Chiều tà dần buông. Trên đỉnh núi, làn khói trắng mỏng manh như sợi chỉ nhỏ bốc lên từ căn bếp. Trời đang tiết đông rét buốt nhưng khung cảnh bình yên của ngôi chùa trên đỉnh núi vẫn tạo nên một cảm giác ấm áp đến lạ. Linh khí nơi này bao bọc lấy ngôi chùa. Cây cối bao quanh như những người lính gác chống lại gió bão. Nhưng chỉ ngay lưng chừng núi thôi lại là một khung cảnh trái ngược hoàn toàn. Gió quần thảo, cây cối nghiêng ngả. Sâu dưới rừng cây là một màu đen ngòm tối tăm. Dữ dội hòa vào với bình yên tạo nên sự thống nhất, cũng như cuộc sống này, vốn được tạo nên từ hai mặt đối lập. Có trắng thì mới có đen. Có tốt thì mới có xấu. Đó là gốc rễ của sự cân bằng.
Trần Thiếu khệ nệ bưng mâm cơm lên. Đồ ăn khá đơn xơ, chỉ có rau mồng tơi luộc, tương bần, cà pháo và cơm nóng. Mâm cơm đơn xơ bốc khói nghi ngút. Căn phòng nhỏ cùng ánh đèn bập bùng. Cả ba người Trần Thiếu, Trần Gia và Thích Tâm ăn cơm trong im lặng. Bóng ba người nhảy nhót trên tường. Những bữa ăn vẫn thường như vậy. Tuy nhiên mỗi người lại không có cảm giác lạnh lùng hay xa cách. Với Trần Thiếu, nơi đây đã là nhà của nó. Thích Tâm đã là người thân của nó. Mọi thứ mang lại cho nó cảm giác thân thuộc và gần gụi. Nếu phải rời xa, chắc hẳn nó sẽ rất buồn. Mái chùa như bàn tay người mẹ che chở cho nó trước đau đớn của số phận.
Ăn xong, Thích Tâm bước ra sân đi dạo, Trần Gia thấy vậy cũng cất bước đi theo. Từ trước tới giờ, Trần Gia gần như rất ít nói chuyện với Thích Tâm, đơn giản vì lão thấy không có chuyện gì để nói. Thích Tâm chắp tay sau lưng, bước đi lững thững, tà áo trắng ghẽ rung động theo từng bước chân. Trông ông khoan thai nhẹ nhàng như một vị tiên. Trần Gia nhìn theo, tự sâu trong đáy lòng lão cũng thầm ngưỡng mộ Thích Tâm. Cả hai cùng đứng nhìn về một khoảng xa xăm, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Trần Gia khẽ hắng giọng rồi lên tiếng trước :
– Thưa đại sư, ta quả thật không biết lấy gì để cảm tạ ngươi. Thằng bé đã hồi phục gần như bình thường. Ơn này lớn tựa trời biển.
Thích Tâm nhẹ nhàng đáp. Hai tay ông vẫn chắp sau lưng, đôi mắt nhìn xa xa vào bóng tối :
– Mong người đừng quá lo nghĩ, ta giúp người cũng là giúp ta, mang sự bình yên đến cho người cũng làm tâm ta bình yên.
Trần Gia nhìn theo hướng Thích Tâm đang nhìn nhưng thấy toàn là một màu đen lẫn trong rừng cây rậm rạp, lão nói tiếp :
– Mấy bữa trước, Lão Ba của Huynh đệ hội có hứa dạy võ cho Trần Thiếu, nay lão cử đệ tự đang ở dưới chân núi, hằng ngày muốn giúp thằng bé tập luyện. Ý đại sư thấy sao ?
Thích Tâm thầm nghĩ : « Chẳng hiểu người này có uyên nguyên gì với lão Ba? Trần Thiếu đang còn nhỏ tuổi, cũng phải để nó tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Hơn nữa, Lão Ba vốn là đại cao thủ võ lâm, người khác cầu làm đệ tử lão còn khó, đây là kỳ duyên của Trần Thiếu, ta không nên để thằng bé tuột mất. », nghĩ vậy ông đáp :
– Lão Ba sao, con người này khí khái nhưng thiện lương, lão nhận thằng bé làm đệ tử thì quả thật tốt cho nó.
Trần Gia đang định hỏi việc lúc nào thằng bé sẽ bình phục và có thể rời đi. Chợt một cơn cuồng phong dưới chân núi thổi lên ào ạt, từng đợt vút vút như tiếng gầm thét, chỉ trực chờ vượt qua ranh giới vô hình để vượt lên, nuốt chửng ngôi chùa nhỏ. Trần Gia thoáng rùng mình : « Gió thì phải thổi từ trên núi xuống chứ ». Thích Tâm vẫn bình thản. Ông khẽ phất tay áo, ông lôi ra một cây sáo trúc. Tiếng sáo vút lên như mũi tên lao thẳng vào con gió. Nghe thấy tiếng sáo, Trần Thiếu bước ra bậc thềm đứng nhìn. Nó lặng yên, đôi mắt nhắm nghiền, chăm chú lắng nghe. Trong tiếng gió có tiếng gọi tà ác, trong tiếng sáo có lời nói dịu dàng của Thích Tâm. Gió gầm lên dữ dội như muốn nuốt gọn tiếng sáo. Nhưng lạ thay, tiếng sáo của Thích Tâm vẫn đều đều theo nhịp điệu, không to quá cũng không nhỏ quá. Tiếng sáo du dương bình yên, như nhánh cỏ nhỏ trước bão dông, mặc cho bị vùi dập nhưng vẫn sinh tồn. Đó là lẽ sống ở đời. Lấy nhu khắc cương cũng nằm ở chỗ đó. Cơn gió gầm lên vài chập nữa rồi như tàn lụi, yếu dần thành cơn gió thoảng, không gian lại bình yên trở lại. Thích Tâm cũng ngừng thổi sáo, quay lưng lại nói với Trần Thiếu :
– Đến giờ rồi, đi nào con.
Trần Gia đứng ngẩn ra một mình, lão cũng không hiểu việc gì vừa sảy ra.
Sáng sớm hôm sau, trời vừa hửng, cả Trần Gia và Trần Thiếu đều dậy rất sớm. Cả hai đều cảm thấy háo hức. Trần Gia sửa soạn cho nó một bộ đồ tươm tất gọn gàng. Hôm nay Trần Thiếu sẽ làm lễ nhập môn Huynh Đệ hội. Tuy chưa thể bái sư vì Lão Ba vẫn còn đang bận việc, nhưng Phong Giang đã chuẩn bị sẵn để Trần Thiếu làm lễ nhập môn luôn rồi mới bắt đầu luyện võ.
« Chim Lạc bay khắp cõi nước Nam – Huynh Đệ anh em cả bốn phương trời. » Giọng Phong Giang dõng dạc, vang vọng. Phía trước mặt Trần Thiếu là một chiếc bàn nhỏ, một bên đặt một chiếc bánh dày, một bên là bánh chưng, ở giữa là một nhánh lúa chín vàng ươm bên cạnh ba que hương đang cháy dở, Phong Giang đứng một bên làm chủ lễ, bên kia là bọn thằng Tý, con Út. Tất cả đều nghiêm trang, thành kính. Huynh Đệ hội vốn gắn liền với ruộng đồng, vườn tược, võ công chấn môn của bản phái: bộ Kim hòa kiếm lại diễn giải từ hình ảnh cây lúa, vậy nên một nhánh lúa luôn xuất hiện trong những dịp trọng yếu của môn phái. Phong Giang lại sướng giọng :
– Tam bái tổ tông, bái lạy.
Trần Thiếu đang quỳ liền phủ phục người xuống bái lạy.
– Tam bái sư môn, bái lạy.
Trần Thiếu lại bái lạy ba lần.
– Tam bái huynh đệ, bái lạy.
Nói xong, Phong Giang cùng bọn thằng Tý, con Út cùng quỳ sụp xuống, quay về phía Trần Thiếu. Cả hai bên bái lạy ba lần. Xong xuôi, Phong Giang dứt từng họt thóc, vãi ra xung quanh. Cậu nói với Trần Thiếu :
– Từ giờ đệ chính thức là anh em của Huynh Đệ hội và sắp là đệ tử của Lão Ba, ta là đại đệ tử, đệ là thứ hai.
Trần Thiếu chắp tay nói :
– Dạ, mong các huynh đệ chỉ bảo.