Tiên Hạc Thần Kim

Chương 26: Ngọc Tiêu Tiên Tử náo Tam Nguyên cung



Lối bố trí trong rừng thông này chỉ là ám động theo Ngũ Hành thông thường.

Tô Hùng nhảy lên đọt cây rồi thì ám lực không còn nữa. Chàng thoăn thoắt vượt tới.

Qua khỏi rừng thông đã thấy hiện ra một con đường dẫn thẳng lên đồi núi. Tô Hùng là kẻ gan dạ lại thận trọng, thấy con đường ấy vòng trôn ốc,
nếu theo đó mà lên sợ mất thì giờ mà còn có thể bị phục kích giữa đường, nên chàng vận khí xuống Đan điền theo vách đá mà tiến dần lên.

Ngọn đồi này cao hơn bốn, năm trượng. Tuy nhiên, Tô Hùng chỉ vận vài hơi thì vượt khỏi vách đá chập chùng và đến đỉnh rồi.

Nhờ ánh sáng của muôn sao nhấp nháy, từ xa mấy trượng, đã thấy một ngôi
miếu huy hoàng, phòng ốc san sát, cột điện sừng sững liên tiếp không
biết bao nhiêu căn.

Tô Hùng nghĩ thầm :

– “Cổ điện quy mô lớn lao như vậy chắc là các đạo sĩ bên trong không ít”.

Chàng vừa muốn phi thân tới trước, đột nhiên thấy một bóng người phía
bên phải chớp qua phóng thẳng vào trong miếu. Thân pháp vô cùng mau lẹ,
chỉ trong chớp mắt đã không thấy bóng người đó đâu nữa.

Tô Hùng hoảng hốt tự nhủ :

– “Thân pháp người này còn cao hơn ta một bực, chắc là một trong Côn
Luân tam tử, còn đệ tử của họ lẽ đâu được như vậy. Nhưng nếu là một
trong Côn Luân tam tử, tại sao không xuật nhập đàng hoàng lại có vẻ lén
lút?”

Tô Hùng lắc đầu thầm bảo :

– “Không lẽ có một kẻ nào đồng hành với ta đến đây? Mà người đó là ai?”

Chàng đoán không ra nhưng đinh ninh người đó nhất định không phải là Côn Luân tam tử rồi. Mà đêm khuya, kẻ nào dám đến do thám Tam Nguyên cung
của phái Côn Luân thì cũng phải là tay cao thủ võ lâm mới dám liều lĩnh
như vậy.

Ý nghĩ ấy làm cho Tô Hùng càng cẩn thận hơn. Chàng liền dùng thuật Thanh Đình Tam Điểm Thủy, phi thân phóng tới ba thước thì đã đến ngoài miếu,
rồi vượt thẳng lên bức tường thành.

Tường thành là một vách đá cao bao bọc ngôi viện. Bên trong có lũy tre
xanh, có hàng thông vi vút, có một con đường đá chạy thẳng vào Tam
Nguyên cung chánh điện.

Tô Hùng cứ theo con đường đá đó băng vào rừng thông, đến một cái cổng
chín cấp, hữu có hai gian phòng lớn, cửa ngõ rất chắc chắn, hai cánh cửa mở rộng, hình như không có một chút phòng bị nào.

Tô Hùng tuy gan lì, nhưng đứng trước quang cảnh hùng vĩ ấy cũng không khỏi e ngại.

Hai tay run run, chàng đu người nhảy pthóc lên mái ngói, nằm vào một chỗ kín nhìn vào bên trong dò xét.

Sân viện có trồng đủ thứ bông hoa quý lạ, mùi thơm theo gió tỏa bay ngào ngạt. Trước viện có thắp hai cây đèn lớn bằng dầu thông, trong điện hơn bốn năm cây đèn lớn, tỏa ánh sáng lung linh.

Giữa điện kê một chiếc bàn ngọc, ở giữa để một đỉnh trầm khói tỏa như
mây mờ. Phía sau có dãy thần tượng, nhưng đều dùng vải vàng phủ lại nên
Tô Hùng không rõ là vị thần nào.

Thấy nơi đó chỉ là chánh điện để thờ phụng không có gì lạ, Tô Hùng đưa
mắt nhìn ra sau, thấy hậu điện cách chánh điện chừng năm trượng, phòng
ốc uy nghi, mái ngói san sát, xem có vẻ còn nghi vệ hơn nữa. Tô Hùng lần theo bóng tối đi về phía hậu viện.

Ở đây đèn đuốc sáng rực, cảnh vật khác thường.

Cách chánh điện là một cái sân rộng, phong cảnh tú lệ, có núi có hoa, khe nước chảy ngoằn ngoèo, nhà cửa đều dựng theo thế núi.

Chàng từ mái ngói cong mình nhảy xuống, lẩn núp vào bóng tối, lần theo hòn non bộ, đi thẳng ra phía sau.

Bốn bề vắng lặng! Cái lặng lẽ rờn rợn! Không có bóng một đệ tử nào trong viện thấp thoáng.

Chàng lẩm bẩm :

– Chẳng lẽ một ngôi viện lớn thế này mà không có người ở? Và chẳng biết lối bố trí của họ thế nào?

Chàng đang phân vân, bỗng từ sau hòn giả sơn phát ra một tiếng hét chát
chúa. Tiếp đó là một bóng đen vọt ra chạy về phía chàng. Thân pháp của
người này lẹ như điện chớp.

Tô Hùng vội vã núp vào bóng tối để nhận xét sự tình.

Cùng trong lúc đó, cánh cửa sổ ở phòng kế cận mở bật, bốn bóng người nữa xuất hiện, tay thủ trường kiếm, đuổi theo bóng đen kia.

Tô Hùng vừa đến chỗ núp thì bốn người cầm kiếm đã đuổi bóng đen chạy trước tiến đến bên chàng, cách độ một trượng.

Bốn người đuổi theo là bốn đạo sĩ mặt đạo bào, đưa kiếm cản bóng đen
lại. Họ sắp thành hàng ngang. Bóng đen là một thân hình nhỏ bé, mình mặc hắc y, mặt đeo một khung lụa màu đen. Thấy có người truy cản, bóng đen
vội dừng chân lại.

Bốn đạo sĩ tay cầm trường kiếm, vun vút chém vào bóng đen, không hỏi han một lời nào. Thế kiếm của họ rất lẹ làng và lợi hại.

Tuy nhiên, bóng đen kia bản lãnh không phải tầm thường. Mỗi tiếng hét là một chiêu ác độc phát ra liên tiếp công tới, làm cho bốn cây trường
kiếm không còn thể tung hoành hoạt động được nữa. Chỉ trong loáng mắt,
bóng đen đã ép bốn đạo sĩ phải lùi hơn bốn bước.

Giữa lúc đó, từ phía sau cửa viện, bỗng có một người phi thân đến chĩa
mũi kiếm vào lưng bóng đen đâm tới một chiêu. Vừa xuất thủ, Tô Hùng đã
biết người mới đến tiếp cứu là một cao thủ rồi.

Bóng đen nghe hơi gió, vội quàng tay ra sau đỡ mũi kiếm của người mới
đến, rồi phóng mình nhảy ra phía trước dùng vũ khí trả công ba chiêu.

Tô Hùng nhìn kỹ vũ khí trên tay bóng đen là một chiếc ngọc tiêu dài độ hai thước.

Chàng giật mình, đoán biết bóng đen đó là Ngọc Tiêu Tiên Tử, một nữ ma
đầu đã khét tiếng trên giang hồ. Với thân hình nhỏ bé, kiều diễm như vậy không thể nào lầm được nữa.

Người mới đến, chạm tay với Ngọc Tiêu Tiên Tử lại là một đạo cô, mình
choàng áo lông cừu, mặt mũi khá đẹp, trường kiếm trên tay vun vút như
con giao long, tài nghệ cũng chẳng kém gì Ngọc Tiêu Tiên Tử.

Chỉ trong loáng mắt hai bên đã trao đổi nhau trên mười chiêu rồi. Đột
nhiên, đạo cô công tới một đường kiếm cực nhanh, rồi nhảy lùi ra ba
bước, nạt lớn :

– Người có phải là Ngọc Tiêu Tiên Tử không?

Người áo đen cầm ngọc tiêu xoay qua một vòng tròn, cất tiếng lanh lảnh đáp :

– Đúng đấy! Ta thấy kiếm pháp và lối phục sức của ngươi cũng đoán được ngươi là Ngọc Chánh Tử.

Bấy giờ, các đệ tử trong Tam Nguyên cung đã nghe có biến động nên đồng nhau vác kiếm chạy đến.

Tô Hùng thấy chàng thanh niên vừa đấu kiếm với đạo cô lúc nãy ở rừng
thông cũng có mặt nơi đó. Nhưng chàng chỉ mặc một chiếc áo cộc, còn các
người kia đều mặc đạo phục đài. Đệ tử Côn Luân gồm hơn hai mươi người,
nam có, nữ có đứng vây quanh Ngọc Tiêu Tiên Tử.

Đạo cô choàng chiếc áo lông cừu vừa so tay với Ngọc Tiêu Tiên Tử chính
là Ngọc Chánh Tử, một trong Côn Luân tam tử. Sau khi bà ta cùng Huyền
Thanh đạo trưởng và Thông Linh đạo trưởng rời khỏi Kỳ Liên sơn, cả ba
đều trở về Tam Nguyên cung ở núi Côn Luân. Ngô Không đại sư cũng theo họ đến Tây Vực.

Côn Luân tam tử rất có cảm tình với Ngô Không đại sư nên đặt biệt lưu
ông ta lại sau Kim Đỉnh Phong, mở ra ba gian tịnh thất để cho ông ta an
lòng ở đó tu kỳ.

Kim Đỉnh Phong là nơi phong cảnh đẹp đẽ, lại thanh tịnh nên Ngô Không đại sư không từ chối.

Ngọc Chánh Tử sau khi biết rõ người đang đấu với bà là Ngọc Tiêu Tiên Tử, lòng e sợ thầm nghĩ :

– “Con ma đầu này võ công lừng danh trong thiên hạ, mấy năm nay gây sóng gió trên giang hồ, ai nghe đến tên đều phải hoảng hốt. Thế mà nay ả lại đến đây gây sự thì tuyệt không phải là việc nhỏ”.

Bà ôn tồn cất tiếng hỏi :

– Phái Côn Luân chúng tôi chưa hề cô thù oán gì với ngươi, sao nửa đêm lại vào Tam Nguyên cung thám thính là dụng ý gì?

Ngọc Tiêu Tiên Tử khẽ cười, đáp :

– Ta đến đây để tìm một người. Nhưng ngươi đã háo chiến, không hỏi rõ trắng đen, buộc ta phải ra tay thì còn trách móc gì nữa.

Ngọc Chánh Tử nghĩ thầm :

– “Quả thật không sai, chính ta đã động thủ trước, buộc ả phải đối phó. Như vậy ta tỏ ra không đúng với quy luật võ lâm rồi”.

Ngọc Chánh Tử mỉm cười đáp :

– Nếu ngươi đi tìm người thì cứ đường hoàng xin vào yết kiến. Chúng ta
sẽ lấy lễ đón tiếp. Tại sao ngươi lại có hành động thầm lén?

Ngọc Tiêu Tiên Tử cười ha hả, nói :

– Ta sợ đến tìm hắn đường hoàng thì hắn lánh mặt không chịu ra, nên buộc lòng đêm khuya ta phải mò mẫm như thế này đây.

Ngọc Chánh Tử nghe nói giật mình nghĩ thầm :

– “Hắn đến tìm người để thanh toán một hận thù chăng? Mà ai là người thù nhân của hắn? Mấy mươi năm nay chỉ có Huyền Thanh đạo trưởng rời khỏi
Tam Nguyên cung, đi ẩn cư nơi khác, không rõ có hành động gì va chạm với nữ ma đầu đó không. Còn các người trong Côn Luân phái, bà biết không có ai xích mích gì với Ngọc Tiêu Tiên Tử kia. Ngọc Tiêu Tiên Tử là một
nhân vật khét tiếng trên giang hồ, người đã gây liên lụy trên quan hệ
đến nàng quyết không phải là kẻ vô danh tiểu tốt. Chỉ có Huyền Thanh đạo trưởng, sư huynh của bà đã rời Tam Nguyên cung mấy mươi năm, trong thời gian đó có thể gây ra những điều ngoài sự hiểu biết của bà mà thôi”.

Nghĩ đến đây Ngọc Chánh Tử biến sắc, bà gượng nói :

– Ngươi muốn tìm người nào mà phải đi ban đêm như vậy?

Ngọc Tiêu Tiên Tử thản nhiên hỏi :

– Côn Luân phái các người có người nào tên Mã Quân Vũ chăng? Ta từ ngàn dặm đến đây cốt là tìm hắn.

– Không sai! Côn Luân phái có một đệ tử gọi là Mã Quân Vũ. Ngươi đến tìm hắn có việc gì cứ nói với ta cũng được.

Ngọc Tiêu Tiên Tử quay lại nhìn, thấy cách đó hai trượng có một người
tóc dài, mặc đạo phục đứng đó tự bao giờ rồi, lưng có đeo cây trường
kiếm, quần áo phe phẩy trước gió.

Người đó chính là Tam Thanh quan chủ Huyền Thanh đạo trưởng.

Ngọc Tiêu Tiên Tử và Huyền Thanh đạo trưởng có gặp mặt qua, nên vừa trông thấy nàng mỉm cười, đáp :

– Tam Thanh quan chủ đối với tôi không có ác ý gì chớ? Đạo trưởng về đây tự bao giờ rồi.

Huyền Thanh đạo trưởng đáp :

– Tam Nguyên cung là nơi xuất thân của lão, lại là nguồn gốc của phái Côn Luân, lý nào bần đạo chẳng về đây?

Ngọc Tiêu Tiên Tử tánh tình rất ngạo nghễ. Tuy nhiên nơi đây, nàng lại
đối xử rất ôn hòa làm cho mọi người đều nghi ngại chẳng an lòng.

Nàng mỉm cười nói :

– Tôi chỉ muốn gặp mặt Mã Quân Vũ để hỏi một câu chuyện thôi, không có
gì trọng đại đâu. Không biết đạo trưởng có thể chiều ý tôi chăng?

Dứt lời, Ngọc Tiêu Tiên Tử đưa mắt nhìn bốn phía như muốn tìm một người trong số đệ tử đứng trước mặt.

Huyền Thanh đạo trưởng đã rõ Ngọc Tiêu Tiên Tử là một người ngang ngạnh, một nữ ma đầu đã khét tiếng giang hồ, chưa một ai dám trái ý, nên thầm
nghĩ :

– “Nếu không cho hắn vừa ý chắc là hắn phá phách lôi thôi. Nhưng Mã Quân Vũ lại không có mặt nơi đây thì làm sao cho hắn vừa ý được? Vả lại
chẳng biết hắn tìm gặp Quân Vũ với thù oán hay thiện tâm, phải hiểu rõ
trước đã”.

Nghĩ như thế Huyền Thanh đạo trưởng ôn tồn nói :

– Ngươi đến tìm Quân Vũ để làm gì hãy nói cho ta biết. Nếu Quân Vũ quả thật đã có lầm lỗi, ta sẽ trị tội hắn.

Ngọc Tiêu Tiên Tử biết Huyền Thanh đạo trưởng đã hiểu lầm nàng, nhưng
lại không dám nói ra. Nàng muốn bịa đặt một câu chuyện để nói cho qua
nhưng cũng chưa tìm được lý do nào có lý. Vì vậy nàng vẫn đứng ngơ ngẩn
không đáp lời.

Ngọc Chánh Tử là đàn bà, nên thông cảm phần nào tâm trạng nữ giới. Bà
thấy vẻ mặt ngơ ngác của Ngọc Tiêu Tiên Tử lòng nghĩ thầm :

– “Nhất định hắn đến đây không phải vì thủ hằn rồi. Nhưng thâm tâm của hắn trong phút chốc cũng khó mà hiểu ra lý do”.

Bà liền quay lại, phất áo một cái, các đệ tử đứng xung quanh đều tra
kiếm vào lưng, lần lượt lui hết. Trong sân viện chỉ còn có Ngọc Chánh Tử và Huyền Thanh đạo trưởng đang đối diện với Ngọc Tiêu Tiên Tử mà thôi.

Ngọc Chánh Tử cũng tra kiếm vào bao, bước đến gần Ngọc Tiêu Tiên Tử, nói :

– Được khách quý đến thăm. Tam Nguyên cung thật hân hạnh. Lúc nãy bần
đạo đã lầm lỗi, xin cô nương hỉ xá cho. Đêm khuya sương nhiều, xin mời
cô nương vào sảnh đường để chúng tôi được dịp tiếp đãi.

Ngọc Tiêu Tiên Tử đáp lễ nói :

– Đêm khuya mà tôi đột nhập vào đây làm rộn quý đạo trưởng, lòng thấy chẳng đẹp, đâu còn dám làm khách, để phiền cho hai vị.

Ngọc Chánh Tử cười lớn nói :

– Bần đạo nghe danh cô nương nương đã lâu, lòng ngưỡng mộ được dịp hội
kiến. Đêm nay may mắn thế này, thật trời dung rủi, xin cô nương chớ phụ
lòng kẻ mong đợi.

Dứt lời, Ngọc Chánh Tử chắp tay xá một cái. Ngọc Tiêu Tiên Tử thấy Ngọc Chánh Tử đã thật tâm, liền theo chân vào đại sảnh.

Huyền Thanh đạo trưởng đi sau cùng, lòng nghi hoặc, không rõ nữ ma đầu
này mấy mươi năm ngang dọc giang hồ, không kính nể một ai, nay bỗng
nhiên đổi thái độ, mà lại đến đây tìm Quân Vũ.

Quanh qua hòn giả sơn, một con đường hai bên cây trúc lưa thưa dẫn thẳng đến một căn phòng lớn có treo bức màn vải vàng sẩm. Ngọc Chánh Tử vén
bức màn, nhường chân cho Ngọc Tiêu Tiên Tử vào và Huyền Thanh đạo trưởng vào trước.

Ngôi phòng này chính là nơi Ngọc Chánh Tử ở. Giữa phòng có một bệ gỗ,
ghế tre lau chùi bóng nhoáng. Một ngọn đèn dầu tùng tỏa ánh sáng lung
linh.

Ngọc Chánh Tử mời Ngọc Tiêu Tiên Tử ngồi vào bệ gỗ với Huyền Thanh đạo trưởng còn bà thì kéo ghế ngồi một bên.

Từ dưới nhà có một tiểu đạo cô bưng một mâm trà lên, mặt tươi cười, dâng lên cho Ngọc Tiêu Tiên Tử một chung trà, rồi mới dâng cho sư phụ và sư
bá hai chung sau, theo lễ chủ khách. Xong, tiểu đạo cô lại buông thẳng
hai tay đứng hầu một bên.

Vừa nhắp xong trà, Huyền Thanh đã cất tiếng, hỏi :

– Cô nương đến đây có phải chỉ một việc tìm tên tiểu đồ Quân Vũ chăng?

Ngọc Tiêu Tiên Tử bỗng lấy tấm lụa đen che mặt, gục đầu nói :

– Đúng thế! Tôi đến đây chỉ muốn gặp Quân Vũ nói vài lời mà thôi.

Ngọc Chánh Tử và Huyền Thanh đạo trưởng thấy Ngọc Tiêu Tiên Tử lấy khăn
che mặt, cả hai đều rởn ốc. Họ không ngờ Ngọc Tiêu Tiên Tử nức tiếng
giang hồ là nữ ma đầu mà lại có một sắc đẹp kỳ diệu đến thế.

Đôi mắt nàng như mặt nước hồ thu, làn da như tuyết, khuôn mặt mỹ miều mà đã mấy mươi năm không một kẻ nào được thấy mặt, mặc dầu ai cũng biết
tiếng khủng khiếp uy vũ của nàng.

Thật vậy, đã mấy mươi năm chỉ nghe Ngọc Tiêu Tiên Tử, còn như nàng hình
dáng thế nào không một ai trông thấy, vì lúc nào nàng cũng mang vuông
lụa che mặt.

Ngọc Tiêu Tiên Tử thấy hai người ngơ ngác nhìn nàng, mỉm cười nói :

– Tôi có gặp Quân Vũ trên Kỳ Liên sơn. Lúc đó Quân Vũ bị bệnh, tôi vì có cảm tình nên mạo hiểm đến Đại Giác tự, hái trộm một trái Tuyết Sâm để
chữa bệnh cho Quân Vũ…

Nói đến đây, nữ ma đầu nổi tiếng ác nghiệt đó bỗng nhiên có một nét mặt
dịu hiền của khách khuê môn. Đôi má nàng ửng hồng và thẹn thùng cúi mặt
xuống, thở một hơi dài.

Huyền Thanh đạo trưởng và Ngọc Chánh Tử đều kinh sợ, liếc nhìn nhau biến sắc.

Huyền Thanh đạo trưởng nói :

– Nhờ ơn Tiên tử ra tay cứu đứa nghiệt đồ, bần đạo rất cảm kích, chờ khi Quân Vũ về núi, bần đạo sẽ dẫn nó đến yết kiến Tiên tử để cảm tạ.

Ngọc Tiêu Tiên Tử bỗng ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng quắt, nhìn chòng chọc vào mặt Huyền Thanh đạo trưởng, hỏi :

– Thật thế sao? Quân Vũ chưa về đây ư?

Dứt lời, Ngọc Tiêu Tiên Tử vụt đứng đậy, vẻ mặt đổi khác, hình như chứa đầy nét giận dữ.

Huyền Thanh đạo trưởng thấy thế vội vận nội lực đề phòng, vì sợ nàng đánh bất thình lình.

Nhưng chỉ chốc lát, nét giận dữ trên mặt Ngọc Tiêu Tiên Tử biến dần, thay vào đó cái gì u buồn sầu khổ.

Nàng từ từ ngồi xuống, buông tiếng thở dài, nhìn Huyền Thanh đạo trưởng hỏi :

– Thật tình Quân Vũ chưa về, hay chàng không muốn gặp tôi? Trước khi đến đây tôi có ghé Kỳ Liên sơn một lần nữa, nhưng không tìm thấy chàng đâu
cả.

Hyền Thanh đạo trưởng cố giữ nét bình tĩnh nói :

– Mã Quân Vũ là môn hạ của bần đạo, nếu có phạm lỗi nào, dẫu Tiên tử có
bỏ qua, thì quy luật của phái Côn Luân chúng tôi cũng không thể nào dung thứ được.

Ngọc Tiêu Tiên Tử lắc đầu lia lịa nói :

– Quân Vũ không có lỗi gì cả, xin đạo trưởng chớ phỏng đoán như thế.

Dưới ánh đèn dầu, hai tròng mắt trắng của Ngọc Tiêu Tiên Tử như long lanh rướm lệ.

Ngọc Chánh Tử đã rõ lòng nàng, mỉm cười, nói :

– Đại sư huynh tôi không bao giờ chịu nói sai lời. Quân Vũ quả chưa về
đến Tam Nguyên cung. Nếu Tiên tử không tin thì xin tự ý đi tìm rồi sẽ
rõ.

Ngọc Tiêu Tiên Tử chầm chậm đứng dậy, rời khỏi sập gỗ nói :

– Dẫu Quân Vũ ở nơi nào, tôi cũng phải tìm cho gặp mặt. Nếu chàng ta còn sống thì tôi phải nhìn mặt chàng. Nếu chàng đã chết thì tôi phải nhìn
thấy tận mặt của chàng.

Dứt lời, Ngọc Tiêu Tiên Tử rời khỏi phòng. Ngọc Chánh Tử bước theo sau lưng nàng, nói :

– Khó có dịp được quí khách đến thăm, xin Tiên tử lưu gót lại nơi đây vài hôm được chăng?

Ngọc Tiêu Tiên Tử quay đầu lại, cười nhạt nói :

– Có lẽ nơi đây là chỗ tôi sẽ thường đến.

Ngọc Chánh Tử nghe câu nói ấy bỗng tái mặt, bà chưa kịp nói lời nào thì
Ngọc Tiêu Tiên Tử đã lắc mình một cái biến mất trong màn đêm.

Ngọc Chánh Tử quay lại nhìn Huyền Thanh đạo trưởng nói :

– Đại sư huynh! Đại sư huynh thu nhận đứa đồ đệ ấy thật tai hại không
ít. Không biết sau này hắn sẽ gây cho Đại sư huynh bao nhiêu điều rắc
rối to lớn nữa.

Huyền Thanh đạo trưởng nét mặt nặng nề, mỉm cười trong đau khổ, nói :

– Huynh vẫn tin Quân Vũ không phải là đứa hư hèn. Lòng trung hậu và tài đức của hắn không đến nỗi…

Ngọc Chánh Tử “hừ” một tiếng, nói :

– Muội đâu có bảo hắn hư? Hắn tốt, nhưng chính cái tốt ấy mới gây rắc
rối cho Đại sư huynh đấy. Trong đời, xấu quá cũng bậy, mà tốt quá cũng
bậy! Ngày sau, nếu hắn có cái gì lỗi đạo với Thanh Loan thì muội quyết
tìm Đại sư huynh mà trách cứ đấy.

Huyền Thanh đạo trưởng lắc đầu, thở dài, từ từ đứng dậy nói :

– Đêm khuya rồi, sư muội cũng nên đi nghỉ. Có chuyện gì ngày mai chúng ta sẽ bàn.

Ngọc Chánh Tử bước ra cửa nhìn trời, rồi tươi cười nói :

– Chưa đến canh ba, cũng chưa khuya lắm! Đêm nay nữ ma đầu đến đây quấy
rối, đã mất ngủ thì ngủ lại sao được. Sư huynh cùng tôi thử bày một cuộc cờ chơi, có được chăng?

Huyền Thanh đạo trưởng từ khi về đến Tam Nguyên cung, cố tránh gặp mặt
Ngọc Chánh Tử, vì ông ta sợ làm phật lòng vị sư đệ Chưởng môn. Đêm nay
nhân việc này, Ngọc Chánh Tử rủ ông chơi cờ, từ chối cũng khó, mà thuận
tình cũng chẳng được. Ông còn đang do dự thì bỗng nghe từ xa đưa lại
giọng tiêu buồn.

Giọng tiêu tuy không nhỏ nhưng như hờn giận, oán than, làm cho người nghe phải não ruột.

Ngọc Chánh Tử nghe tiếng tiêu ấy có cảm giác còn não nề hơn tiếng khóc
đêm khuya của những thiếu phụ chết chồng. Tiếng buồn như khúc đoạn
trường thân khuê, hồn tiêu tan họp, bất giác bà thở dài rơi lệ. Bà quay
lại nhìn Lâm Ngọc Bích đang đứng hầu bên cạnh thì nàng cũng đang khóc nỉ non.

Chỉ có Huyền Thanh đạo trưởng không bị rơi lệ nhưng nét mặt không tránh khỏi bi ai.

May mà tiếng tiêu xa dần rồi im bặt, mọi người mới lấy lại được nguyên trạng của tâm hồn.

Ngọc Chánh Tử thở dài nói :

– Trong giang hồ đồn rằng Ngọc Tiêu Tiên Tử thổi tiêu đến nỗi xuất thần nhập hóa.

Đêm nay muội mới biết quả thật không sai. Muội không thể nào tự chủ nổi trước giọng tiêu não nùng uyển chuyển ấy.

Huyền Thanh đạo trưởng vẫn với vẻ mặt nghiêm trọng, nhìn Ngọc Chánh Tử nói :

– Nếu nghe kỹ, thiì tiếng tiêu của nàng vừa thổi đó không phải là một
bài hát, một đoạn ca, mà chính nàng đã thố lộ mối u hoài trong tâm khảm. Cứ lấy theo tiếng tiêu mà suy thì Ngọc Tiêu Tiên Tử hình như có một tâm tư cùng Mã Quân Vũ mà chưa được bộc lộ.

Ngọc Chánh Tử đôi mặt lóe hào quang, nhìn thẳng vào mặt Huyền Thanh đạo trưởng một lúc rồi nói :

– Đại sư huynh bảo Quân Vũ là người lương tâm thuần hậu, bản chất trung
thành, lời nói ấy e không đúng. Bạch Vân Phi đẹp tợ hằng nga, Ngọc Tiêu
Tiên Tử nức tiếng giang hồ, dung nhan không kém diễm lệ. Hai người này
không phải là hạng tầm thường trong võ lâm, không lý họ cam tâm nhường
lại tình yêu cho kẻ khác để chịu chết như một kiếp tầm vương tơ sao?

Ngừng một lúc, Ngọc Chánh Tử lại thở dài nói tiếp :

– Đại sư huynh đưa Loan nhi vào làm đệ tử của muội, bổn phận của muội là sư phụ tất phải lo cho nó. Loan nhi tánh nết thật thà, thuần khiết, xem Quân Vũ như một kẻ chung tình, xa cách một vài ngày cũng đã nhớ nhung
rồi. Mấy ngày nay Quân Vũ không về, nó nhớ nhung đến biếng ăn biếng nói. Muội không muốn đứa đồ đệ đó sau này phải mang lấy mối tình sầu…

Nói đến đây, nét mặt Ngọc Chánh Tử như giận dữ, giọng nói trở nên đay nghiến lạnh lùng.

Lâm Ngọc Bích xen vào :

– Mấy hôm nay Loan muội thường nói với con rằng Bạch Vân Phi có con hạc
trắng, cỡi đi rất nhanh. Nếu Quân Vũ chậm trễ không trở về tức là Quân
Vũ không còn tưởng nhớ đến Loan muội nữa rồi.

Câu nói của Lâm Ngọc Bích chẳng khác nào lửa cháy chế thêm dầu.

Ngọc Chánh Tử trừng mắt, quét qua quét lại sáng quắt, rồi nhìn sững vào Huyền Thanh đạo trưởng, hỏi :

– Nếu đệ tử của đại sư huynh đổi lòng, xử bạc với Thanh Loan, gây cho
Thanh Loan một thiên tình hận, làm hại đứa đệ tử chân thành của muội thì sư huynh xử trị hắn bằng cách nào Huyền Thanh đạo trưởng mỉm cười đau
đớn, đáp :

– Huynh đã rèn luyện hắn trên mười hai năm rồi, theo huynh xét thì tánh
tình của hắn không phải đứa vô tình bạc nghĩa đâu. Có lẽ trên đường đi
gặp nhiều rắc rối. Đợi hắn về, huynh sẽ truy vấn rõ ràng. Nếu quả hắn là đứa phản sư, bội nghĩa thì nhất định huynh chẳng dung.

Ngọc Chánh Tử với giọng gay gắt :

– Sư huynh còn tin rằng hắn còn trở về đây sao. Loan nhi đã nới với Ngọc Bích như thế thì quả không sai. Nếu hắn muốn về thì đã về từ sớm.

Huyền Thanh đạo trưởng thầm tính lộ trình của Quân Vũ thì thấy dẫu Quân
vũ không nhờ con bạch hạc của Bạch Vân Phi thì cũng đã về đến Tam Nguyên cung từ lâu mới phải.

Thời gian hơn nửa năm đâu phải là ít. Quân Vũ không về thật đáng khả nghi.

Nghĩ đến đây, Huyền Thanh đạo trưởng không biết phải biện luận làm sao, ngơ ngác nói :

– Lạ thật! Hay có điều gì bất ngờ đến với hắn mà chúng ta không biết?

Ngọc Chánh Tử nói :

– Ngoài việc phản sư bội nghĩa, muội không còn thấy có việc gì đáng nói. Nếu sư huynh không lấy quyền sư phụ trừng trị một đồ đệ thì muội cũng
xin phép Chưởng môn dùng quy luật của môn phái mà xử sự với đứa môn đồ
đó…

Nói đến đây Ngọc Chánh Tử bỗng nhớ đến công ơn của Bạch Vân Phi chữa
bệnh cho bà, lòng bà bỗng như cảm động, và hối hận trước cử chỉ gần như
vong ân đó. Bà từ từ bước vào phòng trong.

Huyền Thanh đạo trưởng đưa mắt nhìn theo bóng bà, lòng thấy bâng khuâng, lúc đầu thở dài, rồi cũng chậm rãi bước ra ngoài.

Lâm Ngọc Bích quỳ xuống thưa :

– Đệ tử Lâm Ngọc Bích xin bái tiễn sư bá.

Huyền Thanh đạo trưởng quay đầu lại nói nhỏ :

– Hôm nay tâm hồn sư phụ con không được vui, con phải cẩn thận hầu hạ nhé..

Lâm Ngọc Bích quỳ xuống nói :

– Tiểu đồ lúc nãy đã lở lời, làm cho sư phụ và sư bá giận, tiểu đồ hối hận quá.

Huyền Thanh đạo trưởng mỉm cười nói :

– Ta không trách chấp điều ấy. Con hãy đứng dậy.

Dứt lời, đạo trưởng theo con đường vòng của hòn giả sơn chầm chậm khuất bóng.

Nhắc lại, Tô Hùng lúc nãy theo sau Ngọc Tiêu Tiên Tử núp vào bóng tối
gần cửa phòng để?rình xem, mọi việc xảy ra trong phòng, chàng đều hiểu
rõ. Chàng từ muôn dặm đến Kim Đỉnh Phong chủ yếu là muốn tìm Lý Thanh
Loan và ám hại Côn Luân tam tử để rửa hận trong lúc gặp gỡ nơi Kỳ Liên
sơn.

Chàng biết Ngọc Tiêu Tiên Tử đến tìm Quân Vũ nhưng không hiểu lý do, vì
chỗ chàng ẩn núp khá xa chỗ Ngọc Tiêu Tiên Tử ngồi, nên cuộc đối thoại
giữa chủ và khách không nghe rõ được đầu đuôi.

Chẳng bao lâu, chàng thấy Ngọc Tiêu Tiên Tử bỏ đi ra, tiếp đó lại nghe
giọng tiêu não nùng trổi lên. Giọng tiêu đó đã lôi cuốn tất cả đệ tử
trong Côn Luân phải sững sờ, buồn khổ, không còn đủ sức cầm kiếm để canh gác nữa.

Tô Hùng cũng bị giọng tiêu ấy trấn áp tâm hồn. Cho nên đến lúc tiếng
tiêu ấy xa dần và im bặt chàng mới định thần, để ý dò xét trong đại
điện.

Bây giờ Ngọc Chánh Tử và Huyền Thanh đạo trưởng lại tranh luận với nhau làm cho Tô Hùng ngạc nhiên không ít.

Chàng đang nghe ngóng thì Ngọc Chánh Tử lại bỏ vào phòng, còn Huyền Thanh đạo trưởng thì buồn bã rời khỏi phòng cất bước ra đi.

Tô Hùng thấy trời đã quá khuya, mà bóng Thanh Loan vẫn vắng bặt. Tam
Nguyên cung bốn bề phòng ốc rất trang nghiêm, bọn đệ tử canh gác khắp
nơi. Nếu chàng đi lùng kiếm thì không khỏi làm kinh động, lộ tông tích
thì khó có thể ở đó dò xét được nữa. Một khi đối phương đã biết trước
được đề phòng thì chàng đâu còn nắm được thế chủ động?

Nghĩ như vậy, Tô Hùng quyết định tạm rời khỏi Tam Nguyên cung ẩn núp sau đỉnh Kim Phong để chờ cơ hội.

Kim Đỉnh Phong là một hòn núi cao và đẹp nhất trên Côn Luân sơn thuộc
miền Tây Vực. Nơi đây khí hậu không đến nỗi lạnh lắm, song cũng không
phải là dễ chịu, nhất là lúc trời khuya, sương tuyết dãi dầu, gió núi
thổi đến từng cơn như cắt ruột.

Tô Hùng lần ra khỏi viện, tìm một hẻm đá trong đỉnh Kim phong để ẩn thân. Cứ tối đến, chàng lại lần vào Tam Nguyên cung do thám.

Hơn mười mấy ngày liền như thế mà Tô Hùng vẫn không sao tìm thấy bóng Thanh Loan.

May nhờ Kim Đỉnh Phong có một diện tích khá rộng, hơn hai trăm mẫu, lại
có những hang đá rất rộng và có nhiều khóm tùng già u tịch nên Tô Hùng
nhờ đó mà ẩn núp không mấy vất vả.

Tuy nhiên, điều khó khăn là lương khô chàng mang theo rất ít, chỉ dùng
đủ trong năm ngày. Quá năm ngày là chàng phải tìm các thức ăn trong núi
để đỡ dạ.

Ban đầu chàng định bắt thú rừng ăn thịt nhưng thấy bất tiện vì ăn thịt
thú rừng phải dùng lửa mà thui, như vậy không làm so tránh khỏi bại lộ
hành tung. Chàng phải mò mẫm trong các kẹt đá hang sâu để hái trái cây
mà ăn.

Những ngày cực khổ ấy, tuy phải buồn bã lắm, nhưng cũng nhờ đó mà Tô
Hùng có thì giờ tìm ra bí quyết độc đáo trong Phất Huyệt Thác Cốt mà
trước kia chàng còn lúng túng, chưa tìm ra được.

Ban ngày chàng luyện võ, ban đêm chàng lẻn vào Tam Nguyên cung dọ thám.

Nhờ thân pháp tinh vi, võ công tiến bộ vượt mức, Tô Hùng đã tránh tất cả mọi sự phát giác của đệ tử Côn Luân sơn.

Nhưng điều mà chàng đau khổ nhất là tìm không thấy hình bóng Thanh Loan đâu cả.

Đến ngày thứ mười một thì trời bỗng đổi lạnh, tuyết bủa mịt mù, trong
hang đá ban đêm không chịu nổi, mặc dầu Tô Hùng đã phải vận nội công để
chống lại với khí trời, nhưng vì chàng liên tiếp mấy ngày ăn trái cây để đỡ dạ, sức lực khá hao mòn. Chàng định ý rời khỏi Côn Luân sơn, đề tìm
cơ hội khác sẽ đến nữa.

Nhưng trước khi đi, chàng không muốn để lại một dấu vết gì khả nghi, mà
các đệ tử Côn Luân sơn có thể tìm ra được, nên chàng thận trọng tìm các
dấu chân in trên tuyết xóa hết, và thu dọn tất cả những gì chàng đã bày
ra.

May thay, tuyết rơi chỉ có hai đêm. Đến đêm thứ mười ba thì trời quang
mây tạnh, vừng trăng vành vạnh tỏa ánh sáng dịu hiền làm sáng rõ ngọn cỏ đồi cây.

Tô Hùng trèo lên một ngọn tùng cao, đưa mắt nhìn quanh bốn phía, ý định
mạo hiểm vào Tam Nguyên cung một lần chót nữa rồi sẽ ra đi.

Nhưng chàng vừa đưa mắt nhìn về phía Tam Nguyên cung, bỗng thấy có hai
bóng đen từ từ hiện ra, chập chùng bước thấp bước cao phi thân về phía
chàng.

Thân pháp hai người này cũng rất nhanh lẹ, nhưng Tô Hùng thấy họ chưa
bằng mình nên đoán chắc hai người đó không phải là Côn Luân tam tử.

Chàng mỉm cười thầm bảo :

– “Ta đang muốn dò xét lần cuối cùng thì các ngươi lại đến đây thật may mắn”.

Tô Hùng yên lặng, ngồi trên đọt cây không dám động đậy. Hai bóng người phi thân đến dưới gốc cây thì dừng lại.

Tô Hùng nhìn thấy cả hai đều mặc đạo bào, lưng đeo trường kiếm biết ngay đó là đồ đệ của Côn Luân đang đi tuần.

Chàng đứng bên hữu vóc người hơi nhỏ, mỉm miệng cười nói với người kia :

– Này! Đệ tứ sư huynh! Tứ sư huynh có trông thấy Tam sư thúc vừa thu nhận một nữ đồ đó không?

Chàng đứng bên trái vóc người cao lớn, lắc đầu nói với giọng trầm hùng :

– Huynh có nghe nói cô đệ tử đó đẹp như tiên, nhưng rất tiếc huynh chưa có dịp gặp gỡ.

Chàng lùn nhỏ than :

– Đệ có gặp qua cô ta hai lần, quả thật là một đóa hoa biết nói, trong đời khó còn kẻ nào đẹp bằng.

Chàng cao lớn cười ha hả nói :

– Thế thì hay lắm! Trong môn đệ Côn Luân chúng ta lại thêm một nguồn vui chớ sao?

Chàng lùn nhỏ lắc đầu :

– Cũng vui mà cũng buồn! Vì hiện nay nếp sống trong Côn Luân bị xáo trộn, mà chẳng biết kết cuộc sẽ đi về đâu.

Chàng cao lớn trố mắt hỏi :

– Do đâu có chuyện đó?

Chàng lùn thấp nhỏ nói :.

– Trước đây trong số môn đệ phái Côn Luân chúng ta kể về nữ giới có Lâm
sư tỉ võ công giỏi hơn cả, mà sắc đẹp cũng tuyệt trần, còn về nam giới
có Đại sư huynh chúng ta là đẹp trai nhất, mà võ công cũng giỏi nhất.
Nhưng từ khi Tam sư thúc thu thận một nữ đồ đệ mới, Đại sư bá dẫn một
nam đệ tử trở vê đây thì tình hình trong môn đệ chúng ta thay đổi hẳn.
Tam sư thúc yêu mến người đồ đệ mới vô cùng, còn người đệ tử của đại sư
bá thì lại đẹp trai quá sức, mà võ công còn giỏi hơn đại sư huynh chúng
mình gấp bội. Như vậy, địa vị của Lâm sư tỉ và đại sư huynh của chúng ta ra sao khi trong sư môn có thêm hai người mới đó.

Chàng cao lớn ngạc nhiên hỏi :

– Sao! Hai người mới đến đó đã làm thay đổi địa vị của đại sư huynh và Lâm sư tỉ của chúng ta rồi sao?

Người lùn nhỏ gật đầu nói :

– Cách đây một tháng, ba vị sư trưởng chúng ta có họp mặt tại đơn thất.
Ngày đó nhằm phiên gác của đệ nên đệ rình nghe được nội dung cuộc bàn
cải của ba vị sư trưởng. Lúc đó, đệ tuy nghe được nhưng không hiểu, bây
giờ nghĩ ra đệ mới hoàn toàn minh bạch.

Chàng cao lớn nóng lòng hỏi vội :

– Sao? Câu chuyện bàn bạc của ba vị sư trưởng mục đích ra sao, nói mau!

Chàng lùn nhỏ thở dài đáp :

– Đệ tứ sư huynh! Chắc sư huynh đã rõ biết câu chuyện trước đây rồi chứ! Trong Côn Luân tam tử đáng lẽ chức Chưởng môn phải là sư bá chấp
chưởng, nhưng vị sư bá tánh ưa phiêu du nên mấy mươi năm về trước bỏ Tam Nguyên cung ra đi, để lại một phong thư, nhường chức Chưởng môn cho sư
phụ. Do đó, sư phụ chúng ta làm Chưởng môn. Bây giờ sư bá lại trở về Tam Nguyên cung, mà sư bá lại có một đồ đệ xuất chúng. Như thế trở thành
một vấn đề rắc rối. Trước kia chức Chưởng môn thừa kế sau này coi như đã vào tay đại sư huynh của chúng ta, nay lại có thể về tay người đồ đệ
của sư bá rồi.

Chàng cao lớn quắt mắt nói :

– Trong chín huynh đệ ta, môn hạ của sư phụ, chỉ có đại sư huynh là tài
cao trí rộng, khó ai bì kịp. Lâu nay địa vị của đại sư huynh đã có sẵn,
dẫu người đệ tử của sư bá có đến đây thì làm sao bì kịp lại sư huynh?

Chàng lùn nhỏ ngắt lời, cãi lại :

– Chuyện này sư bá hình như đã quyết định trước, nên đem Truy Vân thập
nhị kiếm dạy cho đệ tử của sư bá rồi. Cái đó mới là tai hại chứ.

Chàng cao lớn trợn mắt nói :

– Sao? Người đệ tử của sư bá đã được truyền dạy Truy Vân thập nhị kiếm
rồi sao? Theo qui luật của phái Côn Luân ta, kẻ nào sau này được chọn
lựa chức Chưởng môn rồi truyền dạy môn tuyệt chiêu ấy kia mà! Sư bá đã
tự ý truyền dạy như vậy tức là đã phạm quy luật trong môn phái sao?

Chàng lùn nhỏ nói :

– Đúng vậy!

Chàng cao lớn nói :

– Nhưng thái độ sư phụ và Tam sư thúc chúng ta đối với việc này ra sao?

Chàng lùn thở dài nói :

– Sư thúc thì không có ý kiến! Khổ là Tam sư thúc tán đồng hành động của sư bá, cho là người đệ tử của sư bá có đủ tài đức sau này làm vang danh cho phái Côn Luân. Vì vậy, ba vị sư trưởng coi như đã mặc nhiên lựa
chọn người thừa kế Chưởng môn rồi!

Chàng cao lớn thở dài nói :

– Việc này đệ đã nói cho đại huynh của chúng ta biết chưa?

Chàng lùn nhỏ đáp :

– Đệ nói qua rồi!

– Thế thì đại sư huynh nói sao?

– Đại huynh đối với việc này hình như không quan tâm lắm. Đại sư huynh chỉ cười nhạt, không tỏ thái độ ra sao cả.

Chàng cao lớn nắm tay chàng lùn nhỏ, nói khẽ :

– Cửu đệ? Việc này cửu đệ phải thận trọng chớ nên nói với ai cả. Rủi ro
các sư trưởng hay được thì cửu đệ bị tội với sư môn không nhỏ.

Vừa nói đến đấy thì từ Tam Nguyên cung một bóng người phi thân đến nhanh như điện chớp. Chỉ loáng mắt bóng người đã đến gần.

Chàng cao lớn cất tiếng hỏi :

– Ai đó! Có việc gì lại ra đi trong đêm khuya?

Bóng người mới nhoẻn miệng cười đáp :

– Ta đến sau núi thăm Lý sư muội.

Chàng lùn nhỏ cười ha hả, nói :

– A! Té ra Lâm sư tỉ, tha cho tiểu đệ tội hỏi han vô lễ vừa rồi nhé! Lý
sư muội có phải là người đệ tử mới nhập môn của Tam sư thúc không?

Lâm Ngọc Bích gật đầu đáp :

– Đúng vậy!

Nàng vừa đáp vừa phi thân về phía trước, chạy biến ra sau núi.

Hai chàng đạo nhân đệ tử cũng dắt tay nhau đi về hướng Đông để lo việc canh tuần.

Tô Hùng ngồi trên đọt cây gần đó, chẳng những đã nghe được bao nhiêu bí
mật của phái Côn Luân, còn rõ được nơi trú ngụ của Thanh Loan nên lập
tức nhảy vút xuống như một vệt khói đuổi theo Lâm Ngọc Bích.

Phía sau Kim Đỉnh Phong là một trủng sâu, một đường đi ngoằn ngoèo dưới
chân núi âm u, ban đêm không thể nào phân biệt được cảnh vật. Nếu không
có Lâm Ngọc Bích dẫn đường, Tô Hùng dẫu có gan dạ đến đâu cũng không dám mò mẫm đi về phía đó.

Sau khi xuống đến chân núi, con đường rẽ sang một lối hẹp, hai bên vách
núi đứng sừng sững chỉ chừa lại một lối đi chừng năm thước. Ánh trăng vì bị khuất vào tường đá, nên không thấy trên đường hang này nguy hiểm ra
sao.

Thế mà Lâm Ngọc Bích vì đã quen thuộc nên bước đi thoăn thoắt.

Tô Hùng không muốn để lộ tông tích nên không muốn đi gần Lâm Ngọc Bích lắm.

May thay, con đường hẹp này chỉ độ nửa dặm. Qua khỏi đường hẹp thì đến
một khoảng trống bốn bề núi non bao phủ. Dọc đường có trồng đủ thứ bông
hoa, mùi thơm tỏa ngào ngạt, khiến Tô Hùng khoan khoái lạ lùng.

Mặt trăng tỏa ánh sáng nhuộm màu vàng các khóm mai. Cảnh vật vô cùng ngoạn mục.

Nhưng Tô Hùng lúc này đâu có tâm hồn thi vị mà ngắm cảnh xem hoa. Chàng
nóng lòng đuổi theo Lâm Ngọc Bích để tìm bóng hình trong lý tưởng.

Lâm Ngọc Bích theo con đường nhỏ vượt khỏi rừng mai thì đến một hàng trúc xanh.

Gió rừng vi vút. Trong hàng trúc, thấp thoáng ba căn nhà lá. Bên trong đèn sáng rực, chứng tỏ người ở trong nhà vẫn chưa ngủ.

Nhờ rừng mai hơi rậm rạp, nên Tô Hùng lén lút theo Lâm Ngọc Bích cách có ba trượng mà nàng vẫn không hay biết. Hơn nữa, Lâm Ngọc Bích lúc này
cũng đang mong mỏi gặp bạn thì đâu còn để ý làm gì mọi vật chung quanh.
Nàng rẽ vào một khóm trúc, ẩn hiện trước một mái hiên, rồi xô cửa tiến
vào một căn nhà tranh có ánh đèn sáng rực.

Tô Hùng nghĩ thầm :

– “Phong cảnh nơi đây có một vẻ đẹp trang nhã, nhưng nếu để Thanh Loan
một mình ở đây thì lạnh lẽo quá! Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Lòng Tô Hùng bỗng gợn lên một nguồn rung cảm, và hình bóng Thanh Loan trước đây như nổi dậy chiếm cả tâm tư của chàng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.