Thuật Yêu Đương

Chương 4: Một vài hiện tượng của ái tình



Ngày xưa, sự lựa chọn trong việc hôn nhân phần nhiều đều do cha mẹ chỉ định, nghĩa là căn cứ trên lí trí, chứ không đặt trên tình cảm. Ở phương Đông cũng vậy mà ở phương Tây cũng vậy.

Ngày nay cá nhân chủ nghĩa của Tây Phương lên đến cực độ, người ta đòi hỏi quyền yêu đương tuyệt đối và dường như phủ nhận cả quyền hạn của cha mẹ, của gia đình. Hai lẽ cực đoan ấy khó mà mưu hạnh phúc được cho con người, nếu không tìm được thế quân bình giữa hai chế độ.

Lí trí cũng như tình cảm đều phải có mức độ. Hôn nhân mà hoàn toàn căn cứ trên lí trí thì không khác gì một cuộc buôn bán, mà hôn nhân hoàn toàn căn cứ nơi tình cảm nhất thời, thì cuộc hôn nhân ấy cũng khó bền vững.

Người ta thường lầm lẫn giữa ái tình với hôn nhân và cho rằng hôn nhân là cứu cánh của ái tình. Không! Hôn nhân không phải còn là ái tình thuần túy nữa, mà nó trở thành phận sự. Bởi vậy lắm kẻ thích sống một đời lãng mạn với tình yêu mà không bao giờ chịu chính thức cưới ai cả. Có kẻ bảo rằng: “hôn nhân là nấm mồ để chôn cất ái tình”.

Cái đó có đúng một phần nào.

Một thi hào Pháp nói:

“Ái tình con vật quái kì

Đói thì sống mãi, no thì chết đi”[3]

Nếu ta rõ tâm lý của ái tình, biết rõ cách bột sinh của nó, thì biết rõ sự mòn mỏi và tiêu vong của nó cũng như tất cả mọi sự vật trên đời.

Người xưa có nói: “Phàm sự nan cầu giai tuyệt mỹ; cặp năng như nguyện, hựu thường tình…” (Việc gì mà khó cầu mong đều là việc tốt đẹp nhất, nếu mong mỏi và được thỏa mãn thì việc ấy chỉ là một việc rất tầm thường). Đấy là một quy luật sâu sắc nhất về tâm lý mà chúng ta nên hằng ngày tâm niệm: luật “nhàm chán” rất trắng trợn, rất chán chường, nhưng ta phải có gan nhìn nhận nó để khỏi phải thất vọng ê chề. Thật vậy, một món đồ mà ta chưa có, ta đang thèm thuồng muốn có, thì đối với ta nó quý giá không biết chừng nào! Sự thiếu thốn nung nấu lòng ta tha thiết đối với nó trở nên càng ngày càng mãnh liệt, không khác nào khi ta đói khát mà mong muốn được món đồ ăn hay chén nước. Có lạc vào bãi sa mạc, có bị cái khát giày vò, mới biết cái quý của một giọt nước là thế nào! Giá lúc bấy giờ ai đem đổi cho ta cả một giang sơn để lấy lại bát nước, nhất định ta không đổi. Cái quý của một vật, là nhờ nơi sự thiếu thốn, sự thèm thuồng món ấy mà có. Chén nước ấy đối với một kẻ đã được uống no nê rồi thì chỉ còn là một chén nước thừa có khi mình muốn hất đổ… là đằng khác.

Bởi vậy đối với người đàn ông, vị hôn thê quý hơn người vợ đã cưới. Ái tình cũng chỉ là một khát vọng. Cho nó được thỏa mãn thì lòng khao khát giảm lần và có thể đi lần đến sự dửng dưng và lạnh lùng chê chán. Vì vậy hôn nhân là sự thỏa mãn của ái tình và nhân đó mà ái tình bắt đầu giảm xuống, nếu không biết nuôi dưỡng nó. Biết rõ nguyên nhân làm suy giảm ái tình, biết rõ nguyên nhân giết chết ái tình, tức là biết được cái nghệ thuật nuôi dưỡng ái tình rồi vậy.

Bởi vậy nhiệt độ ái tình càng cao lên bao nhiêu, thì sự nguội lạnh của nó càng xuống lẹ bấy nhiêu. Trong tình yêu, hễ “vội bồi thì vội lở”, “thương nhau lắm, cắn nhau đau”…

Biết bao cặp uyên ương yêu nhau nồng cháy đến quyết tâm nếu không lấy được nhau thì “cuộc đời sẽ tắt lửa lòng”… và có khi “dòng nước lạnh sẽ là hồ bạc mạng”… Thế mà cũng nhan nhản những cặp uyên ương ấy kéo nhau ra tòa ly dị hay là “thanh toán nợ tình” bằng sợi dây oan nghiệt… Giọt nước mắt của những kẻ “lạnh lẽo cô phòng”, bốn cái Thái bình dương cũng không sao chứa được!

Ái tình là một sức mạnh âm u và to tát nhất trong đời mình. Vậy phải biết rõ nó, hoặc không thể được, cũng nên biết qua sự phát sinh của nó nơi đâu và cái gì là món ăn nuôi dưỡng nó, chừng ấy mới mong lựa chọn được người yêu và mưu được hạnh phúc trong tình yêu mà thôi.

Ta có biết mình muốn gì không? Chỉ có khi nào ta biết rõ mình muốn gì, thì mới mong tìm được phương thế để đạt ý muốn ấy. Con người sở dĩ khác hơn loài cầm thú là biết được cái gì mình muốn và mình làm.

Ái tình là một cái gì phiền phức lắm. Phân tích nó ra để dễ bề nghiên cứu, nhưng sự thật nó là một thứ gì đó không thể phân tích được. Ái tình là một cái gì đó mờ mịt âm u, thì càng để cho nó trong âm u, thì nó thêm vẻ đậm đà, mà đem nó ra ánh sáng rỡ ràng thì có khi nó liền trở lên chán chường mà tan mất…

Đấy là số phận của ái tình hoàn toàn căn cứ trên sắc dục: ái tình xác thịt.

Ái tình mà vĩnh viễn phải là ái tình do ân nghĩa và lòng thán phục gây ra. Vĩnh viễn đây là dĩ nhiên vĩnh viễn một cách tương đối.

Ta nên biết rằng: chinh phục tình yêu, thì dễ; mà nuôi dưỡng tình yêu cho được bền bỉ lâu dài là một điều rất khó.

Nuôi tình yêu có nhiều cách:

Nếu tình yêu gây ra lúc ban đầu là do nhục dục, thì phải lấy nhục dục mà nuôi nó.

Nếu tình yêu gây ra do sắc đẹp hấp dẫn mà thành, thì phải lấy sắc đẹp mà nuôi nó.

Nếu tình yêu do sự ân nghĩa hay lòng kính phục gây ra, thì phải lấy ân nghĩa mà nuôi nó.

Do nhục dục và sắc đẹp mà gây, đó là thứ tình yêu dễ chán nhất, vì thói quen làm mất cả cái thú của nhục dục, huống chi sắc đẹp lại là cái gì dễ phai mờ hơn hết, bởi sắc là cái chóng tàn nhất nơi người đàn bà.

Người đàn ông phần đông đều yêu theo sắc đẹp. Kẻ yêu theo sắc đẹp thì dễ nhàm chán, vì sắc đẹp khi chưa về tay mình thì đẹp, mà về của mình là hết đẹp. Cho nên mới có câu “Vợ người luôn luôn đẹp hơn vợ nhà”, huống chi sắc đẹp mau tàn… nên người đàn ông yêu sắc đẹp sẽ không bao giờ thỏa mãn: họ như con bướm chơi hoa, đổi thay… thay đổi mãi…

Chỉ có ái tình do ân nghĩa và lòng kính phục gây ra thì tương đối có nhiều điều kiện được miên viễn. Là vì những hạng người yêu nhau vì nghĩa là những hạng đứng trên con người tầm thường nhiều bậc… Tình yêu của họ ở trên thượng tuần của xác thịt và thuộc về lí tưởng. Người ban ân thường yêu mến người thọ ân của mình nhiều và người thọ ân thường cảm thấy kính phục người ân của mình mãi mãi… Nhờ thế mà cuộc tình duyên có thể trường cửu và đậm đà mãi được… Người đàn bà thích bao bọc, che chở… Nhưng trái lại, cũng rất thích được bao bọc, che chở…Được bao bọc và che chở, tức là họ cảm thấy được yêu nhất, được cưng nhất, được có người yêu thương và và mãi mãi lo nghĩ đến mình. Hạnh phúc nhất của người đàn bà là nơi đó. Cho nên những người đàn bà ngày tối chỉ phải lo cho chồng con mà không được chồng con lo lắng lại cho họ, đó là những người đàn bà lẻ loi, cô độc nhất đời, nghĩa là đau khổ nhất đời. Đành rằng đời họ là của một kẻ hy sinh nhưng họ có còn thấy được bao bọc, được che chở được âu yếm, nghĩa là được yêu thương, được có người luôn luôn nhớ đến họ.

Đấy là số phận của ái tình vật chất, ái tình căn cứ trên sắc đẹp và nhục dục, hoặc trên những “tình cảm rẻ tiền”, của cảm tình hay thiện cảm. Ta nên nhớ có nhiều loại tình, thường khi hòa lẫn nhau, làm thành ái tình với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó.

I. Ái tình căn cứ trên xác thịt thì có một; nó do xác thịt và nhục dục thúc đẩy. Con trai con gái đến tuổi lòng dục bồng bột, gặp nhau nếu vừa mắt nhau, trai thì khỏe mạnh, gái thì có sắc đẹp là họ “cảm” nhau, chung quy trong thâm tâm chỉ nghĩ đến tình dục mà thôi và tìm cách để thỏa mãn. Và họ gọi đó là yêu thương, nhưng thực sự chỉ thuần là một thứ ái tình xác thịt. Loại tình này rất dễ bộc phát và cũng dễ chóng tàn, dễ sôi nổi mà cũng dễ mau nguội lạnh. Nhưng rất may con người văn minh, không phải như con người cổ sơ, ái tình chẳng phải chỉ thuần túy là thứ đi tìm thỏa mãn nhục dục như loài thú ngoài đồng… Dù sao tình dục họ cũng đượm một vài yếu tố tinh thần, nghĩa là họ còn có chút e lệ, liêm sỉ và cũng biết lựa chọn theo cảm tình riêng.

II. Ái tình căn cứ trên tình cảm thì có phần sâu sắc hơn, nhưng cũng phải để ý phân biệt bốn loại sau đây:

a. Yêu vì tình cảm

b. Yêu vì thiện cảm

c. Yêu vì âu yếm

d. Yêu vì tình thương

Hai thứ tình cảm trên, cảm tình và thiện cảm là những thứ tình cảm nông cạn, giả tạo, còn hai thứ tình cảm sau, là tình âu yếm và tình thương mới thật là loại tình yêu sâu sắc và chân thật.

a. Phần nhiều người ta yêu nhau vì cảm tình hoặc thiện cảm, nên tình yêu dễ phai lạt lắm. Cảm tình là một thứ tình cảm phát sinh do một bộ thần kinh nhạy cảm chứ không bắt nguồn ở một cái gì sâu xa, thiêng liêng cao cả. Cảm tình, dù là cảm tình chánh hiệu, cũng rất gần với thứ tình cảm mà người ta quen gọi là “tình cảm rẻ tiền”. Trên đường tình ái, người đàn bà con gái thường vướng phải cạm bẫy của thứ “cảm tình giả hiệu” này. Một chút ân huệ nho nhỏ, một chút săn đón tán tỉnh, một chút chiều chuộng xã giao… cũng đã gây cảm tình, rồi đi đến thiện cảm, rồi đi đến yêu đương. Đôi khi người đàn bà con gái ấy vẫn thấy rõ cạm bẫy ấy, nhưng vì non lòng nhẹ dạ mà đặt chân vào không hay. Câu chuyện một cô kia đi làm hàng buổi, có một cậu trai săn đường đưa rước, mời mọc ngồi xe hơi… mà cô ta đâm ra “cảm tình” rồi hứa hẹn hôn nhân! Từ ngày cưới hỏi nhau xong, thì cô ấy lại trở về cảnh cũ, đi đi về về một mình không ai đưa rước nữa.

Tình yêu chân thật cần phải đi sâu hơn nữa. Trong ái tình, tình âu yếm và tình thương mới thật là những sợi dây thiêng liêng có thể ràng buộc hai tâm hồn vào một số phận cho đến ngày đôi mái tóc điểm sương, khi mà lửa dục đã tàn, lòng xuân héo hắt.

b. Tình âu yếm là một thứ tình cảm không cân nhắc, không câu nệ, không so đo lợi hại… Tình âu yếm thì nuông chiều, rất khoan dung, và nhiều hy sinh… trong phim “ánh sáng đô thành” có kể lại mối tình âu yếm của một chàng nghèo kiết là Charlot. Chàng yêu một cô gái bán hoa mù mắt. Chàng không nệ nhọc nhằn làm đủ mọi nghề để kiếm tiền chữa mắt cho nàng. Đến khi nàng sáng mắt… thì đau đớn thay, nàng đã vô tình không nhận ra người ân và cũng là người yêu của nàng. Trước cảnh éo le ấy, chàng không muốn nói thêm một lời, nhất định hy sinh tới cùng, lủi thủi quay về để người yêu khỏi thất vọng. Đó là thứ tình “từ tâm hào hiệp” đầy hy sinh và tha thứ. Hoàn toàn vị tha không có chút gì chinh phục hay chiếm đoạt cả, như những thứ tình vì dục vọng hay xác thịt gây nên của phần đông trai gái ngày nay.

Tình âu yếm chẳng những nuông chiều tha thứ và hy sinh mà lại còn dám nhận lấy tất cả những tật xấu, tất cả cái số kiếp của người yêu. Nói đến tình âu yếm, người ta liên tưởng đến tình mẫu tử. Trong gia đình bà mẹ thường âu yếm những đứa con hư hỏng, bạc bẽo hoặc yếu đuối tật nguyền. Có khi còn hy sinh cả tính mạng cho con. Tình âu yếm có khi đi đến những hy sinh mù quáng, ngu xuẩn… trước những tình yêu bội bạc. Nếu yêu vì cảm tình hay thiện cảm cũng sẽ thành mù quáng ghê gớm nhưng không có hy sinh vì nó là tình yêu ích kỷ: họ dám giết nhau nếu họ không được yêu lại. Những vụ án tình rùng rợn thường xảy ra đều là do ái tình xác thịt hay do cảm tình bồng bột mà không đặng thỏa mãn gây ra. Trái lại, có ông cha bà mẹ nào lại giết con vì nó phũ phàng bội bạc chăng? Tình âu yếm nó cận kề với mẫu tử. Tình cha con cũng lắm khi sâu sắc không kém gì tình mẫu tử.

Có một người cha có hai đứa con trai. Người con cả thì siêng năng, lam lũ làm ăn bên cạnh cha già. Người con thứ nhì thì biếng nhác, ham chơi bời, ăn sài phung phí. Ngày kia người con thứ bảo cha chia gia tài liền, để anh ta đi xứ khác làm ăn. Ông cha cũng chiều lòng… người con thứ lấy tiền đi xứ khác tiêu xài trác táng, tiêu sạch tiền bạc phải đi làm mướn cho người ta, người cha ở nhà vẫn chờ đợi ngày về của đứa con hoang. Ngày nọ hết sức cực khổ đói lạnh, anh ta liền mò về chịu tội với cha, mong nhờ hưởng được chút cơm thừa, chứ không mong gì được trở về “ngôi” cũ. Thế mà ông cha hằng ngày trông con, khi thấy dạng đứa con hoang, ông liền chạy đến ôm chầm lấy… Người con bất hiếu vội xua tay cha bảo: “con đắc tội với trời, với cha. Con không xứng đáng là con của cha nữa”. Nhưng người cha bảo đem quần áo tốt đem mặc cho nó và làm tiệc to để mừng ngày đứa con hoang đã trở về… Tình cha mẹ thương con vô bờ bến đầy hy sinh và tha thứ. Tình yêu chân thật và sâu sa phải là thứ tình gần với thứ tình âu yếm này. Tình bao bọc cũng thuộc loại tình này; tình yêu này là thứ tình sâu sắc và bền bỉ nhất.

Ngoài tình âu yếm còn một thứ tình cảm khác cao hơn và đáng quý hơn… Đó là tình thương. Tình âu yếm, cũng như tình thương đều do một gốc mà ra, là hy sinh… Nhưng “tình âu yếm có tính cách tiêu cực, còn tình thương lại có tính tích cực.

Người nào đã yêu bằng tình âu yếm thường có tính yếu đuối, nuông chiều, bằng lòng với những gì đã có, không nỡ hoặc không dám sửa đổi người yêu vì sợ chạm vào lòng tự ái và làm đau lòng người. Tình “âu yếm” thường là thứ tình yêu của bà mẹ. Trái lại “tình thương” là thứ tình yêu sâu nặng, đậm đà nhưng là thứ tình yêu “xây dựng” của người cha.

“Thương không phải luôn luôn có nghĩa là “nuông chiều”. Người ta thường nhận thấy dưới cái vẻ khắc khổ, lạnh lùng của một vài người đàn ông, một tấm lòng yêu thương tha thiết. Có thể nói rằng trong “tình thương” có một phần lý trí dự vào. Nó gần với tình bằng hữu, tri âm, gần với tình cha con hơn là ái tình thường của trai gái thiên về vật dục: “tình thương” trái với “tình âu yếm”. Ta nhận thấy một sự cố gắng để hoán cải để sửa đổi người yêu để họ trở lên tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Yêu bằng tình âu yếm và tình thương thì dám liều “sống chết” với nhau mà không bao giờ phụ bạc, dù phải người yêu bội phản.

Tình âu yếm và tình thương tuy hai mà một: một thứ thì tiêu cực một thứ thì tích cực. Nhưng một tình yêu đầy đủ phải có cả hai tính cách tiêu cực và tích cực ấy, nghĩa là nuông chiều nhưng luôn luôn, nếu cần, thì phải có đủ can đảm xây dựng. Tình âu yếm thuần túy dễ làm đau khổ người mình yêu bằng sự đau lòng chạm vào lòng tự ái. Cương và nhu phải được dung hòa với nhau thì tình yêu mới gây được hạnh phúc hoàn toàn. Ta có thể tượng trưng tình âu yếm bằng một ví dụ cụ thể nơi vở tuồng “ánh sáng đô thành” đã kể trên. Khi chàng Charlot biết rằng người mình yêu không thể yêu mình, thì chàng vì hạnh phúc của người mình yêu, hy sinh hạnh phúc của mình, bỏ ra đi để cho người yêu được tự do hạnh phúc theo ý muốn. Nếu chàng Charlot vin vào những hy sinh của mình để đòi hỏi cho kỳ được tình yêu của cô gái bán hoa kia, thì tình yêu của chàng không còn phải là tình yêu chân thật nữa. Yêu tức là hy sinh. Nếu muốn được việc cho mình mà gây đau khổ cho người yêu thì tình yêu ấy chưa thật là tình yêu. Đó chỉ là “yêu mình” chứ không phải là “yêu người”.

Những tình yêu chiếm đoạt, cũng yêu tha thiết nồng nàn, nhưng nếu không được trả lại như ở trường hợp gặp kẻ lạnh lùng bội bạc thì họ thẳng tay sát hại hoặc một cách tiêu cực hơn, làm cho người bội phản điêu đứng ê chề. Những kẻ yêu vì cảm tình hay thiện cảm rất có thể “tính toán” ngay trong tình yêu.

“Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?

Cho rất nhiều, song, chẳng nhận bao nhiêu”

Trái lại kẻ yêu vì tình âu yếm và tình thương thì không bao giờ so đo, cân nhắc: họ yêu là vì họ yêu… và dù thế nào cũng vẫn yêu mãi mãi. Có thất vọng mà đau khổ, thì thà “một mình, mình biết, một mình, mình hay” chứ không bao giờ đòi hỏi hay oán trách gì ai cả. Có kẻ thì hủy mình hoặc vào nơi tu viện, quyết thà “khối tình ôm xuống tuyền đài cho xong”, chứ nhất định không bao giờ gây khổ cho người mình yêu.

Ái tình căn cứ trên tình cảm tuy muôn mặt, tựu trung không ngoài những loại đã nói trên. Phải biết phân biệt cho kỹ, mỗi khi ta nghe người ta thỏ thẻ với ta: “Tôi yêu…”!!! thì nên bình tĩnh mà suy nghĩ và tìm hiểu tình yêu mà họ đã thổ lộ với ta là thứ tình yêu gì?

III. Nhiều khi chúng ta cảm thấy yêu thích một người nào đó, mà ta cho rằng do một khuynh hướng tự nhiên của lòng, nhưng thật sự không phải thế. Tình yêu này là tình yêu “lý tưởng” nghĩa là không căn cứ vào thực tế mà căn cứ vào một “hình ảnh lý tưởng”mà mình đã ôm ấp bấy lâu nay. Phần nhiều người có học thức cao có tính tình cao quý thường mộng một “người tình lý tưởng”. Ngày nào họ gặp một người nào thực hiện được một vài nét hình ảnh lý tưởng của họ là họ yêu một cách say mê đáo để. Trong tình yêu này người ta thường lấy một cái mộng làm cái thực. Như trong mối tình Trương Chi người con gái nghe người đánh cá hát hay liền lý tưởng hóa và dệt mộng… đến sanh bệnh tương tư khi vắng bóng người ấy. Nhưng khi nàng thấy đặng hình dạng thật của chàng ngư phủ, mộng tình liền tan vỡ…

Như thế, bất cứ trong cuộc tình yêu nào cũng khởi đầu bằng ít nhiều “dệt mộng”. Tình yêu mà chỉ thuần thuộc “thần trí” là những mối tình sung sướng nhất, vì họ đã lý tưởng hóa người yêu, nhưng sẽ đau đớn nhất khi mộng tình tan vỡ. Tình sấm chớp thường ở trong loại tình này.

Tóm lại ái tình mà vĩnh viễn nhất là những thứ ái tình thuộc về tình cảm cao đẳng, tức là “tình âu yếm” và “tình yêu thương” do “ân tình” trói buộc nhau hoặc lòng “kính phục” gây nên.

Tình yêu nào do nhục dục và sắc đẹp gây nên sẽ là thứ tình dễ chán nhất, vì thói quen sẽ làm mất cả cái thú của cả nhục dục và sắc đẹp là cái gì dễ phai mờ hơn hết, bởi sắc đẹp là cái mau tàn nhất nơi người đàn bà. Huống chi đối với người đàn ông, cái đẹp mà về tay mình rồi thì có đẹp đến mấy cũng sẽ thành cái đẹp chán. Câu ngạn ngữ đã có nói: “Vợ người hàng xóm cũng đẹp hơn vợ nhà”. Chỉ có ái tình gây ra vì ân nghĩa hay lòng kính phục thì tương đối có nhiều hy vọng được viên mãn hơn. Là vì những người yêu nhau vì nghĩa là những hạng người đứng trên con người tầm thường nhiều bậc. Tình yêu của họ đứng trên thượng tầng của xác thịt. Người ban ân thường âu yếm người thọ ân của mình và người thọ ân cảm thấy kính phục người ân của mình mãi mãi. Đành rằng người đàn bà thích che chở, bao bọc… mà cũng thích được che chở, bao bọc. Được che chở bao bọc nghĩa là họ cảm thấy được yêu nhất, được cưng nhất, được có người mãi mãi lo nghĩ đến mình. Hạnh phúc nhất của người đàn bà là ở nơi đó.

Yêu, là hy sinh. Người ta không thể quan niệm được khi đã gọi là yêu mà không bao giờ thấy hy sinh cho người mình yêu chút gì cả. Huống chi là người đàn ông nếu thiếu năng lực bao bọc che chở, dạy dỗ thì làm sao được người đàn bà kính phục. Mà trong lòng không còn kính phục thử hỏi làm sao người đàn bà có thể yêu mình. Chữ yêu luôn luôn đi theo chữ kính. Không kính người đàn bà không thể nào yêu được nữa, yêu một cách lâu dài.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.