Trở thành bạn bất đắc dĩ của Quảng Nhi và Tự Tại, Trần Gia khóc dở mếu giở. Lão chợt nghĩ: “Hai lão này võ công cao cường, nay ta lại được hai lão chuyền võ công cũng có phần hay”. Nghĩ vậy, Trần Gia phấn chấn hẳn lên, lão tập trung vào các chiêu thức Quảng Nhi đang chỉ dạy. Chiêu mới đầu có vẻ phức tạp nhưng lại tuân theo một quy luật cụ thể, chân trái bước thì tay phải ra đòn, phòng ngự thì lùi tấn công thì tiến, người đung đưa nhưng chân thì vững trãi. Điểm hay của thế võ này là tuy dễ học nhưng biến chiêu khó đoán biết, miễn là đúng các quy luật là được. Trần Gia mới ngấm được một chút thì đã hết thời gian. Quảng Nhi đẩy lão về phía Tự Tại, Tự Tại cười nhăn nhở, lão không thấy Trần Gia ra chiêu, lão liền sấn vào, dùng đúng “Trăm hoa đua nở” đánh tới, Trần Gia lùi để tránh né được 2 bước bắt đầu thấy khó thở, hơi thở tắc nghẹn, lại ngã lăn ra đất. Quảng Nhi lẩm nhẩm nói:
– Hừ, quên mất chưa bảo hắn cách điều khí, gã này thật tối dạ quá đi.
Rồi lão la lớn:
– 1 chiêu rưỡi.
Tự Tại nói:
– Hừ, 1 là 1, 2 là 2, lấy đâu ra nửa chiêu. Đến lượt ta.
Trần Gia thở hổn hển nói:
– Yên, ta nghỉ đã.
Tự Tại nói:
– Nhanh lên nào, vui quá. Gã lẩm bẩm: Võ công người tuy dở ẹc nhưng khí và lực cũng không đến nỗi, chắc là đa gặp cơ duyên gì đây.
Cả ba người cứ vưa dạy vừa đánh, đến lúc Trần Gia kiệt sức không nhấc nổi tay chân, ngã vật ra đất, Tự Tại vui sướng reo lên:
– 7 chiêu, 7 chiêu, ta thắng rồi, ha ha ha.
Quảng Nhi đáp:
– Hừ, hắn đúng là tối dạ mà.
Trần Gia toàn thân vô lực, mệt mỏi giã rời, lão nhắm mắt lại rồi chìm luôn vào giấc ngủ, mặc kệ hai lão sư đang cãi nhau. Đoạn, Quảng Nhi lấy ra trong áo 1 viên thuốc, nhét vào mồm Trần Gia, nói:
– Cho hắn nhanh bình phục, mai hắn không dậy được đại sư Linh Trí lại trách phạt chúng ta.
Xong xuôi, hai lão khiêng Trần Gia đặt lên giường như cũ rồi lẩn ra ngoài, vừa đi vừa tranh cãi không thôi. Sáng sớm hôm sau, Trần Gia tỉnh dậy, bỗng thấy khoan khoái dễ chịu, vừa bước ra ngoài, đã thấy Tự Tại và Quảng Nhi đứng sẵn ở cửa, hai lão nhìn gã cười khúc khích. Quảng Nhi lên tiếng trước:
– Này, ngươi không được nói gì với Linh Trí đại sư đấy.
Trần Gia đáp:
– Được thôi, ta chào đại sư rồi lên đường luôn.
Trần Gia vào chào Linh Trí rồi cùng Tự Tại và Quảng Nhi xuống núi chuẩn bị trở về đỉnh Phong Tiên. Xuống chân núi, lão đã thấy Chính đứng đợi sẵn, Trần Gia nhìn hắn vẻ cảm tạ vì đã bắn hắn đợi lâu. Trần Gia quay sang Quảng Nhi và Tự Tại nói:
– Từ biệt hai ngươi, ta lên đường đây.
Quảng Nhi đáp:
– Ngươi quả thật rất thú vị, ta sẽ thưa với Thích Tâm đưa ngươi về đây ở với bọn ta.
Tự Tại nói:
– Lúc nào tới đây chúng ta lại chơi tiếp nhé.
Trần Gia chắp tay chào rồi lên ngựa đi thẳng. Lần này đi, cơ duyên giúp lão học được thêm chút võ công, chưa biết có ích lợi gì không, đợi lúc rảnh rang lão sẽ nghiên cứu lại.
Trần Gia trở về, trời mưa tầm tã. Gió bấc hun hút, nước mưa tạt vào mặt như những mũi kim chích. Đang tiết trời mùa đông, lại gặp cơn mưa, trời lạnh cắt da cắt thịt, đường lầy lội nhớp nháp. Thời tiết xấu, ngựa không thể đi nhanh, lại lạnh giá, đến tối hôm đó mà cả hai mới đi được quá nửa quãng đường. May mắn tìm được căn miếu hoang bên đường, cả hai vào nghỉ tạm đợi sáng mai lên đường. Chính gom được ít rơm và gỗ mục khô, nhóm lửa sưởi ấm. Cả hai đều ướt như chuột luột, vừa lạnh vừa đói. Chính vừa nói vừa run lẩy bẩy:
– Thời tiết khắc nghiệt quá, cháu chủ quan đường gần nên không chuẩn bị đồ ăn chi cả.
Trần Gia đáp:
– Không sao, ta tìm được đồ ăn rồi.
Nói rồi lão đưa tay lên miệng ra dấu im lặng, Chính đưa mắt nhìn theo ánh mắt Trần Gia, hai con chuột đồng béo mẫm đang thập thò ở góc nhà. “Vụt! Vụt!” hai tiếng xé gió cùng kêu lên, hai thanh kiếm phóng ra xiên thẳng vào 2 con chuột, Chính và Trần Gia bật cười khoái trá. Chính nhặt hai con chuột lên, làm sạch sẽ rồi nướng lên, mùi thơm phúc, vậy là cả hai có một bữa ngon lành. Ánh lửa bập bùng, tiếng than nổ tí tách không át được tiếng gió quần vũ cây cối, may mà căn miếu cũng chắc chắn và kín gió. Đêm buồn, khung cảnh lạnh lẽo, hai người im lặng sưởi ấm, Chính hơ hơ bàn tay trên lửa, nói:
– Cháu mất cả gia đình cũng trong một ngày mưa gió thế này …
Trần Gia:
– …
Chính nói tiếp:
– Hôm đó trở bão bất chợt, nước sông dềnh lên dữ dội, giá như cháu và thầy nghe lời u … nhưng mà mùa bão đói quá, mấy ngày không kiếm ăn được gì, thằng Chịnh đói ăn khóc cả ngày liền, hai bố con xót quá nên thử liều một phen. Ai ngờ sóng lớn, thuyền lật úp, thầy u không thấy đâu, chỉ mình cháu trôi dạt lên bờ.
Trần Gia nói:
– Vậy người đi cùng ngươi bữa trước không phải Chịnh ư?
Chính đáp:
– Cháu tưởng đã mất cả nhà, ai ngờ năm trước năm trước gặp lại Chịnh, cháu nhận được nó nhờ vết sẹo trên tay từ nhỏ, anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, ông trời vẫn còn thương nhà cháu.
Trần Gia nói:
– Ta cũng mất cả nhà vào ngày mưa bão thế này …
Chính đợi Trần Gia nói thêm nhưng lão lẳng lặng dọn đống rơm rồi chui vào nằm ngủ, Chính ngồi một mình nhìn ngọn lửa bập bùng. Sáng hôm sau, trời tạnh giá nhưng dấu vết của mưa gió vẫn còn in rõ trên từng cành cây, ngọn cỏ. Trần Gia nóng lòng thúc ngựa lên đường. Về đến nơi hẹn gặp lão Ba thì cũng đã muộn mất 1 ngày, Chính tìm quanh không thấy lão Ba đâu, Trần Gia cảm thấy có chút thất vọng, nói:
– Không có duyên hội ngộ, thôi ta đành về vậy.
Chính đáp :
– Chắc người có việc lại đi mất rồi.
Bỗng có tiếng gọi:
– Chính Chính sư huynh, Chính Chính sư huynh ….
Cả Chính và Trần Gia đều quay lại, giọng nói nghe rất quen, hóa ra người gọi là Phong Giang.