Tên Của Đóa Hồng

Chương 56



KINH XẾ TRƯA

Tác giả: Umberto Eco

Công lý được thi hành,

nhưng mọi người ngượng nghịu

nghĩ rằng mình lầm.

Bernard Gui ngồi ngay chính giữa bàn gỗ gụ trong phòng nguyện. Bên cạnh là một tu sĩ dòng Dominic giữ nhiệm vụ lục sự ghi chép, và hai giám mục trong phái đoàn giáo hoàng ngồi hai bên, giữ vai thẩm phán. Quản hầm đứng trước bàn, giữa hai tên lính.

Tu viện trưởng quay sang thầy William thầm thì: – Cha không biết thủ tục tòa này có hợp pháp chăng. Hội đồng Lateran năm 1215 trong Giáo điều thứ 37 đã qui định không ai có thể bị gọi trình tòa trước những thẩm phán mở pháp đình cách xa nhà phạm nhân hơn hai ngày đường. Ở đây hoàn cảnh có lẽ khác, chính thẩm phán từ xa đến, nhưng…

Thầy William nói: – Phán quan được miễn trừ mọi thủ tục pháp lý thông thường, và không theo các tiền lệ của thường luật. Người ấy được hưởng đặc quyền và thậm chí không bị buộc phải nghe các luật sư biện hộ.

Tôi nhìn Quản hầm. Remigio trông tiều tụy. Hắn nhìn quanh như một con thú hoảng hốt đang nhận ra các hoạt động của một nghi thức hiến tế làm hắn sợ hãi. Bây giờ, tôi biết hắn sợ vì hai lý do đều khủng khiếp như nhau, thứ nhất, mọi người đều thấy hắn bị bắt quả tang phạm tội, thứ hai, hôm trước khi Bernard khởi sự điều tra, góp nhặt các lời đồn đại và bóng gió, Remigio đã e ngại quá khứ của hắn sẽ bị phơi bày, hắn càng hoảng hốt hơn khi thấy Salvatore bị bắt.

Nếu Remigio bị dày vò sợ hãi, thì phần Bernard Gui, hắn biết cách biến nỗi sợ hãi của nạn nhân thành cơn kinh hoàng. Hắn im lặng khi ai cũng tưởng hắn sắp bắt đầu cuộc thẩm vấn. Hắn đặt tay lên những tờ giấy trước mặt, giả vờ như sắp xếp chúng, nhưng một cách lơ đãng. Hắn nhìn bị can chằm chặp, cái nhìn có lẫn vẻ bao dung đạo đức giả, sự châm biếm lạ lùng và vẻ khắc nghiệt không thương tiếc. Tất cả những điều này quản hầm đều đã biết, nhưng vẻ im lặng và trì hoãn của phán quan khiến hắn càng hiểu chúng thấm thía hơn. Càng cảm thấy nhục nhã thì nỗi bồn chồn sẽ biến thành tuyệt vọng, và hắn sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào quan tòa như thỏi sáp mềm trong tay người.

Cuối cùng Bernard phá tan bầu không khí im lặng. Hắn thốt lên vài câu nói theo thủ tục xử án, thưa cùng các thẩm phán rằng, nay họ có thể tiến hành cuộc hỏi cung bị can liên quan đến hai tội ác cùng gớm ghiếc như nhau, một tội thì ai cũng thấy rành rành, nhưng không ghê tởm bằng tội kia, bị can bị bắt trong khi giết người, và trong lúc thật sự bị truy tầm về tội phản giáo.

Lời đã phán. Quản hầm lấy tay che mặt, và khó khăn lắm mới nhấc tay được vì đã bị xiềng. Bernard bắt đầu hỏi:

– Ngươi là ai?

– Remigio xứ Varagine. Con năm mươi hai tuổi, nhập chủng viện dòng Khất thực ở Varagine khi còn bé.

– Thế sao ngày nay ngươi lại ở trong dòng Benedict?

– Cách đây nhiều năm, khi giáo hoàng ban hành “Sắc lệnh La Mã ” (1) con sợ bị nhiễm nọc dị giáo của các Anh em Nghèo khó… mặc dù con chưa hề cùng quan điểm với họ… Con nghĩ, tâm hồn tội lỗi của mình nên lánh xa cái không khí đầy cám dỗ ấy, nên xin vào đây và được đón nhận vào tập thể các tu sĩ trong tu viện này, nơi con đã phục vụ hơn tám năm trời với chức quản hầm.

Bernard chế nhạo: – Ngươi thoát khỏi các cám dỗ của bọn dị giáo, hay nói đúng ra, ngươi đã thoát được cuộc điều tra quyết tâm phát hiện bọn dị giáo và nhổ tận gốc chúng. Các tu sĩ dòng Cluniac tốt bụng đã mở lòng nhân hậu nhận ngươi và những người như ngươi vào. Nhưng đổi lớp áo dòng không đủ để xóa đi con quỉ dị giáo sa đọa trong tâm hồn, do đó, nay chúng tôi nhóm toà tại đây để tìm hiểu những gì đang rình rập ẩn nấp trong các ngõ ngách sâu kín của tâm hồn xấc láo của ngươi, và người đã làm gì trước khi đến chốn linh thiêng này.

Quản hầm thận trọng nói: – Linh hồn con vô tội và con không hiểu Ngài nói sự sa đọa dị giáo là có ý gì?

– Thấy chưa? – Bernard hét lên, quay sang nói với các thẩm phán. – Chúng đều một phường với nhau mà. Khi bị bắt, chúng đối mặt với công lý như thể lương tâm mình thanh thản, chẳng có gì ân hận cả. Chúng đâu có biết rằng, đó là dấu hiệu hiển nhiên tố cáo tội ác của bọn chúng, vì một người lương thiện khi hầu tòa đều phải bồn chồn bối rối! Hỏi hắn xem có biết tại sao ta ra lệnh bắt hắn không. Ngươi có biết không, Remigio?

Quản hầm đáp: – Thưa ngài, con rất sung sướng nếu Ngài cho con hay.

Tôi ngạc nhiên, vì quản hầm đối đáp lại những câu hỏi nghi thức bằng những lời lẽ cũng lễ nghi không kém, cứ như hắn rất thạo các thủ tục hỏi cung và các mẹo đánh bẫy của nó, và đã được đào tạo một thời gian dài để đương đầu với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra như thế này.

Bernard hét lên:

– Kìa, đó là lối trả lời đặc trưng của bọn dị giáo hỗn láo! Chúng quỉ quyệt như cáo xóa xấu chân và rất khó bắt nọn chúng, vì đức tin của chúng cho phép chúng được quyền nằm ẩn tránh né sự trừng phạt. Chúng lập lại những câu trả lời vòng vo, cố đánh bẫy phán quan, người phải chịu đựng cảnh quan hệ với những kẻ đáng tởm như vậy. Này Remigio, ngươi chẳng bao giờ liên hệ với những người gọi là Anh em Nghèo khó hay các thày dòng khổ hạnh, hay các tu sĩ Beghard phải không?

– Con đã trải qua những nỗi thăng trầm của dòng Khất thực khi xảy ra cuộc tranh cãi triền miên về sự cơ nghèo, nhưng con chưa bao giờ gia nhập giáo phái Beghard cả!

– Thấy chưa, hắn chối chưa bao giờ gia nhập giáo phái Beghard cả, vì giáo phái này, tuy cũng mang tính chất dị giáo như giáo phái Anh em Nghèo khó, lại xem dòng Anh em nghèo khó là một nhánh chết của dòng Francisco, nên tự nhận mình thanh khiết và hoàn thiện hơn. Nhưng nhiều hoạt động của giáo phái Beghard cũng giống như của giáo phái kia thôi! Remigio, ngươi có chối rằng người ta đã từng thấy ngươi khi cầu nguyện trong nhà thờ thì ngồi sụp xuống, ép mặt vào tường, hay nằm dài ra mũ che kín đầu, chớ không quỳ gối khoanh tay lại như những tu sĩ khác chăng?

– Trong dòng thánh Benedict, các tu sĩ cũng nằm dài cầu nguyện, vào những lúc thích hợp…

– Ta không hỏi ngươi làm gì vào những lúc thích hợp, mà vào lúc không thích hợp kia! Do đó, đừng chối rằng ngươi đã giữ một dáng bộ này nọ đặc trưng của giáo phái Beghard… Này, hãy khai đi: ngươi tin gì?

– Thưa ngài, con tin mọi điều mà một con chiên ngoan đạo tin.

– Nghe thành kính gớm nhỉ! Thế con chiên ngoan đạo tin gì?

– Điều mà Giáo hội răn dạy.

– Giáo hội nào? Giáo hội của bọn tín đồ tự nhận mình là hoàn thiện, bọn Tông đồ giả danh, bọn Anh em Nghèo khó dị giáo, hay Giáo hội mà bọn chúng đã so sánh với con điếm thành Babylon, Giáo hội mà tất cả chúng ta đều thành tâm tin tưởng?

Quản hầm hoang mang nói: – Thưa ngài, xin bảo cho con biết Ngài tin Giáo hội nào là chân chính.

– Ta tin đó là Giáo hội La Mã, giáo hội thánh thiện duy nhất của các Tông đồ, được Giáo hoàng và các Giám mục của Người lãnh đạo.

– Con cũng tin như thế.

Phán quan hét lên: – Khôn lanh khiếp nhỉ! Xảo quyệt khiếp nhỉ! Các Huynh thảy đều nghe hắn chứ! Hắn muốn nói hắn tin điều tôi tin tưởng ở giáo hội này, để tránh né khỏi phải khai ra hắn tin gì! Nhưng, chúng tôi đã rành những trò cáo già này rồi! Thôi, hãy đi vào trọng tâm. Ngươi có tin rằng Giáo hoàng đã ban hành rằng muốn thực lòng ăn năn, ngươi phải xưng tội với các tôi tớ của Chúa, và giáo hội La Mã có quyền lực thắt buộc trên trần gian này những gì sẽ được thắt buộc trên thiên đàng?

– Chẳng lẽ con không phải tin những điều đó sao?

– Ta không hỏi ngươi “phải’ tin điều gì, mà hỏi ngươi tin gì!

Quản hầm hoảng sợ nói:

– Con tin mọi điều Ngài và các học giả tài ba khác bảo con tin.

– À! Nhưng những học giả tài ba ngươi nhắc đến đó có phải là những người lãnh đạo giáo phái của ngươi không? Khi nói đến các học giả tài ba, có phải ý ngươi muốn ám chỉ thế không? Có phải những tên láo toét sa đọa đó là những kẻ ngươi đã đi theo để tìm ra đức tin của mình? Ngươi muốn ám chỉ rằng, nếu ta tin những điều chúng tin thì ngươi sẽ tin ta, nếu không, ngươi sẽ tin mình chúng thôi!

Quản hầm lắp bắp: – Thưa Ngài, con không nói thế. Ngài khiến con nói thế. Con sẽ tin Ngài, nếu Ngài dạy con điều tốt lành.

– Quân xấc xược! – Bernard thét lên, giộng nắm tay lên bàn, – Ngươi ngoan cố nhắc lại từ trong ký ức những công thức mà chúng đã dạy ngươi trong giáo phái. Ngươi nói, ngươi sẽ chỉ tin ta nếu ta giảng dạy những gì mà giáo phái ngươi cho là tốt lành. Bọn Tông đồ giả danh đã trả lời như thế, và bây giờ ngươi cũng đối đáp hệt như thế, có lẽ một cách vô ý thức, vì từ miệng ngươi lại trào lên những lời lẽ mà ngày xưa ngươi đã được dạy để đánh lừa các phán quan. Thế nên chính miệng ngươi đã buộc tội ngươi, và nếu ta không dùng kinh nghiệm phán xử thì đã lọt bẫy ngươi rồi… Nhưng, này tên sa đọa kia, hãy đi vào vấn đề chính! Ngươi có bao giờ nghe nói đến Gherrardo Segarelli xứ Parma không?

– Con có nghe nói đến người ấy, – Quản hầm đáp, mặt xanh lè, nếu người ta vẫn còn nhận được cái vẻ tái nhợt trên gương mặt tan nát ấy.

– Ngươi có bao giờ nghe nói đến Fra Dolcino xứ Novara?

– Con có nghe người ta nói đến.

– Ngươi có bao giờ gặp mặt và nói chuyện với gã chưa?

Quản hầm lặng đi vài giây, như thể đo thử hắn nên tiến bao xa khi khai ra một phần sự thật. Rồi hắn quyết định và yếu ớt cất tiếng: – Con đã gặp và nói chuyện với người ấy.

Bernard hét: – Nói lớn lên! Hãy để một lời thực cuối cùng sẽ thoát khỏi miệng ngươi! Ngươi nói chuyện với gã khi nào?

– Thưa Ngài, con lúc ấy là tu sĩ trong một tu viện gần Novara, bọn Dolcino tụ tập trong khu vực đó, và đi ngang tu viện của con, ban đầu không ai biết rõ chúng là ai…

– Nói láo! Làm thế nào mà một tu sĩ Francisco xứ Varagine lại ở trong tu viện vùng Novara được chứ? Ngươi không ở trong tu viện, lúc ấy ngươi đã là một tên trong nhóm Anh em nghèo khó lang thang, sống nhờ của bố thí khắp vùng đó, và ngươi đã gia nhập bọn Dolcino!

Quản hầm run rẩy nói: – Sao ngài lại khẳng định như thế chứ?

– Ta sẽ cho ngươi thấy ta có thể, không, ta khẳng định điều đó như thế nào. – Đoạn Bernard ra lệnh đem Salvatore vào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.