Thúc Bảo theo bực đá thấp cao, dắt ngựa lên đỉnh núi, vào đền, thấy
tường xiêu, mái sụp hương khói vắng tanh. Cảm động, Thúc Bảo đặt gói
hành lý một bên, sụp lạy.
Rồi đứng lên nhìn qua bức rèm cũ nát: Pho tượng Ngũ Tử Tư lẫm liêt như
đang sống, một đao một ngựa phá thành Ngô. Tự nhiên, Bảo thấy cơn gió
lạnh ùa vào rồi mệt mỏi lạ thường, bèn ngồi xuống tựa vào bệ tường ngủ
lúc nào không biết.
Đây thuật tiếp chuyện Lý Uyên từ hôm ra đi nay đã năm ngày giờ đã tới
Lâm Đồng sơn, thấy vợ con mỏi mệt, Uyên bảo mọi người dừng lại nghỉ ven
chân núi.
Vừa toan giở lương khô ra ăn, bỗng nghe tiếng hò reo ở phía trước, ở sau lưng. Rồi một bọn cường đạo bôi nhọ mặt, kẻ cầm đao kẻ cầm mác xông ra. Lý Uyên vớ thanh đại đao bảo Lý Đạo Tôn và con là Kiến Thành đứng bảo
vệ gia quyến rồi quát lớn :
– Chúng bây không biết họ Lý ở Lũng Tây à? Sao dám ngăn cản đương đi.
Quát xong, giặc ở khe núi lại kéo thêm ra vây kín cả hai đầu. Uyên cả
giận múa đao cùng với bọn gia tướng chém giết quân giặc cỏ. Chúng bị tử
thương nằm ngổn ngang nhưng không chịu chạy.
Trong khe núi Tấn vương và cha con Võ Văn Thuật thấy Uyên khỏe như hùm, khiến quân sĩ của mình kinh sợ chẳng dám đến gần.
Tấn vương nghĩ rằng đã cưỡi hổ không thể xuống bèn lấy tấm lụa xanh trùm lên đầu lại cắt râu đi, bôi bùn vào mặt cầm đao xông ra đáng Lý Uyên.
Thấy vậy cha con Văn Thuật cũng bôi nho mặt, từ phía sau ập tới, vây gia quyến Lý Uyên vô cùng nguy cấp.
Giữa khi đó, Tần Thúc Bảo đang ngồi trong miếu ngủ, chợt mơ màng thấy
hiện ra một con rồng vàng đang giãy giụa, lượn đi lượn lại như có sự gì
nguy biến. Và ở phương đông, mây đỏ như máu, có một loài hình thù hung
dữ gớm ghê gầm gừ cố nuốt xé rồng vàng. Rồng chống cự, sau lâu dần đuối
sức.
Đang lúc ấy có tiếng người gọi văng vẳng bên tai Thúc Bảo :
– Không đi cứu giá, còn đợi gì nữa đó, Tần Quỳnh?
Bảo ngẩng lên thấy ông nội lờ mờ trong sương khói. Đoạn một con kỳ lân
phục ở bên mình, đuôi ve vẩy. Thúc Bảo nhảy lên lưng kỳ lân cầm đồng
giản đánh quái vật kia.
Quái vật lăn ra chết, vây đỏ biến ra vàng lóng lánh. Rồng vàng lượn múa
trước mặt Thúc Bảo rồi biến vào trong mây. Thúc Bảo giật mình tỉnh dậy,
té ra giấc mộng.
Ngoài cửa đền, ngựa long câu rít lên ba tiếng vang rừng chuyển núi.
Thúc Bảo kinh lạ đứng lên ra vỗ vào đầu ngựa nói :
– Có việc gì mà ngươi gầm hí đó?
Long câu lại nhảy chồm lên, Bảo nói :
– Nếu có triệu chứng khác thường, ngươi gõ móng ba cái cho ta biết.
Long câu co chân gõ liền ba cái, rồi lại chồm lên, Thúc Bảo nhảy phăng lên yên nói?
– Nếu vậy ngươi cứ đem ta đi xem nào!
Tức thì tuấn mã lao xuống núi như bay. Thúc Bảo bám chặt vào bờm ngựa,
hai vế kẹp chặt lấy bụng long câu, nghe tiếng gió vù vù bên tai như ban
nãy cưỡi kỳ lân đành ác thú, cứu rồng vàng trong mộng.
Xuống hết núi, thấy bụi cát bay mù, quân reo vang động. Thúc Bảo dừng
ngựa thấy hai ba tướng kẻ thì trùm lụa xanh kín mặt kẻ thì bôi mặt mũi
nhọ nhem, rõ là bọn Đại vương với lâu la, đang vây đánh một người mắt
sáng, râu ba chòm, tướng mạo đường đường, bên cạnh lại có một vị phu
nhân một tiểu thư và mấy đứa trẻ con và hành lý.
Bảo nổi bất bình thét vang như sấm sét :
– Quân cường tặc không được hại người lương thiện, có ta đây!
Bọn Tấn vương, Văn Thuật đang vây khốn Lý Uyên, nghe tiếng quát vang
giật nảy mình nhìn lên, thấy có một người thì chúng không lo sợ nữa,
Thúc Bảo phi ngựa xuống múa đồng giản đánh chết một lúc sáu bảy tên lâu
la. Vòng vây rẽ ra, thiếu niên dũng tướng múa đồng giản lóe hào quang
đánh chết luồn hơn mười tên nữa. Tấn vương kinh sợ toan lùi chạy. Thúc
Bảo phóng đồng giản đánh tới suýt trúng đầu. Tấn vương số còn được sống
nên con ngựa chồm lên, mũi đồng giản chỉ đánh trúng vai, khiến Tấn vương kêu một tiếng mặt tái không còn hột máu phi ngựa chạy. Võ Văn Thuật
cũng chạy theo gìn giữ Tấn vương. Lũ quân ôm đầu xô nhau lủi vào rừng
núi.
Thúc Bảo cúi xuống nhấc bổng một tên lên yên ngựa gõ thanh giản vào đầu quát :
– Chúng mày là giặc xứ nào, dám ra đây ăn cướp?
Tên ấy run sợ nới :
– Đông Cung thái tử mới được dựng lên vốn có hiềm thù cũ với Đường công
Lý Uyên cho nên giả làm quân lạc thảo chặn đường giết chết Lý Uyên đi.
Ngươi vừa mới bị đánh trúng vai chính là Đông Cung thái tử tức Tấn vương trước đó!
Thúc Bảo toát mồ hôi ném tên ấy xuống đất cho chạy trốn. Bảo nghĩ :
– Đông Cung thái tử hiềm ghét Đường công Lý Uyên, có can chi đến ta mà
ta đã đánh Đông Cung bị trọng thương. Ta phải trốn đi kẻo tai vạ lớn.
Đoạn phi ngựa chạy như bay. Lý Uyên cũng phóng ngựa đuổi theo để tạ ơn
cứu nạn. Thúc Bảo cứ phi ngựa như bay, Uyên cố theo nói to lên rằng :
– Tráng sĩ hãy đứng lại cho tôi được vái chào.
Bảo không ngoảnh lại. Uyên càng gọi lớn. Chừng hơn mười dặm, Bảo thấy Uyên cố công theo kỳ được, bèn ngoảnh lại nói :
– Tôi là Tần Quỳnh đây, xin để tôi đi có việc cần, đừng đuổi nữa.
Rồi lại thúc ngụa đi như gió qua bao nhiêu rừng núi.
Uyên thấy ngựa mệt mỏi, đành quay lại, bên tai còn văng vẳng cái tên Tần Quỳnh.
Đang đi, lại thấy một kỵ sĩ phi ngựa tới. Uyên kinh ngạc tưởng là giặc
kia quay lại, bèn giương cung bắn. Người trên ngựa ngã nhào xuống đất.
Lại thấy một toán quân kéo đến bụi bay mù, nhìn gần té ra bọn gia tướng
của mình.
Uyên nói với Đạo Tôn :
– Nhờ có tráng sĩ đó giải nguy, cả nhà ta mới vẹn toàn. Ơn đó ta phải ghi lòng khắc cốt.
Chợt có kẻ nông phu ở trong thôn trang ra khóc nói :
– Gia chủ tôi có tội gì mà ông bắn chết thế kia?
Lý Uyên nói :
– Nào ta có bắn chết ai đâu?
Bọn nông phu chỉ tay vào bãi cỏ :
– Mũi tên ông vừa trúng vào cổ họng gia chủ tôi vừa đi mua hàng cưỡi ngựa đến đây. Sao ông còn cãi!?
Uyên sực nhớ là khi nãy mình vừa bắn một mũi tên, vì nghi kẻ cưỡi ngựa là giặc, bèn nói :
– Ta ngộ quân cường đạo nên trót lỡ tay nay xin đưa trăm lạng bạc mà chôn cất. Chẳng hay gia chủ các ngươi tên họ là chi?
Chúng nói :
– Chủ nhân chúng tôi là Đơn Thông ở Lạc Châu đi Tràng An buôn hàng hóa
trở về bị ông bắn chết. Chúng tôi không cần lấy tiền bạc, mà chỉ cần đi
báo cho người chủ thứ hai nữa là ông Đơn Hùng Tín, ông ấy sẽ dùng vũ lực mà nói chuyện với các ông.
Rồi chúng quay đi mua quan tài mà khâm liệm cho kẻ chết. Lý Uyên lấy làm ăn năn lắm. Quay lại xe thấy vợ kêu đau bụng, tìm nhà trọ để ở thì
chung quanh chẳng thấy nhà ai, nhưng có một ngôi chùa ở bên đường.
Đến xin ngủ trọ, hòa thượng là Ngũ Không sai tiểu tăng ra mời đón vào, phương trượng đoạn sai bưng cơm chay khoản đãi.
Khi mọi người đã an nghỉ, Lý Uyên ngồi khêu bấc đèn đọc binh thư.
Bỗng thấy gió lộng ngoài sân trăng thơm ngào ngạt, lưng không tiếng nhạc héo hon theo khúc nghê thường tiên nữ, Uyên kinh ngạc, toan đứng dậy ra xem thì có tên hầu ra bẩm :
– Phu nhân ở trong ni phòng vừa sinh Thế tử.
Uyên mừng rỡ, trong lúc ấy tiếng nhạc nghê thường đã xa xa lặng ở trên không.
Trời sáng, Uyên xá các sư mà rằng :
– Tiện thê sinh nở làm uế tạp cửa từ bi thật là có tội, xin được phép
lưu lại vài ngày cho tiện thê cứng cáp rồi xỉn đi. Được vậy chúng tôi
mang ơn lắm.
Ngũ Không vui lòng ưng thuận.
Một buổi chiều, Lý Uyên buồn bã dạo quanh chùa thấy ngoài bình phong ở ngoài cổng có đôi câu đối. Uyên gật gù khẽ đọc :
“Bảo tháp lăng vân nhất nhật giang sơn vô biên thanh tĩnh.
Kim chung đại nguyệt thập phương giới hà đẳng du nhân”.
Dưới ký tên Phần Dương Sài Thiệu.
Uyên khen thơ hay chữ tốt, hỏi Ngu Không :
– Sài Thiệu là người thế nào?
Ngũ Không nói :
– Người ấy quê quán ở huyện Phần Dương, trọ học chùa này, hiện đang đọc sách dưới thư phòng.
Uyên có ý muốn gặp kẻ sĩ ấy, bèn bảo nhà sư đưa đi. Qua mấy hàng tùng
bách, Ngũ Không dẫn Uyên đến gõ cửa một căn nhà lợp cỏ rừng.
Nhà sư bảo kẻ sĩ :
– Đường công Lý Uyên muốn vào thăm ông.
– Không ngờ tôn giá đến để ra nghênh đón, xin tha tội cho kẻ hàn sĩ này.
Uyên vội vàng nâng Thiệu dậy, cùng ngồi trò chuyện. Uyên ngắm nhìn Thiệu lông mày chữ bát, mắt phượng xếch cong tiếng nói sang sảng thì mừng
lắm. Uyên hỏi biết Thiệu chưa vợ con, bèn nói :
– Tôi có đứa con gái, tuổi vừa hai chín, chưa kết duyên với ai, ý muốn dâng hiền sĩ, chẳng biết hiền sĩ có nhận cho không?
Thiệu sụp lạy mà rằng :
– Điện hạ đã không chê kẻ áo vải này, lại gả tiểu thư cho, tôi đâu dám từ chối.
Uyên rất hài lòng cáo biệt về chùa nói chuyện cho phu nhân nghe.
Rồi đó, nhờ hòa thượng Ngu Không làm chủ chứng kiến ngay cuộc hôn nhân
ấy. Ngày đi nhanh chóng nửa tháng sau phu nhân đã lành mạnh, Lý Uyên sửa soạn lên đường.
Sài Thiệu theo nhạc gia cùng đi Thái nguyên.
Kể lại Tần Thúc Bảo sợ Lý Uyên đuổi theo cứ ra roi cho ngựa chạy.
Chừng mười dặm ngoảnh lại không thấy ai theo sau lưng, xuống ngựa ngồi
ven rừng nghỉ một lát, rồi lại lên yên trở về quan ải thuật cho Phàn Hổ
nghe chuyện nằm mơ cứu rồng đánh thú đến chuyện cứu Đường công đuổi Tấn
vương.
Hôm sau, chia tay ở tửu điếm, mỗi người đeo hành lý dẫn tội nhân đi một ngả.
Thúc Bảo đi mấy ngày mới tới Lạc Châu, vào huyện trình công văn, giao tội nhân cho viên tiết cấp ngục. Tiết cấp nói :
– Hiện nay Sài đại nhân bận đi Thái Nguyên mừng Đường công Lý Uyên, phải chờ ngài về đã.
Thúc Bảo không biết làm sao, đành ra nhà trọ đợi. Chủ trọ là Vương Tiểu
Nhị mới dọn quán, dấn vốn ít, mà Thúc Bảo ăn khỏe, bốn năm bữa một ngày
lại còn bắt cung thóc cho con ngựa quý, thành ra có ít ngày Tiểu nhị đã
hết vốn. Tiểu nhị rụt rè mãi mới dám nói :
– Thưa ông, nhà cháu ít vốn, sợ không đủ rượu thịt ông xơi hàng bữa, xin cho vài mươi lạng để mua dần thịt béo rượu ngon quý khách dùng.
Bảo cười nói :
– Có thế mà không bảo ta, tưởng chi chứ vài chục lạng bạc đáng bao
nhiêu! Đoạn vào phòng mở hành lý, nhưng sực nhớ ra rằng lúc chia hành lý với Phàn Hổ, Bảo đã quên gói bạc của quan phủ đưa cho để ăn đường!
Sau tìm mãi, thấy mười lạng bạc cửa lão mẫu đưa cho để mua lụa Lạc Châu may áo, bèn đưa cho Tiểu nhị nói :
– Ta còn mười lạng, ngươi hãy giữ tạm ta sẽ có cách đưa thêm.
Ba ngày sau, Sái thứ sử trở về. Nha dịch kéo nhau ra đón tiếp. Thúc Bảo cũng chạy ra xin chữ phê vào hồi văn cho.
Thứ sử ngồi ngủ gật trên kiệu mặc kệ mọi người. Phu kiệu nói :
– Ai có việc cứ vào trong phủ.
Rồi chúng khiêng kiệu đi vun vút. Bảo giận lắm, nghĩ :
– Ta hết tiền ăn trọ nay phải chờ mấy ngày nữa hắn mới ra công đường thì chết đói.
Nghĩ rồi chạy theo níu kiệu để kêu. Bảo mạnh quá làm chiếc kiêu nghiêng
đi, suýt nữa khiến Sài thứ sử đang ngủ gật ngã nhào xuống đất.
Thứ sử cúi nhìn Bảo, quát lính trói đánh. Thúc Bảo biết lỗi chịu để đánh hai mươi roi. Sáng sau lại vào nha phủ lĩnh hồi văn.
Khi đó, Thúc Bảo xưng là đô đầu của Lưu tri phủ, Sài thứ sử với Lưu tri
phủ là bạn thân nên đổi giận làm vui nói mấy câu an ủi Thúc Bảo, phê
ngay hồi văn lại thưởng cho năm lạng bạc.
Thúc Bảo lạy tạ, nhận hồi văn, về quán trọ. Chủ quán là Vương Tiểu Nhị
thấy Thúc Bảo có tiền liền đòi nợ, Bảo ném ra cả năm lạng bạc, Tiểu nhị
không nghe nói :
– Ông ở nhà tôi cả người cả ngựa ăn như sấm sét, năm lạng không đủ tiền cỏ cho ngựa, nói chi rượu thịt. Xin cho năm lạng nữa.
Bảo nói :
– Ta có nhiều tiền gửi ở hành lý bạn ta là Phàn Hổ, hiện giải tù đi Lạc
Châu. Mai kia bạn ta rẽ qua đây để cùng ta về Tế Nam ta sẽ trả gấp đôi.
Tiểu nhị nghĩ thầm :
– Nếu để hắn chịu, lừa đêm khuya hắn cưỡi ngựa đi mất thì ta dại lắm, chỉ bằng ta phải dùng mẹo này mới được.
Bèn nói :
– Ông cứ ở đây đợi bạn ông. Bức hồi văn của ông có dấu quan thứ sử ông
bỏ túi e khi nằm ngồi nát mất, xin cứ đưa để tôi bỏ hòm cho sạch sẽ.
Thúc Bảo ngay thật đưa ngay hồi văn cho hắn. Nắm được rồi tiểu nhị không còn lo Thúc Bảo vỗ nợ mà chạy nữa.
Thế rồi ngày lại qua ngày, chờ mươi hôm chả thấy Phàn Hổ đến, mà nợ cơm, rượu, cỏ thì ngày nào tên tiểu nhị cũng nằng nặc đòi. Thúc Bảo khất,
hắn cho ăn cơm nguội, rau sống, mặc thây cả ngựa khiến tuấn mã kêu hí
suốt ngày đêm.
Bảo có ý buồn chán, ra đường đi tản bộ để ngóng Phàn Hổ tới. Đến tối mới về quán thấy một bọn sáu bảy kẻ đang ngồi giữa phòng mình uống rượu.
Bảo trừng mắt nhìn. Tiểu nhị nhăn nhở nói :
– Hàng nhà tôi bấy nay ế ẩm, nay có bọn khách thuê thấy buồng ông rộng
rãi nên muốn tạm thuê mấy bữa, ông có một mình nên tôi đã đem đồ hành lý xuống gian phòng nhỏ bên cạnh bếp, ông thứ lỗi cho nhà cháu kiếm ăn.
Thúc Bảo căm giận lắm, nhưng cũng đành chiu nhịn, xuống phòng dưới thấy
vách lủng, phên thưa, gió lạnh thổi vào hun hút. Bảo buồn bực, thở dài,
nhịn đói trèo lên chõng ngủ, chưa nhắm mắt, thấy một tên nhòm ngó. Bảo
tức quát :
– Đứa nào dọ thám thế. Ta gửi yên ngựa và hồi văn tay ngươi, còn nghi ngờ chi nữa, quân khốn nạn!
Người nhòm ngó ấy là Liễu thị vợ Vương chủ quán. Liễu thị ghé đầu bên cửa sổ, khẽ nói rằng :
– Chồng thiếp là kẻ ngu phu nói năng vô lê, xin ông tha tội chết cho.
Thiếp tôi dành dụm được ba trăm quan xin cúi dâng để chi dùng, nay nhân
có cơm rau, xin ông ăn cho khỏi mệt.
Nói rối đưa cơm và tiền qua lỗ vách, rồi nhẹ nhàng quay đi. Thúc Bảo rơm rớm nước mắt nhìn liễn cơm nguội nghĩ thầm :
– Bát cơm Siếu mẫu của Hàn Tín đất Hoài âm đây, mai sau ta có nên danh phận quyết về đây tìm ân nhân trả nghĩa.
Đoạn ăn hết liễn cơm, nằm xuống ngủ. Sáng dậy sớm lại ra đường chờ Phàn Hổ.
Nhưng càng mong càng thấy mất, Thúc Bảo sực nhớ là :
– Ta còn có đôi kim giản, chi bằng bán tạm đi lấy tiền trả hắn mà về quê nhà. Một mai có tiền ta lại đến chuộc, cũng chẳng can gì!
Rồi về xách đồng giản đi đến các phố đông quanh chợ, rao bán chẳng ai
mua. Có người mách đến một lão già chuyên nghề cầm cố, cho vay lãi cầm
tạm. Đến nơi lão nhìn qua đôi kim giản, cười nhạt nói :
– Thứ binh khí này ai dùng tới, chỉ có thể làm đồng nát.
Thúc Bảo biết hắn gièm để cầm rẻ, nhưng đang bí lối đành nói :
– Thì bán làm đồng nát vậy. Lão trả bao nhiêu?
Lão đáp :
– Năm lạng bạc.
Bảo thấy năm lạng cũng không đủ trả, bèn xách kim giản quay về quán. Tên Tiểu nhị thấy Thúc Bảo không bán được binh khí liền giở mặt hầm hầm,
một lúc rồi mới nói :
– Ông xem còn cái gì quý hơn thì bán đi trả cho tôi.
Tiểu nhi chỏ xuống chuồng ngựa nói :
– Cái của nợ kìa không bán cũng gầy ốm mà chết thôi, ông bán quách đi.
Thúc Bảo nói :
– Biết ai dùng mà bán?
Tiểu nhị nói :
– Đất Lạc Châu này người ta quen chơi ngựa, ông cứ cưỡi ra chợ tức khắc
có người mua, mà có ra phải từ đầu trống canh năm mới được vì mặt trời
mọc, chợ đã tan rồi.
Đêm ấy, Bảo lại thấy Liễu thị lén chồng đem cơm và rau xuống dâng mời.
Sáng hôm sau Bảo vào chuồng dắt ngựa ra. Long câu biết ý, nhìn chủ ứa
nước mắt, hí mấy tiếng nhỏ như khóc biệt ly. Thúc Bảo cũng không ngăn
nồi nước mắt khỏi tuôn rơi. Đoạn nhẩy lên yên đi lững thững ra phía chợ ở tây môn.
Phiên chợ lừa ngựa đang đông, khách mua toàn phường công tử vương tôn thấy chiếc ngựa gầy, cười khanh khách :
– Ngựa ốm kia chắc ngày đi ba dặm. Có lẽ hơn Xích Thố của Quan Vân
Trường đấy. Ta mà được nhà vua cho làm Đại nguyên soái thì quyết mua
ngựa ấy đi phá thành, chúng cười ồ lên. Thúc Bảo cay đắng vuốt đầu ngựa, lại ngắm đến mình hơn một tháng nay áo quần bẩn thỉu chỉ vì thiếu nợ mà hóa ra lam lũ đế thế. Chờ chẳng có ai thèm ngó đến, cho tới lúc chợ tan còn lại trơ mình với ngựa gầy trên bãi vắng, Bảo đành dắt ngựa về.
Đến cổng thành một bọn đông gánh cành cây mới đẵn ở rừng về phơi làm củi bán. Ngựa của Thúc Bảo đang đói khát thấy lá tươi trên gánh củi của ông lão thì ngoạm ăn ngấu nghiến, ông lão gánh củi ngã lăn ra kêu ầm ĩ.
Thúc Bảo vội ôm ông lão tiều phu dậy lạy mà xin lỗi.
Lão phủi áo quần, nhìn ngắm long câu rồi reo lên :
– Ngựa đâu mà quý đến thế này? Thật lão xem ngựa đã vạn con chưa từng
thấy con nào lại đẹp vó, tốt xoáy mạnh ức, thon bụng như con này đó!
Thúc Bảo thở dài :
– Thế mà tôi phải bán đi, nhưng chẳng ai thèm mua cho! Cụ xem có ai sành ngựa bán giúp, xin hậu tạ.
Lão tiều mừng rỡ nói :
– Ngoài phố tây môn cách ngót hai mươi dặm, có một thôn trang tên gọi
Nhị Hiền trang, chủ nhân là họ Đơn tên Hùng Tín, đứng vào hàng thứ hai
nên người ta vẫn gọi là Đơn nhị lang, ông ta hay mua ngựa tốt để làm quà cho các tay hào kiệt bạn bè.
Thúc Bao nghe nói sực nhớ ra :
– Bấy lâu nay ta thoáng nghe nói đến tên nghĩa sĩ Đơn Hùng Tín ở miền này, âu là ta đến xem sao.
Bèn theo lão tiều dắt Long câu tìm đến Đơn gia trang.
Tới nơi thấy một trang viên lớn, đường đá, cây cổ thụ phủ um tùm.
Đơn Hùng Tín, nguyên là con rồng xanh trên thiên đình xuống làm ngươi,
sau này sẽ dọc ngang trời đất, là anh hùng thứ mười tám ở nhà Tùy đó.
Hùng Tín mặt xanh xám như chàm tóc đỏ tựa Chu sa, tính nóng như lửa
cháy, răng hai bên mép dài như nanh hổ, mở miệng nói như sấm sét sức
địch muôn ngàn kẻ, hai cánh tay sắt quen dùng ngọn giáo ba trạc tên gọi
Kim trâm tảo dương.
Tín mở rộng bốn cổng trang đón các tay anh hùng hảo hán, chứa cả tội
nhân vượt ngục, dung cả đạo tặc cướp của giết người. Bọn này mỗi khi lấy được bạc vàng về phải trình nộp Tín một nửa, vì thế mà Tín giàu túc
tích, bạc vàng châu báu không kể xiết.
Hôm ấy Tần Thúc Bảo dắt ngựa cùng lão tiều phu đến, bảo trang khách vào
báo tin. Tín nghe nói có người đến bán tuấn mã bèn khoác áo bào bước ra
cổng đón khách và xem ngựa.
Thúc Bảo thấy Hùng Tín dữ tợn như thiên thần, áo bào bằng vóc tía, đai
lưng dát ngọc sáng ngời, giầy thêu kim tuyến và nạm vàng lóng lánh, nhìn đến thân mình áo bạc quần nhầu, giầy rách, có ý tủi thẹn mà lùi sau một gốc cây.
Hùng Tín thấy ngựa quý biết ngay. Tín giơ bàn tay hùm beo vỗ mạnh vào
lưng Long câu. Sức Tín mạnh như thế mà tuấn mã cứ đứng yên không nhúc
nhích.
Tín vẫy Bảo đến gần nói :
– Túc hạ bán ngựa đó chăng Xin cho biết giá.
Bảo nghiêng mình đáp :
– Trong lúc cùng đường, đành bán ngựa. Xin cho năm mươi lạng.
Tín nói :
– Ngựa này, năm mươi lạng không đắt. Song hiềm nỗi gầy ốm quá phải mất
nhiều cỏ, thóc, công phu mới nuôi béo được. Túc hạ đã có công dắt đến,
tồi xin trả ba mươi lạng.
Nói rồi, quay ngoắt mình vào trang viện. Thúc Bảo bước theo nói :
– Tôi đã cùng đường, ông dạy thế nào cũng xin vâng.
Tín quay lại mời Thúc Bảo vào gia trang. Gia nhân dắt ngựa vào theo. Hai người đứng bên hồ bán nguyệt. Tín vừa xem lại ngựa vừa hỏi :
– Túc hạ người ở đâu mà lạc lõng tới dây bán ngựa?
Bảo đáp :
– Chúng tôi người ở Tế Nam.
Nghe nói người ở Tế Nam, Tin sai lấy ghế mời ngồi rồi lại hỏi :
– Tôi thường nghe ở Tế Nam có một vi anh hùng dòng dõi công thần danh tướng, tên gọi Tần Thúc Bảo, túc hạ quen chăng?
Bảo buột miệng nói :
– Thưa ngài chính tôi đây!
Nhưng biết rằng trót hớ, bèn im. Hùng Tín vội đứng lên bước xuống thềm nói :
– Nếu vậy thì túc hạ tha tội cho Tín này.
Nhưng Thúc Bảo vội chống chế rằng :
– Thưa ngài chính tôi đây là bạn đồng sự với Tần Thúc Bảo.
Tín ngẩn ra, rồi nói :
– Nếu vây thì túc hạ họ gì?
Bảo đáp :
Tôi họ Trương Tín nói :
– Tôi muốn nhờ túc hạ khi về Tế Nam đưa giúp một phong thư cho Tần Thúc Bảo, có được chăng?
Bảo nói :
– Tôn ông có lòng tin mà giao thư, tôi xin bái nhận mà đưa đến nơi đến
chốn. Tín cả mừng vào thư phòng viết thư rồi đem ra những sáu mươi lạng
bạc, ba tấm lụa, vái Bảo mà rằng :
– Đây là tiền ngựa, lụa này xin biếu túc hạ. Còn thư này xin đưa tận tay Tần đô đầu và xin nói thêm rằng: Đơn Hùng Tín đất Lạc Châu có lòng
ngưỡng mộ đại danh Tần đại huynh lắm lắm. Chỉ vì đường xá xa xôi nên
chưa có dịp bái kiến đó thôi.
Đoạn, sai dọn rượu. Song Thúc Bảo sợ lộ tên tuổi nên vội cáo biệt ra về. Tín cố lưu giữ không được, theo tiễn đến cổng trang. Bảo đi một quãng,
thấy ông lão tiều phu đứng đợi. Bảo đưa biếu cụ già năm lạng bạc, rồi
lại rảo bước. Đói bụng, vào một khách điếm, gọi rượu và thức nhắm.
Mới nhắp vài ba chén, nhìn ra thấy hai ngươi mặc áo gấm bước vào, có
tiểu đồng theo sau. Nhận ra một kẻ là Vương Bá Dương, Bảo vội lánh quay
mặt vào phía trong.
Nhưng người mới vào kia đã nhận ra Thúc Bảo. Bảo biết ý, ăn uống qua
loa, rồi trả tiền, bước thẳng ra, đi ngay về nhà trọ, Vương Tiểu Nhị
thấy Thúc Bảo bán được ngựa thì xoa tay cười nói, nịnh nọt đủ điều. Bảo
ném cho hai mươi lạng, đòi lại hồi văn cùng hành lý, rồi ngay đêm ấy ra
đi cấp tốc về Sơn Đông.
Hai người mà Thúc Bảo vừa gặp kia là Vương Bá Dương và Tạ Ứng Đăng, hai
người uống rượu xong, tức khắc đến Nhị Hiền trang. Trang khách báo tin,
Hùng Tín ra đón bạn, Bá Dương thấy Tín đang sai gia nhân tắm rửa cho con ngựa quý, bèn hỏi :
– Đại huynh mua ngựa này của ai thế!
Hùng Tín đáp :
– Vừa mua được của một anh chàng quê ở Tế Nam.
Bá Dương hỏi :
– Hình dung hắn thể nào?
Tín nói :
– Mắt to, người lớn, có vẻ một tay khí phách giang hồ. Hắn xưng là họ Trương, ở Tế Nam, có quen Tần Thúc Bảo.
Bá Dương vỗ vai Tín rằng :
– Đại huynh chỉ nghĩ tới sự mua ngựa tốt, mà bỏ mất một quý nhân. Đó là một người có đại tài, thiên hạ khó mà theo kịp Tín nói :
– Tôi cho là một người túng thiếu mà bán ngựa, có lưu ý lắm đâu!
Bá Dương cười sằng sặc :
– Tiếc thay, hổ vào nhà, rồng nằm trên mái nhà mà không biết.
Chính người ấy là Tiểu Mạnh Thường Tần Thúc Bảo đó.
Hùng Tín vỗ đùi, tiếc ngẩn ra :
Nếu vậy thì Tín tôi có mắt như mù, thật đắc tội với một tay hào kiệt.
Tần Thúc Bảo thấy tôi mặc cả ngựa quý lại tiếp đãi sơ bạc quá tất khinh
thằng Đơn ở đất Lạc Châu này mất. Xin cùng đi tìm mà tạ vậy.
Đại huynh nghĩ sao?
Bá Dung nói :
– Đuổi theo may còn kịp. Tôi đã hỏi dò, Thúc Bảo ít lâu nay trọ ở quán Vương Tiểu Nhị ngoài cổng phủ.
Tín nóng nảy, thét mã phu dắt ngựa ra đi ngay. Nhưng Bá Dương can ngăn :
– Bây giờ trời tối, cổng thành đóng mất rồi. Sáng mai đi sớm cũng không muộn đâu!
Tín nghe theo, sai dọn rượu. Uống rồi đi nghỉ. Mờ sáng hôm sau, ba người phi ngựa như bay đến cửa hàng Vương Tiểu Nhị. Gò cương lại, Hùng Tín
nói như sấm sét :
– Bớ chủ quán, Tần đại gia ở Sơn Đông có còn ở đây không?
Tiểu nhị vái rạp xuống mà thưa :
– Bẩm đại quan nhân, ông khách ấy bán ngựa xong, về cuốn khăn gói đi ngay từ tối hôm qua rồi!
Hùng Tín tiếc ngẩn ngơ, đập vào đùi nói :
– Thế thì ta tự hại ta mất rồi. Người trước mắt không biết, để đi mới mở mắt ra mà đuổi.
Dứt lời, thấy gia nhân hốt hoảng cưỡi ngựa đến trình :
– Dám bẩm quan nhân, đại quan nhân nhà ta bị Đường công bắn chết ở cửa rừng Lâm Đồng sơn, hiện linh cữu đã đưa về trang thất.
Tín nghe nói thét lên một tiềng, ứa nước mắt ra, quay Lại nói với Bá Dương :
– Tôi có việc tang, tiếc không theo tìm Tần hảo hán được nữa! Nếu đại
huynh gặp xin nói hộ rằng thằng Tín không mắt này cúi đầu xin chịu tội.
Rồi đó, cùng gia nhân phi ngựa về trang viện.