Tan Học Đừng Đến Văn Phòng Của Em

Chương 20



Trong bảy ngày nghỉ lễ Quốc khánh, đồng hồ sinh học của Sơ Trừng rất lộn xộn; sau khi trở lại làm việc, cậu bỗng cảm thấy hơi khó chịu khi phải dậy sớm để làm việc chăm chỉ.

Thế nhưng buổi họp phụ huynh đầu tiên trong sự nghiệp khiến cậu bận đến đầu tắt mặt tối, cậu lại không còn cảm giác khó chịu như thế nữa.

Thứ Tư là ngày họp phụ huynh khối Mười Một trường Trung học phổ thông số Mười nên học sinh không nhất thiết phải đến trường; các giáo viên bận rộn công tác, các phụ huynh cũng lần lượt đến.

Theo phân chia nội dung công việc trong cuộc trao đổi lần trước của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phó chủ nhiệm, Dụ Tư Đình chịu trách nhiệm chủ trì cuộc họp ngày hôm nay, đồng thời kiểm soát tình hình chung, Sơ Trừng ngồi ở phòng bên cạnh chịu trách nhiệm giải đáp những thắc mắc của phụ huynh về những vấn đề phát sinh.

Như thường lệ, trước khi phụ huynh được họp 1:1 với giáo viên, bọn họ phải trải qua các quy trình cố định như giáo viên chủ nhiệm khai mạc, phân tích thành tích, đề xuất biện pháp hợp tác giữa nhà trường và gia đình, phát biểu của lãnh đạo, v.v.

“Cảm ơn các bậc phụ huynh dù bận rộn nhưng vẫn dành thời gian đến tham dự buổi họp hôm nay. Thầy tên Dụ Tư Đình, giáo viên chủ nhiệm 11/7.”

Người trên bục giảng tuấn tú, cao một mét tám mươi tám, mỗi bước đi đều đầy vẻ uy nghiêm, tuy không cười nhưng hắn vẫn có thể nhận được sự ưu ái, tin tưởng của ba mẹ.

Lộc Ngôn với một số học sinh khác là ‘tình nguyện viên’ cho sự kiện này, các bạn chịu trách nhiệm điểm danh, tiếp đón và hướng dẫn ba mẹ. Bây giờ các bạn đang rảnh tay nên xếp hàng ở cửa sổ hành lang ngoài lớp học hóng hớt.

Một cô gái lấy điện thoại di động ra, dùng hai ngón tay zoom vào camera vô cùng thích thú ghi lại khuôn mặt lạnh lùng của Dụ Tư Đình.

“Khí chất của đại ca quá là tuyệt vời, đứng ở đó mà có thể ‘trấn’ được hết cục diện; phải nhanh chóng ghi hình lưu lại để sau này lấy vía đại thần trước ngày thi.”

“Được dịp gặp mặt mà sao thầy Sơ không tranh thủ cơ hội nhỉ?”

“Tao thấy thầy ấy trông trẻ với năng động quá, không có sức thuyết phục lắm.”

Sơ Trừng chuẩn bị nhiều tài liệu để lát nữa sử dụng, ngồi một lúc cũng chán nên cậu ra ngoài hít thở không khí trong lành.

Cậu vừa ngẩng đầu là đã thấy đám nhóc này trèo lên tường cửa sổ trên bàn ghế cao, cậu vội ngăn cản: “Mấy đứa xuống nhanh đi, đừng quấy rầy cuộc họp bên trong.”

Lộc Ngôn quay lại nhìn cậu: “Không sao đâu thầy Sơ, kính này cách âm, lại là kính một chiều nên từ bên trong không thấy được.”

Sơ Trừng nghi hoặc: “Thật không?”

“Thật mà, nãy giờ có mấy người thử rồi, thầy qua đây.” Các học sinh ăn ý nhích qua nhường cho cậu một khoảng trống nhỏ.

Sơ Trừng ngước lên do dự một lát, cuối cùng cậu không nhịn được mà nhẹ nhàng leo lên.

Chưa kể vị trí của cửa sổ hành lang này đặc biệt hoàn hảo, không chỉ có thể nhìn được tổng thể lớp học mà còn có thể nhìn thấy từng chuyển động của Dụ Tư Đình.

Sơ Trừng chưa bao giờ gặp nhiều phụ huynh đến thế. nếu là trò chuyện trực tiếp thì có thể cậu sẽ cảm thấy hơi khó chịu, thế nhưng nhìn trộm thì không.

Người ta thường nói ba mẹ là tấm gương soi con cái hẳn là đúng, Sơ Trừng có thể đoán đại khái gia đình học sinh bằng cách quan sát kĩ trang phục và hành vi của những người có mặt.

“Thầy Sơ có thể nhận ra ai là ba của con không?” Cậu học sinh đang nhìn trộm cạnh cậu bỗng thần bí hỏi.

“Ghế thứ tư cạnh cửa sổ.” Sơ Trừng không cần suy nghĩ mà nói.

Cậu học sinh nghiêng đầu kêu lên: “Wow đỉnh quá?!”

“Đỉnh là vậy đó hả? Chưa thấy rồi.” Lộc Ngôn cười vui vẻ nói: “Thầy Sơ cho nó xem trình của thầy đi.”

Sơ Trừng trả lời dễ dàng: “Được thôi từ sau ra trước nhé, hàng cuối cùng là Kiều An Trạch, Đồng Uyển, Trương Cạnh Lôi, ba mẹ Bạch Tiểu Long, từ trái lên trước là Trương Hi, Lý Thịnh, Từ Uyển Uyển, Mục Nhất Dương…”

Cậu nhóc vừa hỏi câu đó suýt rớt hàm vì không thể tin nổi: “Thầy là thầy bói à?”

Thấy cậu nhóc lừa dễ dàng như vậy, Sơ Trừng không đành chọc nữa mà chỉ cười không nói gì.

Lộc Ngôn nhìn cậu ta như nhìn kẻ ngốc: “Có khi nào ba mẹ ngồi theo sơ đồ chỗ ngồi không?”

“Điên thật!” Học sinh tức giận cười lớn, đang định nói thêm gì nữa thì sắc mặt đột nhiên thay đổi. Cậu nhóc trông ủ rũ như chuột nhìn thấy mèo.

Không chỉ có cậu ta, những đứa nhóc đang xem cuộc vui bên cạnh đều đồng loạt cúi đầu.

Sơ Trừng chưa kịp phản ứng, cậu vẫn đứng thẳng nhìn các phụ huynh.

Giây tiếp theo cậu hơi nghiêng đầu thì bắt gặp ánh mắt đang ngước lên của Dụ Tư Đình.

Trong mắt đối phương hiện lên một tia nghi ngờ như muốn bày tỏ: Thầy đang làm gì ở đó vậy?

Sơ Trừng khựng lại.

Là sao đây? Sao nói kính một chiều…

Lộc Ngôn đang cúi người trốn kéo mạnh góc áo của cậu và nhỏ giọng lấp đầy khoảng trống thông tin giữa hai người: “Cúi xuống đi thầy Sơ, đứng từ bục giảng là thấy thầy đó.”

Sơ Trừng: …

Con có nghĩ lúc này là quá trễ để nói thầy cúi xuống không?

Dụ Tư Đình ngoảnh mặt đi mà không để lộ sơ hở nào, hắn tiếp tục giải thích cho phụ huynh thủ tục đăng kí các môn năng khiếu cho học sinh. Khi người lại quay lại, hắn dường như vô tình dùng ngón trỏ tay phải gõ vào mặt số.

Hành động này có ý nghĩa gì, sắp đến thời gian họp với cậu rồi sao?

Sơ Trừng giật mình vội vàng xuống khỏi đống bàn ghế và quay lại phòng học bên cạnh để chuẩn bị, trước khi rời đi cậu còn chỉ vào trán mấy đứa nhãi ranh.

Đợi họp xong thầy tính sổ với mấy đứa sau.

Đúng như dự đoán, chỉ một số ít học sinh lớp 11/7 quan tâm đ ến việc chiêu sinh các môn năng khiếu.

Những câu hỏi chi tiết của ba mẹ đều nằm trong phạm vi dự đoán trước đó của hai người, đa số các bậc phụ huynh đều nhiệt tình và lịch sự.

Sơ Trừng phân phát thông tin cho bọn họ rồi giải đáp, dù phải giải thích nhiều lần cùng một vấn đề nhưng cậu vẫn kiên nhẫn.

Thời gian trôi qua nhanh, ba mẹ thì cứ đến rồi đi, sau khi mọi người có được thông tin cần thiết, Sơ Trừng cuối cùng cũng được nghỉ một lát.

Nửa tiếng trước Chu Cẩn nhắn tin hỏi cậu có xuống căn tin ăn trưa không, đến bây giờ cậu mới có thời gian trả lời.

Trước khi ngón tay cậu chạm vào bàn phím trên màn hình, cánh cửa phòng học kêu ‘cọt kẹt’ vì lại bị đẩy ra.

“Thầy chào ba.” Sơ Trừng ngẩng đầu nói với giọng êm ái.

Người tới là một người đàn ông trung niên khoảng ngoài bốn mươi tuổi, ông mặc nguyên bộ quần áo lao động tối màu, khuôn mặt trông có vẻ phong trần hơn nhưng bước đi vẫn rất có khí thế.

Sơ Trừng đã để ý đến phụ huynh này khi trèo cửa sổ với học sinh. Tay phải của ông còn đang đeo một chiếc găng tay sờn rách từ nãy đến giờ vẫn chưa tháo ra.

Vì vậy Sơ Trừng dễ dàng biết được danh tính của vị khách này.

Ông là ba của Trương Hi.

Một công nhân bị máy móc làm gãy hai ngón tay khi đang làm việc tại nhà máy.

“Phụ huynh là ba của bạn học Trương Hi phải không? Thầy họ Sơ, là giáo viên phó chủ nhiệm lớp 11/7.” Sơ Trừng đặt điện thoại di động xuống và đứng dậy lễ phép giới thiệu bản thân.

Vì thầy Dụ đã đặc biệt cảnh báo về trường hợp của Trương Hi nên Sơ Trừng vừa bất an vừa có chút tò mò. Cậu vừa nói vừa nhìn phụ huynh có khuôn mặt lạnh lùng trước mặt, suy nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Dụ Tư Đình bên kia bị phụ huynh vây quanh ba tầng từ trong ra ngoài kể từ giữa buổi họp, bản thân hắn đã kiệt sức.

Sau vô số lần giao tiếp và đàm phán kéo dài, thầy Dụ cuối cùng cũng tìm được khoảng thở để nghỉ ngơi uống nước.

Hắn giơ cổ tay lên liếc nhìn mặt đồng hồ – giờ ăn trưa đã trôi qua, không biết giáo viên phó chủ nhiệm đã làm xong việc chưa.

“Đại ca.” Một giọng nói rất nhẹ nhàng vang lên cách đó không xa.

Trương Hi chậm rãi bước tới, theo sau là một người phụ nữ trung niên gầy gò, đó là mẹ cô bé.

Trương Hi tuy không phải là người giỏi ăn nói nhưng Dụ Tư Đình đã dẫn dắt cô được một năm nên vẫn phần nào hiểu được hoàn cảnh của cô.

Sau khi ba cô nhỏ gặp tai nạn ở nhà máy, tuy được ông chủ bồi thường một khoản tiền nhưng ông lại bị sa thải, sau đó chỉ biết làm những công việc lặt vặt nên tính tình càng trở nên bạo lực hơn.

Ba Trương không nhìn thấy tài năng hội họa của con gái mình, cũng không đồng ý cho cô đi theo con đường năng khiếu. Mẹ Trương thì ủng hộ nhưng sức khoẻ bà không tốt, vì chỉ làm được một số việc nhà và không đủ tiếng nói tài chính nên cuối cùng người quyết định vẫn là ba cô.

Thấy đứa nhỏ phải đỡ người bệnh, Dụ Tư Đình vội vàng tiến lên hai bước: “Chào mẹ Trương, sao mẹ bệnh mà phải tới đây? Mẹ đi cẩn thận.”

“Thầy Dụ, mẹ làm phiền thầy.” Giọng nói của bà yếu ớt, nghe là có thể biết sức khỏe của bà không tốt, nhưng vì thương con gái nên bà phải cắn răng tới đây.

“Chuyện thầy nhắc đến mẹ đã suy nghĩ rất lâu rồi, Trương Hi thích vẽ tranh nhất nhưng ba nó không đồng ý, mẹ cũng khuyên không được.” Lời nói của mẹ Trương tràn đầy sự bất lực.

Dụ Tư Đình vẫn giữ thái độ nghiêm túc: “Nhưng nhà trường không có cách nào can thiệp, việc này do học sinh và phụ huynh quyết định”.

“Mẹ biết chứ, nhưng mẹ nghe con nói đăng kí môn năng khiếu thì có thể xin học bổng, nếu được chấp thuận thì có thể xin miễn học phí từ trước kì thi đại học.” Mẹ Trương gật đầu liên tục để giải thích; bà cẩn thận lựa chọn từ ngữ vì sợ nói sai.

“Trương Hi có lẽ không có duyên này nhưng mẹ không thể để con mình không có cơ hội thử, mẹ đành phải bò dậy đăng kí cho nó.”

“Mẹ… Mẹ nói gì vậy?” Trương Hi nhẹ nhàng siết chặt cánh tay mẹ, nước mắt lưng tròng.

Dụ Tư Đình hít một hơi thật sâu, hắn im lặng một lúc rồi nghiêng đầu nói: “Lộc Ngôn đi giúp thầy lấy một đơn xét học bổng dành cho học sinh có năng khiếu nghệ thuật.”

“Dạ đây.” Lớp trưởng Lộc vừa dứt lời là đã cầm giấy bút đi tới.

“Cảm ơn Thầy Dụ.” Mẹ Trương cảm xúc ngổn ngang cầm lấy đơn và xoa tay liên tục, rồi bà lúng túng nói: “Tính tình ba nó bướng bỉnh, sáng sớm mẹ đã nói ba nó không cần đi nhưng ông ấy nhất quyết muốn đến trường để yêu cầu giải trình, mẹ thực sự không ngăn được nên ông ấy lại gây rắc rối cho thầy.”

Ba Trương Hi cũng ở đây à?

Dụ Tư Đình nghe vậy thì ánh mắt lạnh đi, hắn chợt nhớ tới điều gì đó rồi lập tức ngắt lời: “Mẹ cứ điền đơn trước đi, thầy còn có việc phải làm nên mẹ thông cảm.”

Nói xong, hắn không để ý đến phản ứng của mẹ Trường mà quay người sải bước về phía phòng học cuối hành lang. Lộc Ngôn cũng vội vàng đi theo.

“Có tiếng ồn ở phòng bên cạnh hả?”

“Không thể nào, người ngồi đó là thầy Sơ nổi tiếng hiền lành tốt bụng.”

Cánh cửa cạnh phòng học lớp 11/7 đóng lại, một số học sinh tình nguyện đến từ sáng vẫn tụ tập ở đó trò chuyện rôm rả nhưng không ai dám bước tới kiểm tra.

Dụ Tư Đình nhìn cảnh này từ xa rồi nhíu mày, sau đó hắn bước đi càng dài hơn.

Hắn đến phòng học đưa tay mở cửa thì nhìn thấy hai bóng người đang đứng đối diện dưới ánh sáng rực rỡ từ cửa sổ.

“Vậy thầy cho tôi biết mấy bức vẽ này làm được gì hả?!” Một người có vẻ tức giận ném học bạ và một đống bản phác thảo còn dang dở ra ngoài.

“Tôi thực sự không hiểu tại sao các thầy là những người công tác ở trường học và làm giáo viên lại ủng hộ cái công việc lừa lọc không đàng hoàng như vậy? Có phải trên lớp các thầy dạy không ra gì, suốt ngày chỉ có khuyến khích rồi cổ xuý học sinh không? Nếu nó học không giỏi thì chẳng thà đi lấy chồng trước khi quá muộn đi, ít nhất còn giảm bớt gánh nặng cho tôi, nó cũng đâu còn con đường nào khác.”

Những tờ giấy vẽ trắng như tuyết vương vãi khắp sàn và rơi xuống chân Sơ Trừng.

Đối với những giáo viên mới, cảm giác tức giận và bất bình khi các bậc phụ huynh gắt gỏng chỉ trích, tra hỏi là chuyện bình thường.

Nhưng vẻ mặt Sơ Trừng lại không hề thay đổi, cậu vẫn dịu dàng im lặng nhưng lại mang đến cho người ta những phản ứng giác quan vô cùng chân thực.

Vào lúc này, cậu chắc chắn không bị vị phụ huynh kia áp bức.

Sơ Trừng thậm chí còn cúi đầu chiêm ngưỡng các bức tranh hai lần, sau đó ngước mắt nhìn lên rồi nói một cách nhẹ nhàng nhưng đanh thép:

“Đến trường đọc sách là con đường để trẻ tiếp thu những kiến ​​thức và thông tin đa dạng; nó không thể khiến các con trở thành học sinh giỏi hay thiên tài thông qua việc thi cử. Nó giúp học sinh tìm thấy điểm mạnh và niềm yêu thích của riêng mình, dẫn các con đến những điều tuyệt vời khác nhau trên đường đời.”

“Thầy không có quyền can thiệp vào con đường ba bắt buộc con mình phải chọn, thầy cũng rất tiếc vì với tư cách là một nhà giáo dục, thầy lại không thể làm hài lòng tất cả các bậc phụ huynh.”

Tư thế của Sơ Trừng đứng thẳng đúng chuẩn tác phong cậu nên có khi làm một giáo viên.

Sau đó giọng nói của cậu thay đổi nhưng không mất đi uy thế và sự sắc bén, cậu nói từng chữ rõ ràng: “Nhưng ba không hiểu lắm về giáo dục nhỉ?”

Ngay cả Lộc Ngôn đứng ở cửa cũng bị khí thế này khiến cho ngạc nhiên, cậu nhóc cười: “Chao ôi thầy Sơ mạnh mẽ quá.”

Dụ Tư Đình lặng lẽ nhìn bóng người không khiêm tốn cũng chẳng kiêu ngạo, vài giây hắn sau đóng cửa lại.

Lộc Ngôn ngước mắt nhìn hắn: “Thầy không vào ‘cứu bồ’ hả?”

Dụ Tư Đình không nhìn nữa, hắn cũng chẳng giấu giếm sự vừa lòng: “Người ta có cần đâu?”

Tác giả có lời muốn nói

Một giây trước đại ca lập tức xông tới: Tránh ra, giáo viên phó chủ nhiệm xinh đẹp của thầy bị người ta bắt nạt!

Một giây sau đại ca hóng chuyện: Đúng như dự đoán, anh đã huấn luyện em nên em đã có cách chống lại thế lực đàn áp rồi.

Mình có lời muốn nói

Mình xin giải thích xưng hô thầy/cô – ba/mẹ ở đây vì cách xưng này hơi lạ.

Ở trường mình, mọi người luôn nhấn mạnh vai vế của giáo viên và phụ huynh trong môi trường giáo dục là ngang hàng, vậy nên khi xưng hô thì giáo viên sẽ xưng là thầy/cô và gọi phụ huynh là ba/mẹ chứ không gọi là anh/chị. Mình phải tập xưng hô như vậy từ sớm để thành thói quen. Hiện tại tuổi nghề mình khá ít, nhưng sau này làm nghề lâu năm và tiếp xúc với phụ huynh nhỏ tuổi hơn mà gọi anh/chị thì không phù hợp, gọi là em thì càng không ổn.

Cách xưng hô thầy/cô – ba/mẹ còn thể hiện trách nhiệm của nhà trường và gia đình là như nhau trong việc dạy dỗ các con chứ không ai hơn ai.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.