Tiếng Cười Trong Bóng Tối

Chương 18



Axel Rex vui mừng được trở về quê hương xinh đẹp của mình. Gần đây hắn gặp một vài rắc rối. Vì một lý do nào đó, các bản lề của vận may bị kẹt tắc – thế là hắn vứt bỏ nó trong bùn như người ta vứt cái ô tô hỏng. Tỉ như, hắn cãi nhau với ông chủ bút, vì ông này không biết tán thưởng câu đùa gần đây nhất của hắn – chẳng phải là hắn có ý đưa câu đó lên mặt báo. Nói chung là có một vụ cãi cọ. Liên đới vào trong tình trạng hỗn loạn đó là một bà cô không chồng giàu có, một vụ giao dịch tiền nong ám muội (“cho dù rất vui thú,” Axel rầu rĩ nghĩ), và một cuộc đối thoại khá là đơn phương với một số nhà chức trách về vấn đề người nhập cư không ai muốn. Người ta đã không tử tế với hắn, hắn ngẫm nghĩ, nhưng hắn sẵn sàng tha thứ cho họ. Thật buồn cười làm sao, cái cách họ ngưỡng mộ tác phẩm của hắn và rồi chỉ một giây sau đã toan đấm thẳng vào mặt hắn (mà một hai lần khá thành công).

Tuy nhiên tồi tệ hơn hết là vấn đề tài chính. Danh tiếng – tuy không ở tầm quốc tế như cái lão ngốc hiền lành ám chỉ hôm qua, song vẫn cứ là danh tiếng – có dạo từng mang đến cho hắn khá nhiều tiền. Giờ đây, khi hắn phần nào đang không có kế hoạch gì và mơ hồ về sự nghiệp vẽ tranh biếm họa của mình ở Berlin, cái nơi mà người ta từ xưa đến nay vẫn còn ở cấp độ chuyện hài hước về mẹ vợ, hắn lẽ ra vẫn còn số tiền đó, ít nhất là một phần, giá như hắn không cờ bạc.

Ngay từ thời thơ ấu hắn đã trau dồi một thiên hướng lừa bịp, thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trò đánh bài yêu thích của hắn là poker! Hắn chơi bất kỳ lúc nào có được bạn chơi; hắn chơi cả trong khi mơ ngủ: với những nhân vật lịch sử hay với một người anh họ xa nào đó đã chết từ lâu mà ngoài đời hắn không bao giờ nhớ tới, hay với những người – lại cũng nếu ở ngoài đời – sẽ cự tuyệt thẳng thừng chuyện ở trong cùng một phòng với hắn. Trong giấc mơ đó hắn nhặt lên năm quân bài được chia cho, xếp lại rồi nâng lên sát mắt; hắn hân hoan nhìn thấy quân phăng teo đội mũ và đeo chuông, và, khi dùng ngón tay cái cẩn thận miết chặt rồi xòe ra góc trên một quân bài rồi một quân bài tiếp, hắn từ từ nhận ra mình có năm quân phăng teo. “Tuyệt vời,” hắn tự nhủ thầm mà không hề sửng sốt về lượng quân bài đó, rồi bình thản đặt món cược đầu tiên, số tiền cược này được Henry VIII (của Holbein[1]), chỉ với bốn quân Q trong tay, đặt gấp đôi. Sau đó, hắn tỉnh dậy, vẫn nguyên bộ mặt phớt tỉnh của một tay chơi poker.

[1. Hans Holbein (1497-1543): họa sĩ Đức. Ông là họa sĩ riêng của vua Anh Henry VIII và là tác giả bức tranh HenryVIII nói đến trên đây.]

Buổi sáng hôm đó ảm đạm và tối trời đến độ hắn phải bật đèn cạnh giường ngủ. Tấm voan che cửa sổ trông bẩn thỉu. Đáng ra họ phải cho hắn ở phòng tốt hơn, xứng với số tiền hắn trả (số tiền mà hắn nghĩ có thể họ sẽ chẳng bao giờ trông thấy). Bỗng nhiên, trong một cơn sốc êm ái, hắn nhớ lại cuộc gặp mặt kỳ lạ tối hôm trước.

Thường thì hắn hồi tưởng về những chuyện tình của mình không có một cảm xúc đặc biệt nào. Margot là một ngoại lệ. Trong suốt hai năm qua, hắn thường thấy mình nghĩ về cô, và hắn thường đăm đăm ngắm bức phác họa nhanh bằng chì với một cảm giác nào đó rất giống với sầu muộn; một thứ cảm xúc lạ lùng bởi vì Axel Rex, nói cho nhẹ nhàng nhất, là một kẻ hay giễu cợt.

Khi hắn lần đầu rời nước Đức lúc còn trẻ (khá nhanh chóng, để tránh chiến tranh), hắn bỏ lại đằng sau người mẹ tội nghiệp đầu óc không còn minh mẫn, và ngay sau hôm hắn khởi hành đi Montevideo bà ngã cầu thang và qua đời vì chấn thương. Khi còn bé, hắn giội dầu lên lũ chuột còn sống, châm lửa đốt rồi quan sát chúng chạy lao quanh như tên bắn trong vài giây giống như những ngôi sao băng bừng cháy. Còn với lũ mèo thì tốt hơn hết là không nên tìm hiểu hắn đã làm gì. Sau đó, ở tuổi trưởng thành hơn, lúc tài năng nghệ thuật của hắn đang phát triển, hắn cố thỏa mãn trí tò mò của mình bằng các cách tinh tế hơn, không phải điều gì bệnh hoạn có cái tên y học đâu – ờ, hoàn toàn không hề bệnh hoạn – mà hắn chỉ tò mò một cách lạnh lùng với đôi mắt thao láo, như những lời chú giải bên lề mà cuộc đời điểm thêm vào những tác phẩm nghệ thuật của hắn. Hắn vô cùng thích thú ngắm nhìn cuộc đời bị biến thành ngớ ngẩn khi nó bất lực trượt vào thế giới tranh biếm họa. Hắn coi khinh những trò chơi khăm: hắn thích chúng tự đến và tình cờ, chỉ cần thêm một tác động nho nhỏ thảng hoặc từ phía hắn là cả chiếc xe đã lao xuống dốc. Hắn thích lừa mọi người, và làm việc đó càng ít nhọc công thì trò đùa càng làm hắn thích thú. Đồng thời, gã đàn ông nguy hiểm này, với bút chì trong tay, thật sự là một họa sĩ rất tài năng.

Ông chú ở nhà một mình với lũ trẻ và nói với chúng rằng ông sẽ mặc đồ cải trang để cho chúng vui. Đợi một hồi lâu mà ông chú vẫn chưa xuất hiện, lũ trẻ đi xuống nhà thấy một người đàn ông đeo mặt nạ đang nhét các món đồ dùng bằng bạc vào túi. “Ôi, chú ơi,” chúng vui sướng hét lên. “Ừ, thế chú hóa trang thế này được chứ?” ông chú nói, đoạn tháo mặt nạ ra. Đấy là tam đoạn luận Hegel về tính hài hước. Chính đề: ông chú cải trang thành tên ăn trộm (để làm lũ trẻ cười); phản đề: đó đúng là một tên trộm (để làm bạn đọc cười); hợp đề: đó vẫn là ông chú (đang lừa bạn đọc). Đây chính là tính siêu hài hước Rex muốn đưa vào tác phẩm của mình, và phong cách này hắn cho là khá mới mẻ.

Ngày nọ, một họa sĩ vĩ đại đứng trên giàn vẽ cao bắt đầu bước lùi lại để ngắm cho rõ hơn bức tranh tường mình đã vẽ xong. Thêm một bước lùi nữa, ông sẽ ngã ngửa, và, do một tiếng hét báo hiệu lại có thể trở thành tai hại chết người, người học việc của ông đủ sáng suốt mà quăng những gì chứa trong một chiếc xô vào bức kiệt tác. Thật là hài hước! Và còn hài hước hơn biết bao nếu để mặc nhà danh họa đang chăm chú mê mải lùi lại bước hụt vào chỗ trống, còn chính khán giả, tình cờ làm sao, lại đang chờ cảnh chiếc xô. Theo Rex hiểu, nghệ thuật biếm họa (ngoài đặc tính tổng hợp và lại – bị – lừa của nó) dựa trên sự đối lập giữa một bên là tính tàn nhẫn và bên kia là tính nhẹ dạ cả tin. Và nếu ngoài đời thực Rex có thể thản nhiên nhìn mà không hề động tay khi một người hành khất mù vui vẻ khua gậy chuẩn bị ngồi xuống chiếc ghế băng vẫn còn ướt sơn, ấy là hắn chỉ đang tìm cảm hứng cho bức tranh sắp tới của mình mà thôi.

Nhưng mọi điều này lại không áp dụng được cho những cảm xúc Margot khơi dậy trong hắn. Trong trường hợp của cô, kể cả từ góc độ nghệ thuật, nhà họa sĩ trong Rex chiến thắng vẻ vang trước nhà danh hài. Hắn cảm thấy hơi khó chịu về việc mình vui thích đến thế khi tìm lại được cô: thật vậy, nếu hắn bỏ rơi cô, đó chỉ là vì hắn sợ sẽ trở nên mê đắm cô quá.

Lúc này hắn muốn trước hết điều tra ra cô có thật sự sống với Albinus không. Hắn nhìn đồng hồ: đúng giữa trưa. Hắn nhìn ví tiền của mình: trống trơn. Hắn mặc quần áo và đi bộ đến ngôi nhà hắn vừa đến tối trước. Tuyết rơi nhè nhẹ đều đều.

Tình cờ người mở cửa lại chính là Albinus và ban đầu ông không nhận ra vị khách người phủ đầy tuyết đứng trước ông kia là ai. Nhưng lúc Rex ngẩng mặt lên sau khi chùi giày lên thảm, Albinus nồng nhiệt đón chào hắn. Người đàn ông trẻ này tối trước đã gây ấn tượng mạnh cho ông không chỉ bởi sự dí dỏm thường trực và tác phong thoải mái, mà còn bởi dáng vẻ lạ thường của hắn: hai gò má hõm trắng nhợt, cặp môi đầy đặn và mái tóc đen lạ lùng tạo nên một vẻ xấu xí đầy quyến rũ. Mặt khác, thật dễ chịu làm sao khi nhớ lại lời nhận xét của Margot lúc họ bàn về bữa tiệc: “Gã nghệ sĩ bạn anh có cái mặt đến tởm – đó là gã đàn ông mà bằng mọi giá em cũng không bao giờ hôn.” Và cả điều mà Dorianna nói về hắn cũng thú vị nữa.

Rex xin lỗi vì cuộc viếng thăm hơi suồng sã và Albinus thân ái bật cười.

“Nói thật,” Rex nói, “ông là một trong số ít người ở Berlin mà tôi muốn được kết thân hơn. Ở Mỹ đàn ông kết bạn dễ dàng hơn ở đây, và ở bên đó tôi đã tạo cho mình thói quen cư xử thoải mái không gò bó. Tha lỗi cho tôi nếu tôi làm ông sốc, nhưng ông có thật lòng nghĩ cho phép cái con búp bê vải đỏm dáng kia ngồi vắt trên đi văng là hợp lý hay không, khi mà treo ngay phía trên là một bức tranh của Ruysdael? Nhân đây, xin ông cho phép tôi xem các bức tranh của ông kỹ càng hơn? Bức đằng kia trông tuyệt đẹp.”

Albinus dẫn hắn đi khắp các phòng. Căn phòng nào cũng có treo bức tranh quý nào đó – với một số bức tranh giả nằm rải rác. Rex say mê chăm chăm ngắm nhìn. Hắn nghĩ liệu bức của Lorenzo Lotto[2] với thánh John mặc áo màu hoa cà và Đức mẹ đồng trinh đang sụt sùi đó có thật đúng là nguyên tác không. Trong cuộc đời phiêu lưu của mình, có thời hắn từng làm nghề vẽ tranh giả và đã tạo ra được vài bức rất hay ho. Thế kỷ mười bảy – hắn chuyên vẽ tranh của giai đoạn đó. Tối qua hắn nhận ra một người bạn cũ trong phòng khách và bây giờ hắn săm soi nó lần nữa trong niềm khoái cảm cực tinh tế. Bức này theo phong cách đẹp nhất của Baugin[3]: chiếc đàn mandolin trên bàn cờ, rượu vang màu ngọc đỏ trong ly và một bông cẩm chướng trắng.

[2. Lorenzo Lotto (1480-1556): họa sĩ Ý thuộc trường phái Venice. Ở đây tác giả nói đến bức tranh Pietà của Lotto.]

[3. Lubin Baugin (1612-1663): họa sĩ Pháp. Miêu tả này phỏng theo bức tranh Tĩnh vật với bàn cờ của Baugin.]

“Trông bức đó có hiện đại không nào? Gần như là siêu thực, đúng vậy,” Albinus trìu mến nói.

“Đúng vậy,” Rex nói, nắm cổ tay mình trong khi ngắm bức tranh. Đúng là hiện đại: hắn vẽ nó mới tám năm trước đây thôi.

Rồi họ bước dọc lối đi có treo một bức tranh đẹp của Linard[4] – những bông hoa và một con bướm đêm có mắt. Đúng lúc đó Margot từ phòng tắm đi ra trong chiếc áo choàng tắm màu vàng chói. Cô chạy dọc hành lang, suýt đánh rơi một chiếc dép đi trong nhà.

[4. Jacques Linard (1597-1645): họa sĩ Pháp nổi tiếng về tranh tĩnh vật. Ở đây tác giả nói đến bức tranh Giỏ hoa của Linard.]

“Vào đây nào,” Albinus nói, với một tiếng cười ngại ngùng. Rex theo ông vào thư viện.

“Nếu tôi không nhầm thì,” hắn mỉm cười nói, “đó là cô Peters. Cô ta là họ hàng của ông à?”

“Giả vờ để làm gì nào?” Albinus nghĩ nhanh. Không thể bịt mắt một tay giỏi quan sát (mà, ờ, như thế lại chẳng thực khôn ngoan sao, theo kiểu hơi phóng khoáng một chút?) “Là cô tình nhân bé nhỏ của tôi đấy,” ông dõng dạc nói to.

Ông mời Rex ở lại ăn tối và hắn nhận lời ngay chẳng chút màu mè. Khi xuất hiện ở bàn ăn, Margot trông uể oải nhưng bình thản: sự kích động đêm hôm trước mà cô gần như không kiềm chế nổi giờ biến thành cái gì đó rất giống hạnh phúc. Khi ngồi giữa hai người đàn ông đang chia sẻ cuộc đời của cô, cô thấy mình như diễn viên chính trong một bộ phim bi kịch bí ẩn và đầy đam mê – vì thế cô cố gắng cư xử cho tương xứng: cô mỉm cười lơ đãng, hạ hai hàng mi xuống, âu yếm đặt tay mình lên tay áo của Albinus lúc cô nhờ ông đưa trái cây, và ném về phía người tình cũ ánh mắt lạnh nhạt thoảng qua.

“Không, mình sẽ không để anh ta biến đi lần nữa, không có gì phải sợ hãi cả,” cô bỗng tự nhủ, và cơn rùng mình êm ái đã mất từ lâu chạy dọc sống lưng cô.

Rex nói khá nhiều. Trong những chuyện vui hắn kể cho họ có câu chuyện hài hước về một diễn viên đóng Lohengrin say rượu mà để lỡ mất thuyền thiên nga rồi đành ôm hy vọng chờ chuyến thiên nga sau. Albinus cười rất thật lòng nhưng Rex biết (và đó chính là mục đích riêng tư trong câu chuyện đùa này của hắn) rằng ông mới chỉ hiểu ra một nửa thôi, còn chính nửa kia mới làm Margot cắn môi. Khi nói chuyện, hắn hầu như không nhìn cô. Mỗi khi hắn nhìn, cô liền vội đưa ánh mắt liếc xuống chỗ này hay chỗ kia trên váy nơi ánh mắt hắn vừa dừng lại giây lát, rồi cô vô thức chỉnh sửa lại chỗ ấy.

“Sắp tới đây chúng ta sẽ được thấy ai đó trên màn ảnh,” Albinus nháy mắt nói.

Margot bĩu môi và đập nhẹ vào tay ông.

“Cô là diễn viên à?” Rex hỏi. “Ồ, thật vậy sao? Thế cô cho phép tôi hỏi, cô đóng trong những phim nào?”

Cô trả lời mà không nhìn hắn và cảm thấy tự hào vô cùng. Hắn là họa sĩ nổi tiếng còn cô là minh tinh màn bạc. Họ giờ ở cùng một nấc thang.

Rex ra về ngay sau bữa ăn, suy ngẫm xem tiếp theo mình nên làm gì và sa chân và một câu lạc bộ đánh bạc. Một dây đồng chất (mà lâu lắm rồi hắn mới lấy được) ít nhiều làm hắn phấn khích hẳn lên. Ngày hôm sau hắn gọi điện cho Albinus và họ cùng đi xem một triển lãm những bức tranh cố gắng khoe mẽ mình hiện đại. Ngày tiếp sau đó, hắn ăn tối tại căn hộ của Albinus. Rồi hắn lại bất chợt ghé thăm, nhưng Margot không có nhà và hắn đành phải cố duy trì một cuộc hội thoại hàn lâm dông dài với Albinus lúc này đã bắt đầu rất đỗi thích hắn. Rex trở nên hết sức khó chịu. Sau cùng thì định mệnh cũng động lòng trắc ẩn với hắn, chọn tình huống một trận khúc côn cầu trên băng ở Cung Thể thao để thể hiện cử chỉ tốt bụng.

Lúc cả ba người đang đi vào khoang ngồi, Albinus nhận ra đôi vai của Paul và bím tóc sáng màu của Irma. Chuyện như thế này chắc chắn sẽ xảy ra ngày này hay ngày khác, nhưng dù ông đã luôn chờ đợi, nó vẫn tóm được ông một cách hoàn toàn bất ngờ đến độ ông vụng về đổi hướng đi và vì thế đâm sầm vào bên sườn Margot.

“Nhìn xem anh đang làm gì đây, cái anh này,” cô nanh nọc nói.

“Hãy ngồi xuống thoải mái và gọi cà phê đi,” Albinus nói. “Anh phải… ờ … đi gọi điện thoại. Anh gần như quên khuấy mất.”

“Ôi xin anh đừng đi,” Margot vừa nói vừa đứng lên lại.

“Việc này khá khẩn cấp,” ông nài nỉ, hai vai chùng xuống cố thu nhỏ người hết mức (không biết Irma đã thấy ông chưa đây?). “Nếu anh phải đi lâu thì em cũng đừng lo. Xin thứ lỗi cho tôi, Rex.”

“Xin anh hãy ở lại đây,” Margot nhắc lại rất nhỏ nhẹ.

Nhưng ông không nhận ra ánh mắt lạ lùng, cũng như gò má ửng đỏ và đôi môi run rẩy của cô. Lưng gập cong hẳn xuống, ông vội vã đi về phía lối ra.

Một giây im lặng trôi qua, rồi Rex thở dài sườn sượt.

“Enfin seuls[5],” hắn âu sầu nói.

[5. Tiếng Pháp, nghĩa là “Cuối cùng chỉ còn hai ta.”]

Họ ngồi cạnh nhau trong khoang ghế đắt tiền bên chiếc bàn nhỏ phủ khăn rất trắng. Phía dưới, ngay phía sau hàng rào, trải rộng mặt sân băng mênh mông. Ban nhạc đang chơi một hành khúc hỉ trường đầy tiếng nện thình thình. Lớp băng trống trơn phủ một lớp bóng như dầu màu xanh da trời. Bầu không khí vừa nóng vừa lạnh.

“Giờ anh đã hiểu chưa?” Margot bất chợt hỏi, gần như chẳng biết mình đang hỏi gì.

Rex sắp trả lời thì đúng lúc đó một tràng vỗ tay vang dội khắp nhà thi đấu rộng thênh thang. Hắn siết chặt những ngón tay nhỏ bé nóng bỏng của cô ở dưới bàn. Margot thấy nước mắt dâng trào, nhưng cô không rút tay lại.

Một cô gái đi tất dài màu trắng mặc váy ngắn màu bạc diềm bông đang trượt trên mũi giày qua sân băng, và khi đã lấy được đà, vẽ nên đường uốn lượn tuyệt đẹp rồi nhảy lên cao, rồi xoay tròn, rồi lại trượt đi tiếp.

Đôi giày trượt băng óng ánh của cô lóe sáng như tia chớp khi cô trượt vòng tròn và nhảy múa, cắt xuống sân băng bằng sức va chạm mãnh liệt.

“Anh đã bỏ rơi tôi,” Margot mở lời.

“Ờ, nhưng anh đã lao về với em, phải không nào? Đừng khóc nữa, em yêu. Em quan hệ với ông ta đã lâu chưa?”

Margot định nói, nhưng nhà thi đấu lại ngập những tiếng huyên náo ầm ầm. Sân băng lại không có ai. Cô chống khuỷu tay lên bàn và ép hai tay lên hai thái dương.

Giữa những tiếng huýt sáo, vỗ tay và la hét, các cầu thủ thong thả trượt ngang sân băng – trước hết là đội Thụy Điển, rồi đến đội Đức. Thủ môn của đội khách trong chiếc áo len lấp lánh với hai miếng đệm lớn bằng da từ mu bàn chân đến tận hông, chậm rãi lướt về phía khung thành nhỏ xíu của mình.

“Ông ta sẽ khiến bà ấy ly dị với ông ta. Anh có hiểu là anh đã chọn đúng thời điểm khó xử nhất để quay về không?”

“Vớ vẩn. Em thật sự tin ông ta sẽ cưới em à?”

“Nếu anh làm đảo lộn mọi thứ thì ông ta mới không.”

“Không đâu, Margot à, ông ta sẽ chẳng cưới em đâu.”

“Còn em nói ông ta sẽ cưới đấy.”

Môi họ vẫn tiếp tục mấp máy, nhưng cuộc cãi vã chóng vánh của bọn họ bị nhấn chìm trong tiếng hò hét xung quanh. Đám đông đang gầm thét đầy kích động khi những chiếc gậy lanh lẹn đuổi theo quả bóng trên băng, rồi đánh văng nó, rồi móc nó lên, rồi chuyển nó đi, rồi đánh hụt nó, rồi va vào nhau chan chát trong cú va chạm chớp nhoáng. Thủ môn di chyển nhịp nhàng bên này bên kia tại vị trí gác, chụm chân lại để hai miếng đệm hợp thành một tấm khiên chắn duy nhất.

“… anh quay về thật rầy rà quá. Anh chỉ là tên ăn mày so với ông ta. Chúa ơi, giờ tôi biết anh sẽ làm hỏng mọi thứ mà.”

“Vớ vẩn, vớ vẩn, chúng ta sẽ rất cẩn trọng.”

“Tôi phát điên lên mất,” Margot nói. “Đưa tôi ra khỏi cái chỗ ầm ĩ này đi. Ta đi thôi. Tôi chắc chắn ông ta sẽ không quay lại lúc này đâu, mà nếu có thì đây sẽ là một bài học đáng đời.”

“Đến chỗ anh đi. Em phải đến. Đừng có ngốc nghếch nữa nào. Chúng ta sẽ làm nhanh thôi. Một tiếng nữa thôi em sẽ về nhà ngay mà.”

“Im đi. Tôi không dại dột mạo hiểm đâu. Tôi đã mất hàng tháng trời thực hiện kế hoạch mới dụ được ông ta cho đến nước này, và giờ thì ông ta đã xuôi rồi. Anh thực sự mong chờ tôi sẽ tung hê mọi thứ bây giờ sao?”

“Ông ta sẽ chẳng cưới em đâu,” Rex nói với giọng tin tưởng kiên định.

“Anh có đưa em về nhà không nào?” cô hỏi gần như hét lên, và một ý nghĩ lóe lên trong đầu cô: “Mình sẽ để anh ta hôn trong taxi.”

“Đợi một chút. Nói xem, làm sao em biết được là anh đang cháy túi?”

“Em nhìn thấy điều đó trong mắt anh,” cô đáp và bịt tai lại, bởi lúc này tiếng ồn đạt tới cực điểm: một bàn thắng vừa được ghi, thủ môn đội Thụy Điển nằm sõng soài trên băng và cây gậy bị đánh văng khỏi tay anh ta đang vừa xoay vòng vòng vừa trượt xa dần trên mặt băng như một mái chèo bị trôi tuột mất.

“Hừm, anh nói thế này nhé: lần chần chỉ phí thời gian. Đằng nào chuyện này sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Đi thôi nào. Cửa sổ phòng anh mà hạ mành xuống thì nhìn ra đẹp lắm.”

“Thêm một câu nữa là tôi sẽ lái xe về một mình đấy.”

Khi họ đi dọc phía sau các khoang ghế, Margot giật mình cau mày. Một ông mập mạp đeo kính gọng sừng đang gườm gườm nhìn cô vẻ ghê tởm. Ngồi cạnh ông ta là một cô bé đang theo dõi trận đấu qua cặp ống nhòm to bự.

“Nhìn kia kìa,” Margot cáu kỉnh nói với người bạn đồng hành, “anh có thấy gã béo với đứa trẻ kia không? Đó là em rể và con gái ông ta đấy. Giờ thì em hiểu sao con sâu đó lại uốn người bò đi mất. Tiếc là lúc trước em không nhận ra họ. Gã này từng rất bất lịch sự với em, cho nên nếu ai đó cho gã một trận nên thân thì em cũng chẳng bận tâm.”

“Thế mà em còn nói được đến chuyện cưới hỏi à,” Rex bình luận trong khi đi xuống những bậc thêm rộng êm ru bên cô. “Ông ta sẽ không bao giờ cưới em đâu. Giờ nhìn đây, em yêu. Anh có đề xuất mới này. Đề xuất cuối cùng, anh nghĩ vậy.”

“Đề xuất gì vậy?” Margot ngờ vực hỏi.

“Anh sẽ đưa em về nhà an toàn, nhưng em sẽ phải trả tiền taxi đấy, em yêu à.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.