Thăm phòng thư tịch,
gặp gỡ nhiều học giả,
người sao chép và ghi đề mục,
cùng một tu sĩ già, mù
đang chờ đợi bọn Phản giáo.
Khi chúng tôi leo lên lầu, tôi trông thấy thầy tôi đang quan sát các cửa sổ rọi ánh sáng cho cầu thang. Có lẽ tôi đang trở nên khôn ngoan như thầy, vì tôi lập tức nhận thấy vị trí cửa sổ rất khó cho người leo đến. Mặt khác, các cửa sổ của nhà ăn, vốn là các cửa sổ duy nhất ở tầng trệt trông xuống vách núi đá, dường như cũng rất khó leo đến, vì dưới cửa sổ chẳng có một loại đồ đạc nào.
Khi lên hết cầu thang, chúng tôi đi xuyên qua ngọn tháp phía Bắc và bước vào phòng thư tịch, rồi tôi bật lên tiếng kêu thán phục. Tầng này không ngăn làm đôi như tầng dưới, do đó, trước mặt tôi dàn trải toàn bộ không gian bao la của nó. Trần uốn cong, không cao quá, chống đỡ bằng các cột chắc chắn, ôm lấy một không gian chan hoà thứ ánh sáng đẹp nhất tràn vào từ ba cửa sổ khổng lồ, dọc theo mỗi chiều dài, từ các cửa sổ nhỏ hơn trên mỗi mặt ngoài của tháp, và từ tám cửa sổ cao hẹp đón ánh sáng từ khối giếng trung tâm hình bát giác.
Số lượng cửa sổ nhiều như vậy cho thấy gian phòng lớn sẽ thường xuyên rạng rỡ ánh sáng ngay cả vào buổi chiều Đông. Các ô cửa không sơn màu như cửa sổ ở giáo đường, và những tấm kính hình vuông trong suốt, khung bằng chì, cho tràn vào một thứ ánh sáng tinh khiết nhất, không hề bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật của con người, và như thế giúp ánh sáng đạt được mục đích của mình là soi rọi cho những người đang đọc, đang viết. Trước đây, và tại nhiều nơi khác, tôi đã được thăm nhiều phòng thư tịch: nhưng chưa có nơi nào, trong làn ánh sáng chân thật tràn vào làm bừng sáng căn phòng, lại chiếu rạng đến như vậy, các nguyên lý tinh thần, vốn là hiện thân của ánh sáng, và sự rực rỡ, vốn là nguồn cội của tất cả các vẻ đẹp và học thức: thành tố gắn liền với sự cân đối, thể hiện trong cấu trúc căn phòng. Vì để tạo thành cái đẹp cần có ba yếu tố: trước hết là tính toàn vẹn hay toàn thiện, và vì lý do này, tất cả các sự vật không đầy đủ được xem là xấu; kế đó là sự cân đối hay sự hài hòa; cuối cùng là ánh sáng và sự rõ ràng, và quả thật chúng ta gọi các vật thể đẹp là các vật thể có màu sắc rõ ràng, xác định. Do cái đẹp tượng trưng cho sự yên hòa và do cái thiện, cái đẹp, cái yên hòa xoa dịu tâm hồn con người, bản thân tôi chợt cảm thấy một niềm vỗ về bao la, và tôi nghĩ rằng được làm việc nơi đây hẳn phải thích thú lắm.
Vào buổi chiều hôm ấy, trước mắt tôi hiện ra một phòng làm việc nghiên cứu thật vui vẻ. Sau này, tại thư viện thánh Gall, tôi có trông thấy một phòng thư tịch với cấu trúc tương tự và cũng tách biệt khỏi thư viện, nhưng không sắp xếp đẹp đẽ như ở đây. Các nhà nghiên cứu cổ học, quản thư viện, người ghi đề mục, và các học giả đang ngồi tại bàn giấy của mình, dưới mỗi cửa sổ lại có một bàn giấy. Vì có bốn mươi cửa sổ, bốn mươi tu sĩ có thể làm việc cùng một lúc, mặc dầu lúc đó có lẽ chỉ có khoảng ba mươi người mà thôi. Severinus giải thích rằng các tu sĩ làm việc ở phòng thư tịch được miễn dự các giờ kinh Xế sáng, kinh Trưa và kinh Xế trưa, do đó, ban ngày, họ không phải rời nơi làm việc, và họ chỉ ngưng công việc khi hoàng hôn xuống để dự kinh Chiều.
Các chỗ sáng nhất được dành riêng cho các nhà nghiên cứu cổ học, các chuyên gia minh họa giỏi nhất, các người viết đề mục và sao chép. Mỗi bàn giấy có đủ các vật dụng cần thiết cho việc sao chép và minh họa: sừng đựng mực, bút lông ngỗng đẹp mà vài tu sĩ đang chuốt bằng dao mỏng, đá bọt để vuốt giấy da, thước để kẻ hàng trên giấy. Trên đầu bàn giấy hơi dốc, bên cạnh người viết, có một bục đặt bản sách chép tay sắp được sao lại, trang sách được phủ bằng một tờ giấy có đục một khe nhỏ đóng khung dòng chữ đang được sao chép lúc đó. Vài người có mực vàng và mực đủ màu sắc. Các tu sĩ khác đang đọc sách, họ ghi các chú thích của mình vào sổ tay hay các bản gỗ.
Tuy nhiên, tôi không có thì giờ quan sát công việc của họ, vì quản thư viện đã bước đến. Chúng tôi biết ông ta là Malachi. Gương mặt ông ta biểu lộ một vẻ chào đón, nhưng tôi bất giác rùng mình khi nhận thấy một gương mặt kỳ quái như thế. Ông cao và cực kì gầy, tay chân to lớn vụng về. Khi ông sải bước tới, mình khoác chiếc áo đen của dòng tu, vóc dáng ông có một vẻ gì đó rất đáng sợ. Đầu ông vẫn đội mũ, vì vừa mới từ ngoài vào, che tối gương mặt xanh xao của ông, tạo cho đôi mắt to rộng buồn bã một vẻ đau khổ chịu đựng. Trên khuôn mặt ông có những đường nét, dường như trước đây chất chứa nhiều nỗi đam mê nay ý chí đã thuần hóa, nhưng lại khiến chúng trở nên băng giá, hay không còn sinh động nữa. Vẻ u buồn và khắc khổ bao trùm gương mặt ông và đôi mắt thật sắc bén đến nỗi chỉ cần liếc nhìn là có thể đâm suốt tim gan người đối diện và đọc được cả những suy nghĩ thầm kín. Vì thế, thật là khó chịu khi nhìn vào ánh mắt soi mói đó, và chẳng ai muốn nhìn vào mắt ông ta lần thứ hai.
Quản thư viện giới thiệu chúng tôi với các tu sĩ đang làm việc lúc đó. Đến từng người. Malachi kể cho chúng tôi nghe về công việc người ấy đang thực hiện, và tôi khâm phục tất cả mọi người về sự tận tâm của họ dành cho trí thức và việc nghiên cứu Phúc Âm. Qua đó, tôi đã gặp Venantius, dịch giả tiếng Hy Lạp và Ả Rập, người dốc lòng nghiên cứu Aristotle, bậc thông thái nhất của nhân loại. Benno, một tu sĩ trẻ từ Thụy Đan Na, đang nghiên cứu tu từ học, Aymaro, người sao chép các sách thư viện mượn được mới mấy tháng nay, và một nhóm nhà minh họa xuất xứ từ nhiều nước: Patrick xứ Clonmacnois, Rabano xứ Toledo, Magnus xứ Iona, Waldo xứ Hereford.
Danh sách có thể còn dài, nhưng tôi phải quay lại đề tài của cuộc tranh luận, vì từ đó nổi lên các biểu hiện hữu ích cho thấy nguyên nhân gây sự khó chịu kín đáo trong các tu sĩ, và các mối quan tâm chưa biểu lộ vẫn đè nặng lên các cuộc nói chuyện của chúng tôi.
Thầy tôi bắt đầu nói chuyện với Malachi, ca ngợi vẻ đẹp và sự làm việc cần cù trong phong thư tịch, hỏi thăm ông ta về thể thức tiến hành công việc tại đây, vì thầy tôi đã được nghe khắp nơi nói về thư viện và mong muốn được khảo sát các sách ở đây. Malachi trình bày với ông những gì tu viện trưởng đã cho biết: tu sĩ yêu cầu quản thư viện đưa quyển sách người ấy muốn tham khảo và viên quản thư viện sẽ lên lầu mang sách xuống, nếu lời yêu cầu hợp lý và thành khẩn. Thầy William hỏi làm cách nào ông ta có thể tìm ra các tựa sách xếp trong các kệ trên lầu. Malachi bèn đưa cho thầy xem một bản sách chép tay gồm nhiều tập ghi chi chít các danh mục, buộc chặt vào bàn giấy của ông ta bằng một sợi xích nhỏ bằng vàng.
Thầy William luồn tay vào bên trong áo tu, lần đến chỗ ngực áo phồng lên thành một cái túi, lôi ra một vật mà tôi đã nhìn thấy ông cầm trên tay hay đeo trên mũi trong cuộc hành trình của chúng tôi. Đó là một cái ống hình chạc, cấu tạo sao cho có thể nằm trên mũi người ta, như kiểu kị mã cưỡi ngựa hay chim đậu bám vào cành. Mỗi bên chạc, ở đằng trước mắt, có một khung kim loại hình bầu dục, giữ một mảnh kính dày như đáy chai. Thầy William thích đeo vật này trước mắt để đọc sách, bảo rằng nó giúp tăng thị lực tự nhiên và phụ trợ đôi mắt lão của thầy nhìn rõ hơn, đặc biệt khi trời chạng vạng tối. Nó không giúp thầy nhìn vật ở xa, vì mắt thầy rất sắc, mà giúp thầy nhìn vật ở gần. Với cặp kính này, thầy có thể đọc những bản thảo viết chữ bé tí xíu mà ngay cả tôi đọc cũng khá khó khăn. Thầy giảng giải cho tôi rằng, khi một người đã qua tuổi trung niên, dù thị lực người ấy vẫn luôn luôn tốt, thì đôi mắt và đồng tử bắt đầu đờ dần; do đó, sau năm mươi tuổi, nhiều học giả xem như đã mất khả năng đọc, viết. Đó là một nỗi bất hạnh to lớn đối với những người còn có thể dâng hiến những thành quả tri thức tốt nhất của mình thêm nhiều năm nữa. Do đó, ta phải tạ ơn Chúa vì đã có người phát minh và cấu tạo nên vật dụng này. Thầy đã kể cho tôi nghe việc này để ủng hộ các tư tưởng của giáo sư Roger Bacon của thầy, người đã dạy rằng mục tiêu của việc học cũng chính là nhằm kéo dài cuộc đời con người.
Các tu sĩ khác nhìn thầy William hết sức hiếu kỳ, nhưng không dám hỏi han chi. Tôi để ý thấy ngay tại một nơi vẫn hằng tự hào là nhiệt tâm dốc lòng vào việc đạo và viết sách, vật dụng hiếu kỳ này vẫn chưa hề xuất hiện. Tôi cảm thấy hãnh diện được ở bên con người đã sở hữu một vật làm sững sờ những nhà thông tuệ lừng danh trên thế giới. Đeo vật này lên mắt, thầy William cúi xuống đọc các danh mục ghi trong tập sách. Tôi cũng nhìn vào và thấy trong đó các tựa sách chúng tôi chưa hề nghe nói đến, và các quyển sách nổi tiếng khác mà thư viện sở hữu.
Thầy tôi đọc, – “Về tòa ngũ giác của Salomon ”[1] , “Nghệ thuật nói và hiểu trong ngôn ngữ Do Thái ”[2] , “Về những vật kim khí ”[3] của Roger de Hereford, “Đại số ”[4] của Alkuwarizmi do Robertus Anglicus dịch từ tiếng La Tinh, “Nghệ thuật nghi binh ”[5] của Silius Italicus, “Những chiến công của người Pháp ”[6] , “Về những lời ngợi ca cây thánh giá ”[7] của Rabanus Maurus và “Các thời đại của thế giới và văn chương con người qua những quyển sách đặc biệt từ A đến Z ”[8] của Flavius Claudius Giordanus. Những tác phẩm tuyệt diệu! Nhưng chúng được liệt kê theo thứ tự nào? Thầy trích dẫn một câu tôi không biết ở quyển sách nào, nhưng chắc chắn phải quen thuộc với Malachi – “Quản thư viện phải có danh sách tất cả các tựa, được sắp xếp cẩn thận theo thứ tự đề tài và tác giả, và sách phải được phân loại trên kệ có bảng số”. Huynh làm thế nào biết vị trí sắp xếp của từng quyển sách?
Malachi chỉ thầy xem vài chú thích ghi trên cạnh mỗi tựa sách. Tôi đọc: “iii, IV gradus, V inprima graecorum”; “ii, V gradus, VII in tertia anglorum”, v.v… Tôi hiểu số thứ nhất chỉ vị trí của quyển sách trên kệ hay gradus , số thứ hai chỉ vị trí kệ, trong khi đó số thứ ba chỉ vị trí ngăn; tôi cũng hiểu những nhóm từ khác chỉ phòng hay hành lang của thư viện, bèn lấy can đảm hỏi thêm về các chi tiết phân biệt cuối cùng đó. Malachi nghiêm khắc nhìn tôi… – Có lẽ con không biết, hay đã quên rằng Quản thư viện là người duy nhất được lên thư viện. Do đó, chỉ cần một mình Quản thư viện biết cách đọc những kí hiệu đó.
– Nhưng các tựa sách liệt kê trong danh sách này được sắp xếp theo trật tự nào? – thầy William hỏi – Theo tôi, dường như không phải theo đề tài. – Thầy không nêu lên thứ tự tác giả theo mẫu tự chữ cái, vì đó là một hệ thống tôi mới thấy áp dụng những năm gần đây thôi, còn khi đó thì rất hiếm sử dụng.
– Thư viện được thành lập từ thuở xa xưa, và sách được đăng kí theo thứ tự lúc nhận được, do tặng hay nhập vào thư viện.
– Như thế sẽ khó tìm lắm – thầy William nhận xét.
– Đủ để quản thư viện nhớ chúng nằm lòng, và biết mỗi quyển sách nhập thư viện vào thời gian nào. Đối với các tu sĩ khác, họ có thể tin cậy vào trí nhớ của người quản thư, – ông ta nói như thể đang bàn luận về một người nào khác chứ không phải chính ông, và tôi nhận ra ông đang nói đến nhiệm vụ mà ông không xứng đảm trách, nhiệm vụ đã được hàng trăm bậc tiền bối khác phụ trách, những người đã lần lượt truyền hiểu biết của mình cho thế hệ kế tiếp.
– Tôi hiểu rồi. Giả sử tôi cần tìm một quyển sách nào đó nhưng không biết chính xác tựa, chẳng hạn về “Tòa ngũ giác của Salomon ”, Huynh có khả năng cho biết tựa sách tôi vừa mới nêu đó hiện có hay không, và Huynh có thể xác định vị trí nó ở đâu trên lầu không?
– Nếu Huynh thực sự phải tìm hiểu điều gì đó về “Tòa ngũ giác của Salomon ”. Nhưng trước khi giao sách cho Huynh, tôi cần xin ý kiến của tu viện trưởng.
– Tôi được biết rằng một trong các họa sĩ minh họa giỏi nhất của Huynh vừa mới mất – thầy William nói tiếp – tu viện trưởng đã kể cho tôi nghe rất nhiều về nghệ thuật của người ấy. Vậy tôi có thể xem các bản sách mà Huynh ấy đang minh họa dở dang chăng?
– Vì còn trẻ, Adelmo… – Malachi nói, ngờ vực nhìn thầy William – chỉ minh họa các ghi chú ở lề. Huynh ấy có một óc tưởng tượng sống động và từ các vật thể quen thuộc, Huynh ấy có thể sáng tác những vật thể mới lạ, như có thể nối một thân người với một cái cổ ngựa. Sách của Adelmo ở đằng kia, chưa có ai động đến bàn giấy của Huynh ấy cả!
Chúng tôi đến gần chỗ trước kia là nơi làm việc của Adelmo, trên đó vẫn còn các trang Thánh thư dày đặc minh họa. Đó là các trang giấy da bê đẹp nhất, loại giấy hảo hạng, và trang cuối vẫn còn gắn vào bàn giấy. Sau khi được cạo bằng đá bọt và nhồi phấn cho mềm, giấy được bào nhẵn và từ các lỗ nhỏ tí đục bằng bút sắt nhọn đầu trên lề trang giấy, có thể nhận ra tất cả các đường nét hướng dẫn cho bàn tay nghệ sĩ. Nửa trang đầu đã viết đầy đủ và tu sĩ quá cố đã bắt đầu phác thảo các minh họa ở ngoài lề.
Các trang khác, ngược lại, đã hoàn tất xong; và khi chúng tôi ngắm nhìn, thầy trò tôi không ngăn được tiếng kêu thán phục. Đó là một thánh thư mà các lề giấy của nó khắc họa một thế giới trái ngược với thế giới mà lý trí chúng tôi hằng quen thuộc. Từ lề của bài giảng đạo hiện ra một vũ trụ đảo lộn: chó chạy trốn thỏ, nai săn sư tử… lưng thú mọc tay người, rồng có da ngựa vằn, người không có tay, trên lưng mọc các thân người khác như các cục bướu; những hình người với miệng đầy răng trên bụng, người đầu ngựa và ngựa chân người, cá cánh chim và chim đuôi cá, quái vật một thân hai đầu hay một đầu hai thân, bò đuôi gà, cánh bướm; đàn bà đầu có vẩy như lưng cá; những sinh vật ma quỷ cổ dài vô tận. Đây là một mẫu tự bẻ thành hình chữ L, ở phía dưới phát sinh mặt con rồng.