SAU KINH TỐI
Tác giả: Umberto Eco
Gần như do tình cờ
William khám phá bí mật
để đột nhập “finis Africae”
Như hai tên ám sát, chúng tôi nấp gần cổng vào, sau một cái cột, từ đây, chúng tôi có thể quan sát nhà thờ và những cái sọ. Thầy William bảo:
– Cha Bề trên đã vào đóng cửa Đại Dinh. Khi Cha gài then từ bên trong, Cha chỉ có thể đi ra bằng lối lò thiêu xương.
– Thế rồi?
– Rồi ta sẽ thấy Cha làm gì.
Chúng tôi không khám phá được Cha đã làm gì. Một giờ trôi qua mà Cha vẫn chưa xuất hiện. Tôi nói, Cha đã vào “finis Africae”. Thầy đáp, có lẽ. Muốn đưa ra nhiều giả thuyết nữa, tôi tiếp: Có lẽ Cha đã băng qua nhà ăn để ra ngoài lại và đang đi tìm Jorge. Thầy đáp, cũng có thể lắm. Tôi tưởng tượng thêm, có lẽ Jorge đã chết. Có lẽ lão đang ở trong Đại Dinh và giết Tu viện trưởng. Có lẽ cả hai đang cùng ở một chỗ nào khác và ai đó đang rình rập họ. “Những tu sĩ Ý” muốn gì? Tại sao Benno sợ hãi thế? Hay Huynh ấy chỉ đeo mặt nạ để đánh lạc hướng chúng tôi? Tại sao Huynh ấy nán lại phòng thư tịch trong giờ Kinh Chiều, nếu Huynh ấy không biết cách đóng cửa phòng hay cách ra ngoài? Phải chăng, Huynh ấy muốn thăm dò lối đi trong Mê cung? Thầy William bảo:
– Tất cả đều có thể xảy ra. Nhưng chỉ có một điều đang, đã, và sắp xảy ra. Và cuối cùng, Ơn trên đã ban cho chúng ta một sự khẳng định ngời sáng.
– Điều gì thế? – Tôi hỏi, tràn trề hy vọng.
– Rằng sư huynh William xứ Baskerville, người giờ đây tin rằng đã hiểu hết mọi việc, lại không biết cách vào “finis Africae”. Đi xuống chuồng ngựa, Adso, đi xuống chuồng ngựa!
– Nhưng nếu Tu viện trưởng thấy chúng ta?
– Chúng ta sẽ giả thành hai bóng ma.
Tôi nghĩ, giải pháp này không thực tế lắm, nhưng làm thinh. Thầy William càng lúc càng bồn chồn. Chúng tôi ra khỏi cửa bắc và băng qua nghĩa trang, gió rít từng cơn, tôi cầu Chúa sao cho đừng gặp hai con ma, vì tu viện đêm đó không thiếu các linh hồn bị đọa đày. Chúng tôi đến dãy chuồng ngựa, chúng càng bồn chồn hơn bao giờ hết vì thời tiết khắc nghiệt. Cửa chính của chuồng ngựa có một lưới sắt rộng, cao ngang tầm ngực, qua đó có thể nhìn vào bên trong. Tôi thấy con Brunellus đứng đầu phía tay trái. Bên phải nó, con ngựa thứ ba trong hàng ngẩng đầu lên, cảm biết có người đến, nó hí lên. Tôi mỉm cười nói:
– Tertius equi, con ngựa thứ ba.
– Gì vậy? – Thầy William hỏi.
– Không có gì cả. Con nhớ đến Salvatore đáng thương. Gã muốn làm phép mầu quái quỉ với con ngựa đó, gọi nó bằng tiếng La tinh của gã là “Tertius equi ”, “i ” đáng lẽ là “u ” mới phải.
– “U ” à? – Thầy hỏi, nãy giờ thầy nghe tôi nói vu vơ mà không chú ý lắm.
– Vâng, vì “Tertius equi ” không có nghĩa là con ngựa thứ ba, mà là phần thứ ba của con ngựa, và mẫu tự thứ ba của từ “equus ” là “u ”. Nhưng chúng thảy đều vô nghĩa.
Thầy William nhìn tôi, và trong bóng đêm, dường như tôi thấy mặt thầy biến đổi. Thầy bảo:
– Chúa phù hộ cho con, Adso ạ! Chà, phải rồi, Suppositio materialis giả thuyết vật chất, bản viết được đoán theo de dicto [1] chớ không phải de re [2]… Sao ta ngu quá! – Thầy vỗ lên trán đánh “bộp” một cái. Tôi nghĩ chắc đau lắm. – Cậu bé của thầy, trong ngày hôm nay, đây là lần thứ hai sự thông thái đã từ miệng con thốt ra, lần đầu trong giấc mơ và bây giờ khi tỉnh! Chạy đi, chạy về phòng con và đem cây đèn, hay tốt hơn đem cả hai cây đèn chúng ta đã giấu. Đừng để ai thấy con, và đến với thầy trong nhà thờ ngay! Đừng hỏi gì nữa! Đi đi!
Tôi chẳng hỏi gì, đi ngay. Hai cây đèn giấu dưới giường, tôi đã cẩn thận châm đầy dầu đến miệng trước rồi. Tôi có đá lửa sẵn trong áo dòng. Ôm chặt hai dụng cụ quí báu vào ngực, tôi chạy vào nhà thờ.
Thầy William đứng dưới ngọn đèn ba chân, đang đọc lại bản ghi chú của Venantius. Thầy bảo:
– Adso, “primum et septimum de quatuor ” không có nghĩa là cái thứ nhất và thứ bảy của thứ tư, mà là của cái thứ tư, của từ “thứ tư”.
Tôi không hiểu gì trong một thoáng, nhưng rồi trí sáng lên:
– “Super thronos viginti quatuor ”. Câu viết! câu thơ. Những từ này được khắc trên tấm gương!
– Đi ngay, – thầy William bảo – có lẽ chúng ta còn kịp cứu một mạng người!
– Người nào? – tôi hỏi, khi thầy dùng tay mày mò mấy cái sọ người để mở cửa vào lò thiêu xương.
– Mạng của kẻ không đáng giữ nó, – thầy bảo. Chúng tôi đang ở trong lối đi dưới đất, đèn chiếu sáng, lần về phía cửa, dẫn vào nhà bếp.
Trước đây, tôi đã nói rằng đến đây người ta sẽ đẩy một cánh cửa gỗ và lọt vào nhà bếp, đằng sau lò sưởi, ở cuối cầu thang xoắn ốc dẫn lên phòng thư tịch. Ngay khi chúng tôi vừa đẩy cửa đó, chúng tôi nghe ở phía tay trái vài tiếng động nghèn nghẹt bên trong tường. Chúng phát ra từ bức tường bên cạnh cửa, cuối dãy các hốc chứa sọ và xương. Thay vào các hốc cuối cùng là một bức tường trống bằng những viên đá lớn hình vuông, chính giữa là một tấm bảng có khắc vài chữ viết lồng nhau đã mòn nhẵn. Dường như âm thanh phát xuất từ bên cạnh tấm bảng, hay trên tấm bảng gì đó, một phần bên kia bức tường, và một phần gần như trên đầu chúng tôi.
Nếu nghe được một âm thanh như thế vào đêm đầu tiên, có lẽ tôi đã nghĩ ngay đến mấy tu sĩ chết. Nhưng bây giờ tôi có khuynh hướng nghĩ đến những điều tệ hơn từ các tu sĩ sống. Tôi hỏi:
– Có thể là ai thế nhỉ?
Thầy William mở cửa và trồi ra bên cạnh lò sưởi. Cũng nghe có những tiếng đấm thùm thụp dọc theo bức tường hai bên cầu thang, tựa như có ai đang bị giam trong bức tường, hay trong cái khoảng không mênh mông dày đặc mà ta giả sử nằm giữa bức tường trong cửa nhà bếp và bức tường ngoài của ngọn tháp phía Nam.
Thầy William bảo: – Có người đang bị nhốt kín trong đó rồi. Từ đầu, thầy vẫn tự hỏi không hiểu có một lối khác lên “finis Africae” trong cái Đại Dinh đầy ngõ ngách này không. Rõ ràng là có. Từ lò xương, trước khi đến nhà bếp, một bức tường trống mở ra, và người ta leo lên cầu thang song song với cầu thang này, nó được giấu trong tường và dẫn thẳng lên căn phòng không có cửa sổ.
– Nhưng bây giờ ai đang ở đó?
– Người thứ hai. Một người ở trong “finis Africae”, một người khác cố đến chỗ đó, nhưng người trên kia hẳn đã chặn cái bộ máy điều khiển cửa ra vào. Thế là người dưới đây lọt bẫy. Và người ấy đang vùng vẫy dữ dội vì thầy nghĩ, trong khoảng tường chật hẹp này, chẳng có mấy không khí đâu.
– Ai vậy? Chúng ta phải cứu người ấy.
– Chúng ta sẽ biết người ấy là ai ngay thôi. Còn việc cứu người ấy thì chỉ có duy nhất một cách là thả cái bộ máy ở trên kia ra: chúng ta chưa nắm được bí mật ở đầu kia. Lên lầu nhanh thôi!
Thế là chúng tôi lên phòng thư tịch, từ đó đi vào Mê cung và sải nhanh đến ngọn tháp phía Nam. Hai lần tôi phải chậm bước lại, vì gió đêm nay tràn qua các khe hở tạo thành luồng luồn khắp các lối đi, nó rên rỉ trong mọi phòng, thổi xào xạc những tờ giấy nằm vương vãi trên bàn, do đó tôi phải lấy tay che đèn lại.
Chẳng bao lâu chúng tôi đã đến căn phòng có tấm gương, lần này đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với trò chơi biến dạng đang đợi mình. Chúng tôi giơ cao ngọn đèn để soi sáng dòng thơ ở trên tận cùng khung cửa tấm gương. “Super thronos viginti quatuor ”… Bây giờ bí mật đã hoàn toàn rõ: từ “quatuor ” có bảy mẫu tự, chúng tôi sẽ phải nhấn vào mẫu tự “q ” và “r ”. Tôi náo nức nghĩ phải tự tay mình làm mới được. Tôi đặt vội cái đèn xuống chiếc bàn ở giữa phòng, nhưng nóng nảy quá khiến ngọn lửa liếm vào bìa một quyển sách cũng đang đặt trên bàn.
– Coi chừng, thằng ngốc! – Thầy William la lên, và thổi phụt một hơi tắt ngọn lửa. – Con muốn đốt thư viện hả?
Tôi xin lỗi, và toan châm đèn lại, nhưng thầy Willam ngăn:
– Không sao. Đèn của thầy cũng đủ rồi. Cầm đèn soi cho thầy, vì câu thơ quá cao, con không với tới đâu. Chúng ta phải nhanh lên.
– Nhưng nếu có kẻ đã vũ trang ở trong đó thì sao? – Tôi hỏi, khi thấy thầy William đang nhón gót cố chạm lên dòng thơ trong sách Mặc Khải, lần mò tìm hai mẫu tự tai ác.
– Đồ quỉ, soi đèn cho thầy, và đừng có sợ gì hết, Chúa ở cùng chúng ta! – Thầy đáp, tiếng hơi lùng bùng khó nghe. Ngón tay thầy đang chạm lên mẫu tự “q ” của từ “quatuor ”, đứng lui lại mấy bước, tôi thấy rõ công việc của thầy hơn. Tôi đã nói rằng các mẫu tự trong câu thơ dường như được khắc hay vạch vào tường: các mẫu tự của từ “quatuor ”, bề ngoài trông giống các đường viền kim loại, đằng sau chúng là một bộ máy kỳ diệu được đặt kín trong tường. Khi đẩy tới, chữ “q ” bật lên một tiếng “click” giòn, và khi thầy William ấn vào chữ “r ” thì một hiện tượng tương tự xảy ra. Toàn khung kính dường như rung chuyển, và mặt gương bật ngược lại. Tấm gương chính là một cái cửa gắn bản lề phía bên trái. Thầy William lách mình qua kẽ hở và tôi lủi theo, tay giơ đèn qua khỏi đầu.
Hai giờ sau Kinh Tối, cuối ngày thứ sáu, nửa đêm khuya thanh vắng rạng ngày thứ bảy, chúng tôi đã đột nhập vào “finis Africae”.
Chú thích:
[1] Cách nói
[2] Từ chữ “de règle” có nghĩa là theo qui luật hay dạng đúng qui tắc.