Tôi cảm thấy Tu viện trưởng rất hân hoan đã kết thúc được cuộc tranh cãi và quay trở lại vấn đề Cha quan tâm. Cẩn thận chọn từng từ một, vừa nói vừa giải thích thêm rất lâu, Cha bắt đầu kể về một sự kiện bất thường vừa xảy ra cách đây ba hôm, khiến mọi tu sĩ hết sức lo buồn. Tin thấy William là người có kiến thức uyên thâm về cả tâm lý con người lẫn các mưu ma chước quỷ, Cha kể thầy nghe việc này với hy vọng thầy sẽ dành một phần thời gian quý báu của mình để soi sáng sự bí ẩn đau thương này. Chuyện xảy ra như sau:
Adelmo là một tu sĩ tuy còn trẻ nhưng đã nổi tiếng là một họa sĩ minh hoạ bậc thầy, Huynh đã liên tục trang trí các bản thảo trong thư viện với những hình vẽ đẹp nhất. Một sáng nọ người chăn dê phát hiện xác Huynh dưới chân vách đá, bên dưới toà Đại Dinh. Các tu sĩ trong ca đoàn thấy Huynh trong buổi Kinh Cuối, nhưng Huynh không có mặt trong buổi Kinh Sớm, do đó, có lẽ Huynh đã rơi xuống vách đá trong khoảng đêm khuya thanh vắng. Đó là một đêm có bão tuyết lớn, màn tuyết sắc như dao đổ xuống tựa mưa đá, theo cơn gió cuồng bạo từ phía Nam thốc tới. Xác chết được phát hiện ở chân vỉa đá dốc, thân bị đá trên đường lăn xuống cứa nát, mình ướt đẫm tuyết, ban đầu tan thành nước, sau đóng lại thành từng mảng băng. Xin Chúa ban phước cho tử thi tội nghiệp, yếu đuối đó. Do thi thể đã tan nát vì rơi xuống quá nhiều tầng lớp đá, khó có thể khẳng định chính xác Huynh đã rơi xuống từ điểm nào: nhưng rõ ràng là từ một trong các dãy cửa sổ quanh ba tầng lầu, trên bốn mặt của ngọn tháp giáp với vực thẳm.
– Cha cho chôn xác ở đâu?
– Đương nhiên là trong nghĩa trang. Có lẽ con đã để ý thấy: nó nằm ở giữa mạn Bắc của giáo đường, Đại Dinh và vườn rau.
– Con biết, và con thấy vấn đề của Cha như sau: nếu tu sĩ đáng thương đó tự tử, ngày hôm sau Cha phải thấy một cánh cửa sổ bị mở ra, nhưng đằng này Cha thấy mọi cửa sổ đều đóng và khắp các cửa sổ đều không có một vệt tuyết nào.
Như tôi đã nói, Tu viện trưởng là một người mang vẻ điềm tĩnh rất đáng khâm phục của một nhà ngoại giao, nhưng lần này, Cha kinh ngạc ra mặt và sửng sốt hỏi : – Ai nói cho con biết?
– Chính Cha đã kể cho con. Nếu cánh cửa sổ mở, Cha hẳn phải nghĩ ngay rằng Huynh ấy đã tự mình lao ra ngoài. Căn cứ theo những gì con thấy ở phía ngoài, các cửa sổ đều rộng, gắn kính mờ, và loại cửa sổ như thế, trong toà nhà cỡ này, thường không đặt ở tầm cao ngang đầu người. Do đó, thậm chí cửa sổ có mở chăng nữa thì nạn nhân đáng thương ấy hoàn toàn không có khả năng ló đầu ra ngoài và mất thăng bằng được. Như vậy, tự tử sẽ là cách giải thích duy nhất ta có thể nghĩ ra, nhưng trong trường hợp đó, Cha sẽ chẳng cho phép chôn Huynh ấy trong đất Thánh. Nhưng do Cha đã cử hành tang lễ theo phép thánh, các cửa sổ nhất định phải khép kín. Và vì các cửa sổ đều khép, và vì con chưa hề nghe thấy, thậm chí trong các vụ án xử bọn phù thuỷ đi nữa, một xác chết nào lại được Chúa hay Quỷ cho phép leo ngược từ vực thẳm lên để xoá dấu tích tội lỗi của mình: như thế rõ ràng nạn nhân mà ta cho là đã tự tử, ngược lại, đã bị đẩy tới từ phía sau, hoặc là do một bàn tay con người hoặc là do một ma lực nào đó. Và Cha đang tự hỏi kẻ nào đã có khả năng, con không nói là đẩy nạn nhân xuống vực thẳm, mà là nâng được nạn nhân lên đến bệ cửa sổ. Cha đang rất ưu phiền vì một thế lực độc ác, không biết tự nhiên hay siêu nhiên, đang hoành hành trong tu viện.
– Chính như thế… – Tu viện trưởng đáp, và không rõ Cha đang khẳng định lời Thầy William hay chấp nhận cách suy luận mà thầy đã nêu ra một cách chặt chẽ và đáng khâm phục. – Nhưng làm thế nào con biết dưới chân các cửa sổ không có tuyết?
– Vì Cha đã kể gió Nam đang thổi, và gió Nam không thể cuốn tuyết bám vào những cửa sổ quay về hướng Đông.
– Cha thật chưa biết hết tài năng của con. Con nói đúng, không có vết tuyết, và bây giờ Cha đã hiểu tại sao. Tất cả mọi việc đều như con nói, và bây giờ con đã hiểu nỗi lo lắng của Cha. Nếu linh hồn ô uế của một trong các tu sĩ của Cha đã xui hắn phạm cái tội đáng ghét là tự tử thì việc đó cũng đủ nghiêm trọng lắm rồi. Nhưng Cha có đủ lý do để nghĩ rằng còn có một tu sĩ khác hẳn đã ô uế linh hồn bởi một tội lỗi cũng kinh khủng không kém. Và nếu tất cả là thế…
– Thứ nhất, tại sao là một tu sĩ chứ? Trong tu viện còn có bao nhiêu người khác, người chăn ngựa, chăn dê, tôi tớ…
– Đúng vậy, tu viện tuy nhỏ nhưng rất giàu, – Tu viện trưởng tự mãn xác nhận – một trăm năm mươi tôi tớ phục vụ sáu mươi tu sĩ. Nhưng mọi việc đều xảy ra trong Đại Dinh. Có lẽ con đã biết đó, tầng trệt của Đại Dinh là nhà bếp và nhà ăn, còn hai tầng trên là phòng biên khảo và thư viện. Tuy nhiên, Đại Dinh được khoá chặt sau bữa tối, và tuyệt đối cấm tất cả mọi người vào Đại Dinh khi đó. – Cha đoán được câu hỏi kế của Thấy William và lập tức nói thêm, dù rõ ràng là với vẻ vô cùng miễn cưỡng – Đương nhiên là kể cả các tu sĩ, nhưng…
– Nhưng sao?
– Nhưng Cha hoàn toàn phủ nhận, hoàn toàn, con hiểu chứ – khả năng một tôi tớ bạo gan đột nhập Đại Dinh vào ban đêm. – Trong đôi mắt Cha loé lên một nụ cười, tuy ngắn như một tia chớp hay tia sao xẹt, nhưng lộ vẻ thách thức. – Ta hãy giả định rằng, nếu việc ấy xảy ra thì chúng sẽ rất kinh khủng, con biết đấy… đôi khi lệnh ban ra cho những kẻ chất phác phải kèm theo sự đe doạ ngầm rằng, kẻ nào bất tuân sẽ phải chịu một tai hoạ kinh khủng, một sự trừng phạt của siêu nhiên. Trái lại, một tu sĩ…
– Con hiểu.
– Ngoài ra, một tu sĩ sẽ có những động cơ thúc đẩy anh ta liều lĩnh đột nhập một nơi cấm. Cha muốn nói đến những động cơ rất… hợp lý, mặc dù không hợp pháp.
Thầy William để ý thấy thái độ lúng túng của Cha Bề trên, bèn hỏi một câu có vẻ định đổi đề tài, nhưng câu hỏi ấy lại khiến Cha thêm lúng túng.
– Khi nói đến khả năng của một vụ cố sát, Cha có nói “Và nếu tất cả là thế”. Ý Cha muốn nói gì?
– Cha đã nói thế à? Không ai giết người vô cớ, dù nguyên cớ ấy có đồi bại đến đâu đi nữa. Và Cha run rẩy nghĩ đến những động cơ đồi bại xui khiến một tu sĩ giết chết một tu sĩ anh em của mình. Đó, ý Cha là thế.
– Không còn gì khác à?
– Cha không thể nói gì khác với con.
– Cha muốn nói là Cha không có quyền nói điều gì khác?
– Sư huynh William, Sư huynh William, Cha xin con – Tu viện trưởng nhấn mạnh từ “Sư huynh” hai lần.
Thầy William, đỏ bừng mặt nói : – Lời xưng tội phải được giữ tuyệt mật mãi.
– Cảm ơn con.
Chúa ơi, hai bậc bề trên của tôi đang bàn bạc về một điều bí ẩn kinh khủng xiết bao; một người, vì nõi lo lắng; còn người kia, do tính hiếu kỳ. Là một tu sinh trẻ người non dạ, mới tiếp cận với những điều bí ẩn trong giới tu sĩ thiêng liêng của Chúa như tôi đây, tôi cũng hiểu được Tu viện trưởng có biết một điều gì đó, nhưng chỉ biết điều đó qua lời xưng tội. Hẳn Cha đã nghe từ môi ai đó thốt lên một chi tiết tội lỗi, có liên quan đến kết cục bi thương của Adelmo. Có lẽ, vì lý do đó mà Cha khẩn cầu thầy William hãy khám phá ra điều bí mật chính bản thân Cha đã nghi ngờ, nhưng không thể bày tỏ cùng ai. Và Cha hy vọng rằng: trí tuệ phi thường của thầy tôi có thể soi sáng những nơi mà Cha, vì luật từ tâm cao cả, đã phải che đậy nó trong bóng tối.
– Thôi được, con có được phép thẩm tra các tu sĩ không?
– Được phép.
– Con có được phép đi lại tự do trong tu viện không?
– Cha ban cho con quyền đó.
– Cha giao cho con sứ mệnh này thể theo thức quân chủ?
– Ngay buổi tối nay.
– Tuy nhiên con sẽ bắt tay ngay ngày hôm nay, trước khi các tu sĩ biết sứ mệnh Cha đã trao cho con. Ngoài ra, con vô cùng khao khát và đó là một trong các động cơ chính dẫn đến chuyến viếng thăm của con ở đây – được tường lãm thư viện của Cha, vốn được các tu viện khắp xứ đạo hết lời ca tụng.
Tu viện trưởng đứng phắt dậy, mặt đanh lại – Như Cha đã nói, con có thể đi lại tự do trong khắp khuôn viên của Tu viện. Nhưng hãy nhớ, chớ có mon men tới tầng thượng của Đại Dinh, nơi thư viện tọa lạc.
– Tại sao lại không?
– Đáng lẽ Cha nên giải thích cho con hiểu trước, nhưng Cha lại nghĩ con đã biết rồi. Thư viện của chúng tôi không giống như các thư viện khác…
– Con biết nó có nhiều sách hơn mọi thư viện khác trong xứ đạo. Con biết so sánh với các kệ sách của Cha, các kệ sách của Bobbio hay Pomposa, của Cluny hay Fleury dường như chỉ là một căn phòng của thằng bé đang mò mẫm học tính toán. Con biết sáu ngàn quyển sách chép tay mà Novalesa vẫn thường khoe khoang cách đây hơn trăm năm, so với số sách của Cha chỉ là số lẻ, và có lẽ rất nhiều sách trong số đó đang được giữ tại đây. Con biết thư viện của Cha là ánh sáng duy nhất mà Ki-tô giáo có thể dùng để đối chọi với ba mươi sáu thư viện ở Bá Đạt với mười ngàn bản viết tay của Vizir Ibn al-Alkami; số kinh thánh của Cha tương đương với hai ngàn bốn trăm quyển Koran mà Cairo vẫn tự hào. Sự tồn tại thư viện của Cha là bằng chứng rực rỡ chống lại truyền thuyết tự phụ của những kẻ vô thần, mấy năm trước đây đã tuyên bố rằng thư viện phong phú ở Tripoli có đến sáu triệu quyển sách, tám mươi ngàn người viết dẫn giải và hai trăm người sao chép.
– Lạy chúa, con nói đúng.
– Con biết nhiều tu sĩ sống quanh Cha đã đến đây từ các tu viện nằm rải rác khắp thế giới. Vài người lưu lại đây một thời gian để chép lại những bản thảo không tìm thấy ở nơi khác và mang những bản sao đó về quê nhà, họ không quên mang đến trao đổi với Cha một bản thảo quí hiếm khác để Cha sao lại và làm giàu thêm kho tàng của Cha. Những người khác ở đây rất lâu, đôi khi có người ở đây cho đến chết, vì chỉ nơi đây mới có những tác phẩm soi sáng công trình nghiên cứu của họ: Do đó, quanh Cha có những tu sĩ Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Đa-sa. Con biết Hoàng đế Frederick cách đây rất lâu đã yêu cầu Cha biên soạn cho Người một quyển sách về các lời tiên tri của Merlin và dịch quyển đó sang tiếng Ả rập để gửi đi làm quà cho lãnh tụ Hồi giáo ở Ai Cập. Cuối cùng con biết một tu viện rực rỡ như Murbach trong thời kỳ thê lương này không còn lấy một quyển sách; ở tu viện thánh Gall chỉ còn lại vài tu sĩ biết viết; trong các thành phố ngày nay mọc lên các nghiệp đoàn, phường hội, bao gồm các thường dân làm việc cho các trường đại học, chỉ có tu viện của Cha là mỗi ngày một tái tạo mới hơn, và – con đang nói gì nhỉ? – ngày càng làm hiển danh dòng tu của Cha.