Phần 1/10
1.
Khi mới nhập học, tất cả các tân sinh viên đều phải thực hiện khảo sát tâm lý bằng cách trả lời bảng câu hỏi và câu cuối cùng trên đó là: ‘Bạn/người thân có tiền sử bệnh tâm thần không?’.
Thông thường thì chẳng ai điền thông tin giả làm gì cả. Sau này chúng tôi đã quay lại hỏi thầy phụ trách, bạn học tự sát năm ấy cũng điền thông tin thật.
Cậu ấy bị trầm cảm nặng.
Hãy gọi cậu ấy là Hũ Nút đi, đây là biệt danh phòng ký túc chúng tôi gọi cậu ấy.
Đặt cái biệt danh này không phải để bắt nạt cậu ấy. Bạn biết đấy, ai mà không có dăm ba cái biệt danh, nhất là trong ký túc xá toàn đực rựa với nhau thì thường gọi tên trêu trêu thôi.
2.
Khi nhận phòng chúng tôi đã phát hiện ra Hũ Nút luôn phải uống thuốc, nhưng mãi sau này mới biết loại thuốc đó tên là Paroxetine Hydrochloride Tablets, chuyên điều trị và chống trầm cảm.
Một vỉ Paroxetine gồm mười viên nén bao phim, viên nào cũng có rãnh chia ở giữa, ấn nhẹ là vỡ đôi. Chúng tôi thấy Hũ Nút uống một viên rưỡi mỗi lần.
Hôm đó là một ngày thuộc học kỳ hai năm nhất, tôi vừa về sau tiết tự học buổi tối. Hũ Nút không ở trong phòng nhưng tôi thấy trên bàn cậu ấy có một vỉ thuốc tráng nhôm rỗng.
Khi nhớ lại chuyện ấy, cả tôi lẫn mấy đứa cùng phòng khác đều chỉ nghĩ là Hũ Nút đã uống vỉ thuốc đó vài ngày rồi dùng hết chứ ai ngờ nổi cậu ấy vừa mới nốc cả vỉ hồi tối đâu.
Kể đến đây thì chắc hẳn mọi người cũng đã đoán được, cậu bạn tự kết liễu sinh mệnh tên Hũ Nút này, là bạn cùng phòng của tôi.
3.
Phòng ký túc có bốn người, ba đứa tôi học chung một lớp còn Hũ Nút ở lớp khác cho nên bình thường chúng tôi không rõ về cậu ấy lắm.
Chỉ biết là thành tích của cậu ấy rất tốt, mới học kỳ hai năm nhất mà đã là đảng viên dự bị, cứ hễ xét xếp loại ưu tú thì kiểu gì tên cậu ấy cũng nằm ở mấy hạng đầu.
Hơn nữa còn ưa nhìn. Cậu ấy không phải kiểu đẹp trai ngời ngời sức sống bắ n ra bốn phía mà là kiểu da dẻ mịn màng tướng mạo tàm tạm, ra trường được hai năm tôi mới biết kiểu đẹp của cậu ấy gọi là ngũ quan hài hòa.
Trừ việc kiệm lời thì cậu ấy chính là một ví dụ của từ hoàn mỹ.
Nhưng cậu ấy không có bạn bè gì, nếu không đi cùng chúng tôi thì luôn lẻ bóng một mình.
Cuối tuần cậu ấy hay đi sớm về trễ, đôi khi còn không về luôn.
Chúng tôi cũng từng hỏi han đi đâu vậy, cậu ấy không nói rõ mà chỉ cười chua chát đáp:
“Làm thêm.”
Chúng tôi biết gia đình cậu ấy không có điều kiện, mà lại còn phải duy trì sử dụng thuốc thường xuyên nên tiền sinh hoạt luôn không đủ tiêu.
Bởi vậy ngoài giờ học cậu ấy phải đi làm thêm, học kỳ một thì xin làm phụ bếp cho nhà ăn, học kỳ hai thì đến nhà người ta làm gia sư.
Thành ra các thành viên còn lại trong phòng chúng tôi đều cố gắng để mắt giúp đỡ cậu ấy.
4.
Đêm đó là thứ sáu, đã hơn mười một giờ khuya mà cậu ấy còn chưa về.
Ký túc xá quy định mười giờ khóa cổng, đến mười một giờ là khỏi ra vào gì nữa hết.
Chúng tôi nghĩ bụng chắc hôm nay cậu ấy lại đi làm thêm.
Bởi vì mai là thứ bảy, không có tiết học nên ai cũng muốn ngủ nướng.
Chúng tôi không khóa cửa để sáng mai Hũ Nút về thì có thể tự vào, không cần gõ cửa đánh thức chúng tôi.
Sau đó cả phòng lên giường đi ngủ, vừa đặt đầu xuống gối đã say giấc nồng, chất lượng giấc ngủ của đám con trai ưa vận động thường rất ổn.
Ngày hôm sau, một đứa tỉnh giấc vì cơn lũ chực tràn bờ đê. Cậu ta mơ mơ màng màng, mắt còn chưa hé nổi ra, hoàn toàn dựa vào cảm giác mà xuống giường, xỏ dép lê rồi đi về phía nhà vệ sinh. Lúc ấy vai có va phải thứ gì đó nhưng cậu ta ngái ngủ quá nên không để ý.
Xả lũ xong, cậu ta quay về theo đường cũ, vai lại va phải thứ kia.
Đã hơi tỉnh táo, cậu ta mở mắt xem mình đụng vào cái gì.
Ai dè liếc một cái mà sợ hãi đến mức gạt đổ cả ghế và giá để giày sát tường.
“Á!”
Chúng tôi bị tiếng kêu này dựng dậy.
“Sao đấy?!”
Tôi vừa cất tiếng đã mặt đối mặt với Hũ Nút đang treo mình lơ lửng giữa không trung.
Khi đó, thi thể của cậu ấy chậm rãi xoay, khuôn mặt đúng lúc hướng về phía tôi. Nhãn cầu lồi ra, con ngươi trợn lên trên lộ tròng mắt trắng dã, đầu lưỡi hơi thè khỏi khoang miệng che khuất môi dưới tím tái.
Ấn tượng ấy khiến tôi nhớ mãi không quên.
Nháy mắt đầu óc tôi trống rỗng, tim như có bàn tay vô hình bóp chặt, cả người run như cầy sấy, tôi hít vào nhưng thở không ra hơi, suýt chết nghẹn.
Chúng tôi nhận ra Hũ Nút đã treo cổ dưới cánh quạt trần.
Mọi người thử tưởng tượng chút nhé.
Mình rời nhà đi học đại học, một đứa bạn sống cùng phòng ký túc quyên sinh, lại còn chọn thời điểm cả phòng đang say ngủ mà yên lặng treo cổ từ giã cuộc đời.
Mấu chốt nhất là còn treo cổ ngay bên cạnh mình.
Cảm giác sợ run ấy bây giờ nhớ tới tôi vẫn còn thấy hãi.
Hũ Nút ra đi như thế nào vẫn mãi chỉ là suy đoán không được chứng thực.
Có lẽ lúc rạng sáng, khi chúng tôi ngủ sâu nhất, cậu ấy về phòng, tìm một sợi dây, luồn qua móc sắt dùng để treo quạt trần, sau đó thắt nút…
5.
Chúng tôi mau chóng mặc quần áo tử tế, không ai dám động vào hiện trường.
Tôi và một đứa bạn chạy ra ngoài gọi nhân viên quản lý ký túc, người còn lại ở yên trong phòng phụ trách ngăn những bạn học khác mò đến đồng thời gọi điện thông báo với thầy cố vấn.
Trên đường đi, liên tục có bạn học hỏi chúng tôi:
“Có người chết á? Chết người thật hả?”
“Nghe nói là treo cổ, thật hay giả đấy?”
Mặc dù bình thường tôi suốt ngày nhan nhản cái mồm ‘chết’ với cả ‘ngoẻo’ nhưng đến lúc nhìn thấy người chết thật vẫn sẽ sợ hãi.
Cho nên chúng tôi kín miệng như bưng, không hé nửa lời, gặp phải người quen dò hỏi còn mắng xa xả cho một trận.
“Chuyện liên quan đến tính mạng đừng có bàn tán linh tinh! Tích chút đức đi!”
Chúng tôi chạy thẳng tới chỗ bác gái quản lý ký túc, nói rõ chuyện đã xảy ra.
Bác ấy nghe xong cũng hoảng, tay để trước ngực run run. Bác ấy cứ trốn đông trốn tây, không muốn đi cùng chúng tôi.
Về sau thầy cố vấn tới, bác gái quản lý ký túc mới miễn cưỡng theo sau.
Kết quả thầy cố vấn nhìn hiện trường một cái, cảm thấy to chuyện rồi, thế là lập tức gọi cấp trên. Cấp trên đến, xem hiện trường, lại liên hệ lãnh đạo cấp cao hơn nữa.
Đến cuối cùng, bí thư khoa, bí thư trường, hiệu trưởng đều có mặt cả.
Hiệu trưởng vừa tới, việc đầu tiên ông ấy làm là hỏi chúng tôi: “Các em đã kể việc này cho ai chưa đấy?”
Tôi lắc đầu.
“Chưa ạ, phát hiện là bọn em liên hệ thầy cố vấn ngay.”
Hiệu trưởng gật đầu.
“Làm đúng lắm.”
Sau đó, hiệu trưởng và chủ nhiệm hậu cần cùng nhau vào phòng ký túc, bí thư khoa và bí thư trường thì kéo chúng tôi ra hành lang bắt đầu hỏi thăm.
6.
Bí thư khoa: “Chết lúc nào đấy?”
Tôi: “Em không biết ạ. Tối hôm qua chúng em ngủ lúc khoảng mười một giờ, buổi sáng tỉnh dậy thì phát hiện cậu ấy… đã mất.”
Bí thư khoa: “Một người sống sờ sờ treo cổ cạnh ba cậu mà không ai biết ư?”
Bạn cùng phòng tôi đáp: “Chúng em đều ngủ rất say, không chú ý ạ.”
Bí thư khoa: “Có phải ba người các cậu không ưa tên kia nên giết cậu ta không?”
Tôi nghe thế thì nổi giận lớn tiếng mắng: “Thầy đừng vu oan cho bọn em! Chúng em rất thân với cậu ấy!”
Bí thư trường cũng phê bình: “Ông Vương, chú ý thái độ làm việc. Đứng đắn lên tý xem nào, sao lại tùy tiện nghi ngờ nhân phẩm của học sinh trường mình thế.”
Sau đó, bí thư trường hỏi chúng tôi: “Đêm qua cậu ta cũng đang ngủ trong phòng à?”
Tôi đáp:”Không ạ, tối hôm qua lúc bọn em lên giường đi ngủ thì cậu ấy còn chưa về phòng, gọi điện và nhắn tin cũng không phản hồi. Bọn em nghĩ có thể sáng sớm cậu ấy sẽ về nên không khóa cửa.”
Nói xong, tôi đưa danh sách liên hệ gần đây và lịch sử trò chuyện cho bí thư trường xem.
Bí thư trường nhận lấy điện thoại di động của tôi, không chỉ đọc mỗi lịch sử ngày hôm qua mà còn kéo lên thời gian trước đó.
Nhưng mà cũng chẳng có gì nhiều nhặn, lịch sử trò chuyện của tôi và Hũ Nút chủ yếu toàn là mấy nội dung kiểu nhờ mua cơm, mua nước hộ hay là về phòng làm ván game.
Bí thư trường nhìn lướt một hồi, không thấy gì đáng chú ý thì trả di động lại cho tôi rồi hỏi: “Cậu ta có tình huống gì đặc biệt không?”
Tôi đáp: “Cậu ấy học lớp khác ạ, có vẻ quan hệ với bạn cùng lớp không tốt lắm. Còn nữa, cậu ấy phải uống thuốc, chính là loại trên bàn cậu ấy đó.”
Bí thư khoa nghe vậy, vào phòng, chưa đến một phút đã đi ra nói với bí thư trường: “Paroxetine Hydrochloride Tablets, thuốc chống trầm cảm. Em sinh viên này mắc bệnh trầm cảm.”
Bí thư trường như đã có quyết định trong lòng, hai vị bí thư khẽ gật đầu với nhau.
Bí thư khoa nói: “Mắc bệnh trầm cảm, vụ này hẳn là tự sát.”
Bí thư trường nói với chúng tôi: “Các em ra ngoài thuê phòng ở mấy ngày nhé, mọi thứ trong phòng này tạm thời không được động vào. Lát nữa cảnh sát tới, hỏi gì các em cũng cứ đáp như bây giờ, nhớ chưa?”
Hay tin cậu ấy mắc bệnh trầm cảm, chúng tôi rất kinh ngạc nhưng lại cảm thấy nhẹ nhõm nhiều hơn, như thể cuối cùng cũng rũ sạch được hiềm nghi trên người mình vậy.
Tuy nhiên cẩn thận ngẫm nghĩ thật kỹ thì lại cảm thấy càng đáng sợ.
Từ lúc chúng tôi phát hiện thi thể Hũ Nút, đã hơn hai tiếng đồng hồ mà cậu ấy vẫn lủng lẳng ở chỗ kia, không ai nhớ tới việc đưa cậu ấy xuống.
7.
Hiệu trưởng và chủ nhiệm hậu cần ra khỏi phòng của chúng tôi, sắc mặt trông không vui vẻ gì cho cam. Hiệu trưởng liếc mắt nhìn bí thư trường, hỏi: “Chuyện này nên báo cảnh sát nhỉ?”
Bí thư trường gật đầu: “Có thể báo rồi. Nhưng mà như này, chúng ta mở video giám sát xem trước chút đã, không có vấn đề gì thì báo cảnh sát cũng chưa muộn.”
Nói thật, lúc nghe được đoạn nói chuyện này của bọn họ, tôi âm thầm khinh bỉ trong lòng.
Chả trách cứ người có thẩm quyền đến yêu cầu tra xét video giám sát là bọn họ lại nói camera hỏng rồi, đang kiểm tra tu sửa.
E rằng đã xóa bỏ nội dung video từ lâu, không có gì để trình ra cho người ta nên đành nói dối.
Sau đó, hiệu trưởng, chủ nhiệm hậu cần, trưởng ban bảo vệ, bí thư khoa, thầy cố vấn, tổng cộng năm người dẫn chúng tôi đi trích xuất video. Còn mấy vị lãnh đạo khác đi đâu làm gì thì tôi cũng chịu.
Thành thật mà nói, mặc dù xem giữa ban ngày ban mặt nhưng nội dung của đoạn video giám sát vẫn để lại trong lòng mỗi người xem một dấu ấn không thể xóa nhòa…
8.
Video giám sát khu ký túc xá nam được lưu trữ ngay tại phòng quản lý ký túc.
Các lãnh đạo yêu cầu bác gái quản lý trích xuất camera theo dõi tòa chúng tôi ở.
Màn hình chiếu ra hình ảnh lúc rạng sáng khoảng hai giờ, Hũ Nút xuất hiện từ cuối hành lang.
Cậu ấy đi đến trước phòng ngủ, vừa mới đặt tay lên tay nắm cửa thì video bị dừng.
Bác quản lý ký túc còn tưởng chạm nhầm vào nút tạm dừng nhưng thời gian trên đồng hồ hiển thị dưới góc phải vẫn luôn trôi.
Không phải video bị dừng mà là Hũ Nút bất động.
Thế là quản lý ký túc ấn nút tua nhanh.
Tua khoảng hai phút, hành lang u tối nhưng camera có tích hợp công năng ghi hình ban đêm nên vẫn có thể thấy rõ động tác của Hũ Nút.
Cậu ấy đứng im không nhúc nhích, trọn năm phút đồng hồ.
Mãi rồi cậu ấy mới buông tay khỏi cánh cửa, lấy điện thoại di động ra, nhìn một chút rồi bỏ lại trong túi.
Tuy nhiên Hũ Nút vẫn chưa vào phòng, cậu ấy quay người rời đi.
9.
Bác quản lý ký túc chuyển sang các camera khác theo hướng đi của Hũ Nút.
Các cảnh phía sau rất kỳ dị.
Thằng nhóc Hũ Nút này từ hai giờ đến ba giờ sáng chỉ lững thững đi trong hành lang tòa nhà ký túc.
Suốt một tiếng đồng hồ, cậu ta đi từ tầng năm xuống tầng ba, từ tầng ba lên sân thượng.
Đêm đã khuya, sinh viên đang say giấc nồng.
Camera không màu nên trong video trông cậu ấy trắng toát, tựa u hồn du đãng từng tầng một.
Đèn cảm ứng tối rồi lại sáng, sáng rồi lại tối.
Thỉnh thoảng Hũ Nút ngồi thụp xuống thút thít, lại thỉnh thoảng đến cạnh khung cửa sổ bên đoạn cầu thang nối giữa hai tầng.
Cậu ấy đứng lên bệ cửa sổ nhìn cảnh sắc phía dưới, sau đó sợ hãi rụt rè bước trở lại bậc thang rồi ngồi xổm trên mặt đất nức nở.
Chúng tôi cứ thế xúm vào xem đoạn video đen trắng này.
Lòng tôi nặng trĩu như có một áp lực vô hình ép mạnh xuống.
Hình ảnh trong video giám sát dường như là một khung tranh vải bị bút sáp màu đen tô loạn lên.
10.
Về sau, qua video giám sát, chúng tôi thấy Hũ Nút lên sân thượng, biết mất tại điểm mù của camera một thời gian ngắn ngủi rồi lại xuất hiện trong khung hình.
Lúc này cậu ấy đi đến bên bờ tường, trèo lên lan can, nhìn xuống dưới mặt đất.
Tôi có thể cảm nhận được cậu ấy đang manh nha ý định gieo mình nhưng lòng còn sợ hãi.
Cậu ấy làm đi làm lại động tác bật nhảy xa tại chỗ rất nhiều lần.
Rồi cuối cùng cậu ấy vẫn không thể nhảy xuống.
Có lẽ cậu ấy ngại cảnh máu thịt bầy nhầy sau khi tiếp đất.
Tôi thấy Hũ Nút thò tay vào túi, thế mà rút ra một bó dây nilon, nhìn không rõ lắm nhưng hẳn là sợi dây cậu ấy dùng để chấm dứt sinh mạng.
Hũ Nút như đã hạ quyết tâm, cậu ấy quay người vọt thẳng xuống tầng năm.
Lần này, cậu ấy đến trước cửa phòng, không chút do dự, chậm rãi đẩy cửa bước vào trong.
Sau đó, không đi ra nữa…
11.
Đoạn video hai tiếng đồng hồ bị tua nhanh bảy lần.
Thực tế chúng tôi mới xem chưa đầy mười lăm phút.
Nhưng chính mười lăm phút ngắn ngủi này khiến tâm trạng của tất cả mọi người ở đây đều chùng xuống.
Sắc mặt hiệu trưởng khó coi nhất, ông ấy thở dài.
“Chà, đúng là bình thường chúng ta chưa chú trọng đến công tác giáo dục sức khỏe tâm lý sinh viên cho thỏa đáng nhỉ. Bạn sinh viên này trù trừ hơn hai giờ, cuối cùng vẫn quyết định kết thúc sinh mệnh của mình.”
Tôi cũng cảm thấy chua xót thay.
“Giây phút cậu ấy quyết định từ bỏ cuộc sống chắc hẳn phải tuyệt vọng biết bao.”