“Đại Tỉnh Môn, bắc Cổ Thành, đầu giờ thìn tháng mạnh xuân, ngày mồng chín …”.
Thạch Đạt Lang vẻ tư lự, lẩm nhẩm đọc ngày giờ và điểm hẹn cáo yết trên
bảng gỗ dựng dưới chân cầu rồi thong thả lui vào một chỗ khuất đứng ngó
mông lung.
Thấy mắt còn cộm, hắn đưa tay dụi, không ngờ chạm phải một vật cứng dính gần cổ áo. Rút ra xem, ra là một cây châm nhỏ bằng sắt giống như cái
kim khâu nhưng không có lỗ chỉ, một đầu nhọn, đầu kia hơi loe buộc vài
sợi tơ ngắn.
– À ra cái này đây !
Thạch Đạt Lang không ngờ bà già ghê gớm thế ! Trên bước đường giang hồ,
hắn đã từng nghe nói nhiều đến thuật phóng châm của một số phụ nữ. Hắn
không tin mấy, mặc dầu cho rằng thuật đó không hẳn là vô căn cứ. Nhưng
dù có thật đi chăng nữa, chắc cũng chỉ là một tiểu kỹ của những kẻ yếu
thế, gặp lúc cùng thì dùng để tự vệ, hắn chẳng quan tâm. Song qua kinh
nghiệm vừa rồi, Thạch Đạt Lang thấy thuật phóng châm quả là một đòn nguy hiểm không thể coi thường. Cây châm nếu được phóng trúng vào con ngươi
và chiêu kiếm của bà già nhanh hơn chút nữa thì trong lúc lúng túng dụi
mắt, hắn đã bị khốn rồi. Hơn nữa, nếu cây châm lại được tẩm thuốc độc,
kết quả còn đáng sợ gấp mấy ! Nghe nói người sử dụng tuyệt kỹ này có thể giấu rất nhiều châm trong tay áo hoặc trong miệng rồi xuất kỳ bất ý
phóng ra có khi hai ba cái một lúc. Châm phóng bằng miệng phải luyện tập công phu và nếu không phải tay lão luyện, không dám dùng châm độc.
Chẳng biết bà Hồ Điểu đã sử dụng tuyệt kỹ nào, nhưng may cho hắn, châm
của bà không tẩm độc chất, hắn chỉ thấy mí mắt ngứa xoàng và hơi cộm.
Hắn vận khí thấy kinh mạch vẫn điều hòa không có triệu chứng gì tỏ ra bị ngộ độc thì yên dạ. Thạch Đạt Lang mở bọc định lấy lọ thuốc bột rắc vào chỗ ngứa, thình lình nghe sột soạt phía sau lưng.
Một thiếu nữ đã đứng đó tự bao giò, tay cầm giải lụa trắng đưa cho hắn, nói:
– Chớ dụi. Càng dụi mắt càng ngứa thêm. Thạch lang, chàng hãy lấy giải lụa này mà buộc !
Thạch Đạt Lang ngạc nhiên:
– Cô nương là ai ? Sao biết tại hạ ?
Thiếu nữ không đáp, chỉ đăm đắm nhìn. Lát sau thấy hắn vẫn đứng im như
phỗng thì ra vẻ bối rối. Không giấu được vẻ buồn đượm chút tủi thân,
nàng cúi đầu nói khẽ:
– Thạch Kinh Tử …à …à …Thạch Đạt Lang ! Chàng thật không nhận ra thiếp sao ?
Thạch Đạt Lang nhìn kỹ. Thiếu nữ này chắc thuộc hạng quyền quí trong xã hội.
Lối trang phục xa xỉ, áo bằng hàng lụa đắt tiền thêu hoa chim, nhưng nếp áo xô lệch.
Cửa tay và thân áo nhiều chỗ đã rách, vạt áo loang lổ những vết bùn
dường như chưa được gột rửa kỹ. Da mặt nàng hơi xanh dưới lớp phấn thoa
vội. Đôi môi nàng mọng, tô son đỏ thắm run run như sắp khóc hay định nói điều gì song cố giữ.
Trông nàng như con chim non bị bão, vậy mà trong cái tơi tả ấy, diện mạo thiếu nữ vẫn còn giữ được một vẻ đẹp lạ kỳ. Những đường cong của môi,
của má, của cằm nàng mang một sức quyến rũ đặc biệt, đầy nữ tính. Thạch
Đạt Lang so sánh thiếu nữ đứng trước mặt với Oa Tử. Hai người xấp xỉ
cùng trạc tuổi như nhau, nhưng Oa Tử đẹp thanh cao, trang nhã và quý
phái còn nàng này cũng đẹp nhưng đẹp cách khác. Ở khóe mắt bờ môi có một vẻ gì nồng nàn nó lôi kéo, thu hút người khác phái như một thứ nam châm hút sắt. Thiếu nữ trông quen lắm, hình như hắn đã gặp ở đâu rồi mà
không tài nào nhớ ra được.
Sự im lặng của Thạch Đạt Lang làm thiếu nữ càng bối rối thêm. Sau cùng
không nhịn được nữa, nàng òa lên khóc, giang tay ra ôm chặt lấy hắn:
– Thạch Kinh Tử.
Cử chỉ tự nhiên và tiếng kêu xuất phát tự đáy lòng có một cái gì khích
động làm bừng dậy trong tiềm thức Thạch Đạt Lang những kỷ niệm cũ tưởng
đã quên lãng từ lâu.
Văng vẳng, hắn nghe đâu đây tiếng nhạc khánh leng keng như khi ở trên
đồi Ibuki, hắn còn là tên lính bại trận phải trốn tránh trong vựa củi
của một căn trại đổ nát.
Và hắn sửng sốt kêu lớn:
– A Kế Mỹ ! Ồ A Kế Mỹ ! Nàng đã lớn từng này rồi đấy !
Nụ cười sung sướng nở trên môi, A Kế Mỹ gật đầu, trong khi mắt vẫn còn long lanh hai hàng lệ:
– Phải rồi ! Chàng đã nhớ ra người cũ ! Hơn năm năm rồi còn gì …
Nàng ôm chặt lấy Thạch Đạt Lang hơn và nói như trong giấc mộng:
– Thiếp đợi mãi mới có ngày nay. Thạch Kinh Tử, chàng có nhớ thiếp không ?
Thạch Đạt Lang chẳng biết trả lời sao. Đối với hắn, những ngày ẩn nấp
trên đồi Ibuki là một giai đoạn kỳ thú trong cuộc đời trôi nổi của hắn.
Mang ơn Ôkô, thanh mộc kiếm đen bóng như mun vẫn còn đeo bên sườn đây là kỷ niệm Ôkô tặng, nhưng hắn cũng không quên vì người phụ nữ đa tình ấy
mà Mãn Hà Chí đã bỏ đi, gây cho hắn không biết bao nhiêu phiền lụy với
gia đình nhà Hồ Điểu. Còn A Kế Mỹ, nàng chỉ là một cô bé ngây thơ ngẫu
nhiên gặp trong những ngày đầu của cuộc đời phiêu bạc, rồi tan biến với
thời gian, chẳng để lại một cảm tình gì sâu đậm trong lòng hắn. Đột
nhiên bây giờ nàng lại hiện ra, đôi vai thổn thức, ánh mắt dậy thì đam
mê trông hắn như van lơn, như cầu khẩn. Hắn biết trả lời sao đây ?
Thạch Đạt Lang không muốn làm phật lòng người thiếu nữ đáng thương kia, nhưng cũng không muốn nói dối. Bèn đánh trống lảng:
– Sao nàng biết ta ở đây mà tìm ? Nàng còn ở Ibuki không ? Mẹ nàng đâu rồi ?
Nghe hỏi đến mẹ, A Kế Mỹ như bị tổn thương, chỉ thổn thức mà không đáp.
– Còn Mãn Hà Chí nữa ? Ngày đó Mãn Hà Chí cũng bỏ đi với mẹ con nàng mà.
Bây giờ còn ở chung với mẹ nàng không ? Ta có hẹn gặp Mãn Hà Chí ở đây hôm nay, nàng biết chứ ?
Mỗi câu hỏi lại nhưng một mũi dao đâm sâu vào vết thương phiền muộn của A Kế Mỹ. Áp mặt vào ngực Thạch Đạt Lang, nàng chỉ biết nức nở lắc đầu.
– Mãn Hà Chí đâu, A Kế Mỹ ? Chuyện gì vậy ? Nàng không trả lời ta thì ta biết làm sao mà giúp nàng được ?
A Kế Mỹ nói qua nước mắt:
– Mãn Hà Chí không đến đâu. Thiếp đâu có nhắn cho ông ấy biết.
Thạch Đạt Lang gỡ tay A Kế Mỹ ra, nhìn thẳng vào mặt nàng. Nước mắt chan hòa nhòe nhoẹt cả son phấn. Hắn lấy tay áo lau mặt cho nàng. A Kế Mỹ
giữ chặt tay hắn, muốn kể rõ mọi chuyện từ khi bỏ Ibuki đi ra sao và thổ lộ hết tâm sự với Thạch Đạt Lang nhưng có một cái gì làm nghẹn cổ họng. Nàng chỉ đứng lặng nhìn hắn, nước mắt chứa chan.
oo Trời đã sáng rõ. Tiết trời đầu năm bỗng ấm hẳn. Nắng xuân chan hòa
loang loáng trên những cành tùng xanh biếc, vẽ loang lổ từng miếng ánh
sáng màu nâu tươi trên nền đất ẩm. Gần bờ sông, ở một vài chỗ cỏ còn
ướt, tia nắng rọi qua những giọt sương đọng trên lá chiếu thành những
vòng hào quang ngũ sắc óng ánh như những chiếc cầu vồng nhỏ.
Người đi trên cầu mỗi lúc một đông:
phụ nữ mặc áo mới hoa sặc sỡ, thoa cài đầu lóng lánh dưới ánh nắng mai;
đàn ông đứng tuổi trang nghiêm trong những bộ y phục sẫm hồ bột cứng
nhắc. Họ đến chùa hoặc đi thăm bạn hữu ngày nguyên đán. Lẩn trong đám
đông ấy, Giang cũng lên cầu, mắt nhớn nhác nhìn ngược nhìn xuôi tìm sư
phụ.
Bỗng Giang reo lên một tiếng vui mừng. Nó vừa trông thấy Thạch Đạt Lang.
Nhưng này, ồ, lạ quá ! Sao thầy nó lại ôm trong lòng một thiếu nữ ? Mà
thiếu nữ này không phải Oa Tử. Ai thế nhỉ ? Giang nhăn mặt khó chịu. Nó
nheo mắt, lấy tay che nắng nhìn cho rõ. Đúng rồi ! Người đứng dưới chân
cầu là Thạch Đạt Lang, sư phụ nó.
Cái dáng dấp cao lớn, ngang tàng, đôi song kiếm giắt bên hông, túi hành
trang màu chàm đã bạc vì sương nắng, Giang không thể lẫn. Nhưng Oa Tử
đâu ? Mà thiếu nữ kia là ai, sao thầy nó lại ôm nàng vào lòng giữa chỗ
đông người qua lại như thế này mà không biết ngượng ?
Nó thường được dạy dỗ người tự trọng phải biết kềm chế dục tính, không
bày tỏ tình cảm một cách thái quá trước công chúng, sao vị tôn sư khả
kính của nó lại có thái độ tồi bại như vậy ? Giang mím môi, vừa mừng vừa giận, lại ghen hộ cho cô Oa Tử. Nó muốn chạy đến níu áo thầy. Đã lâu
không gặp, thầy nó thấy nó chắc vui lòng, nhưng còn thiếu nữ kia, nó e
dè không dám. Giang tuy nhỏ, nhưng cũng đã biết thế nào là tế nhị, không muốn làm người khác phải lúng túng.
Ít lâu nay, Giang và Oa Tử tạm nương náu trong khuôn viên lâu đài của Tả Xuyên Hầu Lưu Cát. Khi hai cô cháu mang tranh của viện chủ viện Arakida đến làm quà, Tả Xuyên Hầu thấy Oa Tử đang trong cảnh lưu lạc, người
thân không có mà năm cũ sắp hết, bèn ngỏ ý lưu lại. Giang và Oa Tử bằng
lòng ngay vì nghĩ không còn nơi nào an toàn hơn nữa.
Mới tối hôm trước, tin rằng thế nào Thạch Đạt Lang cũng có mặt tại đại
kiều đường Gojo ngày nguyên đán, Oa Tử đã sắp sẵn bộ y phục nàng ưng ý
nhất và tính những chuyện gì cần phải nói với chàng. Mới canh ba, Oa Tử
đã dậy gội đầu chải tóc thật kỹ, lòng rộn ràng vui sướng như đứa trẻ sắp sửa được đi trẩy hội. Giang cũng đòi đi cùng, song Oa Tử không muốn.
“Lần này ta để em cùng đi, nhưng lần này ta muốn gặp thầy em nói câu
chuyện riêng. Thế nào em cũng gặp thầy mà, nhưng đến sau đi, ta và thầy
em hứa sẽ đợi”.
Giang phụng phịu. Nó lơ mơ hiểu cảm tình của Oa Tử đối với thầy nó, có
điều nó không biết tại sao một thiếu nữ đẹp, tài hoa và khôn khéo như Oa Tử lại cứ khóc mỗi khi nhắc đến Thạch Đạt Lang. Chắc có điều gì làm
nàng phiền muộn lắm nên nó thương và bằng lòng để nàng có cơ hội giải
bày tâm sự với thầy nó.
Giang ngó nháo nhác tìm quanh. “Kỳ thật ! Không lẽ cô Oa Tử không biết đường ?
Đáng lý ra phải đến đây lâu rồi chứ ! Hay lại tạt vào đền chùa nào cầu khấn gì chăng ?”.
Nó đi ngược đám đông quay trở lại, lòng bồi hồi lo lắng.
Trên cầu, khách vãng lai càng lúc càng tấp nập. Thạch Đạt Lang kéo A Kế Mỹ đến một chỗ khuất nẻo hơn.
Dưới gốc liễu ngay bờ sông, chỗ mọi ngày đàn sếu trắng vẫn thường đến
đậu chờ mồi, hôm nay chẳng thấy có con nào. Một thanh niên còn trẻ lắm, y phục sặc sỡ, đứng ngay ở đó, lưng dựa vào cành liễu cỗi có đầu cành vặn vẹo sà trên mặt nước giống con rắn lớn. Gã thanh niên khoanh tay trước
ngực, mắt chăm chú hướng về phía Thạch Đạt Lang và A Kế Mỹ.
Bên Thạch Đạt Lang, thiếu nữ vẫn sụt sùi, giọng thành khẩn kể lể nỗi
niềm. Nàng đã quyết rũ bỏ hết lòng tự ái, không giấu Thạch Đạt Lang điều gì, chỉ mong mối tình vô vọng nàng ấp ủ bấy lâu nay được đáp ứng.
Tội nghiệp cho nàng ! Những lời kể lể ấy chẳng biết có lọt tai chàng
thanh niên lãng tử kia không mà chỉ thấy hắn ừ hử hoặc gật đầu cho qua
hay trả lời gióng một.
Mối tình thơ dại đẹp bao nhiêu cũng chỉ như đám bọt nước kia tung lên
trắng xóa dưới chân cầu. Mà chân cầu thì hờ hững. Mà bọt nước thì tan
đi, còn gì đâu dấu vết ?
Như linh cảm thấy mình đang bị dò xét, Thạch Đạt Lang chú ý nhìn quanh.
Mục quang hắn quét từ gần ra xa, soi mói những bụi sậy xơ xác ven bờ,
kín đáo dừng ở từng tảng đá. Sau cùng, nó ngưng lại, chăm chú vào gã
thanh niên trang phục sặc sỡ đứng bên gốc liễu.
Thạch Đạt Lang mắt nâu. Lúc sinh tiền, ông Mưu Ni Sai vẫn bảo hắn:
“Thằng này mắt nâu, không như mắt ta, đen. Chắc nó giống cụ tổ cữu cũng
có đôi mắt sắc như thế, tàn nhẫn lắm !”. Bây giờ, dưới ánh nắng chênh
chếch, mắt Thạch Đạt Lang hồng lên rồi đỏ rực như hổ phách.
Hắn nhìn gã thanh niên. Gã thanh niên cũng nhìn lại hắn. Hai làn mục quang chạm nhau tưởng chừng tóe lửa.
Binh pháp có dạy trước khi lâm trận, hãy xét khả năng địch thủ trên đầu kiếm.
Đúng vậy, hai gã này đang thủ thế với nhau, không phải bằng kiếm mà bằng mắt. Như hai con dã thú gờm gờm nhìn nhau trước khi xông vào nhau cắn
xé.
“Hừ !”. Gã thanh niên bên gốc liễu nghĩ thầm. “Chắc thằng này là Thạch Đạt Lang đây. Một địch thủ ta phải cẩn thận !”.
Thạch Đạt Lang càng lúc càng chú mục. Mắt hắn lộ hung quang xoáy về phía thanh niên thách đố. Và gã thanh niên không vừa, dường như gật đầu chấp nhận.
Bây giờ cường độ mục quang của cả hai không phải do mắt phóng ra nữa mà
tự tâm khảm phát xuất. Nó là cường độ của ý chí, của quyết tâm không cần lời nói và cũng không gì lay chuyển.
Cả hai tuổi tác tương đương, Thạch Đạt Lang chỉ hơn gã kia chừng hai
tuổi, cùng ở vào cái tuổi ngang tàng, không biết e sợ là gì, đầy tự tin
và ngạo mạn đến liều lĩnh. Hai cá tính đó đối nhau, tất không khỏi va
chạm. Và như hai con thú dữ, bản năng của chúng đều ngầm bảo chúng:
đối phương trước mắt là một kẻ thù nguy hiểm và đáng sợ !
Một lúc, thanh niên y phục sặc sỡ quay mặt đi, tránh tia mắt của Thạch
Đạt Lang, khẽ nhếch mép. Thạch Đạt Lang thấy rõ nụ cười ngạo mạn ấy,
nhưng hắn tin chắc trong trận vừa rồi, hắn đã thắng.
Cúi nhìn thiếu nữ đứng trước mặt, Thạch Đạt Lang để tay lên vai nàng:
– A Kế Mỹ !
Thiếu nữ ngước trông lên, lệ còn hoen má.
– Người đó là ai ?
A Kế Mỹ ngạc nhiên, nhìn về phía Thạch Đạt Lang hất hàm chỉ. Bỗng giật mình.
– Người đó có vẻ biết nàng. Hắn đã theo nàng đến đây để dò xét ta phải không, A Kế Mỹ ?
A Kế Mỹ lau nước mắt:
– Thiếp không rõ, nhưng người đó thiếp chỉ mới biết đây. Y là ân nhân của thiếp.
– …
– Hai hôm trước thiếp bị chó cắn, nhờ y cứu và gọi thầy thuốc đến chữa cho mới được thế này.
– Thế bây giờ nàng ở với hắn phải không ?
A Kế Mỹ cúi mặt.
– Tên hắn là gì ?
– Cát Xuyên Mộc. Người ta còn gọi là Giang Biên Liễu.
– Giang Biên Liễu ?
– Phải. Giang Biên Liễu là ngoại hiệu của y. Sao ?
– Ta nghe cái tên quen lắm, hình như trong giang hồ đã có nhiều người nhắc đến tên hắn.
Thạch Đạt Lang lại đưa mắt nhìn về hướng Cát Xuyên Mộc đứng và hỏi:
– Có phải hắn sử dụng một cây trường kiếm hỗn danh là cây sào phơi không ?
– Thiếp không biết, nhưng thanh kiếm của y quả có dài hơn kiếm thường.
Thấy Thạch Đạt Lang nhìn mình, Cát Xuyên Mộc mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền.
Một điều lạ, Thạch Đạt Lang cũng mỉm cười đáp lại, nhưng nụ cười của cả
hai chẳng giống nụ cười của đức Phật khi thấy đệ tử mình là Ananda bóp
cánh hoa trong tay. Nụ cười Giang Biên Liễu ngạo mạn và mỉa mai; nụ cười của Thạch Đạt Lang ẩn một ý chí tranh đấu mãnh liệt, đầy thách thức.
A Kế Mỹ đưa mắt nhìn hết người này đến người kia, không hiểu. Thạch Đạt Lang khẽ vỗ vào vai nàng:
– A Kế Mỹ, thôi bây giờ hãy về phòng trọ đi. Ta sẽ lại thăm nàng sau.
A Kế Mỹ khóc nấc. Hắn phải cầm tay an ủi:
– Đừng ngại. Ta sẽ lại thăm nàng mà !
– Thạch Kinh Tử ! Thật nhé, thiếp đợi.
Thạch Đạt Lang gật.
– Thiếp trọ Ở thương điếm Hải Âu, trước thiền viện đường Quan Ngoại.
Thạch Đạt Lang lại gật.
Dường như không được hài lòng về thái độ của hắn, A Kế Mỹ nắm tay Thạch Đạt Lang bóp chặt, giọng run run qua hai hàng lệ:
– Nhé ! Thạch Kinh Tử ! Chàng nhớ đến nhé ! Nhớ đấy !
Cát Xuyên Mộc cất tiếng cười vang, trở gót. A Kế Mỹ vừa bước đi vừa ngoái lại.
Thạch Đạt Lang tần ngần đứng một mình dưới chân cầu, nhìn theo hai người, lòng buồn vô hạn.
oo Len lỏi giữa dòng người đi lễ tết đầu năm, Giang tìm mãi không thấy
Oa Tử. Trên cầu hẳn là không có rồi. Nó chắc như thế vì đã đi lên đi
xuống mấy lượt. Chỉ còn góc phố đằng kia, chỗ ngã ba cầu tiếp giáp với
đường lên đền thờ đức Quan Âm là chưa tới.
Nó đến nơi, đang đứng ngơ ngác nhìn lên đền thì nghe tiếng gọi khẽ:
– Giang !
Quay lại, thấy Oa Tử ngồi nấp sau chiếc xe bò chở cỏ. Giang vui mừng quá sức, chạy ngay lại ôm chầm lấy nàng, vội vàng thế nào suýt đâm phải
chiếc càng xe.
Hôm nay Oa Tử bới tóc cao, có thoa phân và bôi sáp môi đỏ. Nàng trang
điểm trau chuốt, nhưng không được tinh luyện lắm. Nàng lại mặc bộ kimono mới có thêu những bông mẫu đơn trắng trên nền lụa nõn màu hoa đào cho
hợp với cảnh tươi đẹp mùa xuân và lòng nàng bấy giờ.
Oa Tử giơ tay đón Giang vào lòng. Nhưng nó kéo nàng đứng dậy, liến thoắng:
– Sao cô nương lại nấp ở đây. Cô nương theo em, sư phụ đằng kia kìa. Không ra ngay, sư phụ bỏ đi mất.
– Không ! Em vào đây với ta, ta không ra đâu !
Giang ngạc nhiên, mở to mắt nhìn Oa Tử:
– Sao vậy ?
– Đừng hỏi tại sao. Em ngồi đây với ta.
– Chà ! Sao cô nương kỳ quá vậy ? Cô nương nói bao nhiêu lần là muốn gặp sư phụ, bây giờ thầy em ngoài kia, cô nương lại trốn nấp ở đây. Cô
nương mặc đẹp thế này để ngồi dưới gầm xe bò hả ?
Lời nói ngây thơ của thằng bé như roi quất những vết hằn đau đớn trong lòng Oa Tử. Nàng lắc đầu, mắt rưng rưng lệ:
– Giang ! Em đừng nói thế, đau lòng ta. Em mà cũng tàn ác với ta đến thế ư ?
Giang ôm lấy vai Oa Tử. Nó không dám để đầu gần tóc nàng sợ hư mái tóc
chải công phu. Thấy vạt áo Oa Tử ướt, nó biết nàng đã khóc nhiều:
– Em xin lỗi, em không có ý ấy. Nhưng em không biết tại sao …
Oa Tử lau nước mắt:
– Tìm hiểu làm gì, em !
– Thế cô nương có trông thấy sư phụ Ở dưới chân cầu không ?
Oa Tử gật đầu.
– Vậy em biết rồi nhé ! Cô nương ghen phải không ? Cô nương trông thấy thầy em ôm người con gái ấy chứ gì ?
Oa Tử thấm nước mắt, lắc đầu.
– Cô nương không biết gì hết, chỉ biết khóc thôi. Mình nghi ngờ thì phải đến hỏi cho ra lẽ chứ ! Đi ! Đi với em mau lên, không sư phụ em không
còn ở đó nữa.
Giang cầm tay Oa Tử kéo ra khỏi chỗ nấp. Nàng giằng lại. Thằng bé phân
vân một lúc rồi rảo bước lên cầu đứng trông xuống, không thấy thiếu nữ
kia đâu. Bỗng nó reo lên như chợt nhớ ra điều gì, chạy ngược lại chỗ Oa
Tử:
– A Kế Mỹ ! Phải rồi ! Đi mau cô nương, A Kế Mỹ không còn ở đấy nữa !
– A Kế Mỹ là ai ?
– Là cô gái đứng nói chuyện với sư phụ đó. Em nhớ ra rồi. Một lần em gặp cô ấy giặt áo ở ven sông, có nhờ cô ấy chuyển lời nhắn ông Mãn Hà Chí
mà. Đúng rồi ! Đúng rồi !
Oa Tử lính quýnh theo Giang. Khi nhìn rõ không còn A Kế Mỹ ở đó nữa,
nàng mới yên dạ. Nhưng nàng cũng trở lại chỗ cũ sửa lại mái tóc và nếp
áo xô lệch, thoa thêm chút phấn lên mặt.
– Trời ơi ! Cô nương ! Giờ này mà cô nương còn làm dáng thì trễ mất !
Giang vừa kêu vừa dậm chân xuống đất bành bạch.
Quả nhiên, Thạch Đạt Lang đã không còn ở dưới chân cầu. Biết chắc Mãn Hà Chí không tới, hắn vội vàng men theo bờ sông, đến chỗ buộc thuyền giữ
bà Hồ Điểu.
Bà già thấy hắn đến, đưa mắt nhìn lo sợ. Thạch Đạt Lang rút đoản kiếm, nhưng hắn chỉ nói:
– Mãn Hà Chí không đến.
– Bây giờ mày giết ta phải không ?
– Không. Con cởi trói cho bà để bà đi tìm Mãn Hà Chí hỏi cho ra lẽ, dẫn
hắn về nhà. Con nghĩ như thế hơn là bà tìm cách cắt cổ con.
Thạch Đạt Lang vừa nói vừa cười. Hắn đưa mũi kiếm cắt dây trói. Bà Hồ Điểu lúng túng ngồi dậy:
– Ta biết phải làm gì. Ta không cần mày khuyên !
Thời gian bà cởi được hết dây trói thì Thạch Đạt Lang đã đến chỗ khúc
sông hẹp, nhảy qua các ghềnh đá sang bờ bên kia, lẩn vào những bụi lau
sậy mất dạng.
Trên lũng cao, Giang thoáng thấy bóng thầy. Nó kêu lớn:
– Cô nương ! Cô nương ! Ở dưới lũng, sư phụ Ở dưới lũng gần bờ sông !
Giang ba chân bốn cẳng đổ dốc. Nó còn nhỏ, nhanh như con sóc. Nhưng Oa
Tử vướng áo, chỉ bước được những bước ngắn. Đến gần bờ sông nàng ngừng
lại, lên tiếng gọi.
Trên mặt sông rộng, tiếng nàng bay bổng vang xa. Cơn gió thoảng đưa đôi
lúc dội lại nghẹn ngào tha thiết như tiếng hò trong đêm vắng.
– Oa Tử !
Âm thanh nhọn hoắt, the thé bỗng làm nàng giật mình. Ngoảnh lại, bà Hồ
Điểu đã đứng chỉ cách chỗ nàng chừng vài chục bước. Oa Tử kinh hãi vô
cùng. Trong lúc thảng thốt, toàn thân như bị tê liệt, nàng đứng sững.
Khi hoàn hồn, bà Hồ Điểu đã tiến tới gần ? Bấy giờ Oa Tử mới kịp phản
ứng. Tim nàng đập mạnh, máu dồn lên mặt, Oa Tử quay phắt đầu, cắm cổ bỏ
chạy.
Bà Hồ Điểu nhìn theo, gọi:
– Oa Tử ! Đứng lại ! Ta muốn nói câu chuyện !
Trong bộ Óc đa nghi của bà, dần dần hiện ra một ý nghĩ. Bà đã hiểu tại
sao Thạch Đạt Lang lại trói bà bỏ lên thuyền. À thì ra hai đứa nó có hẹn với nhau, nó trói mình lại để tự do gặp nhau. Chắc con này đã làm gì
phật lòng thằng kia nên nó bỏ đi. Ta biết mà, chúng nó lừa ta thế nào
được. Con Oa Tử này thật bất trị !
Trong thâm tâm, bà Hồ Điểu còn ghét Oa Tử hơn Thạch Đạt Lang. Nó đáng lẽ là con dâu bà mà thành ra vì nó mà gia đình bà mất cả thanh danh. Bà
cất giọng giận dữ:
– Oa Tử !
Tiếng kêu chưa dứt, bà đã bị một cái đạp vào bắp chân suýt ngã. Giang đứng đằng sau, hai tay chống nạnh:
– Bà là ai, làm gì mà lại đuổi cô Oa Tử ?
– A ! Thằng ranh con, mày ở đâu tới ?
Oa Tử chạy được một quãng, không thấy chân người đuổi theo, bèn dừng lại thở.
Nhìn về phía sau, xa xa, thấy Giang và bà Hồ Điểu đứng đối diện nhau tự a hai con gà chọi, nàng hơi lo. Oa Tử chẳng lạ gì tính bà lão, già nhưng
còn hung hăng lắm mà Giang thì nàng thừa biết, nó loắt choắt nhưng nhanh nhẹn vô cùng. Nếu cả hai cùng xông vào quần thảo nhau, tất Giang rút
cây kiếm gỗ ra. Bà Hồ Điểu cũng đến phải dùng thanh gươm gia bảo. Dám
một hay có khi cả hai bị thương hoặc vong mạng cũng chưa biết chừng.
– Ranh con, mày đi cùng với con Oa Tử phải không ?
– Phải ! Bà là ai ?
– Ta là mẹ nó !
Giang giật mình. Bà già này là mẹ Oa Tử à ? Sao không bao giờ thấy Oa Tử nói đến. Nhưng nghe xưng danh, Giang cũng khựng lại, không dám hỗn.
– Thế sao bà lại đuổi cô Oa Tử cháu ?
Thấy thái độ thằng bé đổi khác, bản tính quỷ quyệt của bà Hồ Điểu nổi
dậy. “Phải dùng mưu mới được”, bà tự nhủ. “Đối với thằng Kinh Tử có lẽ
nó chẳng tin ta đâu, nhưng con Oa Tử và thằng nhỏ này, chắc lừa không
khó. Mình cứ vui vẻ tử tế dụ chúng vào tròng, sau làm thịt mấy chốc !”.
Nghĩ đoạn, bà làm bộ tươi cười:
– Ờ ! Tại ta bảo nó không nghe. Nhưng mẹ nào chả thương con, ta muốn gọi nó về, để nó lang bạt tội nghiệp.
– …
– Thế còn cháu ! Sao cháu biết Oa Tử ? Cháu con cái nhà ai ?
Giang thấy bà lão vui vẻ, lại ngồi xuống bên gốc cây nói năng hòa nhã, cũng nhẹ nhàng đáp lại:
– Tên cháu là Giang. Cháu không có nhà, gặp cô Oa Tử cùng đi tìm sư phụ.
– Ồ ! Vậy ư ? Cháu ngoan quá. Cháu lên mấy rồi ?
– Thưa mười hai.
– Ta muốn nhờ cháu một việc, cháu làm giúp ta được không ?
Giang phân vân. Bà Hồ Điểu kéo tay áo chấm nước mắt rồi nói giọng buồn bã:
– Oa Tử là con dâu ta đấy. Từ ngày nó bỏ đi, ta thương nhớ lắm, mấy lần bảo nó về mà nó chẳng nghe.
Bà Hồ Điểu sụt sịt:
– Ta nhờ cháu đến bảo Oa Tử lại đây ta nói chuyện !
Giang mủi lòng. Bà này chắc nói thật. Nếu cô Oa Tử không muốn về thì trở lại nói chuyện với bà lão một lúc cũng chẳng hề gì. Bèn nói:
– Thật hả bà. Thế để cháu đi gọi !
Bà Hồ Điểu vui vẻ gật đầu, nhìn Giang chạy đi, cười thầm trong bụng.
Lát sau, Giang dắt Oa Tử trở lại. Tuy còn nghi hoặc, nhưng nghe lời
Giang, Oa Tử thấy đây cũng là dịp tốt để nói cho bà Hồ Điểu biết hết mọi sự, hầu đánh tan những hiểu lầm từ trước.
Bà già cười hí hí:
– Oa Tử đấy à ? Sao gặp ta con lại chạy ?
Oa Tử phủ phục xuống đất:
– Bà tha lỗi cho con.
Bà Hồ Điểu đưa tay đỡ Oa Tử dậy, bảo nàng ngồi cạnh:
– Con dâu ta có lỗi gì đâu ! Lỗi ở thằng Mãn Hà Chí cả. Trước ta giận
con lắm, nhưng nay ta biết, ta thương con. Dễ đã đến năm năm rồi đấy
nhỉ, từ bấy đến nay, bao nhiêu nước chảy qua cầu …
– Nếu bà biết như thế thì may cho con lắm.
Bà Hồ Điểu giơ tay lên má, đập mạnh:
– Chà ! Cái con muỗi quỷ này. Mới nắng lên đã thấy muỗi ! Ở, nhưng mà
này Oa Tử ạ ! Ta là mẹ thằng Mãn Hà Chí, có tha lỗi cho con thì cũng
phải dàn xếp để đẹp lòng nó chứ. Mặc dầu nó bỏ con đi với người khác
nhưng nay đã biết hối trở vể. Ta muốn con về nhà, rồi cả hai vợ chồng
con ngồi trước mặt ta để ta khuyên bảo. Như thế ta mới yên lòng làm mẹ.
Oa Tử muốn nói một lời phản đối, nhưng nghĩ có lẽ chưa phải lúc. Nàng chỉ ấp úng:
– Dạ, con hiểu.
Bà Hồ Điểu cũng đoán biết ý nghĩ thầm kín của Oa Tử. Đã khôn lại ngoan, bà chặn ngay:
– Nếu con không muốn chung sống với nó nữa thì ta tưởng đây cũng là dịp
tốt, trước mặt ta, nói thẳng cho nó biết. Như thế thì dứt khoát và ta
nghĩ, vậy có lẽ lợi cho tương lai của con hơn.
Oa Tử thấy bà lão nói phải. Nhưng chưa vững tin, nàng hỏi vặn:
– Thưa bà, nếu con bằng lòng thì biết tìm Mãn Hà Chí ở đâu ?
Bà Hồ Điểu cười:
– Dễ quá mà. Ta lạ gì chỗ nó ở. Nếu con bằng lòng, ta chỉ cho người đến
gọi vài ngay là nó trở về ngay. Nó là con ta, ta bắt nó làm gì nó chả
phải làm ?
Một con cáy càng đỏ tía từ trong cái hốc nhỏ ở bờ sông bò ra. Giang rình chộp ngay được. Nó cầm con cáy rón rén bước đến đằng sau bà Hồ Điểu bỏ
nhẹ lên khăn đội đầu.
Oa Tử muốn chắc có kết quả, đề nghị:
– Con xin tiếp tay bà, đi tìm Mãn Hà Chí.
Bà Hồ Điểu nắm ngay lấy cơ hội:
– Vậy còn gì bằng. Thế con đến trọ cùng với ta. Năm nào đến Kyoto ta
cũng ở trọ tại một quán nhỏ trên đồi Sĩ Miên. Ở đó tĩnh, lễ Phật không
ai làm rộn mà lại rẻ tiền, con ạ !
Bà Hồ Điểu thấy nhột sau lưng giữa hai lần áo. Ngoái tay ra sau, bà vớ được con cáy giơ lên.
– Con quỷ này, sao lại bò vào áo ta được kìa !
Giang đứng sau gốc liễu, bưng miệng cố nín cười. Oa Tử cúi mặt vờ như không thấy nhưng cũng mỉm cười. Thằng bé tinh nghịch quá !
Cả ba người, Giang, Oa Tử và bà Hồ Điểu, rời bờ sông theo đường mòn ra đại lộ.
Oa Tử bảo bà Hồ Điểu đi trước. Nàng muốn lui lại phía sau nói với Giang vài lời để nó biết chuyện và trấn an nó:
– Em cứ trở về chờ ta ở khuôn viên lâu đài Lưu tướng công. Nếu ngài có
hỏi thì bảo một hai hôm ta sẽ trở lại. Ta phải đi dàn xếp việc riêng nhé !
– Dạ ! Cô nương đừng ngại. Em sẽ chờ cho đến khi nào cô nương về.
– Nếu em rỗi, thử dò xet tin tức Thạch Đạt Lang hộ cho ta.
– Thế lúc sáng sao thấy sư phụ, cô nương lại trốn.
Oa Tử thở dài:
– Ta dại quá !
Đến đầu cầu trời đã gần trưa. Người đi lại trên cầu vẫn tấp nập. Một đám đông lố nhố đứng vây quanh tấm bảng gỗ dựng ở dưới chân cầu, bàn tán:
– Thạch Điền Đạt Lang, tôn huynh có biết là ai không ?
– Có, tại hạ có nghe nói. Chắc tay này cũng phải là một tay cao thủ mới dám đơn thương độc mã chống với phái Hoa Sơn chứ.
Giang cũng chen vào đọc bảng cáo yết. Tin lãng nhân kiếm sĩ Thạch Điền
Đạt Lang đương đầu với Hoa Sơn được truyền đi nhanh như mồi thuốc súng !