Sáng hôm sau, những dấu vết của mùa xuân gần như đã bị trận bão đêm trước quét sạch. Nắng ban mai gay gắt
làm những người đi làm đồng bắt đầu phải mang nón. Bà Hồ Điểu nhọc mệt
leo lên chùa, thở hổn hển. Cổ khô, miệng khát, mồ hôi đẫm trán chảy dài
xuống má làm khó chịu, nhưng bà vẫn không nghỉ. Và nóng nảy muốn tới
chùa ngay để xem Thạch Kinh Tử thế nào. Mới đến cổng, bà đã gọi tới tấp:
– Thầy Đại Quán ! Thằng đó liệu có qua khỏi không ?
Đại Quán bước ra hàng hiên, mắt hấp háy:
– À, bà Hồ Điểu ! Đêm qua mưa to quá há !
– Phải. Bà cười ác độc. Trận mưa chết người chứ không bỡn.
– Dầm mưa vài đêm chẳng sao. Sức người bền bỉ lắm, nhưng nắng buổi trưa mới thật ghê gớm.
Hồ Điểu hướng bộ mặt nhăn nhúm về phía cây đại bách:
– Thầy nghĩ hắn còn sống à ?
Bà lấy tay che mắt cho đỡ chói, đôi mắt sắc nheo lại dưới ánh nắng, đứng chăm chú nhìn một lúc rồi lẩm bẩm:
– Trông như cái giẻ rách thế kia, khó sống lắm, khó sống lắm !
– Không thấy quạ bu xung quanh mổ mắt, vậy là chưa chết.
– Ờ phải ! Mô Phật, sức học uyên bác như thầy, khó ai mà lừa được.
Rồi nghểnh cổ, đưa mắt tò mò nhìn qua vai Đại Quán vào trong, bà nói:
– Không thấy dâu lão đâu. Thầy gọi nó giùm lão với !
– Bần tăng biết dâu bà là ai mà gọi.
– Chà ! Thầy gọi giúp chút mà ! Nó ở trong chùa ấy !
– Nhưng ai mới được chứ ?
– Oa Tử. Hồ Điểu sốt ruột. Oa Tử chứ ai nữa !
– Vậy sao bà không bảo Oa Tử lại bảo dâu bà ? Cô ấy đâu đã về làm dâu nhà Hồ Điểu ?
– Chưa. Nhưng lão có ý định đưa nó về giới thiệu với họ hàng là dâu của lão.
Đại Quán mỉm cười:
– Liệu được không ? Bần tăng chưa từng thấy ai lấy chồng vắng mặt như thế bao giờ !
Bà Hồ Điểu giọng bất mãn:
– Thầy nhiều chuyện ! Thì cứ gọi hộ lão ! Đâu phải việc của thầy !
– Chắc cô ấy còn ngủ trong phòng !
– Ờ nhỉ, lão quên mất. Bà nói nửa như với mình, nửa như với Đại Quán.
Lão có bảo nó ban đêm phải để ý trông thằng Thạch Kinh Tử, chắc sáng ra
nó mệt. Nhân thể hỏi thầy, có phải ban ngày thầy trông chừng hắn không ?
Nhưng không đợi Đại Quán trả lời, bà bước vội ra gốc đại bách, nhìn chăm chú lên cây một lúc, thừ người ra suy nghĩ, lát sau quày quả bỏ đi, tay vung vẩy cây gậy dâu.
Đại Quán không nói, cũng trở về phòng, ngồi tư lự đến chiều.
Oa Tử ở cách phòng Đại Quán không xa. Nàng đóng cửa phòng từ sáng, trừ
hai bận mở cho một chú tiểu mang bát thuốc và liễn cháo đến. Đêm trước,
người ta đã phải khiêng Oa Tử về khi thấy nàng ngất đi ở ngoài hiên dưới mưa gió. Dỗ dành lắm nàng mới uống hết chung trà nóng. Sư cụ quở Oa Tử
không biết bao nhiêu, nàng chỉ yên lặng không đáp. Giờ đây, ngồi dựa
lưng vào vách ván, đầu nặng và nhức như búa bổ, nàng thấy cơn sốt kéo
đến, trong người nóng hầm hập. Cố lắm nàng mới húp được vài thìa cháo
loãng.
Hoàng hôn tắt đã lâu, bóng tối ập xuống bao phủ cả gian phòng hiu quạnh. Trái với đêm trước, vầng trăng hôm nay hiện lên rực rỡ, ánh sáng long
lanh như rung động trên nền trời sâu thẳm.
Chờ mọi người ngủ yên, Đại Quán mới bỏ sách xuống, xỏ chân vào đôi guốc gỗ, bước ra sân. Ông khẽ gọi:
– Thạch Kinh Tử !
Tiếng đáp lớn từ trên cây vọng xuống, mạnh và đầy giận dữ:
– Gì vậy, thằng trọc ?
Ít khi Đại Quán bị bất ngờ như vậy. Ông không giấu được vẻ ngạc nhiên:
– Sắp chết mà còn hét to nhỉ ! Ngươi là cá hay thuộc loài thủy quái gì
vậy ? Cứ sức này thì còn chịu được vài trận mưa nữa. Sao, giờ thấy đói
chưa ?
– Đừng hỏi lôi thôi. Chặt phứt đầu tao đi cho rồi !
– Không được ! Chặt bây giờ để đầu ngươi rớt xuống cắn ta hả ?
Rồi nhìn trời, ông nói:
– Trăng đẹp quá ! Ở trên đó, ngươi ngắm trăng chắc thú hơn ta.
– Này thằng trọc hổ mang kia ! Mở mắt nhìn cho rõ:
ta chưa yếu sức đâu, ta muốn làm gì vẫn còn làm được.
Dứt lời, Thạch Kinh Tử uốn cong mình tung lên cao rồi buông xuống, vùng
vẫy dãy dụa như con cá mắc câu. Sức mạnh của hắn làm cành đại bách rung
chuyển, lá và vỏ cây rơi lả tả trên đầu Đại Quán. Nhà sư vẫn thản nhiên, nhưng vẻ ung dung có hơi giả tạo. Ông đưa tay khoan thai phủi lá cây
rụng trên vai:
– Được lắm. Cứ giận, càng giận điên cuồng càng tốt. Hãy tỏ cho mọi người biết ngươi hãy còn sung sức ! Có người nói kềm chế được nóng giận là
cương nghị, khôn ngoan, nhưng ta, ta cho đó là ngu xuẩn. Ta không khen
những người biết tự kềm chế và có giáo dục như vậy. Thanh niên phải tỏ
ra có nhiều sức lực hơn bậc đàn anh chứ ! Giữ sức mà làm gì ! Dãy đi, cứ dãy cho khỏe, càng mạnh càng tốt.
– Ta giật đứt sợi dây này, xuống ăn thua đủ với ngươi !
– Dọa hay làm thật vậy ? Nếu thấy đủ sức thì cứ làm, ta đợi.
– Câm họng !
– Ngươi còn khỏe lắm ! Dãy rung cả cành đại bách, nhưng tiếc rằng đất
vẫn chưa chuyển. Khỏe nhưng vẫn yếu. Sự cuồng nộ của ngươi chỉ do lòng
hung bạo mà ra, vì xúc cảm nhất thời mà có, không phải là sự phẫn nộ của người vì thấy điều bất bình mà giận dữ. Sự phẫn nộ chỉ đáng kể khi nó
bắt nguồn từ một niềm bất mãn tinh thần. Giận những chuyện không đâu là
cái giận của đàn bà, không giải quyết được gì hết !
Thạch Kinh Tử không nghe, vừa chửi rủa vừa giẫy dụa. Càng dãy, sợi dây
càng thắt chặt. Hắn mệt phờ người, những chỗ dây thừng siết vào da thịt
rớm máu.
Đại Quán đứng nhìn một lúc, lắc đầu. Ông lấy giọng thân thiết khuyên nhủ:
– Thạch Kinh Tử ! Ngươi chẳng nên ngu ngốc như vậy. Dãy dụa bao nhiêu
cũng chẳng làm cây gẫy được mà thế gian này đâu có sứt mẻ đi chút nào ?
Thạch Kinh Tử rên khe khẽ. Cơn cuồng nộ của hắn đã qua, hắn thấy lời Đại Quán nói đúng.
– Ta khuyên ngươi mang sức mạnh dùng vào việc gì có ích cho nhà cho
nước. Hãy cố gắng làm một điều gì hữu ích cho những người chung quanh,
tuy bây giờ có hơi trễ.
Ngươi cứ thử cố gắng đi, Trời Phật sẽ độ trì cho. Cả những người dân tầm thường trong làng này cũng sẽ cảm động và đối xử với ngươi khác trước.
Giọng Đại Quán trở nên buồn và nhu hòa:
– Thật đáng tiếc ! Ngươi sinh ra làm người mà hành động như loài dã thú, không bằng giống sói lang. Thật buồn ! Một thanh niên đang tuổi hăng
hái như ngươi mà chết vô dụng, không có cơ hội nên người !
– Thế ngươi là người đấy hả ?
– Lúc nào ngươi cũng ỷ và sức mạnh vô địch. Bây giờ ai thắng, ai bại, ngươi đã thấy rõ.
– Ta không có gì phải xấu hổ. Cuộc đấu không ngay thẳng.
– Có gì khác đâu ? Ngươi bại không phải vì thiếu sức mạnh mà vì bất trí. Ta không dại gì đấu sức với một người khỏe như ngươi. Bạo hổ băng hà,
tử nhi vô hối ! Ai đưa tay không ra bắt cọp bao giờ ! Người khôn hơn cọp là vì thế. Trong cuộc giao đấu giữa người và cọp, nếu cọp thua, chẳng
ai bảo là cuộc đấu không ngay thẳng.
Thạch Kinh Tử không tỏ dấu hiệu gì nghe lời Đại Quán.
– Vũ dũng của ngươi cũng thế, không hơn gì sự hung tợn của một con vật.
Đấy không phải là cái dũng của người hiệp sĩ. Lòng dũng cảm thật phải
biết thế nào là sợ, sợ những điều đáng sợ. Người hiệp sĩ yêu cuộc sống,
coi cuộc sống là vật báu vô giá và chỉ chết khi cần, tự quyết định lúc
nào đáng chết và chết một cách đĩnh đạt …
Vẫn không có tiếng đáp lại.
– Thạch Kinh Tử, tội nghiệp cho ngươi ! Ngươi dũng cảm và có sức mạnh,
nhưng thiếu kiến thức và không ngoan. Dũng cảm, sức mạnh chỉ là phương
tiện. Kiến thức, khôn ngoan mới thực sự là cốt tủy của người hiệp sĩ khi hành đạo. Hợp những điều ấy lại, ngươi sẽ chỉ thấy có một đường ! Ngươi rõ không, Thạch Kinh Tử ? Một đường thôi !
Cây đại bách vẫn yên lặng. Yên lặng như phiến đá Đại Quán ngồi, như bóng đêm vây quanh gốc đại thụ.
Lát sau, Đại Quán đứng dậy:
– Nghĩ kỹ đi, Thạch Kinh Tử ! Nghĩ thêm một đêm nữa rồi chết cũng không muộn !
Nói xong, ông bỏ đi, đầu cúi, lòng nặng trĩu ưu tư. Nhưng được vài bước, tiếng Thạch Kinh Tử đã gọi giật ông lại:
– Thầy Đại Quán !
– Gì vậy ? Ngươi đã nghĩ chín rồi hả ?
– Đại Quán ! Xin thầy cứu con !
Tiếng Thạch Kinh Tử vang lên trong đêm khuya yên tĩnh. Một cơn gió nhẹ
thoảng qua, lá cây xào xạc như than khóc càng làm tăng thêm nỗi bi thiết của lời kêu cứu.
– Con muốn trở nên người tốt. Sắp chết, con mới hiểu được giá trị của sự sống thì đã muộn, xin thầy giải thoát cho con.
– Lần đầu ta thấy con nói như một người. Con đã biết suy xét rồi đó !
– Con không muốn chết. Con muốn cố gắng làm lại tất cả.
Và hắn khóc:
– Đại Quán ! Xin thầy giúp con !
Nhưng nhà sư lắc đầu:
– Ta rất tiếc chẳng có quyền ấy. Đó là quyền của tạo hóa. Đầu chặt đi
rồi, không gắn lại được nữa, luật thiên nhiên như vậy. Ta thương con
nhưng không cởi trói cho con được, vì không phải ta đã trói con mà chính con đã tự trói con đấy ! Ta chỉ còn một điều khuyên:
Hãy anh dũng trước cái chết, và vì danh dự của ông cha, hãy cố giữ vẻ
bình thản. Đọc kinh đi, ta mong sẽ có người nghe thấy lời con sám hối.
Rồi Đại Quán bước đi hẳn, tiếng guốc gỗ xa dần về phía tăng phòng.
Thạch Kinh Tử không kêu nữa. Nghe lời khuyên của nhà sư, hắn nhắm mắt
lại lâm râm cầu nguyện và quên hết mọi sự, cả sự chết cũng như sự sống.
Tâm hồn hắn lâng lâng, siêu thoát. Đối với hắn giờ đây mọi việc đều là
hư ảo dưới bầu trời vằng vặc trăng sao, với gió đêm thì thào thổi qua
những tàn lá. Hắn thấy lạnh, lạnh lắm.
Thời gian trôi qua. Thạch Kinh Tử cảm thấy như có người ở dưới gốc cây
đang tìm cách trèo lên. Người đó ôm thân cây, cố gắng một cách vụng về
bám lấy cành thấp nhất nhưng hai ba lần đều trượt và tuột xuống. Hắn
nghe tiếng vỏ khô rào rạo mỗi khi người đó rướn mình lên và tiếng thở
hổn hển. Sự vụng về và yếu đuối của người trèo làm hắn mường tượng có lẽ tay chân người ấy bị xây xát nhiều hơn là lớp vỏ xù xì của cây đại
bách. Nhưng hình như người đó quyết tâm lắm, vì chẳng bao lâu sau đã
thấy một bóng đen bò đến gần chỗ cành cây treo hắn. Thạch Kinh Tử nhịn
thở, banh mắt ra nhìn. Có tiếng gọi đứt quãng, nhẹ như tơ lẫn trong hơi
thở hổn hển:
– Thạch Kinh Tử !
– Ai đấy ?
– Oa Tử. Oa Tử lên cứu chàng.
– …
– Nghe chàng van xin, tiếng đau thương tự tâm khảm, Oa Tử không nỡ …
– Nàng định cởi trói cho ta thoát sao ?
– Vâng, trốn đi … Oa Tử cũng muốn rời khỏi chỗ tàn bạo và vô lý này. Oa Tử sẽ giúp chàng, chúng ta cùng nhau đi trốn.
Bấy giờ Thạch Kinh Tử mới nhận thấy Oa Tử đã sẵn sàng. Nàng mặc áo chẽn, một túi vải hành trang đeo sẵn trên vai.
– Vậy nhanh lên ! Cắt ngay dây đi, Oa Tử !
– Đây ! Cắt ngay đây !
Nàng rút trong lưng ra một con dao nhỏ, một tay ôm cành cây, một tay cứa vào sợi dây. Sợi chão đứt dần và sau một tiếng phựt, Thạch Kinh Tử rơi
xuống như hòn đá, kéo theo cả thiếu nữ. Một cành thấp gần gốc cây đập
vào lưng hai người làm nàng đau điếng rồi cả hai ngã lăn trên nền đất.
Thạch Kinh Tử ê ẩm cả người. Oa Tử ngất đi, nằm yên như khúc gỗ. Một lúc sau tỉnh lại nàng mới gượng đau, bò đến chỗ Thạch Kinh Tử nằm, cắt nốt
dây trói cho hắn.
– Nàng không sao chứ ?
– Cũng không biết nữa, nhưng chắc còn đi được.
– May mà có cái cành thấp này đỡ, nếu có việc gì cũng không đến nỗi nặng lắm !
– Còn chàng thì sao ? Có yếu quá không ?
– Ờ …ờ …ta …ta …
Hắn ngưng lại một chút, giơ tay định hét lớn, bỗng nhiên khựng lại, vui mừng ghé vào tai Oa Tử:
– Sống rồi ! Ta sống thật rồi !
– Dĩ nhiên là chàng sống.
– Sống ! Không dĩ nhiên gì cả ! Rõ ràng là ta sống rồi !
– Bây giờ phải trốn khỏi nơi này ngay. Chần chừ có người trông thấy, mình khó thoát lắm !
Rồi chống tay đứng dậy, Oa Tử khập khiễng bước đi, theo sau là Thạch
Kinh Tử, yên lặng và run rẩy như hai con sâu yếu ớt bị thương trong trận tuyết giá đầu mùa.
Họ lầm lũi đi như trong mơ, thất thểu trên con đường rừng rậm rạp cho
đến khi tiếng gà văng vẳng đằng xa làm họ thức tỉnh. Oa Tử dừng chân
trông về hướng đông, bảo Thạch Kinh Tử:
– Trời hửng sáng rồi đấy !
– Đây là đâu thế ?
– Đỉnh đồi Nakayama.
– Đã đến đỉnh đồi Nakayama rồi cơ à ? Nhanh quá nhỉ !
Oa Tử mỉm cười yếu ớt. Nàng gắng gượng đáp lời Thạch Kinh Tử mà như nói với chính mình:
– Ờ, nhanh thật ! Nếu quyết tâm, ta có thể làm những việc không ai ngờ được !
Rồi bỗng sực nghĩ ra điều gì, nàng vội vã thêm:
– Chết ! Quên mất. Chắc anh đói lắm. Mấy ngày nay có được ăn gì đâu !
Nghe nói đến ăn, Thạch Kinh Tử thấy bụng cồn cào, đau quặn, nước rãi ứa
đầy miệng. Oa Tử ngồi xuốn vệ đường, mở đẫy lấy ra bốn chiếc bánh nếp.
Ngồi trông nàng mở đẫy, hắn thấy sao chậm quá, tưởng có đến hàng giờ mới xong. Tay run run bóc bánh, mùi thơm của lá gói đưa lên mũi khiến hắn
choáng váng. Hắn nhai trệu trạo vài cái đã nuốt ngay, nhưng vẫn tận
hưởng được hương vị ngọt ngào của đậu xanh quyện với bột nếp nhuyễn tan
trong miệng.
“Ta sống thật rồi !”, hắn nguyện thầm sẽ khôn ngoan hơn và quyết tâm sống một cuộc đời khác.
Trên trời, mây hồng lên rực rỡ. Thạch Kinh Tử nhìn nét mặt người bạn
đồng hành đã rõ hơn. Hắn no bụng, yêu đời và không còn lo sợ nữa.
– Trời sáng rồi ! Oa Tử nói. Chúng ta phải hết sức cẩn thận. Đây là ranh tỉnh rồi đó!
Thạch Kinh Tử ngạc nhiên:
– Ranh tỉnh … Ta phải đi Hinagura kia mà !
– Đi Hinagura làm gì ?
– Cứu Ô Nhiên. Ô Nhiên bị giam ở đó. Nàng với ta chia tay tại đây thôi !
Oa Tử nhìn hắn, kinh ngạc:
– Chàng muốn đi một mình à ? Nhưng nếu biết thế, Oa Tử đã không bỏ Miyamoto.
– Làm sao được ? Chẳng lẽ cứ để Ô Nhiên bị giam ở đấy mãi !
Oa Tử cầm tay Thạch Kinh Tử nhìn vào mắt hắn, chứa chan thông cảm và say đắm:
– Thạch Kinh Tử, khi nào thuận tiện, Oa Tử sẽ nói rõ chàng nghe cảm tình của Oa Tử đối với chàng, nhưng bây giờ chàng đừng bỏ Oa Tử ở đây. Đi
đâu cho Oa Tử theo với!
– Không được đâu.
– Chàng nên nhớ – Nàng nắm chặt tay Thạch Kinh Tử – lúc nào Oa Tử cũng
muốn ở bên chàng. Đi cứu Ô Nhiên, nếu thấy Oa Tử theo làm phiền thì Oa
Tử sẽ đến Himeji đợi chàng vậy !
– Cũng được ! Như thế tiện hơn !
– Thế nào chàng cũng trở lại nhé.
– Dĩ nhiên.
– Oa Tử đợi chàng ở cầu Hanada ngoại ô thành Himeji đấy ! Dù lâu một trăm hay một ngàn ngày, Oa Tử cũng đợi !
Thạch Kinh Tử gật đầu, rảo bước lên núi. Oa Tử đứng lặng trông theo cho đến khi bóng hắn khuất dần trong những lùm cây rậm rạp.