiều con bò sát kinh khủng loại này kéo hàng đàn hàng lũ từ phương Nam tới Khác-tum, nơi có thừa mứa thức ăn, vì dòng sông đầy những xác chết; không phải chỉ vì riêng những người chết vì các bệnh dịch đang hoành hành trong đội quân của Ma-hơ-đi, đặc biệt là trong đám nô lệ. Các vị thủ lĩnh đã ra nhiều mệnh lệnh cấm việc “làm ô uế nước” nhưng chẳng ai chú ý đến các lệnh ấy, và thế là những xác chết mà lũ cá sấu chưa kịp nuốt cứ sấp mặt trôi đi lừng lững theo dòng nước đến tận cái thác thứ sáu hoặc xa hơn nữa, đến tận xứ Béc-be-rơ.

Song lúc này gã I-đrix đang suy nghĩ về chuyện khác, nên một lúc lâu sau gã lên tiếng hỏi:

– Sáng nay chúng tôi không có chút gì vào bụng, khó lòng chịu đựng nổi cái đói cho tới giờ nguyện buổi chiều, và rồi sau đó ai cho chúng tôi ăn uống chứ?

– Anh không phải là một thằng nô lệ, -Ta-thin đáp, – anh có thể ra chợ, nơi bọn lái buôn này bán những hàng chúng dự trữ được. Ở đó anh có thể mua được thịt khô, đôi khi cả đốc-nu (hạt kê) nữa, nhưng phải tốn nhiều tiền đấy, vì như tôi đã nói với anh, nạn đói đang ngự trị tại Om-đu-a-man.

– Thế thì những kẻ hung dữ sẽ bắt hoặc giết mất lũ trẻ của tôi.

– Bọn lính sẽ bảo vệ chúng nó, còn nếu không, anh có thể đưa tiền cho một thằng nào đó, chắc hắn sẽ vui lòng đi mua cái ăn cho anh thôi.

Vốn là kẻ muốn lấy tiền của người khác hơn là đưa tiền cho họ, I-đrix không khoái lắm với lời khuyên này, nhưng trước khi y kịp đáp lại thì thuyền đã cập bờ.

Đối với bọn trẻ, Om-đu-a-man có vẻ khác hẳn với thành Khác-tum. Thành phố kia có những ngôi nhà xây nhiều tầng, có quảng trường mu-di-ra, tức là quảng trường thống đốc, tại đó tướng Goóc-đôn anh dũng đã hi sinh, có nhà thờ, bệnh viện, nhà truyền đạo, kho quân giới, những trại lính lớn, các khu vườn lớn và nhỏ với đủ mọi loại cây cỏ tuyệt vời của vùng nhiệt đới. Còn Om-đu-a-man thì có vẻ giống một thứ trại khổng lồ của những người hoang dã hơn. Tường thành, vốn được xây dựng về phía Bắc của nơi này, đã bị triệt phá theo lệnh tướng Goóc-đôn. Còn hiện nay, nhìn hút tầm mắt, thành phố chỉ gồm những mái lều hình nón lợp bằng các cuộng kê đánh lại mà thôi.

Những hàng rào gai góc mỏng mảnh ngăn các căn lều đó với nhau và với đường phố. Đây đó cũng có cả những căn lều hẳn là thu được từ tay người Ai Cập. Còn ở nơi khác, chỉ vài tấm chiếu cọ trải dưới một mảnh vải bẩn thỉu căng trên mấy chiếc cọc tre đã là toàn bộ ngôi nhà cho một gia đình. Dân chúng chỉ trốn dưới mái nhà trong khi mưa, hoặc trong những giờ quá nắng, còn ngoài ra họ ở ngoài lều, đốt lửa, nấu ăn, sống và chết ngoài trời. Vì vậy mà phố xá đông đúc đến nỗi nhiều chỗ toán quân khó nhọc len qua các đám đông. Trước kia, Om-đu-a-man vốn chỉ là một cái làng nghèo nàn, còn bây giờ, nếu tính cả số nô lệ, tại đây tụ tập những hơn hai trăm nghìn người. Thậm chí, bản thân Ma-hơ-đi cũng như các vị thủ lĩnh của ông ta cũng thấy lo ngại về sự tụ tập này, sự tụ tập đe doạ mang tới cái đói và bệnh hoạn. Vì vậy, người ta liên tục phái những toán quân đi về phía Bắc để đánh chiếm các khu vực và những thành phố hãy còn đang trung thành với chính phủ Ai Cập.

Thấy bọn trẻ da trắng, ở đây cũng lập tức dậy lên những tiếng kêu thét đầy hằn thù, song dù sao thì dám đông cũng chưa đe doạ đến tính mạng của các em. Có thể dân chúng không dám làm điều đó ngay sát nách Ma-hơ-đi, cũng có thể họ đã quen với các tù binh, những người sau khi Khác-tum bị chiếm đã bị chuyển ngay sang Om-đu-a-man.

Xtas và Nen trông thấy cảnh một địa ngục trần gian. Chúng trông thấy những người Âu và người Ai Cập bị roi quật đến toé máu, những người bị đói khát, còng lưng dưới gánh nặng hoặc những thùng nước lớn mà người ta bắt họ phải mang. Chúng trông thấy những phụ nữ và trẻ con người Âu, trước kia vốn sống sung túc, giờ đây đang phải kéo đi ăn mày, xin một nắm ngô hoặc một rẻo thịt khô, những người đùm trong những mảnh vải rách nát, gầy guộc, giống như những hồn ma với những bộ mặt bị cảnh đói nghèo khiến cho vêu vao và những cặp mắt lạc thần, trong đó nỗi kinh hoàng và sự tuyệt vọng đã đông cứng lại. Chúng nhìn thấy cảnh bọn người dã man rũ lên cười khi trông thấy họ, cảnh chúng xô đẩy và đánh đập họ ra sao. Trên khắp mọi đường phố lớn và nhỏ không thiếu gì những cảnh khiến người ta phải quay mặt đi vì khiếp hãi và kinh tởm.Ở Om-đu-a-man hiện đang lan tràn một cách khủng khiếp bệnh dịch kiết lị và thương hàn, và trước hết là bệnh đậu mùa. Những người bệnh với những nốt đậu phủ đầy người nằm ngổn ngang cạnh lối vào các lều, khiến cho không khí bị nhiễm bẩn. Tù binh khiêng những thây người vừa mới chết quấn trong những tấm vải bố dày ra chôn xuống cát bên ngoài thành phố, nơi mà lũ linh cẩu sẽ làm tiếp theo cái công việc chôn cất thật sự cho họ. Bên trên thành phố quần đảo hàng đàn diều hâu, những đôi cánh của chúng in xuống mặt cát thành những cá i bóng đen tang tóc. Nhìn thấy tất cả những cái đó, Xtas nghĩ rằng, đối với em cũng như đối với Nen, tốt nhất là làm sao sớm được chết cho xong.

Tuy nhiên, trong cái biển cả bần hàn và đầy thù hằn con người này thỉnh thoảng vẫn nở bừng những biểu hiện của lòng từ thiện, giống như một đoá hoa nhợt nhạt xoè nở trong vũng lầy tanh hôi. Ở Om-đu-a-man vốn có một nhúm người Hy Lạp và Cóp-tơ mà Ma-hơ-đi đã để cho sống sót vì y cần đến họ. Không những họ được tự do đi lại mà còn tiến hành buôn bán và làm những công việc khác, và một số người, nhất là những kẻ giả vờ thay đổi tín ngưỡng, còn trở thành những thuộc hạ của Đấng tiên tri, điều đó khiến cho họ có một vị trí quan trọng trong số những tín đồ man dã. Một trong những người Hy Lạp nọ giữ toán lính lại và bắt đầu hỏi bọn trẻ từ đâu lạc loài tới đây. Ngạc nhiên khi được biết rằng các em vừa mới đặt chân tới, rằng chúng bị bắt cóc từ mãi tận Phai-um, ông ta liền hứa sẽ nói cho Ma-hơ-đi biết chuyện và sẽ tới thăm chúng trong tương lai. Ông thương xót gật gật đầu với Nen và cho mỗi đứa một vốc to quả vả dại sấy khô cùng một đồng ta-le bạc có khắc hình Maria Te-re-xa. Sau đó ông ta ra lệnh cho bọn lính không được xúc phạm tới cô bé rồi bước đi, mồm lặp đi lặp lại bằng tiếng Anh: “Poor little bird!” (Một con chim nhỏ tội nghiệp).

— —— ———.

1 Jan: “con cừu non” – tiếng gọi thân mật.

2 Um-bai: một loại tù và lớn làm bằng ngà voi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.