Sông Đông Êm Đềm

Chương 42



Cứ tối đến lại có những người rất khác nhau kéo đến gian Stokman thuê của mụ lác Lukesa: Khristonhia, “Bồi” ở nhà máy xay với chiếc áo vét- tông bê bết dầu mỡ khoác trên vai; anh chàng Davydka hay cười sống vất vưởng đã ba tháng nay; anh thợ máy Kotliarov. Anh thợ giày Finka năm thì mười hoạ cũng lại chơi.

Nhưng người khách đến đều nhất là Miska Kosevoi, một chàng trai Cô- dắc chưa đến tuổi đi lính thường trực.

Đầu tiên mọi người chỉ đánh bài liên miên, nhưng một hôm Stokman đưa ra khéo léo tập thơ nhỏ của Nekrasov 1 Anh em đọc to và thấy thích. Xong Nekrasov thì chuyển sang Nikitin 2, nhưng đến khoảng lễ Nô- en thì Stokman bảo mọi người thử đọc một quyển vở nhàu nát, không có bìa. Trước kia Miska đã tốt nghiệp trường tiểu học của nhà chung, vì thế anh chàng được mọi người bảo đọc to để cùng nghe. Miska nhìn quyển vở nhớp nhúa, con mắt có vẻ coi thường.

– Cắt ra nấu làm mì sợi được. Béo lắm đấy.

Khristonhia phá lên cười khồ khồ, Davydka cũng nhe hai hàm răng trắng loá ra cười, nhưng Stokman chờ cho mọi người cười xong mới nói:

– Cậu thử đọc xem, Miska. Cuốn nầy viết về người Cô- dắc đấy. Hay lắm.

Miska cúi đầu làm cái bờm tóc vàng óng xoã xuống bàn, và bắt đầu đọc tách bạch từng tiếng: “Lịch sử tóm tắt về tầng lớp Cô- dắc sông Đông”. Đọc xong Miska nheo mắt nhìn tất cả mọi người có vẻ chờ đợi.

– Cậu đọc đi – Kotliarov nói như ra lệnh.

Họ đọc ba tối liền. Về Pugachev 3, về cuộc sống tự do, về Stepan Radin 4 và Kondrati Bulavin 5. Rồi họ đọc tới những thời kỳ gần đây. Tác giả vô danh đã dùng những lời dễ hiểu nhưng sâu cay để chế giễu cuộc sống thảm hại của người Cô- dắc, chế giễu các lề thói thủ tục và chế độ cai trị, chế giễu chính quyền của vua Nga và ngay cả tầng lớp Cô- dắc dấn thân làm những tên tay chân giúp vua Nga đàn áp. Mọi người đều bị kích động. Một cuộc tranh luận sôi nổi nổ ra. Khristonhia dựa ngay đầu vào cái dầm trên đầu, nói oang oang như lệnh vỡ. Stokman thì cứ ngồi bên cạnh cửa phòng, hút thuốc bằng cái bót xương có nạm những cái vòng nhỏ, và chỉ cười bằng hai con mắt.

– Đúng lắm! Nói thật là chí lý? – Khristonhia nói ngay.

– Không phải là lỗi của chúng ta, chính chúng nó đã làm cho người Cô- dắc đi tới tình trạng nhục nhã thế nầy. – Miska khoát hai tay đầy vẻ băn khoăn, khuôn mặt rất đẹp có hai con mắt sẫm màu nhăn lại.

Người Miska vạm vỡ, vai và hông rộng ngang nhau, thành thử trông cứ như hình vuông. Cái cổ đần đẫn đỏ như gạch đặt rất vững vàng trên một cái nền chắc nịch như đúc bằng gang. Nhưng chỉ lạ một điều là trên cái cổ như thế lại có một cái đầu nhỏ nhắn, với cặp má trắng mịn mang những đường nét của phụ nữ, cái miệng nhỏ nhưng bướng bỉnh, hai con mắt màu sẫm dưới một bộ tóc loăn xoăn vàng óng rất dầy. Anh thợ máy Kotliarov là một người Cô- dắc cao lớn to xương, tranh cãi rất hăng. Mỗi tế bào của cái thân hình xương xẩu đó đều thấm đẫm các truyền thống Cô- dắc. Kotliarov long lanh hai con mắt lồi tròn xoe để đập Khristonhia và bênh vực người Cô- dắc.

– Cậu biến thành một thằng mu- gích mất rồi, Khristonhia ạ, cậu đừng cãi làm gì vô ích… Trong cái máu bẩn thỉu của cậu, cả một thùng chỉ có được một giọt máu Cô- dắc mà thôi. Bà cụ nhà cậu đã ngủ với một thằng bán trứng ở Voronez đẻ ra cậu chứ gì!

– Sao cậu ngu khổ ngu sở thế? – Chà, cậu đúng là một thằng ngu xuẩn, người anh em ạ. – Giọng Khristonhia trầm trầm – Mình chỉ bảo vệ sự thật thôi.

– Mình chưa từng đi lính trung đoàn Atamansky bao giờ. – Kotliarov nói ác. – Chỉ trung đoàn Atamansky mới toàn là một phường ngu xuẩn…

– Nhưng các đơn vị khác còn có những thằng điên rồ bằng vạn.

– Thôi cậu im đi, đồ mu- gích!

Thế mu- gích không phải là người hay sao!

– Chúng nó là mu- gích chính là vì chúng nó được làm bằng vỏ cây bằng cành khô.

– Người anh em ạ, hồi mình đi lính đóng ở Peterburg, mình đã được thấy đủ hạng người. Và một lần đã có một câu chuyện như thế nầy, – Khristonhia nhấn rất mạnh vào âm “a” của tiếng cuối cùng. – Bọn mình phải canh gác hoàng cung, nhưng khi yên tĩnh cũng có những giờ phải ra bên ngoài. Ở bên ngoài bọn mình cưỡi ngựa đi dưới chân hoàng thành: hai thằng đi theo hướng nầy, hai thằng đi theo hướng kia. Hễ gặp nhau lại hỏi nhau: “Tất cả đều bình an vô sự chứ! Không có chuyện nổi loạn chứ?” – “Chẳng có gì cả” thế là mỗi đằng lại đi một nẻo, nán lại nói với nhau thêm vài câu cũng không được phép. Bọn mình thì người ngợm cũng phải lựa chọn: họ bắt hai thằng cùng đứng ở một cái cửa phải giống nhau như hai giọt nước.

Thằng tóc đen đứng với thằng tóc đen, thằng tóc vàng đứng với thằng tóc vàng. Không riêng tóc mà cả khuôn mặt cũng phải giống nhau. Chính vì những chuyện ngu xuẩn ấy mà có lần lão thợ cạo đã nhuộm cả bộ râu của mình. Hôm ấy mình phải đứng gác với thằng Nikifo Meseriakov. Đại đội của mình vốn có một thằng Cô- dắc trấn Tefikinskaia tên là như thế. Thằng quỷ quái ấy, râu tóc nó đỏ rực như lửa ấy. Dịch tả dịch hạch nào biết được vì sao, hai thái dương nó cứ như có lửa cháy bùng bùng. Tìm đi tìm lại mãi mà trong các đại đội chẳng thấy có thằng nào râu tóc cùng màu như thế. Lão đại đội trưởng Báckin bèn bảo mình: “Mày ra ngay hiệu thợ cạo bảo nó nhuộm thật nhanh râu ria đi”. Mình bèn đi nhuộm… Nhưng vừa soi gương thì thấy lạnh cả tim: mình đang cháy! Đúng là mình cháy bùng bùng, hoàn toàn là thế? – Mình đưa tay lên nắm lấy râu, ngón tay cứ như phải bỏng. Đúng thế đấy!

– Nầy, Khristonhia ạ, cậu nói toàn những chuyện ba láp gì ấy! Cậu định bắt đầu nói về cái gì thế hử? – Kotliarov ngắt lời Khristonhia.

– Mình đang nói về con người mà.

– Được thế thì cậu kể nốt đi. Còn bộ râu của cậu thì có quan hệ quái gì đến chúng mình.

– Đây mình nói ngay đây: Một lần mình phải cưỡi ngựa đi tuần. Cùng đi còn có một cậu nữa. Chợt thấy một bọn sinh viên đổ ra từ một góc tường. Đông ơi là đông. Bọn chúng nó trông thấy hai đứa chúng mình bèn hò la rầm lên: “Ha- a- a- a- a…!” Rồi lại lần nữa: “Ha- a- a- a- a?” Chúng mình chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao đã bị vây chặt. “Nầy, hai anh Cô- dắc, hai anh cưỡi ngựa đi chơi đâu thế?” Mình bèn trả lời: “Chúng tôi đi tuần đây, còn anh thì bỏ dây cương ra, không được nắm như thế!” – mình vừa nói vừa nắm lấy cán gươm. Nhưng gã kia lại nói: “Nầy, anh bạn đồng hương ơi, anh đừng nghi ngờ gì cả, chính chúng tôi chôn rau cắt rốn ở trấn Kamenskaia đấy, tôi đến đây theo học trường cao… cao cẳng”, đại khái cao chân cao cẳng gì đó. Lúc ấy mình lại thúc ngựa tiến lên, nhưng một gã mũi to rút trong ví ra một tờ mười rúp và bảo: “Nầy hai anh Cô- dắc, hai anh hãy cầm lấy uống vì vong linh ông cụ nhà tôi, ông cụ nhà tôi nay đã mồ yên mả đẹp rồi”. Gã đưa cho chúng mình mười rúp rồi lấy trong cặp ra một bức chân dung và nói: “Đây là mặt mũi ông cụ nhà tôi đây, hai anh hãy giữ lấy làm kỷ niệm”. Thế là chúng mình nhận tấm ảnh vì không nhận cũng không tiện. Sau đó bọn sinh viên bỏ đi và lại: “Ha- a- a- a- a?” rồi cứ thế tiến về phía đại nộ (lộ) Nhepxki. Lão đại đội trưởng đem một trung đội phi ngựa từ cổng sau hoàng cung tới chỗ chúng mình. Phi ngựa đến nơi lão ta hỏi: “Có chuyện gì thế?” Mình bèn trả lời: “Vừa có một đám sinh viên đến vây quanh chúng tôi và bắt chuyện. Chúng tôi chiếu theo điều lệnh đã định rút gươm ra chém, nhưng sau họ lại buông chúng tôi ra, vì thế chúng tôi lại đi”. Bọn mình được thay phiên xong bèn nói với lão chánh quản: “Thưa ngài Lukit, chúng tôi vừa kiếm được mười đồng rúp nầy đây, nhưng chúng mình phải mua rượu uống hết để vong linh ông bố già nầy được yên nghỉ nơi thiên đàng” và chúng mình cho lão xem bức chân dung. Đến tối lão chánh quản đem vodka tới, bọn mình tuý luý càn khôn hai ngày hai đêm liền, nhưng sau mới vỡ lẽ là bị chơi xỏ. Gã sinh viện nọ, cái thằng chó chết ấy, nó không đưa cho mình ảnh thằng bố nó mà lại đưa bức hình chụp lão trùm phiến loạn người Đức. Mình đã tin lời nó, nhận lấy và đem treo ngay lên đầu giường để tưởng nhớ, vì mình thấy người trên bức chân dung có chòm râu bạc phơ, mặt mày cũng phúc hậu, y như một lái buôn vậy. Nhưng lão đại đội trưởng nhìn thấy lại hỏi: “Đồ thổ tả, mày tha bức chân dung nầy ở đâu về đây hử?” Mình bèn trả lời: “Như thế, như thế đấy”. Lão bèn chửi rầm lên, cho mình mấy cú vào quai hàm, rồi lại một chập nữa… Lão gầm lên: “Mày có biết không, đây là lão ataman của chúng nó, là Karl…” Chà, mình quên khuấy đi mất rồi. Không biết tên lão ta là gì nhỉ, cầu Chúa ban cho mình trí nhớ…

– Karl Marx? – Stokman mỉm cười khẽ nhắc.

– Đúng đấy, đúng đấy? Đúng lão ta là Karl Marx đấy… – Khristonhia sung sướng nói. – Chính lão đã chơi mình bị một vố suýt chết… Có khi chính đông cung thái tử Aleksey cũng cùng với các thầy dạy của thái tử tới thăm phòng cảnh vệ. Họ có thể nhìn thấy, và nếu thế thì không biết câu chuyện sẽ như thế nào.

– Thế mà cậu cứ khen bọn mu- gích nữa đi. Xem đấy, chúng nó đã cho cậu một bài học như thế đấy. – Kotliarov giễu Khristonhia.

– Nhưng dù sao bọn mình cũng đã đem mười rúp mua vodka uống sạch. Tuy là uống vì lão Karl râu xồm nhưng dù sao cũng đã uống rồi.

– Vì Karl Marx thì cũng đáng cạn chén lắm đấy, – Stokman mỉm cười nghịch nghịch cái vòng trên cái bót bằng xương vàng khè vì khói thuốc lá.

– Thế ông lấy đã làm được điều gì tốt? – Miska hỏi.

– Lần sau mình sẽ kể, hôm nay khuya mất rồi, – Stokman gõ cái bót vào lòng bàn tay, tống đầu điếu thuốc đã tắt ra.

Sau một thời gian sàng sảy và lọc đi lọc lại rất lâu, trong căn nhà nhỏ của mụ lác Lukeska đã thành lập được một nhóm nòng cốt chừng mười anh chàng Cô- dắc. Stokman là hạt nhân của nhóm, anh kiên nhẫn tiến về phía một mục đích mà chỉ mình anh biết. Như con mọt đục khoét thân một cây gỗ, anh ăn mòn dần những khái niệm và thói quen sơ lược cũ, nhen lên một niềm kinh tởm, căm thù chế độ hiện hành. Đầu tiên anh cũng có vấp phải chất thép lạnh của lòng hoài nghi, nhưng anh vẫn không lui bước, vẫn cứ gặm cho kỳ thủng…

— —— —— —— ——-

1 Nicolai Alekseevich Nekrasov (1821 – 1877). Nhà thơ lớn nước Nga, theo phái cách mạng dân chủ (ND).

2 Ivan Savich Nikitin (1824 – 1861). Nhà thơ trữ tình Nga, theo phái cách mạng dân chủ (ND).

3 Emelian Ivanovich Pugachev (chết 1775) thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa của nông dân Nga, vốn là lính Cô- dắc, xưng vương, sau những thắng lợi đầu tiên, bị bắt và bị xử tử (ND).

4 Stepan Radin (chết 1671) thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa của nông dân Nga, bị xử tử sau khi thất bại (ND).

5 Kondrati Bulavin (1660 – 1707) lãnh tụ cuộc khởi nghĩa của dân Cô- dắc ở miền Nam nước Nga trong hai năm 1707 – 1708, bị xử tử


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.