Tarzan 2: Trở Lại Rừng Già

Chương 4: Nữ bá tước tự thú



Người dịch: Phạm Thành Hưng

Nguồn: vnthuquan

– Tôi thấy Pari của anh còn nguy hiểm hơn rừng già của tôi, Pôn ạ! – Tácdăng bình luận trong lúc kể cho bạn mình nghe về cuộc xô xát với bọn “đầu gấu” và cảnh sát ở phố Maule hôm trước – Vì sao họ lại tấn công tôi? Cảnh sát ấy mà. Hay lúc đó họ đói?

Ácnốt khẽ rùng mình, nhưng rồi lại bật cười vì lối suy luận tự nhiên, ngộ nghĩnh của Tácdăng.

– Rất khó tự giải thoát khỏi thói quen rừng già để suy nghĩ một cách văn minh, đúng không ông bạn?

– Ácnốt vỗ vai Tácdăng.

– Quý hóa gì cái thứ văn minh của các anh! – Tácdăng cũng cười nhạo – Luật của rừng già không cho phép tàn bạo. Thú rừng giết nhau là vì cần thức ăn, vì tự bảo vệ bản thân hoặc vì con đực giành giật quyền lực, con mẹ bảo vệ đàn con. Anh thấy rồi đấy. Tất cả những chuyện đó diễn ra rất hài hòa với quy luật của tự nhiên. Còn ở đây thì sao? Loài người văn minh còn thích bạo lực hơn cả thú rừng. Họ tự do chém giết nhau. Đã thế, loài người còn kiêu căng, nhân danh lòng cao thượng với các thứ đủ loại. Như thế còn gì tồi tệ hơn? Họ nói nhiều về các thứ chẳng qua là để nhử các đối thủ vào cạm bẫy. Tôi muốn giúp đỡ những người xung quanh thì lại bị cái chết đe dọa. Tôi không hiểu, thậm chí không thể nào hiểu nổi có người đàn bà lại tồi tệ đến thế. Mụ ta muốn tôi chết, trong khi tôi đến để cứu mụ. Đúng như vậy. Tôi đã gặp Rôcốp, một kẻ khốn nạn định giết mụ. Vậy mà trước mặt cảnh sát, mụ ta lại buộc tội tôi. Rôcốp biết rõ là tôi hay đi trên đường phố Maule. Có lẽ hắn đã đặt bẫy và bày ra kế hoạch giết tôi rất tỉ mỉ. Kể cả câu trả lời của mụ đàn bà với cảnh sát, nếu kế hoạch không thành. Có lẽ thế, bây giờ thì mọi việc đã rõ ràng.

– Đấy, cậu thấy đấy! – Ácnốt nói – Tôi đã nói với cậu bao lần rồi mà cậu không nghe. Tốt nhất là buổi tối không nên đi qua phố Maule.

– Ngược lại thì có, – Tácdăng cười ngang ngạnh – Tôi cũng nói với anh bao lần rồi. Pari chẳng có phố nào lý thú hơn phố Maule. Cho nên lần sau hễ có dịp, tôi lại đi đường ấy. Bước trên những đoạn đường gập ghềnh tối tăm trên phố ấy, tôi thường có cảm giác là mình vẫn chưa từ giã châu Phi. Đường phố đó rất có giá. Nó đã đem lại cho tôi nhiều cảm giác thú vị.

– Đúng thế, nó còn có thể đem lại cho cậu nhiều hơn những chuyện mà cậu mong ước. Đó là nhà tù – Ácnốt châm chọc – Cậu đừng quên rằng mình còn đang mắc nợ với cảnh sát. Tôi rất hiểu cảnh sát Pari, nên dám chắc với cậu là cảnh sát không dễ gì bỏ qua sự kiện tối qua. Sớm hay muộn họ cũng tóm được cậu, Tácdăng ạ! Họ sẽ tóm được chàng người rừng và đặt chàng vào trong lưới sắt. Cậu thích chứ?

– Tácdăng – con của mẹ vượn Kala không bao giờ chịu rơi vào lưới sắt! – Tácdăng nghiến răng nói. Trong giọng nói có một cái gì đó rất hứng thú khiến cho trung úy Ácnốt phải nhìn vào mặt Tácdăng. Ácnốt thấy bạn mình vẫn còn là một cậu bé to xác, ngốc nghếch, nhưng cũng thật dễ thương. Cậu bé khổng lồ này vẫn chưa chịu thừa nhận một thứ luật nào ngoài thứ luật rừng xanh. Cậu ta chỉ tin vào sức mạnh của mình. Nhưng Ácnốt cũng thấy rằng mình phải làm ngay một việc trước khi Tácdăng bị cảnh sát phát hiện ra.

– Cậu còn phải học nhiều, Tácdăng ạ! – Ácnốt nói rất nghiêm nghị – Cần phải tôn trọng luật pháp của con người, cho dù cậu thích hay không thích. Nếu cậu cứ tiếp tục gây chuyện với cảnh sát thì cậu và bạn cậu đây sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Lần này tôi sẽ giải thích cho cảnh sát biết cậu là ai, vì sao cậu làm như vậy. Nhưng từ này trở đi, cậu phải biết tôn trọng pháp luật. Nếu một viên cảnh sát nào đó bảo cậu: “Hãy đi theo tôi!”. Cậu phải đi. Còn bây giờ tôi sẽ dẫn cậu đến một đồn cảnh sát. Ở đó, tôi có một người bạn rất thân. Chúng ta cần giải quyết sớm câu chuyện rắc rồi đó. Chúng ta đi thôi!

Khoảng nửa tiếng sau, Ácnốt và Tácdăng bước vào đồn, gặp viên thanh tra. Do quan hệ bạn bè với Ácnốt, viên thanh tra tỏ ra rất niềm nở. Đứng trong phòng, Tácdăng nhớ ngay tới lần Ácnốt dẫn mình vào cơ quan cảnh sát hình sự để nghiên cứu xác định vân tay. Sau khi Ácnốt kể xong câu chuyện của Tácdăng ở phố Maule hôm trước, nụ cười vui vẻ trên môi viên thanh tra vụt tắt. Ông vội chộp lấy máy điện thoại. Trong khi chờ nhân viên của mình, viên thanh tra không hề nói với Ácnốt một lời. Ông lẳng lặng lục tìm một tờ giấy nào đó trong tập giấy ở mặt bàn. Trong phòng im lặng một cách căng thẳng.

– Giubông! – Viên thanh tra nói với người vừa bước vào phòng – Anh gọi ngay mấy vị ấy đến văn phòng.

Viên thanh tra đưa cho người nhận lệnh một tờ giấy rồi quay sang Tácdăng.

– Ông đã phạm luật rất nặng, – Viên thanh tra nói, nhưng giọng không có vẻ gay gắt – Nếu không có Ácnốt, bạn ông giải thích, kết luận của tôi sẽ hoàn toàn khác, sẽ rất nghiêm trọng. Còn bây giờ thì tôi sẽ phải làm một việc xưa nay chưa bao giờ làm. Tôi đã cho gọi những người đồng nghiệp của tôi đến. Họ đã bị ông cho một bài học rất khó chịu tối hôm qua. Lát nữa, họ sẽ nghe bạn ông trình bày cặn kẽ về ông. Sau đó chính họ sẽ tự quyết định xem ông bị hình phạt thế nào, phạt hay không phạt. Ông phải tìm hiểu nhiều hơn nữa về xã hội loài người. Những cái mà ông cho là kỳ quặc, vô lý, thừa thãi lâu nay, ông phải chấp nhận. Ông phải tôn trọng nó, mặc dù tự ông chưa giải thích được vì sao lại cần có nó. Những quy định của xã hội được đặt ra là cho số đông, chứ không phải đặt ra theo ý thích của một vài người. Còn các vị cảnh sát mà ông tấn công hôm qua là những người đang thi hành nhiệm vụ của mình. Họ duy trì những quy định của số đông, như tôi đã nói. Tất nhiên họ cũng như tôi, không thể biết được hết những trường hợp cụ thể. Ngày ngày họ phải đưa tính mạng của mình ra để bảo vệ tính mạng và tài sản của người khác. Họ bảo vệ tính mạng cho cả chính ông nữa. Họ là những người đàn ông can đảm. Họ cảm thấy xấu hổ khi đã bị ông, một người đơn thương độc mã, nói cho đúng thì… một người ngoại quốc, tay không vũ khí quật ngã. Ông đừng gây khó khăn cho họ và phải biết ơn sự tha thứ của họ. Nếu tôi không nhầm thì ông là một người rất dũng cảm. Những người như vậy bao giờ cũng cao thượng và độ lượng.

Lời dặn dò của viên thanh tra bị cắt đứt vì có bốn viên cảnh sát bước vào. Vừa trông thấy Tácdăng, cả bốn người đều giật mình.

– Thưa các quý ngài! – Viên thanh tra nói – Đây là trang công tử đã gây sự với các ngài đêm qua ở phố Maule. Ông ta đã đến để tự thú. Vì là một trường hợp đặc biệt, nên bây giờ các ngài hãy nghe trung úy Ácnốt kể đôi chút về tiểu sử của ông ta. Điều đó sẽ làm sáng tỏ hành động của ông ta. Nào, mời trung úy!

Trung úy Ácnốt kể đến nửa tiếng đồng hồ. Anh kể về cuộc sống của Tácdăng trong rừng sâu, người đã từng cứu anh và dạy anh cách tự vệ trước các loài dã thú. Trong suốt tuổi thơ và tuổi trưởng thành, Tácdăng đã phải sống theo quy luật cạnh tranh của các loài động vật. Vì vậy toàn bộ những phản ứng của Tácdăng mang tính bản năng nhiều hơn là trí tuệ. Tất nhiên Tácdăng không thể hiểu được cảnh sát nghĩ gì trong đầu khi định trói chàng. Trong quan niệm của chàng, cảnh sát cũng không khác gì những địch thủ của chàng trong rừng già châu Phi.

– Các ngài đã bị thua – Cuối cùng Ácnốt đi tới kết luận – Uy tín của các ngài bị sứt mẻ. Nhưng không nên xấu hổ vì điều đó. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, có gì phải xấu hổ khi thua trong một trận chiến đấu với một con báo hay một con hổ?

Bốn viên cảnh sát đứng nghe không nhúc nhích. Thỉnh thoảng họ nhìn Tácdăng với cặp mắt tò mò rồi lại liếc sang viên thanh tra.

– Tôi rất lấy làm tiếc vì đã vi phạm pháp luật! – Tácdăng nói rất ngắn, nhưng giọng rất chân thành – Mong rằng chúng ta là bạn của nhau!

Thế là toàn bộ câu chuyện đã được khép lại. Từ đó, nhân vật Tácdăng được bàn tán không ngớt trong các đồn cảnh sát ở Pari. Bốn vị cảnh sát còn cảm thấy hãnh diện vì đã từng chiến đấu với Tácdăng.

° ° ° Từ đồn cảnh sát về nhà, trung úy Ácnốt nhận được thư của một người bạn từ nước Anh – thư của Xêxin Clâytơn. Ácnốt và Clâytơn đã trở thành bạn bè trong những ngày tìm kiếm dấu vết của Gian Potơrôva trong rừng sâu.

– Hai tháng nữa họ sẽ tổ chức cưới ở Luân Đôn – Ácnốt nói, sau khi đọc xong lá thư. Tất nhiên anh không giải thích cho Tácdăng cặp kết hôn đó là ai. Tácdăng nín lặng, không nói một lời. Từ lúc đó cho tới tận chiều tối, chàng thẫn thờ như kẻ mất hồn.

Biết tâm trạng của bạn mình, Ácnốt kéo Tácdăng đi xem ôpêra. Ngồi trong nhà hát, mặc dù nhìn lên sân khấu, nhưng suốt cả buổi diễn Tácdăng không biết người ta diễn trò gì. Hình ảnh cô gái Mỹ xinh đẹp mà chàng cứu sống cứ hiện ra trong đầu. Vẫn còn văng vẳng đâu đây cái giọng con gái ngọt ngào và buồn bã: “… em cũng yêu anh”. Cô đã thú nhận là cô yêu chàng, vậy mà bây giờ cô lại lấy người khác. Những kỷ niệm buồn bã xô đuổi nhau trong đầu Tácdăng. Tácdăng khẽ lắc đầu, cố xua đuổi những ý nghĩ nặng nề đang ám ảnh lòng mình. Chợt Tácdăng có cảm giác là một người nào đó đang nhìn mình. Chàng quay đầu lại và bắt gặp đôi mắt đẹp mê hồn của nữ bá tước Ônga Đơ Côngđơ. Chàng khẽ cúi đầu chào và nhận ra lời mời của nữ bá tước. Cô gái muốn chàng đến chỗ mình. Tranh thủ thời gian giải lao giữa buổi diễn, Tácdăng len đến lô ghế của nữ bá tước.

– Anh có biết là tôi mong gặp anh thế nào không? – Cô gái mở đầu câu chuyện – Tôi rất khổ tâm, anh ạ! Vì sau khi anh giúp đỡ vợ chồng tôi trên tàu, tôi vẫn chưa có dịp giải thích cho anh hiểu vì sao chúng tôi lại không có những hành động kiên quyết để ngăn chặn bàn tay tàn bạo của hai gã đàn ông đó.

– Cô nhầm rồi! – Tácdăng lắc đầu, đáp – mỗi khi nghĩ tới cô, bao giờ tôi cũng cảm thấy thanh thản và dễ chịu. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc sống. Cô đừng phiền lòng vì chuyện chưa giải thích cho tôi biết vì sao cô không tố cáo chúng. Tôi chẳng quan tâm lắm. Hay là chúng lại tiếp tục quấy nhiễu cuộc sống của cô?

– Bọn chúng chẳng bao giờ chịu chùn tay đâu! – Cô gái buồn bã trả lời – Tôi muốn dốc lòng mình ra mà kể hết cho người nào đó biết, nhưng tôi không có người nào đáng tin cậy hơn… Anh cho phép tôi làm điều đó. Có thể là điều đó còn có lợi cho cả anh. Bởi vì tôi biết rõ Nicôlai Rôcốp. Tôi biết rằng sau khi tàu cập bến, anh còn đụng độ vơí Rôcốp lần nữa. Cho nên những điều tôi thổ lộ với anh có thể giúp anh chống đỡ được những mưu đồ đen tối của hắn. Nhưng tôi không thể nói hết với anh ở đây. Chiều mai, lúc 5 giờ, tôi ở nhà.

– Vậy thì tôi sẽ tới thăm cô vào lúc 5 giờ – Tácdăng đáp và nghiêng mình từ biệt nữ bá tước kiều diễm.

Nhưng thật buồn cho nữ bá tước. Trong khi hai người nói chuyện, Rôcốp và Páplôvích cùng đứng nấp ngay ở dưới lô ghế của họ. Hai tên du côn lắng nghe câu chuyện rồi nhìn nhau cười đắc ý.

° ° °

Bốn rưỡi chiều hôm sau, cổng nhà nữ bá tước có người giật chuông. Đó là một người đàn ông mặt mũi râu ria, thân hình rám nắng. Khi bước ra mở cổng, người đầy tớ đứng sững lại, nhíu lông mày vì bộ dạng khả nghi của khách. Thoạt đầu anh ta định quay vào, không mở. Nhưng sau mấy lời trao đổi ngắn ngủi, người đàn ông liền thả vào tay người hầu cái gì đó. Người hầu liên mở cổng rồi dẫn khách đi vào theo một hành lang kín đáo. Hành lang nối liền với một ban công – nơi nữ bá tước thường hay ngồi uống chè thơm vào buổi chiều.

Nửa tiếng sau, Tácdăng cũng tới giật chuông. Chàng lập tức được dẫn vào phòng khách. Chỉ một vài giây sau, bà chủ trẻ tuổi xinh đẹp đã bước vào, mỉm cười, đưa tay đón khách.

– Tôi rất mừng vì anh đã đến! – Nữ bá tước nói một cách chân thành.

– Tôi rất sẵn thời gian và chẳng ai ngăn cản hết, thưa nữ bá tước! – Tácdăng trả lời.

Thoạt đầu, hai người trẻ tuổi đó nói chuyện về nghệ thuật Ôpêra và những sự kiện xảy ra ở Pari mà cả hai cùng biết. Cả hai rất vui, vì sau sự quen biết ngắn ngủi và đột ngột trên tàu khách viễn dương, không ngờ hôm nay họ lại ngồi bên nhau. Tất nhiên, niềm vui của nữ bá tước không thể kéo dài. Cuối cùng, câu chuyện của hai người cũng phải hướng vào đề tài mà cả hai cùng quan tâm.

– Chắc rằng anh rất ngạc nhiên vì sao Rôcốp cứ lẵng nhẵng bám theo chúng tôi đến thế. Thật ra, chuyện đó rất đơn giản. Chồng tôi đang làm việc cho Bộ Chiến tranh. Trong tay ông ấy có rất nhiều tư liệu mà các nước thèm khát. Đó là những tài liệu có ý nghĩa bí mật quốc gia. Tình báo các nước có thể vì chúng mà xắn tay vào việc thủ tiêu chồng tôi. Chẳng hạn, ngay lúc này đây, chồng tôi đang có một tài liệu quý. Tài liệu đó có thể đem lại cho một người Nga nào đó cả một gia tài đồ sộ nếu như chồng tôi không công bố và báo cho chính phủ Pháp. Chính Rôcốp và Páplôvích là hai gián điệp của Nga hoàng. Hai tên này biết rõ giá trị của tài liệu nên đang tìm mọi cách chiếm đoạt. Chuyện xảy ra trên tàu khách viễn dương, hay chính xác hơn là xung đột ở sòng bạc hôm ấy không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu, anh ạ. Chúng muốn đe dọa chồng tôi, buộc chồng tôi phải đưa cho chúng. Nếu như chúng thành công trong việc bôi nhọ danh dự chồng tôi khi chơi bài, uy tín, địa vị của ông ấy sẽ bị hạ thấp, thậm chí ông ấy có thể bị thải hồi khỏi Bộ Chiến tranh. Mà nếu như vậy, chồng tôi còn dám ngẩng đầu nhìn ai nữa! Nếu không có anh làm chứng, minh oan cho chồng tôi, có lẽ chồng tôi sẽ phải trao cho chúng tài liệu đó, để chúng im miệng, không tố cáo anh ấy trước dư luận. Kết cục là anh đã phá tan mưu đồ của chúng. Vì vậy chúng lại vạch ra một kế hoạch mới. Màn kịch bày đặt ra trong đêm hôm ấy là nhằm đánh vào danh dự của tôi. Khi Páplôvích lọt vào buồng ngủ của tôi, hắn đã ngã giá với tôi. Hắn nói rằng, nếu tôi tìm cách lấy được tài liệu đó, đưa cho chúng, chúng sẽ để cho vợ chồng tôi được sống yên ổn. Ngược lại, nếu tôi không trao tài liệu, Rôcốp sẽ dẫn viên thuyền trưởng tới, cho ông ta thấy cảnh tôi với một người đàn ông không quen biết trong buồng. Sau đó chúng sẽ rêu rao chuyện đó khắp trên tàu và khi trời hửng sáng chúng sẽ đến kể cho mấy nhà báo đang rỗi bút và thèm khát những chuyện giật gân.

Nhưng hắn không thể đe dọa nổi tôi, mà ngược lại. Bởi vì tôi biết những chuyện tày đình của hắn. Nếu tôi báo cho cảnh sát Pêtécbua biết, hắn sẽ bị treo cổ. Thế là hắn lao vào tôi như một thằng điên. Nếu anh không xông vào, có lẽ tôi đã bị hắn giết.

– Đồ súc vật! – Tácdăng lẩm bẩm.

– Chúng còn tồi tệ hơn súc vật, bạn ơi! – Cô gái nói – Chúng là những con quỷ đội lốt người. Tôi lo cho anh, bởi vì chúng căm thù anh. Mong rằng đừng bao giờ anh mất cảnh giác. Hãy hứa với tôi đi, bạn! Hứa rằng, lúc nào bạn cũng thận trọng đề phòng! Tôi không bao giờ tha thứ cho anh nếu như anh gặp chuyện không lành, mà chung quy chỉ vì lòng tốt với tôi trên con tàu ngày ấy!

– Tôi sợ gì chúng! – Tácdăng trả lời – Tôi đã gặp những kẻ thù còn ghê gớm hơn Rôcốp và Páplôvích nhiều.

Nghe qua câu chuyện, Tácdăng đoán rằng Ônga không hề biết chuyện đã xảy ra trên đường phố Maule. Tácdăng định kể, nhưng lại mím môi, im lặng. Chàng không muốn khơi lên trong lòng cô gái xinh đẹp và tội nghiệp này những lo lắng không cần thiết.

– Vì sao cô không tố cáo hai tên khốn nạn đó cho chính quyền trừng trị? Tòa án sẽ khởi tố ngay thôi.

Cô gái do dự hồi lâu rồi mới trả lời.

– Tôi bị hai điều ràng buộc – Cô gái buồn bã lên tiếng – Lý do thứ nhất liên quan tới số phận chồng tôi. Lý do thứ hai… Đây mới là lý do chủ yếu. Tôi rất sợ tố cáo chúng. Điều này chỉ có tôi và Rôcốp biết với nhau mà thôi. Lạ thật! Tôi không hiểu… – Đột nhiên cô gái nín lặng rồi nhìn vị khách của mình hồi lâu bằng cái nhìn nghi ngại.

– Cô không hiểu điều gì? – Tácdăng cười, có vẻ nóng ruột vì tò mò.

– Tôi không hiểu nổi chính mình. Tôi không hiểu vì sao tôi lại muốn thổ lộ một câu chuyện rất riêng tư, bí mật. Một câu chuyện mà lâu nay tôi không đủ can đảm để giãi bày với cả chồng mình. Mong rằng anh sẽ hiểu tôi và cho tôi một lời khuyên tôi cần phải làm gì. Có lẽ anh không lên án tôi quá nghiêm khắc!

– Tôi nghĩ rằng mình là một vị quan tòa rất vụng, madam ạ! – Tácdăng mỉm cười – Nếu như cô nói rằng cô đã trót giết chết một trong hai đứa ấy, tôi sẽ nói rằng đó là việc làm rất tốt. Hắn không tránh được một số phận khác đâu.

– Lạy Chúa tôi! Không có chuyện đó! – Nữ bá tước kêu lên sợ hãi – Không thể có chuyện kinh khủng đó. Trước hết tôi muốn tiết lộ nguyên nhân vì sao chồng tôi không thể cự tuyệt hai kẻ đó. Nhưng chính tôi cũng không đủ can đảm tố cáo chúng. Anh biết cho! Rôcốp chính là… em trai tôi! – Ônga đơ Côngđơ thở dài. Cô trả lời như người vừa trút xong gánh nặng – Tôi là người Nga. Nicôlai từ trước đã là một gã trai đốn mạt. Nó đã từng là đại úy trong quân đội Nga hoàng. Nó phạm tội và bị thải hồi. Sau một thời gian, người ta như quên mất tội lỗi của nó. Cha tôi lại xoay xở cho nó một chỗ làm trong cơ quan mật vụ. Nó lại tiếp tục can án không biết bao nhiêu lần. Nhưng lần nào nó cũng thoát. Bởi vì lần nào nó cũng chứng minh rằng nạn nhân của nó là kẻ phản bội Sa hoàng. Nói như vậy thì cảnh sát Nga sẵn lòng tin theo. Nó tự do hoành hành, làm hại bất kỳ người nào, tùy ý. Lần nào cảnh sát cũng xác nhận lời khai của nó và thả nó ra.

– Chẳng lẽ sau bao nhiêu tội ác mà hắn gây ra với cô, chồng cô vẫn nhìn hắn như một người thân? – Tácdăng hỏi – Tại sao lúc nào hắn cũng tìm cách bôi nhọ danh dự chị gái, mà cô vẫn bỏ qua?

– Vâng, đúng là tôi phải tha thứ. Ở đây vẫn còn một lý do khác nữa. Mặc dù tôi không còn chịu trách nhiệm gì với nó, nhưng tôi vẫn bị ràng buộc, vì… nó biết rõ một chuyện nghiêm trọng trong cuộc sống riêng tư của tôi. Từ bé tôi đã được dạy dỗ trong tu viện. Nhưng chính ở đó, sau này tôi đã làm thân với một người đàn ông. Tôi thường nhìn người đàn ông đó như nhìn một người lịch sự, đứng đắn, hào hoa. Về đàn ông tôi hiểu rất ít. Đối với tình yêu tôi còn hiểu ít hơn. Tôi đã đinh ninh rằng tôi yêu người ấy và người ấy cũng yêu tôi. Vì vậy, nghe theo tiếng gọi giục giã của tình yêu, tôi đã cùng người ấy trốn khỏi tu viện. Tôi đã sống trong những ngày hạnh phúc với người ấy ở một nhà ga và trên xe lửa. Chúng tôi tới một thành phố và chuẩn bị vào nhà thờ xin làm lễ cưới. Nhưng lập tức có hai sĩ quan cảnh sát tới bắt giữ chúng tôi. Vừa nghe tôi giải thích vì sao tôi trốn, họ đã cởi trói cho tôi. Nhưng họ lại trả tôi về tu viện, dưới sự giám sát của một bà xơ quản giáo. Người đàn ông mà tôi yêu ấy hóa ra không phải là một thần tượng mày râu mà là một gã đào ngũ. Hắn đang bị truy nã. Tên hắn có trong sổ đen của cảnh sát hầu hết các nước châu Âu. Nhờ tu viện can thiệp, toàn bộ câu chuyện của tôi được giữ kín. Cả cha mẹ tôi cũng không biết. Nhưng sau này Nicôlai đã gặp tên lừa bịp đó và được nghe hết câu chuyện. Bây giờ nó vẫn dọa là sẽ kể cho chồng tôi biết, nếu như tôi không chịu làm theo lời nó.

– Hóa ra madam vẫn còn là một cô bé con – Tácdăng cười – Những điều mà cô kể cho tôi không mảy may đụng chạm tới danh dự của cô. Khi cô đã có một trái tim chân thành, rộng mở thì… chính cô cũng biết, cô bao giờ cũng là một người trong trắng và trung thực. Đêm nay khi chồng cô về, cô hãy kể tất cả, giống như cô vừa kể với tôi. Tôi đoán rằng ông ấy sẽ phì cười vì nỗi lo sợ thừa thãi, vô lý lâu nay của vợ mình. Và rồi ông ấy sẽ ra tay hành động để ông em quý hóa của cô tìm được chỗ ở thích hợp – đó là nhà tù.

– Ước gì tôi lấy được lòng can đảm trước chồng tôi! – Cô gái thở dài – lúc nào tôi cũng sợ. Từ bé, người ta đã làm cho tôi sợ đàn ông. Thoạt đầu tôi sợ cha tôi, sau đó sợ Nicôlai, cuối cùng là sợ các thầy tu trong trường. Gần như tất cả các bạn gái của tôi đều sợ đàn ông. Thế thì hỏi rằng làm sao tôi lại không sợ?

– Tôi cảm thấy rất vô lý khi đàn bà lại sợ đàn ông – Tácdăng lên tiếng phản tối. Tuy nhiên giọng chàng không được tự tin cho lắm – Tôi hiểu đời sống trong rừng già hơn cuộc sống con người. Quả là ở trong rừng con đực thường bắt nạt con cái. Nhưng còn ở đây? Tôi không hiểu vì sao những người đàn bà văn minh lại đi sợ đàn ông – những người được sinh ra là để bảo vệ đàn bà. Tôi không thích có người đàn bà nào đó lại sợ tôi.

– Tôi nghĩ rằng chẳng có người đàn bà nào trên đời này sợ bạn đâu, bạn ạ! – Ônga Đơ Côngđơ thốt lên và nhìn Tácdăng một cách trìu mến – Tôi biết về anh ít thôi. Anh cũng có vẻ kì dị thế nào ấy. Nhưng anh chính là người đàn ông không bao giờ làm tôi sợ. Bởi vì anh… tràn trề sức mạnh. Tôi rất kinh ngạc, không hiểu vì sao anh lại chiến thắng Rôcốp và Páplô vích dễ dàng đến thế. Anh thật là… oai hùng.

Khi tạm biệt ra về, Tácdăng ngạc nhiên nhìn nữ bá tước. Cô gái xinh đẹp này bắt chàng ngay hôm sau phải đến. Thậm chí cô còn bắt chàng hứa rằng sẽ đến vào sáng sớm.

Đôi mắt sáng, sâu thẳm của cô gái nhìn theo như đưa tiễn Tácdăng đến hết cả chặng đường về. Đôi mắt ấy cứ sáng mãi trong lòng chàng cho tới tận nửa đêm. Nào có gì khó hiểu! Ônga Đơ Côngđơ là một người phụ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp, đang khao khát hạnh phúc. Còn Tácdăng là một chàng trai cô độc, đang trong tâm trạng bị bỏ rơi. Chàng rất khỏe nhưng trái tim thì lại bị tổn thương, đang cần chạy chữa. Trái tim đau khổ ấy chỉ có thể chữa bằng vẻ đẹp và sự dịu dàng của người phụ nữ mà thôi.

° ° ° Nữ bá tước tiễn khách xong, vừa quay về phòng đã đối mặt ngay với đứa em ruột của mình. Rôcốp đã đứng trong phòng từ lúc nào không rõ.

– Mày ở đây lâu chưa? – Cô gái quát to rồi quay lưng lại, không thèm nhìn mặt.

– Từ lúc gã tình nhân của bà bước vào. – Rôcốp nói cười nhăn nhở.

– Im mồm! – Cô gái giận dữ quát lên – Mày không được phép nói như vậy với chị gái của mày.

– Được thôi, bà chị yêu quý! Nếu đến giờ này hắn chưa phải là tình nhân của chị, tôi xin lỗi. Tất nhiên đó không phải là lỗi của bà. Nếu như hắn cũng chỉ biết đàn bà một tí tẹo như tôi thì đúng là một thằng ngu. Ônga! Vì sao bà rộng lòng cho hắn nhiều cơ hội tán tỉnh bà như vậy? Mà hắn thì không biết gì.

Người thiếu phụ bịt tai lại.

– Tao không nghe nữa! Nói như vậy thì mày đúng là một kẻ độc ác. Mày cứ đe dọa nữa đi, tùy thích! Trước sau tao vẫn là một người đàn bà trong sạch. Đêm nay mày sẽ không còn cơ hội nào tống tiền tao nữa. Bởi vì tao sẽ kể hết mọi chuyện với Raun. Anh ấy sẽ thông cảm mọi chuyện và rồi… Liệu hồn đấy, Nicôlai!

– Bà sẽ chẳng nói gì hết! – Rôcốp trả lời – mọi chuyện đã rõ như ban ngày. Nhờ một kẻ hầu phòng của bà, tôi đã có những bằng chứng cần thiết. Sắp đến lúc rồi. Câu chuyện chạy trốn khỏi tu viện đã có giá trị rồi. Tôi đã có trong tay tất cả những con át của cỗ bài. Chuyện tày đình trong tu viện như vậy, mà vẫn được chồng yêu! Thật không biết xấu hổ. Che cái mặt đị, Ônga! – Rôcốp cười nhếch mép.

Đúng như Rôcốp dự đoán. Nữ bá tước đã không nói với chồng mảy may điều gì. Sức khỏe của cô mỗi ngày một kém. Nỗi sợ hãi mơ hồ đã biến thành mối lo thực sự. Mối lo ấy mỗi ngày một lớn vì sự dằn vặt lương tâm.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.