Tên Của Đóa Hồng

Chương 3: Khởi đầu từ một bản thảo



Vào ngày 16 tháng 8 năm 1968, tôi được trao một quyển sách do một linh mục Vallet nào đó viết, Bản thảo của Dom Adson xứ Melk dịch sang tiếng Pháp từ ấn bản của Dom J. Mabillon (do Nhà In của Tu viện Source, ở Paris, xuất bản năm 1842). Được bổ sung bằng những cứ liệu lịch sử quả thực vô cùng hiếm hoi, quyển sách tuyên bố đã tái hiện một cách trung thực một bản thảo hồi thế kỉ 14, mà trước kia đã được một học giả vĩ đại ở thế kỷ 18 tìm thấy trong một tu viện ở Melk, người đã cho chúng ta lượng tư liệu lớn về lịch sử của dòng Benedict. Phát hiện mang tính học thuật này (tôi muốn nói của tôi, theo thứ tự xếp hàng thứ ba) khiến tôi vô cùng thích thú trong thời gian lưu lại Prague để đợi một người bạn thân. Sáu ngày sau khi quân đội Xô Viết tiến vào thành phố này, tôi xoay xở đến được biên giới Áo ở Linx, và từ đó đi đến Viên, nơi tôi hội ngộ với bạn thân yêu của tôi và cùng nhau ngược dòng Danube.

Trong một trạng thái hưng phấn trí tuệ, tôi say mê đọc câu chuyện khủng khiếp của Adso xứ Melk, và đắm đuối vào quyển sách đến nỗi, trong một cơn hứng chí, tôi đã hoàn thành bản dịch. Trong thời gian đang dịch, chúng tôi đã đến địa phận xứ Melk, nơi Tu viện nguy nga Stift tọa lạc trên một khúc rẽ của dòng sông, đứng bền vững cho tới ngày nay sau vài ba lần trùng tu trong nhiều thế kỷ. Như bạn đọc hẳn đã đoán trước, trong Thư viện của Tu viện này, tôi chẳng tìm thấy một dấu vết nào về bản thảo của Adso.

Trước khi chúng tôi đến Salzburg, vào một đêm định mệnh, tại một khách sạn nhỏ trên vùng biển Mondsee, người bạn đồng hành của tôi đột nhiên biến mất, mang theo quyển sách của Abbé Vallet, nhưng không phải do thù ghét tôi, mà do anh đã ra đi quá bất ngờ và vội vã. Thế là tôi bị bỏ lại với một số tập bản thảo trong tay, và một cảm giác trống rỗng mênh mông trong lòng.

Vài tháng sau, tại Paris, tôi quyết định hoàn tất đến cùng công trình nghiên cứu của mình.Trong số vài mẫu tư liệu tôi đã trích từ tác phẩm bằng tiếng Pháp, tôi vẫn còn giữ được tên gốc của bản thảo, Vetera Analecta , Những điều cũ kỹ thâu lượm được.

Tôi nhanh chóng tìm được quyển sách mang tên Vetera Analecta đó tại Thư viện Thánh Geneviève, nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên nhận ra ấn bản tôi gặp có hai chi tiết khác với sự miêu tả trong quyển tiếng Pháp: thứ nhất, tên nhà xuất bản; và thứ hai là thời gian xuất bản, ấn bản này xuất bản sau hai năm. Tôi chẳng cần phải nói thêm rằng ấn bản này chẳng khớp với bản thảo nào của Adso hay Adson xứ Melk cả; ngược lại, nó chỉ là tuyển tập các bài viết ngắn hoặc trung bình, trong khi câu chuyện do Vallet viết lại kéo dài đến mấy trăm trang. Đồng thời, tôi cũng hỏi ý kiến các nhà nghiên cứu thời Trung Cổ như ngài Étienne Gilson lừng danh, nhưng rõ ràng là quyển sách Vetera Analecta tôi đã thấy ở Thư viện Thánh Geneviève là quyển duy nhất. Tôi bèn đi thực tế đến Tu viện Source, trong vùng Passy và trao đổi với bạn tôi, Dom Arne Lahnestedt, càng đoan chắc thêm rằng chẳng có linh mục Vallet nào đã xuất bản sách nhờ nhà in của tu viện cả, vào do đó, nó không hề tồn tại. Các học giả Pháp xưa nay vốn thường xem nhẹ việc cung cấp những tư liệu tiểu sử đáng tin cậy, nhưng trong trường hợp này, tác giả đã tỏ ra bàng quan thái quá. Tôi bắt đầu nghĩ mình đã gặp phải một quyển sách giả mạo. Bây giờ,tôi chẳng thể thu hồi bản thảo gốc của Vallet được nữa, hoặc ít nhất tôi cũng chẳng dám đòi người đã mang nó đi phải đem trả lại. Tôi chỉ còn lại các ghi chú của mình và tôi đâm nghi ngờ chúng.

Có những giây phút kỳ diệu, bao hàm cả sự mệt mỏi rã rời của thân xác lẫn sự hưng phấn thần kinh cực độ, làm sinh ra ảo giác về những nhân ảnh trong quá khứ. Như về sau tôi đã học được từ một quyển sách nhỏ rất thú vị của linh mục Bucquoy, cũng có cả ảo giác về những quyển sách chưa được viết ra.

Nếu không có một điều gì mới xảy ra, có lẽ tôi vẫn còn thắc mắc không hiểu câu chuyện của Adso xứ Melk phát xuất từ đâu; thế nhưng vào năm 1970, tại Buenos Aires, khi tôi đang tẩn mẩn xem sách trên các kệ trong một hiệu bán sách cũ trên đại lộ Corientes, cách cửa hàng sách vĩ đại Patio del Tango không xa lắm, tôi bắt gặp một quyển sách nhỏ của Milo Temesvar, “Bàn về cách sử dụng gương trong khi đánh cờ ”. Đó là bản dịch tiếng Ý từ bản gốc tiếng Georgian (Tbilisi, 1934), ngày nay vô phương tìm lại được. Trong quyển sách đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi đọc những câu trích giống hệt như trong bản thảo của Adso, mặc dù nguồn gốc chẳng phải của Vallet hay Mabillon nào cả, mà là của Thày Athanasius Kircher. Nhưng từ tác phẩm nào cơ chứ? Một tác giả – tôi muốn giấu tên – về sau, bảo đảm với tôi rằng dòng Tên chẳng bao giờ nhắc đến Adso xứ Melk cả. Thế nhưng, những trang sách của Temesvar hiện ở trước mắt tôi, và những mẩu chuyện anh ta kể giống hệt như trong bản thảo của Vallet, đặc biệt sự miêu tả về Mê cung thì chẳng thể nghi ngờ mảy may.

Tôi kết luận rằng, Hồi ký của Adso và những sự kiện ông kể lại cũng mang tính chất giống nhau: chúng được bao phủ bởi vô vàn bí ẩn mờ ảo, bắt đầu bằng tung tích của tác giả, và chấm dứt bằng vị trí của tu viện mà Adso đã thận trọng nhất quyết không tiết lộ. Chúng ta có thể mường tượng ra một vùng nào đó giữa Pomposa và Conques, và suy đoán giả định rằng tu viện tọa lạc đâu đó dọc theo vùng đồi núi trung tâm Appenines, giữa Piedmont, Liguria và Pháp. Còn về thời khắc xảy ra các biến cố ông miêu tả trong Hồi ký, chúng ta biết là vào khoảng cuối tháng 11 năm 1327; mặt khác, thời điểm tác giả viết Hồi ký thì ta không chắc chắn lắm. Xét theo việc ông mô tả mình là tu sinh năm 1327, và việc ông bảo mình đã kề cái chết khi viết Hồi ký, chúng ta có thể phỏng tính là bản thảo này được viết vào khoảng thập niên cuối hay gần cuối thế kỷ XIV.

…Tóm lại, trong tôi chất chứa nhiều nỗi nghi ngờ. Tình thực, tôi chẳng biết tại sao tôi lại quyết định gom góp can đảm, giới thiệu bản thảo của Adso xứ Melk, như thể nó có thực. Hãy cho rằng đó là một hành động yêu thương. Hay, nếu như bạn thích, đó là một cách để tôi tự giải thoát khỏi vô số nỗi ám ảnh dai dẳng.

Tôi viết lại câu chuyện này, chẳng quan hoài đến việc nó có hợp thời hay không. Vào những năm khi tôi phát hiện quyển sách của linh mục Vallet, nhiều người vẫn tin rằng con người chỉ nên viết về những gì thuộc về hiện tại, nhằm mục đích thay đổi thế gian này. Giờ đây, sau hơn mười năm các nhà văn được khôi phục lại phẩm giá cao quý nhất của mình, họ có thể hoan hỉ viết, thuần túy chỉ vì niềm vui được sáng tạo và do đó, giờ tôi có thể tha hồ kể chuyện của Adso xứ Melk, thuần túy chỉ vì niềm vui được kể lại chuyện ấy. Tôi rất khoan khoái thấy rằng câu chuyện đã lùi về một quá khứ xa xăm – những con quái vật được sinh ra trong giấc ngủ thời ấy đã bị thời đại duy lý ngày nay xua đi tất cả – tách hẳn những ràng buộc của thế kỷ chúng ta, về thời gian tính cách xa những niềm hy vọng và sự khẳng định của chúng ta.

Vì đây chỉ là một chuyện kể, không phải chuyện lo lắng trong đời thường. Đọc quyển sách này, ta có thể ngâm lại câu thơ của Kempis vĩ đại: “Tôi đã tìm kiếm sự an ngơi trong tất cả, nhưng tôi chỉ có thể tìm thấy nó trong góc đọc sách mà thôi.”[1]

Năm, tháng Giêng, 1980.

UMBERTO ECO


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.