Năm nhà Tống dời đô về đất Lâm An ở phía Nam, nhằm niên hiệu Kiến Viêm năm
thứ tư, Cao Tông hoàng đế cải hiệu là Thiệu Hưng năm thứ nhất.
Thuở đó có một vị Kinh doanh Tiết đạt sứ tên là Lý Mậu Xuân, người Chiết
Giang, vợ là Ứng thị rất hiền thục. Lý tướng quân vì tính nết hiền hòa,
giữ quân lệnh không nghiêm nên bị bãi chức về làng. Trở về quên cũ sống
đời nhàn nhã, Lý tướng quân càng ưa làm việc phước thiện, bắc cầu đắp
lộ, giúp đỡ kẻ khốn cùng: mùa Đông cho áo, mùa hè thuốc men. Người trong phố chợ đều ca ngợi là Lý thiện nhơn. Tuy nhiên cũng có người xầm xì:
“Tiếng là Lý thiện nhơn nhưng chưa chắc là thiện nhơn đâu. Nếu quả là
thiện nhơn sao lại không con nối dõi?”
Lời nói đó thấu tai Lý tướng quân làm ông dàu dàu kém vui. Lý phu nhân thấy thế liền hỏi nguyên nhân:
– Phu quân sao hôm nay mặt mày kém tươi thế?
Lý tướng nói:
Ta vừa đi ra ngoài phố, người người đều gọi ta là Lý thiện nhơn cả, duy có kẻ xầm xì ta là kẻ giả nhân giả nghĩa để che giấu những điều xấu xa
khuất lấp. Họ lại nói ta làm lành không phải do thật lòng; nếu thật lòng sao lại không con. Ta nghĩ nếu hoàng thiên có mắt, thần Phật hiển linh, đáng lẽ cho chúng ta một đứa con mới phải.
Phu nhân nói:
– Thưa phu quân, phận thiếp hiếm hoi, trời bắt tội không có con để phu
quân có người nối dõi, đó là lỗi của thiếp, xin phu quân hãy nạp thêm
nàng hầu họa may có được đứa con để ẵm bồng.
Lý tướng quân nói:
– Phu nhân nói thế sai rồi, ta đâu có thể làm việc bậy bạ như thế. Hơn
nữa, phu nhân tuổi chưa đầy bốn mươi, còn có thể sanh nuôi con cái, chưa đến nỗi tuyệt vọng. Chúng ta nên tắm gội sạch sẽ, trai giới ba ngày rồi cùng lên chùa Quốc Thanh ở phía Bắc núi Thiên Thai lễ Phật cầu con,
biết đâu Trời Phật chẳng phụ lòng ta mà nhỏ phước ban cho một đứa bé để
ẵm bồng.
Phu nhân nói: Ý kiến đó rất hay.
Sau khi chọn
ngày lành tháng tốt, Lý tướng quân cưỡi ngựa, phu nhân ngồi kiệu cùng
đám gia nhân nhắm hướng núi Thiên Thai tiến phát. Từ chân núi nhìn lên:
Núi cao sừng sững, đá núi chập chồng, cỏ cây rậm rạp. Lưng chừng đồi,
chùa Quốc Thanh cổ kính vươn mình bên tàng lá rậm. Đàng sau cổng chùa uy nghiêm, hai lầu trống chuông cao vút. Sau năm tầng đại điện là trai
đường, khách xá, kinh đường, giới đường và 25 gian Tàng kinh các.
Lý viên ngoại vừa xuống ngựa, bên trong mấy Tăngnhân ra tiếp rước đưa vào
nhà khách đãi trà. Đương kim phương trượng là Tánh Không trưởng lão nghe tin Lý viên ngoại đến chùa dâng hương cũng ra tiếp kiến và cho vị Tri
khách đưa đi các điện dâng hương. Trước hết, viên ngoại đến Đại hùng bửu điện lễ hương khấn vái:
– Cầu xin đức Phật phù hộ, ban cho đệ tử một đứa con, đệ tử nguyện trùng tu ngôi cổ sát, thếp lại kim thân để
cúng dường Tam bảo.
Khấn xong lại lần lượt đến các điện khác. Khi đến điện La Hán thứ tư, bỗng nhiên thần tượng từ liên đài ngã xuống đất.
Tánh Không trưởng lão chắp tay niệm Phật:
– Lành thay, lành thay! Bần đạo xin mừng viên ngoại được sinh quý tử, chẳng bao lâu sẽ có tin mừng.
Ngày tháng như thoi đưa, Đông qua Hạ tới, chẳng mấy chốc phu nhân đến kỳ nở
nhụy khai hoa. đến khi sanh nở, hào quang sáng rực khắp phòng, hương
thơm tỏa ra sực nức. Thấy lạ ai nấy đều lấy làm vui mừng. Có một điều kỳ quái làm viên ngoại lo âu không xiết. Số là đứa bé sau phút chào đời cứ khóc mãi không thôi. Đến ngày thứ ba, đang lúc bè bạn hàng xóm đến chúc mừng có gia nhân vào báo tin:
Phượng trượng ở chùa Quốc Thanh là Tánh Không trưởng lão đích thân đưa một phần trọng lễ đến chúc mừng.
Viên ngoại vội vã ra cửa nghinh đón và mời vào khách sảnh.
Tánh Không trưởng lão nói:
– Bần đạo xin chúc mừng viên ngoại, chẳng hay lệnh công tử vẫn được an khang?
Viên ngoại nói:
– Đa tạ đại sư có lòng chiếu cố. Tệ nhi từ khi lọt lòng cứ khóc mãi, đến
hôm nay cũng vẫn chưa nín. Đệ tử đang lo lắng về việc này. Xin đại sư có phương cách gì chữa trị hộ cho cháu.
Tánh Không trưởng lão bảo:
– Được, được! Viên ngoại sai người bồng công tử ra cho bần đạo xem thử mới biết rõ nguyên cớ.
Viên ngoại nói:
– Tệ nhi mới sinh có mấy ngày còn mềm mại, bồng ra quá sớm sợ e không tiện.
Tánh Không Trưởng lão nói:
– Không hề chi, viên ngoại chỉ cần lấy khăn mềm bọc kín công tử lại tất khỏi sợ nắng gió phạm nhằm.
Viên ngoại nghe có lý, vội sai người bồng đứa bé ra cho mọi người xem. Thằng bé mặt mũi khôi ngô, phẩm chất thanh kỳ, khóc mãi không dứt. Thấy Tánh
Không trưởng lão, đứa bé lập tức nín khóc và toét miệng cười.
Lão Hòa thượng lấy tay vỗ vỗ trên đầu đứa bé, nói:
“Thôi thôi chớ có vội cười
Lai lịch nhà ngươi ta biết hết
Chúng ta giao ước cùng trao đổi
Bớt được tựa nương ở thế gian”.
Đứa bé nín khóc hẳn.
Tánh Không trưởng lão nói:
– Này viên ngoại, lệnh công tử có túc duyên với bần đạo, thôi để bần đạo
thu nhận làm đệ tử ký danh và đặt tên là Lý Tu Duyên nhé.
Viên
ngoại tỏ lòng cảm tạ, cho bồng đứa bé vào trong nhà và mời Hòa thượng
dùng cơm chaỵ Thọ trai xong, Hòa thượng kiếu từ trở về, các thân hữu
cũng nói lời từ biệt. Viên ngoại thuê một người vú khoẻ mạnh chăm nuôi
săn sóc công tử. Ngày tháng qua nhanh, thoáng chốc Lý Tu Duyên đã được 7 tuổi, suốt ngày biếng nói biếng cười, không thích chơi đùa với bọn trẻ
cùng trang lứa ở hàng xóm. Đến tuổi đi học, viên ngoại mời một Tú tài
già tên là Đỗ Quân
Anh đến nhà kèm dạy. Ngoài ra, Lý Tu Duyên lại có hai bạn đồng song: Một là Hàn Văn Mỹ, 9 tuổi, con quan Võ Hiếu liêm
Hàn Thành; và một là Vương Toàn, 8 tuổi, con quan Binh bộ Tư mã Vương An Sỹ, cháu ruột của Lý phu nhân. Ba anh em cùng chung học tập rất là vui
vẻ. Riêng Lý Tu Duyên tuy nhỏ tuổi nhưng rất thông minh, học một biết
mười, hễ qua mắt không quên. Đỗ lão sư cho là kỳ tài, thường khoe với
mọi người:
– Thằng bé này về sau sẽ nổi danh trong thiên hạ.
Đến 14 tuổi, Lý Tu Duyên làu thông cả Tứ thư, Ngũ kinh, và các sách của
Bách gia chư tử, hàng ngày cùng hai bạn Vương và Hàn thường ở thư phòng
xướng họa thi thơ, khẩu khí rất là cao đẹp.
Năm đó Lý Tu Duyên
sắp sửa vào trường luyện thi lấy bằng Văn Đồng, không may Lý viên ngoại
ngã bệnh nặng, mỗi lúc thêm nguy kịch. Viên ngoại cho mời người em vợ là Vương An Sỹ đến bên giường trăn trối:
– Hiền đệ Ơi, ta không thể sống nổi được ở đời, từ nay xin hiền đệ thay ta săn sóc cho chị và cháu bé dại khờ. Lý Tu Duyên hãy còn nhỏ dại, hiền đệ đừng để cho nó ham
chơi bỏ học. Về việc hôn nhân của cháu, ta cũng đính ước với con gái nhà Lưu Thiên Hộ đã xong. Sau khi ta mất rồi, nhà cửa không người coi ngó,
việc nên hư cũng xin hiền đệ lưu ý quản nhiệm cho.
Vương An Sỹ nói:
– Xin anh cứ an lòng dưỡng bệnh, khỏi phải bận tâm, tôi xin hết sức giúp đỡ mọi việc.
Viên ngoại lại dặn Lý phu nhân rằng:
Hiền thê ơi, ta nay đã 55 tuổi, kể cũng là thọ rồi. Sau khi ta chết, hiền
thê hãy cố gắng nuôi con, dạy dỗ cho nó nên người. Có như thế, ta mới
yên lòng nơi chín suối.
Viên ngoại dặn Lý Tu Duyên mấy câu nữa rồi nhắm mắt đi xuôi.
Lý viên ngoại mất rồi, cả nhà khóc lóc vang đầy. Nhờ có Vương viên ngoại
giúp đỡ, việc ma chay thập phần viên mãn. Lý Tu Duyên cư tang nên không
đến trường khảo thí, Vương Toàn và Hàn Văn Mỹ đều thi đỗ tú tài.
Vợ chồng Vương viên ngoại có một tòa nhà tên là Vấn Tâm lầu, tất cả các
việc làm trong năm đều nghi trên tấm trướng. Cuối năm theo đó, viết một
bảng biểu chương tấu cáo đất trời, không một điều chi giấu giếm.
Lý Tu Duyên rất ham học đạo, mỗi khi gặp được quyển kinh nào ưa thích nghiền ngẫm không rời.
Hai năm sau, Lý phu nhân cũng qua đời, Lý Tu Duyên càng thích xem kinh sách hơn nữa. Đến 18 tuổi, cư tang báo hiếu đã xong, Lý Tu Duyên nhìn thấy
cõi hồng trần mộng ảo, quyết chí xuất gia đầu Phật. Mọi việc trong nhà
đều nhờ Vương viên ngoại coi sóc giùm. Đến trước phần mộ song thân đốt
hương khấn nguyện xong, Lý Tu Duyên lẻn ra đi, để lại một phong thư nhỏ. Vương viên ngoại đã hai ngày không thấy cháu trở về, sai người đi dọ
hỏi các chỗ cũng không thấy tăm hơi…, bèn mở thư ra xem. Trên thư chỉ
để lại mấy chữ vắn tắt:
“Tu Duyên đã đi,
Đừng tìm làm chi,
Sau này gặp lại,
Sẽ rõ sự nghì”.
Vương viên ngoại biết cháu mình ưa đọc sách Tiên Phật, bèn cho người đi tìm
kiếm ở các chùa miếu lân cận, cũng không được dấu vết gì. Lại viết bản
báo cáo dán khắp nơi:
Ai đưa Lý Tu Duyên về nhà sẽ được thưởng 100 lượng bạc.
Ai đưa tin chắc chắn Tu Duyên ở đâu sẽ hậu tạ 50 lượng bạc.
Liên tiếp ba tháng trời tìm kiếm, tin tức vắng không, những tấm bố cáo ố màu rơi lả tả.
Về phần Lý Tu Duyên, sau khi bỏ nhà ra đi, vui chân đi mãi, du sơn ngoạn
cảnh tìm chưa được chỗ nào xứng ý xuất gia. Đến Hàng Châu, tiền bạc mang theo hết sạch, Lý Tu Duyên đến một ngôi chùa xin xuất gia nhưng không
được nhận, chàng bèn đến chùa Linh Ẩn trên ngọn Phi Lai nơi Tây Hồ ra
mắt lão phương trượng xin xuất gia. Hòa thượng lão phương trượng chính
là kế vị đời thứ 9 bổn tự tên là Nguyên Không trưởng lão, hiện là Viên
Hạc Đường, khi thấy Lý Tu Duyên liền biết chàng là kim thân La Hán đầu
thai vâng lệnh Đức Phật giáng thế độ đời.
Thấy chàng còn mơ hồ
chưa tỉnh, Hòa thượng bèn dùng tay vỗ huyệt thiên môn của chàng ba cái.
Bao nhiêu căn nguyên nguồi cội sau ba cái vỗ tức hồi phục hồi như cũ. Lý Tu Duyên sụp xuống lễ Nguyên Không trưởng lão cầu xin xuất gia và được
đặt pháp hiệu là Đạo Tế. Đạo tế tọa thiền có vẻ điên điên lại có vẻ ba
trợn, đạo chúng trong chùa bảo nhau kêu ông ta là Hòa thượng điên (Điên
hòa thượng), lại có người gọi ông ta là ông thầy ba trợn (Phung Hòa
thượng), thêm đi bớt lại rút cục thành Tế Điên tăng. Thực ra ông ta vốn
là người vâng lệnh Phật Tổ xuống độ đời, mượn việc cứu khốn phò nguy để
khuyến hóa chúng sanh qui về Phật pháp. Trong chùa, bất cứ ông tăng nào
hễ có tiền dư đều bị trộm lấy, có y phục đẹp đẽ cũng bị đánh cắp chuồn
vào tiệm cầm đồ để đổi làm đồ nhắm cho Đạo Tế cả. Rượu là món ông ta ưa
thích nhất. Có người nói:
– Hễ làm Hòa thượng lẽ ra phải ăn chay, cớ sao ông lại rượu thịt tối ngày như thế?
Đạo Tế nói:
Cổ thi Phật Tổ để một phong,
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng,
Người nay tu miệng, lòng không sửa.
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không.
Việc rượu thịt suốt ngày của Đạo Tế làm cho vị Giám tự là Quảng Lượng bất
bình không ít. Địa vị của vị Giám tự chỉ dưới vị Phương trượng chủ trì
một bậc mà thôi. Tế Điên bất chấp điều đó. Một hôm, Quảng Lượng vừa sắm
một bộ tăng bào mới trị giá 40 quan, Tế Điên chụp lấy đem cầm nhậu rượu
rồi đem giấy cầm đồ dán ở cổng chùa. Vị Giám tự thấy áo không cánh mà
bay vội vã cho người tìm kiếm khắp nơi, mới biết áo mình nằm gọn trong
tiệm cầm đồ và giấy cầm hiện dán trước cửa. Lạ một điều là gỡ mãi chẳng
ra, không biết làm sao, Quảng Lượng đành hạ cổng gỡ xuống và cho bốn
người khiêng đến tiệm chuộc áo.
Chuộc áo áo xong, Quảng Lượng trở về bạch cùng Phương trượng:
– Bạch Thầy, Đạo Tế ở chùa cứ giở chứng điên khùng không giữ thanh quỵ
Bao nhiêu áo quần, tiền bạc của Tăng chúng để hở ra đều bị Ông ấy chộp
lấy, xin Thầy y chiếu thanh quy mà sửa trị để răn chúng.
Nguyên Không trưởng lão nói:
– Không thấy Đạo Tế lấy trộm, làm sao xử trị Ông ấy được. Các ông từ nay
cứ ngầm theo dõi, nếu bắt được quả tang ông ấy lấy trộm, cứ đưa đến ta
xử trị.
Quảng Lượng liền phái hai người đệ tử luôn theo dõi Tế
Điên. Về phần Tế Điên cứ ung dung gối đầu nằm ngủ ở góc đại điện. Hai
chú tiểu tăng tên là Chí Thanh và Chí Minh hàng ngày để ý rình rập. Ngày kia, chợt thấy Tế Điên ló đầu ra nhìn bốn phía, lại đến mỗi bàn dừng
lại một lúc rồi lại đến một bàn khác lén lén lút lút có vẻ khả nghị Sau
cùng rón rén đi ra, trước bụng gồ lên một cục, nhắm hướng chợ đi tới.
Chí Thanh Chí Minh từ trong nhà lật đật kêu lớn:
– Này Tế Điên! Ông trộm cái gì đó, phen này hết đường chạy tội nhé!
Mỗi người một tay giữ Tế Điên lại, đưa thẳng vào Phương trượng.
Trong lúc đó, Giám tự vào trước bạch với Phương trượng rằng:
– Bạch thầy, Đạo Tế ở trong chùa chúng ta không giữ thanh quy, lấy trộm
đồ vật của chùa, xin thầy cứ y chiếu thanh quy mà trị tội ông ấy.
Nguyên Không trưởng lão nghe nói thế, than thở: “Đạo Tế ơi, đạo Tế! Ông lấy
trộm đồ vật của chùa làm chi cho chúng bắt được. Ta dù có ý che chở cho
ông cũng không biết nói thế nào cho phải”. Bèn bảo mọi người:
– Thôi, hãy đưa ông ấy vào đây.
Tế Điên đến trước phòng Phương trượng, nói:
– Con xin vấn an lão phương trượng.
Nguyên Không trưởng lão nghiêm sắt hỏi: – Đạo Tế không giữ thanh quy, lấy trộm đồ vật của chùa mắc phải tội gì?
Quảng Lượng vội thưa:
– Chiếu thanh quy, người mắc tội ấy bị thâu hủy y bát giới điệp, đuổi ra khỏi chùa không được làm Tăng nữa.
Phương trượng nói:
– Ta sẽ phạt nặng ông ấy mới được.
Đoạn quay qua Tế Điên, Phương trượng nói:
– Này Đạo Tế! Hãy trình vật ấy ra đây!
Tế Điên nói:
– Bạch sư phụ, các huynh đệ thật là khi dể và ăn hiếp con quá. Con ngũ ở
chánh điện, thức dậy dọn quét, nhân tìm đồ đựng rác không ra, con mới
túm trước bụng để đem bỏ. Các huynh đệ không tin, cứ lại đây xem.
Tế Điên nói rồi, lấy tay gỡ nút vạt áo ra, đất cát rơi xuống lả tả. Lão phương trượng cả giận, nói:
– Hay cho Quảng Lượng, ông dám vu khống cho người hiền là kẻ trộm. Tội đó phải phạt đòn mới được.
Chúng tăng sợ xanh cả mặt, không khỏi bàn tán xôn xao. Bỏ mặc tiếng ồn ào, Tế Diên nhắm hướng Tây Hồ đi tới. Thấy bên gốc cây có người thắt thòng
lọng sắp treo mình, Tế Điên lật đật đến cứu người đó.
Thật là:
Người ngay mắc mạn gặp Thánh Tăng,
Thất lạc cha con hợp một nhà.