Thạch Kiếm

Chương 65: Sơn quỷ



Đền Toku thực ra là một thiền viện, cách xóm tiều chừng năm dặm. Lão ông thủ viện tính tình trầm mặc, trước cũng là kiếm sĩ nhưng nay ẩn ở chốn hoang vu này để tránh dòm ngó.

Ông vẫn giữ liên lạc với vài người bạn cũ phục thị trong dinh Hòa Giả ở
Cổ thành, nhưng mối giao tình cũng vì địa vị xã hội khác biệt mà không
còn thắm thiết lắm.

Hôm ấy Điền Xán Quang tới chơi. Điền Xán Quang làm tham kiểm trong dinh
sứ quân Hòa Giả Nghị, giữ một chức vụ quan trọng coi việc tra xét danh
sách những người được đề bạt và cố vấn cho sứ quân Hòa Giả Nghị việc sử
dụng những người được đề bạt ấy.

Trong các chuyến công du, Điền Xán Quang thường có khá đông người tháp
tùng, nhưng lần này đến thăm người bạn cũ, ông chỉ đem theo hai kiếm sĩ
tùy viên và một gia nhân thân tín.

Đã lâu không hưởng cảnh thanh nhàn, Điền Xán Quang tỏ ra hết sức thích
thú khi được ngồi trong một mảnh vườn nhỏ xa thị thành, dưới gốc phong
cành đã bắt đầu nảy lộc, nghe tiếng ếch kêu báo hiệu sự hồi sinh của vạn vật sau một thời gian đông miên đằng đẵng.

Trời xế chiều, Điền Xán Quang không để ý. Mãi khi gia nhân bưng trà ra, ông mới nói:

– Ồ ! Hóa ra ta ngồi quên trong cõi vô minh này cũng lâu rồi nhỉ.

– Xin đại nhân bảo trọng. Trời hãy còn lạnh …

– Không sao ! Ông cười. Tấm thân này đã nhiều xông pha, xá gì chút lạnh
cuối mùa. Chà ! Mùi hoa mai mới nở thơm thật dễ chịu. Mai chiếm xuân
khôi …Ngươi có ngửi thấy gì không ?

– Bẩm, tiểu nhân chẳng thấy gì cả.

– Chắc không ? Hay ngươi bị cảm hàn rồi đấy ?

Điền Xán Quang vừa nửa đùa nửa thật bảo kẻ hầu trà đứng cạnh.

Thình lình một tiếng quát lớn sau hàng giậu khiến ai nấy giật mình.

– Dòm ngó cái gì ? Có đi chỗ khác không ?

Tiếp theo là tiếng chân lui về phía bếp rồi vệ sĩ của Điền Xán Quang hớt hải chạy tới.

– Chuyện gì thế ?

– Bọn tiểu nhân không rõ, để hỏi chủ viện.

Chủ viện đến ngay không đợi gọi.

– Xin tha lỗi, gia nhân không biết làm kinh động đến tôn khách. Đó chỉ là một đứa trẻ trong xóm.

– Trẻ trong xóm ? Nó đến dò xét gì vậy ? Có chắc không hay là gian tế đấy ?

– Chắc. Thằng bé đó tên là Hạo đồng. Nghe nói trước tổ phụ cũng là kiếm
sĩ nên cứ thấy ai là kiếm sĩ thì thập thò nhìn ngó vì nó cũng muốn được
như tổ phụ.

Điền Xán Quang gật gù:

– Trẻ con tò mò là sự thường, lão huynh đừng chấp. Nếu đúng thế thì gọi
nó đến cho nó vài cái bánh. Biết đâu chẳng phải là đứa trẻ có khả năng,
tập luyện nên người được.

oo Hạo Nhiên vào bếp ném chiếc túi vải đến trước mặt mụ giữ kho:

– Mụ đổ kê vào đấy để tôi còn mang về, trời sắp tối rồi.

– Á ! Thằng này trịch thượng quá ! Mày làm như chúng tao nợ mày ấy.

– Đừng thấy viện chủ thương, cho mày ăn mà hỗn láo. Muốn xin cái gì thì phải nói cho có lễ phép.

Gã đầu bếp phụ họa.

– Tôi đâu có xin, tôi mua mà ! Tôi trả tiền bằng chiếc hộp quý cha tôi để lại và đã trao cho viện chủ rồi.

– Cha mày làm phu giữ ngựa mà để lại cho mày đồ quý gì ?

– Can dự gì đến chú ? Có đong kê đổ vào đấy hay không thì bảo. Viện chủ bảo tôi xuống đây lấy kê chứ không xin của chú.

Gã đầu bếp cười hinh hích:

– Thằng bé này hay giận quá ! Ừ, rồi chúng ta đổ kê vào bị cho. Nhưng
này, ta hỏi thật, sao mày lại phải đem tiền của cha mày đi nuôi cái
thằng khùng ấy ? Hai đứa đào xới thửa đất ấy thì trồng cấy gì được ! Tìm vàng hả ?

Hạo Nhiên tức giận đứng sững, không nói được lời nào. Thấy có con cóc ẩn mình trong góc bếp, nó vồ lấy ném cái bốp vào mặt gã vừa nói rồi định
quay đầu chạy.

Nhưng ngay lúc đó, lão viện chủ bước vào. Ông nắm vai thằng bé. Hạo Nhiên sợ hãi giằng ra.

– Đừng sợ, ta đã nghe hết. Mụ già và gã kia không được trêu chọc nó nữa. Bây giờ bỏ chuyện ấy đi, ta dẫn nó lên gặp Điền đại nhân.

– Chắc nó lại làm điều gì xúc phạm đến Điền đại nhân chứ không sai.

Lão viện chủ cười:

– Không, các ngươi đoán lầm. Ngài chỉ muốn gặp nó và còn muốn cho nó bánh nữa.

Hạo Nhiên đứng nép bên rào gỗ, tò mò nhìn Điền Xán Quang. Lần đầu tiên
nó gặp và được nhìn thỏa thích một kiếm sĩ có danh vọng ở trong dinh. So với các kiếm sĩ giang hồ khác và nhất là với thầy nó, Hạo Nhiên thấy sự khác biệt cách xa nhau ghê gớm, từ y phục, cử chỉ đến dáng dấp.

– Lại gần đây. Ngươi tên gì, mấy tuổi ?

– Nô tài là Hạo Nhiên, mười ba tuổi.

– Ngươi muốn trở thành kiếm sĩ phải không ?

Hạo Nhiên gật đầu:

– Dạ phải.

– Tốt lắm. Vậy có muốn vào trong dinh ở không ? Ngươi sẽ giúp gia nhân
làm việc vặt và ta sẽ cho lệnh dạy ngươi trở thành kiếm sĩ.

Hạo Nhiên lắc đầu. Tưởng thằng bé nhút nhát, Điền Xán Quang nhắc lại và
bảo nó ông có ý ấy thật chứ không phải nói đùa. Nhưng Hạo Nhiên đáp:

– Nghe lão trượng nói ngài định cho nô tài ăn bánh …

Lão viện chủ tái mặt:

– Hạo nhi ! Không được hỗn.

Đoạn tiến đến dắt tay nó định lôi đi. Điền Xán Quang ngăn lại:

– Không sao ! Lão huynh ! Nó nói phải. Ta đã hứa thì phải giữ lời.

Bèn gọi gia nhân mang bánh tới cho Hạo Nhiên. Hạo Nhiên đổ cả vào bọc gói lại.

– Ngươi không ăn ở đây sao ?

– Không. Nô tài phải về, sư phụ đợi.

– A ! Ngươi có sư phụ hả ?

Nhưng Hạo Nhiên không đáp, hối hả quay đi quên cả chào và cảm ơn người cho bánh.

Vốn tính độ lượng và yêu trẻ, Điền Xán Quang không để tâm, cho là thằng
bé cứng đầu, không giống tính nết những đứa trẻ khác. Trái lại, lão viện chủ có vẻ e ngại, sợ làm mất lòng khách quý. Ông xin lỗi thay cho nó
nhiều lần, uống tách trà rồi đàm đạo với Điền Xán Quang một lúc rồi mới
lui gót.

Đến bếp, hỏi Hạo Nhiên đâu thì được biết nó đã mang túi kê về rồi. Xa
xa, vẳng tiếng kèn làm bằng lá nó mới cuốn, vừa đi vừa thổi phỏng theo
một điệu nhạc cổ thường nghe trong các buổi tế lễ mà khi còn sống cha nó vẫn dẫn nó đi xem.

Trên đường về, từ Toku đến Hotengahara, chỗ hai con suối nhập lại thành
một dòng sông nhỏ có cây cầu bắc ngang, bỗng Hạo Nhiên giật mình, nhảy
lui nấp vào bụi rậm.

Nó vừa trông thấy trên cầu ba cái bóng đen cao lớn, dáng điệu dữ dằn, tay cầm giáo, đang châu đầu vào nhau bàn bạc.

Từ trong bụi, Hạo Nhiên banh mắt nhìn ra. Ba thằng quần áo lôi thôi lếch thếch, râu xồm, tóc búi quấn trong những cái khăn không phân biệt rõ
màu, trông như quỷ.

“Đúng rồi”, Hạo Nhiên nghĩ thầm. Và kỷ niệm hãi hùng của thời thơ ấu
hiện lên, gợi trong trí nó nhiều hình ảnh ghê sợ khiến tim nó đập dồn
dập.

Ngay từ nhỏ, mẹ nó đã dọa, nếu hay khóc đêm và không ngoan ngoãn thì sơn quỷ tới bắt đi. Sơn quỷ râu xồm, nanh dài, đeo bị và uống máu con nít.
Đến khi khôn lớn, nó không tin những lời ấy nữa, nhưng ấn tượng sơn quỷ
nanh dài, uống máu con nít vẫn để lại trong lòng nó một nỗi khiếp sợ
không sao gột sạch.

Đã từ lâu, hàng trăm năm trước, trên triền núi Hitachi cách xóm tiều chừng vài chục dặm có một ngôi cổ miếu thờ sơn thần.

Không ai biết đó là thần gì nhưng khẩu truyền thần rất linh thiêng, nếu
cúng bái hàng năm đầy đủ, thần sẽ phù hộ cho được mùa và không bị dịch
tễ. Cho nên dân trong vùng luân phiên nhau mang lễ vật đến dâng cúng. Lễ vật gồm có dê, bò , lợn và các loại ngũ cốc. Vào những năm ngài đặc
biệt ra oai, lễ vật còn gồm cả một thiếu nữ đồng trinh nữa.

Lễ vật thường được rước về đêm, dưới ánh đuốc chập chờn đến chân núi,
qua nhiều tàng cây rậm và những khe đá ẩm ướt trơn như đổ mỡ. Nhưng đấy
là chuyện xưa, khi dân xóm còn thưa thớt và chưa mấy người dám phiêu lưu đến gần ngôi cổ miếu. Sau này, những tiều phu đi kiếm củi phát giác sơn thần thực ra chỉ là một người hoặc con cháu của người đó, có lẽ là một
tên cướp lẩn trốn trong rừng, lợi dụng lòng mê tín của dân xóm mà ra oai tác phúc. Lễ vật vì thế thưa và ít dần, vơi theo với lòng kính trọng.

Sau cuộc tranh chấp sứ quân, số binh sĩ thua trận đào tẩu nhiều, miếu
sơn thần trở nên rộn rịp. Ban đêm người ta thấy có ánh lửa nhiều nơi
trên triền núi, tiếng người kêu khóc và những bóng đen ra vào sân miếu.
Từ đó cướp đổ xuống các xóm hẻo lánh bắt gia súc cùng với đàn bà con gái mang đi, không năm nào là không có, có khi một năm hai ba lượt.

Chúng vẽ mặt dữ tợn, mang đủ loại vũ khí, từ gậy, đinh ba đến đao kiếm.
Ai chống cự liền bị giết tức thì. Dân làng gọi chúng là sơn quỷ. Mới năm trước, bọn này từ trên núi xuống cướp phá, đốt nhà, xúc thóc, bắt bò
lợn dẫn đi lại còn giết ba thanh niên chống lại chúng. Trong ký ức của
Hạo Nhiên, biến cố ấy xác định sự có thật của bầy sơn quỷ nó từng được
nghe kể trong thời thơ ấu và càng làm tăng nỗi kinh hoàng trong lòng nó.

Nấp sau bụi rậm, Hạo Nhiên run lập cập. Nghĩ đến lời Thạch Đạt Lang dặn
trong cơn nguy biến đừng bao giờ để những xúc động, kể cả sự sợ hãi, làm chủ mình, nó cắn chặt hai hàm răng với nhau.

Ngoài kia, trên cầu gỗ lại thêm bốn năm bóng đen nữa, rồi chúng cứ tiếp
tục đến, lúc hai lúc ba, chẳng bao lâu tổng số bọn cướp đã tới non hai
chục đứa.

Hạo Nhiên cố trấn áp sự sợ hãi, giữ cho đầu óc tỉnh táo để suy nghĩ tìm
kế thoát thân, nhưng nó không tìm ra cách gì, chỉ ngồi yên không thở
mạnh và mở banh mắt nhìn ra ngoài trong bóng tối chập choạng. Bọn sơn
quỷ dường như không lưu ý gì đến người và cảnh vật xung quanh, ồn ào nhổ bọt, hỉ mũi và cãi vã. Nhờ đó Hạo Nhiên biết đêm nay chúng đến ăn hàng ở xóm tiều.

Lúc sau khi trời tối hẳn, cả bọn bỏ đi. Hạo Nhiên thấy nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng.

Bước ra khỏi bụi cây, cành lá sột soạt, đột nhiên một tiếng quát làm nó giật bắn người.

– Ai ?

Kinh hoảng, Hạo Nhiên vất túi kê xuống đất, co giò chạy thục mạng. Nó
không ngờ bọn cướp còn để lại hai thằng ở đầu cầu để canh chừng. Thấy
bóng người vụt ra ven suối, hai đứa vác giáo rượt theo. Hạo Nhiên tuy
nhanh nhẹn nhưng làm sao địch nổi những tên cướp lực lưỡng. Chẳng mấy
chốc chúng đuổi kịp thằng bé, trói nghiến lại, mặc cho nó kêu cứu vang
động cả khu đồi hoang tịch.

– Trói làm gì, thí cho nó một nhát.

Một tên nói.

Hạo Nhiên hết hồn, không kêu nữa vì biết kêu cũng vô ích, có lẽ chỉ làm cho những tên cướp thêm tức giận.

– Không. Tao có cách này hay hơn.

Nói đoạn, một tên xách bổng Hạo Nhiên lên. Thằng bé bồn chồn sợ hãi
không biết chúng định làm gì mình. Nó không đạp, không giẫy, người mềm
như sợi bún và bỗng thấy đũng quần ướt nhẹp.

Không đợi lâu, tên cướp xách nó ra bờ sông. Một tiếng “phọp”, Hạo Nhiên
bị quẳng xuống nước. Nước lạnh bắn tung tóe lên mặt. May mà chỗ ấy lòng
sông cạn, nó chỉ nằm ngửa trên bùn, xung quanh cỏ lác, ếch nhái vô số
nhảy tòm tọp.

Tên cướp lội ra, kéo Hạo Nhiên đến chân cầu, buộc nó vào đấy.

– Ở đây chờ nước lên, mày về với tổ tiên con ạ !

Sau tiếng cười hềnh hệch chấm dứt lời đe dọa, tên cướp bỏ vào bờ. Cảnh
sông cô tịch trong đêm lại trở lại cái hoang vắng cũ, giữa những tiếng
côn trùng ri rỉ và lau khô xào xạc.

Hạo Nhiên lấy lại bình tĩnh. Cơn sợ đã tan và nó có cảm giác như tự
nhiên được giải thoát, mặc dầu vẫn bị trói chặt vào chân cầu. Không hiểu tại sao, có lẽ vì tên cướp không còn đó, có lẽ vì mùi bùn nước quen
thuộc làm nó yên tâm hơn, hay có lẽ vì cả hai.

Hạo Nhiên ngẩng nhìn trời. Trời cao vòi vọi, vài đốm sao lúc ẩn lúc
hiện. Hạo Nhiên nhìn mặt sông. Mặt sông lăn tăn gợn sóng, nước vỗ bờ ì
ọp. Xung quanh nó, tạo vật thờ ơ đến lạnh lùng !

Nó thử vặn mình, rướn người. Sợi dây trói nó vào chân cầu gặp nước nở ra siết chặt vào bụng và đùi khiến nó đau đớn, nhăn mặt. Hạo Nhiên cựa
quậy những đầu ngón tay thấy dễ dàng hơn, bèn lần xuống bụng tìm mối dây buộc. Khó nhọc lắm mới cởi được nút ra thì các ngón tay cứng đơ, gần
như tê dại. Nhưng nó mừng vô tả. Gió đêm thổi mạnh mà thân thể nó nóng
ran, khích động như chưa bao giờ như thế.

Hạo Nhiên vặn mình cho dây trói tuột đi rồi nương theo chân cầu trầm
mình xuống. Nó sờ soạng, hy vọng tìm một vật gì nhất thời cắt được dây
buộc cổ tay. Khi chạm phải hòn đá sắc cạnh tạm dùng được, nó kê sợ dây
lên hòn đá cứa đi cứa lại. Một lúc lại dừng, nghe ngóng. Khi sợi dây đã
có chiều hơi lỏng muốn dãn ra, nó sung sướng mất cả bình tĩnh, đưa tay
cứa sợi dây nhanh hơn. Trong đêm vắng, nước đọng bì bọp vang dội. Ếch
nhái im bặt, tiếng nước vỗ chân cầu nghe càng lớn.

Giật mình, Hạo Nhiên dừng tay. Tim nó đập thình thịch trong lồng ngực
như muốn vỡ. Nhớ lời sư phụ, Hạo Nhiên hít vào thật sâu, vận khí chu lưu khắp cơ thể. Bốn bề vắng lặng, dường như hai tên cướp đã đi xa rồi. Một lúc, thấy huyết mạch điều hòa, nó mới yên tâm tiếp tục cứa sợi dây cho
đến đứt rồi cúi xuống cởi dây trói chân. Đoạn, hít một hơi dài, nó đạp
nhẹ vào chân cầu, lặn xuống nước và trườn mình ra xa. Bơi qua khúc sông
hẹp đối với Hạo Nhiên chẳng khó gì. Nó vẫn thường bơi như cơm bữa khi
bắt cá ở đầm, tuy lần này cẩn thận hơn, không để gây tiếng động.

Sang đến bên kia sông, Hạo Nhiên vẫn chưa hoàn hồn. Bám vào rễ cây, nó
trườn lên bờ như một con rắn, chờ tới chỗ khuất không trông thấy cây cầu gỗ nữa, nó mới vội vã đứng lên hướng về phía đồng Hotengahara rảo bước.

Sau nó, về mạn xóm tiều, lửa cũng vừa rực sáng, chiếu đỏ chân trời và khiến những hàng cây ở gần hiện rõ nét như cắt.

oo – Thầy ! Thầy ơi ! Thầy có nhà không ?

Nghe giọng sợ hãi, cấp bách của đồ đệ, Thạch Đạt Lang vùng dậy mở cửa.
Nhìn thằng bé ướt nhẹp bùn đất, hắn trố mắt ngạc nhiên. Không đợi sư phụ hỏi, Hạo Nhiên liến thoắng:

– Con ở đền Toku về. Bọn sơn quỷ đang phá xóm, đốt nhà …

Thạch Đạt Lang cau mày:

– Sơn quỷ ? Sơn quỷ nào ? Phải cướp không ?

– Dạ phải, phải. Nhiều lắm, đến hai chục đứa … Xóm tiều … Con suýt bị giết chết… Thầy mau đi cứu họ …

Không đợi trò nói thêm, tuy chỉ là những câu nhát gừng, hỗn loạn, Thạch
Đạt Lang chạy bổ vào nhà trong, một loáng đi ra, song kiếm đã giắt ngang lưng, khăn trên đầu buộc vội.

– Thầy cho con đi cùng …

– Không được ! Con ở lại con nhà !

Hạo Nhiên trố mắt:

– Thầy chưa biết đường, để con chỉ …

– Không cần ! Chỗ lửa cháy đằng xa kia chứ gì. Ta biết !

Nó năn nỉ:

– Nhưng con giúp thầy được nhiều việc, thầy cho con đi …

– Không ! Nguy hiểm lắm. Vướng cẳng ta.

Thấy thầy sẵng giọng, Hạo Nhiên đành cúi đầu vâng lệnh. Rồi tần ngần
nhìn sư phụ bước nhanh về phía chân trời đỏ rực, lòng nó băn khoăn chẳng rõ ông có đủ tài đối phó với bọn quỷ dữ ấy không ! Nỗi lo âu bỗng dưng
tràn ngập tâm hồn ngây thơ của nó.

oo Bọn sơn quỷ mới ra khỏi xóm chừng non một dặm thì Thạch Đạt Lang cũng vừa tới. Chúng khoảng bảy tám đứa, mặt đỏ gay phần vì rượu, phần vì do
ánh lửa từ những bó đuốc chúng cầm hắt tới, mồ hôi nhễ nhại, đánh hai
chiếc xe bò lớn chở thực phẩm cao có ngọn, theo sau có đến chục phụ nữ
tóc xõa, áo quần xốc xếch, tay bị trói giật cánh khuỷu, vừa đi vừa khóc
mếu. Nói đi thì cũng không đúng vì họ bị trói thành một xâu, nếu chẳng
may có kẻ ngã thì những người kia cũng ngã theo. Tên cướp đi cạnh hò
hét, thúc đẩy, thỉnh thoảng lại pha trò tục tằn hoặc giơ roi hăm dọa. Kẻ nào tránh né thì cả xâu nghiêng ngả, nên có những lúc cả bọn phụ nữ
phải bò. Dưới ánh đuốc bập bùng, đoàn người khốn khổ ấy trông chẳng khác gì tội nhân dưới địa ngục bị bầy quỷ sứ dẫn đi hành quyết.

Thấy một bóng người cao lớn chặn đường, cặp lông mày rậm bị chiếc khăn
kéo ngược xếch đến thái dương, đôi mắt đỏ au như hổ phách, sát khí phừng phừng toát ra từ chân tóc, bốn tên cướp đi đầu khựng lại, quát:

– Ai ?

Yên lặng. Bóng người cao lớn kia vẫn tiến bước, tay để vào đốc kiếm. Bọn cướp nhất tề thoái lui. Thạch Đạt Lang đảo mắt vọ, đếm đúng tám đứa.
Bốn trước mặt, ba áp tải xe lương và một đứa đoạn hậu dẫn đám phụ nữ.

Một tiếng thét như sấm, ánh thép lóe sáng. Hai thây người gần nhất đổ
xuống tựa củi mục, máu ở ngực và cổ họng chúng phun ra có vòi. Tiếng la
hét thất thanh của đám phụ nữ cùng tiếng chân chạy loạn xạ.

– Mày là đứa nào ? Sao dám cản trở việc làm của chúng ta ?

Thạch Đạt Lang cười gằn, lau máu kiếm lên áo rồi tra kiếm vào vỏ. Bây
giờ hắn tay không, thách thức. Hắn không cần võ khí vì cầm chắc phần
thắng. Biết địch thủ chỉ là những tên thảo khấu tầm thường, ô hợp, Thạch Đạt Lang muốn một lần làm cho chúng phải nể sợ, cạch đến già. Đó là
hành động khinh địch, Thạch Đạt Lang biết, nhưng là một hành động có mưu tính.

– Ta là thiên sứ, trời sai xuống bảo vệ dân xóm này.

Tên cướp không tin, cầm giáo xỉa Thạch Đạt Lang một nhát. Hắn né tránh
và nhanh như cắt, bắt lấy cán giáo giật mạnh. Gã kia theo đà ngã chúi về phía trước.

Thuận chân, Thạch Đạt Lang đá một cước như trời giáng vào hạ bộ nó. Cùng với tiếng thét xé ruột vì đau đớn, tên cướp tung lên rồi rơi xuống, đầu đập vào tảng đá, nằm ngay đơ như cán cuốc trên mặt cỏ.

Hai đứa khác xông tới. Một đứa định dùng dao quắm phạt ngang sườn, một
đứa lấy gậy bổ lên đầu địch thủ. Thạch Đạt Lang nhanh mắt vớ ngay cây
đuốc cắm trên xe ném vào mặt một thằng. Trong lúc chúng đang lúng túng,
cây giáo trên tay Thạch Đạt Lang tựa lằn chớp phóng ra, xiên cả hai đứa
làm một như xâu cá nướng.

Thủ pháp của Thạch Đạt Lang xuất quỷ nhập thần, nhanh vô kể. Những đứa
kia đã bỏ chạy từ bao giờ, còn lại một tên không tin ở mắt mình, đứng
nhìn, mồm há hốc.

Thạch Đạt Lang tiến đến, hai tay chắp lại giơ cao. Một tiếng rắc, đầu
tên cướp vỡ nát, chết tươi, không kịp kêu. Máu ở mắt và miệng ộc ra
loang thẫm cả râu và ngực.

Đám phụ nữ phía sau khóc như ri. Thạch Đạt Lang bước đến, họ sụp lạy xin tha.

Hắn phải trấn an:

– Đừng sợ ! Ta không hại người vô tội. Ta đến giết bọn quỷ cứu dân xóm.

Bây giờ bọn phụ nữ mới vén tóc hé mắt nhìn lên. Thấy gã làm ruộng vẫn ở
căn lều cùng với một thằng nhỏ tại đồng Hotengahara, họ vừa ngạc nhiên
vừa mừng rỡ. Thật là chuyện không ngờ. Kẻ mà dân làng vẫn cho là đần
độn, không ai lưu ý lại chính là ân nhân của cả xóm.

– Bọn chúng bao nhiêu đứa ? Sao chỉ có mấy thằng này thôi ?

– Chúng nhiều lắm, còn ở lại trong xóm.

Thạch Đạt Lang cắt dây trói và bảo bọn phụ nữ đánh xe bò trở lại. Hắn về xóm trước xem tình thế ra sao và xử bọn sơn quỷ còn lẩn quất ở đó.

Đến nơi, lửa đã bớt. Mùi gỗ thông lẫn với mùi quần áo và thực phẩm cháy khét lẹt.

Trẻ con và những người già nhớn nhác tìm cha mẹ, con cháu, gọi nhau ơi
ới. Nhưng thanh niên thì không thấy ai. Có lẽ họ đã trốn hết, sợ bọn sơn quỷ ra tay giết sạch. Nắm một cụ già lại hỏi, cụ sợ hãi lắp bắp chẳng
ra hơi. Mãi sau, gặp nhiều người khác, giải thích mãi, Thạch Đạt Lang
mới được họ cho biết bọn chúng tập trung tại nhà trưởng xóm. Ở đấy có
mấy thùng rượu sa-kê, chúng tiếc chưa bỏ đi, còn ngồi nướng gà vịt nhậu
nhẹt. Thạch Đạt Lang phóng đến. Trong nhà ồn ào như chợ vỡ. Ngoài cửa,
một tên cướp cầm giáo ngồi canh.

Bò dưới hàng giậu thấp, Thạch Đạt Lang đến gần, xuất kỳ bất ý phóng ngay quyền vào gáy nó. Chỉ kịp nấc lên một tiếng ngắn, nó gục xuống. Thạch
Đạt Lang giật cây giáo lẩn vào bụi rậm.

Trong gian phòng chính nhà trưởng xóm, trên chiếu trải xung quanh bếp,
lố nhố nằm ngồi chừng hơn chục tên cướp, đứa nào cũng râu ria xồm xoàm,
mặt mày dữ tợn.

Gần bếp, ngay dưới cửa sổ, một tên ý chừng đầu đảng, ngồi lầm lì, tay ôm hũ rượu lớn.

Gã cởi trần, khoác áo da beo màu vàng sẫm ngắn đến lưng, trên đầu thắt
sợi dây chão thay khăn. Khắp nhà, la liệt hũ với bát cùng võ khí đủ
loại. Thình lình một tên xô cửa bước vào. Tiếng ồn ào im bặt. Nhìn nét
mặt và dáng điệu vội vàng sợ hãi của nó, cả bọn đoán ngay có sự chẳng
lành. Quả nhiên đó là một trong những tên đi hộ tống xe lương bị Thạch
Đạt Lang đánh, kinh hoảng chạy về thông báo cho đồng đảng biết.

Còn bán tín bán nghi và đang vật vờ vì say rượu, chưa đứa nào nói gì thì một tiếng thét vang như sấm làm rung động vách ván của căn nhà gỗ. Tiếp theo là một bóng đen từ trên cửa sổ nhảy xuống. Phản ứng của tên đầu
đảng nhanh nhất. Nó vớ con dao quắm đứng lên, nhưng không kịp nữa. Ngọn
giáo trong tay Thạch Đạt Lang đã phóng tới đâm suốt sau lưng, mũi giáo
lòi ra trước ngực đến một tấc. Tên cướp ngã sấp xuống chiếu giữa những
tiếng loảng xoảng của hũ, chén đổ vỡ.

Trường kiếm rút ra, Thạch Đạt Lang tung hoành như cọp dữ trong đàn dê.
Kiếm quang lóe tới đâu, thịt rơi tới đó. Thủ cấp lăn lông lốc trên sàn,
mắt mở trắng dã đến nứt kẽ như còn giữ nỗi kinh hoàng của kẻ bị giết
trước khi chết. Tiếng kêu, tiếng rú thất thanh, tiếng ằng ặc, phì phì
của máu phun ra khắp chỗ trong hỗn loạn cùng cực.

Khi không còn một tên đứng vững, Thạch Đạt Lang mới ngừng tay. Hắn lau
kiếm, dựa lưng vào vách nhìn cảnh tàn sát trong phòng, lòng bỗng rung
động, khẽ thở dài.

Trong giai đoạn lịch sử xáo trộn, ở một nơi hoang vu như thế này, không
ai biết luật lệ là gì, hắn không còn cách nào khác là nhất thời dùng
lưỡi kiếm của mình để bảo vệ kẻ cô thế.

Đoàn phụ nữ bị bắt giải đi cũng đã trở về, đẩy theo hai xe bò chở lương
thực bị cướp. Cha mẹ, vợ con gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Lại nghe bọn
sơn quỷ bị giết gần hết tại nhà trưởng xóm, dân làng kéo nhau đến tạ Ơn
cứu tử.

Khi trông thấy ân nhân, họ ngạc nhiên vô cùng. Không ngờ chính là gã
nông phu ở đồng Hotengahara. Nhiều người phục xuống lạy, một phần vì quá xúc động, một phần vì muốn tạ tội đã coi thường hắn trong bao lâu.
Thạch Đạt Lang bối rối, đỡ những người già dậy và bảo tất cả đứng lên.
Hắn xin được coi như dân trong xóm.

Trong khi một số trai tráng bận lo việc thu nhặt xác bọn cướp chôn cất, Thạch Đạt Lang cáo từ để trở về căn lều cỏ.

– Ta chắc thế nào cũng có những bọn cướp khác trở lại. Hãy họp nhau
thành đội mà chống cự. Đào hào, rào giậu, canh phòng, chữa lửa. Mỗi đội
có trách nhiệm riêng.

Hãy luyện tập cho giỏi, nhưng đừng vì thế mà sao lãng việc trồng cấy. Tay gậy, tay cuốc để sinh tồn, anh em hãy nhớ !

Đó là những lời cuối cùng Thạch Đạt Lang nói với trai tráng ở xóm tiều đêm ấy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.