Sứ Giả Của Thần Chết

Chương 20



Để có được một ý thức bắt đầu công việc trong những ngày bề bộn đang đối diện với nàng, Mary bảo Florian đến đưa nàng đi vào lúc 6 giờ 30.

Trong suốt chuyến đi đến Toà đại sứ, nàng đọc các báo cáo và thông cáo của các Toà đại sứ khác đã chuyển đến dinh nàng trong đêm.

Lúc Mary bước xuống hành lang của Toà đại sứ qua văn phòng của Mike Slade, nàng dừng lại kinh ngạc. Ông ta đang ở bàn giấy làm việc. Ông ta không cạo râu. Nàng tự hỏi có phải ông ta đi đâu suốt đêm không?

– Ông đến sớm đấy, – Mary nói.

Ông ta nhìn lên. – Chào bà. Tôi muốn nói chuyện với bà đây!

– Được rồi, – nàng bắt đầu bước vào.

– Không phải ở đây. Văn phòng bà đấy.

Ông ta theo Mary qua cửa ăn thông vào văn phòng nàng và nàng quan sát trong lúc ông ta bước đến một dụng cụ trong góc phòng.

– Đây là một chiếc máy xé vụn giấy tờ, – Mike cho nàng biết.

– Tôi biết!

– Thật à? Đêm qua khi bà đi ra ngoài, bà đã để lại một số giấy tờ trên mặt bàn đấy. Bây giờ, nó đã được chụp hình và gởi đi Moscow rồi đấy!

– Ồ, Chúa ơi! Có lẽ tôi đã quên. Giấy tờ gì vậy?

– Một danh sách các thứ phấn sáp, giấy vệ sinh và các đồ phụ nữ cá nhân khác mà bà muốn gửi mua. Nhưng việc ấy ngoài vấn đề. Các người phụ nữ dọn quét làm việc cho an ninh đấy. Bọn Rumani sẽ biết ơn bất cứ mẩu tin nào họ có thể có được và họ rất giỏi trong vấn đề liên kết các dữ kiện lại với nhau. Bài học số một: Ban đêm mọi thứ phải được khoá lại trong tủ an toàn của bà hoặc xé tan đi!

– Còn bài học thứ hai là gì? – Mary lạnh lùng hỏi.

Mike cười toe toét.

– Vị Đại sứ luôn khởi sự ngày làm việc bằng cách uống cà phê với phó trưởng phái đoàn của mình. Bà uống gì nào?

Nàng không muốn uống cà phê với tên ngạo mạn này tí nào cả.

– Tôi… đen!

– Tốt. Bà phải chú ý đến thân hình của bà ở đây. Thức ăn có nhiều mỡ đấy. – Ông ta đứng dậy và đi về cánh cửa dẫn đến văn phòng ông ta. – Tôi có làm rượu riêng của tôi. Bà sẽ thích nó.

Nàng ngồi đấy, tức giận với ông ta.

Mình phải thận trọng trong các việc đối phó với ông ta – Mary quyết định. – Mình muốn đẩy ông ta ra khỏi đây càng nhanh càng tốt.

Ông ta quay trở lại với hai tách cà phê bốc hơi và đặt lên bàn giấy của nàng.

– Làm sao tôi có thể thu xếp cho Beth và Tim theo học tại một trường Mỹ ở đây nhỉ? – Mary hỏi.

– Tôi đã thu xếp việc ấy rồi. Florian sẽ đưa đi buổi sáng và đưa về buổi chiều.

Nàng sửng sốt.

– Tôi… cám ơn ông!

– Bà nên nhìn qua trường ấy một chút khi nào bà có dịp. Đấy là một trường học nhỏ, độ một trăm học sinh. Mỗi lớp có từ 8 đến 9 học sinh. Chúng đến từ khắp nơi – Canada, Isarel, Nigeria – bà biết đấy, các thầy giáo đều giỏi.

– Tôi sẽ ghé lại đấy!

Mike hớp một ngụm cà phê.

– Tôi hiểu rằng đêm qua bà mạn đàm thú vị với nhà lãnh tụ không biết sợ của chúng ta đấy.

– Chủ tịch Ionescu à? Vâng. Hình như ông ta rất dễ chịu.

– Ồ, vậy đấy ông ta là một người đáng yêu. Cho đến lúc ông ta bực bội với người nào đấy. Rồi ông ta chẻ đầu bà ra.

Mary nói một cách căng thăng:

– Chúng ta không phải nói về điều này trong phòng cách âm à?

– Không cần thiết. Sáng nay tôi đã cho kiểm tra các máy nghe lén ở phòng bà rồi. Dọn sạch hết rồi. Sau khi những người giữ cửa và dọn quét bước vào và canh chừng. Nhân đây, đừng để vẻ đẹp của Ionescu mê hoặc bà đấy. Ông ta là một tên chó đẻ được nhuộm màu len đấy. Dân ông ta khinh bỉ ông ta, nhưng họ chẳng làm gì được cả. Cảnh sát mật ở khắp nơi. Đấy là KGB và lực lượng Cảnh sát hợp lại làm một. Luật chơi chung chung ở đây là cứ ba người có một người làm việc cho An ninh hoặc KGB. Các người Rumani được lệnh không được tiếp xúc gì với người ngoại quốc cả. Nếu một người ngoại quốc muốn ăn uống tại một căn nhà của một người Rumani, trước tiên việc ấy phải được bộ ngoại giao chấp thuận.

Mary cảm thấy ớn lạnh.

– Một người Rumani có thể bị bắt vì ký tên vào kiến nghị, chỉ trích chính phủ, viết lên tường…

– Họ có thể xử án ở đây mà, – Mary nói.

– Ồ, thỉnh thoang họ xử án biểu diễn mà các phóng viên của phương Tây được phép xem. Nhưng hầu hết những kẻ bị bắt đều tìm cách có được những tai nạn chết người trong lúc họ còn bị cảnh sát giam giữ. Đấy là những người Gulag tại Rumani mà chúng ta không được phép nhìn thấy. Họ ở trong vùng Delta và trong sông Danube gần biển Đen. Tôi đã nói chuyện với những người đã trông thấy họ. Các điều kiện ở đấy thật là khủng khiếp. Và không có nơi nào cho họ tẩu thoát cả!

Mary nói to lên tư tưởng của nàng. Họ có biển Đen về phía Đông, Bulgari về phía Nam và Nam Tư, Hungari, và Tiệp Khắc ở những biên giới khác của họ. Họ ở ngay giữa Đông Âu.

– Bà có nghe đến sắc luật của máy chữ không?

– Không!

– Đấy là sáng kiến hay mới nhất cả Ionescu đấy. Ông ta ra lệnh cho đăng ký mọi máy chữ và máy photocopy trong nước. Ngay khi các máy ấy được đăng ký, ông ta cho tịch thu. Giờ đây Ionescu kiểm soát tất cả tin tức được phân phối. Uống cà phê nữa không?

– Không, cám ơn!

– Ionescu bóp vào những yếu huyệt của dân chúng. Họ sợ đình công vì họ biết họ sẽ bị bắn. Mức sinh hoạt ở đây là một trong những mức thấp nhất châu Âu. Thiếu tất cả mọi thứ. Nếu người ta thấy có một hàng người trước một cửa hiệu, họ sẽ nhập vào và mua bất cứ thứ gì bán ra khi họ có cơ hội.

– Tôi thấy hình như, – Mary chậm rãi nói, – tất cả các điều này cộng thêm cho chúng ta một cơ hội tuyệt vời để giúp đỡ họ đấy.

Mike Slade nhìn nàng. Đúng, – Ông ta lạnh lùng nói – Tuyệt vời đấy.

***

Chiều ấy trong lúc Mary xem qua một số công điện vừa gửi từ Washington đến, nàng nghĩ đến Mike Slade. Ông ta là một con người kỳ lạ. Ngạo mạn và thô lỗ, tuy nhiên, tôi đã thu xếp cho bọn trẻ đi học. Florian sẽ đưa chúng nó đi buổi sáng và đóng chúng buổi chiều. Và ông ta có vẻ quan tâm đến dân tộc Rumani và những vấn đề của họ. Ông ta có lẽ phức tạp hơn là mình nghĩ, – Mary quyết định như thế. Mình vẫn không ưa ông ta.

Hoàn toàn vì tình cờ mà Mary biết được những cuộc họp đang diễn ra sau lưng nàng. Nàng đã rời văn phòng để đi ăn trưa với Bộ trưởng Nông nghiệp Rumani. Khi nàng đến Bộ, nàng được cho biết rằng ông ta đã bị chủ tịch gọi đi. Mary quyết định trở về Toà đại sứ và vừa ăn, vừa làm việc.

Nàng bảo bí thư của nàng:

– Hãy bảo Lucas Janklow, David Wallace và Eddie Matlz rằng tôi muốn gặp họ!

Dorothy Stone do dự:

– Thưa bà, họ đang họp!

Giọng bà ta có một cái gì đó tránh né.

– Họp với ai vậy?

Dorothy hít một hơi dài.

– Với tất cả những lãnh sự khác.

Phải mất một lúc để việc ấy thấm nhập vào.

– Có phải bà nói rằng có một cuộc họp tham mưu đang diễn ra mà không có mặt tôi không?

– Vâng, thưa bà Đại sứ!

– Quá mức đấy? Tôi suy ra rằng, đây không phải là lần đầu, đúng không?

– Không, thưa bà.

– Có gì khác đang xảy ra ở đây mà tôi phải biết nhưng lại không biết nhỉ?

Dorothy Stone hít một hơi mạnh.

– Họ đều đánh đi những bức điện không cần sự cho phép của bà đấy.

Hãy quên về một cuộc cách mạng đang nhen nhóm tại Rumani đi, – Mary nghĩ thế. – Có một cuộc cách mạng đang nhen nhóm ở đây, ngay trong Toà đại sứ này.

– Dorothy hãy triệu tập một cuộc họp tất cả các trưởng ban lúc ba giờ chiều nay nhé. Có nghĩa là tất cả mọi người đấy.

– Vâng, thưa bà.

Mary ngồi ở đầu bàn quan sát trong lúc ban tham mưu bước vào phòng họp. Các uỷ viên lớn ngồi vào bàn họp và các uỷ viên nhỏ chiếm những chiếc ghế dựa vào tường.

– Chào quý vị, – Mary lên tiếng cộc lốc. – Tôi sẽ không làm mất nhiều thì giờ của quý vị. Tôi biết tất cả các vị đều bận rộn như thế nào. Tôi để ý rằng các cuộc họp của các uỷ viên cao cấp đã được tổ chức mà tôi không biết hoặc phê chuẩn. Từ lúc này trở đi, bất kỳ ai tham dự một cuộc họp như thế sẽ bị sa thải ngay. – Nàng liếc mắt trông thấy Dorothy đang ghi chú. – Tôi cũng để ý rằng một số các vị đang giữ công điện mà không cho tôi biết. Theo nghi thức ngoại giao của Bộ Ngoại giao, mỗi Đại sứ có quyền thuê hoặc sa thải bất cứ uỷ viên nào của ban tham mưu Toà đại sứ tuỳ ý mình!

Mary quay sang Ted Thompson, Lãnh sự nông nghiệp.

– Ngày hôm qua, ông đã gửi một bức điện không được cho phép về Bộ Ngoại giao. Tôi đã giữ chỗ cho ông trên một chiếc phi cơ đi Washington vào trưa ngày mai. Ông không còn là thành viên của Toà đại sứ nữa. – Nàng nhìn quanh phòng. – Lần sau, bất cứ ai trong phòng này gửi công điện mà không có tôi biết hoặc không chịu hỗ trợ tôi hoàn toàn, người ấy sẽ lên chiếc phi cơ kế tiếp trở về Hoa Kỳ. Xong rồi, các ông, các bà.

Có một sự im lặng kinh ngạc. Rồi, từ từ, mọi người bắt đầu đứng dậy và nối đuôi nhau ra khỏi phòng. Có một vẻ mưu mô trên khuôn mặt của Mike Slade trong lúc ông ta bước ra.

Chỉ còn Mary và Dorothy trong phòng. Mary nói:

– Bà nghĩ gì thế?

Dorothy cười hớn hở.

– Gọn, nhưng không cầu kỳ. Đây là một cuộc họp tham mưu ngắn nhất và hiệu quả nhất tôi chưa từng thấy.

– Tốt. Bây giờ đã đến lúc làm sáng tỏ phòng truyền tin.

Tất cả các điện văn gửi đi từ các Toà đại sứ tại Đông Âu đều được gửi bằng mật mã. Chúng được đánh trên một máy chữ đặc biệt, đọc bằng một bộ phận hình điện tử trong phòng mật mã và được tự động mã hoá ở đấy. Mật mã được thay đổi hàng ngày và có năm tên gọi. Tối mật, mật, kín, phổ biến hạn chế, và thường. Bản thân phòng truyền tin là một căn phòng phía sau không cửa sổ, cấm lai vãng, đầy những thiết bị điện tử mới nhất và được canh gác cẩn mật.

Sandy Palance, sĩ quan phụ trách, ngồi trong phòng truyền tin sau một buồng nhỏ. Anh ta đứng dậy lúc Mary đến gần.

– Chào bà Đại sứ. Bà cần gì không?

– Không. Tôi sẽ giúp ông đây!

Có một vẻ bối rối trên khuôn mặt của Palance.

– Thưa bà?

– Ông đã gửi đi những điện văn không có chữ ký của tôi. Có nghĩa đó là những điện văn không được phép.

– Anh ta bỗng lâm vào thế bị động.

– À, các ngài Lãnh sự bảo tôi rằng…

– Từ nay trở đi, nếu có ai nhờ ông gửi một điện văn không có chữ ký của tôi, nó phải được mang ngay đến cho tôi. Rõ không? – Có một vẻ cứng rắn trong giọng nói của nàng.

Palance nghĩ:

– Chúa ơi! Chắc họ đã kềm không chặt người này rồi, – Vâng, thưa bà. Tôi rõ.

Mary quay lại và bỏ đi. Nàng biết rằng phòng truyền tin được CIA dùng để chuyển điện văn qua một “hệ thống đen”. – Nàng tự hỏi liệu có bao nhiêu uỷ viên của Toà đại sứ là thành phần của CIA, và nàng thắc mắc không biết có phải Mike Slade đã cho nàng biết toàn bộ sự thật. Nàng có cảm giác ông ta không nói thật.

Đêm ấy, Mary ghi chú về các biến cố trong ngày ghi nhanh những vấn đề cần thiết phải hành động. Nàng đặt tất cả bên giường nàng, trên một chiếc bàn nhỏ. Lúc sáng nàng đến phòng tắm để tắm. Trong lúc nàng mặc quần áo, nàng cầm mấy tờ ghi chú lên. Chúng được xếp theo một trật tự khác.

Bà có thể chắc rằng Toà đại sứ và dinh đều bị đặt máy nghe lén.

Mary đứng đấy suy nghĩ một lúc.

Lúc ăn sáng, khi nàng còn lại một mình trong phòng ăn với Tim và Beth, Mary lớn tiếng nói:

– Người Rumani thật là một dân tộc tuyệt vời. Nhưng mẹ có cảm giác rằng họ còn kém xa Hoa Kỳ trong một số cách thức. Các con có biết rằng có nhiều gian phòng mà ban tham mưu Toà đại sứ đang sống không có nhiệt hoặc nước máy và các phòng vệ sinh bị hỏng không?

Beth và Tim trố mắt nhìn nàng một cách lạ lùng.

– Mẹ cho rằng chúng ta phải dạy người Rumani cách sửa chữa những việc như thế.

Sáng hôm sau, Jerry Davis nói:

– Tôi không biết bà làm cách nào, nhưng có những người làm việc khắp nơi sửa sang lại những gian phòng của chúng tôi đấy!

Mary cười hớn hở.

– Ông chỉ cần nói tử tế với họ thôi.

Cuối buổi họp tham mưu, Mike Slade bảo:

– Bà có nhiều Toà đại sứ phải đến chào. Tốt hơn bà nên bắt đầu từ hôm nay đi.

Nàng ghét miệng lưỡi ông ta. Ngoài ra, tuyệt nhiên, chẳng có gì là công việc của ông ta cả.

Harriet Kruger là sĩ quan nghi thức ngoại giao và bà đã rời Toà đại sứ để đi lo việc trong ngày.

Mike tiếp tục nói:

– Điều quan trọng là bà nên viếng các Toà đại sứ theo thứ tự ưu tiên. Quan trọng nhất…

– Là Toà đại sứ Nga. Tôi biết rồi.

– Tôi muốn khuyên bà…

– Ông Slade – Nếu tôi cần bất cứ lời khuyên nào của ông về nhiệm vụ của ông ở đây, tôi sẽ cho ông biết.

Mike thở dài.

– Đúng! – Ông ta đứng dậy. – Bất cứ gì bà nói, thưa bà Đại sứ!

Sau chuyến đi viếng thăm Toà đại sứ Nga, phần ngày còn lại của Mary được dùng cho các cuộc phỏng vấn, một thượng sĩ từ New York muốn có tin tức nội bộ về những kẻ bất đồng ý kiến và một cuộc họp với tân lãnh sự nông nghiệp.

Lúc Mary sắp rời văn phòng, Dorothy Stone thì thầm vào tai nàng.

– Có một cú điện thoại khẩn cấp cho bà, thưa bà Đại sứ. James Stickley từ Washington gọi.

Mary nhấc điện thoại.

– Alô, ông Stickley.

Giọng của Stickley nóng nảy qua đường dây.

– Phiền bà cho tôi biết bà đang làm gì thế?

– Tôi… Tôi không hiểu ông muốn nói gì?

– Rõ ràng là vậy. Bộ trưởng Ngoại giao vừa nhận được lời phản kháng chính thức của Đại sứ Gabon về tư cách của bà đấy!

– Chờ một chút! – Mary đáp. – Có điều thiếu sót.

– Tôi chưa được nói chuyện với Đại sứ Gabon.

– Đúng vậy, – Stickley đốp chát lại. – Nhưng bà đã nói chuyện với Đại sứ Liên Xô đấy!

– À, vâng. Sáng nay tôi có viếng xã giao.

– Bà không biết rằng các Toà đại sứ ngoại quốc có quyền ưu tiên theo thời gian họ trình uỷ nhiệm thư à?

– Vâng, nhưng…

– Cho bà biết nhé, tại Rumani, Gabon là nước đầu tiên. Còn câu hỏi nào không?

– Không, thưa ngài. Tôi xin lỗi nếu tôi…

– Yêu cầu bà hãy xem lại để điều ấy không xảy ra nữa.

Khi Mike Slade nghe tin, ông ta vào văn phòng Mary.

– Tôi đã cố gắng bảo bà!

– Ông Slade…

– Họ xem những việc như thế rất nghiêm trọng trong công việc ngoại giao đấy. Quả vậy, năm 1961 tuỳ tùng của Đại sứ Tây Ban Nha tại London đã tấn công xe ngựa của Đại sứ Pháp, giết người giữ ngựa trạm, đập người đánh xe và cắt nhượng hai con ngựa chỉ cốt để xe ngựa của Đại sứ Tây Ban Nha đến trước. Tôi đề nghị bà nên gửi một bức thư xin lỗi.

Mary biết nàng sẽ phải ăn gì trong bữa ăn chiều.

– Nhục nhã.

Mary bị quấy rầy vì những lời bình luận mà nàng tiếp tục nghe về số lượng quảng cáo về nàng và con nàng.

– Có cả một bài tại tờ Pravda về cả ba người đấy.

Lúc nửa đêm, Mary gọi điện đến Stanton Rogers.

Có lẽ ông vừa vào văn phòng. Ông đến máy ngay.

– Đại sứ đắc ý của tôi khỏe mạnh ra sao đấy?

– Khoẻ thôi. Anh thế nào, Stan?

– Ngoài thời khoá biểu 48 tiếng một ngày, tôi chẳng chê gì được cả. Quả vậy, tôi đang tận hưởng mọi phút của nó. Bà làm ăn thế nào đấy? Có vấn đề nào tôi có thể giúp bà được không?

– Thực sự đấy không phải là vấn đề. Chỉ là một điều tò mò của tôi thôi. – Nàng do dự, cố gắng chỉnh câu văn để ông không hiểu lầm. – Tôi cho rằng anh đã trông thấy ảnh của con tôi và tôi trên tờ Pravda tuần trước chớ?

– Vâng, tuyệt đấy! – Stanton Rogers thốt lên. – Cuối cùng chúng ta đã thành công với họ đấy.

– Những đại sứ khác có được đăng báo nhiều như tôi không?

– thẳng thắng mà nói thì không. Nhưng ông chủ quyết định phải dốc toàn lực với bà, Mary ạ. Bà là tủ bày hàng của chúng tôi. Tổng thống Ellison đã muốn nói điều ấy khi ngài đang tìm một kẻ đối lập với người Mỹ xấu xí. Chúng tôi đã được bà và chúng tôi định phô trương bà đấy. Chúng tôi muốn cả thế giới có một cái nhìn đẹp về người tốt nhất của quốc gia chúng ta đấy.

– Tôi thật sự, tôi rất thích!

– Cố gắng làm tốt công việc nhé.

Họ trao đổi với nhau vài mẩu chuyện vui thêm ít phút nữa và tạm biệt.

Vậy là Tổng thống đứng sau lưng cuộc quảng cáo này, – Mary nghĩ thế. – Chẳng lạ gì ngài có thể thu xếp được quá nhiều việc đăng tải trên báo.

***

Bên trong nhà ngục Ivan Stelian còn nghiêm ngặt cả bên ngoài nữa. Các hành lang chật hẹp với một lớp sơn xám buồn tẻ. Ở tầng dưới là cả một loạt các phòng giam cài thanh sắt đen đông nghịt người và tầng trên cũng thế với các binh sĩ mặc quân phục trang bị súng liên thanh tuần tra. Mùi hôi thối trong khu vực các phòng giam đông người chịu không nổi.

Một người gác đưa Mary đến một phòng khách nhỏ ở phía sau nhà ngục.

– Cô ta ở đấy. Bà có mười phút.

– Cám ơn ông. – Mạry bước vào trong phòng và cánh cửa đóng lại sau lưng nàng.

Hannah Murphy đang ngồi tại một chiếc bàn nhỏ đầy vết chiến tranh. Cô bị còng tay và mặc áo tù. Eddie Maltz đã đề cập về cô như là một sinh viên 19 tuổi xinh đẹp. Cô trông lớn hơn 20 tuổi. Khuôn mặt xanh xao, hốc hác và đôi mắt mọng đỏ. Tóc thì rối.

– Chào cô, – Mary bảo – Tôi là Đại sứ Mỹ.

Hannah Murphy nhìn nàng và bắt đầu khóc sướt mướt.

Mary vòng tay qua người cô dỗ dành:

– Suỵt. Sẽ ổn thôi.

– Không, không ổn đâu! – cô gái rên rỉ – Tuần sau tôi sẽ bị xử án. Tôi sẽ chết nếu tôi phải ở lại nơi này năm năm. Tôi sẽ chết!

Mary đỡ nàng một lúc.

– Được rồi, cho tôi biết sự việc xảy ra đi.

Hannah Murphy hít một hơi mạnh và sau một lúc, lên tiếng:

– Tôi đã gặp người đàn ông này – hắn là một người Rumani – và tôi cô đơn. Hắn tốt với tôi và chúng tôi – chúng tôi làm tình với nhau. Một người bạn gái của tôi đã cho tôi hai thỏi cần sa. Tôi cũng chia xẻ với hắn một thỏi. Chúng tôi lại làm tình và tôi ngủ. Khi tôi thức dậy buổi sáng, hắn đi mất, nhưng cảnh sát đã ở đấy. Tôi trần truồng. Họ họ đứng xung quanh xem tôi mặc quần áo và đưa tôi đến cái chỗ địa ngục này. – Nàng lắc đầu tuyệt vọng. – Họ bảo tôi năm năm.

– Không, nếu tôi có thể giúp được.

Mary nghĩ đến điều Lucas Janklow đã nói với nàng khi nàng đi đến nhà giam. Bà chẳng có thể làm gì được cho cô ta cả, bà Đại sứ ạ. Trước đây chúng tôi đã thử rồi. Án năm năm đối với một người ngoại quốc là tiêu chuẩn đấy. Nếu cô ta là người Rumani, có lẽ họ sẽ lấy mạng cô đấy.

Mary nhìn Hannah Murphy nói:

– Tôi sẽ làm tất cả theo khả năng của tôi để giúp đỡ cô.

Mary đã xem báo cáo chính thức của Cảnh sát về việc bắt giữ Hannah Murphy. Nó được đại uý Aurel Istrase, trưởng ngành an ninh, ký tên. Nó ngắn gọn và không có thể giúp gì được, nhưng chẳng nghi ngờ gì về tội trạng của cô gái cả. Mình sẽ phải tìm cách khác, – Mary nghĩ thế. Aurel Istrase. Tên nghe quen thuộc. Nàng nhớ lại hồ sơ mật mà James Stickley đã cho nàng xem tại Washington. Trong đó có một điều gì đấy về đại uý Istrase. Một điều gì đấy về… nàng nhớ lại.

Mary thu xếp để họp với vị đại uý sáng hôm sau.

– Bà mất thời giờ thôi! – Mike Slade trắng trợn bảo nàng. – Istrase là một quả núi. Không thể lay chuyển ông ta được đâu.

Aurel Istrase là một người đàn ông lùn, nước da ngăm đen với một khuôn mặt đầy sẹo, đầu láng bóng và những chiếc răng biến màu. Trước kia trong nghề nghiệp của ông ta, có người đã làm gãy mũi ông ta và nó không chịu lành lặn một cách thích hợp. Istrase đã đến Toà đại sứ dự hội nghị.

Ông ta tò mò về tân Đại sứ Hoa Kỳ.

– Bà muốn nói chuyện với tôi à, thưa bà Đại sứ?

– Vâng, cám ơn ông đã đến đây. Tôi muốn thảo luận về trường hợp của Hannah Murphy!

– À, vâng. Người bán rong ma tuý. Tại Rumani, chúng tôi có những luật lệ nghiêm ngặt về những người bán ma tuý. Họ bị tù!

– Tuyệt đấy, – Mary bảo – Tôi hài lòng được biết điều ấy. Tôi mong rằng chúng tôi có được những luật lệ nghiêm ngặt hơn tại Hoa Kỳ.

Istrase trố mắt nhìn nàng, hoang mang.

– Vậy là bà đồng ý với tôi à?

– Tuyệt đối. Bất cứ ai bán ma tuý đều bị giam. Tuy nhiên, Hannah Murphy không bán ma tuý. Cô ta đưa cho tình nhân của cô ta một ít cần sa thôi!

– Cũng vậy thôi. Nếu…

– Không hoàn toàn, thưa đại uý. Tình nhân của cô ta là một trung uý trong lực lượng cảnh sát của ngài. Ông ta cũng hút cần sa nữa. Ông ta có bị phạt không?

– Tại sao ông ấy phải bị phạt? Ông ấy chỉ đơn thuần thu thập bằng chứng về một hành động tội phạm.

– Trung uý của ngài có một vợ, ba con phải không?

Đại uý Istrase cau mày.

– Vâng. Cô gái Mỹ dụ ông ta vào giường!

– Thưa đại uý – Hannah Murphy là một cô gái 19 tuổi. Trung uý của ngài 45. Thế thì ai dụ dỗ ai?

– Tuổi tác không liên quan đến việc này, – vị đại uý ngoan cố nói.

– Vợ của vị trung uý có biết về việc gian díu của chồng bà ấy không?

Đại uý Istrase trố mắt nhìn nàng:

– Tại sao bà ta biết được?

– Bởi vì tôi nghe việc đó như là một trường hợp gài bẫy rõ ràng. Tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta nên công bố cả sự việc này. Báo chí quốc tế sẽ bị mê hoặc đấy.

– Sẽ không có vấn đề ấy đâu. – Ông ta nói.

Nàng tấn công đối thủ:

– Bởi sự kiện là ông trung uý là con rể của ngài phải không?

– Chắc chắn là không, – vị đại uý giận dữ nói. – Tôi chỉ muốn thi hành công lý.

– Tôi cũng thế, – Mary quả quyết với ông ta.

Theo hồ sơ nàng đã xem, người con rể có biệt tài làm quen với các du khách trẻ – đàn ông hoặc phụ nữ – để ngủ với họ và đề nghị những địa điểm mà họ có thể buôn bán chợ đen hoặc mua ma tuý rồi tố cáo họ.

Mary nói bằng một giọng hoà giải:

– Tôi thấy không cần cho con gái ngài biết về cách cư xử của chồng bà ấy. Tôi nghĩ rằng điều tốt hơn nhiều cho tất cả những người liên can là ông nên lặng lẽ thả Hannah Murphy ra và tôi đưa cô ta về lại Hoa Kỳ. Ngài có ý kiến gì không, đại uý?

Ông ta ngồi đấy, cáu kỉnh và suy nghĩ kỹ:

– Bà là một phụ nữ rất hay đấy! – cuối cùng ông ta nói.

– Cám ơn ngài. Ngài là một người đàn ông rất hay đấy. Chiều nay tôi mong có được cô Murphy tại văn phòng tôi. Tôi sẽ lo cho cô ta lên chuyến phi cơ đầu tiên rời Bucarest.

Ông ta nhún vai:

– Tôi sẽ sử dụng ảnh hưởng nhỏ nào mà tôi có được.

– Tôi chắc ngài sẽ làm được đấy, đại uý Istrase ạ. Cám ơn ngài.

Sáng hôm sau, một cô Hannah Murphy biết ơn lên đường về xứ.

– Bà đã làm thế nào vậy? – Mike Slade hỏi, có vẻ không tin.

– Tôi đã nghe theo lời khuyên của ông. Tôi đã mê hoặc ông ta.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.