Sáng sớm ấm áp, Đinh Nhu lặng lẽ từ giường ngồi dậy, không muốn làm kinh động người mẹ đang ngủ bên cạnh nàng. Đinh Nhu nhớ lại mẹ nàng họ Liễu, ba tuổi bị bán đi, năm tuổi liền hầu hạ Đại tiểu thư của Lưu gia, bây giờ là đại phu nhân của Đinh gia. Đinh Nhu cẩn thận xuống giường, mặc quần dài vào. Ở thôn trang, quần áo cũng không quá phức tạp, chải lại đầu, tùy ý buộc tóc kiểu đuôi ngựa. Nàng cũng không biết mấy kiểu búi tóc quá phức tạp. Buộc xong dây tết, thu thập chỉnh tề, Đinh Nhu đi về phía giường, chỉnh lại chăn gấm cho mẹ.
Vì chăm sóc cho con gái bị bệnh mà mấy ngày nay nàng đã không chợp mắt, cần được nghỉ ngơi, chăm sóc. Nhìn tư thế ngủ, Liễu thị nằm nghiêng người, đêm qua hẳn là Đinh Nhu được nàng ôm trong ngực. Đinh Nhu mở cửa phòng, đi ra ngoài. Liễu thị khẽ mở mắt, gương mặt áp nhẹ lên chăn gấm. Nữ nhi đã tha thứ cho nàng, đã biết hiếu thuận rồi. Liễu thị khoác quần áo ngồi dậy, đưa tay mở hộc tủ bên cạnh, lấy ra rổ đựng châm tuyến, bên trong để một chuỗi ngọc tinh mĩ, một chiếc khăn lụa đã thêu xong cùng với túi thơm và vài thứ lặt vặt. Vì chăm sóc nữ nhi, mấy ngày nay Liễu thị đã không thêu thùa may vá rồi. Một lát nữa bà Vương sẽ tới lấy túi thơm rồi. Liễu thị nhờ vào nàng bán một chút đồ thêu thủ công lấy ít đồng tiền, nuôi sống nữ nhi.
Thứ nữ bị đưa đi thôn trang thì Đinh phủ sẽ không hỏi đến sống chết. Cả đám quản sự ở thôn trang toàn là những kẻ chỉ biết nhìn phú quý. Việc xu nịnh kẻ có quyền, bắt nạt người nhỏ yếu là chuyện thường. Nếu như không phải do mấy người đó nói lung tung thì Đinh Nhu cũng không bị bệnh nặng như vậy. Liễu thị chưa từng đọc sách, cũng không biết chữ, đối với sự thay đổi hoàn toàn của con gái cũng chỉ cho rằng là do trải qua một trận sinh tử nên suy nghĩ rõ ràng hơn.
Đinh Nhu sợ Liễu thị suy nghĩ nhiều lại nghĩ ra chuyện gì nữa, nhân lúc ngủ cạnh nàng liền nói cho Liễu thị biết ba hồn bảy vía của nàng vốn bị quỷ sai* bắt đi. Nhưng bởi vì đời trước Liễu Thị tích đức, từng có ơn với quỷ sai. Quỷ sai nói rằng sợ sau khi Đinh Nhu chết sẽ không có ai chăm sóc Liễu thị nên khai ân cho Đinh Nhu hoàn hồn. Nếu Đinh Nhu không hiếu thuận với Liễu thị thì còn có thể bị bắt đi. Nghe Đinh Nhu nói vậy, Liễu thị không còn hoài nghi gì nữa. Là do đời trước tích đức hành thiện nên mới có Đinh Nhu. Liễu thị thiện lương đã thấy rất thỏa mãn rồi!
Liễu thị một bên nhanh chóng thêu thùa. Một bên cộng tiền vài thứ bán ra, có thể có thêm một hai lượng bạc, mua thêm cho Đinh Nhu một đôi vòng tai. Mấy ngày nữa là sinh nhật của Đinh Nhu rồi, nữ nhi tròn mười một tuổi.
“Ai da” Liễu thị bị kim đâm vào ngón tay, nàng cố vẩy ra, không để rơi lên khăn lụa. Liễu thị không dám nghĩ ngợi nhiều nữa, tập trung vào thêu.
Đinh Nhu ra khỏi phòng ngủ, dựa vào trí nhớ để đánh giá căn nhà. Xem ra phu nhân tính toán mặc kệ Đinh Nhu. Thôn trang hoang vắng, thay vì gọi là thôn trang không bằng nói là mấy căn nhà gần nhau. Căn nhà Đinh Nhu ở không lớn, một phòng chính cùng hai phòng nhỏ. Nhà bếp được xây dựng ở một bên. Ngoài đường đi bằng đá xanh sạch sẽ thì những chỗ còn lại đều mọc cỏ hoang. Bức tường đổ nát loang lổ. Tường phía đông còn có một lỗ thủng. Phía dưới tường, cỏ dại đều mọc cao đến đầu gối. Đinh Nhu hoàn toàn hiểu được mẹ con nàng bị thất sủng tới mức nào.
Đinh Nhu nhớ rằng ở Đinh phủ, bên cạnh mỗi vị tiểu thư đều có nha đầu và các mẹ hầu hạ. Tiểu thư đích xuất* có được bốn đại nha đầu. Trước kia Đinh Nhu cũng rất biết cách làm mẹ cả vui mừng, nha đầu bên người cũng nhiều hơn so với những thứ nữ khác, nhưng cũng không vượt qua đích nữ*. Ba nha đầu kia hình như không theo nàng tới. Lúc trước Đinh Nhu làm quá kém cỏi rồi. Không có năng lực bản lãnh lại được hơn các thứ nữ* khác, lại còn dám tranh giành sự sủng ái với đích nữ. Không trách được nàng rơi vào tình cảnh này. Nàng không hiểu được đạo lý súng bắn chim đầu đàn*.
Đinh Nhu hít sâu một hơi, cổ đại có mỗi điều này tốt. Không khí mới mẻ, bầu trời xanh như được nước rửa qua, xanh đến trong suốt. Nhưng chỉ cần nghĩ tới cuộc sống cổ đại là Đinh Nhu liền đau đầu. Ăn mặc thì không nói rồi. Lấy tình huống bây giờ thì không thể mong có trang phục đẹp đẽ hay thức ăn ngon. Không phải Đinh Nhu nàng chưa từng trải qua cuộc sống khổ cực, cũng không phải là không thể quen. Chỉ cần chịu chú ý, cố gắng, nàng cũng không lo là sống không tốt. Nhưng mà nếu đi vệ sinh, nếu tới ngày hàng tháng của con gái thì phải làm thế nào? Người thích sạch sẽ như nàng không thể không tắm rửa. Đinh Nhu ngẩng đầu nhìn lên trời. Cổ đại cũng không tốt đẹp gì!
“Ùng ục, ùng ục!” Đinh Nhu sờ sờ bụng. Đinh Nhu dị ứng với canh gà đậm đặc đầy mờ, đêm qua chỉ vì an ủi Liễu thị, vì cặp mắt dịu dàng như nước của Liễu thị nhìn xem mà nàng chỉ có thể uống vào. Thật ra nàng tình nguyện ăn bánh bao không cũng không muốn uống canh gà đầy mỡ kia. Đinh Nhu liền đi tới phòng bếp. Tay nghề của Liễu thị thật sự không ra gì. Mặc dù nàng là nha hoàn hầu hạ người khác nhưng vẫn là Đại nha hoàn* được chủ coi trọng, không biết làm mấy việc nặng về bếp núc. Nếu không tại sao nói nha hoàn của gia tộc lớn có thể so với tiểu thư của nhà nghèo cơ chứ.
Đinh Nhu cũng không trông cậy vào việc các mẹ* và nha hoàn ở thôn trang hầu hạ đưa cơm. Muốn ăn thì tự mình phải xuống bếp. Nàng còn chưa đi đến phòng bếp thì từ cửa sổ đã toát ra khói dầy đặc. Đinh Nhu nghe thấy ở bên trong có tiếng ho khan: “Cứu mạng, cứu mạng!”
Đinh Nhu cũng không vội vã xông vào. Trước khi biết rõ tình huống, Đinh Nhu sẽ không có nhân phẩm cao thượng cứu người quên mình. Sống lại một lần nữa không dễ dàng. Đinh Nhu không chắc chắn rằng ông trời có trêu đùa nàng lần nữa hay không, có khi lại trực tiếp ném nàng tới thế giới của viễn cổ thú nhân, Đinh Nhu nàng không chịu nổi. Thôi ở cổ đại tương đối văn minh thì vẫn tốt hơn. Thấy khói dày đặc mà không thấy ánh lửa, Đinh Nhu phán đoán nếu như cháy thì cũng không quá lớn. Nàng sờ vào cửa gỗ của phòng bếp, thấy không nóng, chứng tỏ lửa còn chưa cháy đến.
Đinh Nhu nhìn quanh bốn phía, tìm được một cái vại lớn đựng nước. Bởi vì mấy ngày trước trời mưa nên vại cũng có hơn quá nửa là nước. Đinh Nhu lấy khăn lụa từ trong thắt lưng ra, dùng nước làm ướt, cầm trong tay rồi kéo cửa gõ phòng bếp ra. Khói dày đặc xông ra, Đinh Nhu ho khan vài tiếng, khói che kín mắt. Nàng đẩy hẳn cửa phòng ra, dùng khăn lụa che miệng. Cửa sổ cùng cửa phòng đều mở ra, khói cũng dần dần tản. Đinh Nhu cẩn thận nhận ra trên mặt đất có bóng người đang nằm.
“Cứu mạng, cứu mạng!”
Cỏ khô bị đốt cháy từ trong bếp rơi ra, nếu như làm cháy cả đống củi bên cạnh thì càng nguy hiểm. Đinh Nhu xoay người đi ra chỗ vại nước lấy một chậu nước, sau đó tiến vào đổ lên cỏ khô. Trong phòng bếp cũng có một vại nước, Đinh Nhu bất kể trong đó có bao nhiêu nước, trực tiếp cầm chậu đồng ném vào vại. Tư Mã Quang đập vại* tái hiện giang hồ. Cái vại thật sự vỡ, nước chảy ra, làm ướt cỏ cùng củi khô, tình hình nguy hiểm không còn nữa.
Nói thì có vẻ dễ dàng, Đinh Nhu quanh quẩn một lúc sau cuối cùng cũng coi như dập lửa. Nàng lau mồ hôi trên trán, đến gần người nằm trên đất, ngồi xổm xuống hỏi: “Ngươi không sao chứ?”
Hóa ra người kia bị tủ đổ xuống đè lên chân, thảo nào không chạy ra được. “Không có chuyện gì, không có gì! Cảm ơn, cảm ơn nhiều!” Người nọ ngẩng đầu lên nhìn Đinh Nhu, kinh ngạc mở to hai mắt, ánh mắt hồng hồng: “Lục… Lục tiểu thư?”
Đinh Nhu nhìn rõ đấy chỉ là một tiểu cô nương tầm mười tuổi, bị khói bụi bao phủ nhìn không rõ màu da. “Sao? Không thể là ta sao?”
“Lục tiểu thư, nô tỳ không dám, nô tỳ không dám.” Tiểu cô nương co người lại, giống như rất e ngại Đinh Nhu, cũng cất tiếng cảm ơn: “Cảm ơn ân cứu mạng của Lục tiểu thư.”
Trong đầu Đinh Nhu hiện lên ký ức, tiểu cô nương trước mặt này có cái tên không thể nói gì hơn nữa, Thúy Hoa, cũng là một nha hoàn duy nhất chịu đi cùng Đinh Nhu tới thôn trang. Lúc ở Đinh phủ, Đinh Nhu căn bản là không để ý tới nàng. Thúy Hoa chỉ là một tiểu nha đầu múc nước quét sân, bằng không cũng sẽ không dùng cái tên này. Đến lúc tới thôn trang rồi thì Đinh Nhu thay đổi tính tình, không đánh thì mắng nàng. Thử nghĩ xem ngay cả mẹ đẻ mình là Liễu thị Đinh Nhu còn dám mắng thì cuộc sống của Thúy Hoa cũng không tốt được.
Đinh Nhu đẩy tủ bát ra, đỡ Thúy Hoa lên. Nàng cảm thấy có chút kỳ lạ, tại sao Thúy Hoa lại tới thôn trang cùng nàng? Nha hoàn quét sân rất tầm thường nhưng cho dù Đinh Nhu bị đưa tới thôn trang thì Thúy Hoa cũng có thể đi tới chỗ khác làm việc, tại sao lại muốn đi theo Đinh Nhu? Hoàn toàn không có khả năng thăng chức lên Đại nha đầu. Huống chi Đinh Nhu đối với nàng cũng không tốt. Không phải là Đinh Nhu lòng dạ hẹp hòi mà là nàng có thói quen hiểu rõ mọi chuyện, nhất là người ở bên cạnh mình.
Người duy nhất mà nàng không hiểu rõ chính là Đinh Mẫn, cũng là người mà gây cho nàng đả kích trầm trọng nhất ở kiếp trước. Đúng là Mạnh Hạo Nhiên không tốt, nhưng nếu như Đinh Mẫn là người đoan chính thì sẽ vụng trộm với hắn hay sao? Ở cổ đại xa lạ, Đinh Nhu càng cần cẩn thận hơn, phải hỏi rõ ràng chuyện của Thúy Hoa.
Đinh Nhu vừa mới ra đến cửa phòng bếp, Liễu thị đã chạy như bay tới, không nói điều gì đã đưa tay vỗ lên vai Đinh Nhu, sau đó ôm lấy Đinh Nhu, đôi mắt toàn lệ. “Con… Nếu như con xảy ra chuyện gì thì nương biết làm sao bây giờ? Nhỡ để quỷ sai khác tới, nương lại không biết…”
Đinh Nhu nhắm mắt, im lặng thở dài một hơi, hai tay ôm lấy Liễu thị. Cứ để như thế này đi, nàng là mẫu thân, cần được chăm sóc.
*đích xuất, đích nữ: con do vợ cả sinh ra
*thứ nữ: con do thiếp sinh ra
*súng bắn chim đầu đàn: ý chỉ kẻ cố tình vượt lên, tìm cách nổi trội thì thường bị chú ý, soi mói ghen ghét.
*đại nha hoàn: ở cổ đại, trong các nhà quyền quý, nữ người hầu trẻ được gọi là nha hoàn và cũng có phân chia cấp bậc. Đại nha hoàn là chỉ những người hầu nữ được chủ nhận yêu quý coi trọng, có quyền lợi cao hơn những nha hoàn bình thường.
*các mẹ: cũng là người hầu nữ hầu hạ chủ nhân, có địa vị nhất định, quản lý một số việc nhỏ trong phủ hoặc quản lý thôn trang của phủ nhưng lớn tuổi hơn, thường đã lấy chồng.
*Tư Mã Quang đập vại: Tư Mã Quang ra đời năm 1019 trong một gia đình quan lại đời Tống, từ bé tiếp nhận giáo dục hệ thống, sớm đã thể hiện tư chất thông minh. Trong dân gian, câu chuyện “Tư Mã Quang đập vỡ vại nước” lưu truyền rộng rãi. Câu chuyện kể rằng, thuở nhỏ, Tư Mã Quang cùng mấy người bạn chơi ở sân nhà, trong sân nhà có một vại lớn chứa đầy nước, một người bạn leo lên mép vại, không cẩn thận bị rơi vào vại, mấy người bạn khác hoảng hốt lo sợ, chỉ có Tư Mã Quang là bình tĩnh, thông minh khuân một hòn đá lớn đập vỡ vại nước, cứu được bạn. Câu chuyện này được nghệ nhân dân gian vẽ thành “Tranh trẻ đập vại”, sau đó câu chuyện này trở thành một bài học trong Sách vỡ lòng cho nhi đồng.