Thường Nga

Chương 4



4. Thuyết thư1

1 Một loại hình nghệ thuật dân gian, biểu diễn các loại kí khúc như bình thư, bình thoại, đàn từ.

Vào tháng Bảy, thời tiết đương mùa nóng nhất thì một gánh nghệ nhân thuyết thư đến từ Lạc Dương tới trấn Bạch Thủy, áo quần bảnh bao đúng kiểu đang thịnh hành, lời nói ra đĩnh đạc giọng quan thoại, đó là chuyện mới lạ mà dạo gần đây ai nấy đều khoái.

Tống Nhị đu nửa người lên cửa nhà họ Tạ, í ới: “Quán trà lại bắt đầu thuyết thư rồi, mẹ tao cho hai đồng, đi không?”

Tâm tính thiếu niên khó tránh khỏi hiếu kì, Tạ Bất Hối bèn nói với mẹ rồi định ra ngoài.

Người mẹ ngày thường cùng lắm chỉ hỏi nó đi đâu, hôm nay lại bất ngờ cất tiếng hỏi thăm câu đầu tiên nó được nghe trong đời: “Nghe nói những nghệ nhân đó đến từ Lạc Dương?”

Tạ Bất Hối sửng sốt, Tống Nhị cướp lời đáp: “Đúng ạ! Tin tức truyền khắp trấn mình rồi, nghe nói xuất phát từ Lạc Dương vào đầu năm, đi xuôi một dọc xuống nam.”

Mẹ vốn đang vá một tấm áo khoác cũ màu thạch anh, nghe vậy bỗng bỏ kim chỉ trong tay xuống.

Quán trà trước đây vắng tanh hiện giờ đã chẳng còn chỗ ngồi, họ đến hơi muộn, người thuyết thư đã lên đài chuẩn bị bắt đầu, trong quán đông nghịt người, đến chỗ đặt chân cũng chẳng có. Tạ Bất Hối ỷ mình tập võ từ bé, tuy tuổi còn nhỏ song cũng đã cao lớn khỏe khoắn, dẫn mẹ và Tống Nhị chen ra một cái khe trong đám đông, vất vả mãi mới lên được hàng trước, mồ hôi đầm đìa, nóng bức ngột ngạt.

Quá nhiều khán giả, chưởng quỹ ghép hai cái bàn bát tiên lại, kê thêm một ghế dài, thế là thành một sân khấu kịch đơn sơ. Người thuyết thư giẫm lên ghế leo lên bàn bát tiên cao cao ngồi xuống, bắp chuối chân phải buộc bốn mảnh gỗ rộng hai tấc xỏ chỉ da dê, trong lòng ôm cây đàn tam huyền bằng gỗ hồng, tay phải cầm miếng gảy.

Miếng gảy quét qua dây đàn, tiếng đàn khô khốc vang dội, chân phải rung mảnh gỗ giòn giã, tức thì xủng xoảng đến là sôi nổi.

Người thuyết thư có một chất giọng rất tốt, chỉ nghe y cất tiếng trong trẻo sáng rõ: “Lại nói tuy Giang Đô vương gia dã tâm hừng hực, thân ở hoàng gia, còn được sủng ái từ nhỏ mà chẳng thoát đặng lòng tranh đấu, song ngờ đầu cuối cùng thành may áo cưới cho người ta, dã tràng xe cát biển Đông…”

Tống Nhị nghệt ra: “Kể chuyện gì vậy?”

Tạ Bất Hối nghe lại hiểu ra đôi chút: “Kể chuyện phế Giang Đô vương của tiền triều mưu phản, bức vua thoái vị.”

Mặc dù đã lập thái tử nhưng Tiên đế tiền triều lại yêu chiều ngũ hoàng tử, bất tri bất giác chiều ra lòng đoạt đích, bị thái tử bẻ gãy vây cánh, thụ phong Giang Đô vương trục xuất khỏi Lạc Dương. Gặp khốn khó vẫn chưa chịu tỉnh ra, trái lại, không cam lòng còn tiếp thêm lửa cho dã tâm, Giang Đô vương bề ngoài thì an phận thủ thường ở đất phong ba năm, song lại ngấm ngầm chiêu binh mãi mã, chiêu hiền nạp sĩ không kiêng nể. Vào dịp đại thọ tiên hoàng, Giang Đô vương trở về Lạc Dương chúc thọ, đêm sau ngày mừng thọ liền cấu kết với người giang hồ dấy binh mưu phản bức vua thoái vị, thái tử cứu giá chậm, không cứu được tiên đế. Thừa lúc binh hoang mã loạn, Giang Đô vương thoát khỏi Lạc Dương qua mật đạo ở vương phủ, sau khi đăng cơ, thái tử phế tước vị ông ta, biếm thành thứ dân, cấm quân lùng sục mấy lần vẫn chẳng tìm ra phế Giang Đô vương, không rõ tung tích.

Cố sự dữ dội ba đào của mười một, mười hai năm trước hiện đã thành chuyện kể trong miệng người thuyết thư.

Tạ Bất Hối quay đầu nhìn mẹ, phát hiện ra mặt người đã đầm đìa nước mắt.

Tan cuộc, mẹ như một cái xác không hồn, ngây phỗng hồi lâu trong quán trà hỗn độn. Tạ Bất Hối và Tống Nhị gọi mấy tiếng mới sực tỉnh, lại như chẳng hề nhìn thấy hai đứa, đi thẳng về phía người thuyết thư như một hồn ma.

Tới gần mới phát hiện người thuyết thư không chỉ giọng hay mà tướng mạo cũng rất tuấn tú, tuổi chừng hai mươi, mặt trái xoan trắng trẻo, mày liễu mắt phượng ngó sang, đến Tạ Bất Hối còn nhỏ cũng lấy làm kinh hãi. Nếu không phải ban nãy vừa được nghe một màn biểu diễn thuyết thư đặc sắc vô song, khiến người ta phải vỗ bàn khen hay, thì dẫu là ai cũng sẽ tưởng rằng đây là tiểu quan trốn từ phường mua vui nào ra.

Giọng mẹ run rẩy: “Tiểu tiên sinh…”

“Không dám,” Người thuyết thư vội xua tay, mặt ửng đỏ, “Tiểu sinh họ Trần, tên Phượng Sinh.”

Câu ngắt lời làm mẹ tỉnh táo lại đôi chút, ngón tay thon trắng siết chặt, nhấn từng chữ hỏi: “Trần tiên sinh, anh thực sự cho rằng Giang Đô vương là kẻ không tội ác nào không làm ư?”

Tạ Bất Hối chú ý đến mẹ mình không gọi là “phế Giang Đô vương”.

Màn thuyết thư mới rồi không hề vùi phế Giang Đô vương xuống bùn lầy như người đời thường kể, ngược lại còn toát lên vẻ tiếc hận. Chắc hẳn đây không phải lần đầu tiên nghe khán giả thắc mắc như vậy, Trần Phượng Sinh chẳng bất ngờ chút nào: “Phế Giang Đô vương mưu phản giết cha, tội nghiệt đương nhiên sâu nặng. Có điều, thuở thiếu thời phế Giang Đô vương cũng là nhân vật tài hoa tót vời, thời thế tạo gian hùng, cuối cùng đi đến kết cục ấy có lẽ cũng chẳng phải chỉ là tội của một người.”

Nói xong, tựa hồ tự biết mình lỡ lời, Trần Phượng cười mỉm ngại ngùng: “Mong phu nhân chớ để bụng quan điểm phiến diện của tiểu sinh.”

Mẹ siết chặt năm ngón tay thành quyền, lại từ từ buông lỏng.

Người nở một nụ cười tươi đẹp lạ thường: “Đa tạ.”

Trần Phượng Sinh như bị nụ cười này làm chấn động, ngẩn ngơ một lúc mới lấy lại tinh thần, cũng chậm rãi hé một nét cười.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.