Vào một buổi sáng nọ, tại một bình đài nhỏ nằm lưng chừng một ngọn núi
nhỏ có tên là Tiểu Thiên sơn, cùng với vầng dương đang ló dạng thì một
tay thiếu niên vũ dũng cũng đã thức dậy.
Việc đầu tiên cần phải làm mà tay thiếu niên vũ dũng nọ thường vẫn làm
trong sáu năm qua là chạy đến góc trong cùng của bình đài để bái lạy
trước một nắm đất nhỏ. Sau khi nói lầm thầm gì đó trong miệng một lúc
lâu, tay thiếu niên vũ dũng nọ liền đứng dậy, tiện tay vén lại cho gọn
tà áo dài. Đoạn hét lên một tiếng lớn, tay thiếu niên bắt đầu vung tay
múa chân theo từng thế từng thức quyền phát một
Quyền pháp càng về sau thì thân thủ của tay thiếu niên nọ càng trầm
trọng hơn. Cũng như những giọt mồ hôi đang rịn trên khuôn mặt non tơ của chàng thiếu niên càng lúc càng lớn và nhiều hơn.
Để sau cùng, khi chấm dứt quyền pháp, tay thiếu niên đã tung mình bay
ngược về phía sau, cùng lúc với động tác xoay người thì song quyền của
tay thiếu niên ấy lần lượt tung ra nhanh như thoi đưa vào vách đá chắn
lối phía sau bình đài.
– A!
Bình! Bình!
Công phu dùng cánh tay nhục thể vỗ như thôi sơn vào vách đá, gây lên hai tiếng chấn động ầm ầm, những tưởng làm cho tay thiếu niên nọ hài lòng
mãn nguyện, nào ngờ tay thiếu niên đó chỉ xuýt xoa lắc đầu, biểu thị ý
không được hài lòng khi nhìn vào vách đá, chỗ song quyền vừa chạm vào,
vẫn phẳng lì không có vết tích gì cả.
Tuy không được hài lòng, nhưng không vì thế mà tay thiếu niên võ dũng nọ đình hoàn việc khổ luyện.
Lần này tay thiếu niên đó lại dùng hữu thủ với năm ngón tay xếp lại
thẳng và nhọn như cương đao để bắt đầu sử những chiêu kiếm pháp
Soạt! Soạt!
Vèo!
Vù!
Phập!
Hết phạt ngang lại thích tới, xong lại chém sả xuống vào khoảng không.
Đoạn lách ngang không cho tay chạm đất, tay thiếu niên nọ khéo léo đâm
ngập bàn tay vào bó nứa được dựng ở một góc bình đài thay cho hình nhân.
Vẫn lắc đầu khi thấy đầu năm ngón tay không xuyên thấu bó nứa được bện
chặt bằng dây thừng, tay thiếu niên vũ dũng lại rụt tay về, tiếp tục sử
ra những chiêu thức khác.
Cứ thế, tay thiếu niên vũ dũng dường như không biết mệt, vẫn tiếp tục
vừa sử kiếm vô hình, vừa xoay tròn quanh bó nữa để đâm ngập bàn tay vào
bó nứa với khí thế dũng mãnh, y như là giao đấu với địch nhân thực thụ
vậy.
Mãi đến khi mặt trời đã lên cao, chiếu xuống từng luồng ánh sáng gay gắt, tay thiếu niên nọ mới nghỉ tay.
Vừa xoay người lại định đi xuống khỏi bình đài, tay thiếu niên đó mới
phát hiện có người đang đứng giữa bình đài. Người đó vẫn không lên
tiếng, chỉ mỉm cười nhìn không chớp mắt vào thiếu niên nọ.
Thấy thế, tay thiếu niên bèn la lên một tiếng, đoạn phóng người như bay đến người nọ, lộ vẻ mừng rỡ khôn xiết :
– Dưỡng phụ đã về! A! Dưỡng phụ đã về rồi!
Người nọ – tuổi độ tứ tuần hoặc nhiều hơn một ít, trên đầu vai hữu ló
lên một cái chuôi kiếm có cột một dải lụa màu xanh còn mới – cứ để cho
tay thiếu hiện nọ vừa cầm tay vừa lắc lắc cho thỏa dạ vui mừng. Sau đó,
vẫn im lặng, người đó xô nhẹ tay thiếu niên ra, rồi bước thẳng đến góc
trong của bình đài. Dừng chân ngay trước nắm đất nhỏ, người đó đứng ngay người và nói :
– Hà muội! Đại huynh đã về đây rồi. Đại huynh đã hoàn thành sứ mệnh rồi. Chí nguyện bình sinh của Hà muội và của huynh đã có cơ thực hiện rồi.
Thạch nhi của Hà muội rồi đây sẽ báo được thù. Cừu gia của huynh rồi đây sẽ được giương danh thiên hạ. Sao Hà muội không cố sống nữa với đại
huynh, với Thạch nhi để nhìn thấy ngày hôm nay? Hà muội xem này! Hà muội xem Cừu Dĩ Đào này đem cái gì về cho Hà muội, cho Thạch nhi đây? Đây là bí kíp võ học Diệp Lạc kinh đây! Hà muội có nghe Cừu Dĩ Đào ta nói gì
không? Hà muội thiên tại chi linh hãy phù hộ cho Thạch nhi để Thạch nhi
báo cừu cho Hà muội. Hà muội có nghe ta nói không? Hà muội!
Tay thiếu niên nọ không hiểu từ lúc nào đã quỳ ngay bên cạnh người trung niên có tên là Cừu Dĩ Đào. Và lệ từ khóe mắt của tay thiếu niên đã từ
lâu tuôn ra giọt vắn giọt dài theo lời độc thoại của vị trung niên.
Không! Không phải là độc thoại. Vì chính vị trung niên đang muốn nói với bộ hài cốt được vùi trong lòng đất thì đúng hơn.
Dứt lời thoại, vị trung niên quay sang nói với tay thiếu niên vũ dũng nọ :
– Thôi được rồi Thạch nhi, con hãy dập đầu lạy tạ mẫu thân con đi. Rồi
theo ta về thảo lư, ta sẽ thuật lại mọi việc cho con nghe.
Y lời, tay thiếu niên có tên gọi là Thạch nhi bái lạy vong linh tiên
mẫu, rồi với cái vẻ mặt buồn buồn, Thạch nhi theo chân Cừu Dĩ Đào
Tiếng là thảo lư nhưng thật ra là ngôi nhà khá rộng, khá tinh tươm. Mái
bằng lá được bện bằng dây rừng, còn vách thì bằng đất nện. Cửa lớn cửa
nhỏ thì bằng phên tre kết lại, vật dụng trong nhà thì hầu như không
thiếu bất kỳ một món nào như những ngôi nhà khác. Đơn sơ, mộc mạc nhưng
lại sạch sẽ khiến cho người lạ khi nhìn vào sẽ ngỡ rằng trong căn nhà
này không thể thiếu vắng nữ chủ nhân.
Nhưng sự thật lại không phải thế, không hề có bất kỳ một nữ nhân nào
hiện diện ở đây. Kể từ khi vị nữ nhân duy nhất đã khuất núi đến nay đã
được sáu năm.
Chính vị trung niên có tên là Cừu Dĩ Đào đã nói lên điều này :
– Thạch nhi! Sáu năm qua, từ khi mẫu thân con lìa đời, ta nhận con làm
dưỡng tử, ta không lúc nào nguôi được nỗi buồn, buồn nhất là việc ta
không thể nào chỉ dạy con một thân võ học cao thâm để con có thể rửa hận cho mẫu thân con. Là nghĩa phụ như ta quá là hổ thẹn với thân mẫu con,
càng hổ thẹn hơn khi thân là đại huynh kết nghĩa của thân mẫu con mà
không thể báo thù cho nghĩa muội ta được. Thù nhân là ai, mẫu thân con
không nói cho ta biết, nhưng ta cũng thừa hiểu là mẫu thân con lo sợ cho ta, sợ rằng ta nóng lòng rồi sẽ làm càn dẫn đến cái chết cho ta, nên
mẫu thân con không nói. Nhưng kể từ hôm nay, ngay từ lúc ta lấy được
Diệp Lạc kinh vào tay, ta tin rằng với võ công ta luyện được, ta sẽ tự
tay báo thù cho mẫu thân con. Bằng như ta không làm được, không tìm được kẻ thù trong những ngày còn lại của ta thì sẽ đến lượt con. Thạch nhi!
Con xem đây, đây là bí kíp Diệp Lạc kinh mà trời xanh đã thương tưởng
ban tặng cho chúng ta.
Vừa nói Cừu Dĩ Đào vừa đặt bọc vải tẩm dầu lên bàn, ngay chính giữa hai người.
Phàm ai cũng thế, khi bắt được vật gì trân quý thì thường có hai cách để biểu lộ sự vui mừng. Đại đa số thì đã vội săm soi, ngắm nhìn, sờ tận
tay thấy tận mắt, có như thế họ mới mãn nguyện hả lòng. Số ít người còn
lại do điềm tĩnh hơn, thì cứ từ từ mà tận hưởng niềm vui. Có như thế,
theo số người này họ mới thấm thía được niềm vui một cách trọn vẹn, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào là loại người thứ hai và tay thiếu niên tên là
Thạch nhi do được sự giáo dưỡng của họ Cừu nên cũng có thái độ tương tự.
Thạch nhi vẫn nhìn trân trối vào gói vải tẩm dầu đặt gần đó và lắng tai nghe dưỡng phụ thuật lại mọi chuyện.
Hóa ra, theo lời Cừu Dĩ Đào thuật thì theo lệ thường cứ sáu tháng thì
Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào xuất sơn một lần, thời hạ dài ngắn không
chừng. Có khi thì mười ngày, cũng có lúc Cừu Dĩ Đào vắng mặt đến cả
tháng. Lần xuất sơn này, ngoài việc mua sắm lương thực, Cừu Dĩ Đào còn
muốn tìm cho dưỡng tử mình một thanh trường kiếm để luyện tập. Nhưng
không ngờ chỉ vì có ý tưởng này, Cừu Dĩ Đào phải đi quá xuống phía Nam
một chút thì Cừu Dĩ Đào lại bắt được thông tin về Diệp Lạc chân kinh.
Phần thì hiếu kỳ, phần thì cầu may, Nhất Kiếm Sưu Hồn bèn đi luôn đến Lữ Lương sơn. Và may mắn làm sao, Cừu Dĩ Đào lại chiếm được chân kinh bí
kíp.
Suốt chặng đường dài từ Lữ Lương sơn về Tiểu Thiên sơn, Nhất Kiếm Sưu
Hồn với bao nỗi lo toan đã đêm đi ngày nghỉ, đồng thời không lúc nào dám nảy ra ý mở bọc vải tẩm dầu ra xem thử qua Diệp Lạc kinh.
Cùng với nỗi lo này, Cừu Dĩ Đào cũng không sao ngăn được tâm trí mình
khi cứ nghĩ đến tiếng cười quái đản vào đêm nọ tại Diệp Lạc miếu sau khi bọn giang hồ đã bỏ đi hết.
Với bao nỗi lo toan đó, nên đến ngày hôm nay tính ra đã hơn một tháng,
Cừu Dĩ Đào mới về đến đây và đã quên mất việc phải tìm cho Thạch nhi một thanh trường kiếm như đã định trước.
Vừa nghe dưỡng phụ thuật lại xong, Thạch như bèn nói ngay theo ý nghĩ non nớt của nó :
– Dưỡng phụ à! Đây đúng là có âm mưu gì đó rồi dưỡng phụ ạ!
– Thì ta cũng nhĩ thế, nhưng là âm mưu gì mới được? Phải chi việc Diệp
Lạc kinh là không có thật thì ta còn có thể hiểu được, đằng này, rõ ràng là có Diệp Lạc kinh kia mà, biết bao người đã bỏ mạng vì Diệp Lạc kinh
này vào đêm đó con có biết không, Thạch nhi?
– Hài nhi không biết là âm mưu gì, nhưng hài nhi có thể nói đây là trò
ném đá giấu tay, giống hệt như kế nhất tiễn xạ song điêu vậy đó. Không
chừng đâu là một âm mưu cực kỳ hiểm độc lắm thì phải.
– Hiểm độc ư? Ta biết con thừa hưởng được của mẫu tuân con sự minh mẫn
hiếm có, nhưng sao ta không nghĩ ra cái trò gì hiểm độc vậy cả? Liệu có
lầm không, Thạch nhi!
Dường như Thạch nhi rất tự tin vào nhận định của nó nên nó bằng giọng quả quyết :
– Một là người đó muốn lập một cái bẫy khiến quần hùng xâu xé nhau, còn
người đó thì cười cợt sự ngu ngốc và tham lam của mọi người. Không phải
hài nhi muốn nói đến dưỡng phụ đâu. Vì gặp phải trường hợp như dưỡng
phụ, chắc hài nhi cũng làm vậy thôi. Vả lại, dưỡng phụ đã khôn khéo
tránh được hiểm nguy rồi còn gì.
– Ừa! Thì ta đâu có trách gì hài nhi. Vả lại, đúng là ta đã khôn ngoan
thực sự, nếu không thì ta đâu có diễm phúc này. Rồi! Cứ cho đây là cái
bẫy của ai đó đi, nhưng không lẽ nhân vật đó đành không bỏ một chân kinh bí kíp như thế này sao? Vấn đề này thì con luận làm sao đây?
Vẫn không một chút khó khăn, Thạch nhi giải thích :
– Nếu mà bẫy này do hài nhi liệu tính thì điều chắc chắn mà hài nhi phải làm là sẽ không buông bỏ chân kinh đâu.
– Thế nhưng Diệp Lạc kinh đích thực đang ở đây, đang ở trong tay chúng ta đây, con nói sao nào?
– Không chắc đã là Diệp Lạc kinh thật. Có khi chỉ là vài chiếc là Bồ đề khô họ bỏ vào đó giả làm chân kinh vậy thôi.
– Ta không tin đâu. Thạch nhi, đừng làm ta lo chứ. Được rồi! Để ta xem
thử xem, có khi là con đoán đúng, âu cũng là bài học cho ta vậy Nói xong Thạch nhi hồi hộp nhìn Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào mở lần bọc vải tẩm
dầu và lôi ra một xấp lá Bồ đề còn tương đã ngả sang màu vàng úa. Và
đúng là trên mặt chiếc lá đầu tiên có xâm lên một hàng chữ khá to: Diệp
Lạc Chân Kinh
– Ha ha ha! Vậy thì cái gì đây? Có đúng là Diệp Lạc… Úy! Sao lạ vậy? Thạch nhi, mau tránh ra nào!
Soạt! Phập!
Thạch nhi nhìn được rõ ràng, nó thấy dưỡng phụ nó rút soạt thanh trường
kiếm trên vai hữu xuống bằng tay tả, và cũng bằng tay tả, dưỡng phụ nó
tự chém đứt cánh tay hữu ngay khuỷu tay.
Đoạn tay đó với bàn tay còn nắm chặt cuộn lá Bồ đề độ chừng mươi lá rơi
ngay xuống nền đất đánh thịch. Và ngay trước mắt nó và dưỡng phụ, đoạn
tay dần dần rỉ ra toàn máu đen bầm, đồng thời còn bốc lên một màn khói
màu lam nhạt, khói lam bốc lên thì ít nhưng mùi hôi thối lại tỏa ra khắp nhà, khiến cho Thạch nhi và Cừu Dĩ Đào ngửi vào bắt buồn nôn.
Và chỉ trong chớp mắt, đoạn tay đã tiêu hết thịt lẫn da, còn trơ lại
xương trắng hếu. Ngũ chỉ cũng thế, cũng còn là những đốt xương đang nắm
giữ Diệp Lạc kinh. Trông mà phát khiếp đến kinh hãi
– Độc!
– Diệp Lạc kinh bị tẩm độc!
Cả hai đồng thời kêu lên như thế. Tiếng kêu của Thạch nhi thì như ngạc
nhiên, như vừa vỡ lẽ ra một điều gì đó, mà đến bây giờ nó mới hiểu, còn
tiếng kêu của Cừu Dĩ Đào thì tràn đầy nỗi uất hận cho kẻ nào đã quá thâm độc ngoài chỗ tưởng tượng của bản thân Cừu Dĩ Đào.
Cừu Dĩ Đào miệng méo xệch lai, nói thêm cho rõ :
– Thạch nhi! Xem ra đây đúng là mưu chước hiểm độc thật, người nào bày
ra trò này xem ra còn tàn độc, còn tỏ ra thâm hiểm hơn con nghĩ nhiều.
Hà! Vô độc bất trượng phu! Ta… ta quả là vô dụng, vô dụng và bất tài
nữa.
Nhìn khuôn mặt của dưỡng phụ là Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào mà Thạch
nhi bắt sợ. Trên khuôn mặt đó ngoài biểu hiện buồn chán, tuyệt vọng và
phẫn uất ra, Thạch nhi còn nhìn thấy một vẻ nào đó quái đản lắm. Thạch
nhi thấy rõ ràng còn có một vệt đen. Không lẽ dưỡng phụ đã tự đoạn tay
một cách cấp tốc như thế mà chất kịch độc vẫn không ngăn chặn nổi sao?
Thạch nhi bèn lên tiếng :
– Dưỡng phụ! Dường như chất độc vẫn còn…
– Đúng vậy! Vì thế nên ta mới bảo là vô độc bất trượng phu. Thạch nhi!
Số mạng ta thế là hết. Trách nhiệm của ta đối với con mà ta đã hứa với
mẫu thân con thế là hỏng rồi. Con đừng quá bi thương như vậy, ta còn mấy lời muốn nói với con đây, con hãy nhớ cho kỹ.
– Dưỡng phụ đừng nói nữa, dưỡng phụ mau mau ngồi xuống và vận công trục độc đi. Mau đi dưỡng phụ.
– Thạch nhi! Điều con nói đó chỉ đúng với những chất độc bình thường,
chỉ đúng với những ai có nội công vào hàng thượng đỉnh kia. Chứ còn bản
lĩnh của ta thì… Ha ha ha… bản lĩnh của ta thì chỉ là đom đóm so
sánh với vầng nguyệt, thì làm sao có thể tự vận công bức độc được? Bởi
thế ta mới bảo là ta vô dụng, ta bất tài. Không xong rồi, Thạch nhi!
Con, con hãy nghe… hãy nghe dưỡng phụ nói đây…
Lúc này hầu hết cả gương mặt của Cừu Dĩ Đào đã xạm đen hẳn lại, không
còn chút nào hồng hào và quắc thước của Nhất Kiếm Sưu Hồn nữa.
Thất kinh tám đởm, Thạch nhi dù tâm linh mẫn tiệp đến đâu cũng không sao nghĩ được cách nào khác để cứu mạng cho dưỡng phụ. Cứu thế nào được mà
cứu khi chính nó…
(Mất một trang)
– Này. Con… con hãy nhớ cho kỹ… cho kỹ nha Thạch nhi!
Dù không nhìn thấy Thạch nhi gật đầu hay có phản ứng gì, nhưng với chút
lý trí sáng suốt còn lại Cừu Dĩ Đào tin chắc rằng Cừu Thạch dưỡng tử của ông sẽ tuân giữ đúng những lời dặn dò cuối cùng này. Cũng như lời
khuyên bảo kế tiếp của ông, Cừu Dĩ Đào nấc lên một tiếng rồi cố nói thêm cho hết :
– Ự! Thạch nhi! Con hãy ly khai… ly khai nơi này. Hãy… hãy cố công
khổ luyện, hãy cố tìm cho được… cho được minh sư. Bản lãnh của ta kém
cỏi, nên sở học ta truyền… truyền cho con không là gì cả. Trong khi
con còn phải… phải báo thù cho… cho mẫu thân con và báo thù…
cho… cho… cho ta nữa
Không còn duy trì được nữa, thân hình vô hồn của Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu
Dĩ Đào như một thân cây bị phạt ngang đã gãy gập xuống, đổ ụp xuống nằm
gấp đôi lại trên nền nhà, từng mảng da thịt lần lần mủn ra, tiêu đi,
khiến cho bộ y phục vốn đang phồng lên bởi thân người của Cừu Dĩ Đào bây giờ xẹp xuống, bẹp gí xuống dính sát vào khung xương cốt trông rất thảm hại.
Dù thương xót dưỡng phụ rất nhiều, dù đang trong tâm trạng cực kỳ bi
phẫn nhưng Cừu Thạch nào dám nhào đến ôm chầm lấy thi thể dưỡng phụ.
Không phải vì sợ chết mà Cừu Thạch không làm việc đó, mà chỉ vì Cừu
Thạch không được quyền chết vào lúc này, Cừu Thạch còn trọng trách trên
vai, mối thù cần phải báo phải gột rửa
Đau thương lắm thì Cừu Thạch chỉ còn cách ôm mặt la hét lên kinh hoàng
căm hận, Cừu Thạch chỉ được quyền khóc, chỉ được quyền nói hết những gì
chất chứa trong lòng, nói trong phẫn nộ, nói trong giận dữ, đầy nuối
tiếc :
– Dưỡng phụ! Sao dưỡng phụ lại bỏ hài nhi đi như thế này? Sao dưỡng phụ
không cố sống với hài nhi? Sao dưỡng phụ không chờ đến ngày hài nhi đền
ân đức của dưỡng phụ? Hài nhi còn thay mặt mẫu thân mà đền đáp lại nghĩa cử cao đẹp của dưỡng phụ kia mà? Dưỡng phụ! Dưỡng phụ nhắm mắt rồi mà
dưỡng phụ vẫn không biết lòng kính yêu của mẫu thân hài nhi đối với
dưỡng phụ. Dưỡng phụ đâu biết rằng chỉ vì mẫu thân hài nhi cảm thấy bất
xứng nên đã không dám chấp thuận sự bảo bọc của dưỡng phụ trong nghĩa
phu thê. Nhưng trong thâm tâm mẫu thân đã luôn xem dưỡng phụ là phu
quân, vẫn tự xem là thê tử của dưỡng phụ. Hài nhi cũng vậy, hài nhi luôn nghĩ rằng dưỡng phụ không chỉ là dưỡng phụ mà còn thâm trọng hơn thế
nhiều. Kẻ thù hãm hại mẫu thân là ai? Dưỡng phụ biết không? Hắn chính là đồng môn sư huynh của mẫu thân hài nhi. Hắn đã táng tận lương tấm, mất
hết thiên tính và nhân tính khi cưỡng hiếp và cố tình giết hại mẫu thân
hài nhi. Hắn là thú chứ không phải là con người nữa. Lam Y môn! Hắn bây
giờ là Môn chủ Lam Y môn. Vì hận hắn, vì không muốn phản bội sư tổ nên
mẫu thân hài nhi không dám thổ lộ cho dưỡng phụ biết điều này, không dám truyền thụ lại cho hài nhi công phu võ học của Lam Y môn, dù rằng công
phu võ học đó cao thâm hơn sở học một đời của dưỡng phụ. Hài nhi đã hứa
với mẫu thân vào hơi thở cuối cùng của mẫu thân là hài nhi không được
làm hại gì đến Lam Y môn ngoại trừ một mình hắn. Cũng như hài nhi đã hứa là sẽ không thổ lộ điều này cho dưỡng phụ biết. Nhưng lúc này, lời hứa
đó đã không còn giá trị nữa rồi. Dưỡng phụ ơi, dưỡng phụ tha thứ cho hài nhi, hài nhi đành bất tuân ý định của dưỡng phụ thôi. Hài nhi sẽ phải
đáp ứng lời trăng trối cuối cùng của mẫu thân. Mẫu thân muốn được táng
chung một huyệt với dưỡng phụ. Để kiếp sau, mẫu thân và dưỡng phụ sẽ là
phu thê của nhau, phu thê vĩnh viễn! Không phải dưỡng phụ từng mong muốn điều này sao? Dưỡng phụ…
Bi thương lắm rồi cũng phải đến lúc nguôi. Trời đã sập tối một cách
nhanh chóng. Thi thể của Cừu Dĩ Đào không còn gì nữa ngoài bộ cốt khô.
Không dám trì trệ, vì Cừu Thạch sợ rằng chỉ chậm trễ một chút đến khi an táng cho dưỡng phụ thì đến một lóng xương cũng không còn. Mức độ hủy
hoại của chất kịch độc này có thể đạt được đến điều này lắm chứ chẳng
thể không.
Việc đầu tiên cần làm là Cừu Thạch lao ra ngoài tìm hai nhánh củi khô
dùng như đôi đũa. Đoạn Cừu Thạch gắp từng đốt xương, từng đoạn xương
nguyên là của dưỡng phụ bỏ gọn vào trong y phục của dưỡng phụ. Xong đâu
đó, Cừu Thạch lưỡng lự trước khi lưu lại Diệp Lạc kinh giả để làm bằng.
Rồi vẫn bằng hai nhánh cây khô, Cừu Thạch mang nguyên bọc hài cốt lên
bình đại.
Không dám sử dụng trường kiếm của dưỡng phụ e chất kịch độc đã bám vào
thân kiếm, Cừu Thạch lấy từ trong người ra một thanh chủy thủ nhỏ ánh
lên màu lam… Đó chính là Lam Chủy lệnh, khi xưa mẫu thân của Cừu Thạch đã bị hại bằng thanh Lam Chủy lệnh này và cũng đã chống chọi với kình
ngư dưới ghềnh Giải Oan bằng thanh Lam Chủy lệnh này. Cừu Thạch dùng
thanh Lam Chủy lệnh là phương tiện để quật mộ mẫu thân, để an táng dưỡng phụ và mẫu thân chung một huyệt. Táng luôn thanh trường kiếm đã theo
bên mình dưỡng phụ hằng ấy năm trời.
An táng xong thì trời đã vào canh ba. Trời đang lặng gió, tiếng rì rào
của côn trùng rỉ rả vang lên. Sau đó, gió đang lặng vụt xuất hiện, tiếng côn trùng đang rỉ rả chợt im đi khi Cừu Thạch dùng lửa thiêu hủy căn
nhà, chốn nương náu suốt mười mấy năm trường của ba người thân cận nhau
là Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào, của Hà Thạch Cúc và của Cừu Thạch đứa
con vô sinh hữu dưỡng của Cừu Dĩ Đào và là đứa con hữu sinh vô dưỡng của Hà Thạch Cúc.
Nhìn ngọn lửa ngày càng bốc cao, Cừu Thạch một lầ nữa ngập ngừng nửa
muốn quẳng Diệp Lạc kinh vào thiêu hủy đi, nửa muốn lưu lại để làm bằng
cớ tố giác một âm mưu hiểm độc của ai đó.
Cuối cùng Cừu Thạch vẫn quyết định lưu nó lại.
Vẫn bằng nhánh củi rừng, Cừu Thạch lợi dụng ánh sáng lửa chạy thành ngọn để xem xét kỹ lại chân kinh Diệp Lạc.
Đúng là chân kinh giả, được ngụy tạo thành bí kíp hòng phục vụ âm mưu
hiểm ác của kẻ tàn độc. Xấp lá Bồ đề gồm mười hai lá, ngoài lá trên cùng có xăm hàng chữ Diệp Lạc kinh thì những chiếc lá bên trong đều có xăm
hai chữ “Xọa tử” (đồ ngốc). Càng xem càng phẫn uất, Cừu Thạch những muốn phá hủy đi cho rồi, nhưng với quyết tâm sắt đá, Cừu Thạch cố dằn lòng
nóng giận, đặt Diệp Lạc kinh giả vào bọc vải tẩm dầu như cũ.
Thò tay để rút bó lá Bồ đề từ bọc vải tẩm dầu ra hay để nhét vào thì rất dễ, nhưng khi chỉ dùng hai nhánh cây khô để cất vào thì quả là gian
nan. Chỉ cần sơ ý một tí, chỉ cần khẽ chạm tay vào lá Bồ đề thì ngay tức khắc sẽ “Ô hô! Ai tai!” ngay.
Cập rập một lúc, không hiểu một sự tình cờ nào đó mà Cừu Thạch làm rơi
từ trong bọc vải tẩm dầu ra một tờ hoa tiên nhỏ được xếp lại rất gọn.
Hồ nghi, Cừu Thạch dùng hai nhánh cây khô, một chặn một mở để trải rộng
tờ hoa tiên ra. Và cuối cùng, Cừu Thạch đã đọc được những hàng chữ không đầu không đuôi, gần như vô nghĩ vậy. Những chữ đó là :
“Cửu chuyển! Hồng môn qua tả càn… tiền khảm thối hậu khôn… Trung
cung đạp hữu chấn… tiền tam hậu tứ… tả nhất hữu nhị…”.
Và ở cuối cùng có ai đó, bằng nét chữ khác hẳn những nét chữ trên đã phê vào thêm hai chữ Xọa tử (đồ ngốc).
Cừu Thạch cau mày lại, lẩm nhẩm lại những câu chữ trên, để cuối cùng Cừu Thạch cũng phải công nhận rằng ai đã để lại những hàng chữ này đúng là
xọa tử.
Xọa tử! Đúng rồi! Kẻ nào đã bày ra âm mưu hiểm độc này đã vô tình để lẫn vào đây mảnh hoa tiên này, chỉ là vô tình thôi. Và biết đâu, nhờ sự vô
tình ngẫu nhiên này mà Cừu Thạch có khả năng khám phá được thủ phạm
trong vụ âm mưu này.
Nhẩm lại một lần nữa những câu chữ vô nghĩa, Cừu Thạch hất mảnh hoa tiên vào đống lửa, hủy đi chứng cớ tố giác có nguy cơ trở thành phản tác
dụng nếu để cho thủ phạm biết được việc này mà đề phòng.
Cố lại một lần nữa để nhét bó lá Bồ đề vào bọc vải tẩm dầu, Cừu Thạch e
ngại thử chạm khẽ vào bọc vải một cái, không sao! Nhờ vào lớp dầu tẩm,
chất kịch độc đã không còn nguy hiểm nữa. Yên tâm, Cừu Thạch cất vào bọc áo.
Nhìn lại mình, Cừu Thạch chỉ còn một thân trơ trọi, chỉ có duy nhất một
bộ y phục dính da, chỉ có duy nhất thanh Lam Chủy lệnh làm vật tùy thân
mà chưa chắc gì Cừu Thạch dám đem ra sử dụng. Với vài nén bạc trong
người… Cừu Thạch không biết nên đi về đâu, phải đi về đâu bây giờ?
Nhưng, dẫu sao cũng phải ra đi, đã đến lúc phải ly khai chốn đau thương này rồi. Dù là Cừu Thạch phải đi về phương trời vô định.
Đi thôi!