Khi Chu Giai Ý học lớp năm, có một lần bị thủy tinh cứa vào tay.
Lúc đó, căng tin của trường học nhập về một lô chai nước ngọt thủy tinh. Học sinh ai cũng uống rất hăng. Chu Giai Ý đương nhiên cũng mua theo. Không ngờ khi cùng bạn mang trái bóng rổ đi lên gác, cô không cẩn thận bị vấp phải trái bóng. Khi chai thủy tinh trong tay vỡ tan dưới đất, tay phải của Chu Giai Ý cũng bị đâm vào. Máu không ngừng chảy, khiến cô òa khóc rất to ngay tại chỗ.
Hà Sùng trên tầng hai vừa hay nhìn thấy cảnh ấy lập tức chạy tới văn phòng tìm thầy cô.
Họ sống trong một thành phố loại II, thời gian ấy đi đâu cũng chỉ có những công xưởng với những ống khói cao ngút nhả khí thải đen xì lên bầu trời. Trong thành phố chỉ có một hai bệnh viện hợp quy cách. Từ trường học đáp xe qua đó phải mất gần hai mươi phút. Thầy giáo nhìn thấy bàn tay nhầy nhụa máu của Chu Giai Ý cũng rất sốt ruột, vội vàng đưa cô đến tạm một phòng khám nhỏ nằm đối diện cổng trường học. Thầy giáo bảo bác sỹ xem cho cô trước rồi rút điện thoại gọi về cho mẹ cô.
Quan hệ giữa Hà Sùng và Chu Giai Ý rất tốt, nên cậu cũng bị kéo tới phòng khám cùng cô. Bác sỹ kéo tay Chu Giai Ý lại xem xét, cũng may đã cầm được máu cho cô. Hà Sùng ngồi bên cạnh, thấy Chu Giai Ý dần dần nín khóc bèn hỏi: “Có đau không?”. “Vẫn ổn! Bây giờ không còn đau nhiều nữa…” Chu Giai Ý lắc đầu, khóe mắt vẫn còn hơi ươn ướt nhưng không thút thít nữa.
“Chỉ biết tự mình hù mình.” Hà Sùng mỉm cười. Cậu thật sự không thấy vết thương này có gì to tát, dù sao thì từ nhỏ tới lớn Chu Giai Ý vẫn rất hay khóc nhè. Đầu gối bị xước da mà nước mắt cũng chảy hai hàng, hoàn toàn không giống với bộ dạng hăng hái thường ngày: “Vốn chẳng có chuyện gì, cậu khóc một cái trông như rất là nghiêm trọng. Ai không biết còn tưởng cậu sắp đau đến chết rồi.”
Chu Giai Ý không vui, mếu máo, nhưng cũng không phản bác. Rất nhiều lúc cô đúng là tự hù dọa mình, chẳng phải thật sự không có chuyện gì sao?
Bác sỹ thấy cô không khóc liền bảo hai người ngồi ở đó một lúc, ông ấy đi ra cửa phòng khám tìm thầy giáo đã đưa Chu Giai Ý tới. Phòng khám rất nhỏ, ngồi trong phòng cũng có thể nghe được tiếng họ nói chuyện bên ngoài. Thế nên từng câu từng chữ của bác sỹ đã lọt vào tai Chu Giai Ý: “Những chỗ sây sát khác không sao, chỉ có vết thương dưới ngón tay cái là phải tới bệnh viện lớn khâu lại…”
Hà Sùng đương nhiên cũng nghe thấy. Cậu có phần kinh ngạc, đang định quay đầu nhìn phản ứng của Chu Giai Ý đã thấy miệng cô méo xệch. Cậu vừa nhe răng cô đã bắt đầu khóc: “Cậu lại khóc cái gì?” Hà Sùng sợ nhất là khi cô khóc, nhìn điệu bộ này là biết ngay cô đã hết hồn vì tin phải tới bệnh viện khâu tay. Cậu chỉ biết luống cuống dỗ dành cô: “Khâu không có gì đáng sợ đâu, sẽ có thuốc tê, không đau chút nào cả… Này! Cậu đừng có khóc thật nhé! Đã mấy tuổi rồi!”
Chu Giai Ý chẳng nghe lọt tai, vẫn gào lên thảm thiết.
Mẹ cô đã lên tỉnh công tác, ở nhà cũng không có ai chăm sóc, đành phải gửi cô cho ông bà ngoại. Ông ngoại của Chu Giai Ý còn làm thầy giáo ở một trường trung học công lập nằm kế bên trường tiểu học của họ. Ngày thường người làm cơm cho Chu Giai Ý là bà ngoại cô. Khâu vết thương không phải chuyện nhỏ. Mẹ cô không thể về ngay lập tức, chỉ có thể gọi bà ngoại tới đưa cô đi bệnh viện.
Buổi chiều tan học Hà Sùng về nhà một mình. Lúc ăn cơm tối cậu nghe người giúp việc kể bà Chu gọi điện tới, nhờ cô ta mấy ngày này nấu thêm canh cho Chu Giai Ý. Bà Chu làm việc trên tỉnh rất bận rộn, không có thời gian rảnh để về với Chu Giai Ý: “Vừa hay bố mẹ cậu cũng bảo tôi nấu canh cho cậu uống.” Người giúp việc vừa nhìn Hà Sùng ăn cơm vừa cằn nhằn: “Thôi thì nấu luôn cả thể!”
Hà Sùng cúi đầu gẩy cơm trong bát, không lên tiếng. Từ nhỏ cậu đã không thích cô ta nhưng vẫn phải giữ phép tắc. Cho dù cậu rất ít khi cười nói với cô ta nhưng cũng không bao giờ đối chọi lại.
Ngày hôm sau, cậu và Chu Giai Ý cùng đi học, lúc đó mới nhìn thấy bàn tay bị băng vải trắng của cô.
“Vậy chẳng phải cậu không cần làm bài tập sao, được lợi rồi!” Hà Sùng tươi cười, ngó nhìn, nắm lấy tay cô xem trái xem phải: “Thế sao? Khâu có đau không?” Nhắc tới chuyện này là Chu Giai Ý lại tức giận. Cô phồng má, cái mặt đã tròn quay giờ càng tròn hơn: “Khâu không đau, nhưng lúc bôi thuốc tê thì đau chết đi được… Bác sỹ đó còn lật vết thương của mình ra, bôi đúng vào chỗ bị rách thịt!”. “Được rồi, được rồi! Cậu chịu khổ rồi, mình tới “hầu hạ” cậu uống sữa.” Ưu điểm lớn nhất của Hà Sùng chính là khi muốn nịnh ai thì cái miệng sẽ rất ngọt, khi muốn ai mất mặt thì lại ăn nói vô cùng bỉ ổi. Cậu đang muốn dỗ Chu Giai Ý mà, liền xé một lỗ nhỏ trên túi sữa cầm trong tay, cắm một ống mút vào đưa tới bên miệng cô, cười hì hì đợi cô uống.
Chu Giai Ý uống sữa. Hai người vừa đi tới trường học, cô vừa kể lại cho cậu nghe chuyện hôm qua tới bệnh viện. Giờ nhớ lại cô vẫn còn sợ hãi, mở to đôi mắt tròn xoe, chẳng biết đang hù dọa ai: “Bác sỹ nói, suýt nữa thì đứt sợi gân trong ngón tay cái. Nếu mà bị đứt thật thì ngón tay đó của mình thành tàn phế rồi.”
“Cậu may mắn rồi đấy.” Tâm trạng cậu rất tốt, vui vẻ nghe cô nói: “Lát nữa mình lại mời cậu ăn xiên gà nướng, được không?”
Chu Giai Ý trước giờ không bao giờ khách khí với cậu: “Mình muốn ăn xúc xích nướng.”
Hà Sùng vẫn còn cười tít mắt, nói gì cũng chịu: “Được! Cậu đừng có hờn dỗi với mình là được rồi.”
Cô lườm cậu. Cậu lại dí ống mút tới bên miệng cô, ép cô uống sữa.
“Khi nào tay cậu khỏi rồi, chúng ta sẽ cùng học nấu ăn.” Trong lúc đợi nướng xúc xích ở quán hàng rong bên lề đường, Hà Sùng bỗng nhiên đưa ra đề nghị ấy, còn không quên oán trách người giúp việc nhà cậu: “Mình không muốn người giúp việc đó làm nữa, phiền phức!”. “Tại sao vậy? Cô Lý tốt lắm mà.” Chu Giai Ý không kịp hiểu ý của cậu, còn tưởng vì không muốn người giúp việc đó nên cậu mới muốn tự học nấu ăn, thế thì còn kéo cô vào làm gì?
“Không phải cậu muốn cả đời này sống dựa vào mẹ cậu đấy chứ?” Hà Sùng quay đầu nhìn cô, cố ý thể hiện nét mặt kinh ngạc rất khoa trương. Cậu tiện tay nắm lấy tay phải của cô, chỉ chỉ, vẫn bộ mặt giả vờ tử tế mỗi lần trêu chọc cô: “Cậu nhìn xem! Lần này bị thương chẳng phải mẹ cậu cũng bận việc không về được đó sao? Sau này chúng ta đều phải sống tự lập, không học một số kỹ năng cơ bản, tới lúc đó sống thế nào?”
Xúc xích đã nướng xong, Hà Sùng đón lấy, phết đầy tương ớt cô thích rồi đưa cho cô. Chu Giai Ý không cầm. Chẳng biết cô đã cúi đầu xuống từ lúc nào, cắn chặt môi, nước mắt lại lại đong đầy.
“Mẹ nói bà sẽ không tái giá nữa.” Cô buồn bã nói: “Mẹ nói sau này sẽ sống với mình.”
“Bố mẹ mình còn chưa ly hôn, thế mà lúc thì muốn ở cùng người này, lát lại muốn ở cùng người kia.” Rốt cuộc cũng không còn đủ kiên nhẫn, Hà Sùng cầm tay trái cô, nhét xiên xúc xích vào tay cô, hoàn toàn không quan tâm dáng vẻ chuẩn bị khóc của cô, nói thẳng: “Chu Giai Ý! Lời của người lớn không thể tin được.”
Chu Giai Ý không lên tiếng. Họ cứ thế đi tới trường, dọc đường chẳng ai nói với ai câu nào nữa.
Hà Sùng vốn dĩ tưởng rằng ít nhất cô không nhịn được mà bật khóc, ai ngờ cả đường cô cứ cúi gằm, mím chặt môi, nhưng không rơi một giọt nước mắt nào.
Từ đó về sau, cậu rất ít khi nhìn thấy cô khóc.
***
Bắt đầu lên lớp sáu, Hà Sùng liên tục trốn học.
Bố mẹ cậu rất hiếm khi về nhà, mỗi lần về lại toàn tốn thời gian vào việc tới gặp thầy cô giáo và giáo dục cậu. Đáng tiếc Hà Sùng là kiểu người dạy mãi không chịu sửa, bố mẹ cậu từ nhỏ lại không mấy quan tâm tới cậu, đến tuổi này rồi, muốn quản cũng không quản nổi nữa. Người giúp việc nhà họ đúng là đã xin nghỉ việc. Hà Sùng cả ngày ở một mình. Bố mẹ rốt cuộc cũng không yên tâm, liền nhờ vả nhà họ Chu đối diện, hy vọng bà Chu trông nom cậu một chút, ít nhất phải bắt cậu ăn cơm ngày ba bữa cho đúng giờ.
Bà Chu và gia đình họ là bạn bè mười mấy năm rồi, chút chuyện vặt này đương nhiên sẽ đồng ý. Từ sau lần Chu Giai Ý bị mảnh chai đâm vào tay, ông Chu đã bắt bà không được lên tỉnh làm việc nữa, ở nhà chuyên tâm nội trợ, chăm sóc Chu Giai Ý tới khi cô học đại học. Sau khi ông Chu lấy vợ khác lại sinh thêm một đứa con gái. Ông vốn đã cảm thấy day dứt với hai mẹ con Chu Giai Ý, giờ lại có thêm một cô công chúa, có lẽ càng cảm thấy đây là báo ứng, nên từ đó càng đối xử tốt với Chu Giai Ý hơn. Ông ta không chỉ đưa cho hai mẹ con cô mỗi tháng ba ngàn tiền sinh hoạt phí như trong thỏa thuận ly hôn. Mà mỗi khi công việc thuận lợi, hầu như hai người cần tiêu bao nhiêu ông sẽ đưa bấy nhiêu, chỉ đưa nhiều hơn chứ không đưa ít hơn.
Gần như ngày nào Chu Giai Ý cũng nhận được điện thoại của bố gọi tới. Tình cảm này tới muộn mười hai năm, đến nước này, cũng chỉ có cô cảm thấy không quen. Ông Chu lăn lộn làm việc ở một thành phố lớn, áp lực công việc rất căng thẳng, lại hay phải tiếp khách. Mỗi lần ông gọi điện về đều là những lúc say bí tỉ. Khi say là ông lại thích nói nhảm, cứ nghe giọng Chu Giai Ý là bật khóc, khóc mãi, khóc mãi rồi hỏi cô: Con có hận bố không?
Chu Giai Ý xoắn dây điện thoại lại, cô chưa bao giờ trả lời câu hỏi này. Bình thường cô sẽ thẳng thừng cúp điện thoại, không nói năng gì, trở về phòng làm bài tập. Nếu bố còn gọi lại cô cũng không nhận máy. Chính vì vậy, Chu Giai Ý đặc biệt ghét những người đàn ông say rượu.
Thế nên khi cô phát hiện ra Hà Sùng cũng uống rượu, cô tức giận đến nỗi hai mắt long lên sòng sọc.
Đó là thời kỳ được nghỉ học. Hà Sùng mỉm cười nói với cô “dẫn cậu đến một nơi”, liền đưa cô lên một đoạn cầu vượt trên đường trở về tiểu khu. Môi trường sống của thành phố này rất tệ, nhất là khu vực mà họ đang ở, đứng ở đó nhìn ra đâu cũng thấy vừa cũ nát vừa bẩn thỉu. Dưới đoạn cầu vượt này là một núi rác. Sau khi chúng được chôn xuống đất, gần như tất cả trụ cầu cũng bị chôn chặt. Hà Sùng dẫn Chu Giai Ý từ đây leo lên cầu vượt, xuyên qua đường ray xe lửa, rồi ngồi xuống bên một hàng rào bảo vệ bằng xi măng phía đối diện.
“Sao cậu lại muốn chạy tới đây?” Chu Giai Ý hỏi anh, nhìn trái nhìn phải, chỉ sợ có xe lửa chạy tới. Họ ngồi bên hàng rào bảo vệ thật ra không nguy hiểm, vì nó còn cách đường ray khoảng mười bước chân nữa. Nhưng nếu có xe lửa đi qua, tạp âm cũng sẽ khiến đôi tai đau buốt.
“Nếu lượn trong tiểu khu, cho dù chạy ra phía sau khu khai khác cũng sẽ bị phát hiện.” Hà Sùng khoanh chân ngồi xuống, vỗ vỗ xuống nền xi măng bên cạnh mình, mở cặp sách, lấy ra hai chai bia, còn cười nói: “Cậu chớ có mách với bố mẹ mình, nếu không mình sẽ trở mặt đấy.”
“Không nói với bố mẹ cậu cũng được, nhưng cậu phải chú ý an toàn. Mình cảm thấy ở đây không tốt, tới lúc cậu bị xe lửa đụng thì đã muộn rồi.” Ngồi xuống bên cạnh cậu, Chu Giai Ý quay đầu sang nhìn thấy cậu đang bật nắp chai bia. Cô bỗng trợn tròn mắt, kinh ngạc đến nỗi nói năng lắp bắp: “Cậu còn uống rượu nữa? Cậu… Cậu học uống rượu từ khi nào thế hả?”
“Cậu quan tâm nhiều thế làm gì?” Hà Sùng không mấy để tâm, uống một ngụm bia. Tuy nói những lời oán trách, nhưng đôi mắt cậu vẫn híp lại, mỉm cười, không giận thật: “Đừng có nhiều lời như người giúp việc trước đây của mình!” Nhưng Chu Giai Ý thì phẫn nộ thực sự: “Cậu học cái gì không học, lại học uống rượu!” Cô nhào tới định cướp chai bia trong tay cậu, gương mặt căng ra: “Đừng uống nữa! Uống say rồi sẽ gây thêm phiền phức cho người khác!”
Hà Sùng giơ cao tay lên, không để cô cướp được, thu lại nụ cười trên nét mặt, giận dữ. Khi nổi giận với Chu Giai Ý cậu chẳng bao giờ nể tình, không gào thét hay đánh đập, chỉ là mỗi lời nói đều rất tổn thương người khác. Cậu hiểu rõ tâm tư của Chu Giai Ý, đánh thẳng vào nỗi đau của cô: “Chu Giai Ý! Đừng vì bản thân mình không thích mà can dự vào chuyện người khác. Bố cậu là bố cậu, mình là mình.” Đôi mắt hoa đào đó của cậu khi tức giận cũng khiến người ta phải sợ hãi: “Hơn nữa, cậu thì hiểu cái gì. Đàn ông mà không biết uống rượu, sau này làm sao ra đời lăn lộn được.”
Chu Giai Ý lườm cậu, cứ giằng co như vậy, không ai chịu lùi bước. Cuối cùng cô xách cặp, đứng dậy, quay người định một mình đi qua đường . ray. Tới bên đường ray, cô vẫn còn giận, quay đầu hét lên với cậu: “Cậu đừng có uống rượu rồi để xe lửa đâm! Tự làm tự chịu!”
Hà Sùng không lên tiếng chỉ tiếp tục uống.
Tối hôm đó, cậu không tới nhà họ Chu ăn cơm. Mẹ cô hỏi, Chu Giai Ý mới thành thật khai báo là hai người đã cãi nhau, nhưng không kể chuyện Hà Sùng uống rượu. Chu Giai Ý đã từng nhìn thấy bố cậu đánh cậu. Mỗi lần như vậy cậu không khóc, cũng không chống trả, chỉ nhìn bố trân trân. Ánh mắt đó không giống nhìn bố mà giống một kẻ thù. Chu Giai Ý cảm thấy Hà Sùng có làm sai thế nào cũng không nên bị đánh như thế.
“Vậy mẹ sắp cơm vào trong hộp, lát nữa ăn xong con mang tới cho bạn ấy.” Mẹ xới cơm cho cô, bất luận cô có đồng ý hay không cũng sắp xếp như vậy: “Trẻ con cãi nhau là chuyện bình thường. Con và Hà Sùng là bạn bè bao nhiêu năm rồi, lại cùng nhau khôn lớn trưởng thành, đừng vì một chút chuyện mà trở mặt với nhau.”
Thế là ăn cơm xong Chu Giai Ý cầm hộp cơm, chạy sang nhà đối diện tìm Hà Sùng. Để cậu không nhìn thấy, cô không mở cửa mà chỉ ấn chuông rồi vội vàng kiễng chân lên che chặt mắt thần ở cửa. Cuối cùng đợi mãi mà không có ai ra mở cửa. Cô lại ấn chuông thêm một lúc nữa, rồi chạy xuống nhà, ngó lên cửa sổ nhà cậu, không thấy đèn sáng tức là Hà Sùng còn chưa về nhà.
Cô lập tức thấy sốt ruột, vội chạy tới quán mạt chược tìm, cũng không thấy bóng dáng cậu đâu. Chu Giai Ý vội vội vàng vàng đút hộp cơm vào trong túi ni lông, móc vào xe đạp, đi khắp tiểu khu tìm Hà Sùng. Trước nay cô luôn ngoan ngoãn, không bao giờ chạy ra ngoài chơi khi trời đã tối. Hà Sùng thì khác, cậu thường xuyên đi chơi tới tận tối khuya. Có một lần còn bò lên một chiếc xe hàng đỗ bên vệ đường trong tiểu khu, bị cắm cả đinh vào gan bàn chân.
Hà Sùng thật ra rất ít khi bị thương. Cậu không bất cẩn như Chu Giai Ý. Cũng chính vì như vậy, nên chỉ một hai lần bị thương lại để lại ấn tượng sâu sắc. Vì tai nạn lần đó, Chu Giai Ý thường xuyên lải nhải bên tai cậu, bớt ra ngoài chơi vào buổi tối thôi, rồi lại bị thương chỗ này chỗ kia.
Chu Giai Ý hay có thói quen nghĩ sự việc trở nên nghiêm trọng. Ví dụ như về tới nhà không tìm thấy mẹ, gọi điện cũng không bắt máy là Chu Giai Ý có thể sốt ruột phát khóc. Cô lập tức lo lắng mẹ đã gặp chuyện gì ngoài ý muốn, hoặc là bị xe đụng, hoặc là gặp cướp. Đối với Hà Sùng, cô cũng như vậy.
Cô tìm khắp tiểu khu cũng không ra cậu, nóng ruột một lúc mới bình tĩnh lại được, nhớ ra ban ngày họ đã cùng tới cầu vượt.
Cô mò mẫm leo lên cầu, cuối cùng cũng nhìn thấy Hà Sùng. Cậu vẫn ngồi bên hàng rào bảo vệ, bên cạnh có chiếc đèn đường cao cao rọi sáng, khiến từng làn khói thuốc trên tay cậu càng thêm rõ nét, chầm chậm bay lên cao, rồi biến mất trên không trung.
“Toàn học những cái xấu!” Chu Giai Ý xông tới, cướp điếu thuốc của cậu, vứt xuống đất. Còn chưa hết lo lắng, nỗi bực tức đã dâng lên trong lòng cô, cô gần như sắp mất kiểm soát: “Cậu cũng không nhìn xem mình mới tý tuổi đầu, còn chưa tốt nghiệp tiểu học* đã lấy cái cớ bước chân vào xã hội? Chẳng phải là học thói xấu sao!”
*Tiểu học ở Trung Quốc học sáu năm.
Hà Sùng ngẩng đầu nhìn cô, ánh mắt lạnh lùng, như đang nhìn một người lạ mặt đột ngột xuất hiện nổi nóng với mình. Đúng lúc đó, có xe lửa đi qua, tiếng ầm ầm vang lên bên tai, màng nhĩ rung đến đau nhức. Nhưng hai người không ai bịt tai lại.
“Cậu nói xem, cậu học mấy thứ tốt để làm gì?” Hà Sùng nhìn Chu Giai Ý, nét mặt không biểu cảm, lời nói ra còn khó chịu hơn cả tiềng ồn của xe lửa: “Cậu ngoan rồi, chẳng phải bố mẹ vẫn ly hôn đó sao? Cậu ngoan là bố cậu sẽ không lấy người khác à? Chu Giai Ý! Cậu bảo cậu học mấy cái tốt đó có ích gì không?”
Chu Giai Ý đứng bên cạnh cậu, gương mặt vì phẫn nộ mà đỏ hồng lên. Cô có thể phản bác lại. Cậu học thói xấu thì có ích gì? Chỉ khiến lại ăn thêm một trận đòn của bố, mẹ cũng chẳng đoái hoài tới. Nhưng những lời đó quá tổn thương, Chu Giai Ý có thể tưởng tượng ra mình mà nói Hà Sùng sẽ tức giận đến mức nào. Cô không lo cậu giận dữ với cô, cô chỉ không muốn cậu khó chịu như cô…
Nghĩ như vậy, một bụng tức của Chu Giai Ý bỗng trở nên chua xót. Cô vừa cảm thấy ấm ức vừa đau buồn: “Hà Sùng…” Cô ngồi xuống, kéo vạt áo Hà Sùng, nói với giọng nghẹn ngào: “Có phải cậu gặp chuyện gì không vui không? Cậu nói với mình được không? Đừng nói những lời khó nghe như thế…”
Hà Sùng có lẽ cũng không ngờ cô lại phản ứng như vậy. Cậu sững sờ, rồi đưa tay vò mạnh đầu cô, khiến hai đuôi sam của cô rối bù. Chu Giai Ý cũng không phản kháng, cứ để mặc cậu vò đầu như thế, lặng lẽ rơi nước mắt. Hà Sùng buông tay, không còn tức giận nữa: “Mình đoán là nếu một ngày mình chết, mẹ mình cũng chẳng buồn như cậu.”
Chu Giai Ý ngẩng đầu, đáng thương nhìn cậu, trong lòng thầm nghĩ nhà cậu có lẽ lại xảy ra chuyện gì đó. Cậu không nói, cô cũng chẳng biết nên an ủi ra sao. Vả lại cô cũng ăn nói vụng về. Dù cậu có nói, cô lại càng chẳng thể an ủi nên hồn. Cô đành phải đổi chủ đề, khụt khịt mũi hỏi: “Cậu còn muốn thi lên cấp hai không?”
“Cậu muốn mình thi?” Hà Sùng ăn nói bao giờ cũng vòng vo, cũng chẳng biết học ở đâu ra.
“Mình vẫn muốn cậu học cùng trường trung học với mình. Cậu sẽ thi chứ?”
“Đương nhiên rồi!” Hà Sùng liếc mắt nhìn cô: “Mình không thể bỏ học trung học được, thời đại nào rồi!”
“Vậy thì cậu phải ôn thi nhanh đi.” Lần này cô rất vui mừng, cầm cánh tay định kéo cậu đứng dậy: “Thành tích của mình tốt hơn cậu rất nhiều đấy, lỡ như cậu không thi đỗ vào trường của mình thì phải làm sao?”. “Ồ, không thi đỗ thì thôi! Có trường để học là được rồi.” Hà Sùng từ từ đứng dậy, vừa ngẩng đầu đã nhìn thấy cô đang trừng mắt với cậu. Cậu lập tức giơ tay véo má cô, vừa nói vừa cười: “Được rồi, được rồi! Mình đi học bù là được chứ gì? Đừng có dỗi nữa!”
Cậu đúng là thay mặt nhanh hơn con gái. Đợi xe lửa đi qua, cậu bèn kéo cô xuống cầu vượt.
“Mình còn một ít tiền, có muốn ăn xiên gà nướng không?”
Chu Giai Ý còn hộp cơm, vội lắc đầu. Rồi cô chợt nhớ ra: “Cậu lấy đâu ra tiền mà mua rượu, mua thuốc mà vẫn còn đủ ăn xiên gà nướng?”
Hà Sùng cười, dựng chiếc xe đạp của cô lên. Sau khi ngồi lên, cậu hất cằm ý bảo cô ngồi lên đằng sau: “Mình nói với bố mẹ là mình đi học thêm.” Chu Giai Ý không ngờ cậu lại to gán dám nói dối bố mẹ như vậy. Cô muốn nói gì đó nhưng nghĩ lại dù có nói gì cậu cũng chỉ coi như gió thoảng bên tai: “Vậu càng hay, cậu mang số tiền đó đi học thêm, tạm thời đừng có mua rượu với thuốc nữa.” Rồi cô đổi giọng: “Sau này phải học những thứ này, nhưng uống rượu hút thuốc quá sớm có hại cho sức khỏe.”
Hà Sùng đạp mạnh bàn đạp, chở cô về tiểu khu.
Kiểu nói này của cô rất có tác dụng với cậu, cậu luôn nghe lọt tai, mỉm cười đáp: “Ồ!”