Sông Đông Êm Đềm

Chương 71



Mười hai ngày sau khi có tin Grigori chết trận, nhà Melekhov đã nhận được liền một lúc hai bức thư của Petro. Dunhiaska đã đọc ngay thư ở nhà dây thép, rồi chạy tế về nhà như ngọn cỏ trong cơn gió lốc, nhưng có lúc cô bé lại lảo đảo, đứng dựa vào hàng rào.

Dunhiaska làm cả thôn nháo lên một trận rồi đem về nhà một niềm xúc động, không sao tả xiết:

– Anh Griska còn sống! Anh Griska yêu dấu của nhà ta còn sống! – Từ xa Dunhiaska đã mếu máo gào lên – Anh Petro có thư về! Anh Griska chỉ bị thương chứ không chết đâu! Còn sống, còn sống đấy!

“Thưa cha mẹ kính mến, – Petro viết trong bức thư ngày hai mươi tháng chín. – Con xin báo tin để cha mẹ biết rằng thằng Griska nhà ta thiếu chút nữa thì về chầu Chúa, nhưng hiện nay, ơn Chúa, nó vẫn còn sống, khỏe mạnh như thường, và chúng con cũng cầu Chúa cho cha mẹ được khỏe mạnh, và bình yên vô sự. Trung đoàn của thằng Griska đã chiến đấu ở gần thành phố Kamenka – Strunmilovo. Trong lúc xung phong, anh em Cô- dắc cùng trung đội với nó có trông thấy nó bị một thằng kỵ binh nhẹ Hunggary chém, và thằng Grigori đã ngã ngựa, nhưng sau đó ra sao thì chúng con không được biết gì cả. Con đã cố tìm cách hỏi anh em bên ấy, nhưng họ đã không thể cho biết gì thêm. Mãi sau con mới được thằng Miska nhà Kosevoi cho biết (thằng Miska đến liên lạc với trung đoàn con) rằng thằng Griska nằm đấy đến đêm, nhưng đến đêm thì nó tỉnh dậy và lại bò đi. Nó đang tìm đường theo hướng sao bò về thì gặp một sĩ quan của quân ta. Vị sĩ quan ấy bị thương và là trung tá một trung đoàn long kỵ binh. Ông ta đã bị đạn pháo làm bị thương ở bụng và ở chân. Thằng Griska đã cõng và kéo ông ta đi sáu vec- xta. Vì thế nó được tặng thưởng huân chương chữ thập thánh Gióoc và được đề bạt làm hạ sĩ. Tình hình là như thế đấy! Vết thương của thằng Griska cũng không can hệ gì lắm, thằng địch dùng gươm chém vào đầu nó chỉ róc mất một mảng da. Nó đã ngã ngựa và mê đi. Nó sắp trở về đơn vị đến nơi rồi, thằng Miska bảo thế. Cha mẹ thử lỗi cho con vì thư viết quấy quá như thế nầy, con viết trên yên, lắc ghê quá”.

Trong bức thư sau, Petro xin ở nhà gửi cho mình ít anh đào khô “trồng trên những mảnh vườn của vùng sông Đông yêu dấu” và nhắc đừng quên viết thư nhiều hơn. Cũng trong bức thư ấy, Petro tỏ vẻ tức bực với Grigori vì theo lời bọn lính Cô- dắc, Grigori đã không chăm nom con ngựa cẩn thận. Petro rất tức giận vì con Hạt Dẻ là con riêng anh ta và là một con ngựa thuần giống. Petro xin bố viết thư bảo ban hộ Grigori.

“Con đã nhờ anh em Cô- dắc bảo cho nó biết rằng nếu nó không chăm nom con ngựa ấy như chính là ngựa của nó thì đến lúc gặp nhau con sẽ đánh bật máu mồm nó ra, dù cho bây giờ nó là một thằng mang huân chương chữ thập”, – Petro đã viết như thế, rồi tiếp theo đó là không biết bao nhiêu lời thăm hỏi. Nhưng qua những hàng chữ viết trên bức thư nhầu nát, hoen ố vì nước mưa, cứ thấy phảng phất một nỗi buồn cay đắng. Xem ra Petro làm việc quan cũng chẳng có gì hởi lòng hởi dạ.

Nhìn ông Panteley Prokofievich trong lúc ông đang sung sướng đến không còn biết trời đất gì nữa như thế nầy thì không khỏi thương hại. Ông vồ lấy cả hai bức thư rồi mang đi khắp thôn, đón bắt những người biết chữ, ép họ đọc, không phải để cho mình nghe, mà để khoe với bà con toàn thôn niềm vui đến quá muộn của mình.

– Chà chà! Bác đã thấy thằng Griska nhà tôi nó như thế nào chưa?

– Ông vừa nói vừa giơ thẳng bàn tay bè bè như cái móng ngựa lên khi người đọc đánh vần từng tiếng, vấp váp mãi mới tới chỗ Petro kể lại chiến công của Grigori cõng ngài trung tá bị thương đi sáu vec- xta.

– Cả thôn ta có nó được thưởng huân chương trước tiên đấy, – Ông già nói bằng một giọng kiêu hãnh rồi vội vã giằng lại bức thư, cất kỹ vào trong lần lót của chiếc mũ cát- két nhầu nát và tất tưởi đi kiếm một người biết chữ khác.

Cả đến lão Sergey Platonovich ngồi trong khuôn cửa sổ nhỏ của cửa hiệu nhìn ra thấy ông cũng bước tới ngả chiếc mũ lưỡi trai xuống chào.

– Ông Prokofievich, ông tạt vào chơi một lát đã nào.

Lão chìa bàn tay múp míp trắng hếu bắt tay ông giả và nói:

– Chà, xin chúc mừng ông, xin chúc mừng ông… Hừm… Có được một cậu quý tử như thế thì cũng đáng lấy làm kiêu hãnh, thế mà ông bà bên ấy lại làm lễ tưởng niệm cậu ấy. Tôi đọc trong các báo cáo cũng được biết về chiến công của cậu ấy rồi.

– Cả trên mặt báo cũng có viết à? – Cổ họng ông Panteley Prokofievich co thắt lại làm ông nấc lên.

– Đã có thông báo, tôi đã đọc rồi, tôi đã đọc rồi.

Sergey Platonovich tự tay lấy trên giá hàng xuống ba bao thuốc lá sợi Thổ nhĩ kỳ thượng hảo hạng, rồi không cần cân kẹo gì cả, đổ một số kẹo đắt tiền vào một cái túi giấy, đưa luôn tất cả cho ông Panteley Prokofievich và nói:

– Nhờ ông gửi tặng cậu Grigori Pantelevich ít quà, xin ông chuyển giúp lời chào hỏi của tôi và những cái nầy.

Lạy Chúa tôi? Thằng Griska danh giá đến thế cơ à? Đầu thôn cuối xóm chỗ nào cũng nói đến nó… Mình sống được đến lúc nầy cũng hả lòng hả dạ… – Ông già vừa lẩm bẩm vừa rời khỏi bậc thềm của cửa hiệu Mokhov. Ông hỉ mũi, đưa tay áo trermen lên lau những giọt nước mắt chảy xuống làm má ông buồn buồn, bụng bảo dạ: “Đúng là mình già mất rồi. Đã bắt đầu mau nước mắt… Chao ôi, Panteley, Panteley, anh đã phí hoài cuộc đời vào những việc gì rồi? Trước kia cứng rắn như tảng đá, vác được dưới thuyền lên những bao hàng tám pút, thế mà bây giờ. Thằng Griska đã có phần làm mình yếu đuối đi rồi!”

Ông khập khiễng đi theo dãy phố, tay ôm khư khư gói kẹo trước ngực, và như con dẽ mào trên bãi lầy, đầu óc ông cứ quẩn quanh với chuyện Grigori, những lời trong bức thư của Petro luôn luôn hiện lên trong trí nhớ của ông. Giữa lúc ấy ông gặp ông thông gia. Miron Grigorievich gọi ông Panteley Prokofievich trước.

– Ơ nầy ông thông gia, hượm cái đã nào!

Từ ngày tuyên bố chiến tranh đến nay, hai người chưa gặp nhau lần nào. Sau khi Grigori bỏ nhà ra đi, quan hệ giữa hai người tuy không phải là thù địch, nhưng cũng lạnh nhạt và căng thẳng. Miron Grigorievich bực mình với Natalia vì nàng đã chịu nhục trước Grigori, đã cầu xin Grigori rủ lòng thương. Vì thế nên ngay đến ông, Miron Grigorievich nầy, cũng bị bắt phải chịu một sự nhục nhã cũng như thế.

– Con chó cái hoang ấy, – Lúc chỉ có vợ chồng con cái với nhau, ông chửi Natalia, – Ở nhà với bố chẳng ở, lại vác mặt sang nhà bố mẹ chồng mà ở. Bên nhà nó gạo trắng nước trong hơn ở đây chắc? Chỉ vì nó, cái con đần độn ấy mà bố nó cũng phải chịu nhục chịu nhã, phải cúi đầu trước mặt người ta.

Miron Grigorievich đi tới sát ông thông gia và giơ bàn tay lấm tấm tàn hương, khum khum như chiếc thuyền con.

– Ông có khỏe không, ông thông gia?

– Ơn Chúa, chào ông thông gia!

– Hình như ông đi mua hàng về phải không?

Ông Panteley Prokofievich giơ bên tay phải không vướng gì lên, lắc đầu.

– Ông thông gia ạ, đây là quà tặng người anh hùng của chúng ta đấy. Ông Sergey Platonovich hằng tâm hằng sản đọc trên báo chí biết được chiến công của nó, nên đã tặng nó kẹo và thuốc lá thơm đấy. Ông ấy bảo: “Nhờ ông gửi tới người anh hùng của chúng ta lời chào mừng và quà tặng của tôi, mong sau nầy cậu ấy vẫn tỏ ra xuất sắc như thế”. Ông ấy nói thế mà nước mắt cứ tuôn ra ròng ròng ấy, ông có biết không, ông thông gia? – Ông Panteley Prokofievich khoe khoang không còn mức độ gì nữa và cứ nhìn chằm chằm vào mặt ông thông gia, cố dò xem lời mình nói có tác động như thế nào.

Nhưng dưới hai hàng mi trắng phếch của ông thông gia chỉ thấy tụ lại hai điểm sáng sáng làm cho cặp mắt nhìn xuống của ông ta có vẻ như cười nhạo.

– À- à ra thế, – Miron Grigori nói khàn khàn rồi đi qua phố sang dãy hàng rào bên kia.

Ông Panteley Prokofievich hấp tấp chạy theo vừa mở túi kẹo.

Ông tức quá, mười ngón tay run lên bần bật:

– Ông thử xơi một chiếc kẹo xem, kẹo mật ong đấy, – Ông mời ông thông gia, giọng châm chọc. – Mời ông xơi đi, tôi mời thay con rể ông đấy… Cuộc đời ông kể ra cũng chẳng ngọt bùi gì cho lắm, có lẽ ông xơi một miếng thì cậu nhà ta may ra cũng được danh giá như thế, kẻ lại chẳng có gì cả…

– Ông chớ động đến cuộc đời của tôi. Đời tôi thế nào tôi biết.

– Ông nếm thử một chiếc cho tôi được vinh dự mời ông nào! – Ông Panteley Prokofievich chạy vòng lên phía trước ông thông gia, cúi đầu chào với một vẻ ân cần quá mức, mấy ngón tay lòng khòng mở tờ giấy thiếc rất mỏng, bóc cái kẹo.

– Chúng tôi không quen ăn của ngọt, – Miron Grigorievich gạt tay ông thông gia. – Chúng tôi không quen, răng nhà chúng tôi ăn của người khác cho sẽ nát vụn ra ngay. Mà cả ông nữa, ông thông gia ạ, ông cũng đừng nên đi bám lấy người ta mà quyên của bố thí cho con trai như thế. Nếu có thiếu, ông cứ lại nhà tôi. Tôi cũng có thể cho con rể… Con Natalia còn sang nhà ông mà ăn cơ mà. Ông có nghèo tôi cũng có thể cho ông được đấy.

– Họ nhà tôi chưa từng có ai ngửa tay đi xin của bố thí bao giờ, ông đừng dùng những lời nặng nề mà nói bậy nói bạ, ông thông gia ạ! Ông thật quá huênh hoang kiêu ngạo, ông thông gia ạ! Huênh hoang kiêu ngạo quá lắm! Chắc hẳn chính vì ông sống quá sung túc nên con gái ông mới sang ở nhà chúng tôi như thế đấy.

– Thôi đi! Miron Grigorievich nói giọng như ra lệnh. – Chúng ta chẳng có gì đáng nặng lời với nhau đâu. Ông thông gia ạ, tôi đến đây không phải để chửi bới cãi cọ, ông hãy nguôi đi. Có chút việc, chúng ta hãy cùng bàn.

– Chẳng có việc gì đáng bàn cả.

– Có có đấy. Chúng ta đi đi!

Miron Grigorievich nắm tay áo trermen của ông thông gia, kéo vào một cái ngõ. Hai người đi qua vài cái sân, ra đồng cỏ.

– Có việc gì thế? – Ông Panteley Prokofievich hỏi. Cơn giận của ông đã nguôi nguôi nên giọng ông cũng tỉnh táo. Ông liếc nhìn khuôn mặt trắng bệch đầy tàn hương của Miron Grigorievich vén hai tà áo ngoài rất dài, ngồi lên bờ một cái rãnh, rồi lấy ra cái túi thuốc cũ, có tua viền.

– Ông có thấy không, ông Panteley Prokofievich, chẳng hiểu sao ông cứ sừng sừng sộ sộ với tôi như con gà chọi ấy. Người trong nhà với nhau mà như thế thì không tốt đâu. Có lẽ như thế không tốt đâu ông thấy thế nào? Tôi muốn hỏi xem, – Miron Grigorievich bắt đầu nói bằng một giọng đổi khác, cứng rắn, hơi thô bạo, – con trai ông còn định bêu giếu con Natalia bao lâu nữa? Ông hãy bảo cho tôi biết!

– Chuyện ấy thì ông đi tìm nó mà hỏi.

– Tôi chẳng có gì phải hỏi nó, ông là đầu não của cả gia đình ông, chính vì thế tôi đã tìm ông để nói chuyện.

Ông Panteley Prokofievich ấn nát cái kẹo đã bóc giấy trong lòng bàn tay. Chất nước chocolatte lầy nhầy chảy theo những kẽ ngón tay ông. Ông chùi tay xuống cái ụ đất nâu nâu xốp xốp bên bờ rãnh rồi chẳng nói chẳng rằng, lấy thuốc ra hút. Ông cuốn một mẩu giấy, nhét vào một đám thuốc lá sợi Thổ nhĩ kỳ trong bao thuốc rồi đưa bao thuốc cho ông thông gia. Miron Grigorievich không khách khứa gì cả, tiếp ngay lấy và cuốn một điếu bằng món quà mà lão chủ hiệu Mokhov vừa hào phóng đem tặng. Hai người cùng hút thuốc… Trên đầu họ một đám mây trắng ưỡn bộ ngực lồm xồm bay lơ lửng. Một cái mạng nhện bị gió đưa vụt lên khỏi mặt đất, tới một độ cao khó tưởng tượng và nhẹ nhàng lượn lờ trên đó.

Mặt trời đã sắp lặn. Không khí mùa thu tịch mịch, êm ả một cách lạ lùng, cứ như ru ngủ. Bầu trời dạo nầy đã mất cái ánh chói loà của mùa hè, và chuyển thành màu lam đùng đục. Những cái lá táo có trời biết từ đâu bay tới đổ xuống mặt rãnh một màu đỏ tía lộng lẫy.

Con đường chia thành nhiều nhánh lẩn ra sau dãy sóng núi nhấp nhô như sóng gợn. Nó chào mời con người đi về phía đó, về sau đường chân trời xanh xanh mầu ngọc bích, mung lung như một giấc mơ, để tới một khoảng không gian chưa biết trước sẽ như thế nào, nhưng nó mời mọc đến mấy cũng hoài công vô ích, vì con người đang bị trói buộc trong gông cùm của nơi ở, của đời sống hàng ngày, bị mệt mỏi rã rời trong công việc làm ăn, bị kiệt hết sức lực trong những buổi đập lúa, do đó, con đường, cái vệt dài đầy buồn phiền và hoang vắng đó, cứ trườn đi cắt ngang đường chân trời, tới nơi không thể nhìn tới được. Và trên mặt đường chỉ có bụi tung, gió quét.

– Thuốc lá nhẹ quá, như cỏ ấy, – Miron Grigorievich vừa nói vừa thở ra một đám khói thuốc mãi không tan.

– Cũng hơi nhẹ đấy, nhưng… dễ hút lắm, – Ông Panteley Prokofievich đồng ý.

– Ông thông gia ạ, ông hãy trả lời tôi đi. – Miron Grigorievich hỏi giọng uể oải rồi dụi tắt điếu thuốc.

– Thằng Grigori chẳng viết gì về chuyện ấy. Nó lại bị thương.

– Tôi có nghe nói thế…

– Còn sau nầy ra sao thì tôi không biết. Cũng có thể là thật nó bị giết. Mà nếu thế thì sẽ ra sao?

– Sao lại thế được, ông thông gia? – Miron Grigorievich hấp háy con mắt, mặt ngơ ngơ ngác ngác nom đến là thảm hại. – Con bé nhà tôi bây giờ sống con gái không ra con gái, đàn bà có chồng không ra đàn bà có chồng, cũng chẳng phải là ở goá chính chuyên, thật là nhục nhã. Nếu trước kia biết được rằng bây giờ đi đến nông nỗi nầy thì tôi đã chẳng để cho mối manh bên ông bén mảng đến ngưỡng cửa nhà tôi. Nếu thế thì đâu đến nỗi như bây giờ? Chao ôi, ông thông gia, ông thông gia… Con cái mình, ai mà chẳng thương… Cái dòng máu, nó cứ gọi ơi ới…

– Tôi thì còn làm được gì bây giờ? – Ông Panteley Prokofievich bắt đầu tấn công, ông đã điên lên rồi, nhưng vẫn cố nhịn. – Ông hãy nói rõ cho tôi biết. Chẳng nhẽ thằng con tôi bỏ nhà ra đi, tôi sung sướng lắm đấy phỏng? Hay là tôi nhờ chuyện ấy mà có lợi lộc gì? Người đâu mà lạ!

– Ông hãy viết thư cho nó, – Miron Grigorievich nói như ra lệnh, giọng trầm trầm. Theo nhịp những lời ông nói, một dòng đất sét vụn lạo xạo tuôn từ bàn tay ông xuống cái rãnh như những con suối nâu nâu trẻ con chơi nghịch, – bảo nó phải nói dứt khoát lấy một lời.

– Nó lại có con với con kia rồi…

– Con gái tôi cũng sẽ cố con với nó, – Miron Grigorievich đỏ mặt tía tai quát lên. – Chẳng nhẽ đối với một người còn sống mà có thể đối xử như thế hay sao? Hả? Đưa nó đến chỗ chết một lần rồi, bây giờ tàn tật như thế nầy… lại còn muốn xô nó xuống mồ nữa hay sao? Hả? Cũng phải có lương tâm chứ, cũng phải có lương tâm chứ! – giọng Miron Grigorievich chuyển thành thầm thì, nghẹn ngào. Một tay ông cào lên ngực, còn tay kia kéo tà áo ông thông gia.

– Hay là quả tim nó là tim lang tim sói?

Ông Panteley Prokofievich thở phì phì quay mặt đi.

– Con bé thì cứ héo hon vì nó, cả cuộc đời chỉ còn hy vọng có nó. Cứ ở nhà ông mà làm tôi mọi hay sao?

– Nó ở nhà tôi được quý hơn con đẻ đấy! Ông im cái mồm đi! – Ông Panteley Prokofievich quát lên rồi đứng vùng dậy.

Hai người bỏ đi mỗi người một ngả, chẳng ai chào ai.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.