*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Năm nay trong ruộng vẫn được mùa như cũ, nắng chiều ngả về tây, khói bếp lượn lờ, bầu không khí ở trong thôn đều ngập tràn vui sướng.
Sắc trời đã tối muộn, nhà họ Ngô đang thiêu nồi nấu cơm.
Ngô gia đông người, phòng ốc cũng xây rộng rãi, mấy gian nhà ngói nối liền hai sân lớn từ trước tới sau rất là khí thế.
Trong nhà chính đốt đèn dầu, ngay giữa phòng bày một chiếc bàn gỗ vuông, Ngô lão đại cùng hai người con trai đang ngồi trên ghế nói chuyện trong ruộng. Thằng nhóc Xương tiểu tử nhà lão Đại năm nay 5 tuổi, đang ngồi trước bậc cửa nhà chính lấy cành cây chơi viết chữ.
Trong phòng bếp, Ngô thẩm, đại tẩu Ngô gia và Trúc ca nhi đang bận bịu làm cơm tối trước bệ bếp. Khê tỷ nhi lấy cái ghế đẩu ngồi một bên, vừa hỗ trợ bưng đồ ăn vừa nói chuyện cùng mẹ và tẩu tẩu.
“Mấy bữa nay bán lương thực mệt thật đấy, tối nay nấu thêm vài món, chúng ta ăn ngon một bữa.” Ngô thẩm nói.
“Con biết rồi mẹ, nấu một nồi cơm còn hấp bánh bột mì, hẳn là đủ no rồi.” Đại tẩu mở lồng hấp ra, bánh bột mì vừa mới hấp xong nóng hôi hổi.
Trúc ca nhi xắn tay áo đang xào một nồi thịt lát trước bếp.
Tự nhà họ Ngô nuôi heo bán thịt, ba cha con còn thường xuyên được mấy người trong thôn mời đến nhà mổ heo, trong nhà đó giờ không thiếu thịt ăn.
Thịt nạc bỏ da, ba chỉ xắt miếng, sau khi dầu trong nồi nóng lên thì bỏ hạt tiêu, gừng tỏi và chao nhà mình làm vào phi thơm, lại cho thịt lát vào xào nhanh trên lửa lớn.
Ớt xanh đỏ trong vườn rau sau khi cắt vụn thì thả vào nồi, vừa hắc vừa thơm, lại đổ một chút muối và rượu gia vị, cảm giác thịt lát xào ra non mịn, lại mang theo hương dầu mỡ của ớt và chao.
Cay nồng tươi ngon lại còn trơn bóng, ớt ở bên trong cũng có thể ăn nhiều thêm một chén.
Khê tỷ nhi ở bên cạnh ngửi mùi đến nỗi nước miếng cũng muốn nhỏ xuống: “Nhị tẩu ơi thịt này thơm quá, ta ngửi mà đói bụng luôn.”
Trúc ca nhi vừa múc thịt ra chén vừa cười nàng: “Hôm nay nấu trễ, đói rồi phải không, đợi một lát ăn nhiều một chút, hôm nay xào không ít thịt.”
Hai miếng thịt ba chỉ heo xào, một chén đựng không đủ, phải chia làm đôi.
Trúc ca nhi đưa chén cho Khê tỷ nhi: “Bưng lên bàn đi, ta lại xào thêm hai món cho chúng ta ăn.”
Có hai chén thịt lớn làm đồ ăn mặn, xào thêm hai món chay cùng một canh nữa là đủ.
Đồ ăn nóng hổi được bưng lên bàn, Xương tiểu tử dù sao vẫn là trẻ con, đôi mắt phát sáng vịn góc bàn: “Nhiều đồ ăn ngon thế ạ!”
Ngay cả Ngô lão đại cũng sờ đầu cháu trai, nói: “Nhiều đồ ăn như vậy, tưởng đâu hôm nay là lễ cơ đấy.”
Ngô thẩm cười nói: “Ruộng được mùa, so với lễ còn khiến người ta vui vẻ hơn?”
Nhắc tới thu hoạch, nét mặt cả nhà đều vui tươi hớn hở, năm nay bán được không ít lương thực đâu.
Trên bàn gỗ vuông đặt hai cái bồn, một cái đựng bánh bột mì mỡ hành đã hấp xong, một cái đựng canh trứng gà rau chân vịt, mà trứng gà còn nhiều hơn rau. Lại có mấy cái chén to, một chén thịt xào, một chén ngó sen chua cay, còn có một chén đậu phụ khô xào cần tây.
Trước mặt mỗi người đều bày một chén cơm được nén đầy.
Ăn xong bữa cơm náo nhiệt sôi nổi, người nào người nấy no căng cả bụng, sau khi súc rửa chén đũa xong, cả nhà ngồi trong nhà chính nói chuyện phiếm để tiêu cơm.
Trúc ca nhi lấy tráp tiền từ trong phòng của mình ra: “Năm nay lương thực bán được không ít tiền, trong nhà vừa hay cũng có thêm mấy lứa heo con, con nghĩ chúng ta cũng nên quyết định chuyện đọc sách của Xương tiểu tử và của hồi môn của Khê tỷ nhi trước.”
Phải nói Ngô gia là nhà khá giả, ai trong nhà cũng đều là người thành thật im hơi lặng tiếng, được mỗi Khê tỷ nhi còn có chút lanh lợi, nhưng dù sao cũng là một cô nương chưa xuất giá, có vài chuyện không tiện để nàng ra mặt.
Hồi trước Trúc ca nhi chưa gả vào ít qua lại nên không biết rõ, đợi sau khi gả vào rồi hỗ trợ trong nhà bán thịt mới biết được, hóa ra không ít người trong thôn đến mua thịt nhưng đều ghi nợ.
Nói dễ nghe là đợi tới Tết thanh toán một lần, nhưng người trong thôn chẳng biết lấy một chữ, nhớ tới nhớ lui cũng khó, đến cuối cùng sổ sách thành ra lung tung.
Đợi tới Tết nhà họ Ngô đi tìm người thanh toán, ngược lại con nợ đã biến thành ông lớn.
“Thật ra nhà nào túng quá cũng đành thôi, nhưng ở đây có rất nhiều nhà lại chẳng phải không bỏ được mấy đồng tiền đó, chỉ là bọn họ thích vểnh mặt ức hiếp chiếm tiện nghi mà thôi, không biết xấu hổ!”. Trúc ca nhi ngồi trên giường đất cả giận với Ngô Nhị Hà.
Người nhà họ Ngô hiền lành, nhưng Trúc ca nhi không phải người có thể chịu thiệt.
Tối hôm trước đề cập chuyện này với người trong nhà, ngày thứ hai lúc bán thịt lần nữa, Trúc ca nhi xắn tay áo xách con dao bầu đứng trước sạp hàng, giống như không chịu cho nợ thêm.
Một tay giao tiền một tay giao thịt, không đưa tiền thì ngay cả miếng thịt vụn cũng đừng hòng đem về.
Vài người thích chiếm tiện nghi ở trong thôn nhìn cái điệu bộ này mà sửng sốt, trước đây nói mấy câu dễ nghe với nhà họ Ngô là có thể mau chóng ghi nợ cầm thịt về, lần này là sao vậy?
Có người nọ nài nỉ Trúc ca nhi: “Trúc ca nhi, con nhà thím sinh bệnh, đang đợi hầm nồi canh xương bồi bổ cơ thể ấy, ngươi cắt cho ta mấy miếng thịt lớn ghi sổ, mấy ngày nữa ta lại trả tiền cho ngươi.”
Trúc ca nhi ôm hai cánh tay: “Thím này, sớm mấy ngày hay muộn mấy ngày đều phải đưa tiền, hay thím về nhà lấy tiền rồi quay lại mua thịt nhé.”
“Này chẳng phải do nhà thím không có tiền lẻ hay sao, đợi mấy ngày nữa lên trên trấn đổi tiền đồng, chắc chắn sẽ trả.”
“Thế mấy ngày nữa thím quay lại mua cũng được, nếu vội bồi bổ cơ thể cho con cái, giết gà vịt hầm canh cũng giống nhau, không nhất định cứ phải ăn thịt heo.”
Còn có người kia thấy không chiếm được hời nên thẹn quá hóa giận, đứng trước sạp của nhà họ Ngô gân cổ mắng chửi: “Một miếng thịt có mấy đồng, giữa bà con làng xóm với nhau mà tính toán chi li như vậy, chưa bao giờ thấy các người thế này!”
Trúc ca nhi chẳng sợ chút nào, giọng còn lớn hơn cả người kia: “Vậy giờ coi như là thúc thấy rồi đó, nếu thịt heo chẳng có mấy đồng, thế ngươi trả đi, sao còn định ghi sổ? Nhà ngươi không thiếu tiền, nhà ta mới thiếu này.”
…………….
Không cho ghi sổ còn chưa tính, Trúc ca nhi còn tốn công kiểm kê sổ nợ của nhà họ Ngô những năm vừa qua cả một đêm, dẫn Ngô Đại Hà và Ngô Nhị Hà đến cửa từng nhà đòi tiền.
Y cầm sổ sách đi đằng trước, hai huynh đệ nhà họ Ngô cùng xách dao bầu theo sau.
“Trúc ca nhi, tiền này nên đòi lại, nhưng hay là……………. chúng ta đừng cầm dao, đều là hàng xóm, đừng tổn hại hòa khí.” Ngô Đại Hà dè dặt nói.
Ngô Nhị Hà không dám làm trái ý của Trúc ca nhi, nhưng nghe thấy ca hắn nói lời này thì gật đầu phụ họa.
Trúc ca nhi xoay người, ôm cánh tay nhìn hai huynh đệ này: “Không phải là ta muốn tổn hại hòa khí, nhưng không cầm dao thì khoản tiền này khỏi lấy lại luôn. Một chút tiền mua thịt còn có thể ngậm hai năm không trả, chỉ dựa vào miệng của chúng ta, có thể được chắc?”
Nếu không phải là Trúc ca nhi lợi hại, ba người đến cửa đòi tiền, có ai chơi xấu không muốn trả, vừa nhìn thấy con dao trong tay hai huynh đệ thì một chữ cũng mắng không ra hơi.
Mua thịt nhà họ Ngô không thể ghi sổ, còn muốn đòi lại tiền nợ những năm trước.
Mấy ngày liên tục, mỗi ngày sau khi cơm nước xong thì ở trong thôn đều tán gẫu chuyện này.
Đa phần mọi người đều xem như coi chuyện hài, chỉ có một số ít khua môi múa mép nói chủ kiến của Trúc ca nhi lớn ghê, mới gả vào nhà họ Ngô được mấy ngày, một đứa dâu mới mà đã bắt đầu muốn quản chuyện trong nhà, không để cha mẹ chồng vào mắt.
Những người này hoặc là còn muốn tiếp tục ghi sổ, hoặc là không bằng lòng thanh toán tiền nợ năm trước cho Ngô gia, tụ lại một chỗ xỏ xiên chẳng qua là muốn lời đến tai Ngô thẩm để bà nghe thấy, khiến cho người làm mẹ chồng như bà ra mặt đối phó với Trúc ca nhi.
Nhưng Ngô thẩm biết tính mình hiền hòa, lại biết đứa con dâu thứ hai này của mình vừa có khả năng vừa không có ý xấu, trực tiếp thay mặt cả gia đình giao tráp tiền trong nhà cho Trúc ca nhi. Chỉ nói: “Nhà này giao cho Trúc ca nhi quản chỉ có lợi chứ không có hại.”
Ý tứ này chính là để Trúc ca nhi quản việc nhà rồi.
Trúc ca nhi bưng tráp tiền mà thụ sủng nhược kinh[1], lập tức nhìn đại tẩu của y, sợ mẹ chồng làm thế khiến đại tẩu không vui trong lòng.
[1] Được yêu thương mà lo sợ.
Nhưng con dâu cả nhà họ Ngô đang ngắm bạc thu về mấy ngày nay mà cười như hoa nở, đối với Trúc ca nhi không có vấn đề gì.
Cho nên Trúc ca nhi cứ như vậy mà trở thành người con dâu đầu tiên ở trong thôn bắt đầu quản lý gia đình lúc mẹ chồng vẫn còn, khiến một đám người đang chờ ghen tị, ngay cả Tiền thẩm mấy ngày đó ra cửa, cũng không tự giác được mà thẳng sống lưng.
– ————————–
*Canh trứng rau chân vịt