Thiệu-Thái, Bảo-Hòa được Bố Đại dạy võ công. Hai anh em nhắm mắt luyện một lúc. Khi mở mắt ra, trời đã sáng tỏ. Bố Đại bỏ đi từ hồi nào. Bảo-Hoà kinh hãi:
– Chết rồi, dễ thường tới giờ Mão cũng nên. Mau trở về theo mạ mạ đi dự hội, không trễ.
Hai anh em trở về chỗ đóng của phái Tây-vu, trại vắng vẻ. Trong trại, còn mấy đệ tử trẻ gác. Trên trời năm con diều hâu đang bay lượn canh phòng.
Thiệu-Thái hỏi:
– Ông nội với bố mẹ tôi đâu?
Đệ tử đó đáp:
– Sáng nay các ngài cho tìm thế tử với quận chúa mà không thấy, nên các ngài lên đường trước rồi. Hai vị mau lấy ngựa theo gấp, mới kịp.
Thiệu-Thái hú một tiếng, con hùm xám của chàng với con hùm trắng của Bảo-Hoà chạy tới. Hai anh em rửa mặt, ăn uống qua loa, rồi vọt lên lưng hùm hướng về Lộc-hà mà phi.
Đang phi, có tiếng chim ưng kêu trên trời, Thiệu-Thái nhìn lên, nói với em:
– Dường như chim ưng của mạ mạ sai đi tìm chúng mình.
Bảo-Hoà hú lên một tiếng. Hai con hùm ngừng lại. Nàng vẫy tay gọi chim ưng xuống. Nàng lý luận với anh:
– Anh em chúng mình luyện võ ở bờ sông, đâu có xa doanh trại là mấy mà chim ưng không tìm được? Chẳng qua mạ mạ thấy bọn mình luyện công, để yên cho luyện. Chứ nếu muốn, mạ mạ đã gọi bọn mình rồi. Chim ưng này chắc của cậu hai.
Hai con chim ưng đang bay, thấy Bảo-Hoà vẫy tay gọi, chúng lượn một vòng rồi đáp xuống. Quả nhiên chim của Khu-mật viện. Bảo-Hoà móc thư dưới chân chúng coi. Nàng nhận ra bút tích của Khai-quốc vương. Trong thư Khai-quốc vương ra lệnh cho nàng với Thiệu-Thái phải thay đổi y phục, giả làm đệ tử Hồng-thiết giáo, hầu biết hết âm mưu của chúng. Trên đường đi, sẽ có người trao quần áo cùng thẻ bài cho.
Hai anh em đi một quãng, có ông già gánh hai bên hai chậu hoa cúc vàng rất đẹp. Ông lão thấy hùm, không những không sợ, lại đứng nhìn thản nhiên. Ông dơ tay ngăn anh em nàng lại, rồi vẫy tay cho hai người theo ông vào trong khu vườn hoang. Ông lấy ra cái túi đưa cho Thiệu-Thái:
– Hai vị thay quần áo, để thành giáo chúng Hồng-thiết giáo.
Thiệu-Thái biết ông là người của Khu-mật-viện. Chàng cầm lấy cái túi. Hai anh em vào bụi cây mở ra. Trong có hai bộ quần áo giáo chúng, vội mặc vào người.
Ông lão dặn:
– Khu-mật viện bắt được một đôi nam nữ, là anh em ruột. Trước đây Lê Ba cho sang Tây-dương du học với Hồng-thiết giáo bên ấy. Vậy hai vị phải giả làm hai tên này. Khi đi chúng còn nhỏ, bây giờ trở về, chính Lê Ba cũng không nhận ra chúng. Trong đại hội Lê Ba với Nhật-Hồ sẽ tranh dành, hai vị bênh Lê Ba, tàn sát các phe phái khác. Các vị nhớ nam tên Trần Đông-Thiên, nữ tên Trần Quỳnh-Hoa.
Lão đem hồ, bột, mầu ra hoá trang cho anh em Bảo-Hoà. Tài nghệ hoá trang của lão rất thần kỳ. Bảo-Hoà không còn nhận ra anh mình nữa. Xong lão cho mỗi người một viên kẹo:
– Hai người ngậm viên kẹo này, tiếng sẽ đổi đi. Còn hai con hùm, các vị cứ mang theo. Lát nữa các vị ra đường sẽ có hai con ngựa. Đó là ngựa của Trần Đông-Thiên với Trần Quỳnh-Hoa mang từ bên Tây-dương về. Các vị cỡi ngựa chạy trước, cho hùm theo sau. Đây là cuốn cẩm nang. Hai vị khoan thai đọc, để thi hành lệnh của thượng cấp.
Thiệu-Thái nghe ông nói chợt hiểu rằng ông không biết lý lịch anh em chàng, nên mới nói « để thi hành lệnh cuả thượng cấp. »
Bảo-Hòa dùng tiếng cọp nói với đôi hùm mấy câu. Hai con hùm ngoan ngoãn theo sau. Hai anh em từ biệt lão già ra đường. Ngoài vệ đường có hai con ngựa cực kỳ hùng vĩ. Hai anh em lên ngựa hướng Lộc-hà phi. Hai con hùm theo sau một quãng.
Đi được mấy dặm, Thiệu-Thái nói nhỏ với em:
– Cẩn thận, phía sau có ba kị mã đang phi như bay tới.
Bảo-Hoà mừng thầm, vì với nội công cuả nàng, còn chưa nghe thấy tiếng ngựa phi từ xa, mà Thiệu-Thái đã nghe rõ, ắt chàng đã biết xử dụng nội công của Bồ-tát Sùng-Phạm rồi.
Đúng như Thiệu-Thái nói, từ phía sau ba kị mã phi tới như bay. Ba con ngựa đang phi, thấy phía trước có hai con cọp, chúng kinh hãi, ngừng lại.
Vì chúng ngừng khẩn cấp, phải dựng đứng hai vó trước lên, cất tiếng hí inh ỏi. Ba kị mã cố gắng ghìm cương ngựa lại, nhảy xuống đất. Một người chửi thề:
– Tổ mẹ nó, hai đứa thối tha nào kia, hết chỗ chơi rồi hay sao, mà đem ông kễnh ra đường ngăn lối tổ nội mi?
Bảo-Hoà cực kỳ sùng kính thân mẫu. Nghe người kia chửi tổ mẹ thì nàng chịu sao nổi? Nàng nhảy xuống đất, hú lên một tiếng, con hùm trắng quay đầu lại vồ người kia. Người kia không ngờ con cọp trắng lại vồ mình bằng động tác mau như vậy. Y nhảy vọt lên cao tránh khỏi. Ở trên cao, y đá gió một cái, người tà tà đáp xuống cách con cọp mấy trượng.
Con cọp vồ y là hư chiêu. Bảo-Hoà hú mấy tiếng nữa, nó đổi chiều, chộp con ngựa của y. Con ngựa bị vồ trúng cổ, mắt. Nó hý lên một tiếng thê thảm, rồi ngã lộn xuống ruộng. Tiếng hí đau đớn của nó lẫn với tiếng hí của hai con ngựa còn lại, gây thành tiếng ồn ào, át cả ba tiếng quát tháo của ba kị mã. Con ngựa khốn nạn vẫn chưa chết, dẫy đành đạch. Cất tiếng kêu thảm thiết.
Nói thì chậm, chứ diễn biến thực mau, con cọp vồ, người kia nhảy lên. Nó chuyển sang vồ ngựa, ngựa ngã, người kia đáp xuống đất… Chỉ thoáng một cái.
Con cọp lộn trở lại. Bảo-Hoà cỡi trên lưng nó, thản nhiên nhìn người kia bằng con mắt lạnh lùng.
Người kia đáp xuống đất, cùng với hai đồng bọn dàn hàng ngang, đứng chặn trước hai con ngựa khoẻ, như che chở cho chúng.
Bấy giờ Bảo-Hoà mới chú ý đến ba kị mã. Tên kị mã bị mất ngựa, thân hình gầy, mặt giống lưỡi cầy, da đầy mụn. Y trẻ nhất. Tên thứ nhì mập ú. Cái đầu của y tròn trùng trục. Trong khi mũi, mắt, miệng xúm xít nhau lại một chỗ rất nhỏ. Thành ra mới nhìn, cứ tưởng đầu y là một trái dưa thịt. Tên thứ ba, dáng người thanh nhã, mặt hơi dài, da trắng. Y trang phục giống như một Nho sĩ.
Tên mặt lưỡi cầy bình tĩnh trở lại, cất tiếng chửi thề:
– Con đượi non kia, mi làm gì thế?
Bảo-Hòa móc trong túi ra ba viên thuốc. Nàng dùng kình lực búng mạnh. Đây là thủ pháp xuất phát từ Phục-ngưu thần chưởng. Ba viên thuốc quay với tốc độ thực nhanh, nhưng đi thực chậm, hướng ba kị mã. Tên kị mã béo tròn đưa tay định bắt ba viên thuốc. Nhưng véo, véo, véo ba tiếng, Bảo-Hoà bắn ra ba viên thuốc nữa, bay thực nhanh, trúng ba viên thuốc trước. Cả sáu viên thuốc đều vỡ tan thành bụi. Tên béo tròn bắt hụt.
Tên Nho-sinh phất tay vào đám bụi thuốc, đưa lên mũi ngửi, rồi tiến lên thi lễ:
– Cô nương! Cái thứ thuốc độc trẻ con của cô nương, đem xử dụng với ai thì được, chứ với anh em tại hạ , chẳng qua là trò chơi. À thuốc này của bản giáo đây.
Quả tình Bảo-Hòa đã dùng thứ thuốc độc trước đây đã tấn công Địch-Thanh. Thứ thuốc này là ám khí đặc chế của phái Tây-vu. Chỉ cần viên thuốc vỡ tan thành bụi, bám vào tay đối thủ, mấy khắc sau, tay đối thủ sưng lên ngay. Nếu không có thuốc giải, ba ngày sau, cánh tay bị hư. Không ngờ bọn này tưởng lầm là thuốc của Hồng-thiết giáo.
Bảo-Hoà thấy ám khí của mình, không làm gì được đối thủ, nàng đã hơi kinh ngạc. Khi nghe Nho-sinh nói vậy, nàng biết gặp tay kình địch.
Gã mặt lưỡi cầy nhảy xuống ruộng quan sát con ngựa, thấy nó bị thương nặng, biết khó tránh khỏi cái chết, y phóng vào đầu nó một chưởng. Đầu con ngựa bị vỡ làm đôi. Nó nằm im lìm.
Khi y phát chưởng, Thiệu-Thái bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Vì chiêu thức của y giống hệt võ công Tản-viên. Chàng đưa mắt cho Bảo-Hoà, ngụ ý dặn em cẩn thận.
Tên mặt lưỡi cầy lên đường, từ từ tiến tới trước anh em Bảo-Hoà, vung tay chụp nàng. Bảo-Hoà thấy y khinh thường mình, nàng bước ngang một bước, đẩy về phía trước chiêu Long-hổ chưởng. Kình lực mạnh như thác đổ.
Hai tay chạm nhau, Bộp một tiếng, tên mặt lưỡi cầy bay vọt trở lại sau. Cánh tay y gần như tê dại. Y cười lớn:
– Con lỏi kia, lão gia vì khinh địch, nên chỉ vận có hai thành công lực. Mi hãy coi đây.
Y phóng về trước một chưởng. Chưởng phong cực kỳ hùng hậu. Hai con cọp vội nhảy lùi bốn bước để khỏi bị áp lực. Bảo-Hoà thấy công lực đối phương cao thâm, nàng không dám coi thường, thuận tay phát chiêu Ác ngưu nan độ. Chưởng phong xoáy tròn đẩy về trước.
Hai chưởng gặp nhau, Binh một tiếng. Cả hai đều bật lui. Tên mặt lưỡi cầy lùi liền bốn bước. Còn Bảo-Hoà lùi một bước. Thắng bại đã phân. Thiệu-Thái cũng như đồng bọn tên mặt lưỡi cầy đều kêu lên tiếng kinh ngạc. Thiệu-Thái kinh hoàng nghĩ:
– Công lực Bảo-Hoà đâu phải tầm thường, mà dường như ngang tay với tên này. Vậy y là ai, mà võ công mình chưa hề thấy qua?
Tên Nho sinh tiến lên hô lớn:
– Ngừng tay!
Y chắp tay thi lễ với Bảo-Hoà:
– Cô nương. Phải chăng vừa rồi cô nương xử dụng chiêu Ác ngưu nan độ của phái Tản-viên?
Bảo-Hoà gật đầu:
– Đúng thế. Tiên sinh thấy thế nào?
Tên Nho sinh hỏi tiếp:
– Chẳng hay cô nương gọi tiền bối Đỗ Xích-Thập là gì?
Bảo-Hòa nhớ lại, hôm rồi Thiệu-Thái kể rằng trong khi chàng cùng Mỹ-Linh phục ở nhà Hoàng Văn, nghe bàn truyện, thì biết Đỗ Xích-Thập thuộc phái Tản-Viên. Vai vế y cao hơn chưởng môn Đặng Đại-Khê một bậc. Có lẽ ba tên này quen biết với y nên mới gọi y là tiền bối. Nàng đáp mập mờ:
– Điều này bí mật, tôi không thể nói ra được. Phải chăng tiên sinh có quen biết với người? Tiên sinh nói trước đi, rồi tôi mới nói.
Gã Nho-sinh thấy Bảo-Hoà nói bằng giọng trẻ con. Y nghiêm trang:
– Tiền bối Đỗ Xích-Thập là bề trên của anh em tại hạ.
Bảo-Hoà chợt tỉnh ngộ:
– Chắc ba tên này thuộc Hồng-thiết giáo đây. Đã vậy, ta thử dò la xem sao?
Nàng cười đáp:
– Bề trên là thế nào mới được? Đỗ trưởng lão rất tin tưởng vào anh em tại hạ.
Tên Nho-sinh sáng mắt ra:
– Thì ra tiểu cô nương cũng thuộc người Hồng-thiết giáo đấy!
– Tiên sinh có biết tin giáo chủ Nhật-Hồ lão nhân gia mới tái xuất thế không?
– Anh em tại hạ nghe tin, vội phi ngựa bất kể ngày đêm về xem sự thể thế nào. Tin tức có thực không?
– Thực một trăm lần. Cả tứ trưởng lão Nguyễn Chí cũng tái xuất thế nữa. Hôm nay bản giáo sẽ xuất hiện, trấn áp quần hùng, chiếm chức minh chủ võ lâm Đại-Việt.
Tên mập ú tỏ vẻ thận trọng:
– Cô nương nói vậy ta tin vậy. Nếu cô nương là đệ tử bản giáo, cô nương có dám để ta phóng Nhật-hồ độc khí vào người không?
Thiệu-Thái nhớ lại hôm lấy cung Nhất-Trụ, y khai rằng, phàm khi giao chúng Nhật-Hồ gặp nhau, thường đem độc chưởng ra đọ để biết vai vế cao thấp. Chàng mỉm cười:
– Dĩ nhiên anh em tại hạ dám. Xin các vị nhìn đây.
Chàng vận khí, phát chiêu Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng đánh vào một cây bên đường. Bình một tiếng, thân cây to bằng cổ chân gẫy đôi, từ từ đổ xuống. Gã béo mập thấy kình lực của Thiệu-Thái, y kinh hoảng:
– Công tử! Với công lực này, tại hạ e ngang với các vị trưởng lão. Vậy công tử học với ai?
Bảo-Hòa dọa y:
– Chúng tôi được gửi sang Tây-dương, học nghệ với Tây-dương Hồng-thiết giáo chủ.
– À thì ra thế! Vậy công tử đây là Trần Đông-Thiên còn cô nương là Trần Quỳnh-Hoa đấy. Anh em chúng tôi nghe trước đây hai giáo chúng Đại-Việt được giáo chủ Tây-dương Hồng-thiết thu làm đệ tử, nay thành tài, đang trên đường về Đại-Việt. Thực hân hạnh cho anh em tại hạ. Hai vị đi dự đại hội võ lâm hẳn?
– Chúng tôi đi dự lễ Bắc-bình vương. Còn các vị?
– Chúng tôi tìm gặp Đỗ tưởng lão. Ba anh em chúng tôi là đệ tử của người. Tôi lớn nhất tên Đỗ-xích Nhất-Bách. Phụ trách giáo chúng ở châu Vĩnh-An.
Bảo-Hòa kinh hãi:
– Vĩnh-An là châu lớn trong 207 Khê-động của mạ mạ ta hiện do họ Hoàng làm thủ lĩnh, tiếp giáp với Hợp-phố, Như-tích, Để-trạo của Khâm-châu Trung-quốc. Không ngờ cũng có bọn Hồng-thiết ẩn thân.
Y chỉ gã to béo:
– Nhị đệ tên Đỗ-xích Nhị-Bách. Phụ trách giáo chúng châu Tô-Mậu.
Bảo-Hòa kinh hãi ngầm:
– Châu Tô-Mậu trong đó có ba động Na-dương, Đình-lập, An-châu, do Vi Thủ-An làm thủ lĩnh, giáp giới với châu Thiên-long, Cổ-vạn, Tư-minh thuộc Ung-châu nhà Tống.
Y chỉ gã mặt lưỡi cầy:
– Tam đệ tên Đỗ-xích Tam-Bách. Phụ trách giáo chúng Lạng-châu.
Bảo-Hòa rùng mình, vì châu Lạng, do chú nàng tên Thân Thừa-Phú làm thủ lĩnh. Đây là châu khá lớn, trong đó đó ba động Quang-lang, Môn-văn, Vạn-nhai. Phần đất này tiếp giáp với các châu Vĩnh-bình, Tây-bình, Tư-lăng, Lộc-châu do Vi Đại-An cai quản.
Thiệu-Thái chỉ con ngựa của chàng bảo Đỗ-xích Tam-Bách:
– Em tôi vì không biết, nên có chỗ mạo phạm, tôi xin nhường con ngựa của tôi cho nhân huynh. Tôi cỡi con cọp này được rồi. Chúng ta mau đến Lộc-hà, không trễ mất. Hai con ngựa này, chúng tôi mang từ Tây-dương về đấy.
Gã mặt lưỡi cầy trầm trồ khen ngợi con ngựa cao lớn hùng vĩ, rồi nhảy lên. Cả bọn phi trước. Thiệu-Thái cỡi cọp theo sau.
Bảo-Hoà phi song song với Đỗ-xích Nhất-Bách, nàng giả tảng để dò la:
– Không biết ở Bắc-biên bản giáo còn những ai ẩn thân truyền giáo nữa? Kỳ đại hội này có về không?
Đỗ-xích Nhất-Bách lắc đầu:
– Chắc hai vị du học ở Tây-dương lâu, nên không biết rõ tình hình bản giáo. Nguyên khi giáo chủ qui tiên thình lình, người không để di chúc lại cho ai thay người, vì vậy giáo chúng chia làm chín nhóm. Mỗi nhóm ủng hộ một vị trưởng lão trong hội đồng giáo vụ trung ương. Đôi khi còn đánh giết lẫn nhau. Suốt một giải Bắc-biên này, đều theo về Đỗ trưởng lão.
Y thở dài:
– Nhưng Hoàng Văn trưởng lão lại phụ trách vấn đề người Tống ở đất Việt. Một giải Bắc-biên có không biết bao nhiêu người Tống sống lẫn với dân khê động. Vì vậy giáo chúng có sự đụng chạm không ít.
Thiệu-Thái làm bộ buồn:
– Chúng tôi ở Tây-dương, thành ra không biết gì cả. Theo như Đỗ huynh, bây giờ giáo chủ xuất hiện, liệu có thống nhất bản giáo lại được không?
– Chắc là được. Vì chỉ mình giáo chủ xử dụng được Hồng-thiết giáo thần công, để trị tuyệt Nhật-hồ độc chưởng. Nhưng từ khi giáo chủ vắng bóng, giáo chúng qui tụ về ba trưởng lão. Một là Lê Ba trưởng lão, hai là Lê Đức trưởng lão, ba là Hoàng Văn trưởng lão. Ba vị này trước nay không mấy tuân phục giáo chủ.
Đỗ-xích Nhị-Thập hỏi:
– Hai vị là đệ tử của Tây-dương Hồng-thiết giáo chủ, bản lãnh cao cường, như vậy có thể được chỉ định kế tục giáo chủ. Bởi năm nay người đã trăm tuổi rồi. Không biết hai vị có học được thần công giải trừ vĩnh viễn Nhật-Hồ độc chưởng không?
Thiệu-Thái cười thầm:
– Mi hỏi ta điều gì, chứ điều đó thì ta hơn Nhật-Hồ lão nhân xa.
Chàng cười:
– Đương nhiên. Tại hạ có thể giải được Nhật-Hồ độc chưởng của bang Nhật-hồ Trung-quốc cũng như Nhật-hồ độc chưởng của Nhật-Hồ lão nhân, cùng tất cả các thứ độc chất khác.
Ba anh em nhà Đỗ-xích nghe Thiệu-Thái nói, trên gương mặt chúng hiện ra nét kỳ dị. Đỗ-xích Nhất nói:
– Nếu công tử làm được việc đó, không thiếu gì người trong bản giáo cúi đầu tuân phục. Công tử sẽ trở thành trưởng lão, sau này thành giáo chủ không chừng.
Nghe y nói, một tia sáng chiếu vào đầu Bảo-Hoà. Nàng nghĩ thầm:
– Tại sao anh Thiệu-Thái không nhân dịp này, giải ách cho bọn giáo chúng Hồng-thiết, để nhân đó, kéo chúng về chính đạo?
Sợ anh thật thà, từ chối, Bảo-Hoà vui vẻ:
– Anh tôi không muốn làm giáo chủ, mà chỉ muốn giúp những giáo chúng khốn khổ mà thôi. À có một vấn đề tôi không hiểu nổi là vấn đề giải độc trong bản giáo.
Đỗ-xích Nhị đáp:
– Hồng-thiết giáo Đại-Việt với Hồng-thiết giáo Tây-dương có nhiều khác biệt. Như giáo chúng Hồng-thiết giáo Tây-dương bị trúng Hồng-thiết độc chưởng, có hai cách trị. Một, đích thân giáo chủ dùng Hồng-thiết thần công hoá giải chất độc cho, sẽ khỏi vĩnh viễn. Sau này có trúng nữa, cũng không sao. Hoặc dùng thuốc giải, mỗi năm uống một viên cũng đủ.
Đỗ-xích Tam tiếp:
– Trước đây Nhật-Hồ lão nhân bị Đông-Nhật lão nhân cướp sự nghiệp, do đó người nghiên cứu, cải biến thuốc giải Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng đi. Khi bị trúng độc, đích thân giáo chủ dùng thần công giải cho, khỏi uống thuốc thôi, nhưng sau này bị trúng chưởng trở lại, vẫn bị đau khổ như thường. Còn dùng thuốc giải, tuy khỏi chết, nhưng mỗi tháng vào ngày nào đó lại lên cơn đau đớn trong vòng một giờ, đến chết đi sống lại. Như anh em tại hạ, nội ngày hôm nay sẽ lên cơn đau không biết đâu mà kể. Không biết… không rõ công tử có giải cho được không? Tại hạ bị cơn đau hành hạ từ sáng đến giờ. Nếu công tử làm phúc…
Thiệu-Thái vung tay vỗ vỗ vào lưng Xích-Tam một cái. Xích-Tam đang bị cơn đau hành hạ, lưng như bị tảng đá nghìn cân đè vào. Sau cái vỗ của Thiệu-Thái, y cảm thấy thân thể nhẹ nhàng như đi trên mây. Y chắp tay hướng Thiệu-Thái:
– Đa tạ công tử giải nạn.
Bảo-Hòa nghĩ rất nhanh:
– Anh em bọn này đều là những người kỳ tài, kiến thức, võ công rộng mênh mông, chẳng may vương vào ma nghiệp. Ta cần cứu họ, để kéo họ về với chính đạo.
Nàng mỉm cười:
– Dĩ nhiên anh em tại hạ sẽ cứu các vị.
Thiệu-Thái ra hiệu cho ngựa dừng lại:
– Ba vị tạm ngừng, để tại hạ hoá giải Nhật-Hồ độc chưởng vĩnh viễn cho, rồi hãy lên đường.
Ba anh em họ Đỗ, nguyên là những võ học kỳ tài vùng biên giới. Vì lòng yêu nước, gia nhập Hồng-thiết giáo, rồi bị gieo Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng vào người. Khi biết Hồng-thiết giáo là bọn tà ma ngoại đạo, nhưng vẫn phải nhắm mắt đưa chân, để hàng năm nhận được thuốc giải. Bây giờ nghe Thiệu-Thái gỡ cái ách ra cho, họ mừng khôn tả.
Thiệu-Thái hỏi Xích Nhất-Bách:
– Đại ca bị trúng chưởng ở huyệt nào?
– Thưa tại huyệt Bách-hội.
Thiệu-Thái giảng:
– Như vậy tại hạ sẽ phát chưởng đánh vào huyệt Đại-trùy của đại ca. Đại-trùy là huyệt giao hội của sáu kinh dương và Đốc-mạch. Truyền chân khí vào đây, sẽ thông Đốc-mạch. Do vậy huyệt Bách-hội được giải. Khi đại ca lên cơn, đầu nhức như búa bổ, mắt mờ đi, miệng thì mửa. Có đúng thế không?
Nhất-Bách kinh ngạc:
– Đúng thế. Tại hạ nghe nói học thuyết kinh lạc, huyệt đạo là của Việt-Hoa, không ngờ Tây-dương Hồng-thiết giáo cũng biết lý thuyết này?
Bảo-Hoà giải thích thay anh:
– Tại Tây-dương, Hồng-thiết giáo không biết học thuyết kinh lạc, nên chỉ truyền độc công vào người. Nhưng khi Nhật-Hồ lão nhân mang Hồng-thiết công về Đông phương, người pha trộn với y học, nên mới có việc truyền độc chưởng vào kinh lạc, huyệt đạo. Đại ca của tôi cũng phải nương theo học thuyết kinh lạc, mới giải nổi.
Thiệu-Thái vung tay, vận Hồng-thiết công vỗ lên huyệt Đại-trùy của Nhất-Bách. Binh một tiếng, Nhất-Bách rung động toàn thân, rồi mồ hôi xuất ra đầm đìa, tanh hôi không thể tưởng tượng được. Bảo-Hòa nói:
– Đại ca ngồi nhắm mắt vận công, để trục hết chất độc ra khỏi người.
Đỗ-xích Nhất-Bách ngồi xuống vận công. Một lát sau y cảm thấy người nhẹ nhàng khoan khoái vô cùng. Y đứng dậy, đến trước Thiệu-Thái, quỳ xuống hành đại lễ:
– Công tử. Tôi đang ở trong vòng ma chướng, nay được công tử giải thoát, thực là tái sinh. Từ nay tôi nguyện theo hầu công tử cả đời.
Thiệu-Thái mỉm cười, hỏi Nhị-Bách:
– Nhị ca! Người bị trúng độc chưởng vào huyệt nào.
– Tiểu nhân bị trúng huyệt Khí-hải.
Thiệu-Thái nói:
– Huyệt Khí-hải nằm trên Nhâm-mạch. Xung-mạch thông với Nhâm-mạch. Muốn giải cho nhị ca, phải điểm vào huyệt Công-tôn. Công-tôn nằm trên Xung-mạch, thông với Nhâm-mạch, toả ra vùng bụng vào ngực. Khi nhị ca lên cơn, ngực đau đớn như trăm nghìn mũi kim đâm vào.
Thiệu-Thái chĩa ngón tay điểm vào huyệt Công-tôn ở dưới nhân Nhị-Bách. Y cảm thấy như có cái gì đập vào bụng đến bộp một cái, huyệt Khí-hải thông liền. Mồ hôi y vã như tắm. Y ngồi nhắm mắt vận công đẩy chất độc ra ngoài.
Thế rồi Thiệu-Thái giải độc cho Tam-Bách.
Nhất-Bách cung kính:
– Kể từ nay, anh em tại hạ xin theo hầu công tử, tiểu thư.
Lời Nhất-Bách nói, làm Thiệu-Thái, Bảo-Hoà tỉnh ngộ. Bấy lâu nay anh em nàng như người trong mơ, vì thấy rõ ràng bọn Vũ Nhất-Trụ có thuốc giải trong tay, nhưng tại sao còn bắt giam Nhật-Hồ lão nhân để học thần công. Thì ra họ muốn thoát ách đau khổ, xa hơn nữa, họ có thể dùng nó ban ơn, giáng phúc cho giáo chúng, hầu làm giáo chủ.
Năm người lên ngựa, tiếp tục hành trình.
Từ phía trước, một toán người mặc quần áo giống như giáo chúng Hồng-thiết giáo. Họ đứng bên đường vẫy tay ra hiệu cho năm người dừng lại. Toán này gồm ba mươi người. Thanh niên trưởng toán hướng Thiệu-Thái, Bảo-Hòa hành lễ:
– Có phải hai vị là Trần Đông-Thiên, Trần Quỳnh-Hoa không?
Bảo-Hoà thấy trên nút áo thanh niên có sợi chỉ đỏ, thì biết là người của Khu-mật-viện. Nàng đáp:
– Vâng, chính thị anh em tại hạ. Không biết các vị thuộc cơ đội nào của bản giáo?
Thanh niên đáp:
– Tiểu nhân thuộc đạo Cổ-loa, được lệnh trưởng lão vùng Thăng-long tiếp đón các vị.
Gã dắt một con ngựa trao cho Thiệu-Thái:
– Nhân huynh dùng con ngựa này, thay thế ông kễnh kia. Bằng không vào đại hội, người ta sợ hãi.
Thiệu-Thái tỉnh ngộ:
– Nếu mình cỡi hùm vào đại hội, có khác gì lạy ông tôi ở bụi này?
Chàng xuống hùm, tiếp lấy cương ngựa, rồi nói:
– Tôi trao hai ông ba mươi này cho nhân huynh. Hai ông cũng dễ bảo, chứ không bướng bỉnh đâu.
Rồi chàng nói với hai con hùm mấy câu. Chúng ngoan ngoãn theo thanh niên. Đỗ-xích Tam-Bách trả ngựa cho Thiệu-Thái:
– Công tử, xin trao con ngựa Tây-dương cho công tử.
Y trao đổi ngựa với Thiệu-Thái. Năm người lại phi ngựa hướng Lộc-hà. Càng đến gần, người đi lễ càng đông. Hai bên đường, xe cộ, lừa ngựa tới tấp như mắc cửi. Còn cách khu lễ đài khá xa, bên cạnh đường có bãi đất trống. Trên bãi đất chật ních giáo chúng Hồng-thiết. Tuy họ đông thực, nhưng rất kỷ luật. Họ tụ tập thành từng nhóm một. Mỗi nhóm mang cờ hiệu đại biểu cho từng khu.
Năm người vừa đi tới, một giáo chúng có nhiệm vụ xếp đặt hỏi:
– Năm vị thuộc khu nào của bản giáo?
Đỗ-xích Nhất-Bách đáp:
– Khu Bắc-biên.
Năm người được đưa đến dưới gốc cây đa lớn. Ở đó đã có hơn trăm người tụ tập. Thấy bọn Bảo-Hoà, họ đưa mắt tò mò nhìn. Tất cả đều nói tiếng Việt, nhưng giọng rất khó nghe. Lại có người nói tiếng Quảng.
Mặc cho bọn Đỗ-xích thăm hỏi người này, người kia. Anh em Bảo-Hoà chú ý đến khu lễ đài. Trong khu lễ đài, đệ tử phái Mê-linh tấp nập đi đi lại lại sắp xếp công việc.
Có tiếng loa xướng:
– Bang chủ cùng bang Hồng-hà đến.
Bảo-Hòa nhìn ra, người đi đầu tuổi khoảng năm mươi, bụng hơi lớn, lưng đeo bảo đao. Phía sau hơn hai trăm bang chúng lũ lựơt kéo vào. Một nữ đệ tử phái Mê-linh trung niên, cùng hai nữ đệ tử ra tiếp đón. Bảo-Hoà nhận ra là Ngô Thuần-Trúc, vợ của chưởng-quản Khu-mật-viện Tạ Sơn.
Thuần-Trúc cung kính:
– Tiểu bối Ngô Thuần-Trúc, tham kiến Sử bang chủ cùng các huynh đệ. Hồi này danh tiếng quý bang như sấm động, khiến anh hùng các nơi đều kính phục.
Thiệu-Thái hỏi Bảo-Hoà:
– Bang chủ họ Sử à? Như vậy ông là người Hoa hay người Việt?
Có tiếng Đỗ-xích Nhất trả lời:
– Thưa công tử, Sử Anh người Việt gốc Hoa. Đời ông nội, theo thuyền buôn tới lập nghiệp. Bang Hồng-hà là bang nửa chính nửa tà. Chính vì giúp đỡ, bảo vệ các thuyền buôn dọc các sông từ Thăng-long xuống biển, sang tới Quảng-đông. Tà vì họ thu thuế đen các thuyềm buôn. Ai không nộp cho họ, khó mà sống nổi.
Bảo-Hoà nhớ lại hôm ông bà ngoại nàng đến phủ Khai-quốc vương cật vấn vương về tội cho quy gia Lâm Huệ-Phương với Đào Hà-Thanh. Trong lời trần tình, vương nói rằng bang Hồng-hà giúp vương đắc lực trong việc đưa Đào Hà-Thành làm vợ Trần Tự-An. Nàng cười thầm:
– Như vậy bang Hồng-hà là chính phái chứ đâu phải tà phái? Khi họ làm việc cho Khu-mật-viện, tức họ phục vụ cho Đại-Việt.
Có tiếng xướng:
– Đặng chưởng môn cùng phái Tản-viên đến.
Một nam đệ tử phái Mê-linh ra đón. Y cúi rạp người xuống:
– Tiểu bối Trưng Tu kính chào Đặng chưởng môn cùng quý huynh đệ.
Bảo-Hòa chú ý đến Đặng Đại-Khê. Mới xa cách có ba năm, mà nàng có cảm tưởng như xa nhau lâu lắm, vì trông ông già hẳn đi. Ký ức ba năm trước trở về. Bấy giờ Bảo-Hòa theo ông nội thăm tổng đàn phái Tản-viên. Nàng được Đặng Đại-Khê xem tướng. Sau khi xem tướng, ông dốc túi truyền mười hai chưởng Phục-ngưu cho nàng. Ông còn dạy nàng những thuật ngữ để nếu một mai, nàng tìm được bí lục Phục-ngưu, có thể dùng đến, mà luyện được. Không ngờ lời tiên đoán của ông thành sự thực. Hôm đó ông nói:
– Ta dạy cháu mười hai chiêu Phục-ngưu. Nếu sau này cháu có cơ duyên học được toàn bộ pho chưởng này, cháu hãy giúp ta chỉnh đốn lại phái Tản-viên.
Hôm đó ông lo lắng, bởi trước đây một người sư thúc của ông, võ công cực kỳ cao thâm, vì can tội hiếp dâm con nhà lương gia, bị đuổi khỏi môn phái, không biết đi đâu. Khi đi, y hứa một ngày kia trở về phá tan phái Tản-viên. Hôm đó ông không chịu nói tên người sư thúc. Bây giờ nàng biết y chính là Đỗ Xích-Thập của Hồng-thiết giáo, nhưng lại không trung thành với giáo phái này, mà chạy theo bọn Triệu Thành nhà Tống.
Phái Tản-Viên khoảng hơn ba nghìn người rầm rập tiến vào khu lễ đài.
Điạ điểm hành lễ là một bãi đất lớn, xung quanh có hàng rào tre. Ở giữa, một đài cao chín bậc. Trên cùng là bàn thờ. Trước đài treo sáu lá cờ của sáu vùng thời vua Trưng. Ở giữa treo lá cờ thực lớn của Lĩnh-nam. Một tấm vải đỏ ngăn bàn thờ làm hai. Phía sau để tượng Bắc-bình vương cùng vương phi, đợi khi đại lễ cử hành, mới mở ra. Phía trước, một cái đỉnh hương lớn hơn cái thúng, khói lên nghi ngút. Cạnh đó, một đôi lợn luộc, trong tư thế nằm chầu, đôi gà trống luộc, trong tư thế đứng, mỏ ngậm chiếc hoa hồng đỏ chói. Kế cạnh, hai mâm hoa quả.
Đối diện và hai bên bàn thờ, có mười tám khán đài, làm theo thứ tự, phía gần lễ đài thì thấp, phía xa lễ đài thì cao. Trên mỗi khán đài đều treo cờ của các gia, các phái. Có tiếng loa xướng:
– Chế chưởng môn cùng huynh đệ phái Phật-Thệ tới.
Một đoàn người, ngựa, voi rầm rập tiến vào. Cách phục sức của đệ tử phái này mầu sắc sặc sỡ, trông không giống bất cứ vùng nào của Đại-Việt. Bảo-Hòa hỏi Đỗ-xích Nhất-Bách:
– Phái Phật-thệ à? Tôi chưa từng nghe qua!
– Phật-thệ là kinh đô của Chiêm-quốc. Võ công Chiêm-quốc rất quái dị, khi nhu, khi cương, khi hiểm độc. Đương nhiệm chưởng môn tên Chế Ma-Thanh. Thanh với vợ là Mỵ-Thu, nổi tiếng cao thủ bậc nhất Nam-thiên.
Thiệu-Thái mới nhìn, đã nhận ra Chế Ma-Thanh. Y hiện là em Chiêm-vương Chế Ma-Huy. Y âm thầm hối lộ bọn Triệu Thành, định giết anh chiếm ngôi vua. Y được triều Tống phong cho chức tước như sau Kiểm hiệu thái sư. Tĩnh hải tiết độ sứ. Đồng bình chương sự. Suy thành, thuận hoá công thần. Chiêm-thành quận vương. Thực ấp vạn hộ. Thực phong ngũ thiên hộ. Mỵ-Thu được phong Khâm-linh vương phi.
Phía sau Chế Ma-Thành còn một trung niên nam tử, da hơi đen, chàng nhận ra là Ngô Đà, được Tống phong cho chức Nội điện chỉ huy sứ. Tước Ma-linh hầu. Thực ấp nhị thiên hộ. Thực phong nhất thiên hộ.
Chàng nhớ, hôm ấy, Triệu Thành xúi Chế Ma-Thanh cướp ngôi, giết anh. Sau đó đem quân đánh vào phía Nam Đại-Việt.
– Vua Bà Bắc-biên, cùng huynh đệ phái Tây-vu đến.
Thiệu-Thái nhìn ra: Đi đầu, một tráng sĩ lực lưỡng, cầm cây đại kỳ Tây-vu. Phía sau, hai hàng thiếu nữ, gồm 207 người, mỗi người mang một cây cờ của 207 khê động. Tiếp theo một đội nhạc công, cử bản nhạc nhu hoà đầm ấm. Kế đến ông nội chàng, ngồi ngang trên lưng một con tê-ngưu vĩ đại. Mỗi bên con tê ngưu, có cặp hổ đi song song hộ vệ. Sau tê-ngưu tới con voi lớn. Trên bành voi, một thiếu phụ mặc quần áo vàng, khăn vàng, lưng đeo kiếm, cực kỳ xinh đẹp. Chính là mạ mạ chàng. Cạnh mạ mạ, bố chàng cỡi con ngựa ô cao lớn, hùng vĩ. Sau cùng 207 toán, đại biểu của 207 khê động.
Khí thế phái Tây-vu cực kỳ hùng hậu.
– Hồng-Sơn đại phu cùng phái Sài-sơn đến.