Tâm Ma

Chương 14: Dấu tay



Trời sáng hẳn, đám người Huynh Đệ hội lục đục trở dậy, bọn Tý, Út với mấy đứa thiếu niên kiếm đâu một bịch ngô, khoai rất to, cả bọn hỳ hụi cho vào lửa nướng, hương thơm lừng. Bọn chúng vừa làm vừa đùa bỡn hồn nhiên vang cả một góc rừng. Những người còn lại cũng nói chuyện cười đùa vui vẻ.

Lão Cả, Lão Ba, Trần Gia và 2 người trung niên nữa ngồi một góc trên chiếc trõng tre trò chuyện. Lão Cả nói:

– Chẳng hay Thần Dược Tiên sư Thích Tâm vẫn an bình?

Trần Gia đáp:

– Thích Tâm đại sư vẫn khỏe mạnh, người vẫn ngày ngày đọc kinh kệ, tập sáo nhạc. Xin thứ lỗi cho ta không hiểu chuyện giang hồ, chẳng hay 2 vị huynh đệ đây có uyên nguyên sâu xa gì với đại sư? Chắc sau đây ta cũng về núi Phong Tiên, chẳng hay có nhắn gửi gì với đại sư.

Lão Cả đáp:

– Lần cuối cùng ta gặp người cũng đã lâu, khi người vi hành trị bệnh cho dân chúng ven sông Mã, đức độ của người chẳng thể kể hết. Vậy xin người anh em thưa với đại sư Lão Cả này và Huynh Đệ hội kính mong người luôn mạnh khỏe.

Lão Cả nói nghe giọng tôn kính thực sự, bọn Lão Ba và 2 người kia chăm chú lắng nghe. Lão Ba khụt khịt mũi, nói thêm:

– Cho cả Lão Ba này nữa. Người anh em nhớ nói thêm Lão Cả Mãnh Kiếm và Lão Ba của Huynh Đệ hội. Khà khà khà

Lão nói cố tình nhấn vào chữ Mãnh Kiếm, nói xong lại cười hềnh hệch. Trần Gia đáp:

– Việc đó thì dễ thôi, ta sẽ chuyển lời giùm. Thú thật với các vị, ta vốn không đi lại trên giang hồ, nay do có việc cần kíp nên buộc phải bôn tẩu, có việc gì không đúng mong các vị lượng thứ cho.

Trần Gia vừa nói vừa chắp tay. Lão Ba xua đi:

– Có gì mà không phải, anh em chúng ta vốn đều là nông dân quê mùa, đâu cần khách sáo. Khà khà khà

Lão Cả liền hỏi:

– Chẳng hay người anh em có việc gì, nếu không ngại nói ra, biết đâu chúng ta có thể giúp đỡ. Huynh Đệ hội ta tuy tài hèn sức mọn, nhưng anh em bốn bể một nhà, đồng lòng đồng sức.

Trần Gia đắn đo một hồi, đáp:

– Chuyện này uyên nguyên sâu xa, chuyến này ta muốn tìm tung tích của một người, dung mạo thì ta không nhớ rõ, chỉ biết người này sử một loại võ công độc địa tàn ác vô cùng, một chưởng có thể làm cháy xém thủng áo người khác, người chúng trưởng vỡ nội tạng mà chết.

Lão nói xong, Lão Ba hừ mấy tiếng, mặt xa xầm. Bọn Lão Cả và 2 người trung niên đều có vẻ không vui, Trần Gia toan lấy trong áo mảnh vải áo của phu nhân có dấu tay của kẻ thủ ác ra cho bọn Lão Cả, Lão Ba xem, nhưng lại chợt nghĩ: “Không xong rồi, chẳng may, kẻ đó lại chính là bọn người này thì ra sao? Tên Lão Ba này cũng là ăn mày, võ công cũng lợi hại vô cùng, khác nào ta tự chui đầu vào rọ.” Nghĩ vậy, lão đằng hắng mấy cái, chờ xem Lão Cả đáp thế nào.

Lão Cả nói giọng có vẻ buồn rầu:

– Trình độ võ công đến mức đó, tuy không phải nhiều, nhưng trong thiên hạ hiện giờ cũng có mấy vị. Kể ra lão đệ của ta đây thiên về quyền cước, Khí – Lực âm nhu cũng có thể làm được điều này.

Trần Gia nghe đến đây mà sống lưng lạnh toát. Nếu kẻ đó đúng là Lão Ba thì lão chẳng còn đường thoát, một là giỡ lão đang nằm trong tay họ, chẳng khác nào cá nằm trên thớt, hai là võ công của họ hơn lão rất nhiều, lão nắm chắc phần thua.

Lão Ba đáp, giọng nói đanh lại, mặt lão đỏ lên, gân trên tay cũng nổi lên :

– Ta tài hèn sức mọn, nhưng chiêu thức như vậy miễn cưỡng có thể làm được.

Việc đến nước này, Trần Gia đành đánh liều, dù sao cũng đã tìm được kẻ thủ ác, cùng lắm là toi mạng, lão vừa mừng vừa lo sợ:

– Chẳng hay, người anh em có thể thử cho ta xem, mong được một lần mở mang tầm mắt.

Lão Ba gằn giọng:

– Thử cho ngươi xem, được lắm, nhưng ở đây không có người để thử.

Lão Ba vừa nói xong, vung chưởng lên, bàn tay lão trắng bệch, toát ra khí lạnh như băng, Trần Gia tay đã nắm sẵn con dao găm cổ dắt trong giầy, chỉ cần chưởng giáng xuống là dao vung lên, đâm thẳng vào tâm chưởng.

****************** Ngoại truyện

Chim Lạc bay khắp cõi nước Nam

Huynh Đệ anh em cả bốn phương trời.

Từ lâu, nước ta vốn là nước nông nghiệp, phần lớn người dân gắn liền với đồng ruộng, vườn tược. Chính vì vậy, những khi xảy ra dịch bệnh, mất mùa, người nông dân luôn chịu thiệt thòi nhất. Hơn nữa, do là một nước nhỏ, giặc giã liên miên, hết bị người Trung Hoa ở phía bắc xâm chiếm, rồi đến giặc Chà Và (Gia – va), Côn Lôn (Mã Lai) cướp phá, những nhà nước non trẻ mới hình thành từ thời Tiền Lý (nước Vạn Xuân – năm 544 – 602) đến triều Ngô vẫn binh biến liên miên, không đủ sức bảo vệ và mang lại cuộc sống yên bình cho người dân, thế nên người nông dân phải tự liên kết nhau lại, bảo vệ tương trợ lẫn nhau. Ban đầu, những nhóm người được hình thành từ các thôn, làng với phương châm “tối lửa tắt đèn có nhau”, giúp đỡ nhau những khi khó khăn mất mùa, sau này, lại có nạn giặc cướp, họ lại phải tự tập luyện võ nghệ, tự trang bị gậy gộc, gươm giáo mà chống lại.

Nhà Ngô suy tàn, thiên hạ đại loạn, Mười hai sứ quân đấu đá liên miên, gây nên cảnh nồi da nấu thịt, cũng lúc này, có một vị thông minh xuất chúng, người Huyện Đô Lung nằm ở thượng lưu sông Mã (nay là khu vực từ huyện Cẩm Thủy ngược lên phía tây bắc) vừa có sức khỏe lại vừa có tài thao lược, đã sáng lập ra một môn võ riêng, rồi đem chuyền lại cho mọi người, người dân vừa tôn trọng, vừa kính phục ông mà tôn ông làm thủ lĩnh, gọi ông là Lão Cả tự là Minh Kiếm, đó cũng là lúc Huynh đệ hội chính thức hình thành. Do là người lao động nặng nhọc, sức khỏe đã sẵn có, nên võ công của Minh Kiếm chủ yếu tập trung vào Chiêu và Khí. Do cuộc sống gắn liền với đồng ruộng, Minh Kiếm luận giải hình ảnh cây lúa mà sáng tạo nên bộ Kim Hòa Kiếm, gồm 3 quyển Sinh Độ, Trổ Đòng và Đoạn Trường. Chiêu kiếm phỏng theo bông lúa chín, lúa trổ bông chín vàng, uốn cong, phất phơ trong gió, có lúc dẻo dai uyển chuyển, có lúc cứng cáp, vì vậy chiêu kiếm cũng mềm mại, lúc biến chiêu, mũi kiếm thường vẽ thằng 1 đường cong như lúa trĩu bông. Kiếm dựa vào cuộc sống, bao gồm cả triết lý nhân sinh, lẽ sinh tồn diệt vong. Lúa dựa vào tự nhiên mà sống, nương theo gió theo mưa. Khí dựa vào kiếm chiêu mà thành, điểm đặc biệt của Kim Hòa Kiếm là khi sử chiêu, chân ít di chuyển, còn người thì nghiêng, ngửa dựa theo kiếm, chân đứng yên mà toàn thân hết sức linh hoạt, uyển chuyển. Bằng Kim Hòa Kiếm, Minh Kiếm uy chấn giang hồ, chỉ với bộ 3 chiêu thức là Phong Vũ Nghịch, Vĩ Hối và Lạc Phiêu mà biến chiên đã biến ảo vô cùng. Về sau, Huynh Đệ hội ngày càng phát triển, xuất hiện không ít các bậc tuấn kiệt, võ công không ngừng phát triển nhưng Kim Hòa Kiếm vẫn luôn là bảo vật chấn nhiếp.

Thiên hạ rộng lớn, ở đâu có bóng người nông dân là ở đó có người của Huynh đệ hội, sau này cả những người khốn khó như ăn mày, thợ thuyền cũng được Huynh Đệ hội che trở. Tôn chỉ duy nhất của Huynh Đệ hội là giúp đỡ kẻ khốn khó, coi trọng tình cảm mà không có hội quy lề lối cụ thể, người đứng đầu là Lão Cả cùng các Lão Hai, Lão Ba phân xử công việc, gần như mọi người đều coi nhau là anh em, không phân biệt trên dưới cấp bậc. Dân chúng Huynh Đệ hội tuy đông đảo, nhưng có cả người già, trẻ nhỏ, trẻ em, cả người có lẫn không có võ nghệ, phần lớn thời gian dành cho việc đồng áng, làm lụng, vì vậy Hội chỉ mong duy trì cuộc sống bình yên cho hội chúng mà không tranh phong với các bang phái khác.

Trải qua 3 đời Lão Cả, đến Lão Cả Mãnh Kiếm là thời kỳ bình yên nhất, triều đình nhà Lý dưới sự trị vì của vua Lý Thánh Tông phát triển thịnh vượng, đất nước hòa bình, muôn dân đều ấm no, Huynh Đệ hội vì vậy mà cũng lui về sau, hội chúng vài tháng tụ hội một lần, chủ yếu là gặp mặt ăn uống hội hè, thỉnh thoảng chỉ chủ trì việc bảo vệ Hội chúng trước bọn lục lâm thảo khấu, bọn quan lại địa chủ cường hào ác bá, hay phân xử tranh chấp vướng mắc, ngòai ra cũng không có gì đáng kể. Cũng chính vì thế, thời kỳ này, việc chuyền dạy và tập luyện võ công của Huynh Đệ hội có phần không được chú trọng, dù mấy bậc Lão thì vẫn thuộc hàng đứng đầu thiên hạ nhưng hội chúng thì lơ là.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.