TÔI ĐUỢC GỌI LÀ “ZEYTIN”
Phần 1
Tôi có nên bỏ dở bài kinh nguyện mà đứng dậy mở cửa cho họ, hay cứ để họ chờ ngoài mưa cho đến khi tôi cầu kinh xong? Khi nhận ra họ đang nhìn tôi, tôi đọc nốt bài kinh trong tâm trạng hơi bối rối. Tôi mở cửa, và họ ở đó – Kelebek, Leylek và Siyah. Tôi kêu lên một tiếng mừng rỡ rồi ôm lấy Kelebek.
“Ôi, hồi gần đây sao mà chúng ta khổ sở thế!” Tôi than thở, vùi đầu vào vai anh ta. “Họ muốn cái gì ở chúng ta? Tại sao họ lại giết chúng ta?”
Mỗi người trong bọn đều biểu lộ nỗi kinh hoàng của việc bị tách ra khỏi nhóm, mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp ở mỗi họa sĩ bậc thầy trong cuộc đời tôi. Ngay cả ở đây, trong ngôi nhà này, họ cũng không muốn tách khỏi nhau.
“Chúng ta có thể ẩn trốn an toàn ở đây trong vài ngày.”
“Chúng tôi e rằng kẻ chúng ta cần phải sợ có lẽ nằm trong số chúng ta,” Siyah nói.
“Tôi cũng lo lắm”, tôi nói. “Vì tôi có nghe mấy lời đồn đại như thế.”
Có những tin đồn lan truyền từ các sĩ quan Ngự lâm quân đến ban tiểu họa nói rằng bí ẩn quanh vụ sát hại Zarif Kính mến và Enishte quá cố đã được làm sáng tỏ: Hắn ta là một người trong chúng tôi, những người đã tham gia làm cuốn sách đó.
Siyah hỏi tôi đã vẽ bao nhiêu bức tranh cho cuốn sách của Enishte.
“Bức đầu tiên tôi vẽ là Satan. Nó là một dạng biến thể của loài quỷ dưới lòng đất thường gặp trong tác phẩm của những bậc thầy xưa trong các xưởng của xứ Akgoýunly. Người kể chuyện và tôi cùng theo phái Sufi; đó là lý do tại sao tôi vẽ hai người khổ tu. Tôi chính là người đã đề nghị Enishte đưa họ vào cuốn sách của ông, thuyết phục ông rằng có một chỗ đặc biệt cho những nhà khổ tu này trên lãnh thổ Ottoman.”
“Có vậy thôi à?” Siyah hỏi.
Khi tôi đáp, “Phải, chỉ có vậy,” anh ta bước tới cửa với vẻ bề trên của một ông thầy bắt gặp một thợ học việc ăn cắp; anh ta mang vào một cuộn giấy không bị ướt nước mưa, đặt trước mặt ba họa sĩ chúng tôi như một con mèo mẹ tha con chim bị thương đến cho các con của nó.
Tôi đã nhận ra các trang giấy đó ngay khi chúng còn được kẹp dưới nách anh ta: Chúng là những bức minh họa tôi đã cứu được ở quán cà phê trong cuộc đột kích. Tôi không mất công hỏi làm thế nào những người này vào được nhà tôi và tìm được chúng. Tuy nhiên Kelebek, Leylek và tôi, mỗi người đều lặng lẽ thú nhận những bức tranh chúng tôi đã vẽ cho người kể chuyện, cầu cho ông ta được yên nghỉ. Về sau, duy nhất con ngựa, một con ngựa cực đẹp đầu cúi thấp vẫn chưa được khẳng định là thuộc về ai. Tin tôi đi, tôi thậm chí không nhận ra rằng một con ngựa đã được vẽ ra.
Anh không phải là người vẽ con ngựa này hả?” Siyah hỏi, như một ông thầy cầm cây roi.
“Không phải tôi,” tôi đáp.
“Còn con ngựa trong cuốn sách của Enishte?”
“Tôi cũng không vẽ con ngựa đó.”
“Tuy nhiên, dựa trên phong cách của con ngựa, người ta khẳng định rằng anh đã vẽ nó,” anh ta nói. “Hơn nữa, chính Sư phụ Osman đã đưa ra kết luận này.”
“Nhưng tôi không có phong cách gì cả,” tôi nói. “Tôi không nói điều này vì lòng tự hào nhằm phản công lại những thị hiếu gần đây. Mà tôi cũng không nói thế để chứng minh tôi vô tội. Đối với tôi, việc có phong cách còn tệ hại hơn việc sát nhân.”
“Anh có một phẩm chất rõ rệt phân biệt anh với những bậc thầy xưa và những họa sĩ khác,” Siyah nói.
Tôi mỉm cười với anh ta. Anh ta bắt đầu kể lại những việc mà tôi tin chắc tất cả các vị bây giờ đã biết. Tôi chăm chú lắng nghe chuyện Đức vua, trong cuộc hội đàm với Trưởng ngân khố để tìm một giải pháp cho những vụ giết người, lắng nghe chuyện ba ngày của Thầy Osman, lắng nghe â��phương pháp gái điếm’, lắng nghe đặc điểm trên mũi những con ngựa và lắng nghe chuyện Siyah được cho vào Cấm cung như nhờ một phép màu để xem xét những cuốn sách tuyệt trần đó. Có những phút giây trong cuộc đời tất cả chúng ta khi, thậm chí ngay giữa lúc ta đang trải nghiệm những sự kiện nào đó, ta đã nhận ra rằng mình đang trải qua những sự kiện mà dù rất lâu về sau ta vẫn không bao giờ quên được. Mua rơi rầu rĩ. Như thể bực bội vì mưa, Kelebek giữ chặt con dao một cách phiền muộn, Leylek, sau lưng áo giáp phủ đầy bột trắng, mạnh dạn tiến vào giữa ngôi nhà nguyện khổ tu, đèn trong tay. Những họa sĩ bậc thầy này, bóng in trên tường như những con ma, là những anh em của tôi, và tôi yêu họ biết bao! Tôi vui vì được là một nhà tiểu họa.
“Anh hiểu được vận may của mình khi được nhìn vào những tác phẩm vĩ đại của các bậc thầy xưa trong nhiều ngày với Thầy Osman bên cạnh không?” Tôi hỏi Siyah. “Ông ta có hôn anh không? Ông ta có vuốt ve khuôn mặt đẹp trai của anh không? Anh có kính sợ tài năng và kiến thức của ông ta không?”
“Ở đó, giữa những tác phẩm vĩ đại của các bậc thầy xưa, Sư phụ đã chỉ cho tôi về phong cách của anh,” Siyah nói. “Sư phụ đã dạy tôi rằng khuyết điểm giấu kín của â��phong cách’, không phải là cái do người họa sĩ tự ý chọn, mà nó được quyết định bởi quá khứ của người nghệ sĩ và những ký ức đã quên của anh ta. Ông ấy cũng chỉ cho tôi những khuyết điểm, yếu kém và lỗi lầm ẩn giấu này, có lúc một chuyện xấu hổ như thế được giấu kín để chúng ta không bị xa lìa những bậc thầy xưa, rồi sau đó sẽ xuất hiện để được ca ngợi như â��những đặc điểm cá nhân’ hay phong cách,’ bởi vì các bậc thầy châu Âu đã truyền bá chúng khắp thế giới. Từ nay trở đi, nhờ những tên ngốc vốn tự hào về những lỗi lầm của chính chúng, thế giới này sẽ là một nơi nhiều màu sắc hơn, ngu ngốc hơn và, dĩ nhiên, thiếu hoàn hảo hơn rất nhiều.”
Việc Siyah tin chắc chắn vào những gì anh ta nói đã chứng minh rằng anh ta là một trong những tên ngốc thế hệ mới.
“Thầy Osman có thể giải thích lý do tại sao, trong nhiều năm, tôi vẽ hàng trăm con ngựa với lỗ mũi bình thường trong những cuốn sách của Đức vua không?” tôi hỏi.
“Đó là do tình yêu và những trận đòn mà Sư phụ dành cho anh hồi anh còn nhỏ. Bởi vì Sư phụ vừa là cha vừa là người thân yêu đối với tất cả các anh, nên Sư phụ không thấy rằng ông đã gắn bó tất cả các anh với chính ông và từng người các anh với nhau. Sư phụ không muốn mỗi người trong các anh có một phong cách riêng, Sư phụ muốn cả họa xưởng trong cung điện có chung một phong cách. Bởi vì cái bóng đầy kính sợ mà sư phụ đã trùm lên tất cả các anh, các anh đã quên những gì đến từ bên trong, những điều không hoàn hảo, những yếu tố và những khác biệt vốn nằm bên ngoài giới hạn của hình thức chuẩn mực. Chỉ khi các anh vẽ cho những cuốn sách khác, những trang khác, mà Sư phụ Osman không bao giờ thấy được, thì các anh mới vẽ con ngựa vốn đã nằm trong tâm trí các anh bao nhiêu năm nay.”
“Mẹ tôi, cầu cho bà yên nghỉ, thông minh hơn cha tôi nhiều,” tôi nói. “Một đêm nọ, tôi ở nhà, khóc lóc, nhất quyết không bao giờ quay lại xưởng vẽ bởi vì tôi không những khiếp sợ những trận đòn của Thầy Osman, mà còn sợ cả những trận đòn của những ông thầy cáu kỉnh và khắc nghiệt khác và những trận đòn của các trưởng nhóm vốn luôn luôn hăm dọa chúng tôi bằng cây thước. Trong lúc an ủi, người mẹ quá cố thân yêu của tôi đã khuyên tôi rằng có hai hạng người trên trái đất: những kẻ hoảng sợ và bị khuất phục bởi những trận đòn thời thơ ấu, mãi mãi bị áp bức, bà nói, bởi vì những trận đòn đã đạt hiệu quả là tiêu diệt những ma quỷ nội tâm; và thứ nhì là những kẻ may mắn mà với họ những trận đòn đã làm kinh hãi và chế ngự được ma quỷ bên trong họ nhưng không tiêu diệt họ. Dù nhóm sau không bao giờ quên những ký ức đau đớn thời thơ ấu này – bà cảnh báo tôi đừng nói điều này với bất cứ ai – nhưng đến lúc nào đó những trận đòn sẽ giúp họ phát triển tính khôn ngoan, thấu hiểu điều chưa biết, có được bạn bè, nhận dạng được kẻ thù, nhận ra những âm mưu ngấm ngầm sau lưng họ và, để tôi nói thêm liền đây, vẽ giỏi hơn bất cứ ai khác. Bởi vì tôi không thể vẽ những cành cây một cách hài hòa, Thầy Osman sẽ vả tôi mạnh đến nỗi, giữa những giọt nước mắt cay đắng, những khu rừng sẽ mọc ra um tùm trước mặt tôi. Sau khi giận dữ quất vào đầu tôi, bởi vì tôi không thể thấy những lỗi ở cuối trang, ông ân cần lấy một tấm gương đặt trước trang giấy để tôi có thể thấy tác phẩm đó như mới thấy lần đầu. Sau đó, áp má ông sát má tôi, ông âu yếm chỉ ra những sai lầm hiện ra trong gương như có phép màu đến độ tôi không bao giờ quên được tình yêu thương lẫn nghi thức đó. Buổi sáng sau một đêm tôi khóc mướt trên giường, do lòng tự ái bị xúc phạm vì ông đã trừng phạt tôi bằng cây thước trước mặt mọi người, ông đến hôn cánh tay tôi quá âu yếm đến nỗi tôi biết rất rõ rằng một ngày kia tôi sẽ trở thành một nhà tiểu họa huyền thoại. Không, không phải tôi vẽ con ngựa đó.”
“Chúng tôi,” Siyah ám chỉ Leylek và chính anh ta, “sẽ lục soát nhà nguyện này để tìm bức tranh cuối cùng mà tên đê tiện sát hại Enishte của tôi đã đánh cắp. Anh đã từng thấy bức tranh cuối cùng đó chưa?”
“Không có gì, đó là điều chấp nhận được đối với Đức vua, những nhà minh họa giống chúng ta bị buộc chặt vào những bậc thầy xưa hoặc những tín đồ Hồi giáo bị buộc chặt vào đức tin của họ,” tôi nói và im lặng.
Tuyên bố của tôi càng khiến anh ta hăm hở hơn. Anh ta và Leylek bắt đầu lục soát toàn bộ ngôi nhà, xới tung mọi thứ. Có lúc, chỉ để làm cho công việc của họ dễ dàng hơn, tôi đi theo họ.
Trong một phòng có trần bị dột, tôi chỉ cái hố dưới sàn để họ không bị ngã và để họ có thể lục soát nó nếu họ muốn. Tôi trao cho họ một chìa khóa lớn của căn phòng nhỏ trong đó vị giáo trưởng đã sống cách nay ba mươi năm, trước khi những người ủng hộ tu viện này gia nhập phái Bektashis và phân tán đi. Họ hăm hở bước vào, nhưng khi thấy toàn bộ bức tường đã sập mất và mưa tạt vào phòng, họ chẳng buồn lục soát nó.
Tôi thấy mừng rằng Kelebek không đi cùng họ, nhưng nếu tìm thấy chứng cứ liên quan đến tôi thì anh ta cũng sẽ đứng vào hàng ngũ của họ. Leylek có cùng ý nghĩ như Siyah, vốn sợ rằng Thầy Osman sẽ giao chúng tôi cho những kẻ tra tấn, và nhất quyết rằng chúng tôi phải hỗ trợ nhau, phải hợp lực lại để đối đầu với Trưởng Ngân khố. Tôi có cảm giác rằng Siyah không chỉ bị thúc đẩy bởi ước muốn tặng cho Shekure món quà cưới đích thực bằng việc tìm ra kẻ giết Enishte của anh ta, mà anh ta còn có ý định đưa những nhà tiểu họa Ottoman đi theo con đường của các bậc thầy châu Âu bằng cách dùng tiền của Đúc vua trả lương cho họ để họ hoàn tất cuốn sách của Enishte phỏng theo người Tây vực (điều này không chỉ phạm thượng mà còn lố bịch nữa). Tôi cũng hiểu, với một mức độ chắc chắn nào đó, rằng gốc rễ của âm mưu này là mong ước của Leylek muốn loại bỏ chúng tôi và thậm chí cả Thầy Osman nữa, vì anh ta mơ ước trở thành Trưởng ban Minh họa và (vì mọi người đoán rằng Thầy Osman thích Kelebek hơn) anh ta sẵn sàng dùng mọi cách để gia tăng cơ hội của mình. Nhất thời tôi cảm thấy bối rối. Lắng nghe mưa rơi, tôi cân nhắc hồi lâu. Kế đến, giống như một người trốn khỏi đám đông và cố gắng dâng thỉnh nguyện lên Đức vua và quan Tể tướng khi họ cưỡi ngựa ngang qua, tôi bất ngờ có ý muốn làm cho Leylek và Siyah yêu mến tôi. Dẫn họ qua một hành lang tối và một cửa lớn, tôi đưa họ tới một căn phòng dễ sợ vốn là nhà bếp. Tôi hỏi liệu họ có tìm được thứ gì giữa đống đổ nát này không. Dĩ nhiên họ không tìm thấy. Không hề có dấu vết gì của ấm đun nuớc, nồi, chảo và những ống bễ từng được dùng để nấu ăn cho kẻ lang thang nghèo khổ. Thậm chí tôi chưa từng cố gắng dọn dẹp căn phòng ghê tởm phủ đầy mạng nhện, bụi, bùn, những mảnh vỡ cùng cứt chó và mèo này. Như thường lệ, một cơn gió mạnh, nổi lên như thể từ hư vô, làm mờ ngọn đèn – khiến bóng của chúng tôi khi tỏ khi mờ.
“Các anh đã lục đi soát lại mà không tìm được kho báu cất giấu của tôi,” tôi nói.
Theo thói quen, tôi dùng mu bàn tay như một cây chổi quét lớp tro tại chỗ từng là lò sưởi và, khi một miệng lò cũ hiện ra, tôi giở nắp sắt của nó lên gây ra tiếng cọt kẹt. Tôi giơ đèn đến bên miệng lò. Tôi sẽ không bao giờ quên cái kiểu Leylek nhảy xổ tới háo hức chộp lấy mấy cái túi da bên trong trước khi Siyah kịp ra tay. Anh ta sắp mở mấy cái túi đó ngay bên miệng lò, nhưng vì tôi đã quay trở ra phòng khách lớn, theo sau là Siyah vì anh ta sợ phải ở lại đó, nên Leylek phóng cặp chân dài theo sau chúng tôi.
Khi họ thấy một chiếc túi đựng đôi vớ len sạch, chiếc quần dải rút, áo lót màu đỏ của tôi, những chiếc áo lót đẹp nhất, áo sơ mi lụa, dao cạo, lược và những vật dụng hàng ngày khác của tôi, họ thoáng bối rối. Còn cái túi kia mà Siyah mở ra thì có năm mươi ba đồng tiền vàng Venice, những miếng vàng lá tôi đánh cắp ở xưởng trong mấy năm gần đây, cuốn sổ ghi chép những mẫu vẽ mà tôi giấu không cho ai biết, thêm mấy miếng vàng lá đánh cắp nữa giấu trong sổ, những bức tranh bậy bạ – một số tự tay tôi vẽ và một số tôi sưu tầm, một chiếc vòng mã não kỷ niệm của mẹ tôi cùng một lọn tóc bạc của bà, và những cây bút cùng cọ tốt nhất của tôi.
“Nếu thực sự tôi là tên sát nhân nhu các anh nghi ngờ,” tôi nói với vẻ tự hào ngu ngốc, thì bức tranh cuối cùng hẳn phải nằm trong kho tàng bí mật đó của tôi, chứ không phải những thứ này.”
“Tại sao những thứ này ở đây?” Leylek hỏi.
“Khi Ngự lâm quân lục soát nhà tôi, như họ đã lục soát nhà các anh, họ đã trắng trợn tịch thu hai trong số những đồng vàng mà tôi đã dành cả đời để sưu tầm. Tôi nghĩ chúng ta có thể bị lục soát lần nữa vì tên giết người đê tiện này – và tôi đã đúng. Nếu tôi có giữ bức tranh cuối cùng đó thì nó phải ở đây.”
Đúng là sai lầm khi thốt ra câu cuối cùng này; tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm và không còn sợ rằng tôi sẽ bóp cổ họ trong góc tối căn nhà nữa. Tôi cũng giành được sự tin cậy của các vị chứ?
Tuy nhiên, vào lúc này lòng tôi tràn ngập một cảm giác bất ổn nghiêm trọng; không, đó không phải là chuyện những đồng nghiệp minh họa của tôi, những người tôi biết rõ từ hồi nhỏ, đã biết việc tôi tham lam dành dụm tiền bạc trong nhiều năm, tôi mua và để dành vàng, hay thậm chí chuyện họ biết về những sổ ghi chép và những bức tranh tục tĩu của tôi. Thực ra thì, tôi hối tiếc vì đã cho họ xem tất cả những thứ này trong phút giây hoảng sợ. Chỉ những điều bí ẩn của một người sống hoàn toàn vô mục đích mới có thể bị phơi bày một cách dễ dàng như thế.
“Tuy nhiên,” một hồi lâu sau Siyah nói, “chúng ta phải thống nhất xem mình sẽ nói những gì khi bị tra tấn nếu Sư phụ Osman bất ngờ giao nộp chúng ta mà không cảnh báo trước.”
Một nỗi se thắt và buồn phiền ập xuống chúng tôi. Trong ánh đèn mờ nhạt, Leylek và Kelebek đang nhìn chăm chú những bức tranh thô tục trong sổ ghi chép của tôi. Họ biểu lộ vẻ hoàn toàn thờ ơ, thực tế, thậm chí họ hạnh phúc theo một kiểu đáng sợ nào đó. Tôi cảm thấy một thôi thúc mạnh mẽ phải nhìn lại bức tranh – tôi có thể đoán ra đó là bức nào; tôi đứng dậy đi vòng ra sau lưng họ, nhìn vào bức tranh tục tĩu mình đã vẽ, rùng mình cứ như tôi đang nhớ lại được một ký ức hạnh phúc những giờ đã xa xôi. Siyah đến bên chúng tôi. Vì lý do nào đó, việc cả bốn chúng tôi cùng nhìn bức minh họa đó làm nhẹ lòng tôi.
“Có thể nào người mù và người sáng là như nhau không?” Cuối cùng Leylek nói. Có phải anh ta ngụ ý rằng cho dù hình ảnh chúng tôi thấy là tục tĩu, nhưng lạc thú của sự nhìn thấy mà Allah ban cho chúng tôi vẫn là vinh quang không? Không, Leylek mà biết gì về những vấn đề như thế? Anh ta chưa từng đọc kinh Koran. Tôi biết rằng những bậc thầy Herat xưa thường xuyên đọc to câu thơ này. Những bậc thầy vĩ đại đã dùng câu thơ này làm câu trả lời cho những kẻ thù của hội họa, những kẻ đã cảnh báo rằng đạo giáo của chúng ta cấm chỉ việc vẽ tranh và các họa sĩ sẽ bị đày xuống Hỏa ngục vào Ngày phán xét. Tuy nhiên, cho đến phút giây ma quái ấy, tôi chưa từng một lần được nghe từ Kelebek những lời này mà hiện có vẻ tự ý chúng thoát ra khỏi miệng anh ta.
“Tôi muốn miêu tả người mù và người sáng không giống nhau như thế nào!”
“Ai là người mù và ai là người sáng?” Siyah hỏi ngây thơ.
“Người mù và người sáng không như nhau, đó là nghĩa của câu â��ve ma yestevil’ama ve’l basiru’nun’ “. Kelebek nói và tiếp tục:
“…mà cũng không là bóng tối và ánh sáng.
Cái bóng và sức nóng không như nhau,
Cả người chết và người sống cũng không như nhau.”
Tôi rùng mình trong chốc lát, nghĩ về số phận của Zarif Kính mến, Enishte và người kể chuyện anh em vừa bị giết tối nay. Liệu mấy đứa kia có sợ như tôi không? Chẳng ai động đậy một hồi lâu.
Leylek vẫn để mở cuốn sách của tôi, nhưng có vẻ không thấy hình ảnh thô bỉ tôi vẽ dù rằng tất cả chúng tôi đều nhìn vào nó!
“Tôi muốn vẽ Ngày phán xét”, Leylek nói. “Cuộc phục sinh của người chết, và sự chia tách kẻ có tội ra khỏi kẻ vô tội. Tại sao chúng ta không thể vẽ Lời thiêng của đạo giáo chúng ta?”
Hồi chúng tôi còn trẻ, làm việc với nhau trong cùng một căn phòng của xưởng vẽ, chúng tôi thỉnh thoảng cũng ngước mặt khỏi bàn làm việc, như những bậc thầy già thường làm để cho mắt nghỉ ngơi, và bắt đầu nói về bất cứ đề tài nào nảy ra trong đầu. Hồi đó, giống như bây giờ chúng tôi đang làm khi nhìn vào cuốn sách mở ra trước mặt, chúng tôi không nhìn nhau khi tán gẫu. Vì mắt của chúng tôi thường hướng đến một điểm xa xôi nào đó bên ngoài cửa sổ mở. Tôi không chắc có phải là do sự kích động khi nhớ lại một điều gì đó đẹp đẽ khó quên từ thời học việc thanh bình của tôi, do sự hối tiếc thật lòng mà tôi cảm thấy vào giây phút đó bởi vì đã bao lâu nay tôi không đọc kinh Koran, hay do nỗi sợ hãi trước tội ác mà tôi chứng kiến tại quán cà phê tối đó, nhưng khi đến lượt tôi nói, tôi bất chợt bối rối, tim tôi đập liên hồi như thể tôi đang gặp mối đe dọa hiểm nguy nào đó, và vì không nghĩ ra điều gì khác, tôi chỉ nói như sau:
“Các anh có nhớ những bài thơ ở cuối chương Al-Baqara 1 không? Tôi muốn vẽ chúng nhất: Ôi Thượng đế, xin đừng phán xét chúng con qua những gì chúng con quên và qua lỗi lầm của chúng con. Ôi Thượng đế, xin đừng đặt lên vai chúng con gánh nặng mà chúng con không mang nổi như đã làm với những người đi trước chúng con. Hãy tha thứ và xóa tội cho chúng con về những vi phạm và tội lỗi của chúng con! Hãy cư xử với chúng con với lòng nhân từ, ôi Thượng đế kính yêu.” Giọng tôi vỡ vụn và tôi bối rối vì những giọt nước mắt bất ngờ của mình – có lẽ bởi vì tôi thận trọng với lời mỉa mai mà chúng tôi luôn dành sẵn hồi còn học việc để tự bảo vệ và tránh phơi bày cảm xúc.”
Tôi nghĩ những giọt nước mắt của tôi sẽ nhanh chóng cạn đi, nhưng không kìm mình được, tôi bắt đầu khóc như mưa gió. Trong khi khóc, tôi có cảm giác rằng từng người trong số họ đều chìm trong những cảm xúc về tình anh em, sự hủy diệt và nỗi buồn. Từ giờ trở đi, phong cách châu Âu sẽ chiếm ưu thế trong xưởng của Đức vua; những pho sách và phong cách mà chúng tôi đã dành cho cả cuộc đời sẽ dần dần bị quên lãng – phải, quả thực, toàn bộ dự án liều lĩnh này sẽ đến hồi kết thúc. Và nếu người Erzurum không bóp cổ và kết liễu chúng tôi thì những kẻ tra tấn của Đức vua sẽ làm chúng tôi tàn tật… Nhưng trong khi tôi khóc, nức nở và thở vắn than dài – cho dù tôi vẫn lắng nghe tiếng mưa rơi lộp độp buồn não nuột – một phần tâm trí tôi ý thức rõ rằng những thứ này không phải là thứ tôi đang khóc than. Mấy đứa kia ý thức điều này tới mức độ nào? Tôi cảm thấy hơi có lỗi về những giọt nước mắt của mình, chúng vừa thực lòng, vừa giả dối.
Kelebek đến bên tôi, đặt cánh tay lên vai tôi, vuốt tóc tôi, hôn má tôi và nói những lời ngọt ngào an ủi tôi. Sự thể hiện tình bạn này càng khiến tôi khóc với vẻ thật tình và hối lỗi hơn. Tôi không thấy được khuôn mặt anh ta, nhưng, vì lý do nào đó, tôi đã nghĩ một cách sai lầm rằng anh ta cũng đang khóc. Chúng tôi ngồi xuống. Chúng tôi nhắc lại chuyện cả bọn bắt đầu thời kỳ học việc cùng một năm, nỗi buồn kỳ lạ của việc bị tách khỏi mẹ và bất ngờ bắt đầu một cuộc sống mới, cơn đau của những trận đòn chúng tôi hứng chịu trong những ngày đầu, niềm vui từ những món quà đầu tiên của Trưởng Ngân khố, và những ngày chúng tôi được về nhà, chạy suốt con đường. Thoạt đầu chỉ có anh ta nói trong khi tôi lắng nghe một cách rầu rĩ, nhưng về sau, khi Leylek, và đôi khi sau đó nữa, Siyah – người đến xưởng một thời gian rồi bỏ đi, trong những năm đầu học việc của bọn tôi – tham gia cuộc chuyện trò ảm đạm của chúng tôi, tôi quên rằng mình vừa mới khóc, và bắt đầu nói cười thoải mái với họ.
Chúng tôi hồi tưởng lại những sáng mùa đông chúng tôi dậy sớm, nhóm bếp lò trong căn phòng lớn nhất của xưởng và lau sàn nhà bằng nước nóng. Chúng tôi nhớ lại một “thợ cả” già, cầu cho ông được yên nghỉ, một người tẻ ngắt và cẩn thận đến độ ông ta có thể suốt một ngày chỉ vẽ độc một chiếc lá của một cái cây và khi thấy chúng tôi nhìn những chiếc lá xanh tươi mơn mởn của cây cối mùa xuân qua khung cửa sổ mở thay vì nhìn vào chiếc lá ông ta vẽ, ông không đánh đòn chúng tôi, mà thường quát tháo chúng tôi đến cả trăm lần. “Không phải ngoài đó, trong này này!” Chúng tôi nhắc lại tiếng kêu khóc mà cả xưởng đều nghe thấy của cậu thợ học việc gầy nhẳng đang đi ra cửa, túi xách trong tay, bị đuổi về nhà bởi vì cường độ công việc khiến một con mắt cậu ta bị lác. Kế đến, chúng tôi tưởng tượng cách chúng tôi nhìn (với niềm vui sướng bởi đó không phải là lỗi lầm của chúng tôi) mực đỏ tươi từ một lọ mực bằng đồng bị nứt rỉ ra dần dần lên trang giấy mà ba nhà minh họa đã phải làm suốt ba tháng ròng (nó vẽ quân Ottoman hai bên bờ sông Kinik trên đường tiến về Shirvan, thoát được mối nguy chết đói bằng việc chiếm Eresh và lấp đầy bao tử họ). Trong một thái độ tôn trọng và tao nhã, chúng tôi nói về chuyện cả ba chúng tôi cùng yêu và cùng nhau làm tình với một quý cô Circasia, người đẹp nhất trong các bà vợ của một quan chức bảy mươi tuổi, ông ta muốn trần nhà mình được trang trí phỏng theo nhũng mẫu vẽ trong hành cung săn bắn của Đức vua sao cho xứng với những cuộc chinh phục, sức mạnh và tài sản của ông ta. Sau đó, chúng tôi háo hức nhắc lại những sáng mùa đông chúng tôi ăn món xúp đậu lăng ngay ngưỡng cửa mở toang để hơi nóng của nó không làm mềm giấy. Chúng tôi cũng than thở việc bị tách khỏi bạn bè và thầy dạy trong xưởng khi các thầy buộc chúng tôi đi đến những nơi xa xôi để làm thuê sau khi đã biết nghề. Có lúc, vẻ hòa nhã của Kelebek thân mến khi anh mới mười sáu tuổi bỗng hiện ra trước mắt tôi: Anh ấy đánh bóng giấy đến độ láng mướt bằng cách dùng miếng vỏ sò láng chà thật nhanh trong khi ánh nắng một ngày hè xuyên qua khung cửa sổ mở chiếu vào cánh tay trần màu mật ong của anh. Trong một chốc anh ngừng công việc đang làm một cách chăm chú và cẩn thận để cúi xuống trang giấy xem xét một chỗ bị hỏng. Sau khi dùng vỏ sò chà vài nhát trên chỗ bị hư bằng những động tác khác, anh ta trở lại động tác cũ, đưa tay tới lui trong khi nhìn ra xa xa bên ngoài cửa sổ, chìm trong mơ mộng. Tôi không bao giờ quên rằng trước khi nhìn ra ngoài lần nữa, anh nhìn thoáng vào mắt tôi – như sau này tôi làm với những người khác. Cái nhìn bi thương này chỉ có một ý nghĩa, mà mọi thợ học việc đều biết rõ: Thời gian không trôi nếu các vị không mơ mộng.
— —— —— —— ——-
1Al-Baqara: Con Bò.