Triệu Thành hơi run run trước khí thế đó. Y bảo Tự-Mai:
– Chú bé liệu xuống đài đi. Bằng không dù ta có khoan thứ cho chú. Nhưng bộ hạ ta họ không để chú yên đâu. Ở đây toàn truyện người lớn, truyện quốc gia đại sự. Chú còn con nít, chú không phải quan quân. Chú không có quyền bàn việc nước. Đi chỗ khác chơi!
Tự-Mai méo miệng trêu Triệu Thành:
– Ôi! Không ngờ một ông Bình-nam vương nhà Tống mà lý luận như thế thì dốt quá. Để ta dạy cho ông một bài học về lịch sử Đại-việt ta. Nước ta từ mấy nghìn năm trước, có một đức thánh ra đời, cỡi ngựa đánh giặc Ân. Vị thánh ấy đại danh Phù-đổng Thiên-vương. Cho nên từ đó đến nay, con dân Đại-việt bẩy tuổi trở đi đều có quyền bàn quốc sự. Hiểu chưa!!!
Chợt nó thấy Dương Ẩn ngồi trên đài. Nó biết Dương Ẩn vốn chống Trung-quốc. Nó muốn gây chia rẽ giữa y với Triệu Thành, nó hướng vào y:
– Dương đạo sư. Có phải sáng tổ của quý phái là Thiên-vương, mới bẩy tuổi đã đánh tan giặc Ân không?
Dương Ẩn gật đầu:
– Đúng thế. Từ khi Thiên-vương đánh giặc đến giờ, thiếu niên Việt đến tuổi lên mười đã được bàn việc làng, việc nước. Ý người Việt nghĩ rằng Thiên-vương bẩy tuổi, đánh giặc, vì ngài vốn người nhà trời. Thiếu niên Việt thuộc loại con cháu ngài, phải kém một chút, mười tuổi được coi như người lớn. Chú em! Chú đã mười lăm rồi, ắt hẳn chú đã bàn việc nước đến năm năm là ít.
Tự-Mai để tay lên mũi trêu Triệu Thành:
– Ông Bình-nam vương nhà Tống. Ông đã nghe vị tôn sư phái Sài-Sơn nói chưa?
Nếu người khác, Triệu Thành đã tát cho Tự-Mai mấy cái, đuổi xuống đài. Nhưng vì Tự-Mai là con của chưởng môn phái Đông-a, thành ra y giận tím gan, mà phải im lặng.
Tự-Mai tiếp:
– Còn ông bảo phải quan, quân, mới có quyền lên đây phải không?
Triệu Thành gật đầu:
– Đúng thế!
Tự-Mai móc trong túi ra cái thẻ bài chĩa vào mặt Triệu Thành:
– Ông coi xem cái gì đây?
Triệu Thành cầm lấy coi, đó là cái thẻ bài chứng nhận Tự-Mai làm một tên lính hiệu thủy quân. Y cười ha hả:
– Tưởng quý tử Thiên-trường đại hiệp làm vương, làm tướng gì, hoá ra một tên lính hiệu.
Tự-Mai hứ một tiếng:
– Tự nước tôi nhân tài nhiều quá, thành ra tôi chỉ đáng làm tên tiểu hiệu là đã quá rồi. Thế nhưng tên tiểu hiệu này kiến thức hơn quan thái úy nhà Tống đấy nhé!
Đội trống Hồng-thiết giáo với phái Sài-sơn lại thúc liên hồi.
Triệu Thành giận cành hông. Thấy mưu cơ bại lộ. Y nói với Nhật-Hồ lão nhân:
– Tiên sinh đừng nghe hai tên ôn con này. Chúng làm việc cho Khu-mật viện. Khu-mật viện sai người giả bút tích viết thư hại quý trưởng lão đấy.
Nhật-Hồ lão nhân cười nhạt:
– Chứng cớ rành rành ra thế này, chối làm sao được? Triệu vương gia. Trong chuyến đi này của vương gia có mục đích chuẩn bị xâm lăng Đại-việt chúng tôi. Vương gia không chối được đâu. Bút tích, cùng lối hành văn của hai tên đệ tử họ Đỗ, Hoàng tôi đã quen rồi. Giả thế nào được.
Đặng Đại-Khê từ dưới đài bước lên hướng vào anh hùng vái ba vái:
– Tôi Đặng Đại-Khê. Nhân danh chưởng môn phái Tản-viên, tôi trục xuất tiền bối Đỗ Xích-Thập khỏi địa vị tôn sư. Vì tiền bối làm gian tế cho ngoại bang.
Sư thái Tịnh-Tuệ hướng vào Hoàng Liên:
– Sư thúc. Bản phái biết bao đời lấy việc giữ nước làm lẽ chính của võ đạo. Sư thúc làm gian tế cho ngoại bang. Sư thúc không thể làm tôn sư bản phái được.
Hoàng Liên thét lên:
– Tịnh-Tuệ! Đúng rồi, sư phụ mi nhận vàng ngọc của Lý Công-Uẩn, hại thái sư phụ. Cho nên nay mi thấy tờ thư giả của Khu-mật viện, gây sự với ta. Từ xưa đến giờ, bản phái lấy võ công định chưởng môn. Mi hãy lấy kiếm ra, cùng ta hơn thua.
Từ lúc đến lễ đài, Minh-Không thiền sư không nói một câu nào. Bây giờ ông mới lên tiếng:
– Hai vị sư thái! Việc tranh chấp của phái Mê-linh xin để lúc khác. Đây là chỗ tôn nghiêm, không nên đem việc nhà ra bàn, để người ngoài đàm tiếu.
Lời nói của một vị quốc sư vừa từ bi, vừa uy nghiêm, khiến Hoàng Liên nín lặng. Mụ đưa mắt nhìn sư thái Tịnh-Tuệ như muốn ăn tươi, nuốt sống.
Trong khi ấy Tự-Mai nghe tiếng Khai-quốc vương:
– Sư đệ. Em gây sự cho Mỹ-Linh đánh nhau với tên Đông-Sơn lão nhân kia đi.
Tự-Mai nói với Triệu Thành:
– Này Bình-nam vương gia. Vừa rồi giữa Đại-tống với Hồng-thiết giáo giao tranh hai trận. Trận đầu coi như hòa. Vì ngũ trưởng lão vị lừa. Trận thứ nhì, giữa Tống đấu với Tống, rồi bầy trò hề tự trấn động gẫy kiếm giả thua. Như vậy không kể.
Nó hướng vào sư thái Tịnh-Tuệ:
– Sư thái! Khi mụ Hoàng Liên không còn tư cách của tôn sư phái Mê-linh. Mụ đâu có phải đại biểu cho võ lâm Đại-việt. Có đúng thế không?
Tịnh-Tuệ đáp:
– Đúng thế. Đó là trận đấu giữa Tống với Tống.
Triệu Thành giận căm gan. Y hỏi:
– Nếu sư thái nói thế cũng được. Nào ai không phục kiếm pháp Hoa-sơn cứ lên đây tỷ thí.
Y vừa dứt câu này, năm người nhảy lên đài một lúc. Tự-Mai nhìn ra có sư thúc Trần Kiệt, đại sư Sùng-Minh chùa Sơn-tĩnh, Hàn Ngọc-Quế phái Thiên-tượng, đạo sư Nùng-Sơn tử phái Tản-viên, Lê Đức bang Hồng-thiết giáo.
Triệu Thành tự chửi thầm:
– Mình đáng chết thực. Tự nhiên đưa ra lời thách thức, có khác gì chọc tay vào tổ ong.
Tuy vậy tính hung hăng, kiêu hãnh khiến y không chùn bước:
– Được! Không biết trong năm vị. Vị nào ra tay trước? Hay nếu năm vị muốn, Đông-Sơn lão gia có thể lĩnh giáo cả năm vị cũng không sao.
Tự-Mai chắp tay hướng vào năm vị cao thủ:
– Năm vị thuộc tiền bối võ lâm, lớn vai hơn bọn tiểu bối tại hạ nhiều. Đối với Đông-Sơn lão nhân, năm vị không nên ra tay. Nếu năm vị ra tay, có khác gì dùng dao mổ trâu mà mổ gà. Xin năm vị để cháu vinh danh thánh Gióng một chút.
Năm tôn sư mỉm cười, khoan thai bước xuống đài.
Nó thấy Mỹ-Linh băng chân cho Khai-thiên vương rồi, chỉ mặt lão Đông-Sơn lão nhân:
– Lão già kia. Lão đấu với mụ Hoàng Liên nhà lão. Cớ sao lão lại vô phép với Khai-thiên vương? Tại sao lão lại đánh lén vương gia?
Đông-Sơn lão nhân giận Tự-Mai phá vỡ kế hoạch của mình. Lão vung tay tát nó một cái.Thấy Đông-Sơn lão nhân đánh Tự-Mai, Trần Kiệt định vung tay đỡ cho nó. Nhưng ông thấy lão chỉ vận có ba thành công lực, Tự-Mai đủ sức chống đỡ. Ông đứng nhìn.
Tự-Mai thấy kình lực của lão đổ ụp vào đầu mình, nó không dám coi thường, vội vận Vô-ngã tướng Thiền-công phát một chiêu Đông-a chưởng pháp đỡ. Bộp một tiếng. Chưởng của Đông-Sơn lão nhân bị mất tích. Lão kinh hoảng đưa mắt nhìn đối thủ. Trong đầu lão tự hỏi:
– Thằng nhỏ láu cá này mới mười lăm, mười sáu tuổi là cùng, mà công lực đã đến trình độ có thể hoá giải công lực của ta được ư? Ta thử lại một lần nữa xem.
Nói rồi lão phát nhẹ một chưởng. Lần này lão đã vận đến năm thành công lực. Tự-Mai thấy lão không có ác ý. Nó không đỡ chưởng của lão, mà tấn công vào hạ bàn lão bằng chiêu Đông hải lưu phong. Đông-Sơn lão nhân tuyệt không ngờ Tự-Mai lại dám tấn công mình. Lão bật tay xuống, đỡ chưởng của nó. Binh một tiếng, Tự-Mai bật lui liền ba bước. Trong khi cánh tay Đông-Sơn lão nhân cảm thấy tê buốt, kình lực bị mất tăm, mất tích.
Lần này, không nhân nhượng nữa, lão vận đến bẩy thành công lực đánh ụp lên đầu Tự-Mai. Kình lực làm nó muốn ngộp thở. Ỷ có bố với sư thúc ở cạnh. Nó xuất chiêu Phong quá sơn đầu hai tay đẩy về trước. Bình một tiếng, người nó bay bổng lên cao, rơi xuống cạnh Đoàn Huy. Huy biết Tự-Mai là em Thanh-Mai, người xả thân cứu mạng ông. Ông khẽ phất tay một cái. Tự-Mai bay trở lại, rơi xuống cạnh Mỹ-Linh. Nó chỉ mặt Đông-Sơn lão nhân:
– Ỷ lớn ăn hiếp nhỏ, không biết nhục.
Nó thấy Mỹ-Linh cầm cái chuôi kiếm gẫy, trong đầu nó nảy ra một cách gây sự với bọn Tống. Nó cầm lấy chuôi kiếm dơ ra hỏi:
– Đứa nào tung chuôi kiếm đánh trộm Khai-Thiên vương? Nếu là hảo hán, nhận đi.
Triệu Thành chỉ Hoàng Liên:
– Chuôi kiếm của vị sư thái kia ném vào Đông-Sơn lão nhân. Lão nhân đẩy ra, trúng vào y.
Tự-Mai bảo Mỹ-Linh:
– Bà chị, mau ra bắt y phải quỳ gối tạ lỗi với Khai-thiên vương.
Mỹ-Linh nhận được lệnh chú phải gây sự với Đông-Sơn lão nhân, nhưng vốn tính hiền hậu, nàng tìm không ra cớ. Bây giờ nghe Tự-Mai nói, nàng mới tỉnh ngộ, chỉ tay vào mặt Đông-Sơn lão nhân:
– Tên thôn phu kia. Mi ở rừng núi Hoa-Sơn, không biết lễ nghi gì cả. Mi đánh trộm một vị thái tử của Đại-Việt, thực một hành vi hết sức vô lễ. Mi có mau lại quỳ gối tạ tội không?
Triệu Thành cười khanh khách, vì Mỹ-Linh đã cải trang thành một cô gái quần áo giống như đệ tử phái Mê-linh. Dáng người nàng đã ẻo lả, mà lại lên đài bắt lỗi một đại kiếm khách như Đông-Sơn lão nhân thực quá hài hước. Y nói:
– Tiểu cô nương! Gã Lý Đức-Chính này có bị thương hay chết, không liên quan gì đến cô nương. Cô nương lên đây làm gì? Chỗ gươm đao vô tình này, tai bay vạ gió khó tránh được.
Dù đã cải trang, Mỹ-Linh quên mất rằng mình không còn là công chúa nữa. Nàng cười nhạt:
– Triệu vương gia! Ta lên đây có hai mục đích. Thứ nhất bắt lão kia phải quỳ gối tạ tội với Khai-thiên vương. Thứ nhì ta không phục kiếm pháp của lão.
Triệu Thành cười nhạt:
– Lý Đức-Chính thân làm thái tử, tước phong Khai-thiên vương, mà võ công không đủ để đỡ cái chuôi kiếm văng vào người, còn hy vọng gì lên kế vị làm vua. Giao-chỉ đến ngày tàn tạ rồi vậy.
Mỹ-Linh xua tay:
– Triệu vương gia. Vương gia nói như vậy e sai rồi. Thứ nhất Khai-thiên vương bị đánh trộm, nên lão nhà quê kia mới thành công. Thứ nhì phàm làm vua, cần lấy đức trị thiên hạ, chứ đâu cần võ công cao? Ta hỏi vương gia nhé: Vua Văn đời Thương. Vua Cao-tổ nhà Hán đâu có biết võ công? Ngay Thiên-thánh hoàng đế bên qúy quốc e không biết quá hai cái múa?
Quay lại Đông-Sơn lão nhân, nàng quát:
– Lão già kia! Mi có lại quỳ gối tạ tội không?
Đông-Sơn lão nhân cười nhạt:
– Ta không quỳ, hẳn nương giết ta chăng?
Mỹ-Linh trả lời chắc như đinh đóng cột:
– Đúng thế!
Đông-Sơn lão nhân cười rung động cả quảng trường lên.
Triệu Thành nói:
– Này cô nương. Nếu cô nương đỡ được của lão nhân mười chiêu kiếm, ta xin quỳ gối lạy tạ gã Lý Đức-Chính. Sau đó xin rời khỏi nơi này.
Tự-Mai vận khí vào đơn điền nói lớn:
– Xin anh hùng thiên hạ nghe đây. Bình-nam vương nhà Đại-Tống nói rằng, nếu như bà chị bé xíu này của tôi đỡ được mười chiêu kiếm của Đông-Sơn lão nhân, Triệu vương gia xin quỳ gối tạ lỗi với Khai-thiên vương, rồi rời khỏi đây. Phàm đánh cuộc phải có ăn có thua. Tôi cũng đánh cuộc, nếu bà chị tôi không đỡ được mười chiêu của Đông-Sơn lão nhân, tôi cũng xin theo hầu Triệu vương gia cả đời.
Quần hùng thấy con trai của chưởng môn phái Đông-a dám đánh cuộc to lớn như vậy, đều im lặng, lo lắng cho nó.
Mỹ-Linh tiến ra giữa đài, khoanh tay chờ đợi. Nữ đệ tử phái Mê-linh đều mặc áo xanh, quần đen, lưng thắt khăn vàng, cổ choàng khăn hồng. Mỹ-Linh mặc quần áo trắng quen rồi, nay nàng mặc quần áo xanh, lại hoá trang, thành ra không ai nhận được nàng, trừ phụ vương, thúc phụ với Tôn Đản, Tự-Mai.
Minh-Thiên thấy một cô gái dám ngang nhiên thách một đại kiếm khách như Đông-Sơn lão nhân đấu, ắt phải có biệt tài gì. Ông nhắc nhỏ:
– Lão nhân, phải cẩn thận.
Đông-Sơn lão nhân ra vẻ kẻ cả, lão nói:
– Tiểu cô nương ra chiêu trước đi.
Tay trái Mỹ-Linh bắt kiếm quyết. Tay phải nàng rút kiếm. Ánh thép lóe lên, thanh kiếm đã đưa sát vào ngực Đông-Sơn lão nhân. Đông-Sơn lão nhân tuyệt không ngờ trên đời lại có thứ kiếm thần tốc đến như vậy. Lão lộn người ra sau tránh. Mỹ-Linh di chuyển thân hình theo, thanh kiếm vẫn dí sát cổ lão. Lão kinh hoàng lộn liền ba vòng, nhưng thanh kiếm của Mỹ-Linh thủy chung vẫn dí sát cổ . Lão hét be be, vọt người lên cao. Xoẹt một tiếng, áo lão bị kiếm chọc thủng ở bên hông.
Mặt mũi lão tái mét. Mỹ-Linh lui lại hai bước, tra kiếm vào vỏ đánh cách một cái. Nàng nói như dạy dỗ kẻ dưới:
– Ta tha cho lão, vì vừa rồi lão chưa rút kiếm ra.
Khi Mỹ-Linh ra chiêu, Đông-Sơn lão nhân lui. Hai người cử động mau quá, chỉ thấy thấp thoáng bóng xanh, ánh thép. Mọi người kinh hoàng đến nín thở. Bây giờ họ mới kịp vỗ tay hoan hô Mỹ-Linh.
Đông-Sơn lão nhân sợ quá, đến đờ người ra. Tay lão rút kiếm, mà còn run run.
Khi Mỹ-Linh ra chiêu, tất cả đệ tử phái Mê-kinh đều nhận ra những chiêu nàng đánh. Đó là những chiêu rất bình thường. Nhưng có điều nàng ra chiêu thần tốc quá mà thôi. Sư thái Tịnh-Tuệ nhìn kỹ xem Mỹ-Linh tên gì, mà tuyệt bà không nhận ra. Bà nghĩ:
– Xem chừng thiếu nữ này là đệ tử đời thứ ba đây. Đệ tử đời thứ ba nhiều quá, ta làm sao nhớ hết. Không biết bằng cách nào mà nó luyện được bản lĩnh ảo diệu đến như thế? Hay một cao nhân phái khác cho đệ tử nhập bản phái hôm nay để cứu viện?
Nghĩ như vậy, nhưng bà thấy không phải. Vì rõ ràng kiếm pháp Mỹ-Linh đánh là Long-biên kiếm pháp.
Mỹ-Linh hỏi Đông-Sơn lão nhân:
– Người chuẩn bị chưa?
Đông-Sơn lão nhân cho rằng vừa rồi Mỹ-Linh ra chiêu trước, chiếm được tiên cơ. Lần này lão không để cho nàng đắc thế kiểu đó nữa. Lão rút kiếm nhằm đỉnh đầu nàng bổ xuống một chiêu như sét đánh. Mỹ-Linh không đỡ, nàng lao đầu về trước, rồi chĩa kiếm vào ngực y. Đông-Sơn lão nhân đã kinh nghiệm, lão vọt người lên cao. Mỹ-Linh cũng vọt lên như pháo thăng thiên. Ở trên cao, hai người chiết với nhau hơn mười chiêu.
Rơi xuống đài, Mỹ-Linh đánh liền một lúc mười tám chiêu. Mỗi chiêu biến làm ba mươi sáu chiêu khác. Ánh kiếm bạc bao phủ khắp người Đông-Sơn lão nhân. Lão vừa đỡ, vừa lui, vừa hò hét. Trong khi Mỹ-Linh phiêu phiêu, hốt hốt như tiên nga múa vũ Nghê-thường.
Tuy kiếm pháp Long-biên mau thực, nhưng Hoa-sơn kiếm pháp cũng không kém. Hai người như hai trái cầu bạc bao phủ lấy nhau. Không ai có thể phân biệt Mỹ-Linh với Đông-Sơn lão nhân nữa.
Minh-Thiên nhìn những chiêu kiếm Mỹ-Linh đánh ra, ông nghĩ:
– Ta thường nghe võ lâm đồn rằng Giao-chỉ có pho Long-biên kiếm pháp, khắc chế tất cả kiếm pháp Trung-nguyên. Ta không tin. Nay mới biết nghe không bằng thấy. Nếu ta là Đông-Sơn lão nhân, cũng đến chịu chết, chứ không biết phản công ra sao.
Về phía Tịnh-Huyền, bà nghĩ thầm:
– Hôm trước gặp Mỹ-Linh, ta thấy nó có nhiều duyên may, lại giầu tâm đ*o. Ta truyền tâm pháp cùng thuật ngữ luyện Long-biên kiếm pháp cho nó. Không biết sau đó, nó tìm ở đâu ra được kiếm phổ cùng nội công để luyện, mà nay đến trình độ này?
Trong khi đó Đông-Sơn lão nhân đánh liền ba chưởng cực kỳ hùng hậu. Mỹ-Linh biết công lực mình thấp, nàng vọt người ra xa, rồi quay tròn người như con chong chóng. Quả cầu bạc cũng quay theo. Khi quả cầu của nàng gặp quả cầu của Đông-Sơn lão nhân, chỉ thấy một ánh thép vọt lên cao. Mọi người nhìn xem, đó là một thanh kiếm bay lên.
Không biết thanh kiếm của ai.
Cử toạ nhìn xuống, thấy Mỹ-Linh khoanh tay đứng ở mép đài, tư thái khoan hòa, miệng mỉm cười. Còn Đông-Sơn lão nhân tay phải ôm cổ tay trái, máu ra xối xả.
Mỹ-Linh cất tiếng trong như sương mai, ngọt như cam thảo:
– Lão tiên sinh! Xin lão tiên sinh băng tay lại đi. Để máu ra nhiều quá e hại đấy.
Có bóng hồng bay vọt lên đài. Đó là một thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp. Nàng mặc quần lụa trắng, áo hồng, dây lưng vàng, cổ choàng khăn cũng mầu vàng. Tự-Mai, Tôn Đản nhận ra Lê Thiếu-Mai, con gái Hồng-Sơn đại phu. Thiếu-Mai lấy thuốc rịt vết thương, dùng vải băng cổ tay cho Đông-Sơn lão nhân. Động tác của nàng thành thạo, mau vô cùng. Băng xong, nàng nói:
– Lão tiên sinh! Vết thương nhẹ thôi. Tiên sinh vẫn có thể tái đấu được.
Đông-Sơn lão nhân cũng nhận ra nàng. Lão chắp tay:
– Đa tạ cô nương.
Tự-Mai bước ra hỏi Triệu Thành:
– Thế nào Triệu vương gia? Đông-Sơn lão nhân thua rồi. Vương gia mau đến quỳ gối tạ lỗi với Khai-thiên vương đi chứ?
Đông-Sơn lão nhân cầm kiếm lên nói với Mỹ-Linh:
– Cô nương! Vừa rồi cô nương dùng tà thuật, chứ không phải dùng kiếm pháp. Lão phu không phục. Xin cô nương thử diễn lại cho lão phu xem được không?
Cử toạ đều có ý nghĩ như Đông-Sơn lão nhân. Mỹ-Linh chưa quyết định, thì nghe tiếng Lăng-không của sư thái Tịnh-Tuệ:
– Chiêu này rất khó, con có diễn lại chúng cũng không bắt chước được đâu. Cứ diễn đi.
Mỹ-Linh mỉm cười, nàng nhảy ra xa, người quay tròn rất chậm. Mỗi vòng quay nàng đánh ra ba mươi sáu chiêu. Mỗi chiêu đều có sát thủ kinh người. Chiêu cuối cùng thì kiếm đâm vào giữa ngực Đông-Sơn lão nhân. Lão lùi lại tránh, thanh kiếm Mỹ-Linh co như con rắn, rồi bất thình lình vươn cổ mổ sang trái, trúng cườm tay lão nhân.
Biểu diễn xong nàng nghe tiếng Trần Kiệt nói vọng vào tai bằng lăng-không truyền ngữ:
– Cho lão đấu lại, vì lão chưa hiển lộ hết tuyệt kỹ Hoa-sơn kiếm pháp. Đợi khi lão đánh hết chiêu cuối cùng, rồi thắng lão cũng vừa.
Mỹ-Linh nghe vậy, nàng nói với Đông-Sơn:
– Nếu lão nhân không phục, ta đấu lại.
Nắng tháng tám chói chang, y phục Mỹ-Linh bay phất phới trên không đẹp vô cùng. Nàng nghe tiếng Khai-quốc vương nói:
– Không nên tấn công nhiều, phải cẩn thận, đừng để hai kiếm chạm nhau.
Mỹ-Linh khoan thai khi công khi thủ. Tay phải xử dụng kiếm, tay trái bắt kiếm quyết. Cứ mỗi lần nàng tấn công, Đông-Sơn lão nhân lại luống cuống. Mỹ-Linh thấy kiếm pháp của y cao minh hơn Đinh Hiền của Hồng-thiết giáo nhiều. Càng đánh kiếm của lão càng chậm lại, kiếm khí phát ra mạnh đến vỡ núi, tan thành. Mỗi chiêu lão đưa ra, kiếm khí kêu lên vo vo, mũi kiếm rung động. Nhiều khi kiếm của Mỹ-Linh chạm phải làn kiếm khí, khiến tay nàng muốn tê liệt. Nhưng nhờ có Vô-ngã tướng thiền công hộ thể, nên chân khí của lão bị nàng hút mất.
Khi được lệnh Đỗ Xích-Thập bảo phải thua Đông-Sơn lão nhân, mụ Hoàng Liên hơi ấm ức trong lòng. Bây gìơ nhìn Đông-Sơn lão nhân đấu với Mỹ-Linh, mụ phải tự nhận mình còn thua lão xa. Mụ than thầm:
– Cũng may mình với lão cùng là thần tử nhà Tống, chứ nếu mình đối địch với lão e bỏ mạng. Kiếm khí của lão mạnh thế kia mình bì sao kịp.
Về phía phái Mê-linh, sư thái Tịnh-Tuệ thấy tất cả các chiêu Mỹ-Linh đánh ra đều không có gì mới lạ. Những chiêu đó, bọn đệ tử đời thứ nhì đều biết hết. Có điều chiêu nọ nối liền chiêu kia liên miên bất tuyệt, tạo thành một bức thành đồng kiên cố quanh nàng. Hai nữa, nàng xử dụng mau quá, thành ra đối thủ chưa kịp phản ứng, chiêu khác đã tới.
Trước đây, nghe sư phụ, cùng các bậc tiền bối nói rằng Mê-linh kiếm pháp chính do kiếm pháp Long-biên thời vua An-dương lưu truyền. Vạn-Tín hầu nhờ pho kiếm này mà thắng khắp anh hùng Trung-nguyên. Đời Lĩnh-nam, tể tướng Nguyễn Phương-Dung, công chúa Phật-Nguyệt làm rung động triều Hán với pho tuyệt kỹ này. Đệ tử phái Mê-linh cho rằng đó chẳng qua huyền thoại. Không ngờ bây giờ thấy Mỹ-Linh xử dụng, họ mới tin là thực.
Đông-Sơn lão nhân đánh rất chậm chạp, mỗi chiêu kiếm khí tuôn ra mạnh vô cùng. Trong khi Mỹ-Linh hư hư, thực thực, khiến lão cứ phải nhảy nhót tránh né.
Tịnh-Tuệ thấy lúc đầu Mỹ-Linh xuất thủ còn gượng gạo. Càng về sau càng thuần thục. Là đại tôn sư võ học, bà biết ngay rằng Mỹ-Linh mới học Mê-linh kiếm pháp, có lẽ lần đầu tiên gặp đối thủ có bản lĩnh tinh diệu như vậy, cho nên nàng mới phải dở hết bản lĩnh chân thực ra.
Sau sáu trăm chiêu, Đông-Sơn lão nhân đã xử dụng hết Hoa-sơn kiếm pháp. Mỹ-Linh hiểu được nguyên tắc kiếm thuật của y. Cho nên mỗi chiêu y đánh ra, nàng đều đoán trước. Tuy vậy, vì công lực y quá cao thâm, nàng không thể nào đưa kiếm xuyên vào người, đả thương lão. Trong khi đó, công lực nàng cạn dần.
Các đại tôn sư võ học đều nhận thấy mối nguy cho Mỹ-Linh. Khi Mỹ-Linh lên đài. Minh-Không thiền sư chỉ liếc qua, ngài đã biết nàng luyện nội công Tiêu-Sơn. Hôm trước nghe sư đệ Huệ-Sinh kể rằng mới thu nhận công chúa Bình-dương làm đệ tử. Thiền sư biết ngay là cô gái này. Ngài nghĩ:
– Có lẽ phải giúp công chúa Bình-dương thắng lão Đông-Sơn.
Nghĩ vậy ngài nói với sư thái Tịnh-Tuệ:
– Bạch sư thái! Dễ thường Ngọ rồi. Sư thái làm trưởng ban tổ chức. Xin sư thái tụng cho oan hồn tử sĩ thời Lĩnh-nam đoạn đầu kinh Lăng-già, để họ siêu thoát.
Trong Phật giáo, giữa những người luyện thiền công với nhau, khi luyện lâu rồi, đi đến cái gọi là nhân ngã tương thông. Hai bên chỉ nhìn nhau, hoặc nghe nhau nói một câu, họ hiểu nhau liền. Sư thái Tịnh-Tuệ với thiền sư Minh-Không cũng thế. Sư thái biết quốc sư muốn bà tụng kinh Lăng-già, để giúp Mỹ-Linh. Nhưng bà hơi ngạc nhiên. Vì kinh Lăng-già có mục đích bỏ ác tính, đi đến chân không. Nội công âm nhu phái Long-biên vốn thuộc sắc tính đi đến giết người trong chớp mắt. Mỹ-Linh mới luyện nội công này, vì vậy không đủ thâm hậu thắng Đông-Sơn lão nhân. Nay nếu bà đọc kinh Lăng-già lên ắt sức mạnh của nội công âm nhu trong người Mỹ-Linh ắt giảm. Như vậy chẳng hóa ra hại nàng ư?
Một tia sáng loé lên:
– Phải rồi, Mỹ-Linh đã luyện Vô-ngã tướng công. Nếu đọc kinh Lăng-già lên, sắc tướng của Vạn-tín hầu biến đi, công lực Mỹ-Linh mới mạnh được.
Bà định tâm, nhập thiền thực nhanh, đưa mắt nhìn Bồ-tát Minh-Không. Giữa tâm hai người nở ra như bông sen. Bà hiểu ngay:
– Minh-Không thực đã thành đại Bồ-tát. Thì ra ngài đâu có nói với mình! Mà nói với con ma Hoàng Liên. Mình chẳng cần tụng, mang tiếng.
Trong khi bà đang suy nghĩ, cũng đúng lúc mụ Hoàng Liên suy nghĩ như ma chướng của mụ. Mụ nghĩ thầm:
– Chi bằng ta tụng kinh Lăng-già lên cho con nha đầu kia thua lão Đông-Sơn. Nếu ai có trách cứ, ta đổ cho lão Minh-Không.
Nghĩ rồi mụ tụng liền:
Sắc thảy và tâm không,
Sắc thảy nuôi lớn tâm,
Thân thọ dụng an lập.
Tàng thức hiện chúng sinh,
Tâm, ý cùng với thức,
Tự tính pháp có năm,
Vô ngã hai thứ tịnh.
Diễn rộng nói thế này:
Dài, ngắn, có, không, thảy,
Lần lượt lẫn nhau sinh.
Mỹ-Linh đang chiết chiêu, tự nhiên nghe bốn câu kinh kia lọt vào tai. Kinh Lăng-già nàng đã tụng hàng trăm, hàng ngàn lượt, đến độ nàng thuộc làu. Thành ra khi Hoàng Liên tụng, bao nhiêu sắc tướng, cùng sát thủ của nội công âm nhu Vạn-Tín hầu từ từ giảm xuống. Kiếm chiêu của nàng chậm lại dần. Nhưng mỗi khi kiếm của nàng chạm vào kiếm khí của Đông-Sơn lão nhân, nàng không thấy tê dại nữa. Trái lại nàng thấy chân khí của lão theo kiếm truyền vào người nàng.
Mụ Hoàng Liên không biết rõ tình thế. Mụ thấy kiếm của Mỹ-Linh chậm lại. Mụ cho rằng việc mình làm có kết quả. Mụ tụng tiếp:
Bởi không nên thành có,
Do có nên thành không,
Vi trần việc phân biệt,
Chẳng khởi vọng tưởng sắc.
Tâm lượng chỗ an tập,
Ác kiến chẳng là ưa,
Phi cảnh giới giác tưởng,
Thanh văn cũng như thế.
Chỗ nói của cứu thế,
Cảnh giới của tự giác.
Đến đây, trong tâm Mỹ-Linh hoàn toàn trống rỗng. Nội công âm nhu Vạn-Tín hầu như nước về nguồn rót vào đơn điền. Trong khi đó Vô-ngã tướng thiền công toả khắp thân nàng. Tay nàng nặng chĩu, kiếm chiêu càng chậm hơn. Nhưng kình lực toả ra cực rộng. Giữa kình lực của nàng với kình lực của lão đẩy vào nhau, thành ra hai người đứng cách xa nhau đến hai trượng mà chiết chiêu. Áp lực của hai người làm bàn thờ rung rinh.
Kiếm khí khiến râu tóc Đông-Sơn lão nhân dựng đứng dậy. Trong khi quần áo Mỹ-Linh bay phơi phới.
Trần Tự-An, Đoàn Huy nháy nhau, cả hai đồng đến trước bàn thờ xuất chưởng bảo vệ. Công lực của hai đại tôn sư võ học quả kinh người. Họ chỉ đứng đưa hai bàn tay ra, mà bàn thờ lại trở về thế bình thường.
Cả quảng trường có tới mấy vạn người, mà im lặng, không một tiếng động. Họ đều nín thở theo dõi cuộc đấu có một không hai trên đời.
Cứ mỗi lần Mỹ-Linh đẩy ra một chiêu, Đông-Sơn cũng tiếp một chiêu. Hai người cùng rung động. Người không biết võ cứ tưởng họ là thầy phù thủy bắt bùa, làm phép.
Mỹ-Linh nghe tiếng sư phụ Huệ-Sinh dùng Lăng-không truyền ngữ:
– Hãy bỏ ra ngoài Lục-căn. Làm theo sư phụ. Nào, bỏ nhãn.
Mỹ-Linh bỏ ra ngoài nhãn ý. Nàng nhìn về trước, rõ ràng thấy Đông-Sơn lão nhân, khi nàng nhập vào sâu Thiền, chỉ thấy mờ mờ có hình người, không phân biết lão Đông-Sơn hay các vị tôn sư đang ngồi coi. Đến đó kiếm nàng đưa ra, lực đạo chạm vào kiếm Đông-Sơn lão nhân, khiến cả hai cùng bật tung, lùi lại hai ba bước.
Quảng trường có mấy vạn người, nhưng rất ít người hiểu được cuộc đấu kiếm khí trên đài. Kình lực làm y phục Mỹ-Linh căng phồng lên. Dây lưng, khăn bay phất phới. Nàng từ từ đưa kiếm về trước. Trong khi Đông-Sơn lão nhân cũng đẩy kiếm hướng nàng. Cả hai cùng cảm thấy như đẩy kiếm vào vách núi, trong khi hai mũi kiếm cách nhau hơn trượng.
Tiếng Huệ-Sinh nói vào tai Mỹ-Linh:
– Được rồi bỏ nhĩ.
Mỹ-Linh định thần, nhập sâu vào Thiền hơn nữa. Tai nàng không còn nghe được tiếng động xung quanh. Mũi kiếm của nàng nhẹ dần. Trong khi đó chân khí của Đông-Sơn lão nhân cuồn cuộn tràn vào cơ thể nàng. Nàng quy liễm vào đơn điền. Khoảng cách hai người ngắn dần.
Tiếng Huệ-Sinh nói:
– Được rồi! Bỏ tỵ, bỏ thân!
Bây giờ Mỹ-Linh nhập Thiền cực sâu. Mũi nàng không còn ngửi thấy mùi hương. Chính bản thân nàng biến đi. Chân khí Đông-Sơn lão nhân cuồn cuộn chảy vào người nàng, mà nàng cũng không biết. Nàng đứng đó, mà giống như một người ngủ. Trong giấc mê chỉ còn nhớ mơ hồ rằng nàng đang đấu với Đông-Sơn lão nhân.
Tiếng sư phụ Huệ-Sinh như trong giấc mơ:
– Được rồi. Khoan bỏ ý.
Nàng cảm thấy nội lực Đông-Sơn lão nhân cuồn cuộn truyền qua kiếm nhập cơ thể nàng. Khoảng cách giữa nàng với lão ngắn dần, ngắn dần lại, đến độ hai kiếm sắp chạm vào nhau.
Trong khi đó nội công Đông-Sơn lão nhân phát ra tối đa. Hai người cùng từ từ đưa kiếm về trước. Hai mũi kiếm dính liền lại với nhau. Mỹ-Linh buông lỏng chân khí. Trong khi Đông-Sơn lão nhân đồn hết nội lực ra, hy vọng đánh gẫy kiếm nàng.
Mụ Hoàng Liên thấy hai người đấu nội lực, mụ cho rằng Mỹ-Linh còn trẻ, nội lực muôn ngàn lần không thể bằng Đông-Sơn lão nhân. Mụ đọc tiếp :
Xa lìa chấp đoạn trường,
Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có không,
Mà khởi tâm đại bi.
Bốn câu này nhập vào tai Mỹ-Linh, tòng tâm nàng bỏ lỏng căn thứ sáu trong lục căn là « ý ».
Đến đây nội công âm nhu hoàn toàn biến mất. Vô-ngã tướng thiền công biến Mỹ-Linh thành một người trống rỗng. Chân khí Đông-Sơn lão nhân dồn ra bao nhiêu, bị cơ thể nàng nạp bấy nhiêu. Hai bên đấu trong khoảng ăn một bữa cơm, trên đầu Đông-Sơn lão nhân bốc thàng một làn khói trắng. Lão thấy chân khí tuôn ra cuồn cuộn, cứ trình độ này thì lão sẽ kiệt quệ mà chết. Lão muốn buông kiếm, nhảy lùi lại, mà buông không được. Lão muốn lên tiếng năn nỉ Mỹ-Linh, nhưng lão biết chỉ cần mở miệng ra, sẽ hộc máu chết tại chỗ.
Một lát sau, bao nhiêu chân khí của lão kiệt quệ. Đúng lúc đó Mỹ-Linh rùng mình trở lại thực tại. Nàng thấy lão run run, động lòng trắc ẩn, thu kiếm nhảy lùi lại. Lão lảo đảo muốn ngã.
Địch Thanh nhảy lên đàn đỡ lão:
– Sư phụ! Sư phụ!.
Mặt Đông-Sơn lão nhân co rúm lại. Mới qua hơn giờ, mà trông lão già hơn trước đến hai mươi tuổi. Lão nói yếu ớt:
– Cô nương! Đa tạ cô nương nhẹ tay.
Địch Thanh đỡ sư phụ xuống đài.
Trận đấu kết thúc thực bi thảm. Tự-Mai hướng vào Triệu Thành:
– Triệu vương gia. Xin vương gia giữ lời hứa, đến trước Khai-thiên vương dập đầu tạ tội, rồi rời khỏi nơi đây đi chứ?
Triệu Thành hướng vào Mỹ-Linh:
– Tiểu cô nương. Kiếm pháp tiểu cô nương cao minh bậc nhất trên thế gian. Không biết ai là sư phụ của cô nương? Xin cô nương cho biết cao danh quý tính.
Mỹ-Linh không quen nói dối, lại quên mất mình đã cải trang, nàng chỉ vào sư thái Tịnh-Huyền:
– Thái…thái… sư phụ dạy kiếm pháp cho tôi.
Nàng định nói thái cô nhưng như vậy sẽ bị lộ, nên nàng nói bà là thái sư phụ. Triệu Thành không tin:
– Xin cô nương cho biết cao danh quý tính của tôn sư.
Mỹ-Linh nói lảng:
– Tôi học kiếm với mẫu thân.
Câu nói sau cùng của Mỹ-Linh làm Nhật-Hồ lão nhân nhận ra nàng. Bởi cách đây ít lâu, lão đã thấy nàng xử dụng kiếm pháp Long-biên đánh bại đệ nhất cao đồ của lão là Vũ Nhất-Trụ trong hầm Cổ-loa. Nàng lại thẩm vấn lão, nên dù nàng cải trang, uống thuốc cho đổi tiếng nói, lão cũng nhận ra nàng. Lão đến trước nàng xá ba xá:
– Công chúa điện hạ. Lão phu có mắt như mù. Đại giá công chúa điện hạ lên đài từ nãy đến giờ mà lão phu không nhận ra.
Mỹ-Linh lột tấm da người bao trên mặt, cử toạ reo lên rung chuyển trời đất, vì họ thấy khuôn mặt cực kỳ xinh đẹp của nàng. Nàng tiến đến trước sư bá Minh-Không, sư phụ Huệ-Sinh hành lễ, lại đến trước ông nội, phụ vương, thúc phụ… quỳ xuống rập đầu lạy tám lạy, rồi ôm kiếm đứng hầu phía sau.
Triệu Thành kinh hoàng:
– Trời ơi! Không thể tin được. Con nha đầu này trước đây chỉ biết có mấy thế võ mèo cào. Không ngờ nay y thị học ở đâu được võ công cao thế này?
Triệu-Thành nói lảng ra truyện khác:
– Thưa các vị anh hùng võ lâm Đại-Việt. Chúng ta ước định đấu ba trận. Trận đầu Địch trạng nguyên thắng Nguyễn Chí. Trận thứ nhì vì có sự vu cáo sư thái Hoàng Liên người của Đại-Tống, coi như không kể. Vậy tôi đồng ý trận thứ nhì tiểu cô nương đây đấu với Đông-Sơn lão nhân. Bên Giao-chỉ thắng trận nhì. Còn trận thứ ba, xin mời đệ nhất cao nhân Giao-chỉ đấu với sư phụ của tôi, Minh-Thiên đại sư.
Tự-Mai quát lớn:
– Đúng như thế! Nhưng trước khi đấu trận nhì, Triệu vương gia nói rằng: Nếu bà chị bé xíu của tôi đỡ được mười chiêu của Đông-Sơn lão nhân, Triệu vương gia xin quỳ gối tạ tội trước Khai-thiên vương. Bây giờ không những chị tôi đã đấu với lão gần nghìn chiêu, lại đánh cho lão suýt mất mạng. Vậy Triệu vương gia thực hành lời hứa đi chứ?
Khai-thiên vương thấy con gái thắng đệ nhất kiếm khách Trung-quốc. Tuy rằng trung gian có sự trợ giúp của quốc sư Minh-Không. Bản tính vương ôn nhu, thấy vậy cũng thoả mãn rồi. Nay bắt Triệu Thành quỳ lạy, e làm nhục y thái quá. Vương phất tay:
– Cháu Tự-Mai, như vậy đủ rồi. Làm kiếm văng vào chân ta do Đông-Sơn lão nhân, lão đã bị bại rồi. Bình-nam vương gia vô can. Vả lại vương gia là sứ thần của Đại-tống, không thể bắt hành lễ với bất cứ ai, ngoại trừ bài vị các vị anh hùng Đại-Việt. Mà việc này, vương gia đã làm rồi.
Mỹ-Linh xuống đài, chắp tay đứng hầu sau thái cô Tịnh-Huyền. Còn Tự-Mai, Tôn Đản trở về khán đài phái Đông-a.
Xin đọc tiếp bộ:
Anh Hùng Bắc Cương
.