Sói Thảo Nguyên

Chương 7



“Dễ hiểu thôi mà, Harry. Rồi sao nữa? Anh phang tấm hình lên đầu họ à?”

“Không, tôi làm toáng lên rồi bỏ đi; lúc ấy tôi muốn về nhà nhưng…”

“Nhưng ở nhà sẽ chẳng có bà mẹ nào để an ủi hay mắng mỏ chú nhóc ngu ngốc. Ôi chao, Harry ơi, anh làm em tí nữa thì mủi lòng vì anh đấy, anh là một kẻ ngây ngô không giống ai.”

Tất nhiên, dường như chính tôi cũng thấy thế. Nàng đưa tôi một ly vang, bảo tôi uống. Quả thật nàng đối với tôi như một bà mẹ. Thỉnh thoảng tôi thấy trong một thoáng giây nàng đẹp và trẻ biết bao.

“Nghĩa là,” nàng nói tiếp, “cái cụ Goethe ấy đã chết cả trăm năm rồi và chàng Harry rất yêu quý cụ; chàng ta có một hình dung tuyệt vời về cụ, rằng dung mạo cụ có lẽ phải như thế này thế nọ, về chuyện ấy thì Harry có quyền chứ gì? Còn người họa sĩ, cũng mê cụ Goethe và vẽ một bức hình của cụ, lại không có quyền; ông giáo sư nọ cũng không luôn, hoàn toàn không ai có quyền, vì điều này không hợp ý Harry, chàng ta chịu không nổi, chàng ta phải chửi toáng lên và bỏ chạy! Nếu chàng ta khôn ngoan, thì chàng ta chỉ việc cười người họa sĩ và ông giáo sư thôi. Nếu chàng ta điên, chàng ta sẽ quăng cụ Goethe của họ vào mặt họ. Nhưng vì chàng ta chỉ là một chứ nhóc, chàng ta chạy về nhà và muốn treo cổ. Em hiểu câu chuyện của anh rõ lắm, Harry ạ. Thật là một câu chuyện khôi hài. Nó làm em buồn cười. Khoan, đừng uống nhanh thế. Rượu Burgund phải uống từ từ, nếu không sẽ nóng. Phải chỉ bảo anh mọi thứ thôi, chú nhóc ạ.”

Mắt nàng nhìn nghiêm khắc và khuyên răn như của một nữ gia sư sáu mươi tuổi.

“Ồ phải,” tôi hài lòng yêu cầu, “cô cứ chỉ bảo tôi mọi thứ đi.”

“Em nên chỉ anh cái gì đây?”

“Mọi điều cô muốn.”

“Được, em nói với anh điều này nhé. Suốt một giờ qua anh nghe em gọi anh là anh, thế mà anh luôn gọi em là cô. Luôn luôn Latin với Hy Lạp, luôn luôn cực kỳ phức tạp! Khi một cô gái gọi anh là anh mà anh không chán ghét nàng thì hãy gọi nàng là em. Đó, anh học được chút ít rồi đấy. Hai là: từ nửa giờ qua em biết anh tên Harry. Em biết, vì em hỏi anh. Còn anh không muốn biết em tên gì.”

“Có chứ, tôi rất muốn biết mà.”

“Muộn rồi, chú nhóc ơi! Khi nào mình gặp lại nhau thì anh có thể hỏi. Bữa nay em không nói nữa. Nào, bây giờ em muốn khiêu vũ.”

Nàng dợm đứng lên khiến tôi đột nhiên buồn bã. Tôi sợ nàng sẽ bỏ đi, để tôi bơ vơ, và rồi có lẽ mọi chuyện sẽ lại như cũ; nỗi sợ và kinh hoàng của tôi lại xuất hiện, tựa như cái răng tạm hết đau, thình lình nhức trở lại, rát như phải bỏng. Chúa ơi, chẳng lẽ tôi đã có thể quên chuyện gì chờ đợi mình ư? Đã có chuyện gì thay đổi chăng?

“Khoan,” tôi năn nỉ kêu lên, “cô đừng – em đừng bỏ đi! Đương nhiên em muốn nhảy bao nhiêu cũng được, nhưng đừng bỏ đi lâu quá, hãy quay trở lại, hãy quay trở lại!”

Nàng mỉm cười đứng lên. Tôi cứ nghĩ nàng cao hơn; hóa ra nàng thon thả, chứ không cao. Nàng lại khiến tôi nhớ đến người nào đấy – ai? Tôi không nhớ ra được.

“Em trở lại chứ?”

“Em sẽ trở lại, nhưng có thể phải một lúc lâu, nửa giờ hoặc cả giờ cũng nên. Em muốn nói với anh điều này: hãy nhắm mắt lại và ngủ chút ít đi; đó là cái anh đang cần đấy.”

Tôi tránh chỗ cho nàng bước qua; váy nàng chạm vào đầu gối tôi; vừa đi nàng vừa soi một chiếc gương tròn bỏ túi nhỏ xíu, nàng nhướng mày, phớt chiếc cọ thoa phấn xinh xinh lên cằm rồi khuất dạng trong gian phòng khiêu vũ. Tôi nhìn quanh: những khuôn mặt lạ, những người đàn ông đang hút thuốc, bia sánh trên mặt bàn cẩm thạch, tiếng ồn ào, la ó khắp nơi, bên cạnh là tiếng nhạc khiêu vũ. Tôi nên ngủ, nàng vừa bảo thế. Chà, bé ngoan ơi, cứ như là em biết rõ về giấc ngủ của ta vậy, nó còn nhút nhát hơn loài chồn bạch cơ! Ngủ trong cái chợ phiên như thế này, ngồi ở bàn, giữa tiếng lách cách của những cốc vại bia! Tôi nhấp rượu vang, móc túi lấy một điếu xì gà, nhìn quanh tìm diêm, nhưng thật ra tôi đâu định hút, nên đặt nó lên bàn ngay trước mặt. “Nhắm mắt lại,” nàng đã bảo tôi thế. Chúa ơi, từ đâu mà nàng có giọng nói này, trầm trầm, êm ái của một bà mẹ. Vâng lời giọng nói này là đúng, tôi từng có kinh nghiệm rồi. Tôi tuân lời nhắm mắt lại, tựa đầu vào tường, nghe hàng trăm thứ tiếng ầm ĩ chung quanh ập vào người; tôi mỉm cười trước ý tưởng ngủ ở chỗ này và quyết định đi tới cửa phòng khiêu vũ, lướt nhìn vào đấy – tôi phải thấy cô bé xinh đẹp của tôi nhảy chứ; tôi cựa quậy chân dưới gầm bàn, mãi lúc ấy tôi mới cảm thấy xiết bao mệt mỏi sau hàng giờ lang thang, nên lại ngồi ì. Và rồi tôi thiếp luôn, tuân theo mệnh lệnh của người mẹ, ngủ một cách tham lam lẫn biết ơn và tôi mơ, thật rành mạch và thú vị; lâu lắm rồi tôi mới lại mơ. Tôi mơ thế này:

Tôi ngồi chờ trong một tiến sảnh cổ kính. Mới đầu chỉ biết là mình được đăng ký diện kiến một đại nhân nào đấy, rồi sực nhớ người sắp tiếp tôi chính là ngài von Goethe. Tiếc rằng tôi tới đây không với tư cách cá nhân mà mang danh nghĩa phóng viên một tạp chí; tôi rất bực bội và không thể hiểu nổi ma quỷ nào đã đưa đẩy mình vào hoàn cảnh này. Ngoài ra tôi còn lo lắng vì một con bọ cạp, mới đây tôi còn thấy nó đang tìm cách bò lên chân tôi. Quả thật tôi đã cố đung đưa chân để gạt con vật đen trũi bò lồm ngồm đó, nhưng chẳng rõ bây giờ nó đang ở đâu và tôi không dám mò tìm.

Tôi cũng không hoàn toàn dám chắc có thật người ta cho mình gặp cụ Goethe, hay do nhầm lẫn lại khiến mình gặp Matthisson, người mà trong giấc mơ tôi cứ đinh ninh là tác giả Những bài thơ gửi Molly, vì tôi nhầm ông với Burger(1). Nhân tiện nói thêm là tôi hết sức ao ước được gặp Molly; tôi hình dung bà là người thật tuyệt vời, dịu dàng, giỏi âm nhạc, sống về đêm. Ước chi tôi không ngồi đây vì thừa ủy nhiệm của cái ban biên tập phải gió nọ! Càng lúc càng thêm bực mình về chuyện này, tôi đâm ra giận lẫy cả Goethe, nên bỗng dưng nghi kỵ và trách mọc cụ đủ thứ chuyện. Thế này chắc sẽ hứa hẹn một buổi tiếp kiến hay ho đây! Còn con bọ cạp tuy nguy hiểm và có lẽ đang trốn ngay sát người tôi, nhưng hẳn không đến nỗi nào; có thể nó, như tôi thấy, báo trước điềm vui; rất có thể nó, như tôi thấy, liên quan thế nào đấy với Molly; nó là một loại người đưa tin hay con vật vẽ trên huy hiệu của bà, một con vật biểu trưng đẹp đẽ và nguy hiểm của nữ tính và tội lỗi. Có thể nào tên nó là Vulpius(2) không nhỉ? Đúng lúc ấy một gia nhân mở tung cửa ra, tôi bật dậy bước vào.

1. Friedrich von Matthisson (1761-1831), nhà thơ. Gottfried August Burger (1747-1794), tác giả Những bài thơ gửi Molly.

2. Christiane Vulpius (1765-1816), vợ của Goethe.

Cụ Goethe đang đứng đấy, nhỏ thó và thẳng đơ, trên lồng ngực mẫu mực của cụ chễm chệ một tấm huân chương to tướng hình ngôi sao. Cụ vẫn luôn còn mang vẻ đang cai trị, vẫn luôn còn tiếp kiến, vẫn luôn còn giám sát thế gian từ viện bảo tàng Weimar của cụ. Nên nhác thấy tôi, cụ đã gục gặc cái đầu như một con quạ già, trịnh trọng phán: “Chà, các cậu bạn trẻ, xem ra các cậu rất ít đồng tình với bọn ta và những nổ lực của chúng ta, nhỉ?”

“Hoàn toàn đúng thế ạ,” tôi đáp mà lạnh toát người trước ánh mắt thượng thư(1) của cụ. “Thưa ngài, lớp trẻ chúng tôi quả thật không đồng tình với ngài. Đối với chúng tôi thì ngài quá trịnh trọng, quá kiêu căng, làm bộ làm tịch và không mấy thẳng thắn. Có lẽ đây là điều cốt yếu: không mấy thẳng thắn.”

1. Goethe từng là ủy viên Viện Cơ mật – như thượng thư ở nước ta thời phong kiến – ở Weimar. Đã từ lâu ở đây có một viện bảo tàng nổi tiếng mang tên nhà thơ.

Ông lão nhỏ thó ấy hơi hất cái đầu nghiêm khắc tới trước, và trong lúc cái miệng cương nghị với những nếp nhăn trông trịnh trọng của ông dãn ra thành một nụ cười tủm tỉm, sinh động tuyệt trần thì tim tôi chợt rộn lên, vì đột nhiên tôi nhớ đến bài “Hoàng hôn nghiêng xuống từ trên cao”(2) và chính con người kia, cái miệng kia đã thốt ra những vần thơ nọ. Thật ra ngay lúc ấy trong tôi mọi nghi kỵ và trách móc cụ đã tan biến sạch rồi, tôi bị cụ chế ngự hoàn toàn và không muốn gì hơn là quỳ xuống trước cụ. Nhưng tôi vẫn đứng thẳng người, nghe những lời cụ thốt ra từ cái miệng mỉm cười kia: “Chà, nghĩa là các cậu buộc ta tội không thẳng thắn? Mấy từ ấy mới ghê gớm làm sao! Cậu giải thích rõ hơn được chứ?”

2. Tên một bài thơ của Goethe.

Tôi sẵn sàng, rất sẵn sàng.

“Thưa ngài von Goethe, như mọi nhà tư tưởng lớn khác, ngài đã thấy và cảm nhận rõ rệt về điều nghi vấn và sự tuyệt vọng của kiếp người: lộng lẫy trong chớp mắt rồi lụi tàn khốn khổ, nỗi bất lực không thể trả giá nào khác cho sự thăng hoa của cảm giác hơn là trở thành nô lệ của những sinh hoạt thường nhật, nỗi khát khao cháy bỏng về một vương quốc của tinh thần và sự không ngừng chiến đấu một mất một còn chống lại niềm say mê cũng cháy bỏng và thiêng liêng về sự hồn nhiên, chất phác đã mất của bản tính con người – nghĩa là hết thảy nỗi chơi vơi đáng sợ trong sự trống rỗng và sự không chắc chắn, mang bản án phải tàn phai, chẳng bao giờ toàn thiện, muôn đời chỉ toàn thử nghiệm và vụng về – nói gọn, toàn bộ những bế tắc, xa rời thực tế và tuyệt vọng của kiếp người. Tất cả những điều này ngài đều rõ và minh xác từ thuở nào rồi, thế nhưng ngài lại rao giảng điều ngược lại bằng cả cuộc đời mình, ngài bày tỏ niềm tin cùng sự lạc quan, ngài lừa bịp chính mình cùng người khác rằng những nỗ lực tinh thần của chúng ta bền vững và có ý nghĩa. Ngài đã gạt bỏ và trấn áp những tiếng kêu từ đáy vực, những tiếng nói của chân lý tuyệt vọng, trong chính bản thân ngài cũng như trong Kleist và Beethoven(1). Hàng chục năm ròng ngài đã làm như thể việc tích lũy, sưu tập kiến thức, việc viết lách và gom góp thư từ, như thể cả quãng đời lúc về già của ngài ở Weimar quả là một phương cách để lưu danh thiên cổ cái khoảnh khắc mà thật ra ngài đã chỉ có thể biến nó trở thành một thứ xác ướp, để tinh thần hóa cái bản tính mà ngài đã chỉ có thể cách điệu thành một mặt nạ. Đó chính là sự không thẳng thắn mà chúng tôi thống trách ngài.”

1. Heinrich von Kleist (1777-1811): nhà văn, nhà soạn kịch Đức; Beethoven (1770-1827): nhạc sĩ vĩ đại Đức.

Ngài ủy viên già nua của Viện Cơ mật đăm chiêu nhìn vào mắt tôi, miệng vẫn không ngớt mỉm cười.

Rồi cụ hỏi khiến tôi ngạc nhiên: “Nghĩa là cậu phải ghét cay ghét đắng bản Điệu sáo mê hồn của Mozart?”

Tôi chưa kịp phản bác, cụ đã hỏi tiếp: “Điệu sáo mê hồn diễn tả cuộc đời như một bài ca tuyệt diệu, nó tán tụng tình cảm của chúng ta, những thứ rất phù vân, như là gì đấy vĩnh cửu và thần thánh, nó không hùa theo các ông von Kleist hay Beethoven, mà thuyết giảng về sự lạc quan và niềm tin.”

“Tôi biết, tôi biết!” tôi bực dọc kêu lên. “Có Chúa mới rõ vì sao ngài lại viện ra ngay bài Điệu sáo mê hồn mà tôi thích nhất trên đời này! Nhưng Mozart không thọ đến tám mươi hai tuổi và trong cuộc sống riêng cũng không đòi hỏi phải trường tồn, trật tự và phẩm cách như ngài! Ông ta không làm bộ làm tịch! Ông ta đã ca hát những khúc nhạc thần và sống đói nghèo, chết trẻ, bần hàn, tài năng bị ngộ nhận…”

Tôi hụt cả hơi. Cả ngàn điều muốn nói tôi đã phải gói gọn chỉ trong mười từ, trán tôi vã mồ hôi.

Nhưng Goethe đáp lại rất thân ái: “Việc ta thọ tám mươi hai tuổi có lẽ không tha thứ được. Tuy nhiên ta ít vui thú về chuyện này hơn cậu có thể đã tưởng. Cậu nói đúng: ta luôn muốn được sống trường cửu, ta luôn sợ và chống lại cái chết. Ta tin rằng cuộc chiến đấu chống lại cái chết, lòng mong muốn sống, mong muốn một cách bướng bỉnh và vô điều kiện, chính là động lực đã khiến mọi con người xuất chúng hành động và sống. Còn việc cuối cùng con người ta vẫn phải chết thì cậu bạn trẻ ạ, ta đã chứng minh một cách cũng thuyết phục điều này với tám mươi hai tuổi đời, không khác nếu ta chết ở tuổi học trò. Ta muốn nói thêm điều này nữa, nếu có thể giúp được cho sự biện bạch của mình: bản tính ta nhiều thứ rất trẻ con, rất tò mò, ham đùa nghịch và phung phí thời gian. Thành ra ta đã phải mất khá lâu mới nghiệm ra được rằng chơi đùa thế là quá đủ.”

Goethe vừa nói vừa mỉm cười ranh mãnh, như một đứa trẻ nghịch ngợm. Ông trở nên cao lớn hơn, mất hẳn dáng dấp thẳng đơ và vẻ quyền quý gượng gạo trên gương mặt. Bầu không khí quanh chúng tôi giờ đây tràn đầy những khúc nhạc, rất nhiều bài ca của Goethe; tôi nghe rõ trong đó có bài Hoa tím của Mozart, bài Em lại phủ kín rừng rậm và thung lũng của Schubert. Giờ đây gương mặt Goethe hồng hào, trẻ trung, ông mỉm cười khi thì giống Mozart, lúc lại giống Schubert như hai anh em; ngôi sao trên ngực ông biến thành một chùm hoa đồng nội, chính giữa nở rộ một bông anh thảo vàng.

Tôi không vừa ý lắm trước việc ông cụ này muốn lảng tránh theo kiểu bông đùa như thế những câu hỏi và trách cứ của tôi, nên đã nhìn cụ đầy trách móc. Cụ liền cúi tới trước, ghé miệng, nay đã hoàn toàn thành miệng trẻ thơ, sát tai tôi thì thầm: “Này cậu, cậu quá coi trọng lão Goethe già này đấy. Chớ nên coi trọng những người già đã chết rồi, bằng không sẽ là bất công đối với họ. Chúng ta, những kẻ bất tử, không ưa coi trọng chuyện gì hết, mà thích đùa vui. Sự nghiêm trọng, cậu ạ, là công việc của thời gian; sở dĩ có nó, ta có thể tiết lộ cho cậu ngần này, là do thời gian được đánh giá quá cao. Trước kia chính ta cũng đã đánh giá quá cao thời gian, nên ta mới muốn sống đến trăm tuổi. Nhưng trong cõi vĩnh hằng, cậu biết không, không có thời gian; mà vĩnh hằng chỉ là một khoảnh khắc, vừa đủ dài cho một câu đùa.”

Quả thật tôi chẳng còn trao đổi được lời nào nghiêm chỉnh nữa với người đàn ông này; cụ nhảy nhót một cách thú vị, lên xuống mềm mại, khiến bông anh thảo lúc như hỏa tiễn vọt ra khỏi ngôi sao, lúc nhỏ rồi lại biến mất. Trong lúc Goethe trổ tài qua những bước và dáng nhảy, tôi phải công nhận rằng ít ra cụ cũng đã không bỏ lỡ chuyện học khiêu vũ. Cụ nhảy thật tuyệt vời, Tôi sực nhớ tới con bọ cạp, tới Molly thì đúng hơn, liền gọi Goethe: “Thưa ngài, Molly không có đây sao?”

Goethe cười rộ. Cụ đi lại bàn, mở một ngăn kéo, lấy một cái hộp quý bằng da hay nhung gì đấy, mở ra rồi chía trước mặt tôi. Trên nền nhung thẫm là một cái chân phụ nữ nhỏ xíu, toàn mỹ và óng ánh, đầu gối hơi co, bàn chân duỗi xuống dưới, tận cùng là những ngón vô cùng xinh xắn.

Tôi chìa tay định nắm lấy cái chân tí tẹo khiến mình say mê nọ, nhưng hai ngón tay tôi mới chực cầm thì món đồ chơi kia dường như hơi giật nhẹ, khiến tôi đột nhiên sinh nghi có thể đó là con bọ cạp. Goethe chừng như thấy rõ điều ấy, thậm chí còn có vẻ chủ tâm gây ra sự lúng túng, sự mâu thuẫn bùng lên giữa thèm muốn và sợ hãi này. Cụ gí con bọ cạp nhỏ bé duyên dáng kia vào sát mặt tôi, nhìn tôi thèm muốn nó, nhìn tôi rùng mình khiếp sợ nó và điều này dường như làm cụ thích thú. Trong lúc trêu tôi với món đồ chơi xinh xắn mà nguy hiểm nọ, cụ lại trở thành già, già khú, nghìn tuổi, tóc trắng phau như tuyết, khuôn mặt già nua tàn tạ cười không thành tiếng, kiểu cười dữ dội thâm thúy đầy hóm hỉnh bí ẩn của người già.

Khi thức dậy tôi quên mất giấc mơ, mãi sau mới nhớ lại. Hẳn tôi đã ngủ chừng một giờ giữa tiếng nhạc và sự náo nhiệt, ngay tại chiếc bàn trong quán rượu; chẳng bao giờ tôi nghĩ có thể như thế được. Cô gái đáng mến đứng trước mặt, một tay trên vai tôi.

“Cho em hai, ba mark,” nàng nói, “em đã tiêu pha chút ít ở đằng kia rồi.”

Tôi đưa ví, nàng cầm lấy quay đi, lát sau trở lại.

“Nào, bây giờ em có thể ngồi thêm với anh một lúc ngắn nữa, rồi phải đi, em có hẹn.”

Tôi hốt hoảng. “Với ai vậy?” tôi vội hỏi.

“Với một ông, nhóc Harry ạ. Hắn đã mời em lại quán rượu Nhà Hát Lớn.”

“Ơ, anh cứ tưởng em sẽ không bỏ anh một mình.”

“Vậy thì lẽ ra anh phải mời em chứ. Có người mời trước anh rồi. Ờ, thế là anh tiết kiệm được khối tiền đấy. Anh biết quán Nhà Hát Lớn không? Sau nửa đêm chỉ toàn là sâm banh, ghế bành như trong câu lạc bộ, ban nhạc da đen, rất sang.”

Tôi đã không lưu ý tới tất cả những điều này.

“Chà,” tôi khẩn khoản, “vậy để anh mời em vậy! Anh cứ nghĩ chuyện này là đương nhiên, mình đã là bạn bè của nhau rồi mà. Hãy cho anh mời em đến nơi nào em thích, anh năn nỉ đấy.”

“Anh thật dễ thương. Nhưng anh thấy đó, lời hứa là lời hứa, em đã nhận lời rồi và em sẽ đi. Đừng mất công năn nỉ nữa! Đây, uống nữa đi, trong chai vẫn còn rượu. Anh uống cho hết rồi ngoan ngoãn về nhà ngủ. Hứa với em đi.”

“Không, anh không thể về nhà được, em ạ.”

“Ối giời, anh thật nhiều chuyện! Mãi vẫn chưa xong với cái nhà ông Goethe à? (Đúng lúc ấy tôi sực nhớ đến giấc mơ gặp Goethe.) Nhưng nếu quả thật anh không muốn về nhà, thì cứ ở lại, ở đây có phòng trọ mà. Em lấy cho anh một cái nhá?”

Tôi đồng ý và hỏi có thể gặp lại nàng ở đâu? Nàng cư ngụ chỗ nào? Nàng không cho tôi biết. Nàng bảo, chỉ cần tôi bỏ chút công tìm thì thế nào cũng sẽ thấy.

“Anh không được phép mời em à?”

“Tới đâu?”

“Tới nơi nào em thích, lúc nào tùy em.”

“Được. Thứ Ba, ta ăn tối tại quán ‘Tu sĩ già dòng Francisco’, tầng một. Chào anh nhé!”

Nàng chia tay, mãi lúc đó tôi mới nhận thấy bàn tay ấy đẹp, đầy đặn, thông minh, nhân hậu, quá hợp với giọng nói của nàng. Nàng mỉm cười giễu cợt khi tôi hôn tay nàng.

Vào phút chót nàng còn quay lại lần nữa, bảo tôi: “Em muốn nói thêm với anh điều này, về cái nhà ông Goethe ấy. Thề này nhá, chuyện xảy ra với anh liên quan đến cái nhà ông Goethe đến nỗi anh không chịu đựng nổi bức hình của ông ấy như thế nào thì đôi khi em cũng như thế với các ông thánh.”

“Các ông thánh à? Em ngoan đạo đến thế ư?”

“Không, em không ngoan đạo, tiếc thay, nhưng em đã từng sùng tín và sẽ có ngày sùng tín trở lại. Người ta đâu có thì giờ để mà mộ đạo.”

“Không có thì giờ? Chẳng lẽ phải có thì giờ mới mộ đạo được à?”

“Cần chứ. Để mộ đạo cần phải có thì giờ, thậm chí nhiều thứ hơn nữa: sự không lệ thuộc vào thời gian! Anh không thể thật sự mộ đạo, đồng thời sống trong thực tại, hơn nữa lại coi trọng những thời gian, tiền bạc, quán Nhà Hát Lớn và đủ thứ linh tinh”

“Anh hiểu rồi. Nhưng chuyện các vị thánh thì như thế nào?”

“À, có một số vị thánh em đặc biệt quý trọng: thánh Stefan này, thánh Francis và nhiều vị khác. Thỉnh thoảng em thấy hình như các vị ấy, cả của Đấng Cứu Thế và Đức Mẹ, những bức hình trả giá, sai lạc, ngớ ngẩn và em cũng không chịu đựng nổi đại loại như anh với bức hình nọ của Goethe. Khi em nhìn một bức hình xinh xắn ngu xuẩn như thế của Đấng Cứu Thế hoặc của thánh Francis và thấy người khác trầm trồ khen đẹp, khiến họ phấn chấn, em liền cảm thấy như đó là một sự nhục mạ Đấng Cứu Thế chân chính và em nghĩ: chao ơi, Người đã sống và gánh chịu đớn đau nhường ấy để làm gì, nếu chỉ cần một bức hình vớ vẩn như thế của Người đủ làm họ mãn nguyện! Tuy nhiên em cũng biết rằng bức hình trong lòng em về Đấng Cứu Thế hoặc thánh Francis cũng chỉ là tưởng tượng của con người thôi, đâu sánh nổi với nguyên mẫu; đối với Đấng Cứu Thế thì ngay chính hình ảnh của Người trong lòng em cũng rõ là vớ vẩn và nghèo nàn, không khác những phiên bản xinh xắn nọ đối với em. Em nói điều này không phải để bảo việc anh tức tối và giận dữ vì bức hình Goethe là đúng; không, anh làm thế là sai. Em nói chỉ để cho anh thấy rằng em có thể hiểu được anh. Các anh, những học giả và nghệ sĩ, đầu óc toàn thứ độc đáo thật đấy, nhưng các anh cũng chỉ là con người như bao kẻ khác thôi và bọn em, những kẻ khác ấy, cũng có lắm giấc mơ và tưởng tượng trong đầu óc mình. Chẳng hạn, thưa nhà học giả, em nhận thấy anh đã hơi lúng túng khi phải kể với em câu chuyện của anh về ông Goethe – anh đã phải cố gắng để một cô gái tầm thường có thể hiểu được những điều lý tưởng của anh. Chậc, em nói thế này chẳng qua vì muốn cho anh thấy không cần phải gồng mình làm gì. Em hiểu anh mà. Thế nhé, bây giờ chấm hết! Anh phải đi ngủ thôi!”

Nàng bỏ đi và một lão bộc đưa tôi lên tầng hai; đúng hơn, trước hết lão hỏi hành lý tôi đâu; khi biết tôi không có hành lý, lão bắt tôi phải ứng trước cái mà lão gọi là “tiền ngủ trọ”. Rồi lão đưa tôi qua cái khoang cầu thang cũ kỹ tối om om lên một căn phòng, để mặc tôi ở đấy. Phòng có một chiếc giường gỗ đơn sơ, ngắn ngủn và cứng, trên tường treo một thanh gươm và một tấm hình màu của Garibaldi(1), thêm một vòng hoa đã héo ghi dấu lần liên hoan của một hội đoàn nào đấy. Tôi sẵn sàng trả bộn tiền để có một bộ đồ ngủ! Song ít ra trong phòng cũng sẵn nước và một tấm khăn tay nhỏ nên tôi có thể lau người, rồi lên giường với nguyên áo xống, cứ để đèn, nằm nghĩ ngợi; tôi thừa thì giờ mà. Bây giờ chuyện cụ Goethe thế là ổn thỏa rồi. Cụ đã đến với tôi trong giấc mơ, thật tuyệt diệu biết bao! Và người con gái tuyệt vời này – phải chi tôi biết được tên nàng! Bỗng đâu một người, một người bằng xương bằng thịt, đã đập nát cái chụp thủy tinh u ám úp lên cái chết dần mòn của tôi, đã chìa tay cho tôi, một bàn tay ấm áp, xinh xắn và nhân hậu! Bỗng dưng lại xuất hiện những chuyện liên quan đến tôi, những chuyện mà tôi có thể nghĩ tới với vui thú, âu lo, căng thẳng. Bỗng dưng một cánh cửa mở ra và cuộc đời đi qua đó đến với tôi! Có lẽ tôi có thể sống lại được, có thể tôi có thể lại trở thành một con người. Tâm hồn tôi, đã thiếp đi và gần như đã hóa băng trong giá lạnh, đang thở lại, đang ngái ngủ vỗ đôi cánh nhỏ yếu. Goethe đã đến với tôi. Một cô gái đã bảo tôi phải ăn, uống, ngủ, đã bày tỏ sự thân thiện với tôi, đã cười cợt tôi, đã gọi tôi là một nhóc con ngu xuẩn. Và nàng, người bạn gái tuyệt vời ấy, đã kể về các vị thánh và cho tôi thấy rằng ngay cả trong những lúc tôi kỳ quái nhất tôi cũng không phải là một kẻ cô đơn, không người thông cảm và một ngoại lệ bệnh hoạn, rằng tôi cũng có chị có em, rằng người ta hiểu tôi. Tôi sẽ lại gặp nàng chăng? Có, chắc chắn, nàng đáng tin cậy. “Lời hứa là lời hứa.”

1. Giuseppe Garibaldi (1807-1882): nhà cách mạng, anh hùng dân tộc của nước Ý, đã giải phóng Ý khỏi ách đô hộ của ngoại bang.

Và rồi tôi thiếp đi, ngủ vùi bốn, năm giờ liền. Tôi thức dậy lúc đã quá mười giờ, áo quần nhầu nhĩ, mệt bã người, đầu còn ong ong chuyện gì đấy khá đáng sợ của hôm qua, nhưng tôi đã sôi nổi, đầy hy vọng, đầy những ý tưởng tốt lành. Trên đường về căn hộ của mình tôi không cảm thấy chút gì nữa của nỗi kinh hoàng mà sự trở về này đã gây cho tôi tối hôm qua.

Nơi cầu thang, phía trên chậu bách tán, tôi gặp “bà dì”, bà chủ nhà, người tôi hiếm khi thấy mặt, nhưng rất hài lòng về tính tình xởi lởi của bà. Cuộc chạm mặt khiến tôi không thoải mái, vì dẫu sao tôi cũng khá lôi thôi lếch thếch và bơ phờ vì thức trắng đêm, tóc tai không chải, râu ria không cạo. Tôi chào bà và định đi luôn một mạch. Bình thường bà luôn tôn trọng ý muốn của tôi được sống một mình, không bị dòm ngó, nhưng hôm nay dường như quả thật tấm màn ngăn cách tôi với thế giới chung quanh đã bị xé tan, một rào cản đã sụp đổ – bà cười và cứ đứng ở đấy.

“Ông Haller, tối hôm qua chắc ông bù khú nên không ngủ ở nhà. Ông sẽ mệt đừ cho mà xem!”

“Vâng,” tôi đáp và cũng bật cười luôn, “tối hôm qua cũng hơi quá vui thật, và vì tôi không muốn làm rộn nếp sống của nhà ta, nên đã ngủ ở khách sạn. Tôi rất trân trọng sự yên tĩnh và tiếng tăm của ngôi nhà này, nên đôi khi tự cảm thấy mình như một cơ thể lạ ở trong đó.”

“Ông đừng giễu cợt thế, ông Haller ạ!”

“Ồ không, tôi chỉ tự giễu cợt thôi.”

“Ông lại càng không nên thế. Ông không nên cảm thấy như một ‘cơ thể lạ’ trong nhà tôi. Ông nên sống như ông thích, làm những gì ông muốn. Tôi từng có vài khách trọ rất đáng kính trọng, những hòn ngọc về tư cách, nhưng chẳng ai lặng lẽ và ít làm phiền chúng tôi bằng ông. Bây giờ – ông thích uống trà không nào?”

Tôi không từ chối. Tôi được mời dùng trà trong phòng khách đầy những hình ảnh và đồ đạc cổ kính, nói với bà dăm ba câu chuyện và người đàn bà vui tính này, dù không thật sự hỏi, đã biết được chuyện này chuyện nọ trong đời sống, suy nghĩ của tôi; bà lắng nghe với vẻ vừa tôn trọng vừa không quá quan trọng hóa của bậc hiền mẫu, kiểu mà các bà vợ khôn ngoan thường có trước những gàn dở của chồng. Chúng tôi cũng đề cập tới người cháu trai của bà và bà cho tôi xem ở một phòng bên cái radio, công trình mới nhất của anh ta cặm cụi bao ngày sau khi đi làm về. Nơi đây, tối tối người thanh niên cần mẫn ấy ngồi rị mọ ráp cái máy nọ, mê say ý tưởng về kỹ thuật vô tuyến, sùng tín khấu đầu trước ông thần kỹ thuật, kẻ sau bao nghìn năm đã thành công trong chuyện phát hiện và trình bày cực kỳ không hoàn chỉnh những điều mà mọi nhà tư tưởng đều đã biết và sử dụng khôn khéo hơn. Chúng tôi trò chuyện về những điều ấy, vì bà dì này khá sùng tín và không phải không ưa những chuyện liên quan đến tôn giáo. Tôi bảo bà rằng người Ấn Độ thời cổ đại đã rành rẽ về sự hiện diện khắp nơi của mọi sức mạnh và hành động, còn kỹ thuật mới chỉ có thể biến nổi một tí chút thực tế này thành ý thức phổ biến, qua việc thiết kế một cái máy thu và phát sóng âm thanh còn thiếu sót kinh khủng. Cho tới nay, điều cốt lõi của nhận thức xa xưa nọ, rằng thời gian không có thật, chưa được kỹ thuật quan tâm, nhưng tất nhiên cuối cùng nó cũng sẽ được “khám phá” và rơi vào tay những kỹ sư xăng xái. Có lẽ chẳng bao lâu nữa người ta sẽ thấy rằng không chỉ những hình ảnh và sự kiện ở khoảnh khắc tức thời trong hiện tại mới liên tục tràn ngập chúng ta, tương tự như giờ đây người ta đã khiến âm nhạc ở Paris và Berlin cũng nghe thấy được ở Frankfurt hoặc Zurich, mà mọi chuyện đã xảy ra cũng sẽ được ghi lại cả, và một ngày nào đấy, vô tuyến hay không, rè hay không rè, ta có thể nghe vua Salomon hoặc Walther von der Vogelweide(1) nói. Lúc đó tất cả những chuyện này, giống như bây giờ trong bước khởi đầu của radio, sẽ chỉ khiến con người trốn chạy chính mình và những mục tiêu của mình, rồi tự bủa vây bằng một tấm lưới ngày một khít hơn của sự đãng trí và những bận rộn vô bổ. Nhưng tôi nói ra tất cả những điều quen thuộc này không với giọng cố hữu cay đắng và nhạo báng thời đại cùng kỹ thuật, mà đùa bỡn; bà dì mỉm cười và chúng tôi ngồi uống trà thoải mái suốt một giờ đồng hồ.

1. Salomon: vua Do Thái thời cổ đại, tương truyền nổi tiếng sáng suốt; Walther von der Vogelweide (1170-1230): nhà thơ Đức.

Tôi mời được cô gái lạ lùng, xinh xắn mới quen ở quán Đại Bàng Đen đi ăn vào tối thứ Ba; tôi đã phải nỗ lực ghê gớm mới qua hết được thì giờ cho đến hôm đó. Cuối cùng, khi ngày thứ Ba ấy tới, tôi mới thấy rõ ràng mức độ quan trọng đến kinh hoàng trong quan hệ của mình với người thiếu nữ vô danh ấy. Tôi toàn nghĩ đến nàng, chờ đợi ở nàng đủ mọi thứ, sẵn sàng hy sinh và hiến dâng nàng tất cả, dù chẳng yêu nàng mảy may. Chỉ cần tưởng tượng nàng nuốt lời hoặc quên hẹn là thấy ngay mình sẽ lâm vào trạng huống nào: thế gian sẽ lại trống rỗng, ngày lại ngày sẽ u ám và chẳng đáng kể gì nữa, quanh tôi sẽ lại chỉ toàn sự vắng lặng và lịm chết đến rợn người; không còn lối nào thoát khỏi địa ngục câm nín này, ngoài lưỡi dao cạo. Trong đôi ba ngày ấy tôi chẳng ham hố gì hơn lưỡi dao cạo, nó không mảy may mất đi vẻ đáng sợ. Song chính đây mới là điều đáng ghét: tôi sợ ghê gớm, sợ đến đứng tim khi phải cứa cổ mình; tôi sợ chết với sức mạnh hoang dại, dai dẳng; tôi kháng cự và vùng lên, như thể tôi là kẻ khỏe khoắn nhất thế gian và cuộc đời tôi là cả một thiên đường. Tôi nhận biết hoàn cảnh của mình rõ rành rành, không chút mơ hồ, rằng chính sự căng thẳng khôn kham giữa sự không thể sống và sự không thể chết đã khiến người con gái vô danh ấy, cô vũ nữ nhỏ nhắn xinh đẹp ở quán Đại Bàng Đen ấy, trở thành quan trọng xiết bao đối với tôi. Nàng là khung cửa sổ tí hon, là lỗ hổng bé tẹo lung linh sáng nơi hang động sợ hãi tối om của tôi. Nàng là sự giải thoát, là con đường đưa tôi đến tự do. Nàng phải dạy tôi sống hoặc dạy tôi chết, nàng phải chạm bàn tay cương nghị và xinh xắn lên trái tim đông cứng của tôi, để nó hoặc bừng nở do tiếp cận sự sống, hoặc rã thành tro bụi. Từ đâu nàng có những sức mạnh ấy, từ đâu nàng có pháp thuật ấy, cái ý nghĩa sâu xa mà nàng có đối với tôi đã nảy nở từ những nguyên do bí ẩn nào, tôi chịu không nghĩ ra được; mà cũng chẳng có gì quan trọng, tôi không cần phải biết. Tôi chẳng quan tâm chút nào nữa đến tri thức hay nhận thức, vì tôi đã bị nhồi nhét chính những thứ ấy quá nhiều rồi; chính nó chứa đựng nỗi dằn vặt và nhục nhã ghê gớm, ê chề nhất của tôi, nó khiến tôi nhận ra và ý thức quá rõ về trạng huống của mình. Tôi thấy tên khốn nạn ấy, tên thô lỗ Sói Thảo Nguyên ấy, ngay trước mắt không khác một con ruồi sa lưới nhện, tôi nhìn số phận nó nhích dần tới giây phút quyết định như thế nào, thấy nó bất lực ra sao, còn con nhên đang sẵn sàng đớp nó và một bàn tay cứu vớt xuất hiện cũng ngay gần đấy như thế nào. Tôi có thể nói những điều sáng suốt và rành mạch nhất về các mối tương quan cùng nguyên do gây nên sự đau khổ, bệnh tâm hồn, chứng quỷ ám và loạn thần kinh của tôi, vì tôi thấu suốt cơ chế của chúng. Nhưng trí thức và hiểu biết không phải là điều tôi cần, khiến tôi khao khát đến tuyệt vọng nhường ấy, mà sự trải nghiệm, sự quyết định, cú hích và sức đẩy.

Tuy trong đôi ngày chờ đợi ấy tôi không hề nghi ngờ rằng cô bạn sẽ nuốt lời, song đến ngày cuối tôi rất hồi hộp và không còn dám chắc chắn nữa; trong đời, tôi chưa từng nóng lòng ngóng chờ ngày qua đi và chiều tối đến như thế. Nhưng trong sự căng thẳng và sốt ruột khiến tôi dường như không chịu đựng nổi thì đồng thời chúng lại có mặt rất hay: với kẻ đã vỡ mộng, từ lâu không đợi chờ gì nữa, không ham muốn gì nữa như tôi thì quả là tuyệt diệu, khi suốt ngày toàn đi tới đi lui vì bồn chồn, lo lắng, mong chờ day dứt, hình dung lúc gặp gỡ, chuyện trò, buổi tối này sẽ đưa tới đâu, rồi lo cạo râu, đóng bộ (đặc biệt chăm chút, sơ mi mới, ca vát mới, dây giày mới). Dù cô gái nhỏ nhắn thông minh và đầy bí ẩn này là ai, dù nàng quan hệ với tôi theo cách nào đi nữa, tôi cũng chẳng xem đó là quan trọng; tôi chỉ cần biết một điều: nàng có thật, phép lạ đã xảy ra khiến một lần nữa tôi tìm thấy một con người và hứng thú mới cho cuộc sống! Quan trọng là phép lạ kia cứ tiếp diễn, còn tôi phó thác mình cho lực hấp dẫn này và đi theo ngôi sao ấy!

Giây phút gặp lại nàng thật không thể nào quên! Lúc đó tôi đang ngồi tại một chiếc bàn con trong ngôi nhà hàng cũ kỹ nhưng ấm cúng ấy – trước đấy tôi đã gọi điện đặt chỗ, một việc không cần thiết – tìm hiểu thực đơn và cắm vào một ly nước hai đóa lan xinh xắn mua tặng cô bạn. Tôi phải chờ nàng khá lâu, nhưng biết chắc nàng sẽ đến nên không hồi hộp nữa. Và nàng đến kia rồi; nàng dừng lại trước chỗ treo áo, chỉ chào tôi bằng cái nhìn chăm chú, hơi xét nét từ đôi mắt xám nhạt. Tôi nghi ngại để ý xem gã chạy bàn cư xử với nàng thế nào. Không, đội ơn Chúa, gã không thân mật mà giữ đủ khoảng cách, lễ độ không chê trách được. Nhưng họ quen biết nhau sẵn rồi, nàng gọi gã là Emil.

Khi tôi tặng nàng hai bông lan, nàng cười thích thú.

“Anh thật dễ thương, Harry ạ. Anh muốn tặng quà cho em, đúng không, mà không rõ nên chọn món gì, được phép tặng em tới mức nào, có xúc phạm em chăng, nên anh mới mua lan; chỉ là hoa thôi, nhưng đắt lắm đấy. Em cám ơn anh. Có điều em muốn nói ngay với anh: em không muốn được anh tặng. Em sống nhờ vào đàn ông, nhưng không muốn sống dựa vào anh. Mà anh đã thay đổi thật thôi! Không nhận ra nữa đấy. Hôm trước trông anh như mới được cứu khỏi dây thòng lọng, nay đã ra dáng con người rồi. Anh có làm theo lệnh của em không đấy?”

“Lệnh gì cơ?”

“Anh mau quên thế à? Em muốn nói là anh nhảy Fostrott được chưa? Anh đã bảo chẳng ao ước gì hơn là nhận mệnh lệnh của em, anh không thích gì hơn là vâng lời em mà. Anh nhớ chứ?”

“À, có chứ và sẽ như vậy mà. Anh nói nghiêm túc đấy.”

“Thế nhưng anh vẫn chưa học nhảy?”

“Nhanh thế được à, chỉ trong vài ngày ư?”

“Dĩ nhiên. Anh có thể học điệu Fox trong một giờ, điệu Boston trong hai giờ. Tango thì lâu hơn, song anh đâu cần.”

“Nhưng bây giờ anh phải dứt khoát biết tên em!”

Nàng lặng lẽ nhìn tôi một lúc.

“Có thể anh đoán ra mà. Em sẽ rất vui nếu anh đoán được. Chú ý nhìn em thật kỹ vào! Chẳng lẽ anh không thấy đôi lúc em có nét mặt con trai sao? Bây giờ chẳng hạn?”

Đúng thế, khi nhìn kỹ khuôn mặt nàng, tôi phải công nhận nàng có lý, đó là một khuôn mặt con trai. Tôi đang ngẫm nghĩ thì gương mặt kia như liền trò chuyện cùng tôi, gợi tôi nhớ lại thời niên thiếu của mình và người bạn trai thuở ấy tên Hermann. Trong một thoàng nàng dường như biến hẳn thành cậu Hermann nọ.

“Nếu em là trai,” tôi sửng sốt nói, “tên em phải là Hermann.”

“Biết đâu đấy, có thể em là trai và chỉ cải trang thôi,” nàng đùa.

“Em tên là Hermine(1) à?”

Nàng rạng rỡ gật đầu, vui mừng vì tôi đã đoán ra. Ngay lúc ấy nhà hàng bưng ra món xúp, chúng tôi liền bắt đầu ăn, nàng hào hứng như một đứa trẻ. Trong tất cả những điều nàng làm tôi thích và say mê thì điều tuyệt vời và độc đáo hơn cả là nàng có thể đột

1. Hermine là tên nữ giới, ‘được dẫn’ từ tên Hermann của nam giới. Ở châu Âu không hiếm những tên tương tự (chẳng hạn Pauline dẫn từ Paul, Jeanne dẫn từ Jean…). Bằng cách đặt tên như thế cho cô gái điếm – dẫn từ tên của chính tác giả – Hermann Hesse ngầm qua nhân vật này nói lên khía cạnh phóng đãng, đam mê dục lạc của chính mình.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.