Tokyo Hoàng Đạo Án

Chương 40



“Thật sự thì vụ án rất đơn giản. Một mình Taeko Sudo đã sát hại toàn bộ gia đình Umezawa. Vậy
thì có lẽ chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao một tội ác đơn giản như vậy
lại không có lời giải trong suốt bốn mươi năm trời? Đó là vì Taeko Sudo, kẻ giết người hàng loạt, đã làm cho mình trở nên vô hình. Như anh
Ishioka đây từng phỏng đoán, đó chính là sản phẩm của trò ảo thuật.
Nhưng không phải là trò ảo thuật do ông Heikichi Umezawa thực hiện hay
như anh ấy tưởng tượng, thầy phù thủy ở đây chính là Taeko. Kế hoạch của bà ấy thành công là nhờ nền tảng chiêm tinh của ông Umezawa. Cho nên có lẽ gọi nó là màn ảo thuật chiêm tinh học thì đúng hơn. Nhưng tôi sẽ nói đến đoạn đó sau.”

“Trước hết, chúng ta hãy cùng xem xét bí ẩn
cái chết của Heikichi Umezawa trong xưởng vẽ khóa trái. Chắc các vị còn
nhớ, tất cả các cửa sổ đều có chấn song sắt, không hề có lối thoát bí
mật, cửa chính được đảm bảo bằng một then cửa và ổ khóa. Hơn nữa, do hôm đó tuyết rơi dày nên khách khứa tới xưởng vẽ không thể đến hoặc đi mà
không để lại vết chân.”

“Ông Heikichi đã uống một ít thuốc ngủ
trước khi bị sát hại. Râu ông ấy bị cắt ngắn, nhưng không có kéo hay dao cạo ở hiện trường vụ án. Có hai vệt dấu giày để lại trên tuyết. Một là
giày nam còn vệt kia là giày phụ nữ. Có vẻ như người mang giày nam rời
khỏi xưởng vẽ sau người mang giày nữ. Trời ngừng tuyết lúc 11 giờ rưỡi
đêm, và vì thế thời điểm cái chết của ông Heikichi được cho là giữa 11
giờ đêm và 1 giờ sáng. Người ta cho rằng tối hôm đó có một người mẫu
ngồi cho ông Heikichi vẽ nhưng không bao giờ tìm ra được người đó cả.”

“Như vậy chúng ta có thể nghĩ ra được bao nhiêu kịch bản khả dĩ? Chà, tôi đã nghĩ ra được sáu kịch bản: 1. Vụ án mạng xảy ra sau 11 giờ đêm và hung
thủ bỏ đi ngay lập tức. Tuyết phủ kín dấu giày của hắn. Hai vệt giày là
của hai người khác; 2. Ông Heikichi bị giết bởi chính người mẫu của
mình; 3. Người đi giày nam đã giết ông Heikichi; 4. Hai người đó đã phối hợp cùng nhau; 5. Người mẫu cố ý tạo ra hai loại dấu giày; 6. Người đi
giày nam cố gắng đánh lừa chúng ta bằng một đôi giày nữ.”

“Một
số người phán đoán rằng giường của ông Heikichi được kéo lên tận trần
nhà rồi thả xuống. Tuy nhiên giả thuyết này không khả thi với tôi, cho
nên chúng ta bỏ qua luôn.”

“Vấn đề dấu giày rất thú vị. Nhưng dù tiếp cận nó một cách hợp lý đến thế nào đi nữa thì các manh mối cũng
chẳng đưa chúng ta tới đâu cả. Đây là một phần lý do giải thích tại sao
vụ việc lại không có lời giải lâu đến vậy. Tuy nhiên, việc không tìm
được câu trả lời thực tế lại chính là một chìa khóa tuyệt vời cho bí ẩn
này. Các vị biết đấy, chính các khoảng lặng giữa những nốt nhạc mới tạo
nên âm nhạc!”

Sau câu nói đầy kịch tính, Kiyoshi ngừng lại nhấp một ngụm cà phê.

“Nào, chúng ta hãy cùng nhìn lại sáu kịch bản này. Kịch bản thứ nhất cũng hơi hợp lý, tôi thừa nhận như vậy. Nhưng nếu có hai người chứng kiến hiện
trường vụ án sau khi hung thủ bỏ đi, họ sẽ không bao giờ để lộ mình. Tại sao ư? Nếu họ muốn che giấu lý do tới thăm xưởng vẽ của Heikichi, họ có thể gửi một bức thư nặc danh cho cảnh sát. Và nếu họ là những kẻ tình
nghi giết người, họ sẽ muốn khẳng định sự vô tội của mình. Nhưng không
có ai xuất hiện cả.”

“Kịch bản thứ hai không thực tế. Căn cứ vào thời gian tuyết rơi, người đi giày nam và người đi giày nữ chắc chắn
phải gặp nhau bên trong xưởng vẽ. Nếu người mẫu giết hại Heikichi thì
người đi giày nam chắc chắn phải chứng kiến sự việc. Nhưng không hề có
dấu hiệu cho thấy tình huống đó xảy ra.”

“Tương tự, kịch bản thứ ba cũng không thực tế. Nếu người đi giày nam giết nạn nhân thì người đi giày nữ chắc chắn chứng kiến sự việc. Một lần nữa, cũng không hề có dấu hiện cho thấy chuyện đó xảy ra.”

“Kịch bản thứ tư khả dĩ hơn,
nhưng có chắc ông Heikichi uống thuốc ngủ khi có sự hiện diện của hai vị khách không? Dĩ nhiên, có thể ông ấy bị đe dọa và ép phải uống. Và có
phải chính là hai hung thủ này dính đến cái chết của Kazue và các vụ án
mạng Azoth không? Không một chi tiết nào chứng tỏ hai hung thủ liên can
đến những vụ việc kia. Hai người cùng giữ kín một bí mật chết người là
rất khó. Và nếu có hai sát thủ thì chắc chắn họ sẽ không cần ông
Takegoshi làm công việc chôn giấu xác chết. Tất cả những điều này gợi ý
rằng các vụ án mạng chỉ do một người duy nhất tổ chức – một người với bộ óc và trái tim lạnh lùng.”

“Kịch bản thứ năm cũng không chắc chắn. Người mẫu vào xưởng vẽ sau 2 giờ chiều ngày 25. Lúc
đó, tuyết chưa rơi nên cô ấy sẽ không nghĩ đến chuyện mang theo giày nam tạo bằng chứng giả về sau. Chắc chắn cô ấy phải dùng giày của Heikichi. Trong xưởng vẽ của ông ấy có hai đôi giày trước và sau vụ án mạng. Tuy
nhiên, dấu giày cho thấy cô người mẫu không hề trả lại giày sau khi đã
bỏ đi. Vậy khả năng là cô người mẫu bước ra khỏi xưởng vẽ bằng giày của
mình, và sau đó quay trở lại bằng đầu ngón chân với kiểu sải bước rộng
như nam giới; sau đó cô ta đi đôi giày của Heikichi và giẫm lên những
vết mũi bàn chân của mình. Nhưng nếu như vậy, cô ta sẽ không thể trả lại giày vào trong xưởng vẽ. Và tại sao cô ta để lại dấu giày lần đầu đi
ra, mặc dù cô ta có thể che giấu được tất cả những dấu giày của mình? Có lẽ mục đích của cô ta là làm cho các điều tra viên bị rối, khiến cho họ nghĩ rằng có nhiều hung thủ đã kéo chiếc giường lên trần nhà – hoặc là
tội ác do một người đàn ông gây ra.”

“Kịch bản thứ sáu mới nhìn
qua có vẻ khả dĩ nhất. Một người đàn ông đến xưởng vẽ một mình sau khi
trời có tuyết. Hắn ta mang theo đôi giày của nữ giới, và tạo ra dấu giày nữ trong khi bỏ đi bằng chính giày của mình. Nhưng nếu như vậy, cảnh
sát sẽ nghĩ rằng các dấu giày nữ là của cô người mẫu và kết luận rằng
hung thủ là một nam giới. Hơn nữa, Heikichi không có nhiều bạn bè nam
thân thiết, và rất ít khả năng là ông ấy uống thuốc rồi đi ngủ khi có sự hiện diện của một người đàn ông. Do đó, kịch bản này cũng rơi vào bế
tắc.”

“Nhưng không có cách nào cả thì buộc chúng ta phải xem xét lại cả sáu kịch bản. Như tôi đã nói, chúng ta hoàn toàn có thể gạch bỏ
kịch bản thứ nhất và thứ tư. Cả hai kịch bản đều không thể. Kịch bản thứ hai và thứ ba cũng không vững vàng. Cho nên chúng ta còn lại kịch bản
thứ năm và thứ sáu. Một người đàn ông để lại dấu giày phụ nữ thực sự
cũng rất khó tin. Cho nên tôi thấy rằng chúng ta chỉ còn lại kịch bản
thứ năm.”

“Hãy cùng xem xét cẩn thẩn lần nữa: cô người mẫu cố ý
tạo ra hai kiểu dấu giày. Thực tế rằng hung thủ không thể trả lại giày
về xưởng vẽ và rằng dấu giày phụ nữ bị để lại trở nên rất quan trọng với bí ẩn này. Nhưng một câu hỏi vẫn còn đó. Người đi giày nữ có đúng là
người mẫu của Heikichi không? Giả sử rằng câu trả lời là đúng và rằng cô ta chính là người sát hại Heikichi thì liệu cô ấy có xuất hiện để làm
chứng điều gì không? Dĩ nhiên là không!”

“Vậy cô người mẫu này
là ai? Cô ta phải đủ thân cận với Heikichi để có thể trả giày của ông ấy về xưởng vẽ. Chúng ta hãy tập trung vào một người duy nhất, Taeko
Sudo.”

“Taeko đã lên kế hoạch cho các vụ giết người này suốt một thời gian dài. Cô ta quyết tâm giăng bẫy Masako và các con gái bà ấy.
Cô ta quyết định đêm 25 sẽ giết Heikichi. Cô ta đã đập vỡ kính cửa trời
của xưởng vẽ rồi thay lại. Nhưng mọi việc không hoàn toàn đúng như kế
hoạch, bởi vì trời có tuyết lúc cô ta ngồi làm mẫu cho Heikichi. Khi
tuyết tích tụ, chắc chắn cô ta càng lúc càng thấy hoang mang. Nhưng cô
ta đủ khôn ngoan để nghĩ ra một mẹo mới. Tạo dấu giày của một người đàn
ông sẽ làm cho cảnh sát nghĩ hung thủ là nam giới. Chắc chắn cô ta cũng
đã có kế hoạch chính xác đến từng chi tiết để giết Kazue, cho nên sẽ rất khớp nếu như vụ án của Heikichi cũng do một người đàn ông ra tay. Cô ta chắc chắn đã có một vũ khí giết người trong đầu – chẳng hạn một cái
chảo rán – cho nên ngay cả khi tuyết trở thành một trở ngại bất ngờ thì
cô ta cũng không cần phải thay đổi kế hoạch của mình.”

“Sau khi
đập Heikichi tới chết, Taeko rắc một ít bụi lên tóc ông ấy để hàm ý rằng Heikichi bị ngã khỏi giường và đập đầu xuống sàn. Sau đó cô ta dùng kéo cắt râu của ông. Tại sao hung thủ làm như vậy? Có lẽ để đánh lạc hướng
cảnh sát, vì Heikichi và em trai trông rất giống nhau. Tuy nhiên, Taeko
làm rắc rối mọi chuyện một cách không cần thiết. Đây là lần đầu giết
người nên chắc chắn cô ta rất hoảng hốt – phương pháp của cô ta còn
nghiệp dư. Cô ta không cần phải tạo ra hai dấu giày. Chỉ cần một dấu
giày nam giới thôi cũng đủ để các điều tra viên mất thời gian đi tìm một hung thủ nam – và không dành thời gian cố gắng tìm người mẫu. Tương tự, nếu cảnh sát nghĩ rằng vị khách của Heikichi là nam giới thì biết đâu
họ có thể suy đoán rằng nhóm phụ nữ nhà Umezawa trèo lên nóc nhà một khi vị khách nam giới kia đã ra về. Tuy nhiên, vì Taeko để lại dấu giày của phụ nữ nên tôi có thể loại trừ nghi vấn về sự can dự của đám phụ nữ nhà Umezawa.”

“Nhưng làm thế nào Taeko trả lại giày của Heikichi
khi mà xưởng vẽ đã bị khóa từ bên trong? Thực tế, để khóa xưởng từ bên
ngoài không phải là khó. Các vị nhớ rằng dấu giày bị chồng chéo gần cửa
sổ phía trên bồn rửa. Cô ta đứng ở đó, ném một sợi dây vào trong, móc
trúng cái then cửa và đưa khóa vào vị trí.”

“Đó chính là phương pháp thực hiện vụ sát hại Heikichi Umezawa.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.