Sĩ Khánh về đến võ đường, mặt cau có. Hắn ném con cắt cho một đệ tử bảo nhốt vào lồng rồi ngồi phịch xuống ghế.
– Cát Xuyên tráng sĩ không về cùng với đại ca ư ?
– Không. Nhưng chắc hắn cũng sắp lại.
Sĩ Khánh vào nhà tắm thay áo rồi ra ngồi ở đại sảnh.
Võ đường đóng cửa từ ngày hăm lăm, phần lớn võ sinh đã tản mát về quê ăn Tết cả. Những tiếng đao kiếm không còn rộn rã như mọi ngày và lò sưởi
cũng không nhóm vì tiết kiệm than củi. Không khí lạnh lẽo càng thêm giá
buốt và làm tăng vẻ rộng lớn của gian đại sảnh. Sàn gỗ đen im lìm. Đây
đó vài giá binh khí đứng trơ trọi. Sĩ Khánh bước vào, nhận ngay thấy cái cảnh hoang vắng ghê người ấy. Ngồi bên chiếc bàn thấp, hắn bất giác
thấm thía nỗi cô đơn của chính lòng mình và sự bất lực của cả môn phái.
Hắn rùng mình, mất hết ý chí chiến đấu. Sự trụy lạc trong tâm hồn của Sĩ Khánh còn đáng sợ gấp mươi lần sự trụy lạc của võ phái hắn đang đảm
trách.
Sĩ Khánh rung chuông gọi đệ tử hầu cận. Chẳng thấy ai tới, hắn uể oải đứng dậy vén màn cửa nhìn ra ngoài.
Bên kia vườn, trước gian nhà gỗ dùng làm văn phòng của viên tổng quản,
vô số người ngồi đứng lố nhố. Đủ các hạng. Thợ mộc, thợ nề, lái buôn,
chủ tiệm rượu, thấp thoáng có cả bóng phụ nữ. Họ là những khách thương
và phu phen bấy lâu nay vẫn thường cung cấp nhu yếu phẩm hoặc sửa chữa
võ đường đến đòi nợ cuối năm. Ai nấy nếu không bồn chồn thì cũng lo
lắng, vẻ giận dữ hiện ra nét mặt.
– Không biết bao giờ ông quản mới đến ? Nợ bác nhiều không ?
– Cũng đến vài ngàn.
– Của tôi thì số nợ năm trước coi như xong, nhưng năm nay chưa được đồng nào cả.
– Lúc sinh tiền Khổ Bích lão gia, đâu có bao giờ phải chầu chực thế này. Chẳng biết các ngài trong ấy ăn tiêu ra sao mà ông quản này chậm chạp
đến thế ?
Họ hỏi han nhau, trao đổi những lời than phiền. Tuy thế một phần lớn vẫn còn giữ lễ độ. Danh vọng các bậc tiền bối Hoa Sơn còn để lại trong lòng họ một sự tôn kính mà hậu duệ của phái, dù hèn kém, chưa làm mai một.
Mãi đến trưa, khi mặt trời đứng bong, một toán chừng sáu bảy người, dẫn
đầu là Ưng Đằng, mới khệnh khạng đến. Ưng Đằng nhìn đám chủ nợ, thấy
toàn là thứ dân, bèn lên tiếng hách dịch:
– Tổng quản đi vắng, chưa về.
Quả thật, tổng quản Hồ Định đã trốn rồi, ẵm luôn cả số tiền hắn quyên
được của những đồ đệ và thân hữu, cùng với Ôkô đi biệt tích. Một chủ nợ
đứng lên trần tình:
– Anh em tiểu nhân bất đắc dĩ phải đến đây. Năm cùng tháng tận rồi, xin
các ngài trong quý phái trả nợ cho. Nếu không được hết thì cũng chi cho
mỗi người một ít để bọn tiểu nhân lo trang trải nợ nần.
– Đúng rồi ! Bọn tiểu nhân không đợi lâu hơn được nữa.
Người khác nói.
– Nếu ngài không trả được thì cho bọn tiểu nhân gặp chưởng môn.
Ưng Đằng ghé tai đồ đệ nói nhỏ. Hắn chạy đi, lát sau trở lại thì thầm:
– Đại ca bảo nói đại ca không có nhà.
Ưng Đằng cau mặt. Tiến thoái lưỡng nan, hắn phân vân không biết xử trí
ra sao, nhưng vì thân danh là một trong mười cột trụ của phái, hắn cao
giọng:
– Bản chưởng môn không có nhà. Để thư thả, ta sẽ hoàn trả chu tất.
– Thư thả là đến bao giờ ? Hôm nay cuối năm rồi, không trả ngay không được !
Nghe giọng nói có vẻ hỗn xược, Ưng Đằng nóng mặt:
– Đứa nào nói không được ?
Mọi người im thin thít.
– Ta đã nói trả là trả. Bây giờ các ngươi về đi, ta còn nhiều việc khác.
Nhưng chẳng ai nhúc nhích. Một chủ nợ than phiền:
– Vay thì năn nỉ, trả thì khó khăn, còn lên mặt mục hạ vô nhân, không biết nhục !
– Đứa nào nói đấy.
– Ta nói !
Ưng Đằng đứng dậy, xăm xăm đến bên người vừa cất tiếng, xuất kỳ bất ý,
thoi cho một quả. Mọi người ồ lên một tiếng kinh ngạc và bất nhẫn. Ưng
Đằng nắm cổ áo người đó nhấc bổng lên ném ra cửa.
– Trông đấy ! Đứa nào còn nói hỗn sẽ biết tay ta !
Rồi đưa mắt cho đàn em:
– Dồn chúng nó ra cổng trước, đóng cửa lại !
Đồ đệ Hoa Sơn nhất tề xắn tay áo, mặt hầm hầm. Mọi người nhìn nhau cung
cúc bước ra. Khỏi bờ mới quay lại chửi mắng thậm tệ Ưng Đằng và đồng
bọn.
Sĩ Khánh ngồi trong sảnh, nghe tiếng ồn ào đã biết chuyện gì rồi nhưng
vẫn cúi mặt làm ngơ. Vấn đề chi tiêu trong nhà, hắn chẳng bao giờ lý
tới, mặc quản gia lo liệu.
Từ khi Hồ Định bỏ đi, tất cả mọi việc đều do Ưng Đằng quán xuyến, cho
nên thấy đàn em làm bậy, hắn cũng chẳng nói năng gì. Bản tính rụt rè, ưa hưởng thụ, hắn sợ, không muốn làm mất lòng kẻ tay chân.
Ưng Đằng bước vào thấy Sĩ Khánh vẫn còn ngồi thờ thẫn bên chiếc bàn thấp.
– Đại ca, có chuyện gì không vui thế ?
Nhìn bọn thuộc hạ, Sĩ Khánh vững dạ. Hắn đáp:
– Không. Chẳng có chuyện gì. Sắp đến ngày rồi phải không Ưng Đằng ?
– Sắp rồi ! Bọn tiểu đệ đến đây cũng vì việc ấy. Đại ca phải tính chỗ và giờ hẹn đi chứ, để còn thông báo cho nó biết, không chần chờ được nữa
đâu.
– Ờ …ờ … chỗ nào tiện nhỉ. Ngươi nghĩ cánh đồng Đại Tỉnh Môn phía bắc Cổ Thành có được không ?
– Chỗ đó được. Đệ nghĩ chẳng còn chỗ nào hơn. Thế còn ngày giờ, đại ca định ra sao ?
– Ngươi tính nên hẹn trước hay sau ngày hạ nêu ?
– Đệ cho là càng sớm càng tốt. Đừng để nó kiếm cớ trốn mất.
– Mùng tám được không ?
– Mùng tám là kỵ nhật lão tiền bối tổ khảo, đại ca quên rồi sao ?
– Ừ nhỉ, vậy vào ngày mùng chín đi. Đầu giờ thìn, bấy giờ sương chưa tan, mình dễ xoay sở.
– Dạ. Bọn tiểu đệ sẽ cho yết bảng ngay tối nay dưới chân cầu.
– Vậy tốt !
– Đại ca sẵn sàng cả rồi chứ ?
– Dĩ nhiên, dĩ nhiên !
Nói thế nhưng Sĩ Khánh không an tâm. Tuy Thạch Đạt Lang chỉ là một tên
kiếm khách, nhưng gần đây có tin đồn đại gã đã giao đấu với nhiều cao
thủ võ lâm và đều thắng cả. Sĩ Khánh hơi sợ. Hắn không muốn tự nhận mình tư chất kém cỏi, không đủ khả năng bảo vệ danh dự một môn phái lớn, mà
chỉ cho là hiện giờ tâm không tĩnh, một phần vì tình hình tài chính của
Hoa Sơn kiệt quệ quá, một phần cũng vì A Kế Mỹ. Trong vụ Sumiyhoshi, A
Kế Mỹ cự tuyệt hắn làm lòng tự ái của hắn thương tổn, hắn càng nghĩ càng giận. Lại Hồ Định bỏ đi. Tất cả những biến cố ấy khác nào những mũi
thương ác độc đâm thủng lòng tự tin của hắn, giảm nhuệ khí của hắn không ít.
Sĩ Khánh gọi người hầu, hỏi tin Cát Xuyên Mộc. Thấy trình Cát Xuyên Mộc
chưa về, hắn ngạc nhiên. Nắng xiên khoai đã đổ dài bóng những gốc tùng,
bách cao lớn sau nhà mà người hắn mong đợi tiếp tay vẫn còn mãi mê săn
bắn làm hắn khó chịu, cảm thấy như bị phản bội.
Ưng Đằng trở lại, theo sau là một đệ tử mang tấm bảng gỗ mới cắt, chữ
viết còn đen nhánh nét mực chưa khô. Sĩ Khánh nhìn tấm bảng, lẩm nhẩm
đọc:
“Cáo yết Thạch Đạt Lang lãng nhân kiếm khách, Phúc đáp yêu cầu của ngươi, bản phái quyết định ngày giờ gặp gỡ như sau:
Địa điểm:
Đồng Đại Tỉnh Môn, phía bắc Cổ Thành Ngày giờ:
đầu giờ thìn, ngày mùng chín tháng một xuân năm mùi.
Bản chưởng môn sẽ hiện diện. Nếu vì lý do gì ngươi không đến, bản phái
dành toàn quyền tiếu mạ ngươi trước công chúng. Phần bản phái, nếu không giữ lời hứa, xin quỷ thần tru diệt.
Làm tại sảnh đường Hoa Sơn ngày quý đông năm Ngọ Chưởng môn:
Hoa Sơn Sĩ Khánh”.
Sĩ Khánh đọc xong, gật gù:
– Được đấy !
Lời văn rõ ràng trong cáo thị làm hắn hết do dự. Ít nhất, tình thế đã
ngã ngũ rồi, hay có lẽ bây giờ hắn mới ý thức được như vậy.
Ưng Đằng ra lệnh cho đồ đệ mang bảng ra cắm ngay dưới chân đại kiều
đường Gojo và trở vào ngồi cùng Sĩ Khánh bàn các việc sắp tới.
oo Dưới chân đồi Yoshida, Thạch Đạt Lang len lỏi giữa những ngôi nhà
nghèo nàn của các kiếm sĩ vọng tộc nhưng ít tiền. Những kiếm sĩ này phần lớn mang tư tưởng bảo thủ, cầu an, không ưa hay không thể làm được
những việc xuất chúng, đành cam phận sống tầm thường như mọi người.
Thạch Đạt Lang vừa đi vừa đảo mắt đọc những tấm bảng gỗ nhỏ đề tên gia
chủ treo trước cửa mỗi nhà. Hắn tìm gia đình người dì, vì hắn chỉ còn có bà dì này với Ô Nhiên, chị hắn, là hai người thân duy nhất. Dì hắn lấy
chồng kiếm sĩ, phục thị dưới trướng Tôn Điền. Có điều hắn không ngờ chú
dượng hắn cũng chẳng giàu có gì, tư thất ở hỗn độn trong khu gia cư
thanh bạch này, tìm được thật khó. Nhà nào cũng nhỏ chỉ hai gian, chen
chúc nhau, co ro như sợ cái lạnh mùa đông, nấp sau mấy thửa vườn hẹp xơ
xác, cây cối khẳng khiu, tuyết trong trận bão vừa qua vẫn còn đọng trên
cành cây gầy guộc.
Cửa đóng kín mít. Ngày ba mươi Tết, tuy có đôi nhà trang trí trúc và
cành thông theo tục lệ cổ truyền ở trước hàng hiên, nhưng thiếu hẳn cái
không khí rộn rịp ngoài đại lộ.
Đi mãi không tìm được nhà, mà tứ bề vắng vẻ không biết ai hỏi thăm, Thạch Đạt Lang tự nhủ:
“Chắc di mẫu ta dọn đi nơi khác rồi”. Bèn đi ngược trở lại. Đến gần chợ, sương chiều phủ kín khắp nơi nhưng phố xá ngày Tết vẫn còn tấp nập. Đèn đường nhòe nhoẹt rung rinh giữa những vòng ánh sáng vàng úa. Khách bộ
hành mang xách đi lại vội vàng, lúc ẩn lúc hiện.
Một phụ nữ đứng tuổi bước ngang trước mặt Thạch Đạt Lang. Đột nhiên hắn
có cảm giác kỳ lạ, hình như đã thấy người này ở đâu rồi. Những nét quen
thuộc lắm. Người đàn bà đi đã xa mà hắn vẫn còn ngẩn ngơ nhìn theo. Đứng một lúc, hắn sực nhớ :
nét mặt này là nét mặt của mẹ hắn, hắn vẫn mường tượng trong giấc mơ.
Đúng rồi, chắc bà đó là di mẫu hắn. Tuy không gặp dì mười năm nay, nhưng cái vẻ mặt và cái dáng đi ấy, hắn không sao quên được.
Thạch Đạt Lang chạy theo gọi. Bà kia dừng lại, nhìn hắn ngạc nhiên tột
độ, nhưng trong khóe mắt nhăn nheo và trong tròng mắt bắt đầu mờ đục vì
cuộc sống khó khăn, thoáng một niềm nghi kỵ:
– Ngươi là Thạch Đạt Lang, con ông Mưu Ni Sai phải không ?
Đến lượt Thạch Đạt Lang ngạc nhiên. Hắn tự hỏi không hiểu sao dì hắn lại gọi hắn là Thạch Đạt Lang mà không là Thạch Kinh Tử. Trực giác bén nhậy của hắn cho biết rõ ràng hắn không được tiếp đón nồng nhiệt. Nhưng vẫn
thành thật đáp:
– Vâng, tiểu điệt là Thạch Kinh Tử, dòng họ Yết Mân.
Bà dì nhìn Thạch Đạt Lang từ đầu đến chân, không một lời mừng rỡ:
“Ồ ! Mày đã lớn thế này rồi cơ à !” hoặc “cháu đấy ư, lâu lắm dì chẳng gặp cháu” … Bà chỉ lạnh nhạt nói:
– Ngươi đến đây làm gì ?
– Thưa di mẫu, cũng không có lý do gì đặc biệt. Nhân đi qua Kyoto, tiểu
điệt tạt vào thăm di mẫu và chúc di mẫu cùng di trượng sang năm mới an
khang.
Hắn nhìn nét mặt, chân tóc bà dì. Nhiều nếp nhăn ở đuôi mắt, vành môi,
chân tóc cũng đã bắt đầu nhuốm bạc. Nếu mẹ hắn còn sống, bà cũng tuổi
này và chắc còn nhiều vết nhăn hơn. Giọng nói hẳn cũng thế.
Bà dì tỏ vẻ không tin:
– Mày đến thăm ta ư ?
– Dạ, tiểu điệt cáo lỗi đã không báo trước.
Bà giơ tay đuổi Thạch Đạt Lang:
– Vậy bây giờ đã gặp ta rồi thì thôi, đi đi !
Kinh ngạc về lời nói quá vô tình ấy, Thạch Đạt Lang giận dữ:
– Tại sao di mẫu lại đối với con như thế ? Nếu di mẫu đuổi con, con xin
đi ngay chẳng dám làm phiền, nhưng con muốn biết tại sao. Hay con đã làm điều gì để di mẫu phật ý. Ít nhất di mẫu cũng cho con biết chứ !
Dường như hối hận vì thái độ lạnh nhạt của mình, bà đi quay đi, không trả lời vào câu hỏi. Bả nói lảng:
– Ừ, thôi đã đến đây thì về nhà, chào dượng mày một câu. Ta là dì mày,
cũng không muốn mày đi khỏi nơi này rồi đem lòng oán giận ta.
Thạch Đạt Lang theo bà về nhà. Hắn đợi ở phòng ngoài chờ bà vào báo cho
dượng hắn biết. Tiếng ho khan và thở khò khè của một người bị bệnh suyễn ở phòng trong vọng ra cùng với lời nói bực tức:
– Sao ? Con ông Mưu Ni Sai à ? Nó đến đây làm gì thế ? Sao bà để nó vào nhà mà không báo cho tôi biết trước ?
Tiếng dì hắn nói thầm những gì không rõ, rồi tiếng lục đục của người ở
trên giường bước xuống tìm dép. Sau cùng, cánh cửa lùa mở và ông Mã
Xuyên bước ra, mắt hấp háy.
Mã Xuyên là dượng hắn, dáng thấp lại hơi gù, hai vai so lại vì bệnh
hoạn. Nhìn Thạch Đạt Lang, ông tỏ vẻ khinh rẻ ra mặt, một sự khinh rẻ
thường thấy ở những người tình thành nhìn bà con thô lỗ của họ Ở quê ra
thăm:
– Thằng Kinh Tử đấy à ? Mày đến làm gì thế ?
– Tiểu điệt nhân có việc đi qua Kyoto, đến thăm di trượng.
– Láo !
– …
– Mày trí trá lắm, ta lạ gì. Đừng tìm cách dối gạt. Ở Mimasaka người ta đuổi mày nên mày trốn lên đây chứ gì ?
Thạch Đạt Lang đứng sững. Hắn không ngờ dượng hắn lại có thái độ như vậy.
Dưới ánh đèn lờ mờ, dì hắn ngồi lặng thinh trong góc phòng, đầu hơi cúi.
– Mày giết người, dụ dỗ con dâu người ta, làm bại hoại gia phong, thật
đáng xấu hổ, bây giờ còn đến đây định bêu xấu chúng ta nữa ư ?
Nói xong dượng hắn thở hổn hển. Dường như câu nói dài và sự tức giận làm ông mệt nhọc, ông giơ tay đỡ ngực. Thạch Đạt Lang buồn rầu, tuy biết bị hàm oan nhưng trước cảnh ấy không giữ được lòng thương xót.
– Thưa di nương di trượng, tiểu điệt biết đã làm nhiều điều không phải, nhưng bấy giờ tiểu điệt còn dại. Bây giờ xin sửa đổi.
Ông lão hình như không để ý đến lời hắn nói. Ông ngồi xuống chiếu tiếp tục mắng nhiếc:
– Dân làng ruồng bỏ mày, chắc mày phải bỏ đi cũng vì thế. Gieo gió gặt bão, ông Mưu Ni Sai dưới mồ hẳn không được nằm yên.
Thạch Đạt Lang thấy di trượng, di mẫu tỏ ra phiền lòng và giận dữ quá, bèn cáo thoái:
– Thôi, tiểu điệt chỉ đến để chào di trượng và di mẫu. Bây giờ xin cho tiểu điệt được kiếu …
– A ! Không được ! – Ông Mã Xuyên giận dữ cắt ngang – Mày không đi bây
giờ được. Mày biết ai đợi mày ngoài ấy không ? Mụ Hồ Điểu. Mày mà gặp
mặt mụ thì phiền lắm.
– Ô ! Bà Hồ Điểu đến đây ư ?
– Chứ gì nữa. Tháng trước mụ tới đây, kể cho chúng ta nghe hết về mày.
Nếu không phải vì tình huyết nhục thì ta đã trói mày giao cho mụ ấy rồi. Nhưng mày là cháu, chúng ta nghĩ tình đối với ông Mưu Ni Sai và mẹ mày
nên giữ mày lại. Mày nên đợi đến khuya hãy trốn đi.
Thạch Đạt Lang buồn phiền khôn tả, biết có trần tình cũng vô ích nên chỉ ngồi cắm mặt xuống đất. Những lầm lỗi của hắn trong tuổi thiếu thời
không ngờ đã bị bà Hồ Điểu thổi phồng lên và đã gieo vào lòng di mẫu và
di trượng hắn một ấn tượng xấu xa đến thế.
Dì hắn nhìn hắn thương hại, bảo hắn ra nhà sau nằm nghỉ. Một mình trong
bóng tối, dựa lưng vào đống củi, một lần nữa, Thạch Đạt Lang lại thấm
thía nỗi đơn độc của mình. Hắn cởi cây gươm đeo bên sườn, vuốt nhẹ lên
bao gỗ nhẵn bóng. Cảm giác mát rượi của vỏ gươm làm hắn thoải mái như
những lời an ủi của người bạn cố tri.
Thạch Đạt Lang ngồi đã lâu, không một ai hỏi han gì. Không khí trong vựa củi ẩm ướt lạnh tanh. Đói, mệt và buồn ngủ, hắn thiếp đi lúc nào không
biết.
Tiếng chuông giao thừa đổ hổi làm Thạch Đạt Lang bừng thức giấc. Năm mới rồi, năm mới rồi đấy ! Giấc ngủ vừa qua đã đem lại cho hắn sự sảng
khoái. Tâm trí lâng lâng thư thái, những bắp thịt sau một thời gian nghỉ ngơi như được dãn nở thêm ra và một luồng sinh lực mới chu lưu khắp
thân thể.
Thạch Đạt Lang đứng dậy vươn vai. Chuông chùa vẫn thong thả buông những
tiếng ngân nga, uy nghi đĩnh đạt, đủ một trăm lẻ tám tiếng cho một trăm
lẻ tám mê vọng của người đời, mỗi tiếng là một lời nhắc nhở họ về tính
chất phù ảo của kiếp nhân sinh.
Thạch Đạt Lang tự hỏi có bao nhiêu người trong đêm nay, cái đêm trừ tịch này, đã nói được:
“Ta đã làm xong điều ta phải làm, ta chẳng có điều gì hối tiếc”. Riêng
đối với hắn, mỗi tiếng chuông lại làm hắn rùng mình nghĩ đến những tư
tưởng, những hành động xấu xa hắn đã phạm phải trong năm qua, năm trước
và những năm trước nữa.
Không năm nào không có những điều hắn không hối tiếc. Người đời thay vợ
đổi chồng, đối đãi với tổ tiên, cha mẹ, anh em, con cái, ai dám tự hào
đã không có điều gì xúc phạm ?
“Ta vẫn tự nhủ:
nhất định không mong nhờ ai điều gì mà sao vẫn còn hy vọng ở họ lòng
thương yêu ? Thật là ngu xuẩn và dại dột. Ta phải quyết tâm và ghi điều
này lên giấy mới được !”. Thạch Đạt Lang mở hành trang, lấy ra một mẩu
nến, đánh lửa thắp lên rồi rút ra quyển sổ giấy đã vàng trong đó hắn ghi những điều nhận xét về võ công, về địa lý cũng như những ý tưởng hỗn
độn của hắn trên bước đường giang hồ, kèm theo với cây bút nhỏ. Hắn nhổ
nước bọt vào cái nghiên con, mài mực, viết câu khai bút:
“Ta muốn không có điều gì phải hối tiếc”. Nhưng viết thôi, không đủ, hắn cần tìm một câu ngắn, gọn, ý nghĩa súc tích như một thành ngữ để có thể nhắc đi nhắc lại hàng ngày. Có thế hắn mới không quên. Bèn sửa:
“Ta sẽ không hối tiếc những điều ta làm”. Nhưng vẫn chưa vừa ý, hắn lại sửa lần nữa:
“Không làm những gì phải hối tiếc”. Thạch Đạt Lang lẩm nhẩm nhắc đi nhắc lại câu này giữa những tiếng chuông lớn ngân nga và những tiếng chuông
nhỏ đổ hồi báo hiệu một năm mới vừa điểm.
Cửa lùa xịch mở. Dì hắn thò đầu vào và nói, giọng run run thì thầm:
– Kinh Tử ! Mày ở đây không được nữa rồi. Mụ Hồ Điểu đến ngoài kia và
đòi chúng ta phải điệu mày ra. Chúng ta đã nói mày không có đây nhưng mụ không nghe. Đầu năm, đừng để xảy ra chuyện không hay.
Giọng bà dì hạ thấp hơn:
– Kinh Tử, trốn đi mau. Dượng mày đang giữ mụ ngoài nhà khách.
Bà lẻn vào, cầm nón đội lên đầu Thạch Đạt Lang và đẩy hắn ra phía cửa bếp.
Hắn vừa đi vừa khoác vội túi hành trang lên vai:
– Con ân hận và xin lỗi đã làm phiền di mẫu.
Bà tạt vào bếp lấy năm cái bánh dầy nhỏ, gói vào vuông vải trắng dúi vào tay hắn.
Thạch Đạt Lang cung kính giơ bánh lên ngang trán tỏ dấu cảm ơn và đi vội ra cửa:
– Con xin vĩnh biệt di mẫu.