Tả Đăng Phong nghe thấy tiếng cười ha hả, đa số phụ nữ ở Nam Kinh đã bị quỷ tử làm nhục rồi giết sạch, chỉ còn lại một số người nhượng bộ phục vụ nên mới sống sót, hai cô gái của Đồng Giáp chính là như vậy.
Lướt đi hơn mười dặm, bỏ rơi Đồng Giáp xong , Tả Đăng Phong tìm một quán cơm nhỏ ăn uống qua loa, hỏi vị trí Nam Kinh Đồ Thư Quán, rồi mang theo cá sống đi tìm.
Đồ Thư Quán nằm trên một con đường ở phía bắc thành, có diện tích khá lớn, kiến trúc cũ kỹ, có khoảng hai mươi mấy gian phòng rộng, cửa đóng chặt, bên trong tối mịt, nhân viên của thư quán đã sớm bỏ chạy rồi.
Thấy Đồ Thư Quán không bị thiêu hủy, Tả Đăng Phong thở phào may mắn, may là bọn quỷ tử không hứng thú với sách vở, nếu không chắc đã chẳng còn gì.
Thành Nam Kinh vốn chẳng còn bao nhiêu người sống, trời vừa tối, người trên đường càng ít. Tả Đăng Phong nhảy vào trong sân, thấy bên trong chia làm hai tòa nhà là đồ thư quán và hồ sơ quán. Trên cửa mỗi phòng ở các tòa nhà đều có treo biển viết loại sách chứa trong phòng, đa số là sách khoa học hiện đại. Tả Đăng Phong vốn chẳng hứng thú gì với khoa học, theo hắn khoa học là luôn phát triển, khoa học bây giờ qua tám mươi một trăm năm sau sẽ bị khoa học mới thế chỗ, nói trắng ra là không có tính cố định, không đáng để nghiên cứu. Thứ duy nhất đáng để nghiên cứu chính là lịch sử, lịch sử là những chuyện đã xảy ra, vĩnh viễn không thể thay đổi, có thể thông qua chúng tìm được quy luật và bản chất của sự việc.
Nhưng hắn tới đây không phải để tìm hiểu cái gì cả, mà chỉ muốn tìm đọc tư liệu lịch sử mà thôi, nên Tả Đăng Phong tìm ngay phòng để sách về lịch sử cổ đại, đẩy cửa đi vào.
Trong phòng có rất nhiều giá sách, to hơn thư viện của huyện Văn Đăng nhiều, sách báo để ở đây cũng nhiều hơn gấp mười mấy lần, được phân loại cực kỳ kỹ lưỡng cẩn thận, tàng thư cũng nhiều.
Thập Tam giật cá trên tay Tả Đăng Phong chạy ra ngoài, còn hắn thì đi tìm sách về lịch sử thời Thương Chu. Những sách này đều do người đời sau biên soạn, vì thời Thương Chu chưa có giấy. Quyển tàng thư chính quy duy nhất có ở đây là quyển Nhị Thập Tứ Sử, do các đời hoàng gia chỉnh lí biên soạn lịch sử, do hai mươi bốn quyển sách Hán thư sử ký tạo thành, nội dung bên trong được ghi chép khá kỹ lưỡng tỉ mỉ. Tả Đăng Phong gom hai mươi bốn quyển sách lại rồi cau mày, một chồng sách dày thế này, còn cao hơn cả hắn.
Cũng may hắn đã xác định được nội dung muốn tìm đọc, là khoảng thời gian Tây Chu năm đó suất lĩnh tám nước chư hầu, hoặc nói chính xác là xác định vị trí của tám nước đó, từ đó khoanh vùng phạm vi cần tìm. Tả Đăng Phong đọc rất kỹ, xác định được phạm vi của tám nước, hắn nhận ra chúng có một điểm kỳ quái, là tám nước đó luôn có hai nước kề liền nhau.
“Dung” cùng “Lô” liền nhau, vị trí hiện nay là Hồ Bắc và Hồ Nam, khu vực này đầy rừng rậm rạp, Hồ Bắc Thần Nông khung và Hồ Nam Tương Tây đều ở khu vực này.
“Mâu” và “Bộc” liền nhau, vị trí hiện nay là phía bắc Vân Nam và phía nam Tứ Xuyên. Khu vực này có ba con sông nhập vào một chỗ, là Nộ giang, Kim Sa giang và Lan Thương giang, tạo thành Hoàng Hà Trường Giang nước chảy cuồn cuộn.
“Thục” và “Ẩn” liền nhau, hiện nay chính là phía bắc Tứ Xuyên và vùng Thiểm Tây, địa thế ở đây tương đối bằng phẳng, Tây An thời cổ đại còn được gọi là Trường An, là nơi được nhiều vương triều phong kiến cổ đại của Trung Quốc lập làm kinh đô.
“Khương” với “Bành” liền nhau, vị trí hiện nay là Cam Túc và Tân Giang. Khu vực này trước đây là thảo nguyên và hồ nước mênh mông bát ngát, nhưng hiện nay đã trở thành sa mạc.
Tám nước chư hầu chia làm bốn khu vực, liền kề với nhau, dựa theo lý luận cân bằng âm dương thì trong những nước cạnh nhau này chắc chắn phải có một con vật giúp cân đối với nhau, hay nói cách khác địa khí khu vực này không ổn định. Trước mắt Tả Đăng Phong chỉ biết trong nước Dung có rất nhiều khỉ. Khỉ là dương, thuộc Kim, nên Tả Đăng Phong đoán, nước Lô liền kề với nó hẳn phải là con gà là âm cũng thuộc Kim. Chiếc vòng trên cổ con khỉ ghi là ‘Cửu dương Kim Dung’, nên chiếc vòng trên cổ con gà sẽ phải ghi là ‘Thập âm kim lô’.
Tả Đăng Phong dùng cả đêm để đọc tư liệu lịch sử, so sánh vị trí địa lý, rồi suy nghĩ. Dù hắn không tinh thông về luật âm dương, nhưng hắn hiểu đạo lý âm dương tương khắc và âm dương tương sinh. Tả Đăng Phong cho rằng những con vật này xuất thế rất có thể là do một khu vực cực lớn bị âm dương không cân bằng mà sinh ra, sau khi xuất thế mới ảnh hưởng tới địa khí, cân bằng lại âm dương của khu vực này. Những con vật có Ngũ Hành giống nhau nhưng âm dương khác nhau tạo thành một đôi, ảnh hưởng tới địa khí khu vực nhỏ hơn ngay xung quanh chúng. Nhìn chung, mười hai địa chi là một đại chỉnh thể, nhưng chúng có thể chia ra làm năm tổ hợp nhỏ Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. Trong đó, thổ( đất ) sinh vạn vật, cho nên thổ( đất ) phải cần tới bốn con để tạo thành chỉnh thể.
Tìm kiếm mãi, Tả Đăng Phong vẫn chưa thể xác định được khu vực cụ thể phân bố những con vật còn lại. Nhưng hắn đã tìm ra được một vấn đề, đó là hai con vật ở hai nước “Khương” “Bành” có lẽ đã chết hoặc đã chạy tới nơi khác, vì vị trí của hai nước này trước đây là thảo nguyên nay đã thành sa mạc, chứng tỏ sự cân bằng âm dương đã bị phá vỡ, địa khí xuất hiện biến cố.
Tương tự, muốn đoán những con vật còn lại có còn ở chỗ cũ hay không thì cũng đơn giản, đem so vị trí địa lý thời Thương Chu với hiện tại, nếu không có biến hóa gì lớn so với trước kia, nghĩ là chúng chưa chết hoặc chưa rời đi, còn nếu có thay đổi lớn, vậy có nghĩa ngược lại.
Nghĩ đến đây, Tả Đăng Phong rời khỏi phòng để sách lịch sử, tìm phòng chứa sách địa lý. Sau khi đọc qua rất nhiều tư liệu, cuối cùng cũng tìm ra được một kết quả khá là hài lòng, chính là trừ khu vực “Khương” “Bành” xảy ra biến đổi, những địa phương khác không thay đổi gì lớn so với ba ngàn năm trước, chứng tỏ mấy con vật vẫn còn ở đó.
Vì thời Thương Chu đã cách đây gần ba ngàn năm, rất nhiều thông tin lịch sử không được ghi lại đầy đủ, vị trí tám nước năm đó bây giờ hậu nhân không cách nào kiểm chứng được, chỉ dựa theo Sử ký và Lý chí ghi lại, thì nước “Mâu” chắc là người Miêu hiện nay. Ngoài ra thời Thanh triều, Hàm Phong từng nhìn thấy một ít người ăn lông ở lỗ ở một địa điểm nằm trong khu vực Khương Bành, cả tộc người này đều mang họ Bành, như vậy chứng tỏ nước “Bành” có hậu nhân tồn tại. Trừ hai nơi này, những nơi khác không có thông tin gì.
Đến gần giữa trưa, Tả Đăng Phong đi nhà xí, rồi trở về ngồi phơi nắng với Thập Tam. Cảm xúc của hắn không tốt lắm, không phải vì thức suốt một đêm, mà là sau khi đọc qua (( Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành )), ngẫu nhiên phát hiện một tình huống bất ngờ.
(( Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành )) do tam ca của hoàng đế Ung Chính và thủ hạ là sử quan biên soạn ra làm tư liệu lịch sử cho hoàng gia, nguồn gốc chính quy, nên thông tin vô cùng chân thật. Tả Đăng Phong vốn muốn dùng quyển sách này để so sánh địa lý vị trí, nhưng hắn lại tìm thấy một điều khác, chính là trong sách này có ghi Khương Tử Nha đã từng học (( Thiên Triện Văn Sách )). Tương truyền, (( Thiên Triện Văn Sách )) là do thần tiên tặng cho hoàng đế thời điểm hoàng đế đánh nhau với Xi Vưu, được hoàng đế truyền lại cho đời sau. Trong quyển sách này có ghi lại “Binh pháp Thập Tam chương”, “Luyện khí hai thiên”, “Cô hư pháp mười hai chương”, “Kỳ Môn Độn Giáp một ngàn lẻ tám mươi cục”, chia làm bốn phương diện hành quân chiến tranh, tinh luyện binh khí kim loại, cơ quan trận pháp, dự đoán kỳ môn.
Khương Tử Nha chỉ truyền mỗi “Kỳ Môn Độn Giáp một ngàn lẻ tám mươi cục” lại cho đời sau, sau này lại bị Trương Lương chém mất một phần nội dung, sáng tạo ra Kỳ Môn Độn Giáp mà hiện nay ai cũng biết.
Tả Đăng Phong không bận tâm tới Thiên Triện Văn Sách về hành quân chiến tranh và tinh luyện binh khí vì hai nội dung này chẳng liên quan gì tới hắn. Hắn chỉ sợ cơ quan trận pháp và dự đoán kỳ môn. Rất có thể Khương Tử Nha đã cầm chân những con vật kia trong một khu vực nhất định, không phải bằng dây thừng, mà bằng trận pháp để chúng không thể chạy loạn.
Như vậy có nghĩa là mức độ khó khăn mà hắn phải gặp đã tăng lên, không những phải tìm cho được những con vật kia, mà còn phải giải quyết được cơ quan, trận pháp mà Khương Tử Nha lưu lại. Hắn vô cùng đau đầu vì so với “Kỳ Môn Độn Giáp một ngàn lẻ tám mươi cục” hoàn chỉnh mà Khương Tử Nha sử dụng, Kỳ Môn Độn Giáp hiện nay của ông thầy tướng số chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Nếu năm xưa Khương Tử Nha đoán ra được sau này sẽ có người tới bắt mấy con vật, chắc chắn ông ta đã nghĩ ra các biện pháp đối phó, nên bây giờ tìm tới, sẽ là rất gian nan, có thể phải bỏ mạng.
Nghĩ tới bao nhiêu khó khăn, nhưng Tả Đăng Phong không hề chùn bước, ngược lại hắn còn có chút cao hứng. Hắn không sợ khó khăn, hắn chỉ sợ truyền thuyết kia không có thật. Chỉ cần nó có thật, nghĩa là lục âm âm bất tử cũng có thật, nếu khó khăn càng lớn, nghĩa là khi tìm đủ sáu con vật âm thì khả năng cứu Vu Tâm Ngữ sống lại cũng càng lớn.
Nghỉ ngơi trong chốc lát, Tả Đăng Phong và Thập Tam rời khỏi Đồ Thư Quán. Người đời đều tưởng rằng tiền bạc tài sản là thứ tốt, kỳ thực thứ trân quý nhất chính là những tư liệu, sách lịch sử như thế này. Những thứ này nếu bị hủy mất, sau này không bao giờ có thể tìm lại được.
Tả Đăng Phong đi về phía đông bắc, hắn muốn tới phái Mao Sơn tìm Kim Châm, báo cho hắn biết tình hình, đồng thời thỉnh giáo Kim Châm một ít vấn đề về trận pháp.
Nam Kinh gần với Trấn Giang, nên trời vừa chạng vạng tối, Tả Đăng Phong đã đến Mao Sơn, gõ cửa bái sơn. Hắn chọn buổi tối mới tới vì hắn đang là kẻ thù của quân Nhật, không thể liên lụy phái Mao Sơn.
“Vô Lượng Thiên Tôn, người có chuyện gì?” Một tiểu đạo đồng ra mở cửa. Người trong Đạo Môn không gọi người ngoài là thí chủ, chỉ có hòa thượng mới xưng hô như vậy.
“Xin báo với chưởng giáo của quý phái, nói có Tàn Bào tới chơi.” Tả Đăng Phong đáp. Hắn không muốn báo ra tên thật, nếu đã được người đời đặt cho danh hiệu là Tàn Bào thì cứ thế mà dùng.
“Người chờ một chút.” Tiểu đạo đồng đóng cửa lại.
Không lâu sau, Tả Đăng Phong nghe thấy tiếng bước chân. Bước chân rất nhẹ, không hỏi cũng biết là Kim Châm ra đón.
“Ha ha ha ha.” Kim Châm mặc một chiếc đạo bào in hình âm dương vàng óng ánh đi ra mở cửa, cười ha hả giơ nắm tay phải ra, Tả Đăng Phong thấy thế rất vui vẻ, đưa nắm tay tới đối quyền.
“Khách quý lâm môn, mở cả tám cửa ra. ” Kim Châm hơi xoay người phất tay. Cửa lớn phái Mao Sơn phái mỗi bên có bốn cánh. Bình thường chỉ mở hai cánh, nghênh đón khách hành hương mở bốn cánh, nghênh đón bằng hữu giang hồ mở sáu cánh, nghênh đón chưởng giáo mới mở hết tám cánh.
“Đại ca, không cần đâu!” Tả Đăng Phong tuy không hiểu hàm nghĩa của việc này, nhưng cũng đoán ra Kim Châm đang dùng quy cách trọng thể nghênh đón hắn.
“Đừng lắm lời, vào mau!” Kim Châm lôi tay áo Tả Đăng Phong đi vào đại môn.