Thần Long Cửu Chuyển

Chương 10: Tam thập lục kế đào vi thượng



Nói về Cừu Thạch sau khi đà bay đã mãn, chàng không chần chừ ngay lúc chân vừa chạm đất đã theo đà chạy mải miết.

Xa xa trước mặt chàng là cánh rừng, là cứu tinh của Cừu Thạch nếu chàng
có thể thoát được tay quần hùng trên quãng đường độ trăm trượng này.

Gọi cánh rừng này là cứu tinh cho Cừu Thạch không có gì là quá đáng! Vì
chính Cừu Thạch đã từ cánh rừng đó mà tiến đến nơi diễn ra thịnh hội.
Hơn nữa, suốt đêm qua, sau một ngày lặn lội trong cánh rừng này, chàng
đã ngủ qua đêm ở đó. Có thể nói là Cừu Thạch đã thông tỏ đường đi lối
lại trong rừng. Bây giờ, chỉ cần Cừu Thạch chạy được đến đó thì kể như
thoát nạn.

Do đó bất kể những việc gì đang xảy ra ở phía sau, Cừu Thạch vẫn cấm đầu cắm cổ chạy miết. Và cũng vì thế nên việc Khả Mỹ Dung dùng uy lực của
Bạch Phướng Khô Lâu Ký chặn đứng quần hùng lại tiếp tay cho chàng Cừu
Thạch cũng không sao biết được.

Không bao lâu, Cừu Thạch đã lẩn được vào rừng, nhưng chàng vẫn biết rằng như thế vẫn chưa đủ an toàn nếu chàng không tìm được nơi ẩn náu.

Chỗ ẩn náu tốt nhất mà Cừu Thạch đã biết đó là một bọng cây khá to nằm
cạnh một ngôi miếu thờ Sơn Thần ở khoảng giữa rừng. Nhưng đi được đến đó Cừu Thạch cần phải có thời gian. Thế nhưng thời gian của Cừu Thạch lúc
này rất hạn hẹp, chàng không thể cứ băng ào ào trong rừng được. Làm thế
lớp thì tiếng động do chàng gây nên, lớp thì muông thú bị động mà bỏ
chạy vì hoảng loạn có thể dễ dàng tạo thành mục tiêu cho mọi người biết
lối đi của chàng mà chặn bắt. Do đó khi tiến vào rừng được chừng ba mươi trượng, Cừu Thạch bèn án binh bất động để nhìn lại phía sau.

Tịnh không thấy bóng một người nào cả. Hồ nghi, Cừu Thạch bèn đứng yên dò xét thêm một lúc lâu nữa.

Được một lúc, vẫn không nghe thấy bất kỳ một tiếng động nào. Cừu Thạch
ngỡ rằng mọi việc đã tạm lắng như vậy là do Cổ bang chủ đã phải lao sư
động chúng đã điều động bọn bang đồ Cái bang, đang ghìm chân mọi người ở phía ngoài nên mới có hiện tượng này. Yên tâm, Cừu Thạch liền nhanh
chân đi tiếp nữa.

Không ngờ, chỉ tiến được chừng mười trượng nữa từ chỗ dừng chân lúc nãy. Cừu Thạch đã nghe có tiếng lao xao ngoài cửa rừng. Do khoảng cách quá
xa, phần thì võ công kém nên Cừu Thạch không nghe được rõ, chàng bèn
đình bộ, quay ngược lại được hai trượng và trong một thoáng Cừu Thạch
thấy có nhiều bóng người đang túa ra và lao thành nhiều hướng tiến vào
rừng.

– Có phải người của Cổ bang chủ đang muốn tìm ta? Ồ! Không phải rồi! Vì
nếu là Cổ bang chủ và bang đồ Cừu Thạch thì hẳn lão nhân gia đã ứng khẩu kêu lên rồi. Đằng này bọn này im lìm thế kia thì đích thị là quần hùng
rồi. Làm sao bây giờ?

Tâm tư thoáng bấn loạn, Cừu Thạch nhìn ngang nhìn ngửa, đoạn nhanh tay nhanh chân trèo lên một thân cây gần ngay bên chàng.

Cây rừng phần nhiều thì thân dưới thẳng, lên cao thật cao ít là năm
trượng mới đến được chỗ tàng câu rậm rạp. Cừu Thạch không tính đến
khoảng này, nên chàng đã phải thót tim từng chập vì leo mãi vẫn không
đến được chỗ có tàng cây. Còn khi nhìn xuống phía dưới thì thấy thật là
trống trải, dễ bị lộ!

Do sợ, do gấp nên khi Cừu Thạch leo đến tàng cây, trước khi khuất mình
vào chỗ rậm nhất, Cừu Thạch đã làm rơi thanh kiếm gỉ ra khỏi lưng, chỉ
còn cái tay nải cột hờ đó thôi.

Đưa mắt khiếp đảm Cừu Thạch dõi theo thanh trường kiếm và Cừu Thạch đã
thở phào nhẹ nhõm khi thấy thanh trường kiếm mắc vào một chạc ba, chỉ ló phần đốc kiếm ra ngoài độ ba tấc. Với độ cao năm trượng và với phần ló
ra chỉ có ba tấc thì Cừu Thạch tin rằng sẽ không có ai nhìn thấy thanh
kiếm của chàng, và chỗ ẩn của chàng sẽ là kín đáo nếu Cừu Thạch bế khí
cho kín kẽ và nếu chàng gặp may.

Mà đúng là Cừu Thạch đã gặp may. Vì sau đó không lâu, Cừu Thạch từ trên
cao nhìn xuống đã thấy đúng là bọn quần hùng đang xục xạo tìm kiếm chàng và đúng là bọn họ không một lần nhìn lên tàng cây chỗ Cừu Thạch đang ẩn thân

Cừu Thạch còn nhận ra Từ Kinh Nhân, Tạ lão thần quyền trong số người đang tìm kiếm ở bên dưới.

Sau một lúc sục tìm không được gì bọn họ lại trở ra. Lần này khi đi
ngang chỗ Cừu Thạch ẩn, Cừu Thạch khẽ giật mình khi có một người chắt
lưỡi hít hà nói :

– Nếu không bị con nha đầu nọ dùng Bạch Phướng Khô Lâu Ký ngăn trở bọn
tại hạ. Thì bọn tại hạ đã tóm được tiểu tử đó rồi. Đâu để hắn kịp lủi
vào rừng dày đặc như thế này? Tiếc thật!

Liền ngay đó, Cừu Thạch nghe có tiếng Từ Kinh Nhân đáp lại :

– Hắn thoát được phen này, nhưng ta không tin hắn thoát được lâu đâu. Đi thôi!

Thoáng chốc, tất cả đều bỏ đi cả. Cừu Thạch ngồi im như tượng đá mơ màng nghĩ đến những lần chàng được Khả Mỹ Dung ra tay tiếp trợ.

Nếu không phải là chàng đã nói với nàng: “Đến khi nào có võ công cao
hơn, hoặc bằng Khả Mỹ Dung thì chàng mới chịu kết bạn!” Thì có lẽ chàng
đã sẵn sàng kết bạn với nàng rồi! Không phải vì chàng muốn nương dựa vào nàng nhưng là vì đó chính là đạo lý. Không phải thế sao? Nàng đã thành
tâm đối đãi tốt với chàng thế kia mà! Chàng không thể không dùng chân
tâm để đáp lại.

Mãi lo nghĩ đến trời sập tối mà Cừu Thạch lại không hay. Nghe tiếng chim rừng xao xác gọi nhau về tổ, Cừu Thạch mới sực tỉnh. Hoảng hốt, vì theo dự định là chàng phải đi sâu vào nữa, phải đến được nửa rừng phải tạm
nương náu qua đêm tại miếu Sơn Thần, thế mà giờ này chàng vẫn còn ở tại
đây.

Lập cập leo xuống, Cừu Thạch lại quên bẵng đi thanh trường kiếm đã không còn trên lưng chàng nữa, chỉ đến khi Cừu Thạch bước đi khó khăn trong
đêm tối, giữa những nhánh lá dây leo chằng chịt, đến khi Cừu Thạch buộc
phải dùng đến trường kiếm để phát cây rừng dọn lối đi, thì chàng mới
biết là trường kiếm đã bị chàng bỏ quên trên chạc ba cây lúc nãy. Lưng
chàng trống không!

Cừu Thạch không thể nào tiến nhanh nếu chàng không có lợi khí để phát
quang. Bất đắc dĩ Cừu Thạch phải lôi thanh Lam Chủy lệnh ra để sử dụng.

Có được thanh Lam Chủy lệnh sắc bén trong tay, dũng khí và đởm lược như trở lại với chàng.

Chàng không còn sợ dã thú tấn công bất chợt, không còn kinh hãi khi chỉ
có một mình giữa rừng rậm thâm u lúc đêm về. Và Cừu Thạch tiến nhanh
hơn.

Cứ thẳng hướng đã định, Cừu Thạch tiến bước.

Không biết đã trải qua được bao nhiêu thời khắc, nhìn trên trời với táng cây rừng giao chuyền dày đặc không thể nào thấy được một ánh sao đêm,
Cừu Thạch không thể biết bây giờ là canh mấy. Canh hai? Canh ba? Hay là
gần hết đêm?

Không biết! Cừu Thạch chỉ biết là chàng rốt cục rồi cũng đến được miếu Sơn Thần.

Trong bóng tối dày đặc giữa rừng thẳm, Cừu Thạch đâm ra lưỡng lự, nửa
muốn bước vào miếu Sơn Thần để nghỉ qua đêm như đã định, nửa lại muốn
nhân bóng đêm đi thêm càng xa càng tốt. Vì không phải là chàng đã nương
theo bóng đêm đi từ lúc nhập nhoạng tối cho đến bây giờ sao?

Rốt cục rồi Cừu Thạch cũng phải chọn cách thứ nhất vì sau một lúc phát
cây rừng để dọn lối đi, bây giờ cánh tay Cừu Thạch đã mỏi nhừ. Tội gì
không chờ đến lúc sáng hẳn để thấy đường đi, còn hơn là bây giờ phải mò
mẫm đường một cách vất vả.

Còn độ một trượng là Cừu Thạch đã bước vào miếu Sơn Thần, thế mà chàng
phải điếng hồn và khựng lại, vì một âm thanh đầy vẻ kinh khiếp đã vang
lên đột ngột :

– Đến bây giờ mới đến đó à, tiểu tử?

Cừu Thạch giương hết mục lục nhìn vào miếu Sơn Thần vì âm thanh đó đã từ trong miếu phát ra.

Và Cừu Thạch không nhìn thấy gì ngoài hai tia sáng phát ra lồ lộ từ cặp mắt của Từ Kinh Nhân xạ ra.

Âm thanh đó Cừu Thạch đâu dễ gì quên được! Nhân vật có âm sắc đó gọi
chàng bằng danh xưng đó và có nội lực hiển lộ ra cặp mắt cỡ đó không là
Từ Kinh Nhân – Phó minh chủ đương thời thì còn là ai được nữa?

Cừu Thạch theo bản năng tự vệ đã phải lùi lại hơn trượng, tay cầm thanh
Lam Chủy lệnh ngay trước ngực mà không nhớ rằng nếu đem so sánh võ công
của chàng và của Từ Kinh Nhân thì không khác nào đom đóm so với mặt
trời.

Vẫn đứng nguyên vị trí trong miếu Sơn Thần, Từ Kinh Nhân bắt đầu nói một cách đắc ý :

– Thế nào, tiểu tử? Bất ngờ quá phải không? Ha… ha… ha… Ngươi kinh ngạc vì ta đứng chờ ở đây à? Đừng kinh ngạc! Ta không có tài thông
thiên triệt địa như ngươi đang nghĩ trong đầu đâu. Chỉ là vì… thanh
kiếm của ngươi nằm vắt vẻo trên chạc ba cây đã cáo tố ngươi. Lúc ta nhìn thấy ta đã định ra tay bắt ngươi rồi, nhưng nghĩ lại, ta không muốn làm thế nữa, nào là Tạ lão, nào là lão ăn mày Cổ Khả Lạc, nào là con nha
đầu truyền nhân mụ Bạch Phát. Họ sẽ ngăn trở ta. Chi bằng ta Dương Đông
kích Tây, ta bỏ đi, sau khi ném lại cho ngươi câu hăm dọa. Đợi khi mọi
người đã tản đi hết, lúc ấy đã là canh một, ta mới quay lại tìm ngươi.
Thanh kiếm vẫn còn, nhưng người thì lại không có ở đó. Rồi tiếng động
trong rừng đêm đã giúp ta tìm được ngươi. Ta chỉ việc nương theo tiếng
động này. Và khi nhìn thấy miếu Sơn Thần, ta biết ngay thế nào ngươi
cũng đến đây. Ta chỉ cần lẳng lặng phóng qua đầu ngươi, và ta chỉ có mặt trước ngươi không lâu lắm đâu. Thế nào, vậy là minh bạch rồi phải
không?

– Từ đại hiệp! Vì sao đại hiệp lại muốn giết tại hạ? Tại hạ đã làm gì nên tội chứ?

Từ Kinh Nhân điềm nhiên đáp :

– Ai bảo ngươi là ta muốn giết ngươi? Chuyện này ở đâu ra? Ngươi nên
biết ta là Thiết thủ thiết diện, là Phó minh chủ kia mà. Không luận được tội ngươi, dẫu có muốn ta cũng không thể giết ngươi được.

– Vậy tại sao Từ đại hiệp lại đeo đuổi tại hạ tới đây? Không lẽ chỉ vì chuyện Diệp Lạc kinh giả kia hay sao?

Giọng của Từ Kinh Nhân trùng xuống, lộ rõ vẻ quyết tâm :

– Đúng là việc đó đấy, nào! Nói rõ ra xem nào tiểu tử! Ngươi họ Cừu ư?
Dưỡng phụ ngươi là ai? Phụ mẫu ngươi là ai? Lai lịch thế nào? Xuất xứ từ đâu ra?

Một loạt câu hỏi dồn dập của Từ Kinh Nhân khiến cho Cừu Thạch bối rối.
Chàng không biết là chàng nên đáp hay không nữa. Đáp thì lỗi đạo với
dưỡng phụ, phải giải thích thân thế mơ hồ của chàng mà mẫu thân chàng
không muốn chàng nói đến, bất tín với Cổ bang chủ vì chàng còn giấu kín
với Cổ bang chủ nữa kia mà. Còn như không đáp thì làm sao Từ Kinh Nhân – Từ phó minh chủ đại hiệp hiểu được sự vô can của chàng trong âm mưu
này?

Còn đang dụ dự bất quyết thì Từ Kinh Nhân đã quát lên :

– Nói đi chứ? Ngươi còn chờ gì nữa? Ngươi định chờ lão ăn mày họ Cổ hoặc con nha đầu kia đến cứu viện cho ngươi à? Đừng! Ta khuyên ngươi đừng
dại mà chọc giận ta!

Giữa rừng thâm u và đêm đen thanh vắng, tiếng quát nạt của Từ Kinh Nhân
làm cho Cừu Thạch giật mình, chàng vội khoa thanh Lam Chủy lệnh theo bản năng :

– Cừu Thạch! Danh tánh của ngươi làm ta ngạc nhiên đấy. Ta tin rằng
trưởng bối của ngươi, hay đúng hơn là phụ mẫu của ngươi ắt ta có biết.
Nói xem nào! Phụ mẫu ngươi là ai?

Lần thứ hai nghe Từ Kinh Nhân lập lại câu hỏi này, lại kèm theo ý bảo
ngạc nhiên về danh tánh của chàng khiến cho Cừu Thạch cảm thấy là lạ.

Do đó chàng lên tiếng hỏi :

– Là Từ đại hiệp muốn tra tìm lai lịch của tại hạ hay muốn nói về âm mưu nọ, liên quan đến Diệp Lạc kinh?

– Tại sao ngươi hỏi thế?

Cừu Thạch nói rõ ý của chàng :

– Vì tại hạ lấy làm lạ khi không nghe Từ đại hiệp hỏi gì đến Diệp Lạc
kinh. Hay là Từ đại hiệp đã rõ là tại hạ vô can trong việc này?

– Ha ha ha… Ai bảo ngươi là vô can chứ? Nếu quả tình ta nghĩ ngươi vô can thì ta còn tra vấn ngươi để làm gì?

– Thế tại sao Từ đại hiệp lại bảo rằng ngạc nhiên khi nghe đến danh tánh của ta? Việc này đâu có liên quan gì đến Diệp Lạc kinh?

Khựng lại một cái, tuy Cừu Thạch vẫn không trông thấy Từ Kinh Nhân, dù
sao một lúc đứng đối thoại cùng lão Cừu Thạch cũng biết rằng Từ Kinh
Nhân đã có khựng lại, vì sau đó lão mới đáp lại :

– Ở đây ta đang tra vấn ngươi hay là ngươi lục vấn ta nào? Hay là ngươi muốn ta bắt giữ ngươi, đem về cho quần hùng xử tội?

– Tại sao Từ đại hiệp cứ đề quyết cho tại hạ là có tội? Những gì xảy ra
với dưỡng phụ tại hạ, với Diệp Lạc kinh, tại hạ đã nói hết cho Cổ bang
chủ nghe rồi. Sao Cổ bang chủ tin được còn Từ đại hiệp thì không?

– Chỉ có lão ăn mày già hồ đồ mới tin được ngươi thôi. Chứ làm sao ngươi che mắt ta được.

Cừu Thạch uất hận nói :

– Còn một việc nữa, tại hạ chưa có dịp nói cho Cổ bang chủ nghe. Nếu Từ đại hiệp chịu suy xét giùm thì tại hạ xin nói!

– Đó là việc gì? Có liên quan đến Diệp Lạc kinh à?

– Từ đại hiệp phải nói rõ ra là liên quan đến âm mưu thâm độc và bí kíp giả mới đúng!

– Ừ! Thì là bí kíp giả. Còn việc gì mà ngươi chưa nói cho lão Cổ nghe? Quan trọng lắm không?

– Rất quan trọng, vì thế tại hạ không thể đợi thịnh hội diễn ra xong mà báo tin khẩn đòi gặp Cổ bang chủ.

Ngừng lời, Cừu Thạch hít vào một hơi dài, đoạn nói tiếp :

– … Và việc này nếu chúng ta chịu suy xét kỹ, đồng thời chịu khó tiến
hành điều tra thì tại hạ tin rằng sẽ tìm được kẻ chủ mưu nấp sau lưng
tất cả mọi việc.

– Là việc gì thế?

Nhìn được vẻ nôn nóng của Từ Kinh Nhân qua giọng nói, và qua đôi mắt
biểu lộ thần quang sáng quắc thì Cừu Thạch cảm thấy phần nào tự tin.
Chàng bèn thuật lại cho Từ Kinh Nhân nghe chuyện xảy ra đêm nọ tại An
Lạc tửu điếm mà chính chàng và Khả Mỹ Dung đã tận mục sở thị. Sau đó Cừu Thạch còn kể lại chi tiết cái chết của tên đạo chích nọ giống hoàn toàn với cái chết thảm của dưỡng phụ khi bị chất kịch độc trên bí kíp giả
gây ra. Chàng nói :

– Điều này dẫn chứng rằng kẻ chủ mưu đã bằng nhiều biện pháp muốn bưng bít vụ này, muốn giết tại hạ.

– Hắn đã không khai gì hết à?

Vô tâm Cừu Thạch không nghe được tiếng thở phào của Từ Kinh Nhân, chàng đáp :

– Hắn đã không hé răng dù chỉ một lời.

– Khá lắm!

– Sao lại khá lắm! Từ đại hiệp bảo ai khá lắm?

– À… không! Nhưng điều ngươi vừa nói đâu chứng minh ngươi vô can!

– Thế Từ đại hiệp không thấy đây đúng là âm mưu à?

– Có chứ! Và ta tin chắc rằng ngươi có liên quan đến vụ việc này. Thôi
nào! Ta đã nhân nhượng ngươi quá nhiều rồi đó. Bây giờ ta không còn muốn nghe ngươi nói gì cả. Đi thôi!

Cừu Thạch lo lắng, chàng hỏi lại :

– Đi? Là đi đâu?

– Còn đi đâu nữa? Theo ta đi đến trước quần hùng chứ đi đâu nữa?

Cừu Thạch lại lùi thêm, ác nghiệt thay chàng lại lùi vào ngõ cụt. Ngay
sau lưng chàng là một thân cây to chận ngang mất đường thoát của chàng.

Cừu Thạch lại khoa thanh Lam Chủy lệnh lên và dịch người lần theo gốc cây đó hy vọng tìm được đường đào thoát.

Vút!

Nhưng Từ Kinh Nhân đã lao đến nhanh như gió cuốn, Từ Kinh Nhân lại còn khinh khỉnh cất giọng :

– Rượu mời không uống muốn uống rượu phạt à? Tiểu tử ngươi lại muốn ta ra tay sao?

Miệng lão thì nói thế, nhưng hữu thủ của lão đã vươn ra, định chộp vào uyển mạch tay cầm lợi khí của Cừu Thạch.

Cừu Thạch lúc này mới nhìn được vẻ mặt của Từ Kinh Nhân. Không hiểu là
do bóng đêm hay do Cừu Thạch sợ quá mà trông nhầm, vì vẻ mặt của Từ Kinh Nhân trông thật là đanh ác. Và còn hơn thế, thủ pháp của Từ Kinh Nhân
vừa vung ra muôn phần hiểm độc. Hữu thủ tuy là nhằm chộp giữ lấy uyển
mạch của chàng, song hai ngón tay chỉ và giữa của lão thì lại cong vút,
nhằm ngay hai mắt của Cừu Thạch theo thế Song long đoạn châm mà gõ vào.

Kinh hãi, Cừu Thạch rụt ngay tay cầm Lam Chủy lệnh lại, khoa mạnh ra
thành thế Đồng tử bái Quan Âm chận ngay giữa hai ngón tay cong như vuốt
hổ của lão.

Chiêu mà Cừu Thạch vừa sử dụng không phải là tuyệt chiêu gì hết thế mà Từ Kinh Nhân đã bật lên tiếng la hoảng :

– A…

Đoạn lão đứng yên như hóa đá, đôi mắt trừng trừng vào thanh Lam Chủy lệnh không chớp, miệng thì lại lắp bắp thốt ra thành lời :

– Là nó! A… Mười sáu năm rồi ta mới nhìn lại vật này. Sao lại tấu xảo
thế nhỉ? Lam Chủy lệnh! Lam Chủy lệnh! Sao lại là Lam Chủy lệnh! Cừu
Thạch… Cừu Thạch!

Cừu Thạch nghe Từ Kinh Nhân lẩm bẩm mãi tên của chàng, chàng không hiểu
việc gì đang xảy ra. Có điều chàng không thể không giật mình khi nghe Từ Kinh Nhân vừa nhìn qua đã gọi đúng danh xưng của thanh Lam Chủy lệnh.
Nhưng lúc này không phải là lúc chàng phải tìm hiểu những nghi vấn này.
Trong khi Từ Kinh Nhân còn bất động đó, Cừu Thạch bèn quay tròn quanh
gốc cây.

Khi khuất sau phía bên kia gốc cây, Cừu Thạch không biết phải chạy đi
đâu bây giờ? Làm sao chàng có thể thoát thân được khi chàng thì không
nhìn rõ mọi vật trong đêm đen, còn Từ Kinh Nhân thì lại nhìn rõ mồn một
như nhìn trong lòng bàn tay vậy Đang khi còn lưỡng lự bất quyết, Cừu
Thạch lại nghe được những tiếng lầm bầm của Từ Kinh Nhân, lão nói :

– Không lẽ nào lại là hắn đây sao? Có thể như thế được sao? Hừ! Mà là
hắn thì sao? Tạp chủng! Cẩu tạp chủng! Ta giết mi! Ta phải giết mi thôi!

Cừu Thạch nghe mấy tiếng cuối cùng Từ Kinh Nhân vừa nói, vừa nghiến răng trèo trẹo thật kinh khiếp.

Chàng không lưỡng lự nữa, lao phắt về phía sau miếu Sơn Thần, ở đó, ngay sau miếu, Cừu Thạch nhớ rất rõ có một cây to, và trên thân cây chỗ cao
hơn mặt đất chừng ba trượng có một lỗ bọng to. Chính ở bọng này Cừu
Thạch đã náu mình ở đó, nghỉ qua một đêm thật là kín đáo. Cừu Thạch hy
vọng rằng, nếu có may mắn Cừu Thạch có thể leo tọt vào lỗ bọng và từ
phía trong Cừu Thạch có thể dùng thanh Lam Chủy lệnh án ngữ được và bảo
vệ tính mạng trong lúc nguy kịch này. Không ngờ chàng đã nhanh Từ Kinh
Nhân đã nhanh hơn. Lão đã nghĩ là Cừu Thạch muốn lẩn trốn bên trong miếu nên lão nhảy xổ đến vươn tay vồ vào phía sau chàng, đồng thời chếch hẳn bước chân về phía cửa miếu, quyết không cho Cừu Thạch chạy vào bên
trong.

Nhờ Từ Kinh Nhân nghĩ thế, nên Cừu Thạch đã làm lão phải sững sờ khi
chàng đã kịp chạy vòng về phía sau miếu. Khiến Từ Kinh Nhân vồ hụt và
cũng đoán sai ý định của chàng.

– Chạy đi đâu!

Từ Kinh Nhân đã gầm lên, và tống vào hậu tâm Cừu Thạch một chưởng.

Vù… Vù…

Tiếng sóng kình ào ào đưa tới vừa mạnh vừa nhanh không thể tả, đủ cho
Cừu Thạch võ công có kém cỏi đến đâu đi nữa cũng không thể không nghe
được tiếng sóng kình này. Như phong ba bão táp dậy lên nhằm lật úp con
thuyền con thế nào thì sóng kình từ tâm chưởng của Từ Kinh Nhân cũng
cùng một mưu toan như thế đó với Cừu Thạch.

Phịch!

Bùng!

Hự!

Gốc cây Du lớn nằm ngay phía hậu miếu Sơn Thần đó là cứu cánh của Cừu
Thạch khi chàng đang chạy càn đến đó. Phàm nếu ai đã biết cây Du thì ắt
phải biết rằng gốc cây Du lúc nào cũng có những nhánh rễ ngoằn ngoèo và
khô cứng chẳng khác này nhánh cây, với lớp vỏ bên ngoài sù sì trông thật là gớm ghiếc. Cừu Thạch cũng biết thế, nhưng ngay lúc khẩn yếu này dù
Cừu Thạch có muốn lẩn tránh những nhánh rễ ngoằn ngoèo đó, Cừu Thạch
cũng không tài nào tránh được. Phần thì gấp, phần thì không nhìn thấy,
thế là Cừu Thạch lúc chạy ngoặc vào phía hậu viện của miếu Sơn Thần thì
chàng đã vấp phải một nhánh rễ như vậy, Cừu Thạch té sấp mặt xuống và
nhờ thế, Cừu Thạch đã tránh thoát được một chưởng đả tử của Từ Kinh
Nhân. Không phải là tránh thoát hoàn toàn, vì luồng lực đạo của chưởng
phong không phải như là mũi kiếm hay đầu đao chỉ có phạm vi uy lực nhỏ
bé, trái lại, luồng chưởng kình đó tuy mạnh nhất ở trung tâm nhưng ngoài phạm vi trung tâm vẫn bị ảnh hưởng của chưởng kình ở mức độ yếu hơn.

Nói thì nói vậy, đối với bản thân Cừu Thạch, công phu không là bao, thì
chỉ cần phần ngoài rìa chưởng kình của một người như Từ Kinh Nhân thôi
cũng đủ đưa Cừu Thạch về bên kia Cửu Tuyền rồi. Do vậy, Cừu Thạch ngay
khi bị vấp vào một nhánh cây ngã xuống thì sóng kình của Từ Kinh Nhân đã lao đến đập chúng vào… hạ thân.

May là Cừu Thạch chỉ bị chưởng kình chạm vào hạ thân nên không phải chết ngay đương trường. Và do bị trúng vào hạ thân nên Cừu Thạch đã không
gặp may, vì dư kình đã đẩy thân hình của Cừu Thạch đang nằm đó, phải
trườn tới trước thêm một quãng.

Không phải nói cũng đủ biết, khi dưới thân mình của Cừu Thạch toàn là
những nhánh rễ cây Du sù sì. Và khi Cừu Thạch bị đẩy tới thì dưới sức
mạnh của thân hình chàng đè xuống, toàn bộ vùng ngực của Cừu Thạch đều
bị những nhánh rễ khô cứng đó làm cho đau đớn đến ngần nào.

Đau buốt tâm can, y phục tơi tả, rát bỏng cả vùng ngực và đau cơ hồ đến ngất đi.

Chưa hết! Vượt qua được lớp rễ ngoằn ngoèo phái ngoài thì đầu của Cừu
Thạch lại bị va vào gốc cây Du thêm một cái nữa. Cừu Thạch kêu lên một
tiếng đâu đớn, ngỡ rằng chàng đã vừa chạm mặt phán quan tại Âm cung vậy.

Cừu Thạch vì đau quá nên phải nằm im không động cựa, nhờ thế Từ Kinh
Nhân do tin rằng Cừu Thạch đã chết dưới một chưởng hùng hậu của lão nên
lão không đánh bồi thêm nữa, Từ Kinh Nhân đứng im đó, cứ đứng ở xa mà
nhìn trừng trừng vào thân xác bất động của Cừu Thạch.

Được một lúc Từ Kinh Nhân lại mơ màng rồi lại lẩm bẩm :

– Hà Thạch Cúc! Có phải Cừu Thạch là con của muội không? Hà Tứ Cô! Hà… Hà… Hà… Thế là ta đã giết con của muội rồi! Muội bây giờ đang ở
đâu? Ta đã si tình muội, ta đã đem hết lòng yêu thương muội sao muội
chẳng đoái hoài đến ta? Sao muội không thương tưởng đến ta? Tại sao?
Hà… Thạch… Cúc…

Từ Kinh Nhân gầm lên, hét lên thật dữ tợn, âm thanh vang dội khắp cùng
sâu, lồng lộng như tiếng Long ngâm hổ tiếu, khiến cho những thú dữ ở
trong rừng, kể cả chúa sơn lâm là hổ cũng phải kinh hoàng mà bỏ chạy
toán loạn…

Đang mơ màng muốn ngất đi, Cừu Thạch mơ hồ nghe như từ cõi u minh vọng
về danh xưng của mẫu thân “Hà… Thạch… Cúc…” Chàng tỉnh dậy Cừu
Thạch nghiêng tai lắng nghe, đúng là từ nơi nào đó sâu thẳm trong rừng
vọng lại vào tai Cừu Thạch ba chữ :

“Hà Thạch Cúc”.

– Ai…? Ai đã gọi tên của mẫu thân ta?

Tiếng nói của Cừu Thạch quá đỗi yếu ớt, đến chính Cừu Thạch còn không
nghe được nữa nói gì đến ai khác. Do đó, Từ Kinh Nhân vẫn chưa biết là
Cừu Thạch còn sống.

Vì thế, Từ Kinh Nhân lại lảm nhảm :

– Sao lại là Cừu Thạch? Đại tánh này ở đâu ra? Có phải dưỡng phụ của hắn họ Cừu không?

– Phải! Dưỡng phụ ta có đại tánh là Cừu. Họ Từ ngươi không biết điều này sao?

Từ Kinh Nhân những tưởng đấy là tiếng oan hồn uổng tử vừ nói ra cho lão
nghe, Từ Kinh Nhân chớp mắt vài lượt, và vẫn còn nhìn thấy rõ ràng Cừu
Thạch đang nằm bất động kia mà!

Soạt!

Bất giác Từ Kinh Nhân lùi lại hai bước vì thân thể của Cừu Thạch đang bất động đó bỗng nhiên lăn ngửa ra rồi lại từ từ ngồi dậy.

Trước mặt Từ Kinh Nhân bây giờ Cừu Thạch không còn một chút gì là nhân
dạng con người nữa. Khuôn mặt bết đầy máu, y phục rách tơi tả để lộ lớp
da trước mặt nhầy nhụa toàn là máu.

Chuyện quỷ nhập tràng do kẻ chết oan đúng vào giờ linh tại vùng đất linh trong dân gian ai mà không nghe. Nhưng Từ Kinh Nhân cũng như những nhân vật giang hồ khác quen đi lại một mình vào ban đêm trong những nơi thâm sơn cùng cốc, thì không bao giờ tin. Nhưng với những diễn biến này Từ
Kinh Nhân không tin cũng phải tin.

Từ Kinh Nhân lùi thêm ba bước nữa khi thấy thân xác đầy máu me đó đang từ từ đứng dậy!

Từ thân xác máu me đó, Từ Kinh Nhân nghe có những tiếng khò khè phát ra
mà nếu bình tĩnh hơn thì lão sẽ biết đó là tiếng thở ra nặng nhọc của
Cừu Thạch. Đằng này do bấn loạn trong lòng, trong trí, nên Từ Kinh Nhân
ngỡ đây là tiếng rên rỉ đòi mạng của oan hồn Cừu Thạch.

Cừu Thạch lúc còn lành lặn chưa chắc gì đã xem thấy mọi biểu hiện trên
gương mặt Từ Kinh Nhân vào đêm đen thế này, huống chi bây giờ toàn thân
Cừu Thạch đang đau như dần…

Do đó, sau khi mơ hồ hỏi, mơ hồ đáp, mơ hồ ngồi dậy và đứng lên thì Cừu
Thạch không khỏi thất kinh khi vẫn nhìn thấy đôi mắt xanh lè của lão họ
Từ đang xạ vào chàng, trông chẳng khác nào cặp mắt nhìn thèm thuồng của
con hổ đói.

Tựa thân vào gốc cây Du, Cừu Thạch sợ quá đến không nói được tiếng nào.
Và càng sợ thì hơi thở càng khò khè mạnh hơn. Tay cầm thanh Lam Chủy
lệnh giấu ở sau lưng, Cừu Thạch len lén đâm vào gốc cây Du sần sùi. Vẫn
không thấy Từ Kinh Nhân lao đến công tiếp, Cừu Thạch cho rằng lão họ Từ
đang chơi trò mèo vờn chuột đây. Cho nên Cừu Thạch cố hết sức điều hòa
chân lực, dồn hết sức tàn lên thượng bàn, lên cánh tay đang nắm chặt
thanh Lam Chủy lệnh. Cừu Thạch không cần quan sát cũng biết cái bọng cây đang nằm đâu đó trên đầu chàng độ hai trượng là cùng. Cừu Thạch thầm hy vọng, thầm khấn nguyện, thầm mong mỏi rằng nếu chàng xuất kỳ bất ý dùng thanh Lam Chủy lệnh để làm điểm tựa thì chàng chỉ cần tót lên một cái
là đã đưa lọt thân hình vào bọng cây rồi. Và nếu được như vậy thì Cừu
Thạch mới mong tìm được đường sống.

Trong lúc Cừu Thạch đang âm thầm chuẩn bị thì Từ Kinh Nhân đã dần dần
bình tâm tĩnh trí. Lão kinh ngạc khi thấy nếu là Quỷ nhập tràng sao lại
không làm gì lão, không uy hiếp lão? Ngược lại đôi tay của thân xác đẫm
máu đó lại mầy mò gì ở phía sau chỗ gốc cây Du. Bán tín bán nghi, Từ
Kinh Nhân lên tiếng hỏi :

– Ngươi… Ngươi chưa chết?

Câu hỏi của Từ Kinh Nhân khiến cho Cừu Thạch phân vân, không hiểu tại
sao lão lại hỏi thế? Phúc chí tâm linh, Cừu Thạch vọt miệng kêu lên :

– Ai? Ai ở đằng sau lão vậy?

Thần hồn nát thần tính, Từ Kinh Nhân xoay người lại…

Vù!

Soạt!

Tiếng đu mình nhảy lên của Cừu Thạch làm cho Từ Kinh Nhân phải quay trở
lại, lão quay lại khá nhanh nên đã kịp nhìn thấy Cừu Thạch đang khuất
vào một chỗ trống trên thân cây Du.

Biết là Cừu Thạch vẫn còn sống và đã bị Cừu Thạch lừa, Từ Kinh Nhân gầm lên một tiếng khủng khiếp :

– Chạy đi đâu?

Vừa gầm, Từ Kinh Nhân vừa lao vút người đến tung ra một chưởng cật lực
vào bọng cây, mà lão tin rằng phen này Cừu Thạch đã tự đâm đầu vào lưới, đã tự đâm đầu vào ngõ cụt và tự tìm chỗ táng thân.

Ầm!

Thật khủng khiếp cho nội lực kinh hồn của Từ Kinh Nhân. Một chưởng của
lão đã làm cho toàn thân cây Du rung lên bần bật, như sắp đổ đến nơi
vậy…

Âm ba của tiếng chấn động vẫn còn vang vang khắp rừng nhưng dường như Từ Kinh Nhân không nghe tiếng kêu thảm của Cừu Thạch thì phải.

Tránh sai sót như lúc nãy, Từ Kinh Nhân lại phóng người lên cao ngang tầm lỗ bọng, lão đập thêm hai chưởng nữa

Ầm!

Ầm!

Thân cây Du dù có cứng đến đâu đi nữa cũng chỉ là thân mộc, mà chưởng
lực của Từ Kinh Nhân thì đến đá, vàng cũng phải tan rã, thì cây Du làm
sao chịu đựng nổi một lúc đến hai chưởng cực mạnh của Từ Kinh Nhân được. Huống chi, lỗ bọn này khá sâu, gần như là thân cây Du chỉ còn có vỏ
ngoài mà thôi. Do đó, sau hai chưởng này của Từ Kinh Nhân, toàn thân cây Du ở phía trên lỗ bọng đã không chi trì được nữa đã từ từ oằn xuống và
đổ ụp toàn thân phía trên xuống về phía Từ Kinh Nhân đứng.

Từ Kinh Nhân nhảy lùi lại, rồi tạt chéo sang bên tả độ năm trượng. Vẫn
không thấy an toàn, Từ Kinh Nhân lại dịch sang bên tả năm trượng nữa vị
chi là mười trượng rồi Từ Kinh Nhân đứng nhìn cú quật cực mạnh lần cuối
cùng của cây Du giáng xuống đất, giáng luôn vào tòa miếu Sơn Thần đã mục nát.

Rào… Rào… Rào…

Ầm!

Ầm!

Cát bụi từ dưới đất bay lên, từ miếu Sơn Thần đổ nát bay lên khiến cho
Từ Kinh Nhân dù nội lực uyên thâm đến mấy cũng không nhìn được gì.

Chờ đến lúc bụi cát lắng dần xuống, Từ Kinh Nhân nhảy đến, phi thân lên
phần thân cây Du còn lại để kiếm chứng lại xem Cừu Thạch có đúng là đã
chết hay không?

Trong bọng cây Du ăn sâu xuống tận gốc, tối đen như hũ nút, đến Từ Kinh
Nhân khi nhìn xuống cũng phải vận hết mục lục mới nhìn thấy được thân
xác còn nguyên vẹn của Cừu Thạch đang nằm khoanh tròn ở phía dưới

Đã chết hay sắp chết, Từ Kinh Nhân không biết là lão cũng không muốn mạo hiểm nhảy xuống dưới đó để kiểm tra lại, Từ Kinh Nhân khom người xuống
đề tụ chân lực bản thân đến thập thành vỗ vào lòng cây một kích nữa

Ào… Ào…

Bùng!

Lần này âm ba của chưởng kình nghe thật là ấm và gọn!

Không cần phải kiểm tra nữa, Từ Kinh Nhân tin rằng dù Cừu Thạch có là
kim cương bất hoại cũng không sao chịu được một kích vừa rồi của lão
được. Do đó, Từ Kinh Nhân bèn lăng không vọt đi, đầu ngón chân chỉ khẽ
chạm vào những nhánh cây là lão đã như chim bay trong bóng đêm biến mất
dạng…

Rừng đêm lại vắng lặng như nó vốn vẫn vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.