Nhà tù hay thiên đường
Trở về từ Hồng Kông không lâu, nhiều người thấy được “tiềm năng” trong tôi nên có ý định rủ tôi đi bán dâm tại Nhật. Tôi liền đồng ý đi ngay bởi sau khi đi Hồng Kông tôi đã không còn thấy sợ việc đi bán dâm ở nước ngoài nữa.
Tôi sống tại Nhật khoảng sáu, bảy năm, trải qua biết bao khó khăn, biến cố nhưng rồi đều thoát nạn, cho đến khi tôi chuẩn bị lập gia đình với Chin-ya, anh chồng người Nhật của tôi, thì tôi lại bị bắt vì tội “đứng đường”.
Nói đến nhà tù hay trại giam, tôi tin chắc chẳng ai muốn vào nơi đó để tận hưởng cuộc sống cả. Bản thân tôi cũng vậy, đến nghĩ thôi cũng còn không dám nghĩ nữa là. Bán dâm ở nước ngoài có thể là cách kiếm tiền dễ dàng trong suy nghĩ của người khác. Nhưng có ai biết rằng, để kiếm mỗi một bạt đôi khi chúng tôi phải đánh đổi cả cuộc sống. Và phần kết cho việc đi bán dâm tại nước ngoài của chúng tôi là bị bắt vào tù nước đó trước, sau đó mới được gửi trả về Thái Lan. Nhưng không phải tất cả đều bị như thế. Nếu ai may mắn được người nào đó tốt bụng giúp đỡ nhận nuôi nấng và hỗ trợ tiền bạc, cho dù bọn họ có chưa hết hạn visa thì cũng có tiền mua vé máy bay về, không cần phải đợi cảnh sát đuổi bắt gửi trả về nước.
Tuy nhiên cũng có những người đen đủi. Như một số các bạn của tôi thường hay bị bố mẹ hay anh em họ hàng gọi điện sang xin cái này, cái kia liên tục, mà lại còn toàn yêu cầu đồ xịn đắt tiền như xe, nhà, vàng bạc và nhiều thứ tương tự như vậy. Người làm việc thì cứ làm, ngày ngày căng mắt ra tìm khách, phải tiếp không biết bao nhiêu là khách cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu cho những người ở nhà, để cuối cùng bị cảnh sát bắt cũng chẳng có lấy một xu dính túi, khi liên lạc xin tiền gia đình thì họ bảo là tiêu pha hết sạch cả rồi. Cuối cùng phải ngồi tù hơn tháng trời mới được về nhà. Những chuyện như thế xảy ra khá nhiều.
Lần đầu tiên tôi biết chắc chắn mình sẽ phải ngồi tù là ở Nhật. Hôm đó, tôi đau lòng gần như phát điên và đã quẫn đến mức lấy nắp lon Coca rạch cổ tay tự tử. Tôi không thể chịu đựng được chuyện ngồi tù vì nó sẽ khiến tôi và Chin-ya yêu quý phải xa cách nhau. Trong khi tôi đang cố rạch cổ tay mỗi lúc một sâu hơn thì cảnh sát đi vào. Anh ta liền đưa tôi đến bệnh viện khâu vết thương.
Nhưng tôi vẫn không cam lòng, tôi nhịn ăn, chỉ uống mỗi nước, cảnh sát “dỗ” tôi: “Cô cứ thế này thì làm sao có sức mà ngồi máy bay?”. Chỉ thế thôi, tinh thần tôi phấn chấn hơn hẳn và tôi cảm giác mình có thêm động lực để sống. Viên cảnh sát đó nói với tôi: “Cô không phải sợ. Cô chắc chắn sẽ được trở về nước nhưng cần phải đợi làm giấy tờ trước đã”.
Vì tôi nhập cảnh vào Nhật bất hợp pháp và không có bằng chứng rõ ràng chứng minh cụ thể tôi là người nước nào, nên phải đợi kiểm tra quốc tịch trước. Những người khác giải quyết chuyện giấy tờ khá dễ dàng bởi bọn họ mang theo hộ chiếu Thái Lan, nhưng tôi lại mang hộ chiếu Malaysia nhập cảnh vào Nhật nên việc của tôi phải khó khăn và mất thời gian hơn người khác. Nó khiến tôi phải ngồi tù gần hai tháng trong khi người khác ngồi tù không quá hai tuần.
Tôi bị giam trong đồn cảnh sát bảy ngày, sau đó mới được chuyển vào nhà tù lớn. Suốt thời gian bảy ngày ở đồn cảnh sát, tôi cảm thấy rất buồn vì Chin-ya, chồng chưa cưới của tôi không hề đến thăm do bận đi làm. Tôi nghĩ chắc Chin-ya không còn quan tâm đến tôi nữa.
Khi bị chuyển vào nhà tù…
Không như những gì đã suy đoán. Nhà tù của Nhật khá thoải mái, thậm chí còn tốt hơn trại giam của đồn cảnh sát bởi ở đây có nhiều đồ ngon để ăn, có thuốc lá để hút, có cả bài để chơi nữa. Hàng ngày chỉ có ăn, ngủ, chơi bài và hút thuốc lá. Ngày nào cũng chỉ có thế nên ai nấy đều béo tốt lên. Nhà tù có hai tầng, tầng dưới có khoảng mười hai phòng lớn dành cho tù nhân nữ, tầng trên là phòng giam tù nhân nam, người bị bắt vào đây mang tội danh khác nhau, tù nhân hầu hết là người nước ngoài.
Hàng ngày chúng tôi phải dậy ngay khi có tiếng còi báo lúc sáu giờ sáng để nhân viên coi trại giam điểm danh. Sau đó lại nằm xuống ngủ tiếp rồi thức dậy để ăn bữa sáng vào lúc tám giờ. Bữa sáng sẽ đươc nhân viên mang đến bằng xe đẩy thức ăn, để sẵn các khay ở cửa phòng cho chúng tôi. Đồ ăn sáng thường là mỗi người một cái bành mỳ nướng, hai cái xúc xích, trứng luộc hoặc trứng ốp-la cùng với sa-lát-rau. Thức ăn dành cho chúng tôi chẳng khác nào đồ ăn trong khách sạn. Sau khi ăn xong chúng tôi lại đi ngủ tiếp một lúc nữa.
Đến mười giờ sáng, chúng tôi sẽ được ra khỏi phòng đi quét tuyết. Đến trưa thức ăn lại được mang đến tận nơi cho chúng tôi. Đồ ăn trưa là các loại hoa quả, bánh mỳ và đôi khi là mỳ Soba hoặc tương tự như thế. Sau đó sẽ điểm danh thêm lần nữa.
Ăn xong sẽ có nhân viên đến lấy đồ mang đi rửa cho chúng tôi. Cuộc sống quả là sung sướng!
Thời gian mong đợi nhất trong ngày cuối cùng cũng đến. Đó là lúc được xúm vào chơi bài với nhau. Cũng có nhiều người ngồi lại với nhau bàn xem về Thái Lan sẽ làm gì. Có người thích ngồi hút thuốc một mình. Tôi nghĩ cho phép phạm nhân được hút thuốc sẽ giúp họ bớt đi phần nào lo lắng, hay hơn để cho họ căng thẳng quá mức, đôi khi sẽ đẩy họ vào chỗ tự tử, hoặc đánh đấm nhau.
Chúng tôi ăn tối tầm năm giờ chiều. Bữa tối là đồ ăn chắc bụng như cơm và thịt, tráng miệng bằng hoa quả. Cái này được gọi là tuân thủ đúng theo nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản. Nếu may mắn sẽ có Hội du học sinh Thái Lan hoặc Hội người lao động Thái Lan tại Nhật Bản làm đồ ăn Thái mang tới cho chúng tôi ăn trong ngày thứ bảy, chủ nhật.
Vào mỗi chủ nhật, ai có tiền, nhân viên coi tù sẽ đi mua giúp những vật dụng theo yêu cầu như các loại đồ dùng cá nhân, hoa quả, hoặc thuốc lá.
Cuộc sống trong phòng giam của chúng tôi cũng không có gì bí bách lắm. Phòng cũng không đông phạm nhân lắm, không quá ba chục tù nhân, mỗi người được ngủ một gường chứ không phải ngủ chen chúc nhau khiểu cá hộp như trong nhà tù Thái Lan.
Trong tù, chúng tôi hay ngồi bàn tính khi về Thái Lan chúng tôi sẽ đi làm gì hoặc sẽ tiếp tục đi làm gái mại dâm ở nước nào, thậm chí còn nói đến chuyện nhà tù ở các nước khác có tốt như nhà tù ở Nhật Bản không, rồi thì chúng tôi có nên trở lại làm việc ở Nhật Bản nữa hay không…
Tôi để ý thấy không một ai lên kế hoạch bắt đầu cuộc sống mới bằng cách bỏ nghề này cả. Có lẽ vì nghề này thu nhập rất cao, cao đến mức làm cho nhiều người hoặc hầu hết mọi người đã từng trải qua công việc này không thể bỏ nghề một cách dễ dàng. Tôi nói thế không phải là muốn lôi kéo nhiều người làm nghề như chúng tôi, tôi chỉ muốn kể ra cho mọi người biết lý do và nguyên nhân tại sao những người làm nghề này, họ hay tôi đều không muốn từ bỏ nó.
Chúng tôi ngồi tù chờ đến ngày được trả về Thái Lan. Nhưng cũng có người không có tiền để trở về hay nói cách khác là không có tiền mua vé máy bay. Cho dù là ở đất nước nào đi chăng nữa, một khi đã bị bắt chúng tôi đều phải tự lo tiền mua vé máy bay, nếu không có tiền thì phải liên lạc với người thân, họ hàng mang tiền tới hoặc không thì phải đợi bạn bè quyên góp giúp đến khi nào đủ tiền mua vé máy bay thì lúc đó mới được thả về nước.
Tệ hơn thế, một số người đen đủi đi làm còn chưa kịp trả hết nợ hoặc một số người vừa mới trả hết số nợ gần triệu bạt xong thì bị bắt trả về Thái Lan, coi như vẫn chưa kịp kiếm tiền riêng cho bản thân mình. Những việc đã làm trong thời gian qua coi như là làm không công!
Phụ nữ Thái trước khi đi làm ở nước ngoài phần lớn đều biết mình đi làm gái mại dâm, thậm chí là biết rõ và chủ động xin đi. Nhưng khi bị bắt và không còn tiền nữa thì họ thường “trình bày” là bị lừa đi bán dâm nhằm mong sẽ được nhân viên Đại sứ quán đưa về nước mà không phải mất chi phí. Nhưng phần lớn nhân viên của Đại sứ quán đều rõ không có ai bị lừa đi bán dâm cả, tất cả đều tự nguyện. Thậm chí khi hỏi cung tôi, họ còn nói thẳng: “Cô đừng “trình bày” là bị lừa sang đây bán dâm nữa nhé! Chúng tôi chán nghe “câu chuyện” này lắm rồi. Các cô bị lừa đi bán dâm thật thì chắc đã trốn về nước từ lâu rồi chứ không phải đợi cả năm trời thế này đâu!”.
Tôi thấy họ nói đúng. Chính chúng tôi mới là kẻ kiếm chuyện cho họ làm và họ đã quá chán với việc phải nghe chúng tôi “kể khổ” rồi. Họ tin chỉ những ai không biết sợ là gì mới dám ra nước ngoài làm việc này thôi. Cho nên đôi khi họ chẳng nể nang mà sổ toẹt: “Chẳng nhẽ cô ngu đến mức để bị người ta lừa hay sao?”. Một số người khi bị bắt trả về nước, nhân viên Đại sứ quán vờ hỏi: “Sang đây lâu chưa? Có nói được tiếng Anh không? Nói được tiếng Nhật không? Trình độ học vấn thế nào?”. Có người trả lời một cách tự hào rằng nói được nhiều thứ tiếng và đã học đến đại học! Thế là bị nhân viên Đại sứ quán nhẹ nhàng phân tích: “Ừm… Trình độ văn hóa, hiểu biết và khả năng đều cao. Nhưng đáng lẽ không nên ngu đến mức bị người ta lừa cho ra nông nỗi này chứ!”. Họ nói như thế cũng có cái đúng của họ. Tôi nghĩ tốt nhất các bạn không nên vướng vào nghề này. Rất nhiều hiểm nguy và hệ lụy.