Người dịch: Phạm Thành Hưng
Nguồn: vnthuquan
Chuyến công cán đầu tiên của Tácdăng chẳng có gì lý thú và quan trọng cả. Đầu đuôi là thế này: Một sỹ quan kỵ binh – trung úy Giơnoa đang đóng quân ở Angiêri đã bị tình nghi là có những hành động phản bội. Người ta cho rằng Giơnoa có đường dây liên hệ nguy hiểm với một nước lớn của châu Âu. Khi đóng quân ở vùng Siđi Apbát, viên trung úy này được biên chế trực thuộc cơ quan tổng tham mưu nên thường nhận được những thông tin quân sự đặc biệt. Vì vậy, chính phủ Pháp cho rằng Giơnoa đã lợi dụng những tin này để tiến hành các hoạt động buôn bán trái phép với một cường quốc không tiện nêu tên. Thật ra, kết luận đó có khi chỉ xuất phát từ một sự ghen tức của một nhân vật cao cấp ở Pari mà thôi. Nhưng dù sao bắt nhầm thì vẫn hơn là bỏ sót. Chính vì thế, Bộ Tổng tham mưu quyết định tìm chứng cớ để trừng phạt Giơnoa. Những người làm việc ở cơ quan Tổng tham mưu thường không có những tình báo viên đáng tin cậy, cho nên khi những tin tức từ nước ngoài gửi về, họ coi chuyện phản bội của Giơnoa là không bàn cãi gì nữa.
Tácdăng tới Angiêri dưới danh nghĩa một khách du lịch Mỹ để theo dõi thật sát các hoạt động của Giơnoa. Chàng trai không thể giấu được nỗi vui sướng của mình. Bởi vì tới Angiêri tức là chàng lại trông thấy châu Phi yêu dấu của mình. Nhưng khi tới nơi, chàng thất vọng hoàn toàn. Vùng đất bắc Phi khác xa với vùng rừng già nhiệt đới. Nếu không được thăm lại quê hương rừng già, chẳng thà chàng ở lại Pari cho xong!
Tới Oran chàng dành một ngày đi dạo các phố cổ. Kiến trúc phố xá Ả rập gây cho chàng những ấn tượng thú vị. Tuy vậy, ngay ngày hôm sau chàng đã tới Siđi Apbat và trình hộ chiếu cùng các giấy tờ cần thiết cho các cơ quan dân sự và quân sự. Tất nhiên, mục đích chuyến đi của chàng thì chàng không được phép nói ra. Chàng nói tiếng Anh tương đối tốt nên có thể giao thiệp tự nhiên với người Pháp và người Ả rập. Còn khi gặp người Anh, chàng lại nói tiếng Pháp để khỏi bị nghi ngờ. Khi nói tiếng Anh với người nước ngoài biết tiếng Anh, chàng ý thức rất rõ mình phát âm chưa tốt. Chàng đã tiếp xúc với nhiều sĩ quan Pháp và trở thành một người bạn Mỹ lý thú và đáng mến của họ. Khi gặp Giơnoa – đối tượng của chàng, chàng mới biết đó là một người đàn ông trạc tuổi bốn mươi, ít nói và ít giao thiệp với những người đồng nghiệp. Nhìn cái mặt rắn đanh, lạnh lùng của gã, chẳng ai biết được gã đang nghĩ gì trong đầu.
Suốt một tháng liền, Tácdăng thấy có điều gì đáng nghi. Giơnoa hầu như không đi thăm viếng thăm ai. Ngay cả khi đi vào thành phố, gã cũng chẳng bắt chuyện với người nào để có thể nghi ngờ rằng gã là gián điệp của nước ngoài. Đã tới lúc Tácdăng cho rằng việc tình nghi Giơnoa là điều vô lý, nếu như Giơnoa không đột ngột chuyển công tác tới Bu Sađi – một tỉnh miền Nam, cách đó khá xa. Ngay sau đó, đơn vị sở tại được bổ sung một phân đội kỵ binh và ba sĩ quan. Rất may là một trong ba sĩ quan đó lại có đại úy Ghêrát, một người bạn tốt bụng của Tácdăng. Thế là Tácdăng xin Ghêrát cho mình được phép theo chân đơn vị tới Bu Sađi, một vùng đất có nhiều thú để săn bắn. Với sở thích lành mạnh như vậy, Tácdăng không gợi cho Ghêrát và mọi người một chút nghi ngờ nào cả.
Tới Baura đơn vị xuống tàu, đi ngựa. Chính vào lúc đang sửa soạn yên ngựa, Tácdăng phát hiện ra một người nhìn trộm mình sau cánh cửa quán rượu. Người đó mặc quần áo Âu châu. Tácdăng vừa nhìn thấy thì người đàn ông đó vội quay lưng, đi vào một chiếc lều rất thấp, có mái che bằng đất. Chàng có cảm giác là đã trông thấy khuôn mặt này ở nơi nào đó. Nhưng rồi chàng lại bỏ qua, không để tâm tới nữa.
Chặng đường tới Anaba quá ư mệt mỏi. Bởi vì Tácdăng không quen với yên ngựa. Toàn bộ kinh nghiệm cỡi ngựa của chàng chỉ giới hạn trong một vài giờ thực tập ở Học viện quân sự Pari. Vì vậy vừa tụt khỏi yên ngựa là chàng đã đi tìm giường ngủ trong khách sạn Gơrôsát. Trong khi đó, binh lính và các sĩ quan tiếp tục tiến về doanh trại gần đó để nghỉ ngơi.
Mặc dù Tácdăng thức dậy khá sớm, phân đội kỵ binh vẫn lên đường trước khi chàng kết thúc bữa điểm tâm sáng. Chàng vội vã nhai nốt thức ăn, vừa nhai vừa nhìn ra tấm cửa ngăn giữa phòng ăn và quán rượu. Chàng ngạc nhiên khi thấy trung úy Giơnoa đang nói chuyện với một người ngoại quốc. Đó chính là người đã nhìn trộm chàng trong quán rượu ở Baura. Không thể nhầm được! Đúng dáng ngồi ấy, thân hình ấy, cho dù người đó quay lưng lại phía chàng. Khi cái nhìn của chàng dừng lại ở lưng người ngoại quốc thì Giơnoa ngẩng đầu lên. Người ngoại quốc hạ thấp giọng nói, nhưng Giơnoa lập tức ngăn lại rồi cả hai bỏ đi mất hút. Đây là lần đầu tiên Tácdăng cảm thấy trong cách xử sự của gã trung úy Pháp có những biểu hiện khả nghi. Chàng tin chắc rằng hai gã đàn ông trong quán đột ngột bỏ đi chỉ vì chàng đã nhìn thấy chúng. Không những thế, chàng còn linh cảm rằng chàng đã gặp người ngoại quốc đó một lần và có thể hắn đang theo dõi chàng.
Lát sau, chàng bước sang quán rượu nhưng không thấy Giơnoa và kẻ đồng sự nước ngoài đó nữa. Chàng ra phố, giả vờ ghé vào một vài cửa hiệu nhưng vẫn không trông thấy chúng. Chúng không xuất hiện, cho tới tận ngày chàng tới Siđi Aisa. Hôm đó, khoảng quá trưa, lúc binh lính dừng lại nghỉ giải lao, chàng trông thấy Giơnoa. Nhưng chàng không thấy gã ngoại quốc kia ở đâu hết.
Ở Siđi Aisa tất nhiên là có chợ. Những đoàn lạc đà chở hàng xuyên dọc, xuyên ngang thành phố. Chợ Siđi Aisa lúc nào cũng ầm ỹ tiếng người Ả Rập đôi co, cãi cọ. Tácdăng muốn lưu lại trong thành phố ít nhất một ngày để làm quen với những chàng trai độc đáo của sa mạc. Vì vậy buổi chiều hôm đó, khi đoàn kỵ binh lên đường đi Bu Sađi đã không có mặt Tácdăng.
Ở lại Siđi Aisa, Tácdăng đã có mấy tiếng đồng hồ lý thú với một chàng trai Ả rập tên là Apđula. Ông chủ khách sạn đã tiến cử Apđula cho Tácdăng với tư cách là người hầu cận, vừa là thông ngôn. Ở đây Tácdăng trả tiền thuê ngựa rẻ hơn ở Bâura. Khi nói chuyện với người đàn ông cho thuê ngựa, Tác dăng mới biết rằng ông là một nhà buôn, tên là Kapđu Ip Sađin – tộc trưởng của một bộ lạc định cư ở Gianpha. Gianpha nằm ở phương Nam, cách Siđi Aisa một chặng đường dài. Sađin rất xứng đáng với tư cách tộc trưởng. Khuôn mặt của ông trông phương phi, cao thượng. Tácdăng rất mến ông. Vì vậy, nhờ Apđula phiên dịch, Tácdăng mời luôn người quen mới của mình đi ăn trưa. Ba người len lỏi qua những tốp người chạy chợ, những đàn la, ngựa, lạc đà. Đang đi, Apđula giật giật tay áo Tácdăng:
– Ngài nhìn lại đằng sau xem! – Apđula nói rồi chỉ vào một người phía sau. Tácdăng vừa quay lại, người đó đã lẩn sau bóng một con lạc đà chở hàng cồng kềnh.
– Người đó đã lẩn quẩn xung quanh chúng ta suốt cả buổi chiều – Apđula thông báo.
– Tôi chỉ nhìn thấy một người Ả rập mặc áo màu xanh tối và mũ tuban trắng – Tácdăng nói – Cậu nghĩ là ta bị theo dõi?
– Đúng thế! Tôi rất nghi, vì hắn có vẻ như một người ngoại quốc. Hắn chẳng làm gì khác ngoài việc bám gót chúng ta. Đó không phải là thói quen của những người Ả rập đàng hoàng. Hắn che mặt sát tới mắt. Chắc chắn không phải là người tử tế. Vào giờ này, người ta phải đi làm cái gì đó hữu ích, ra tiền, chứ việc gì lại cứ tò mò bám theo lưng người lạ?
– Có thể là cả hai phía đều nhầm! – Tácdăng trả lời – Bởi vì tôi nghĩ ở đây chẳng có người nào đủ lý do để ghét tôi. Lần đầu tiên tôi đến nước này, chẳng biết một ai. Có thể người đàn ông đó đã nhìn nhầm. Khi biết mình nhầm, ông ta sẽ rất chán đấy.
– Nhưng ít nhất thì hắn cũng có thể xoáy cái gì đó của chúng ta – Apđula vẫn không từ bỏ ý kiến.
Tácdăng cười:
– Thôi thì việc duy nhất chúng ta có thể làm được là chờ xem hắn có đủ can đảm thò tay móc túi ta không. Tôi dám chắc với cậu là khi đó hắn sẽ được một bài học nhớ đời.
Kapđu Ip Sađin rất hài lòng với bữa ăn trưa được mời ấy. Nhưng ông phải đi bán hàng. Không dấu được mối thiện cảm của mình đối với Tácdăng, ông đã mời chàng đến thăm quê hương ông – một vùng quê theo như ông mô tả thì những người ham săn bắn sẽ rất hài lòng vì có nhiều thú lạ.
Khi vị tộc trưởng đi khỏi, Tácdăng cùng người dẫn đường lại ra đường phố Siđi Aisa. Dọc đường Tácdăng nghe thấy có tiếng nhạc chơi rất man dại phát ra từ một quán cà phê kiểu Morơ. Lúc này đã hơn tám giờ tối. Hai người bước vào quán. Quán cà phê có một phòng nhảy mịt mù khói thuốc. Bốn phía đều chật chội. Những người Ả rập đang ngồi hút thuốc và uống cà phê nóng. Mặc dù tiếng trống đập inh ỏi, tiếng sáo thổi chói tai đã làm cho chàng trai quen sống trong cảnh núi rừng yên tĩnh cảm thấy vô cùng khó chịu, nhưng Tác dăng vẫn kéo người đồng hành của mình len vào giữa phòng.
Một vũ nữ duyên dáng đang múa lượn quanh phòng. Vừa trông thấy Tácdăng trong bộ Âu phục, vũ nữ đã đoán Tácdăng là một người Âu châu giàu có. Cô vừa múa vừa tiến lại gần Tácdăng, vứt cho chàng một chiếc khăn nhung và chờ tiền thưởng. Nhưng chỉ một lát sau lại có một vũ nữ khác ra thay thế. Trước đó Apđula đã trông thấy cô gái này đứng nói chuyện với hai người đàn ông Ả rập trong góc phòng nhảy. Góc phòng có một lối đi ra sân và dẫn đến phòng ngủ của các vũ nữ. Thoạt đầu Apđula không để ý tới hai người đàn ông. Nhưng lát sau, Apđula phát hiện thấy một trong hai người đàn ông đó giơ tay ra hiệu về phía mình. Theo hướng tay chỉ, cô gái quay lại nhìn lướt qua Tácdăng. Sau đó hai người đàn ông lẩn vào trong bóng tối của sân sau.
Lại đến lượt cô vũ nữ ban đầu ra nhảy. Cô lả lướt chung quanh Tácdăng và dành cho chàng những nụ cười tươi tắn. Những người đàn ông da nâu, mắt đen của vùng sa mạc đổ mắt về phía người khách lạ với cái nhìn đầy ghen tức và thù địch. Nhưng mọi cử chỉ của vũ nữ lẫn cái nhìn của dân địa phương đều không làm Tácdăng mảy may xúc động. Chàng vẫn ngồi bình thản. Lần thứ hai, vũ nữ lại lướt tà áo chạm vào vai Tácdăng và lại được chàng thưởng mấy đồng phờrăng. Cô vũ nữ ấn đồng tiền lên trán rồi nghiêng đầu xuống Tácdăng thì thào:
– Ngoài sân có hai gã đàn ông đang chờ anh. Chúng định hại anh. Thoạt đầu tôi đã hứa với chúng là sẽ nhử anh ra chỗ chúng. Nhưng anh rất tốt với tôi nên tôi không nỡ làm hại anh. Anh hãy đi khỏi đây. Nhanh lên, kẻo chúng phát hiện ra là tôi đã chống lại chúng. Tôi nghĩ rằng chúng là kẻ xấu.
Tácdăng cảm ơn cô gái và hứa rằng sẽ thận trọng đề phòng. Kết thúc vũ điệu, cô gái rời khỏi phòng, bước ra sân. Nhưng Tácdăng vẫn ngồi trong quán mặc dù đã được mách bảo.
Quán cà phê yên tĩnh một lát rồi đột nhiên một người Ả rập mặt mũi dữ tợn bước vào. Hắn dừng lại bên cạnh Tácdăng và xổ ra hàng tràng tiếng Ả rập. Tácdăng chẳng hiểu hắn nói gì. Apđula phải phiên dịch lại.
– Gã đàn ông này đang cố khiêu khích ngài – Apđula nói với Tácdăng, – Gã ta không phải chỉ có một mình đâu. Tôi tin là sẽ xảy ra chuyện dữ. Không khéo cả phòng này sẽ đứng dậy chống lại ngài. Tốt nhất là ta lặng lẽ rút lui thôi thưa ngài!
– Hỏi hộ tôi xem người này muốn gì! – Tácdăng nói.
– Hắn nói rằng ngài là một con chó Giatô giáo đã cả gan xúc phạm tới một vũ nữ của hắn.
– Hãy nói cho hắn biết rằng tôi chẳng hề xúc phạm vũ nữ nào, cũng chẳng đụng chạm gì tới hắn. Tôi muốn hắn đi chỗ khác, đừng quấy rầy tôi thêm nữa. Tôi không muốn dây vào hắn và cũng chẳng muốn nói chuyện với ai.
Apđula quay sang nói với gã đàn ông một lúc rồi dịch cho Tácdăng:
– Hắn nói rằng ngài là một con chó đực, mẹ ngài là giống chó sói. Hắn còn bảo ngài là một kẻ dối trá.
Cuộc chửi bới thu hút sự chú ý của tất cả khách trong quán. Những câu nguyền rủa bằng tiếng Ả rập được khích lệ bằng tiếng cười rộ của cả phòng. Tình thế rất bất lợi! Bởi vì nghe qua tiếng cười là biết người trong phòng nhảy ủng hộ phía nào.
Lâu nay, Tácdăng rất dễ nổi cáu khi có ai đó cười nhạo mình, nhất là khi chàng lại không hiểu gã Ả rập nói gì. Tuy vậy chàng vẫn không tỏ ra giận dữ khi đứng dậy. Trên môi chàng chợt thoáng một nụ cười khó hiểu. Nhưng đột nhiên bàn tay chàng xiết lại. Một quả đấm giáng thẳng vào cái mồm cười nhăn nhở của gã Ả rập. Gã này lăn quay ra đất. Ngay tức khắc, từ đường phố tràn vào một đám người Ả rập. Dường như đám người này đã ở sẵn bên ngoài, chỉ chờ lệnh để xông vào phòng.
“Giết chết kẻ vô đạo! Con chó Giatô xéo đi!”. Cùng với tiếng thét, bọn họ xông vào Tácdăng. Bốn năm người Ả rập đang ngồi trong quán cũng đứng dậy tham gia tấn công.
Tácdăng và Apđula bị dồn vào góc phòng. Người hầu trẻ tuổi trung thành của vị khách du lịch là Apđula cũng rút gươm chiến đấu cùng Tácdăng. Những quả đấm thôi sơn của Tácdăng lần lượt quật ngã tất cả những kẻ cả gan tiến vào tầm tay của chàng. Chàng chiến đấu một cách bình tĩnh, không nói một lời, chỉ thỉnh thoảng nhếch môi cười với Apđula.
Cứ mỗi lúc Tácdăng lại cảm thấy bất lực. Gần như chàng và Apđula không thể nào thoát ra khỏi những vòng gươm sáng loáng và những lưỡi kiếm đang huơ lên tua tủa khắp phòng. Đối thủ của hai người quá đông. Nhưng chính vì vậy mà sức tấn công của họ bị hạn chế. Đám người vòng trong vòng ngoài chen vai nhau tiến công Tácdăng và Apđula. Mặc dù có đủ các loại vũ khí, những người này vẫn không biết phải dùng loại nào cho thích hợp. Họ cũng không dám rút súng vì sợ bắn phải đồng đội.
Cuối cùng, Tácdăng đánh gục một tên cao to, điên khùng nhất. Chàng nhanh tay tước luôn vũ khí rồi cùng Apđula vừa chống trả, vừa giật lùi ra cửa sau. Ra tới bậc cửa, chàng dừng lại một lát, nâng bổng một gã Ả rập lên đầu rồi ném thẳng vào mặt những kẻ đang xông lên. Không kịp nhìn kết quả của cú ném, chàng kéo tay Apđula chạy thẳng ra sân rồi lẩn vào bóng tối. Lúc này đám vũ nữ hoảng hốt chạy dồn lên những bậc cầu thang cao nhất. Ở đó, những ngọn nến đang tỏa ánh sáng lờ mờ vào những bậc cửa phòng ngủ tối tăm của họ.
Vừa thoát ra khỏi phòng, hai người đã nghe thấy từ cầu thang sau lưng mình vang lên tiếng súng ngắn. Khi quay lại để cản bước tiến công của kẻ thù, họ vấp phải hai gã cầm súng đang hừng hực lao lên. Tácdăng nhảy bổ vào một gã. Trong nháy mắt, gã cầm súng đã rơi xuống sân, làm tung lên một đám bụi. Gã bị tước súng, cổ tay bị gẫy, nằm kêu rên ầm ĩ. Trong lúc đó, gã thứ hai dí súng vào Apđula. Nhưng thật bất ngờ là khẩu súng bị tắc đạn. Gã bị Apđula hạ gục bằng một mũi dao găm.
Đám đông trong quán lại tràn ra ngoài, truy đuổi theo hai người trẻ tuổi. Lúc này ngoài sân tối đen như mực. Cửa quán cà phê chỉ hơi hé mở. Vì vậy ánh sáng từ trong phòng hắt ra ngoài rất yếu ớt. Tácdăng lột thanh gươm của gã đàn ông vừa bị Apđula hạ gục, đứng thủ thế, chờ kẻ thù.
Bỗng Tácdăng cảm thấy bờ vai mình có bàn tay nào đó chạm phải và nghe thấy giọng con gái thì thào:
– Nhanh lên ngài! Chạy lối này, theo tôi!
– Đi thôi, Apđula! – Tácdăng giục người bạn trẻ của mình – Chỗ này rất bất lợi.
Cô gái dẫn hai người chạy lên một cầu thang hẹp, dẫn thẳng vào phòng cô. Tácdăng chạy sát bên cô. Chàng nhìn thấy chiếc vòng tiền vàng sáng lấp lánh trang điểm trên đầu và cả trên váy áo. Chàng nhận ra đây chính là cô vũ nữ đã báo động cho mình lúc trước.
Khi đã leo lên đến đỉnh cầu thang, ba người vẫn nghe thấy tiếng la thét của những người truy đuổi phía dưới sân.
– Họ sẽ lên đây đấy – Cô gái thì thào – Đừng để họ phát hiện thấy các ngài ở đây. Dù các ngài có chiến đấu thì hai người cũng không thể thắng cả một đám thế kia, và sẽ bị họ giết chết mất. Các ngài có thể nhảy qua cửa sổ phòng tôi xuống dưới đường phố. Nhanh lên!
Vũ nữ vừa nói xong, đã nghe thấy tiếng chân rầm rập trên cầu thang. Có tiếng kêu của ai đó vang lên. Rõ ràng là Tácdăng và Apđula đã bị phát hiện. Đám người dưới sân ngửa mặt lên nhìn rồi ào ào chạy lên cầu thang.
Kẻ chạy lên đầu tiên đã vấp phải mũi gươm của Tácdăng chờ sẵn. Gã thét lên đau đớn rồi ngã vật, rơi xuống tốp người phía dưới. Trong phút chốc cả tốp ngã lăn xuống như những chiếc thùng tôn ô.
Chiếc cầu thang cũ, ọp ẹp không chịu nổi sức nặng và độ rung của đám đông hiếu chiến. Một tiếng “rắc” vang lên chậm chạp. Chiếc cầu thang gỗ như giận dữ nghiến răng rồi đổ sầm xuống đất. Trong khi đó Tácdăng, Apđula và vũ nữ đứng trên cao nhìn xuống chưa hết ngạc nhiên.
– Nhanh lên! – Cô vũ nữ lại giục – Họ sẽ chạy lên bằng cầu thang bên kia. Đừng để mất thời gian!
Khi ba người chạy vào phòng, Apđula đã nghe thấy tiếng người dưới sân gọi nhau nháo nhác. Họ gọi nhau chạy ra đường phố.
– Thế là chúng ta bị chặn đường rồi! – Nghe tiếng người dưới sân, cô gái kêu lên tuyệt vọng.
– Thế nào? Chúng ta… cả cô nữa?
– Vâng, thưa ngài! – Cô gái thở dài, đau khổ – Họ sẽ giết các ngài và cả em nữa!
Tiếng nói của vũ nữ làm Tácdăng sực tỉnh. Hóa ra từ nãy tới giờ chàng vui thích vì cuộc chiến đấu đầy phiêu lưu, lý thú mà quên mất rằng Apđula và cô gái đang bị cái chết đe dọa thực sự. Chàng rút lui chỉ vì nghe theo lời hai người và vì để bảo vệ hai người. Còn nếu như chàng chỉ có một mình thì cũng như từ xưa đến nay, chàng không bao giờ lui một bước. Chàng có thể nhảy bổ vào giữa đám người hiếu chiến kia mà tung hoành với sức mạnh rừng xanh của mình. Còn bây giờ, lời cô gái đã buộc chàng phải nghĩ lại. Chàng phải có trách nhiệm trước sự sống của hai người bạn Ả rập trung thành này.
Nghĩ vậy, Tácdăng nhảy lên bậc cửa sổ, vươn người ra ngoài quan sát. Nhưng chàng không nhìn thấy gì phía dưới đất. Rất may chàng phát hiện ra là mái nhà rất thấp. Chàng gọi cô gái lại gần rồi bế cô lên, vắt úp lên vai.
– Chờ ở đây! Tôi sẽ quay lại với cậu – Tácdăng quay sang nói với Apđula – Kéo tất cả các thứ trong phòng để chặn cửa ra vào. Như thế có thể kìm giữ được chúng.
“Bám cho chắc!” – Tácdăng nhắc cô gái rồi từ bậc cửa sổ leo lên mái nhà, nhẹ nhàng, khéo léo như một… con đười ươi.
Sau khi đặt vũ nữ xuống một chỗ kín đáo, an toàn. Tácdăng quay trở lại bằng cách đánh đu từng đoạn dọc theo riềm mái che. Chàng trai Ả rập chạy tới cửa sổ.
– Đưa tay đây! – Tácdăng thì thào.
Đám người đuổi theo họ đã chạy tới cửa. Chỉ một lát sau, cánh cửa bị đập bung ra. Cũng đúng lúc ấy Apđula cảm thấy mình được tung lên cao, nhẹ bỗng như một quả cầu. Trong chớp mắt, chàng đã thấy mình ngồi trên mái nhà. Đám người ấy ào vào phòng vũ nữ. Dưới đất, số còn lại đã tràn ra đường, tụ tập phía dưới cửa sổ, ngửa mặt nhìn lên.