Hãy nói Thanh Lam lành mạnh rồi, còn ở lại nhà Văn Úy hơn mười ngày, mà ngày nào cũng dạy vợ chồng Văn Úy luyện côn. Ngoài
thì giờ luyện tập, chàng với Văn Úy lại còn đàm luận về văn thơ.
Đồng thời, chàng chỉ mong mỏi Hắc Y Côn Luân sớm quay trở lại để mình hỏi thăm tin tức của Hồng Tuyến, nhưng chờ mãi vẫn không thấy hình bóng Hắc Ma Lạc đâu hết. Chàng chờ mãi cũng nóng lòng sốt ruột vô cùng.
Tối hôm đó, chàng đang một mình đứng tựa cửa sổ, tay cầm Thất
Tinh bảo kiếm ngẩn người ra nhìn lên trên không, bỗng ngoài của có người khẽ nói :
– Quý hồ kiên tâm thì thế nào cũng được toại nguyện.
Thanh Lam nghe vậy vội chạy ra phòng, nhảy lên trên mái nhà, nhưng bốn bề tối như mực, không có một hình bóng người nào hết.
Chàng quay vô phòng, thắc mắc vô cùng, vì rõ ràng nghe thấy ở
ngoài cửa sổ nói như vậy, mà tại sao đuổi theo ra lại không thấy ai hết. Chàng thắc mắc vô cùng, bụng bảo dạ rằng :
– “Vết thương của ta đã lành mạnh, công lực của ta đã phục hổi,
dù đi chân trời góc bể, ta cũng phải tìm cho ra nàng Hồng Tuyến mới
thôi. Hắc Y Côn Luân hành tung không nhất định, nếu chàng không tới đây, chẳng lẽ ta ở đây chờ mãi hay sao?”
Chàng quyết định như vậy, liền vào phòng lên giường ngủ.
Sáng ngày hôm sau, chàng ăn mặc gọn ghẽ, đeo trường kiếm vào
lưng, rồi ra từ biệt vợ chồng Văn Úy, nhưng khi nào vợ chồng Văn Úy lại
chịu để cho chàng đi như thế? Chàng đành phải giải thích cho vợ chồng
Văn Úy hay là mình đã trốn nhà đi như vậy đã được một tháng rồi, sợ
dượng và dì nhớ mong nên bây giờ chàng phải về.
Vợ chồng Văn Úy thấy chàng nói như thế không tiện cầm giữ chàng ở lại nữa, liền bảo người nhà làm một mâm cơm thịnh soạn để tiễn chàng.
Cơm nước xong, Văn Úy đã sửa soạn sẵn một con ngựa cho chàng.
Chàng ngỏ lời từ biệt rồi mới lên đường. Chàng biết nhà của Văn Úy cách
Ngụy quân có hai mươi dặm thôi, nơi đây thuộc phạm vi thế lực của Điền
Thừa Tự, nên chàng không dám trì hoãn vội phóng ngựa đi luôn.
Nhưng chàng là một công tử có đi đâu bao giờ, lần nay vì đi kiếm Hồng Tuyến cô nương mà một mình lên đường như thế… chàng không thuộc
đường mà cũng không biết một tí gì là luận lệ của giang hồ, nên cứ thấy
đường quan thì phóng bừa. Cũng may, chàng thường nghe Thầy đồ Thư nói,
muốn dò la tin tức thì vào trong các tửu lầu trà đình. Vì vậy, hễ cứ gặp trà lầu, tửu điếm là chàng vào dò la tin tức của Hồng Tuyến cô nương
ngay.
Liền ba bốn hôm như vậy, chàng cũng không biết đã qua bao nhiêu đường lối, nhưng không lượm được một tin tức gì hết.
Trưa ngày hôm đó, chàng đi đến một thị trấn liền vào một tửu
điếm ăn uống và nghỉ ngơi. Chàng một mình ăn nhậu, càng buồn bực thêm
nghĩ đến hình dáng và tiếng nói của Hồng Tuyến cô nương, chàng ngẩn
người ra, như trông thấy nàng xuất hiện trước mắt mình vậy.
Đang lúc ấy, bỗng có hai người ở dưới lầu đi lên. Chàng nhanh
mắt đã trông thấy hai người đó là một tăng, một tục, cả hai cùng béo
lùn, người đi trước là Hầu Trường Thắng, người đi sau là Hoa Di Lạc.
Cũng may, hai người đó vừa đi vừa nói chuyện nên không trông
thấy chàng. Chúng lên tới trên lầu, liền kiếm ngay một chỗ phía sau
Thanh Lam.
Biết hai tên đó đều có võ công cao siêu hơn mình. Thanh Lam kinh hãi vô cùng, vội nằm gục xuống bàn giả bộ say rượu. Phổ cây đến hỏi
chàng mấy lần, chàng cứ giả bộ không trả lời. Một lát sau, chàng đã nghe thấy Hầu Trường Thắng lên tiếng nói :
– Đ.M mỗ không tin Bát Túy Kiếm Khách lại lợi hại đến thế.
Khỏi cần đợi chờ đến tết Đoan Ngọ sang năm, Hầu Trường Thắng này phải đấu với y trước, thử xem Bát Túy Kiếm Khách lợi hại hay là Trường
Ty Vượn này lợi hại?
Hoa Di Lạc đáp :
– A di đà phật. Hầu lão ca quả thật là anh hùng bản sắc, họ
Triển kia tuy võ công khá cao siêu thật, nhưng chúng ta không sợ y,
riêng có sư huynh của y là Không Không Nhi mới thật là lợi hại.
Nghe nói vụ đấu võ vào Đoan Ngọ sang năm, tuy do Công Tôn tiên
sinh ra mặt để dứt khoát mối thù với tên họ Triển, nhưng sự thực bên
trong Công Tôn Thắng đã có Mẫn Trường Cương đại huynh với Thẩm sư thái
đỡ đầu ngầm, nhưng hai người ấy cũng vì nể mặt Không Không Nhi mà không
tiện ra mặt khiêu chiến với tên họ Triển đấy.
Trường Thắng cười ha hả nói tiếp :
– Lo âu như thế là thừa họ Triển đã ra mặt đâu. Chẳng lẽ sư huynh của y lại chịu khoanh tay đứng yên hay sao?
– Vấn đề đó khó khăn là ở chỗ đó. Nếu muốn dụ được Không Không
Nhi ra tay, thì trừ phi Thiên Si thượng nhân phải thân chinh ra tay mới
được. Bằng không đừng có ai hòng thắng nổi lão già Không Không Nhi ấy.
– Chả lẽ ngoài Thiên Si thượng nhân ra thì không còn ai địch nổi Không Không Nhi hay sao?
– A di đà phật. Hầu lão ca đừng có tức giận nhé. Cứ nói cuộc tỷ
võ đại hội vào Tết Đoan Ngọ sang năm, tiểu tăng nhận thấy cuộc đấu ấy
bên mình chưa chắc đã thắng nổi. Nếu được hai vị sư tôn của Hầu lão ca
như Phù lão tiền bối và Trí lão tiền bối, thì tất nhiên sự thắng bại sẽ
đảo lộn hẳn, nhưng…
Hoa Di Lạc nói tới đó, cười khẩy mấy tiếng, lại nói tiếp :
– Nhưng tính mạng của Trương lão tam lệnh sư đệ chả bị chết
trong tay tên họ Triển là gì? Sư tôn của Hầu lão ca khi nào lại chịu
khoanh tay đứng yên kia chứ?
Trương Thắng ngẫm nghĩ giây lát rồi đỡ lời :
– Năm xưa nếu Trương sư đệ không lẻn xuống núi, sư phụ còn chưa
tuyên bố không nhận y làm đồ đệ thì cuộc đấu vào Tết Đoan Ngọ sang năm,
đệ còn dám lên thưa với sư phụ được.
– Hầu lão ca khỏi cần phải lo âu. Chúng ta cứ gặp Phù lão tiền bối trước rồi hãy tính liệu sau.
Thanh Lam nghe tới đó thắc mắc vô cùng, vì chàng vẫn không biết
cuộc tỷ thí võ vào Tết đoan Ngọ ấy là cuộc tỷ võ nào “Nghe giọng nói của chúng thì hình như chuyên môn đối phó với Thầy đồ Thư vậy, và chúng lại còn đang đi mời người tới giúp sức”.
Nghĩ tới đó chàng liền bụng bảo dạ rằng :
– “Hà! Chúng lại không nói rõ địa điểm ở đâu. Trận đấu vui như thế, nếu ta bỏ lỡ có phải đáng tiếc không?”
Chàng vừa nghĩ vừa lắng tai nghe, thấy hai người lại nói đến
những chuyện đàn bà con gái, chàng vẫn cứ nằm yên không dám ngửng đầu
lên. Hai tên nọ ăn uống xong liền đứng dậy trả tiền rồi xuống lầu. Hầu
Trường Thắng thấy Thanh Lam vẫn còn nằm gục ở trên bàn, liền cả cười nói :
– Người học hành vô dụng thật. Uống có ba chén rượu đã say túy lúy như con tôm chết nằm còng queo, không sao đứng dậy được.
Hoa Di Lạc vừa cười vừa đáp :
– Hê, đừng có coi thường y. Lưng y có đeo một thanh trường kiếm nữa đấy.
Y vừa dứt lời, Trường Thắng đã kinh hãi kêu “ủa” một tiếng và nói tiếp :
– Thất Tinh kiếm.
Thanh Lam giật mình đến thót một cái, biết không thể nào trốn
tránh được nữa, bỗng nghĩ ra được một kế liền đưa vai một cái, thuận tay cầm lấy bát canh dưa chua lên hất luôn vào mặt Trường Thắng.
Trường Thắng bỗng trông thấy thư sinh này đeo một thanh kiếm
giống hệt Thất Tinh kiếm đang định tiến lên xem ai ngờ đâu một bát canh
dưa chua bay tới. Y vội giơ tay gạt nhưng chỉ gạt rơi được cái bát thôi, còn canh và rau đã bắn trúng vào mặt, y vội giơ tay lên lau chùi mặt
mũi, mồm thì kêu la om sòm, mắt bị nước dưa chua bắn vào không mở ra
được.
Hoa Di Lạc thấy vậy cả kinh vội chạy lại. Thanh Lam liền cầm cái bát hất vào người y, không để cho y tới gần. Chàng móc túi lấy một nén
bạc ra ném cho người trưởng quầy rồi quay mình xuống lầu đi luôn.
Lúc ấy các thực khách loạn xạ, nhiều người nhát gan cũng vội chạy xuống lầu luôn.
Trường Thắng vừa dụi mắt xong, đã lớn tiếng quát bảo :
– Đuổi! Mau đuổi theo! Đừng để cho tiểu tử ấy tẩu thoát.
Nói xong y giơ tay ra gạt các thực khách sang bên vội vàng đuổi
xuống dưới lầu ngay. Các người khác thấy chúng một tăng một tục, hung
thần ác sát như vậy thì đâu còn dám ngăn cản nữa.
Chúng vừa xuống tới lầu, thấy Thanh Lam phóng ngựa đi rồi.
Trường Thắng khi nào lại chịu để yên cho chàng. Y vội cởi cương ngựa, phi thân đến mình ngựa phóng đuổi theo luôn.
Thanh Lam cứ thúc ngựa phóng chạy. Chàng toát mồ hôi ra rồi,
đang định dùng ngựa nghỉ ngơi, nhưng chàng quay đầu lại nhìn, thấy
Trường Thắng với Hoa Di Lạc vẫn phóng ngựa đuổi theo.
Trường Thắng còn lớn tiếng mắng chửi :
– Tiểu tử khốn nạn kia. Xem mi chạy đi đâu cho thoát nào.
Thanh Lam lo âu vô cùng, lại thúc ngựa chạy tiếp và chỉ chọn
những con đường nhỏ mà phóng thôi. Vào đến con đường núi đá lởm chởm và
gồ ghề khó đi, thấy đằng sau vẫn có người đuổi theo riết, nhưng cũng may đằng trước có một khu rừng rậm, chàng liền nhớ tới lời dặn bảo của Thầy đồ Thư :
– “Người trên giang hồ kỵ nhất là thấy rừng rậm. Mình chạy vào đó, họ không dám đuổi vào đâu”
Chàng nghĩ vậy liền thúc ngựa phi tới cạnh rừng, rồi chàng xuống đất dắt ngựa vào trong rừng giấu vào trong một bụi cây. Chàng lại đi
mười mấy bước, bỗng đằng trước có một cái hang động, chàng vội chạy ngay vào bên trong. Vì ở ngoài sáng đi vào chỗ tối, nên chàng chỉ thấy tối
om, chứ không trông thấy gì hết. Nhưng chàng vẫn không quản ngại gì cả,
cứ thế mà đi vào. Lúc ấy bên ngoài rừng đã có tiếng người càng ngày càng gần. Chàng vội lấy ám khi ra cầm sẵn ở tay để đợi chờ.
– Ngựa của tiểu tử ở trong rừng này, chắc y cũng chưa đi xa đâu.
Hoa đại sư, chúng ta chia đường tìm kiếm y đi.
Trường Thắng nói như vậy xong, Hoa Di Lạc liền đỡ lời :
– Hà! Tiểu tử này quái lạ thật. Hôm đó y đã bị đánh trúng Ngũ Âm thủ của sãi gia mà y không chết, kể cũng lạ thật. Hôm nay, nếu bắt được y lần nữa, sãi gia thể nào cũng cho y nếm thêm mùi vị của chưởng ấy một lần nữa.
Tiếp theo đó, Thanh Lam lại nghe thấy tiếng chân đi của hai
người càng ngày càng xa, chàng mới thở nhẹ một cái, và lắng tai nghe
tiếp. Chàng lại nghe thấy Trường Thắng đột nhiên ngừng chân lại, nói :
– Hoa đại sư, đằng kia có một cái hang động, chưa biết chừng tiểu tử núp ở trong đó cũng nên.
Hoa Di Lạc liền đỡ lời :
– Phải, chúng ta đi tới đó khám xét thử xem.
Thế rồi tiếng chân của hai người đó lại đi quay trở lại, Thanh Lam giật mình kinh hãi, tay nắm cán kiếm, bụng bảo dạ rằng :
– “Nếu chúng vào đây, ta sẽ đâm cho mỗi tên một nhát”
Quả nhiên chàng đã thấy hai cái bóng người đi tới trước cửa động.
– Tiểu tử kia, khôn hồn thì bước ra. Bằng không thái gia xông vào, ngươi sẽ chết liền.
Trường Thắng ở bên ngoài mắng chửi om sòm, nhưng chúng không
biết bên trong thực hư ra sao? Địch ở trong bóng tối, mình ở chỗ sáng,
cho nên chúng mới không dám tiến vào bên trong.
– Tiểu tử họ Giang kia, mi tưởng Phật gia không biết mi núp trong động hay sao?
Hoa Di Lạc vừa nói vừa nhặt một hòn đá ném luôn vào trong động.
Thanh Lam trông thấy hòn đá ném vào vội cúi đầu tránh né.
Ngờ đâu hòn đá đó vừa bay vào trong động đã có tiếng kêu “vù” rồi lại nhanh như một mũi tên bay ngược trở ra.
Hoa Di Lạc không ngờ hòn đá mình vừa ném vào lại tự động bay
ngược trở ra y không kịp tránh né bị hòn đá đó bay trúng ngay vào vai
kêu đến “bộp” một cái. Y đau nhức chịu không nổi liền la lớn :
– Đ…m… quả nhiên bên trong có người.
Y vừa nói vừa xoay bóp đầu vai mấy cái, rồi lại nhặt một hòn đá khác ném vào tiếp.
Ngờ đâu hòn đá vừa tới cửa động hình như y đã đuối sức chỉ bay tới đó là rớt xuống liền.
Thanh Lam thấy vậy ngạc nhiên vô cùng, còn Hoa Di Lạc thì hổ thẹn vô cùng, bụng bảo dạ rằng :
– “Chẳng lẽ một tảng đá nhỏ như thế mà ta cũng ném không nổi ư?”
Nghĩ như vậy y càng tức giận thêm đang định nhặt một tảng đá
khác ném tiếp thì Hầu Trường Thắng đã nhận thấy bên trong thể nào cũng
có cái hòn đá của Hoa Di Lạc ném tới bị rớt như thế. Vì vậy y vội quát
bảo rằng :
– Hoa đại sư hãy xem.
Y không đợi chờ Hoa Di Lạc trả lời đã nhặt ba hòn đá to bằng
trứng ngỗng dùng thủ pháp ném ám khí giơ tay trái lên ném luôn ba hòn đá một lúc.
Lúc nầy y giở hết toàn lực ra ném vừa nhanh vừa mạnh. Hòn thứ
nhất và hòn thứ ba lại còn mạnh hơn hết cả, ba hòn đá cùng rời khỏi tay y một lúc nên hòn thứ ba lại tới cửa động trước hết. Cũng y như Hoa Di
Lạc vậy, hòn đá vừa tới cửa động đã bắn ngược trở lại, y vội tránh ngay
nhưng hòn đá ấy tựa như có mắt vậy mà lại nhanh hơn y nhiều nên vai phải của y đã bị hòn đá ấy ném trúng ngay kêu đến “bộp” một tiếng. Dù y đã
đề phòng rồi mà cũng bị tảng đá ấy đẩy lùi mấy bước, tay bị đau nhức
thấu xương không sao giơ lên được.
Trường Thắng đã hiểu rõ nguyên nhân rồi, liền nghiến răng mím môi chịu đau mà lớn tiếng hỏi :
– Ai ở trong động thế? Hầu mỗ không biết nên mới xúc phạm như
vậy, xin mời ngài ra ngoài động để cho Hầu mỗ được yết kiến một phen.
Hoa Di Lạc giận dữ xen lời nói :
– Hầu lão ca, người ở trong động rõ ràng là tiểu tử họ Giang,
chứ có phải cao nhân gì đâu. Để sãi gia tới lôi cổ y ra cho lão ca xem.
Nói xong, y liền bước tiến thẳng vào trong cửa động.
Thanh Lam thấy bọn chúng dùng đá ném mình, trái lại những hòn đá đều bay ngược trở ra, chàng kinh ngạc vô cùng. Bây giờ chàng lại thấy
Hoa Di Lạc hung hăng đi vào, chàng lại lui về phía sau một bước. Tay
chàng cầm sẵn một mũi phi tiêu bạc định ném ra, thì bỗng trước mặt lại
có kỳ tích xuất hiện.
Thì ra Hoa Di Lạc vừa đi tới cửa động, rõ ràng không có gì ngăn
cản, nhưng không hiểu tại sao y không thể qua được. Y lại bước thêm một
bước nữa, vẫn bị đẩy lui ngay, không sao bước thêm được.
Y liền lẩm bẩm tự nói :
– Ngày hôm nay sãi gia gặp ma chăng?
Y xông luôn hai lần mà không sao bước vào được thành phải ngừng
chân lại. Y liền thò tay vào trong hang khua mấy cái, bên trong trống
rỗng, không có gì cả, nhưng hễ y bước chân vào là y như va đụng phải một tấm vách tường vậy.
Thanh Lam thấy vậy, trong lòng mới yên tâm và cũng thấy phấn chấn vô cùng, rồi chàng cứ ngồi yên một bên để xem kỳ tích ấy.
Hoa Di Lạc tức đến trán nổi gân xanh, mắt lộ hung quan, giơ hai bàn tay hộ pháp lên trước ngực và quát lớn một tiếng.
Rồi y đầy mạnh song chưởng vào cửa động một thế. Ngũ Âm chưởng
của y như bài sơn đảo hải, còn Hầu Trường Thắng cũng vận hơn sức vào hai cánh tay kêu “răng rắc” rồi nhún chân một cái, người nhanh như sao sa,
cùng Hoa Di Lạc xông vào trong động một lúc. Cả hai cũng vậy, chưởng đi
trước người đi sau.
Hoa Di Lạc với Hầu Trường Thắng đều là những cao thủ hạng nhất
trong giang hồ, chúng liền tay cùng tấn công như vậy oai lực biết bao,
đừng nói một cái hang dộng bằng đá nho nhỏ, dù là hai cánh cửa sắt cũng
không chịu nổi mà phải sụp đổ ngay. Thanh Lam thấy vậy kinh hãi vô cùng, suýt tý nữa thì thất thanh la lớn, chàng vội lui về phía sau ngay. Ngờ
đâu thạch động ấy sâu không đầy hai trượng. Thanh Lam vừa lui bước một
cái đã va đụng vào vách đá liền.
Chàng không ngờ hang động ấy lại nông như vậy, nên lưng va mạnh
vào vách đá một cái đã nhức chịu không nổi rồi. Đồng thời, chàng vẫn
chăm chú nhìn ra ngoài cửa động. Chàng thấy hai người nọ giở hết sức
bình sinh ra tấn công mà như va đụng phải một bức tường vô hình vậy. Cả
hai bị bắn về phía sau hơn trượng, kêu đến “bùng” một tiếng, rồi cùng
rớt cả xuống mặt đất.
Lúc ấy, trong động bỗng có tiếng người thủng thẳng nói :
– Các ngươi có mau bước đi không?
Tiếng nói ấy không cao lắm, nhưng người bên ngoài nghe thấy rất
rõ rệt. Hai tên nọ lóp ngóp bò dậy, vận hơn thử sức xem sao, chúng thấy
không bị thương gì cả.
Trường Thắng ngẩn người ra giây lát, rồi hậm hực đáp :
– Xin thứ lỗi Hầu mỗ có mắt như mù, quả nhiên đã gặp phải cao nhân, xin cho biết tên họ, Hầu mỗ sẽ xin cáo từ ngay.
Người trong động cười nhạt một tiếng, đáp; – Người là cái thứ gì mà cũng đòi hỏi tên họ của lão? Nếu không nể mặt lão già họ Phù, thì
bốn cánh tay của hai ngươi đừng có hòng đem về. Mau bước đi. Đừng ở đây
nữa mà lại khổ thân.
Lúc ấy Thanh Lam đã trông thấy rõ, mới hay chỗ cạnh mình có một ông già sói đầu vừa gầy, vừa nhỏ, đang ngồi xếp bằng tròn ở đó.
Ông ta nhắm nghiền hai mắt ngồi yên một chỗ không nói năng gì hết. Chàng bụng bảo dạ rằng :
– “Ông già này ngồi yên không cử động mà hai cao thủ ở ngoài động không xông vào được. Không hiểu ông ta dùng võ công gì thế?”
Nghĩ đoạn, chàng vội đứng dậy, cung kính tiến lên mấy bước vái chào, và nói :
– Vừa rồi tiểu bối hỏang hốt, trốn tránh kẻ địch chạy bừa vào
trong này, không biết nơi đây là chỗ thanh tu của lão trượng, và lại còn được lão tiền bối ra tay cứu viện, ơn đức này tiểu bối không biết lấy
gì báo đền. Lão trượng xưng hô ra sao? Có thể cho tiểu bối hay biết được không?
Ông già gầy gò nhỏ bé kia cứ lặng lặng ngồi nghe, chờ chàng nói xong vội lên tiếng hỏi :
– Hai tên nọ là kẻ thù của ngươi phải không?
Thanh Lam không dám giấu giếm, vội đáp :
– Hai người đó một là Thông Tý Vượn Hầu Trường Thắng và một
người Hoa Di Lạc, chúng đều là cao thủ hộ viên của Điền Tiết độ sứ phủ.
Đáng lẽ tiểu bối với chúng không có thù oán gì cả, nhưng vì tháng trước, bởi lòng hiếu kỳ tiểu bối đêm khuya đi Điền phủ dò thám mới ra tay đấu
với chúng. Không ngờ ngày nay gặp lại chúng ở khách điếm và mới bị chúng đuổi tới đây.
Ông già gầy bé nhỏ, thản nhiên dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng rồi hỏi tiếp :
– Vừa rồi, lúc ngươi chui vào trong động, lão phu đã nhận ra võ công của ngươi cũng có chút căn bản, vậy sư phụ của ngươi là ai?
Thanh Lam nghĩ thầm :
– “Thầy đồ Thư mai danh ẩn tích, rút lui ra khỏi giang hồ, ta không nên nói tên của ông ấy ra cho ông già này hay”
Nghĩ đoạn, chàng do dự một hồi rồi đáp :
– Tiểu bối theo học một vị thụ nghiệp ân sư, luyện tập năm năm
võ công, nhưng chưa chính thức bái sư. Vả lại vị ân sư của tiểu bối đã
lui ra khỏi giang hồ từ lâu rồi, nên ông ta không muốn cho ai biết đến
tên tuổi, xin lão tiền bối lượng thứ cho.
Ông già nọ từ từ mở mắt ra nhìn. Thanh Lam thấy mắt ông ta rất
hiền từ chứ không có ánh sáng chói lọi như người có nội công rất thâm
hậu. Ông ta gật đầu một cái và nói tiếp :
– Người trong giang hồ, đa số chỉ thích tranh giành danh lợi,
lênh sư biết rút lui khỏi giang hồ mà chỉ đóng cửa dạy môn đồ như vậy,
kể cũng gọi là một nhân sĩ cao minh đấy.
Nói tới đó, hai mắt ông ta đột nhiên tia ra hai luồng ánh sáng nhìn thẳng vào mặt Thanh Lam và nói tiếp :
– Cậu bé sao dám ở trước mặt lão phu nói dối, nói trá như vậy.
Thanh Lam trông thấy đôi mắt của ông ta sắc bén như thế, không dám nhìn vào mặt ông ta nữa, trong lòng kinh hỏang vội đáp :
– Ngoài tên tuổi của thụ nghiệp ân sư tiểu bối không dám thưa cùng tiền bối ra, còn lời nói nào của tiểu bối cũng đều thật hết.
– Cậu bé mới luyện có năm năm võ công, sao lại có hỏa hầu thâm hậu đến như thế, như vậy ngươi chả nói dối là gì?
Thanh Lam thấy ông già nói như thế càng kinh hãi thêm “nhưng rõ
ràng là mình mới luyện tập có năm năm võ công thực, sao ông ta lại bảo
là mình nói dối?” Sau chàng mới nhớ ra một việc, bụng bảo dạ rằng :
– “Phải rồi, có lẽ vì ta đã được uống viên Khảm Ly đan của Hắc Y Côn Luân. Thảo nào vợ chồng Thôi huynh cũng bảo công lực của ta tiến
hơn trước nhiều. Không ngờ viên thuốc ấy lai có công hiệu như vậy”
Nghĩ đoạn, chàng liền nói tiếp :
– Tháng trước tiểu bối bị Hoa Di Lạc dùng Ngũ Âm chưởng đả
thương sau được Hắc đại hiệp cứu giúp và cho uống Thần Dương Tán với
Khảm Ly đan mới khỏi. Sau khi lành bệnh tiểu bối thấy mình khỏe khoắn
hơn trước nhiều, tiểu bối không biết công lực của mình có được tinh tiến hơn trước không?
Ông già nghe chàng nói xong lại kêu “ừ” một tiếng, rồi nói tiếp :
– Có thế chứ!
Nói xong ông ta bỗng trợn mắt đặc biệt sáng ngời, mồm thì lẩm bẩm nói :
– Lạ thật! Vợ chồng lão già họ Phù quý thuốc Khảm Ly đan lắm, có khi nào y lại tặng cho ngươi một cách dễ dàng như thế?
Ông ta lại nói với Thanh Lam tiếp :
– Kể ra số cậu cũng hên thật. Khảm Ly đan quý báu lắm. Năm xưa
Đại Phương chân nhân chỉ có luyện được có tám viên thôi. Cậu đã được
uống thuốc ấy thì hãy ngồi xuống vận công để lão phu khám xét xem Nhâm
Đốc hai mạch của Sinh tử huyền quan của cậu đã được đả thông chưa.
Thường nghe Thầy đồ Thư nói, chàng cũng biết nội công phải luyện tới mức tối cao mới có thể đả thông được Nhâm Đốc hai mạch xông pha
Sinh Tử huyền quan. Chàng mới luyện có năm năm nội công, còn phải luyện
tập lâu năm nữa mới mong đạt tới nguyện vọng ấy. Chàng thấy ông ta nói
như vậy có vẻ không tin, nhưng thấy mặt ông ta rất trịnh trọng, chàng
đành phải nghe lời ngồi vận công điều khí. Ngờ đâu chàng vừa ngồi xếp
bằng tròn xong ông già đã vội nói tiếp :
– Hãy khoan.
Tiếp theo đó, ông ta lại kinh ngạc hỏi :
– Nguơi là môn hạ của phái Không Động đấy à?
Thanh Lam thấy ông già mới trông thấy kiểu ngồi của mình đã biết mình là người của phái Không Động rồi, chàng kinh ngạc thêm, bụng bảo
dạ rằng :
– “Đôi mắt của ông già này sắc bén thực.”
Nghĩ đoạn, chàng vội đáp :
– Tiểu bối theo ân sư học tập năm năm võ công, nhưng ân sư không chịu cho tiểu bối chính thức bái sư nên tiểu bối đã được học tâm pháp
của phái Không Động thật nhưng chưa phải là môn hạ của phái ấy.
Ông già nọ gật đầu, vừa cười vừa hỏi tiếp :
– Có phải sư phụ của cậu họ Triển đấy không?
Thanh Lam biết không thể nào dấu diếm được nữa, đành phải gật
đầu. Ông già đột nhiên cười ha hả, hai mắt bỗng sáng ngời, giơ tay phải
lên phẩy một cái, một luồng chỉ phong đã nhằm Trung Phủ huyệt của Thanh
Lam điểm tới.