ĐÔ LÀ TÔI, SƯ PHỤ OSMAN
Phần 1
Các người biết rõ những người già khó tính vốn hiến trọn đời mình cho nghệ thuật. Họ sẽ công kích bất cứ ai cản đường họ. Họ thường gầy gò, xương xẩu và cao nhỏng. Họ sẽ muốn số ngày đang ngắn dần trước mặt họ trở nên giống như cái thời kỳ dài họ bỏ lại đàng sau. Họ dễ cáu giận và phàn nàn mọi thứ. Họ sẽ chộp lấy quyền kiểm soát trong mọi tình huống, khiến mọi người quanh họ đành chịu bó tay thất vọng; họ không thích bất cứ ai hay bất cứ thứ gì. Tôi biết, bởi vì tôi là một trong số họ.
Nurullah Selim Chelebi, bậc thầy trong những bậc thầy người mà tôi từng có vinh hạnh sát cánh làm tranh minh họa trong cùng một họa xưởng, cũng như vậy khi ông ngoài tám mươi, lúc đó tôi chỉ là một thợ học việc mười sáu tuổi (dù ông không dễ cáu như tôi bây giờ). Ali Tóc vàng, người cuối cùng trong những bậc thầy vĩ đại, đã yên nghỉ cách nay ba mươi năm, cũng vậy (dù ông ta không gầy và cao như tôi). Ngày nay, vì những mũi tên phê phán nhắm vào những bậc thầy huyền thoại này, những kẻ chỉ huy các xưởng vẽ lúc thịnh thời, thường nã vào sau lưng tôi. nên tôi muốn các người biết rằng những lời buộc tội nhàm chán nhằm vào chúng tôi hoàn toàn vô căn cứ. Đây là những sự kiện:
1. Lý do khiến chúng tôi không thích bất cứ thứ gì đổi mới là vì thực tình chẳng có thứ gì mới đáng yêu thích cả.
2. Chúng tôi cư xử với hầu hết con người giống như những kẻ khờ dại bởi vì quả thực hầu hết bọn họ là kẻ khờ dại, chứ không phải vì chúng tôi bị đầu độc bởi sự giận dữ, sự bực bội hoặc một số nhược điểm khác trong tính cách. (Cứ cho là nếu cư xử với những người đó tốt hơn thì có văn hóa hơn và biết điều hơn).
3. Lý do khiến tôi quên và lẫn lộn quá nhiều tên tuổi và khuôn mặt – trừ những nhà tiểu họa tôi yêu mến và dạy dỗ từ thời họ học việc – không phải do lú lẫn, mà là bởi những cái tên và khuôn mặt đó quá nhạt nhẽo và thiếu sắc thái đến độ hầu như không đáng nhớ.
Trong đám tang của Enishte, kẻ mà linh hồn bị Thượng đế đưa đi quá sớm vì sự ngu ngốc của chính ông ta, tôi cố quên rằng người quá cố đã từng có lần khiến tôi đau khổ ghê gớm khi buộc tôi bắt chước những bậc thầy châu Âu. Trên đường trở về, tôi đã nghĩ như sau: kiếp mù và cái chết, những đặc ân này do Thượng đế ban tặng, giờ không còn xa tôi nữa. Dĩ nhiên người ta sẽ nhớ đến tôi chừng nào những tranh minh họa và bản thảo của tôi còn khiến đôi mắt các người giật liên hồi và những bông hoa hạnh phúc bừng nở trong tim các người. Nhưng sau khi tôi chết, hãy cho mọi người biết rằng trong tuổi già của tôi, đúng lúc kết thúc đời tôi, vẫn còn nhiều thứ khiến tôi mỉm cười. Chẳng hạn như:
1. Trẻ con – Chúng tiêu biểu cho những gì sống động của cõi đời này.
2. Những ký ức ngọt ngào về những cậu trai tuấn tú, những phụ nữ xinh đẹp, hội họa và tình bạn.
3. Việc nhìn những kiệt tác của các bậc thầy Herat – điều này không thể giải thích cho kẻ ngoài nghề được.
Ý nghĩa đơn giản của tất cả chuyện này là: Trong xưởng của Đức vua do tôi điều hành, những tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy không còn được làm như xưa nay nữa – và tình hình này sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn, mọi thứ sẽ dần thu nhỏ lại rồi biến mất. Tôi đau đớn hiểu ra rằng chúng tôi khó lòng đạt tới mức độ siêu phàm của những bậc thầy Herat xưa cho dù đã cống hiến cả cuộc đời mình cho công việc này. Việc khiêm tốn chấp nhận sự thực này sẽ làm cuộc sống dễ chịu hơn. Quả thực, chính vì nó làm cho cuộc sống dễ chịu hơn nên khiêm tốn mới là đức tính rất được quý trọng ở xứ sở này.
Với một vẻ khiêm tốn như thế tôi đang sửa một bức tranh trong Sur-nama, pho sách mô tả những nghi lễ cắt bì cho hoàng tử của chúng tôi, trong đó mô tả viên Toàn quyền Ai Cập đệ trình những lặng phẩm sau: một thanh gươm vàng chạm khắc được trang trí bằng hồng ngọc, ngọc lục bảo và ngọc lam trên một tấm vải nhung đỏ và một trong những con ngựa Ẳ Rập hăng máu, uy nghi và chạy nhanh như chớp của viên Toàn quyền, có một đốm trắng trên mũi và bộ lông trắng bạc, được trang bị đầy đủ hàm thiếc và dây cương bằng vàng, đôi bàn đạp khảm ngọc trai và đá quý vàng xanh, yên bằng nhung đỏ thêu chỉ bạc và những hoa hồng bằng hồng ngọc. Với một nét cọ, tôi sửa đôi chỗ trong bức tranh mà bố cục là do tôi sắp xếp trong khi phân công phần thể hiện con ngựa, thanh gươm, hoàng tử và những sứ thần dự lễ cho nhiều thợ học việc khác nhau. Tôi tô màu tía cho một số lá cây tiêu huyền trong Hippodrome 1. Tôi sơn màu vàng cho những nút áo chùng của sứ thần của Đại hãn Tatar. Khi tôi đang quét một lớp nhũ vàng lên dây cương thì có ai đó gõ cửa. Tôi bỏ dở việc đang làm.
Đó là một thị đồng trong hoàng cung. Vị Trưởng Ngân khố triệu tôi vào lâu đài. Mắt tôi vẫn đau lâm râm. Tôi nhét kính lúp vào túi rồi rời xưởng cùng cậu thị đồng.
Ô, tuyệt vời làm sao khi đi bộ dưới những hàng cây sau khi làm việc đã quá lâu không nghỉ! Vào những lúc như thả người ta chợt thấy cả thế giới thật nguyên tuyền và tuyệt diệu như thể Allah mới tạo ra tất cả mọi thứ này vào hôm trước.
Tôi thấy một con chó, có ý nghĩa hơn mọi bức tranh vẽ chó tôi từng thấy. Tôi thấy một con ngựa, một sự sáng tạo kém hơn những gì các thợ cả tiểu họa của tôi có thể làm ra. Tôi ngắm nghía một cây tiêu huyền trong Hippodrome, chính cái cây mà lá của nó tôi vừa mới tô đậm thêm sắc tía.
Đi bộ qua Hippodrome, mà những cuộc diễu binh ở đó được tôi minh họa suốt hai năm qua, thì cứ như bước vào tranh của chính tôi vậy. Chẳng hạn, chúng tôi sắp rẽ xuống một đường phố: Trong một bức tranh kiểu Tây vực, điều này sẽ dẫn đến việc chúng tôi vừa bước ra ngoài cả chiếc khung lẫn bức tranh; trong một bức tranh làm theo khuôn mẫu của những bậc thầy Herat, nó sẽ đưa chúng ta đến nơi mà từ đó Allah nhìn xuống chúng ta; trong một bức tranh kiểu Trung Hoa thì chúng ta bị kẹt, bởi vì những tranh minh họa Trung Hoa thì vô giới hạn.
Cậu thư đồng này, như tôi phát hiện ra, không dẫn tôi đến Cung Thượng Hội đồng nơi tôi thường gặp Trưởng Ngân khố để thảo luận một trong những chuyện sau: các bản thảo và những quả trứng đà điểu đã trang trí hay những món quà khác mà những nhà tiểu họa của tôi đang chuẩn bị cho Đức vua; sức khỏe của những nhà minh họa hoặc sức khỏe và sự thanh thản đầu óc của chính vị Trưởng Ngân khố; việc nhận thuốc màu, vàng lá hoặc những chất liệu khác; những yêu cầu và than phiền thường lệ; những khao khát, niềm vui, nhu cầu và tính khí của Đức vua; thị lực của tôi, cái gương của tôi hay chứng đau lòng của tôi; chàng rể vô tích sự của Trưởng Ngân khố hoặc sức khỏe của con mèo mướp của ông. Lặng lẽ, chúng tôi bước vào Vườn ngự uyển của Đức vua. Như thể phạm phải một tội ác, nhưng với vẻ thanh tao tuyệt vời, chúng tôi đi xuống phía biển qua những hàng cây.
Chúng ta đang đến gần nhà thủy tạ bờ biển, tôi nghĩ, điều này có nghĩa là tôi sẽ gặp Đức vua. Ngài hẳn ở đây. Nhưng chúng tôi rẽ khỏi con đường. Chúng tôi đi vài bước qua một khung cửa vòm của một tòa nhà bằng đá đằng sau lán đậu xuồng. Tôi ngửi thấy mùi bánh mì nướng thoảng đưa từ lò bánh mì của lính gác trước khi nhìn thấy Đội ngự lâm quân mặc quân phục đỏ.
Vị Trưởng Ngân khố và Chỉ huy Ngự lâm quân đang cùng ở trong một phòng: Thiên thần và Ác quỷ!
Viên chỉ huy, người thực hiện những vụ hành quyết theo lệnh Đức vua trong khuôn viên lâu đài – kẻ tra tấn, thẩm vấn, đánh đập, chọc mù mắt và đánh đòn vào gan bàn chân người ta – mỉm cười dịu dàng với tôi. Cứ như thể một khách trọ tầm thường nào đó, mà tôi buộc phải ở chung trong một căn phòng trọ chật hẹp, đang sắp kể lại một câu chuyện ấm lòng.
Vị Trưởng Ngân khố dè dặt nói, “Một năm trước đây, Đức vua giao cho tôi chuẩn bị một bản thảo có trang trí theo điều kiện hoàn toàn bí mật, một bản thảo sẽ nằm trong số tặng phẩm dành cho phái đoàn sứ thần. Vì sự bí mật của cuốn sách, Đức vua cho rằng Thầy Lokman Sử quan không thích hợp cho việc viết bản thảo. Tương tự, Ngài không muốn đưa ông vào dự án này, dù Ngài rất ngưỡng mộ tài nghệ của ông. Thực ra, Ngài cho rằng ông đã quá bận rộn với cuốn Sur-nama.”
Khi bước vào căn phòng này, tôi đột nhiên nghĩ rằng có kẻ bất nhân nào đó đã vu khống tôi, tuyên bố rằng tôi phạm tội dị giáo trong một bức minh họa như thế và tôi đã nhạo báng Đức vua trong một bức minh họa khác; tôi kinh hoàng hình dung rằng tay bẻm mép này có thể đã thuyết phục Đức vua về tội của tôi và tôi sắp bị tra tấn cho dù tuổi cao sức yếu. Và do đó khi vị Trưởng Ngân khố chỉ ra sức biện minh cho việc Đức vua đặt làm bản thảo ở một người ngoài, với tôi những lời này nghe còn ngọt ngào hơn cả mật ong. Không biết thêm bất cứ điều gì mới, tôi lắng nghe những mô tả về bản thảo mà tôi đã biết rất rõ. Tôi đã biết những lời đồn đại về Nusret Hoja xứ Erzurum, và đương nhiên cả những mưu đồ trong xưởng nữa.
“Ai chịu trách nhiệm chuẩn bị bản thảo?” tôi hỏi.
“Enishte Kính mến, như ông biết đó,” Trưởng Ngân khố nói. Nhìn thẳng vào mắt tôi, ông nói thêm, “Ông biết rõ rằng ông ta đã chết một cách không đúng lúc, ý tôi muốn nói là ông ta bị giết, đúng không?”
“Không,” tôi nói một cách đơn giản, như một đứa trẻ và im lặng.
â��Đức vua hết sức giận dữ,” Trưởng Ngân khố nói.
Enishte Kính mến đó là một tên ngốc. Những thợ cả tiểu họa luôn chế nhạo ông ta vì ông ta tự phụ nhiều hơn hiểu biết, tham vọng nhiều hơn thông minh. Dù sao tôi đã biết có thứ gì đó thối rữa tại đám tang. Tôi tự hỏi ông ta bị giết như thế nào?
Trưởng Ngân khố giải thích cặn kẽ chuyện đó. Thật khủng khiếp Thượng đế nhân từ phù hộ chúng ta. Nhưng ai làm vụ này?
“Đức vua đã hạ chỉ,” viên Trưởng Ngân khố nói, “rằng cuốn sách chúng ta đang bàn đến này phải được hoàn tất càng sớm càng tốt cùng với bản thảo Sur-nama…Ngài cũng ra một chiếu chỉ nữa,” Chỉ huy Ngự lâm quân nói. “Thực ra, nếu hung thủ không thể tả này là một trong những nhà tiểu họa, Ngài muốn phải truy cho ra tên ác nhân này. Ngài muốn cho hắn một hình phạt để làm gương cho mọi người.”
Một vẻ kích động xuất hiện trên gương mặt của viên Chỉ huy như thể cho thấy ông ta đã biết hình phạt kinh khiếp mà Đức vua đã ban truyền.
Tôi biết rằng Đức vua vừa mới giao nhiệm vụ ấy cho hai người này, do đó buộc họ hợp tác với nhau – vì lý do đó nên ngay cả lúc này họ cũng không che giấu nổi sự chán ghét của họ.
Chứng kiến điều này gây cho tôi một tình yêu vượt khỏi niềm kính sợ đối với Đức vua. Một đầy tớ trai dọn cà phê lên và chúng tôi ngồi một hồi.
Tôi nghe kể rằng Enishte Kính mến có một cháu trai tên là Siyah Kính mến, người này được ông ta bồi dưỡng, được đào tạo về nghệ thuật trang trí và làm sách. Tôi đã gặp anh ta chưa nhỉ? Tôi vẫn im lặng. Cách đây không lâu, theo lời mời của Enishte của anh ta, Siyah đã trở về từ mặt trận Ba Tư nơi anh ta phục vụ dưới quyền Tổng trấn Serhat – viên Chỉ huy nhìn thẳng vào tôi đầy vẻ nghi ngờ. Nơi đây, ở Istanbul anh ta giành được sự ưu ái từ Enishte của anh ta và biết được câu chuyện về cuốn sách mà Enishte đang coi sóc việc thực hiện. Siyah tuyên bố rằng sau khi Zarif Kính mến bị giết, Enishte đã nghi ngờ một trong những nhà tiểu họa vốn thường đến gặp ông ta vào ban đêm để làm bản thảo cuốn sách này. Anh ta đã xem tranh minh họa do những bậc thầy này làm và nói rằng kẻ giết Enishte – chính tay họa sĩ đã đánh cắp bức minh họa Đức vua với phần lớn vàng lá – là một trong số họ.
Trong hai ngày, tay Siyah Kính mến trẻ tuổi này đã giấu không cho hoàng cung và Trưởng Ngân khố biết về cái chết của Enishte. Cũng chính trong hai ngày đó anh ta đã lẹ làng cưới con gái của Enishte, một việc làm đáng ngờ về tôn giáo và đạo đức, và đến ở trong nhà Enishte; vì vậy cả hai người trước mặt tôi coi Siyah là kẻ đáng nghi.
“Nếu người ta lục soát nhà ở và nơi làm việc của các thợ cả tiểu họa của tôi mà tìm thấy trang bị mất ở chỗ một người trong số đó thì lập tức Siyah sẽ được chứng minh vô tội,” tôi nói. “Tuy nhiên, thành thật mà nói, tôi có thể nói với các ông rằng những đứa con yêu quý của tôi, các nhà tiểu họa tài hoa của tôi, những kẻ tôi biết từ khi chúng là thợ học việc, không có khả năng lấy đi sinh mạng của người khác.”
“Về phía Zeytin, Leylek và Kelebek,” viên Chỉ huy nói, sử dụng một cách chế giễu những biệt danh mà tôi đã ưu ái đặt cho họ, “Chúng tôi có ý định lục soát nhà, nơi lui tới, chỗ làm việc và nếu được thì cả xưởng vẽ, không bỏ sót một ngóc ngách nào. Và điều đó bao gồm Siyah…”. Gương mặt ông ta lộ vẻ cam chịu: “Do những tình huống rắc rối như thế, tạ ơn Thượng đế, pháp quan đã cho phép chúng ta dùng biện pháp tra tấn nếu cần thiết trong lúc thẩm vấn Siyah Kính mến. Việc tra tấn này sẽ được cho phép theo luật bởi vì đã xảy ra một vụ giết người thứ hai nhắm vào người có dính dáng đến cộng đồng tiểu họa, khiến mọi người trong đó, từ thợ học việc đến thợ cả, thảy đều trở thành nghi phạm.”
Tôi im lặng ngẫm nghĩ về điều này: 1. Cụm từ “được cho phép theo luật” cho thấy rõ rằng Đức vua không đích thân cho phép tra tấn. 2. Bởi vì dưới mắt quan tòa tất cả nhà tiểu họa đều bị tình nghi về vụ giết hai mạng người liên tiếp này, và bởi vì tôi, dù là Trưởng ban trang trí, cũng không thể xác định được hung thủ trong số chúng tôi, nên cả tôi cũng bị tình nghi. 3. Tôi hiểu rằng họ muốn sự chấp thuận công khai hoặc ngấm ngầm của tôi để tiến hành tra tấn Kelebek, Leylek, Zeytin yêu quý của tôi và tất cả những ai mà trong những năm gần đây đã phản bội tôi.
“Vì Đức vua mong ước hoàn tất mỹ mãn cả hai cuốn Sur- nama lẫn cuốn sách này – mà hiển nhiên chỉ mới hoàn tất nửa chừng,” Trưởng Ngân khố nói, nên chúng tôi lo rằng việc tra tấn sẽ làm hỏng bàn tay và đôi mắt của những bậc thầy, hủy hoại sự tinh nhạy của họ”, ông ta nhìn tôi. “Đúng vậy không?”
“Có một mối ưu tư tương tự về một việc khác mới xảy ra,” viên Chỉ huy cộc cằn nói. “Một thợ kim hoàn và một thợ chạm ngọc vốn làm công việc sửa chữa đã bị Quỷ sứ xúi giục. Họ bị mê hoặc như trẻ con bởi chiếc tách cà phê có tay cầm nạm hồng ngọc của quận chúa Nejmiye của Đúc vua và đánh cắp nó. Vì vụ trộm chiếc tách, vốn làm cho quận chúa bị suy sụp vì đau buồn – người rất thích chiếc tách ấy – xảy ra trong lâu đài Uskudar, nên Đức vua chỉ định tôi điều tra. Rõ ràng rằng cả Đức vua lẫn quận chúa đều không muốn gây thiệt hại cho đôi mắt và những ngón tay của hai người thợ kim hoàn tài hoa này vì sợ tác động đến tài năng của họ. Vì vậy tôi đã lột trần truồng cả thợ kim hoàn lẫn thợ chạm ngọc và ném họ vào một hồ đầy băng trong sân. Theo định kỳ, tôi đưa họ ra và quất roi thật mạnh, cẩn thận sao cho không làm hại mắt và bàn tay họ. Chỉ trong một thời gian ngắn, người thợ ngọc bị Quỷ sứ lôi kéo đã thú nhận và chấp nhận hình phạt. Dù nước lạnh như băng, không khí giá rét và mọi thứ roi vọt, nhưng không có tổn thương nào xảy ra với đôi mắt và ngón tay của những thợ kim hoàn tài hoa bởi tâm hồn họ được thanh thản. Cả Đức vua cũng nói rằng quận chúa hết sức hài lòng với việc làm của tôi và rằng những thợ ngọc hiện làm việc một cách nhiệt tâm hơn vì quả táo sâu đã bị loại khỏi thùng.”
Tôi tin chắc rằng viên Chỉ huy sẽ đối xử với các nhà minh họa tài hoa của tôi nghiêm khắc hơn ông đã làm với những thợ kim hoàn. Dù ông ta kính trọng tình cảm nồng hậu của Đức vua dành cho những bản thảo có minh họa, những, cũng như nhiều người khác, ông ta cho rằng thư pháp là loại hình nghệ thuật duy nhất đáng được tôn trọng, xem việc trang trí và minh họa là những hứng thú nhất thời có liên quan đến dị giáo, thích hợp với phụ nữ và chẳng đáng được gì khác ngoài quở trách. Để kích động tôi, ông ta nói, “Trong khi ông bị lôi cuốn vào công việc của mình, những nhà tiểu họa yêu quý của ông đã bắt đầu lên kế hoạch xem ai sẽ trở thành Trưởng nhóm Tiểu họa sau khi ông chết.”
Những chuyện đồn đại này tôi chưa từng được nghe sao? Ông ta có thông báo cho tôi điều gì mới không? Kìm mình lại, tôi không trả lời. Vị Trưởng Ngân khố hiểu rất rõ sự giận dữ của tôi đối với ông ta vì đã giao cho tên ngốc vừa qua đời làm một bản thảo sau lưng tôi, và đối với những nhà tiểu họa vô ơn, những kẻ đã bí mật chuẩn bị những tranh minh họa ấy nhằm lấy lòng người khác và kiếm thêm vài đồng bạc.
Tôi nhận ra mình đang cân nhắc xem người ta có thể áp dụng những phương pháp tra tấn nào. Họ sẽ không phải viện đến trò lột da trong quá trình thẩm vấn, bởi điều đó chắc chắn dẫn đến cái chết. Họ cũng sẽ không đóng cọc xiên qua bất cứ ai như vẫn làm với bọn phiến loạn, bởi vì cách đó được sử dụng như một cách răn đe. Cũng không thể có chuyện bẻ gãy hay chặt ngón tay cánh tay hay chân những nhà tiểu họa này. Dĩ nhiên việc móc một mắt – mà tôi được biết là một biện pháp ngày càng phổ biến gần đây xét theo số người chột mắt ngày một tăng trên đường phố Istanbul – sẽ là không thích hợp với những nghệ sĩ bậc thầy. Vì vậy khi tôi hình dung những nhà tiểu họa thân yêu của tôi trong một góc khuất của Vườn Thượng uyển, bị tống vào hồ nước lạnh giá giữa những hoa súng, run rẩy và nhìn nhau đầy căm ghét, bất chợt tôi muốn cười phá lên. Tuy nhiên tôi đau buồn khi hình dung ra Zeytin la hét như thế nào khi thân mình cậu ta bị một thanh sắt nóng dí vào, và da của Kelchek thân yêu sẽ tái nhợt như thế nào khi cậu ấy bị cùm. Tôi không chịu nổi khi nhớ lại cảnh Kelebek thân yêu – mà kỹ năng và tình yêu dành cho việc trang trí của cậu ta làm tôi ứa nước mắt – khi cậu ta bị đánh vào gan bàn chân như một thợ học việc trộm cắp tầm thường. Tôi chỉ đứng đó chết lặng, lòng se thắt.
Đầu óc già nua của tôi câm bặt dưới tác động của sự im lặng nội tại của chính nó. Có một thời chúng tôi đã cùng nhau vẽ với niềm đam mê khiến chúng tôi quên hết mọi thứ.
“Họ là những nhà tiểu họa tài ba nhất đang phục vụ Đức vua,” tôi nói. “Hãy bảo đảm rằng họ không bị hề hấn gì.”
Hài lòng, vị Trưởng Ngân khố nhổm dậy, cầm lấy một số trang giấy trên bàn làm việc đặt ở cuối phòng và bày ra trước mặt tôi. Kế đến, như nhận thấy căn phòng khá tối, ông ta đặt cạnh tôi hai giá nến to, với những ngọn bấc cỡ lớn cháy rực, những ngọn lửa bập bùng run rẩy để tôi có thể nghiên cứu những bức tranh đang bàn cãi đó.
Làm sao giải thích được những gì tôi thấy khi rà kính lúp trên mặt tranh? Tôi cảm thấy muốn cười to lên – chẳng phải vì chúng khôi hài đâu. Tôi giận điên lên – có vẻ như Enishte Kính mến đã chỉ dẫn những thợ cả của tôi như sau: “Đừng vẽ giống bản thân các anh, mà hãy vẽ như thể các anh là người khác.” Ông ta đã buộc họ nhớ lại những ký ức không hề tồn tại, tưởng tượng ra và vẽ lại một tương lai mà chắc họ không hề muốn sống trong đó. Còn khó tin hơn nữa là họ đang giết nhau vì điều nhảm nhí này.
“Nhìn vào những minh họa này ông có thể cho tôi biết tay tiểu họa nào đã vẽ bức nào không?” Trưởng Ngân khố hỏi.
“Được , tôi nói một cách giận dữ. “Ông tìm đâu ra những bức tranh này?”
“Siyah tự động mang chúng đến và để lại đây cho tôi.” Trưởng Ngân khố nói. “Anh ta cố chứng minh rằng anh ta và Enishte quá cố của anh ta vô tội.”
“Trong cuộc điều tra, hãy tra tấn anh ta,” tôi nói. “Bằng cách đó chúng ta sẽ biết được những bí mật khác mà Enishte quá cố của chúng ta đang nắm giữ.”
“Chúng tôi đã cho đòi anh ta vào,” Chỉ huy Ngự lâm quân nói. “Sau đó chúng tôi sẽ lục soát toàn bộ ngôi nhà của tay vừa mới cưới vợ đó.”
Cả hai khuôn mặt họ đều sáng lên một cách kỳ lạ, một thoáng khiếp hãi và kính sợ trùm lên họ, và họ đứng bật dậy.
Không cần quay sang, tôi cũng biết chúng tôi đang ở trước mặt Đức vua, người che chở thế giới.
— —— —— —— ——-
1Hippodrome: Trường đua ngựa được xây từ thời đế quốc La Mã khi Istanbul còn mang tên Constantinople, thủ phủ của đế quốc Đông La Mã. Khi triều đại Ottoman chiếm thành phố này năm 1453 và biến nó thành kinh đô Thổ Nhĩ Kỳ. Kiến trúc này bị bỏ hoang phế vì người Thổ không thích môn đua ngựa.