Tầng Đầu Địa Ngục

Chương 5



Một cuộc sống êm đềm

Gleb Nerzhin cùng tuổi với Valentine Pryanchikov nhưng trông anh có vẻ già hơn nhiều. Mái tóc hung hung đỏ của anh không thưa và cũng chưa bạc, song trên khuôn mặt mệt mỏi của anh đã có nhiều vết nhăn đậm, những vết nhăn xúm xít ở hai đuôi mắt anh, ở hai bên mép anh và trên trán anh có nhiều đường nhăn dài. Nước da anh như phai màu vì cuộc sống thiếu ánh nắng và gió. Nhưng thực ra chính là vì vẻ hà tiện cử chỉ làm cho anh có vẻ già – tiết kiệm cử chỉ là một thái độ mà thiên nhiên đã dạy cho những người sống lâu năm trong tù để có thể có đủ sức chống chọi lại với chế độ tàn nhẫn của những trại tập trung. Thực ra, sống trong nhà tù đặc biệt này, tù nhân được tương đối tự do, được ăn thịt và năng lực không bị tiêu mất vì những công việc lao động chân tay nặng nhọc. Nerzhin không cần phải tiết kiệm cử chỉ nhưng anh biết rõ hơn ai hết tình trạng bấp bênh đầy bất ngờ của bạn tù của anh ở đây nên anh vẫn tiết kiệm để đề phòng, anh muốn thái độ đó trở thành một thói quen thường trực của anh.

Từng chồng sách vở và hồ sơ dựng lên trên mặt bàn của anh, ngay cả phần mặt bàn dành để làm việc cũng bị hồ sơ xâm lấn, lẫn vào đó là những bản đánh máy, những tập san Nga và ngoại quốc – tất cả đều mở. Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy trên cảnh hỗn độn, vô trật tự của mặ bà này dấu vết để lại của cơn bão lốc tư tưởng khoa học.

Nhưng thực ra, cảnh đó chỉ là một bộ mặt che đậy. Nerzhin dàn cảnh đó mỗi ngày đề phòng những viên chức có quyền kiểm soát trong nhà tù này bất ngờ đến bàn anh xem anh đang làm gì.

Ngay lúc này, anh không để mắt tới những gì được bày trên bàn anh. Anh đã kéo tấm màn che cửa sổ hở ra và anh nhìn qua đó ra vùng tối đen bên ngoài. Xa kia trong nền trời đêm âm u, ánh sáng của Mạc Tư Khoa lấp lánh, thành phố bị che khuất vì một ngọn đồi, sáng như một cột ánh sáng mờ khổng lồ làm cho nền trời trở thành có màu nâu sậm.

Chiếc ghế ngồi đặc biệt của Nerzhin, chiếc ghế có lò xo mắc vào thành để người ngồi có thể ngả người được một cách thoải mái, cái bàn bằng sắt có nhiều ô kéo không phải là kiểu bàn được chế tạo trong Liên bang Xô Viết cùng chỗ ngồi nhìn ngay ra cửa sổ phía nam của Nerzhin có thể là những bằng chứng cho những người quen thuộc với lịch sử biết rằng anh là một người lập nên nhà tù này, hoặc nói một cách khác, anh là tù nhân đầu tiên trong số những tù nhân đầu tiên được đưa tới làm việc ở đây.

° ° °

Nhà tù đặc biệt này lấy tên làng Mavrino ở gần đây, làng này từ lâu đã bị sáp nhập vào vùng ngoại thành Mạc Tư Khoa. Những nhà tù đặc biệt kiểu này được lập lên vào một đêm tháng Bảy cách đây đã ba năm. Thoạt đầu, người ta lựa trong những trại tập trung từng toán khoảng mười lăm người đưa về sống trong một tòa nhà nào đó ở vùng Mạc Tư Khoa, chung quanh tòa nhà này đã được rào bằng dây thép gai. Những nhà tù đặc biệt thời ấy được gọi là nhà tù thời “Krylov” và được người ta nhớ lại như một thời dễ chịu hơn bây giờ nhiều. Thời đó ở đây buổi tối tù nhân có thể được tự do đi quanh quẩn ở khu vực bây giờ là “khu cấm”. Đó là khu bãi cỏ nằm giữa lối đi chung quanh nhà và hàng rào dây thép gai. Khu này có cỏ xanh, mặc dù luật bắt phải cắt hết cỏ chung quanh nhà tù đi vì bọn tù có thể ban đêm, bò trên cỏ đến hàng rào nhưng ở đây người ta vẫn để nguyên cỏ. Trong thời mới thành lập nhà tù đặc biệt Mavrino, ban đêm những tù nhân đi dạo thường trông thấy Zhvakun, một trung sĩ chuyên gác đêm, mồ hôi mồ kê vẫn những khúc gỗ do y lấy cắp được của đống gỗ trong nhà tù, luồn ra dưới hàng rào dây thép gai để đem về nhà làm củi đun.

Trong thời gian đầu, không một ai, kể cả những cai ngục, trong nhà tù Mavrino biết rõ về mục đích khoa học của nhà tù, nghĩa là không ai biết những khoa học gia được đưa về đây sẽ làm gì, nghiên cứu gì? Suốt ngày tù nhân bận rộn với việc tháo, mở những thùng cây đóng kín được hai chuyến xe hỏa chở tới. Trong những thùng cây đó họ lấy ra những dụng cụ, máy móc về âm thanh, vô tuyến, điện thoại, những bộ máy siêu tần số đã lạc hậu và hư hỏng, nhiều máy thiếu mất những bộ phận quan trọng nhất. Về sau người ta được biế đó là những dàn máy những dụng cụ âm thính học do quân đội Nga tịch thu được của người Đức ở Bá Linh và gửi về, nhưng những dụng cụ điện tử tối tân nhất cùng những tài liệu về những dụng cụ này đã bị những tù binh Đức lo việc đóng thùng, vô thùng phá hủy, lấy đi mất trong khi gã Đại úy mật vụ được phái đến chỉ huy vụ này suốt ngày mò mẫm đi khắp vùng Bá Linh để tìm bàn ghế, giường tủ bằng gỗ quý gửi về cho các sĩ quan thượng cấp và cho chính nhà gã. Tất nhiên là những đồ đạc này cũng được coi là chiến lợi phẩm. Gã đại úy này biết rành về bàn ghế, giường tủ hơn là biết về dụng cụ âm thanh học.

Trong khoảng một năm trở lại đây, cỏ trong vườn bao quanh nhà đã bị cắt. Khung cửa sắt từ nhà ra khu vường nơi những tù nhân tập thể dục luôn luôn đóng khóa và có lính gác. Nhà tù đặc biệt Mavrino được chuyển từ quyền tài phán của Béria sang quyền tài phán của Abokumov và mọi người trong nhà tù này được đặt vào việc nghiên cứu âm thanh để chế tạo những máy điện thoại riêng cho Stalin và dò xét những cuộc điện đàm bí mật. Việc nghiên cứu này được giới hạn trong vòng một năm nhưng đã kéo dài đến hai năm mà vẫn chưa có kết quả đáng kể. Cuộc nghiên cứu mỗi ngày một trở thành rộng hơn, phức tạp hơn kéo theo nhiều công tác phụ thuộc khác. Giờ đây trên bàn giấy Rubin và Nerzhin, cuộc nghiên cứu đa đi đến giai đoạn tìm cách nhận ra tiếng nói đặc biệt của một người qua máy điện thoại và khám phá ra có những gì làm cho tiếng nói của con người không thể lẫn lộn được với nhau.

Trước họ, chưa có ai thực hiện cuộc nghiên cứu thí nghiệm này. Họ không tìm thấy một báo cáo, một tài liệu nhỏ nào có sẵn liên can đến việc họ tìm tòi. Họ được cho thời hạn sáu tháng để hoàn thành và sau đó được nới thêm sáu tháng nữa. Họ tiến triển chậm và giờ đây, thời gian còn lại của họ đã gần hết.

Bị ám ảnh sự thúc bách này, Rubin than:

“Không biết sao đêm nay tôi không muốn làm việc chút nào.”

“Lạ nhỉ?” – Nerzhin nói – “Anh chỉ mới tham dự chiến tranh có bốn năm, mới ở tù có năm năm mà anh đã mệt mỏi rồi sao? Anh nên đi nghỉ vài tháng ở Crimea.” 1

Họ yên lặng.

“Phải anh đang bận làm việc riêng không?” Rubin thản nhiên hỏi.

“Có thể.” Nerzhin trả lời mơ hồ.

“Vậy thì ai sẽ là người làm cuộc nghiên cứu tiếng nói?”

“Nói thật với anh tôi trông cậy ở anh.”

“Kỳ cục thật, tôi cũng đang trông cậy ở anh.”

“Anh là người không có lương tâm. Anh đã mượn được bao nhiêu sách ở thư viện Lenin nhờ công việc này? Theo tôi biết sơ thì quyển Diễn văn của những luật sư danh tiếng. Hồi ký của Koni, quyển Người nghệ sĩ chuẩn bị của Stanishlavky. Làm gì có người tù thứ hai nào trên khắp liên bang này được đọc một số sách như anh.”

Rubin trề môi ra, cái trề môi này luôn luôn làm cho khuôn mặt anh trở thành khôi hài:

“Kể cũng buồn cười. Tôi đọc tất cả những quyển sách mượn được đó cùng với một người nữa ở đây, nhiều khi người đó đọc sách ngay trong giờ làm việc. Hình như người đó là anh, phải không nhỉ?”

“Đúng là tôi. Đáng lẽ phải làm việc thì tôi bắt chước anh ngồi lén đọc sách. Ngay cả đêm nay nữa, đáng lẽ ra tôi phải làm việc rất hăng, nhưng đêm nay tôi không làm việc được vì có hai việc ám ảnh tôi. Một việc thuộc về dĩ vãng. Tôi đang bận tâm vì một số những tấm ván lát nền một tòa nhà.”

“Những tấm ván lát sàn tòa nhà nào?”

Rubin có vẻ ngạc nhiên khi anh hỏi bạn câu trên.

“Một tòa nhà ở cổng Kaluga” – Nerzhin âu sầu đáp – “một tòa nhà được xây dựng trên cho nhân viên chính phủ ở. Tôi nhớ rõ đó là tòa nhà hình tròn có cái tháp cũng tròn. Năm 1945, tôi ở trong số tù nhân được đưa đến xây tòa nhà đó. Năm đó tôi chỉ là một anh thợ tập việc. Tôi phụ trách việc lát những tấm ván làm sàn nhà. Mới hôm nay tôi được tin là Roitman đang ngụ trong tòa nhà đó. Tôi nhớ lại những sàn phòng do tôi dựng lên ở đó và tôi thắc mắc nhiều vì việc những sàn phòng đó bị hở, hoặc kêu khi chân người dẫm lên. Nếu sàn phòng hở hoặc kêu là do người thợ làm sàn không được rành nghề. Tôi thắc mắc nhưng không có cách nào được biết rõ, mà có được biết rõ, tôi càng khổ sở thêm, vì tôi không có cách nào sản xuất được khuyết điểm ấy.”

“Anh thắc mắc là phải. Chuyện cả anh đúng là một cơn ác mộng. Còn việc thứ hai?”

“Việc thứ hai là: chúng ta có thể làm việc được trong đêm thứ bảy không khi ta biết rằng chủ nhật là ngày chỉ có những người tự do mới được nghỉ làm việc?”

Rubin thở dài:

“Ngay cả lúc này, khi chúng ta ngồi đây, những viên chức tự do đang ở những chỗ giải trí vui vẻ. Tình trạng này quả là khó chịu.”

“Nhưng họ có đến được những nơi xứng đáng hay không, họ có được hưởng gì ở cuộc đời này nhiều hơn chúng mình không? Đó mới là vấn đề.”

Họ nói chuyện nồng nàn nhưng thói quen giữ bí mật của những tù nhân vẫn làm cho họ giữ được tình trạng nói chuyện với nhau mà người ngồi gần họ nhất là Serafima Vitalyevna, người thiếu nữ gày gò với khuôn mặt nghiêm trọng, một viên chức tự do, vẫn không nghe được tiếng họ nói.

Bây giờ hai người bạn tù ngồi hơi nghiêng mặt về cùng một phía. Họ cùng nhìn ra cửa sổ về khu cấm bên ngoài nhà giam, họ không nhìn thấy nhưng cảm biết tháp canh đứng sừng sững trong vùng đêm tôi, họ nhìn thấy những ánh đèn trong sương mờ và cột sáng bốc lên nền trời đêm từ thành phố xa.

Nerzhin, mặc dù là một nhà toán học, không xa lạ gì với địa hạt ngôn ngữ học. Kể từ ngày Viện Nghiên cứu khoa học Mavrino – một tên khác của chủ nhà tù đặc biệt này – bắt đầu mở cuộc nghiên cứu về âm thanh ngôn ngữ Nga, Nerzhin đã được xếp sắp làm việc chung với Rubin, nhà ngôn ngữ học duy nhất ở đây. Trong hai năm trời, họ đã ngồi gần nhau, dâu lưng vào nhau mười hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Và cũng ngay từ những ngày đầu gần nhau, họ đã khám phá ra họ có nhiều điểm giống nhau: cả hai cùng nhập ngũ và chiến đấu trên mặt trận, họ cùng ở mặt trận miền Tây Bắc và cả hai cùng có một số huy chương giống nhau, họ bị bắt ở trên mặt trận cùng trong một tháng và cùng do một trung đội mật vụ Smersh – những người đi bắt Rubin cũng là những người đến bắt Nerzhin – họ cùng bị bắt dưới tinh thần một sắc luật gồm mười điều – mười điều này có thể áp dụng trong tất cả mọi trường hợp, có thể dùng để kết tội và để bắt tất cả mọi người. Và cả hai người cùng bị xử tù mười năm. Thực ra, gần như tất cả mọi người bị bắt đều bị án tù mười năm. Sự khác biệt giữa họ chỉ là việc họ hơn kém nhau sáu tuổi – Nerzhin trẻ hơn Rubin – và Nerzhin là đại úy và Rubin là thiếu tá khi họ bị bắt. Họ nghĩ rằng rất có thể trước cuộc Thế chiến xảy ra Nerzhin từng đến nghe giáo sư Rubin giảng ít nhất là một lần trong trường đại học.

Hai người im lặng nhìn ra trời đêm một lúc lâu.

Rồi Rubin buồn rầu:

“Anh không có điều kiện để trau dồi kiến thức. Đó là điều làm tôi lo nhất.”

“Tôi không cần trau dồi kiến thức như ý anh, tôi không muốn hiểu ý nghĩa của cuộc sống, của vật chất. Ở đời này thiếu gì người hiểu biết nhưng có ích lợi gì đâu?”

“Tôi có quyển sách này, anh nên đọc.”

“Hemingway? Phải chăng đó lại là một quyển sách viết về đời sống của những con bò rừng bị người ta đẩy vào đấu trường ở Tây Ban Nha?”

“Không.”

“Về những con sư tử bị người ta tàn sát ở Phi châu?”

“Cũng không nữa?”

“Đến cả chuyện người tôi cũng còn không cần biết, tôi cần biết làm chi đến chuyện bò rừng, chuyện sư tử?”

“Anh cần phải đọc quyển sách này.”

Nerzhin gằn giọng:

“Tôi không cần phải làm bất cứ việc gì hết. Anh cần nhớ như thế. Tôi đã trả hết nợ nần của tôi đối với xã hội, với cuộc đời, như anh bạn của bọn mình là Spiridon đã nói.”

Rubin vẫn quả quyết:

“Anh phải đọc. Đây là một quyển sách giá trị nhất trong những quyển sách giá trị nhất của thế kỷ hai mươi.”

“Sách này liệu có thể đem lại cho tôi những gì tôi đích thực cần biết không? Tác giả nó có quả thật đã giải thích được sáng tỏ những gì đã làm cho loài người hoang mang, bối rối không?”

“Hemingway là một nhà văn thông minh, tinh thần tốt và vô cùng lương thiện. Ngoài ra, ông ta còn là một chiến sĩ, một người đi săn, một người bắt cá giỏi, ông thích rượu và thích đàn bà, ông yêu nhiều và sống thực bất kể những giả dối của đời, một người đàn ông đơn giản, một nhà văn rất người, ông có cái ngây thơ của một thiên tài…”

“Thôi đi bạn…”

Nerzhin cười nhẹ:

“Tôi đã sống qua ba mươi năm trời không có Hemingway và tôi còn cố sống được ít năm nữa. Trước đây anh đã thuyết phục tôi đọc Capek, rồi Fallada. Đời tôi đã tan nát đủ rồi, đừng làm cho nó tan nát thêm. Tôi cần tự mình tìm một hướng đi cho đời tôi mà không có sự chỉ bảo của bất cứ ai, nhất là của mấy ông văn sĩ.”

Nerzhin quay lại để ngồi thẳng vào bàn.

Rubin thở dài. Anh không nói nữa nhưng anh vẫn không cảm thấy hăng hái làm việc.

Anh nhìn lên tấm bản đồ Trung Hoa lục địa đặt trên ngăn kệ sắt. Anh cắt tấm bản đồ này từ một tờ nhật báo và dán no lên mộtmiếng giấy dầy. Suốt năm ngoái anh dùng viết chỉ đỏ ghi lên đấy bước tiến của quân đội Trung Hoa cộng sản và giờ đấy, sau khi quân đội đó thắng lợi hoàn toàn, anh để tấm bản đồ trước mặt anh để trong những lúc thất vọng và mệt mỏi, nó làm cho anh phấn khởi.

Nhưng đêm nay nỗi buồn rầu tràn đầy trong tâm hồn Rubin, khối chiến thắng lớn ở Trung Hoa cũng không làm cho anh vui lên được.

Nerzhin, thỉnh thoảng lại đưa đoạn cuối của cây viết bằng plastic lên môi, ngồi yên suy nghĩ, rồi anh viết những hàng chữ nhỏ, thanh thanh lên một tờ giấy dấu trong đống giấy tờ bừa bộn trên bàn:

Tôi nhớ lại một đoạn Marx nói (tôi khó tìm được đoạn này), rằng giai cấp vô sản chiến thắng có thể sống mà không cần tước đoạt hết tài sản tư hữu của giai cấp tiểu địa chủ. Điều này có nghĩa là Marx nhìn thấy một biện pháp kinh tế nào đó châp nhận sự có mặt của giai cấp nông dân trong chế độ xã hội mới. Tất nhiên là Người Cày đã không chịu tìm con đường mà Marx đã nói đến đó trong năm 1929. Nhưng tại sao ta lại hy vọng một người như hắn nghĩ ra một điều gì giá trị và tỏ ra thông minh? Khi một anh đồ tể đi làm thầy thuốc chữa bệnh… 2

Phòng Thí nghiệm và nghiên cứu âm thính sống với nhịp sống thường đêm của nó. Có tiếng động cơ ngừng nổ và tiếng người ra lệnh: “Chạy máy kia… Tắt máy này!” Tiếng nhạc du dương phát ra từ những chiếc radio. Có người nào đó hỏi xin một ống điện 6K7.

Nhân một lúc không có ai nhìn mình, Serafima Vitalyevna chăm chú nhìn Nerzhin, anh này vẫn cúi xuống viết những hàng chữ nhỏ xíu lên trang giấy.

Thiếu tá an ninh Shikin đã ra lệnh cho nàng phải theo dõi từng cử chỉ của tù nhân này.

— —— —— —— ——-

1 Crimea: nơi nghỉ mát của những lãnh tụ cộng sản Nga.

2 Marx được nói tới đây là Karx Marx, người khai sinh ra lý thuyết chủ nghĩa cộng sản. Người Cày được nói tới đây là một tên hiệu trong nhiều tên hiệu của Staline.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.