Trăng Gió Nơi Đây

Chương 35-1



Editor: Đá bào

Beta: Bảo Trân

Chiếc ô rất lớn, Nguyễn Sương và Trần Cương Sách đứng dưới ô mà không có bất kỳ sự đụng chạm tiếp xúc nào.

Sau khi vào phòng Trần Cương Sách cất ô đi, Nguyễn Sương ngước mắt nói lời cảm ơn, ánh mắt rơi xuống bên vai trái của anh, một mảng áo sơ mi trắng đã ướt đẫm bởi nước mưa và dính chặt trên da anh. Nguyễn Sương ngẩn người.

Trần Cương Sách có vẻ như không nhận ra điều đó, chỉ vào cửa phòng ngủ nói: “Điện thoại của khách sạn ở bên trong, em có thể tự gọi.”

Nói xong anh quay người đi vào phòng tắm, hình như nói thêm một câu với cô cũng khiến anh cảm thấy phiền. Nhưng nếu anh coi cô như một kẻ xa lạ phiền phức thì tại sao lại cầm ô đi đón cô?

Nguyễn Sương không thể hiểu được. Rõ ràng cô là người rất ghét dây dưa với người yêu cũ nhưng tại sao hôm nay lại sẵn sàng bước vào đây cùng anh vậy?

Con người nhất định phải thành thật với chính mình.

Nhưng Nguyễn Sương đã suy nghĩ không chỉ một lần. Năm đó cô hai mươi ba tuổi, chẳng có gì ngoài làn da căng trẻ, cũng ỷ vào tuổi trẻ đó mà tùy ý sống. Cô tin rằng sống trên đời này phải yêu người xấu ít nhất một lần, bất chấp hậu quả và không để lại khoảng trống. Hậu quả có thể tưởng tượng được, tuy nhiên cô thật sự đã không chừa một khoảng trống nào cho mình mà dành hết tình yêu cho anh.

Quý Tư Âm coi Trần Bạc Văn như một sự tiếc nuối. Nhưng Trần Cương Sách không phải là nỗi nuối tiếc của Nguyễn Sương mà đó là sự hối hận.

Bây giờ Nguyễn Sương đã hai mươi bảy tuổi, sự gần gũi của cô với bố mẹ kém xa trước đây rất nhiều. Mỗi khi về nhà vào dịp nghỉ lễ, chắc chắn cô sẽ bị người nhà dùng đủ mọi cách để giới thiệu hay xem mắt với những người đàn ông cùng tuổi. Lúc đầu cô còn phản đối, cãi qua cãi lại với bố mẹ vì cho rằng mình vẫn còn trẻ và chưa vội kết hôn nhưng lời nói của bố mẹ rất nhất quán, họ muốn cô đi để tiếp xúc trước rồi làm bạn chứ cũng không bắt hôm nay xem mắt ngày mai kết hôn. Chẳng biết từ lúc nào những nếp nhăn nơi khóe mắt của bố mẹ đã hằn sâu hơn, chân tóc nhuộm đen của họ cũng bắt đầu ra màu trắng bạc. Thời gian thúc giục con cái lớn lên cũng vô tình đẩy cha mẹ đến tuổi già, Nguyễn Sương đành gật đầu trước yêu cầu của bố mẹ và đi đến hết buổi xem mắt này đến buổi xem mắt khác. Tuy nhiên, những buổi xem mắt đó đã mở mang tầm mắt cho cô.

Nguyễn Sương từng cho rằng một buổi xem mắt là tổ hợp giữa hai người có điều kiện tương tự nhau. Dù sao cô cũng là sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá trong nước, đối tượng được giới thiệu cho cô tối thiểu cũng nên là một sinh viên chưa ra trường. Kết quả thì đối tượng xem mắt đầu tiên của cô lại là một sinh viên tốt nghiệp trung cấp.

Cô nhớ lại lời của người mai mối: “Cậu thanh niên đó rất đẹp trai, có nhà ở tại trung tâm thành phố với mười mặt tiền cho thuê cửa hàng. Tiền thuê nhà mỗi tháng còn tiêu không hết thì sao phải đắn đo chuyện vất vả kiếm tiền?”

Dáng dấp của tên đó quả thực khá đẹp trai nhưng cả hai bên tai trái và phải đều xỏ lỗ, cộng lại cũng phải có đến mười chiếc khuyên. Ngược lại Nguyễn Sương cảm thấy khá thú vị. Kịch bản cho nhân vật nam chính mới của cô cũng đang viết về kiểu nam chính lưu manh, gặp người này lấy làm tư liệu cũng tốt. Cậu ta sẽ được ghép đôi với một cô gái ngoan có thành tích học tập tốt, cô gái ấy và cậu ta sẽ cứu rỗi lẫn nhau.

Ngay khi cô đang hình dung kịch bản trong đầu, cậu thanh niên kia mở miệng nói: “Không có ý này.”

Nguyễn Sương: “Hả?”

“Thật ra tôi có bạn gái rồi.”

“Ah……”

“Mà bạn gái của tôi còn đang mang thai.”

“A?” Nguyễn Sương vội vàng nói: “Chúc mừng.”

“Đừng chúc mừng tôi, bố mẹ tôi không thích cô ấy. Họ đã hẹn cô ấy vào ngày mai để đi phá thai.”

“…”

Nguyễn Sương tự hỏi mình đã từng chứng kiến ​​cảnh tượng gây sốc đến như vậy chưa mà trong lòng vẫn không khỏi sợ hãi.

“Cậu nói, bố mẹ cậu hẹn cô ấy đi phẫu thuật?”

“Ừm, bố mẹ tôi tưởng cô ấy là người nước ngoài nên không chấp nhận mối quan hệ giữa tôi với cô ấy.” Cậu ta cụp mắt, nhếch môi cười với vẻ bất lực, “Cô ấy nghĩ rằng chỉ cần bản thân mang thai thì bố mẹ tôi sẽ đồng ý, kết quả là bố mẹ tôi không chỉ hẹn cô ấy ngày đi làm phẫu thuật mà còn sắp xếp cho tôi đi xem mắt. Bố mẹ tôi từng nhắc đến cô, họ rất hài lòng về cô và cảm thấy tôi nên tìm một người bạn gái như cô. Tôi thì thấy thật nực cười, họ cũng không chịu nhìn lại xem con trai mình là dạng gì, có không xứng đáng với cô hay không.”

Nguyễn Sương nhất thời không biết nên nói cái gì. Với cậu chàng này, dù chỉ là một cuộc nói chuyện đơn giản hay là một buổi xem mắt thì cô cũng khó mà bày tỏ ý kiến.

Sau đó cô đến thêm một vài buổi xem mắt khác và rồi nhận ra rằng buổi xem mắt đầu tiên là thú vị nhất. Ít nhất thì cậu chàng kia cũng thẳng thắn và tỉnh táo.

Có đối tượng thì tiến tới nói với cô: “Tôi khá thích cô. Cô là người học hành tử tế nên suy nghĩ chắc chắn khác với suy nghĩ của những người phong kiến ​​​​truyền thống, hẳn là sẽ không yêu cầu thách cưới nhỉ?”

Có đối tượng lại hàn huyên một vài câu xong thì nói với vẻ khao khát: “Gia đình trong tưởng tượng của tôi là có một người vợ, một đứa con trai và một cô con gái. Mỗi ngày đi làm về tôi có thể ăn những bữa cơm nóng do vợ nấu. Các con đều ngoan ngoãn khỏe mạnh, các thành viên cư xử đúng mực với nhau, nhà cửa gọn gàng sạch sẽ.”

Có đối tượng thì sự khôn ranh lộ rõ ra trên mặt: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một cuộc hôn nhân AA. Chi tiêu trong gia đình tôi một nửa cô một nửa. Chúng ta sẽ sinh hai đứa con, một đứa mang họ tôi và một đứa mang họ cô.”

Nguyễn Sương cảm thấy mấy cuộc gặp mặt này ghi vào kịch bản sẽ thật tuyệt vời bởi không có gì đa dạng và phức tạp bằng đời thực. Bọn họ ưng cô vì cô có học vấn tốt, nếu cưới cô làm vợ thì gia cảnh của cô sẽ mang lại danh dự và ngoại hình của cô sẽ đem lại sự tự hào cho họ với người ngoài.

Càng nói về hôn nhân với người khác, cô càng nhận ra rằng hôn nhân của phần lớn những người trưởng thành bây giờ đều không liên quan gì đến tình yêu.

Chỉ cần gia cảnh tương xứng, ngoại hình có thể chấp nhận được cùng trình độ học vấn ổn và một công việc không tồi là đã có thể tạo nên một gia đình mới.

Dần dần cô ý thức được, có lẽ bản thân không còn có thể tìm được một tình yêu chân thành nào nữa.

Thậm chí, Quý Tư Âm còn nói với cô: “Làm gì có mấy ai được may mắn kết hôn với người mình yêu thương? Hầu hết mọi người đều cưới người phù hợp với cuộc sống của mình. Bởi vì nếu bạn yêu một ai đó quá nhiều, bạn sẽ hoàn toàn kỳ vọng vào người đó, mà kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn. Cuối cùng, ngay cả tình yêu là lý do duy nhất khiến bạn muốn kết hôn cũng không còn nữa thì kết quả chờ đợi bạn chỉ còn là ly hôn.”

“Nếu cậu chỉ thích anh ta một chút thì cậu sẽ không có quá nhiều kỳ vọng hay chờ mong đối với anh ta.” Quý Tư Âm nói: “Cậu nghĩ mà xem, mỗi tháng anh ta đưa cho cậu ba trăm vạn, hai ba tháng thì hai người chỉ gặp nhau ba đến bốn lần. Thời gian cho tới lần gặp tiếp theo cậu có thể làm bất cứ điều gì cậu muốn, hôn nhân như vậy có gì mà không tốt?”

Quý Tư Âm tự nhận là người ngây thơ, không hiểu đạo lý đối nhân xử thế còn Nguyễn Sương thì ngược lại. Nhưng khi nói đến hôn nhân và tình yêu, Nguyễn Sương lại có sự ngây thơ mơ mộng mà ngay cả Quý Tư Âm cũng không có.

Sau vài lần vùng vẫy trong thế giới trần tục, những giấc mộng trong sáng của cô cũng đã dần bị thực tại nghiền nát thành từng mảnh. Nguyễn Sương bắt đầu thỏa hiệp với thế giới. Cô tự nhủ với bản thân tìm người phù hợp và sống một cuộc sống bình thường, hãy ngừng nghĩ về tình yêu.

Cô đã yêu một người nhiều đến như vậy, cũng có người vì cô mà bước đến bờ vực sinh tử. Cô còn điều gì không hài lòng nữa?

Phải, họ đã từng yêu đương rất mãnh liệt và giờ không còn sức lực để yêu nữa.

Bản thân thứ tình yêu xuất hiện trong cuộc đời anh cũng không có quá nhiều sức nặng. Trong quá khứ, cô là người tham lam và muốn có mọi thứ. Sau này cô nhận ra mình cũng sẽ tự ti, sẽ tự trách nếu mình ưu tú hơn chút nữa thì liệu có thể công khai bước ra ngoài gặp khi mẹ anh đến, nắm tay anh và nói: Cháu là bạn gái của anh ấy.

Nhưng lúc đó Trần Cương Sách có chịu ở lại vì cô không?

Nguyễn Sương cảm thấy anh sẽ không như vậy. Ngay cả bản thân cô cũng không thể tưởng tượng được sau khi Trần Cương Sách cưới cô sẽ như thế nào. Làm sao một người phóng túng và thiếu kiên nhẫn như anh có thể sống chung một mái nhà với bố mẹ mình rồi lại vì cô mà nhún nhường phụng dưỡng cả bố mẹ vợ?

Nguyễn Sương hít một hơi thật sâu, bước vào phòng ngủ giữa tiếng nước chảy tí tách bên trong, gọi điện cho lễ tân khách sạn.

Máy vừa kết nối, cô nghe thấy một giọng nói lịch sự từ quầy lễ tân: “Xin chào anh Trần, tôi có thể giúp gì được cho anh?”

Nguyễn Sương nói: “Xin chào, xin lỗi, tôi là khách ở phòng 1201 kế bên. Vừa rồi gió thổi mạnh khiến cửa phòng tôi bị đóng sập lại.”

Đối phương sửng sốt một lúc mới nói: “Được, thưa cô, chúng tôi sẽ lập tức cử người tới mở cửa ngay.”

“Vâng, cám ơn.”

“Đây là điều chúng tôi nên làm.”

“…”

Cúp máy xong, cuối cùng lễ tân vẫn không biết tên họ của cô.

Nguyễn Sương nhớ rằng lúc giữa trưa tiệc cưới kết thúc có một nhóm người tụ tập xung quanh Trần Cương Sách, trên mặt nở nụ cười nịnh nọt lấy lòng giống như sóng nhiệt mùa hè, cũng giống như mưa gió đè ép những đám mây đen đè trong thành phố.

Cô đã tự hỏi mình câu hỏi này một vạn lần và đến cùng chỉ có một kết luận.

—Trần Cương Sách không bao giờ có thể cho cô thứ cô mong muốn, một cuộc sống bình yên và an ổn.

Những năm tháng bên anh tràn ngập tình yêu và trái tim cô cũng đã rất vẹn toàn. Chỉ là thỉnh thoảng gặp ác mộng, lúc tỉnh dậy toàn thân toát ra mồ hôi lạnh mới biết sự chia ly trong giấc mơ đã là hiện thực. Nhiều lần trải nghiệm cảm giác được và mất trong cả giấc mơ lẫn hiện thực, Nguyễn Sương không muốn nó tiếp diễn vì cô không chịu nổi sự giày vò này nữa.

Khi Trần Cương Sách ra khỏi phòng tắm đã không thấy ai trong phòng nữa.

Anh ném chiếc khăn đang lau tóc lên sô pha rồi chợt cười một tiếng, trong nụ cười không có chút ấm áp nào, chỉ có sự tự giễu.

Bên ngoài trời lại đổ mưa rất to, cơn mưa xối xả như muốn nhấn chìm thành phố nhộn nhịp không bao giờ ngủ này.

Trần Cương Sách cầm tài liệu trên bàn cà phê lên, lật qua vài trang rồi lại nhàm chán đóng tài liệu lại. Anh quay người trở lại phòng ngủ. Vật dụng trong khách sạn tất cả đều là màu trắng đồng nhất. Nhân viên hàng ngày sẽ đới làm phẳng giường. Anh hơi nheo mắt, thấy rõ khu vực đầu giường nơi đặt điện thoại có những vết lõm và nếp nhăn nhẹ trên chiếc ga giường phẳng phiu, minh chứng rằng cô đã từng ở đây. Anh nhìn chằm chằm vào nơi đó một lúc lâu trước khi quay đi. Nghĩ đến điều gì đó lại lấy điện thoại di động ra gọi điện cho trợ lý.

“Cậu đã tìm thấy điện thoại của tôi chưa?”

Điện thoại di động phục vụ cho công việc của anh luôn là loại mới nhất nhưng điện thoại cá nhân thì không hề thay đổi trong vài năm qua. Mấy ngày nay anh bận đến nỗi không biết điện thoại cá nhân của mình đã biến mất đi đâu.

“Vẫn chưa tìm thấy?”

Trợ lý hoảng sợ, sợ anh nói mình không đủ năng lực, ngay cả việc nhỏ nhặt như tìm điện thoại di động cũng không làm được: “Tôi đã tìm khắp các khách sạn mà anh ở suốt một tuần nhưng đều không tìm thấy. Có khi nào nó rơi ở chỗ khác không ạ?”

Trần Cương Sách suy nghĩ một lúc: “Ngày mai tôi không có việc, về sẽ tìm.”

Suy cho cùng, anh cũng không phải là người quá hà khắc, cũng sẽ không làm trợ lý của mình phải khó xử vì chuyện nhỏ nhặt này.

Sau khi cúp máy, anh đặt điện thoại lên tủ đầu giường rồi định đi ngủ. Đầu ngón tay đột nhiên chạm phải một vật thể lạ, mềm mại lại đàn hồi, anh cầm nó lên nhìn xem. Đó là một dây buộc tóc cao su màu đen.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.